Saturday 17 February 2018

Lm Vĩnh Sang DCCT : HẠT BỤI NÀO?




Ngày Thứ Tư Lễ Tro vừa trôi qua, rảo quanh một vòng thăm anh em bè bạn, những người Công Giáo đang sinh hoạt hội này nhóm kia với những câu chuyện ngày Tết, không biết những thu thập kiểu điều tra xã hội không chuyên bỏ túi này có chính xác không. Đa phần các bạn cho biết Thứ Tư Lễ Tro năm nay “ăn chay” không mấy khó khăn so với các năm trước, lý do vì các năm trước Lễ Tro rơi vào đúng ba ngày Tết hoặc những ngày sát ngay sau Tết. Người ta gặp gỡ, họp mặt tưng bừng cả ngày, thịt thà rượu bia ê hề, nhịn chay xem ra quá khó, cám dỗ thường xuyện chập chờn trước mặt. Còn Thứ Tư Lễ Tro năm nay rơi vào ngày cận Tết, thịt thà rượu bia cũng nhiều nhưng thiếu chiến hữu, ai cũng đang tất bật sắm Tết, dọn Tết, không mấy ai có thời giờ để nhâm nhi chén rượu ly trà, những cơ hội “phá chay” không có, vì thế mà giữ chay kiêng thịt không mấy khó khăn chăng?
Lại vẫn chuyện ăn chay, phần nhiều cứ loay hoay việc ăn gì kiêng gì, có những bạn viết lên facebook xin các cha nhắc kẻo quên không ăn chay. Có lẽ do việc chúng ta một năm chỉ có hai ngày chay, mà hai ngày chay rất gần nhau nên việc quên chay hay xảy ra, lòng rất thành nhưng quên thì chịu. Có phải chúng ta băn khoăn việc ăn uống là vì chúng ta chỉ nghĩ rằng chay là chuyện ăn uống mà thôi, nếu nghĩ vậy thì thật sai lầm, mà oái oăm thay, sai lầm trầm trọng này lại quá phổ biến trong cách sống đạo của chúng ta.
Ta hãy nghe lời Chúa trong ngày Thứ Tư Lễ Tro (Is 58, 1-14).
Cách ăn chay đẹp lòng Thiên Chúa
Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao:
mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc,
trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm?
Chẳng phải là chia cơm cho người đói,
rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ;
thấy ai mình trần thì cho áo che thân,
không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?
Kinh Thánh bảo đó là cách ăn chay mà Thiên Chúa ưa thích, không hề nhắc đến việc ăn gì uống gì, nhưng buộc chúng ta phải sống lòng thương xótdấn thân tích cực cho việc phuc vụ những con người bị chà đạp, bị bỏ rơi.
Bài Tin Mừng trước đó vào Chúa Nhật thứ VI mùa Thường Niên (Mc 1, 40 – 45): Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch." Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: "Tôi muốn, anh sạch đi!" Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch… Vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành…
Ta không thể ngờ được chính Thầy Giêsu đã tìm đến chốn kẻ bị phong cùi trú ngụ, nơi xa cách xã hội, chỉ có mình Thầy nên anh bị phong hủi mới có thể đến gặp Thầy, một điều cấm kỵ trong thế giới Do Thái. Rồi chỉ bằng một cái chạm tay vào người bị phong hủi, Thầy Giêsu đã phục hồi quyền con người cho anh, cứu anh ra khỏi đáy mồ đang chôn sống anh, cú chạm tay đó đặt mọi luật lệ, tập quán, phong tục, truyền thống của cả một tôn giáo lâu đời, có tổ chức chặt chẽ, dưới quyền lực của lòng xót thương, của sự công bằng và quyền con người. Từ nay con người mới là chính, chứ không phải luật lệ, phong tục, tập quán…
Vì tìm đến chốn người phong hủi sống, vì chạm tay vào kẻ bị khinh bỉ, bị bỏ rơi, bị chà đạp, bị coi không phải là người, Thầy Giêsu là Thiên Chúa nhưng đã bị loại ra khỏi xã hội loài người như vậy. Thầy không thể vào các thành thị làng mạc được mà phải ở lại nơi hoang vắng, nơi không ai trú ngụ, nghĩa là nơi của những kẻ bị loại trừ.
Rồi đến một ngày, Thầy Giêsu chính thức đứng vào hàng tội nhân, cùng thân cùng phận với kẻ bị loại trừ, bị đuổi khỏi thế giới loài người, bêu thây nơi thập giá, khi ấy, cú chạm tay năm xưa trở nên cuộc đảo lộn thế giới, không chỉ một anh bị phong hủi được giải thoát, mà cả nhân loại này được giải thoát bởi một kẻ bị loại trừ, bị coi là “dồ bị chúc dữ”!
Đó là cách “ăn chay” của Thầy Giêsu và đó cũng là cách Thầy muốn chúng ta là đồ đệ của Thầy “ăn chay” như vậy.
Nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói,
làm thoả lòng người bị hạ nhục,
thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu toả trong bóng tối,
và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ (Is 58, 10).
Chúng ta không đẩy mạnh được việc truyền giáo chính là vì lý do này. Bỏ mặc kẻ bị loại trừ, xa lánh vì chăm giữ sự an toàn, lơ là với người nghèo khổ, lo lắng bận tâm cho sự mượt mà của phe nhóm, tập thể, tổ chức, tránh xa kẻ bần cùng vì không muốn bị nhiễm lây sự ô uế, quay lưng lại với kẻ bị tủ đày vì không muốn liên lụy…
Sẽ chẳng bao giờ thấy được ánh sáng của việc truyền giáo nếu chọn lựa kiểu sống đạo như vậy. Nhà Thờ cứ trang hoàng lộng lẫy, các hội đoàn cứ nhau phô diễn đồng phục, kẻ làm đày tớ đua nhau tổ chức Lễ Tạ Ơn, Xóm Đạo chăng dèn kết hoa cạnh tranh sự hoành tráng… Những anh chị em bị mất đất mất nhà kêu gào khàn cổ, kẻ bị tù đày chịu đựng nỗi cô đơn, quằn quại dưới gót giầy bất công, người lên tiếng cho sự thật, cho công bằng bị bắt bớ, tù nhân lương tâm mãn hạn tù về vất vưởng không nơi nương nhờ, kẻ chiến bại trở về sống kiếp đọa đày… Một bức tranh xã hội nhớp nhúa!
Thứ Tư Lễ Tro nhắc chúng ta thân phận chúng ta chỉ là tro bụi, tro bụi sẽ trở về tro bụi khi ta không thực hành Lời Chúa, nếu chấp nhận tro bụi để sống kiếp tro bụi, trở nên tro bụi thì chính tro bụi sẽ hóa kiếp cho ta được làm người. Cuộc dời Thầy Giêsu, là một chọn lựa tro bụi như thế.
Lm. VĨNH SANG, DCCT,
16.2.2018, Mùng Một Tết

No comments: