Thursday, 1 February 2018

Lm Joe Mai Văn Thịnh CSsR: MỘT NGÀY LÀM VIỆC CỦA ĐỨC GIÊ-SU, CÒN CHÚNG TA?




Bài đọc thứ nhất hôm nay, trích sách ông Gióp, bàn về đau khổ. Tuy ông đã vượt qua bao thử thách; nhưng cũng có lúc ông cảm thấy như không còn sức để đi tiếp. Trong cơn thử thách hầu như không chịu nổi; vì quá uất ức và đau khổ nên ông mới thốt lên những lời đầy bi quan như “chừng nào tôi mới thức dậy, và chừng nào là đến chiều? Tôi phải buồn sầu mãi cho đến tối. Ngày của tôi qua nhanh hơn chiếc thoi đưa, nó tàn lụn đi mà không mang lại tia hy vọng nào.”
Tuy vậy, ông cũng không để cho buồn chán, uất ức và đau khổ làm chủ cuộc sống của ông. Bởi vì, tình trạng đau khổ của ông tuy kéo dài nhưng niềm tin của ông vào sự quan phòng của Thiên Chúa, Đấng không hề bỏ rơi ông mới là các điểm chính mà tác giả muốn gửi đến cho chúng ta. Cuối cùng ông Gióp đã tìm lại đuợc tất cả.
Ai trong chúng ta chẳng biết rằng đau khổ là một phần của đời sống. Không ai trong chúng ta có thể chạy trốn hay tránh né nó. Hãy đối diện bằng niềm tin. Dũng khí của Thiên Chúa ban cho sẽ là khí cụ giúp chúng ta an bình để chấp nhận những khổ đau.
Từ câu chuyện của ông Gióp, chúng ta rút ra được bài học, đó là luôn tin tưởng vào lòng thành tín và yêu thương của Thiên Chúa, Đấng chỉ muốn cho con người có cuộc sống tốt đẹp và tràn ngập hạnh phúc. Còn khổ đau phần đông là do cách đối xử của chúng ta như: thiếu yêu thương, thiếu kiên nhẫn hay bắt bẻ, xét nét và không cảm thông cho những bất toàn của nhau để rồi làm khổ nhau.
Nếu không có đau khổ, bất hạnh thì làm sao con người biết trân quí cái gì là hạnh phúc! Vì vậy, mặc dầu đau khổ gắn liền với thân phận con người, nhưng nó lại là một cơ hội để con người đến với nhau bằng sự cảm thông, yêu thương, hỗ trợ, ủi an và giúp đỡ nhau. Đó chính là hình ảnh mà chúng ta nhìn thấy qua cuộc sống, công việc mà Đức Giê-su thực hiện trong trình thuật mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng hôm nay.
Bài Tin Mừng tuần này có thể được mô tả như phần thứ hai trong ngày làm việc đầu tiên của Đức Giê-su tại Ca-pha-na-um. Sau phần giảng dậy và chữa người bị quỷ ám trong hội đường. Đức Giê-su cùng với các môn đệ đi đến nhà mẹ vợ của ông Simon, sau này gọi là Phê-rô. Việc Đức Giê-su từ hội đuờng về nhà là một việc rất tự nhiên và bình thường. Người giống như chúng ta cần nghỉ ngơi sau cơn vất vả; cần đuợc bồi duỡng mỗi khi đói hay khát. Nhưng, chi tiết này không vô tình khi đuợc nhấn mạnh. Đây là một chi tiết thật quan trọng.
Chúng ta vẫn chưa quên rằng tất cả các sách Tin Mừng được hoàn thành sau khi đền thờ Giê-ru-sa-lem bị tàn phá. Sau biến cố thật đau thương đó, anh chị em tín hữu tiên khởi, nhất là những tín hữu gốc Do Thái không còn cơ hội lên đền thờ để thờ phượng nữa. Vì thế, họ dùng nhà riêng để cử hành việc bẻ bánh và các nghi thức phụng vụ thờ phượng Chúa.
Còn thêm một chi tiết khác, trong đoạn sau cuả bài Tin Mừng hôm nay, khi mô tả việc Đức Giê-su chữa cho nhiều người, Thánh sử Mác-cô đã mô tả là ‘cả thành xúm lại trước cửa’. Cửa ở đây không phải là cửa nhà hay sao. Như vậỵ thật quan trong khi ý niệm ‘giáo hội tại gia’ đuợc đề cao và nhấn mạnh trong giai đoạn khởi đầu và vô cùng quan trọng của việc rao giảng Tin Mừng và xây dựng Hội Thánh.
Hội Thánh hoàn vũ như hiện nay không cần đi lùi lại thời điểm này. Nhưng yếu tố này  nhắc nhở chúng ta một điều thật quan trọng là nếu chúng ta quá chú trọng đến việc cử hành phụng tự tại các đền thờ đồ sộ, nguy nga và tráng lệ. Rồi đến một lúc, đền thờ không còn thì chúng ta thờ phượng ở đâu. Tinh thần và chân lý vẫn có thể đuợc bắt đầu tại các ‘giáo hội tại gia’. Tình yêu mà không được bắt đầu từ gia đình thì chúng ta biết tìm nó ở đâu đây!
Các công việc trong một căn nhà phần lớn lệ thuộc vào người phụ nữ. Trong trình thuật hôm nay, chúng ta không biết mẹ vợ ông Simon Phê-rô tên là gì? Và nếu bà bị ốm thì cũng còn vợ ông Phê-rô đứng ra lo việc đón tiếp Đức Giê-su. Nhưng vợ của Simon Phê-rô không đuợc nói đến lại là một cơ hội để chúng ta nhìn ra vai trò của người phụ nữ trong sứ mạng của người môn đệ. Nhiệm vụ của các chị mà một số người gọi là nữ quyền thật quan trọng và đáng đuợc tôn vinh. Đó là các chị đến để phục vụ chứ không đến để đuợc phục vụ như lời nói của Chúa: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến dâng mạnh sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10:43-45)
Ngày hôm nay, mỗi khi lên sơn sốt chúng ta chỉ cần 2 viên Panadol là xong. Bà mẹ vợ ông Simon Phê-rô yếu liệt và không thể đi lại được là do cơn sốt cuả bịnh sốt rét hành hạ. Thế mà, ngay sau khi được chữa khỏi bà đã lập tức đứng dậy để phục vụ và thực hành đức ái. Bà là người phụ nữ đầu tiên trong Tin Mừng thực hành nhiệm vụ của người môn đệ, đến để phục vụ tha nhân, chứ không phải đến để đuợc người khác phục vụ. Điều này cũng có thể giúp chúng ta nhận ra rằng chỉ vì cơn sốt khiến bà không thể chia sẻ hồng ân để phục vụ người khác. Nói khác đi, vai trò của một người hiếu khách và thích phục vụ đã đuợc trao ban. Vì bịnh tật mà công việc này bị dở dang. Nay qua bàn tay của Đức Giê-su, chúng ta đuợc phục hồi không chỉ để lo cho mình mà còn lo cho tha nhân mới là nhiệm vụ chính.
Ngày nay với nền tiến bộ của y học, đã có nhiều chứng bệnh được chữa khỏi. Tuy nhiên, bịnh hoan tật nguyền vẫn là nguyên nhân khiến con người bị suy nhược về tinh thần lẫn thể xác. Nó khiến chúng ta mất tự tin, các sinh hoạt bị đình trệ hoặc tắc nghẽn. Họ cần đến sự giúp đỡ của bác sĩ, y tá và những nhân viên chuyên nghiệp. Nói chung tự mình không lo đuợc cho bản thân mà phải nhờ đến người khác giúp đỡ.
Như hoàn cảnh của bà mẹ vợ ông Simon, bà bị trói trên giường thế nào thì bịnh tật cũng làm cho mọi sinh hoạt của con người thu hẹp lại. Đức Giê-su không chỉ chữa cho bà và chúng ta  khỏi bệnh mà còn nối kết chúng ta lại với những gì trước đây đã bị tắc nghẽn, bị gián đoạn. Đức Giê-su hoàn trả lại cho người vừa đuợc khỏi bịnh căn tính của một con người, không còn bị ngăn trở. Họ tiếp tục các công việc đang bị dở dang.
Sau đó, đến phần Đức Giê-su lén rời Ca-pha-na-um. Đây là một thói quen tốt lành thường xẩy ra trong cuộc sống của Người. Đức Giê-su thuờng bắt đầu một ngày mới bằng việc cầu nguyện, liên kết và đàm thoại với Cha. Thật vậy, lại một lần nữa, chúng ta không đuợc biết là Đức Giê-su đã cầu nguyện gì với Cha hôm nay. Chúng ta có thể dựa vào những câu tiếp theo để tìm hiểu và suy đoán được phần nào ý của Người.
Trước khi tìm hiểu. Chúng ta cần thống nhất với nhau điểm chung này là Đức Giê-su đến để thi hành ý muốn của Cha và làm cho ý Cha được hiển thắng. Còn về phần Người, chắc hẳn không đi tìm sự tôn vinh của người đời hay của những kẻ đi theo Người. Vinh quang đó tuỳ thuộc nơi Cha. Còn phần Đức Giê-su, chu toàn tôn ý của Cha là sứ mạng của Ngươì.
Với nhận xét này, chúng ta hãy tìm hiểu ý nghĩa lời yêu cầu của Simon Phê-rô: “Mọi người đang tìm Thầy đấy.” Dân chúng tìm Đức Giê-su để được chữa cho khỏi bịnh hay là họ tìm để tôn vinh Chúa? Cả hai điều hình như đều không hợp ý Đức Giê-su cho lắm.
Bởi vì, việc chữa cho người ta khỏi các bịnh tật về phần xác là điều cần thiết, nói lên tình yêu và lòng thương xót của Đức Giê-su. Nhưng, Đức Giê-su đến trần gian không chỉ để chữa cho người ta hết bịnh về phần xác. Và nếu sứ vụ của Người chỉ thu hẹp trong phạm vi đó thì đến lúc Người trở về với Thiên Chúa thì bịnh tật và đau khổ vẫn tiếp tục làm khổ con người. Thật sự có thể chứng minh cho chúng ta điều này. Vấn đề vẫn còn nguyên, không giải quyết đuợc gì!
Như vậy, mục đích tìm kiếm của dân chúng xem ra không chính đáng cho lắm. Và, khi  chữa bịnh Đức Giê-su cũng không làm để thỏa mãn nhu cầu của dân chúng, cho bằng công bố một sứ điệp thật quan trọng là Nước Thiên Chúa đã gần bên. Uy quyền của Satan sẽ bị trục xuất để hoàn lại bản chất đích thực của con người như đã đuợc tạo dựng. Đó là việc chúng ta phải nhìn ra và tiếp tục công việc của Người cho đến mọi thời. Hãy để việc chữa bịnh cho những ai đuợc ơn đó. Phần chúng ta hãy đến với nhau bằng sự cảm thông, yêu thương, hỗ trợ, ủi an và giúp đỡ nhau. Đó chính là các phương dược hữu hiệu có thể giúp con người đối diện với bịnh tật và đau khổ.
Còn nếu họ tìm để tôn vinh Thầy thì như anh chị em đều biết là Đức Giê-su luôn tìm cách để trốn họ. Bởi vì vinh quang thuộc về Thiên Chúa. Người không phục vụ để thế gian khen tặng. Nhưng thi hành triệt để tôn ý của Cha là mục tiêu và lẽ sống của Người. Còn vinh quang có được ban tặng hay không hoàn toàn tuỳ thuộc nơi Cha.
Đức Giê-su không chỉ lẩn trốn rồi đi vào các nơi hoang vắng để cầu nguyện mà thôi; nhưng Người còn lẩn tránh những ai hiểu sai ý định của Thiên Chúa. Người đến trong trần gian để làm việc đó, hôm nay Người lại ‘ra đi để làm việc đó’. Có nghĩa là Đức Giê-su hoàn toàn tự do trong việc việc rao giảng. Không một thế lực nào, không một truyền thống nào có thể tạo nên một sức ép để điều khiển Người. Đức Giê-su hoàn toàn tự do để công bố rằng: Uy quyền của Thiên Chúa đã đến và con người không còn thống trị bởi sự ác nữa.
Vì thế, chúng ta hãy đến với Người, ở lại trong Người và cùng Người làm việc để Uy quyền và Danh Thánh của Thiên Chúa đuợc cả sáng hơn. Bằng thái độ sống như thế, chúng ta tin rằng mọi tình huống khiến cho con người bị đau khổ sẽ giảm bớt hơn. Amen!

No comments: