Thursday, 8 February 2018

Gs Marcus J Borg: Gặp gỡ Đức Giêsu : (Bài 22) Đức Giêsu và sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa



Chương 5
Đức Giêsu và sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa
 (Bài 22)


Tin Mừng Nhất Lãm

Về với Tin Mừng Nhất Lãm kể trong Tân Ước, ta thấy nhiều đoạn cũng liên-kết Đức Giêsu với Sophia. Có lần, Tin Mừng từng viết lời Đức Giêsu bảo rằng:

“Vì thế
Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa đã phán:
"Ta sẽ sai Ngôn Sứ và Tông Đồ đến với chúng:
chúng sẽ giết người này,
lùng bắt người kia.
Như vậy, thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu
tất cả các ngôn sứ đã đổ ra
từ tạo thiên lập địa,”
(Lc 11: 49-50; Mt 23: 34-35)

Điều cần bàn, là câu dẫn nhập qua đó Đức Giêsu có nhắc đến Khôn ngoan Sophia. Theo ngôn ngữ Khôn-ngoan, thì Ngài là Đấng được sai đi, hoặc “Sứ thần Sophia là Đấng thánh” được đề-cập .

Ở một đoạn khác, Đức Giêsu lại cũng nói: Ngài là người con của Khôn ngoan Sophia. Cuối bài viết, lại thấy nói: nhiều người nhắm thẳng vào Ngài và ông Gioan Tẩy Giả mà chỉ-trích, khi ấy Đức Giêsu lại cũng bảo:
“Thật vậy,
ông Gioan Tẩy Giả đến,
không ăn bánh, không uống rượu,
thì các ông bảo: "Ông ta bị quỷ ám.
Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai,
thì các ông lại bảo: "Đây là tay ăn nhậu,
bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.
Nhưng Đức Khôn Ngoan đã được tất cả con cái mình
biện minh cho."
(Lc 7: 33-35/Mt 11: 18-19)

Ở đây, Đức Giêsu cho biết Ngài và ông Gioan Tẩy Giả, là người con của Khôn ngoan Sophia. Nói chung, hai đoạn văn này đều hàm-ẩn cùng một ý-tưởng bảo rằng: tín-hữu thời đầu coi Đức Giêsu là phát-ngôn-nhân và là “Người con của Khôn ngoan Sophia”. Và, có lẽ Đức Giêsu cũng nói về chính Ngài bằng ngôn-từ, tựa như thế (*26)

Ở Tin Mừng, ta thấy nhiều đoạn cũng liên-kết Đức Giêsu với Khôn ngoan Sophia, hệt như thế. Qua liên-kết này, Đức Giêsu là ảnh-hình của Thiên-Chúa, Đấng giàu lòng lân-tuất, tựa hồ “bụng dạ người mẹ”, theo cách rất trổi bật (*27).

Nói Thiên Chúa có “bụng dạ con người”, là cho rằng: Thiên-Chúa như nữ-phụ, là sự việc Ngài được nhân-cách-hoá thành Khôn ngoan Sophia hầu chứng-tỏ Ngài cũng như nữ-phụ, tức phát-ngôn-nhân của lòng từ-tâm Sophia.    

Trọng-tâm của tiệc bàn và hình-ảnh của bàn tiệc, đặc biệt là các món ăn do Đức Giêsu dọn cho những kẻ bị đẩy lùi ra ngoài xã-hội có lẽ cũng được kết-nối với Khôn ngoan Sophia. Phần đông học-giả hôm nay đều nói lên ảnh-hình này liên-kết với thời của Đấng Mêsia coi đó như việc dự-phần vào tiệc bàn rộng mở với Đấng Mêsia. Có thể là như thế.

Nhưng, việc liên-kết Khôn ngoan Sophia vào với Tiệc bàn của Đấng Mêsia ít ra cũng rất mạnh đối với Do-thái-giáo đầy truyền-thống. Có thể, tiệc bàn do Đức Giêsu dọn, lại cũng là bàn tiệc của Khôn ngoan Sophia, thôi.

Từ đó, có thể cũng có sự việc nào đó được liên-kết với Vương Quốc Nước Trời, nữa. Như đã nói, phần lớn các học-giả thuộc thế kỷ này, đều hiểu biết, rằng: đề-cập đến Vương Quốc Nước Trời là để qui về Vương quốc thời cánh-chung/thế-mạt, nên sự kiện Vương quốc Nước Trời sẽ tới trong mai ngày, là để chấm dứt sự hiện-hữu của thế-gian, như ta từng hiểu (*28).

Nhưng, theo tác-giả John Dominic Crossan nói trong cuốn sách ông viết có đầu đề là: “The Historical Jesus: The Life of a Mediterranean Jewish Peasant”, ông lại cũng biện-giải rằng: bằng vào sự việc bà con thôi không còn hiểu Vương Quốc Nước Trời theo nghĩa cánh-chung/thế mạt nữa, ta thấy được ý-nghĩa ngôn-từ do Đức Giêsu sử-dụng khi Ngài nói về Vương Quốc Nước Trời là nói trong bối-cảnh truyền-thống về “khôn-ngoan” (*29).

Truyền-thống khôn-ngoan, cũng bàn về Vương Quốc. Và Vương Quốc mà Đức Giêsu nói đến, có thể cũng là Vương quốc của Khôn ngoan, chứ không là Vương Quốc đang trờ đến, có lửa cháy phừng phừng phán xét mọi người/mọi việc, chút nào hết.

Một số điểm nhấn trong luận-án này vốn dĩ mang tính biện-giải, nên người đọc lại đã hỏi: nó có chuyên-chở một khẳng-định nào cho thấy việc tin như thế còn tuỳ các nghiên-cứu/khảo-sát trong tương-lai/mai thời, không chứ?

Dù sao đi nữa, có điều khiến ta có thể nói một cách đầy tự tin, cốt bảo rằng: Tin Mừng Nhất Lãm lại đã tạo nên chân-dung Đức Giêsu không như bậc thày khôn-ngoan thôi, mà còn như Đấng có liên-quan mật-thiết với Sophia nữa.



Ông Phaolô Tông Đồ
               
Với ông Phaolô, thì: Khôn-ngoan có thể cũng là đầu giây mối nhợ chính cho hệ-thống biện-giải của ông. Như ta thấy, ông Phaolô nói về Đức Giêsu như Đấng Sophia của Thiên-Chúa. Nhưng, trước khi diễn-giải những điều diễn-tả ở đây, có lẽ ta cũng nên soi rọi đôi điều hầu khám-phá ra các liên-kết nào khác khi ông Phaolô sử-dụng ngôn-từ khôn-ngoan và ông còn đả động đến cả “khôn-ngoan thay thế” của Đức Giêsu nữa.

Tiếp theo sau Đức Giêsu, ông Phaolô là một trong các nhân-vật quan-trọng thuộc lịch-sử Đạo Chúa thời mới chớm (*30). Các thư từ ông viết, được thực-hiện trong 15 năm trước ngày ông bị xử trảm tại Rôma, khoảng thời-gian trước/sau niên-biểu 64, lại là chứng-cứ ta có được vào thời sớm nhất của phong trào trổi-bật của Đạo Chúa thời mới chớm.

Dĩ nhiên, các thư này hoàn toàn khác với Tin Mừng ta có được. Bằng vào phần lớn các thư do ông Phaolô viết cho các cộng đoàn mà ông thiết-lập, các thư này đều nói đến các vấn-đề tiêu-biểu của cộng đoàn địa-phương, thôi.

Kết quả là, chính ông Phaolô ít khi qui về các sự-việc liên-quan đến Đức Giêsu-trước-ngày-Phục-Sinh và các huấn-dụ của Đức Giêsu-sau-ngày-Phục-Sinh, tức: Đức Kitô đã Phục Sinh/trỗi dậy-  lại chính là trọng-tâm kinh-nghiệm và nền-tảng thần-học của riêng ông (*31).

Rõ ràng, bên dưới các khác-biệt giữa Tin Mừng và thư-từ của ông Phaolô, dù ông có muốn giữ im-lặng về Đức Giêsu lịch-sử, vẫn có nhiều điểm trùng-hợp đáng kể giữa thông-điệp do ông đề-xướng với “khôn ngoan lật đổ” và “khôn-ngoan thay thế” của Đức Giêsu.           

Ta lại thấy rõ điều này trong việc ông Phaolô sử-dụng cụm-từ “giải-án tuyên-công”, nữa. Theo các học-giả từng coi đây như trọng-tâm thần-học của ông Phaolô, thì ít ra đây là một trong hai, hoặc ba ý-niệm quan-trọng, để ta hiểu được thông-điệp của ông.

“Giải án tuyên công”, là ẩn-dụ mang tính-cách pháp-lý. Nó là “cái nôi ngôn-ngữ” thuộc thế-giới cổ/xưa trong sân bãi pháp-luật, qua đó việc định-hình người được “giải án tuyên công” là một thứ án-lệnh cũng quan-trọng không ít.

Dù nó không tương-đương với tự-vựng ngày nay, ta lại hay dùng nó khi nói về người “vô tội” hoặc “người được tha bổng”. Đây là án-lệnh mà ai cũng muốn quan toà tuyên-bố cho về mình. Điều đó có nghĩa: đương-sự được công-nhận là lâu nay sống rất phải. Chuyên-chở và đưa vào lĩnh-vực thần-học, thì cụm-từ “giải án tuyên công” cũng quan-tâm đến người được cho là “đã sống rất phải” với Thiên-Chúa.

Theo ông Phaolô, trọng-tâm Tin Mừng vẫn cho thấy là ta được định-hình là “đã sống rất phải” với Thiên-Chúa, nhờ ân-sủng. Toàn bộ câu nói của ông Phaolô theo cách này là cốt ý bảo rằng: “việc giải án tuyên công, là nhờ vào ân-sủng ngang qua niềm tin” (*32).

Trái nghịch sự việc được “giải án tuyên công nhờ ân-sủng”, vẫn phải là “giải án tuyên công nhờ hành động”. Điều này tương-tự như câu nói “sống đúng luật”, là trạng-huống con người tìm cách sống theo cách phải lẽ với Thiên-Chúa bằng hành-động “thuận theo pháp luật”, tức: thực-thi những gì Thiên-Chúa muốn.

Sử-dụng ngôn-từ như ở chương 4, thì: đây là cuộc sống thuận theo “nguyên-tắc thực-hiện”, trong đó tôi “thuận-thảo làm hết mọi chuyện” dù chuyện đó có nói về việc sống Đạo hoặc sống trong đời, tuỳ thuộc thứ gì đó do tôi làm hoặc tin-tưởng, mà thôi. Đây là đường-lối sống từng bị ông Phaolô đả-kích dữ-dội trong các thư do ông viết.

Điều quan-trọng với ông Phaolô, thì việc “sống đúng luật” không đơn-giản tương-tự như sống “theo luật Torah định-vị”. Nói thế như thể bảo: vấn-đề không là “sống theo luật Torah như được dạy, mà là đường lối sống mà mọi người cho là “coi được” trước mặt Thiên-Chúa, bằng việc thực-thi mọi đòi hỏi, dù nhiều hay ít.

Tựu trung thì, hầu hết tín-hữu Đạo Chúa hôm nay, thường hiểu sai sự việc này rất không ít. Đa phần các vị này lại cứ tưởng: vấn-đề là bởi luật Torah có nhiều đòi hỏi sai quấy; và người Đạo Chúa, thay vào đó, chỉ thực-thi các luật buộc ghi trong Đạo. Một khi sự việc này xảy đến, thì sự việc “sống đúng luật” vẫn còn đó nỗi buồn.

“Giải án tuyên công nhờ ân sủng”, là được Chúa giải toả mọi ràng buộc như quà tặng nhưng-không. Tựu-trung là, Ngài giải-thoát cuộc sống của ta để ta không còn phải lo lắng/phấn-đấu, cũng như bận-tâm về chính mình. Với ông Phaolô, đây là ý-nghĩa trọng-tâm của Tin Mừng ta có từ Đức Kitô như ông viết trong các thư-từ gửi giáo-đoàn Rôma và Galata, như sau:

            “Nay thì họ được giải án tuyên công
Một cách nhưng không,
Nhờ việc cứu-chuộc trong Đức Kitô Giêsu
            Vì đích cùng của Lề luật là Đức Kitô nguồn công chính cho mọi người
            Chính để ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát ta.”
(Rm 3: 24/10:4; Galát 5:1)    

Thế nên, đối với ông Phaolô, tự nền-tảng có hai đường-lối để sống Đạo cho đúng cách là: sống nhờ vào ân-sủng ngang qua niềm tin và sống đúng luật nhờ lao-động (*34). Sự tương-phản nền-tảng này, vốn rất quan-trọng với nền thần-học của anh em thuộc nhóm Thệ-Phản thường bị hiểu lầm khá nhiều (*35) lại cũng cùng một nền-tảng như ta thấy trong một số huấn-dụ của Đức Giêsu.

“Giải án tuyên công nhờ lao-động”, hoặc “sống đúng luật”, là cuộc sống trong thế-giới của khôn-ngoan qui-ước là hệ-thống khôn ngoan chuyên nhấn mạnh việc đòi buộc và tưởng thưởng. Còn, cuộc sống nhờ ân sủng là khôn-ngoan thay-thế do Đức Giêsu chủ-trương, cũng nhấn-mạnh đến sự thương-cảm và Thần Khí của Chúa.

Rõ ràng, ông Phaolô đã sử-dụng ngôn-từ khôn-ngoan để diễn-tả hai lối sống khác-biệt như 4 chương đầu của thư 1 Corinthô có nói, tức: thư ông viết cho cộng-đoàn này hồi năm 54 hay sau đó. Nhằm đối lại sự rạn nứt bên trong cộng-đoàn tín-hữu Corinthô, ông Phaolô đã khai-triển sự tương-phản mạnh-mẽ giữa “khôn ngoan thế-gian” với “khôn-ngoan của Thiên-Chúa”.

Vào dạo ấy, các tín-hữu cứ âm-thầm chia rẽ nhau, nên họ vẫn sống theo kiểu “khôn-ngoan thế-gian”. Điều này, được định-hình bằng lời giải-thích của Tin Mừng theo cách đặc-thù, có khi lại cũng muốn nhờ vào tài-cáng đặc-biệt của các lãnh-đạo tôn-giáo thời ấy để giải-hoà.

Điều này, ngoài mặt  bao gồm việc định-danh/định-hình bằng một đoạn văn đặc-biệt giải-thích Tin Mừng hoặc cũng có thể định-vị với lãnh-đạo đặc-biệt nào đó trong cộng-đoàn tín-hữu Đức Kitô. Những người cách-ly lâu nay từng bảo: “Tôi thuộc về ông Phao lô” hoặc nói: “Tôi theo phe ông Appôlô” hoặc: “Tôi thuộc về ông Kê-pha” (*36).

Ông Phaolô lại đã phản-hồi bằng cách nói về “khôn-ngoan Thiên Chúa” (có khi cũng nói về “sự điên-rồ của Chúa” bởi lẽ đó là điều nghịch lại “khôn-ngoan của thế-gian”, tức thứ khôn-ngoan “huỷ-diệt sự khôn-ngoan của người khéo-léo”. Khôn-ngoan của Thiên-Chúa là “Đức Kitô chịu đóng đinh” là Đấng phá –huỷ thứ khôn-ngoan của thế gian” (*37) Hoa quả của việc này là hiệp-nhất chứ không phải chia rẽ.

Nói tóm lại, sự kình-chống giữa “khôn-ngoan của thế-gian” với “khôn-ngoan của Chúa” cũng tương-tự như sự tương-phản giữa khôn-ngoan qui-ước và “khôn-ngoan thay-thế” của Đức Giêsu.

Tương-tự như Đức Giêsu, ông Phaolô lật đổ thế-giới của khôn-ngoan theo qui-ước; và ông nói về thứ khôn-ngoan thay-thế đặt nền-tảng nơi ân-sủng của Thiên-Chúa được biết nơi Đức Giêsu. Thành thử, luôn có sự liên-tục rất đáng kể giữa các huấn-dụ đầy sự khôn-ngoan của Đức Giêsu với trọng-tâm thông-điệp của ông Phaolô.

Cộng thêm vào với sự liên-tục này, ông Phaolô lại cũng nói một cách không úp mở về Đức Kitô như “Khôn-ngoan của Chúa”.

“Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người.” (1Cor 1: 22-24)    

Cuối thư, ông Phaolô lại cũng viết:

“Chính nhờ Thiên Chúa mà anh em được hiện hữu trong Đức Ki-tô Giê-su, Đấng đã trở nên sự khôn ngoan của chúng ta, sự khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa, Đấng đã làm cho anh em trở nên công chính, đã thánh hoá và cứu chuộc anh em.” (1Cor 1: 25)

Hiểu Đức Ki tô là sự “khôn-ngoan của (và từ) Thiên-Chúa theo nghĩa nào đây? Cách riêng, ta có nên hiểu “Khôn-ngoan của Chúa” trong các câu thư này như âm vang cộng với sắc-thái nói về Đấng Sophia thần thánh chứ? Có thể như thế lắm. Và như thế, có nghĩa ông Phao lô đã nói về Đức Giêsu như Đấng Sophia của và từ Thiên Chúa.

Lại nữa, ta còn thấy thêm nữa một liên-kết giữa ngôn-từ tiếng Do-thái về Đấng Sophia và ngôn-ngữ do ông Phaolô sử-dụng để nói về Đức Giêsu. Trong các đoạn khác, ông Phaolô lại nói về những gì mà ta gọi-là sự hiện-hữu có trước của Đức Kitô, tức là: Đức Kitô đã hiện-hữu từ muôn thuở với Thiên Chúa và Ngài cũng chủ động trong việc tạo-dựng trời đất. Ý-nghĩa nói ở đây, đã xuất hiện trong công-thức ngắn-ngủi gặp thấy ở thư thứ nhất gửi cộng đoàn Corinthô như sau:

“Thật thế, mặc dầu người ta cho là có những thần ở trên trời hay dưới đất -quả thực, thần cũng lắm mà chúa cũng nhiều- nhưng đối với chúng ta, chỉ có một Thiên Chúa là Cha, Đấng tạo thành vạn vật và là cùng đích của chúng ta; và cũng chỉ có một Chúa là Đức Giêsu Kitô, nhờ Người mà vạn vật được tạo thành, và nhờ Người mà chúng ta được hiện hữu.” (1Cor 8: 5-6)

Đoạn thứ hai, trong đó có thể do cộng-đoàn Phaolô hoặc chính ông Phaolô viết cũng không chừng, đã dàn rộng việc diễn-tả vai-trò của Đức Kitô trong tạo-dựng, như sau:

“Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình,
là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo,
vì trong Ngài, muôn vật được tạo thành
trên trời cùng dưới đất,
hữu hình với vô hình.
Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng
hay là bậc quyền năng thượng giới,
tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng
nhờ Ngài và cho Ngài.
Ngài có trước muôn loài muôn vật,
tất cả đều tồn tại trong Ngài.”
(Côlôsê 1: 15-17)

Ngôn-từ đây được sử-dụng để nói về Đức Kitô, dĩ nhiên là ngôn-ngữ nói về Đấng Sophia theo truền-thống Do-thái-giáo do ông Phaolô dàn dựng. Điều này không chỉ mô-tả Đức Giêsu bằng vào ngôn-ngữ của khôn-ngoan thần thánh, nhưng thực sự định-hình Đức Giêsi qua khôn-ngoan (*43).

Việc Đức Giêsu hiện hữu từ khi trước vì thế đích-thực là sự hiện-hữu của Đấng Sophia thần thánh.

Với ông Phaolô, Đức Giêsu mặc lấy xác phàm của Sophia mà ra.

                                                                                                                        (còn tiếp)

Gs Marcus J. Borg biên-soạn
Mai Tá lược dịch
     

  



       
       

No comments: