Bài Tin
Mừng Lc 16, 19 – 31 được công bố vào ngày thứ năm sau Chúa Nhật thứ hai Mùa
Chay.
Hình ảnh
trong đoạn Tin Mừng này luôn đánh động, gây nhức nhối cho bất kỳ ai chân thành muốn
nghe Lời Chúa, thật lòng muốn tìm hạnh phúc. Dụ ngôn là một lối nói trong cách
giảng dạy của các bậc thầy Do Thái, câu chuyện được kể cho người nghe với những
tình tiết gần như thật, nhưng không quan tâm đến tính hợp lý của diễn tiến,
người nghe soi chiếu câu chuyện với đời mình rồi tự rút ra bài học cho chính
mình chứ không phải người khác. Tôi là ai trong các nhân vật của câu chuyện ?
Nghe xong tôi sẽ phải làm gì ? Không phải để lý luận hoặc giải thích gì hơn, vì
bài học là tự mình rút ra.
Trên
"sân khấu" dụ ngôn, hai bên hai hình ảnh trái ngược:
"Có
một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình…
Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông
nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no.
Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc của anh ta."
Thật đau
xót trước cảnh trái ngang, kẻ thì dư giả giàu có, người thì đói khổ nghèo nàn.
Kinh Thánh đã làm tăng thêm vẻ khốn khổ của nhân vật có tên Ladarô bằng
cách không chỉ mô tả một người nghèo đói thèm ăn, nhưng còn đưa thêm hình ảnh
"mụn nhọt đầy mình" để cho thấy cái nghèo kèm theo bệnh tật, một tất
yếu của kiếp sống thiếu thốn triền miên và mọi sự hình như đi vào bế tắc.
Một chi
tiết khác xem ra không hợp lý – như đã trình bày, lối nói dụ ngôn không để ý
đến những chi tiết hữu lý hay không, nhưng chỉ chú ý đến sứ điệp muốn chuyển
tải – tác giả đã lôi anh Ladarô đặt ngay trước cổng ông nhà giàu như muốn làm
cho bức tranh tương phản thêm rõ nét.
Và mầu xám
xịt đã được tác giả bồi thêm hai chi tiết: "Thèm được những thứ trên bàn
ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc
của anh ta."
Ta hình
dung những bữa tiệc hoa đèn sáng rực, những bộ quần áo thời trang lộng lẫy đắt
tiền, những hàng xe hơi xe sang trọng đậu nối đuôi nhau, những chiếc bàn kê dài
đầy quà biếu. Rượu bia dốc ngược chảy tràn lan như suối, thức ăn ê hề vương vãi
khắp nơi.
Ta đảo
quanh những buổi gặp gỡ, tiếng ồn lao xao nhộn nhạo xen giữa tiếng trống tiếng
đàn bát nháo giậm giựt, người ta tranh nhau nói, thi nhau khoe những quốc gia
họ đã đi qua, huyên thuyên về những chuyến du lịch Đất Thánh, đánh giá đẳng cấp
của nhau qua những từng trải ăn chơi, kể cả nhưng cuộc vui chơi núp bóng hành
hương.
Hãy nhìn
những bàn tiệc, ở đó thực khách xếp hạng chủ nhân qua giá trị của chai rượu
ngoại, chai dán tem không có chỗ để hiện diện trên bàn, câu hỏi đầu tiên là
hàng có phải xách tay hay không, mua tại nước ngoài hay chỉ là hàng miễn thuế ở
phi trường ?
Giàu có
không phải là cái tội. Trong Tin Mừng Chúa không hề lên án sự giàu có, nhưng
khi người ta thừa mứa ê hề thì có nguy cơ đóng lòng lại với người nghèo. Không
phải họ không nhìn thấy người nghèo, Tin Mừng sắp xếp để bật lên hình ảnh người
nghèo ở ngay trước cửa nhà mình, chó nhà mình liếm ghẻ chốc người ta. Rượu thịt
ê hề đối nghịch lại là sự thèm khát chỉ một chút vụn bánh vứt ra thôi để thoả
cơn đói thôi cũng chẳng được. Dửng dưng đến mức ấy là vô cảm, vô tâm, vô nhân !
Mạnh mẽ
hơn nữa, Chúa xác nhận người nghèo, người đói, người khát, người không áo che
thân, người không cửa không nhà, người tù tội... là chính Chúa. "Điều gì
ngươi làm cho người anh em bé nhỏ nhất ấy là ngươi làm cho chính Ta." ( Mt
25, 40 ). Vô cảm trước sự khốn cùng của người khác là vô cảm với chính Chúa,
đóng lòng lại trước sự đói khát của anh em là đóng lòng lại với chính Chúa.
Đã đóng
lòng lại với Chúa thì không thể ở trong cõi của Thiên Chúa. Chọn thái độ vô cảm
với nỗi khốn khổ của anh em thì không thể sở hữu Nước Thiên Chúa.
Xin lập lại một lần nữa, nghe dụ ngôn không phải để xét đoán ai, nhưng
là để xem chính mình là ai trong câu chuyện, rồi từ đó rút ra bài học ứng dụng
cho chính mình. "Tôi là ai ?" đó là câu hỏi dành cho mỗi chúng ta ẩn
sau dụ ngôn này.
Lại nữa, câu chuyện lại được kể ngày hôm nay trong tình trạng đất nước
của chúng ta. Có hay không Ladarô đang hiện diện ở cửa nhà ai ? Anh nhà nghèo
này quen thuộc đến độ ta biết tên và chó của ta không lạ lẫm gì ! Được biết anh
đang đói, anh nghèo đến độ không có tiền chữa bệnh, không có những điều kiện
sống trong vệ sinh tối thiểu, những thiếu thốn đã khiến cả thân mình anh ghẻ
lở, hôi hám, ghê tởm… Và cái chết rình rập sẵn !
Cuộc sống mai hậu của chúng ta sẽ ra sao nếu ta cứ mãi vô cảm với nỗi
đau của anh em, nếu ta vẫn cứ bình thản hưởng thụ và thoả mãn với những gì đang
có, bất chấp những gì xảy ra chung quanh ?
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 15.3.2017
No comments:
Post a Comment