Sunday 11 February 2018

Lm Mai Văn Thịnh CSsR: CHÚA MUỐN, PHONG CÙI BIẾN MẤT. CÒN TA, MUỐN GÌ?




Anh chị em thân mến,
Tin mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giê-su chữa lành cho một người bị bịnh phong cùi. Với sự tiến bộ của nền y học hiện nay, dù phong cùi vẫn là bịnh truyền nhiễm; nhưng nếu ai được chẩn đoán mắc bịnh này trong giai đoạn đầu thì vẫn có thể được chữa khỏi.
Dưới thời Đức Giê-su thì khác. Những ai mắc bịnh này phải sống riêng một mình, không được phép tiếp xúc với ai. Bất cứ ai chạm đến họ đều bị coi là ô uế. Vì thế, để tránh bị lây nhiễm, ai mắc bịnh này đi đến đâu cũng phải hô to ‘ô uế, ô uế’ để những người khác biết mà tránh né.
Cho dù tôi chưa hề có cơ hội tiếp cận hay trò chuyện với người bị bịnh phong cùi. Nhưng nhắm mắt lại chúng ta cũng có thể nhận ra được nỗi đau khổ về tinh thần cũng như thể xác của người bị bịnh đó như thế nào? Họ bị đối xử như một xác chết biết đi. Họ không còn được đối xử như một con người, bị ngược đãi và coi như thành phần cùi hủi của xã hội nói gì đến yêu thương. Trong hoàn cảnh đó, họ không còn gì để mất; thế mà họ không nổi loạn đã là may mắn cho chúng ta lắm rồi!
Ngoài việc bị ngược đãi như nói ở trên, theo lề thói của công đoàn Do Thái, họ còn bị coi là những người bị Chúa phạt, họ không được phép lên Đền thờ Giêrusalem, và nếu có được tham dự lễ nghi phụng vụ, họ phải ở trong một căn phòng đặc biệt dành riêng cho họ. Họ bị đối xử như người đã chết.
Trong hoàn cảnh như thế, tôi ngạc nhiên khi người bị phong cùi trong bài Tin Mừng hôm nay dám liều lĩnh đến gặp Đức Giê-su. Thái độ liều lĩnh này của ông kèm theo lời cầu khẩn, không mang tính ép buộc, “nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” biểu lộ một thái độ tin tưởng của ông ta dành cho Đức Giê-su. Ông tin rằng Đấng đang hiện diện trước mặt ông là ngươì có đầy uy quyền làm cho ông được sống. Tiếp cận Đức Giê-su là gặp gỡ Đấng trả lại vinh dự làm người cho ông; trao lại cho ông sự sống mà theo luật lệ ông đã bị coi như là người đã chết.
Còn Đức Giê-su thì sao? Đức Giê-su sinh ra và lớn lên trong truyền thống Do Thái; hẳn nhiên Người biết rất rõ khoản luật cấm không được chạm đến người bị phong cùi. Thế mà trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su được mô tả là Người không màng đến lề luật, đã chạm vào người bị phong cùi. Vì sao? Bởi vì Người động lòng thương ông ta, giơ tay đụng vào người ông và bảo “Tôi muốn”.
Tất cả các cử chỉ: động lòng, giơ tay, chạm vào rồi lên tiếng phán bảo xẩy ra một loạt.  Qua các cử chỉ này, chúng ta nhận ra tính duy nhất trong con người của Đức Giê-su. Không có việc nghĩ trước làm sau. Tất cả xẩy ra đồng loạt để nói cho chúng ta biết rằng Chúa thương chúng ta vô cùng. Chúa không yêu chúng ta bằng lời nói suông, hay qua các giao uớc dựa trên lý thuyết. Nhưng Đức Giê-su đã yêu chúng ta bằng chính việc làm cụ thể, bằng cuộc sống và sự dấn thân trọn vẹn của Người.
Thật vậy, với Đức Giê-su: Giúp một người bị đau khổ. Phục hồi phẩm vị con người là ưu tiên số một trong cuộc sống và sứ vụ của Đức Giê-su. Người tự do và thoải mái hành động vì hạnh phúc con người. Luật lệ có tồn tại và được áp dụng cũng vì lợi ích cho con người. Một khi những khoản luật ngăn cản con người thể hiện lòng yêu thương thì không còn giá trị. Không có một điều gì có thể ngăn cản việc Đức Giê-su thực hiện ý định của Thiên Chúa. Tình yêu mà Người dành cho Chúa Cha được mô tả và thể hiện ngay trong cuộc sống. Người động lòng thương tất cả mọi người mà Đức Giê-su đã gặp.
Còn một điều mà chúng ta cần lưu ý, cụ thể, trong bài Tin Mừng hôm nay là khi làm cho người phong cùi được sạch, được khỏi bịnh thì chính Đức Giê-su lại bị khó khăn, bị trục xuất và gặp sự đối nghịch của hàng ngũ lãnh đạo, dẫn đến cái chết mà Người sẽ chịu.
Khi Đức Giê-su yêu cầu ông ta đi trình diện với hàng tư tế để chửng tỏ ông đã khỏi bịnh, được sạch sẽ không còn là phường ô uế nữa, và được hoà nhập vào trong mọi sinh hoạt cộng đoàn mà ông ta được hưởng. Nhưng, chính vì việc làm này khiến Đức Giê-su không còn chỗ đứng, như trong bài Tin Mừng đã diễn tả như sau “vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành.” Hay nói khác đi, kẻ bị ly khai vì lề luật thì nay, nhờ Chúa, ông đã được nối kết lại với các sinh hoạt trước đây; còn kẻ làm cho ông ta được khỏi thì lại bị khai trừ vì tính bướng bỉnh và tự tôn của con người.
Tuy biết là như thế. Nhưng vì yêu thương chúng ta, Đức Giê-su sẵn sàng đánh đổ mọi sự để mạc khải cho chúng ta biết rằng Người là Thiên Chúa thật, không còn ở trên cao; nhưng đã cúi mình xuống để đồng hành và chia sẻ các nỗi khổ đau của con người. Người đã cúi mình thật sâu trong biến cố làm người và trong cái chết trên thập giá. Người cúi xuống để nâng con người lên, miễn là con người nhận ra phẩm giá của chính mình và được cứu độ.
Chính vì thế, qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta sống bớt nghi kỵ, biết gạt bỏ thành kiến, chấp nhận các nỗi ô uế của nhau; tôn trọng nhau trong phẩm vị con người; rồi cố gắng đến với nhau, đem cho nhau một chút nữa tình người, yêu và thông cảm nhau hơn. Và với Đức Giê-su, chúng ta xác tín rằng không một ai bị phong cùi mà không được chữa lành, không ai sống trong ô uế mà không được sạch sẽ, không ai chịu đau khổ mà không tìm được hạnh phúc; và không ai sống trong tội lỗi mà không tìm được sự tha thứ mà được cứu độ.
Như vậy, chúng ta thật có phúc để sống trọn vẹn ơn gọi mãi mãi là những quà tặng cao quí nhất mà Thiên Chúa ban tặng cho nhân loại.

No comments: