“Hãy làm
cho thế giới biết Mẹ.” Với lời nhắn nhủ này, Đức Giáo Hoàng Piô IX đã trao cho
cha Bề Trên Tổng Quyền Dòng Chúa Cứu Thế Nicholas Mauron (1888 – 1893) bức linh
ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp để Hội Dòng quảng quá rộng rãi lòng sùng kính Đức Mẹ
Hằng Cứu Giúp. Việc trao phó này diễn ra vào ngày 11 tháng 12 năm 1865 tại nhà
thờ thánh Anphongsô tọa lạc trên đường Merulana, Rôma.
150 năm
sau, ngày 27 tháng 6 năm 2015, nhằm vào dịp lễ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, cha Bề
trên Tổng Quyền Michael Brehl đã chính thức khai mạc Năm Thánh Đức Mẹ Hằng Cứu
Giúp và năm thánh này khép lại vào ngàu 27 tháng 6 năm 2016. Trong bức thư khai
mở Năm Thánh, cha Michael Brehl nhấn mạnh đến nhiệm vụ làm cho mọi người biết
Mẹ gắn liền với ơn gọi thừa sai loan báo Tin mừng cho những người nghèo khó,
tất bạt của các anh em Dòng Chúa Cứu Thế. Cha Bề Trên Tổng Quyền bảo rằng đôi
khi Mẹ còn đi trước cả chúng ta với ân sủng và sự trìu mến của Mẹ: “Hơn cả khi
chúng ta mang linh ảnh Mẹ cho thế giới, Mẹ đã mang chúng ta trong vòng tay trìu
mến hằng cứu giúp của Mẹ!”
NGUỒN
GỐC LỊCH SỬ
1.
Lai lịch
phức tạp ngày ra đời của bức linh ảnh
2.
Trong
linh đạo của một vị thánh, những ảnh thánh không chỉ có giá trị về vẻ đẹp nghệ
thuật, nhưng còn giúp người ta hướng về thực tại siêu việt. Cũng thế, nơi bức
ảnh về Đức Maria, ta có tìm thấy hình ảnh người mẹ, người môn đệ, mẫu gương,
người bạn, người đồng hành trên đường lữ thứ.
Về lịch
sử phức tạp và đôi khi khiên cưỡng của bức linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, như
cha Ernesto Brescinani (1838 – 1919) đã từng nói, có những yếu tố về lịch sử,
nhưng cũng có những yếu tố có tính truyền thuyết, hộ giáo và truyền khẩu. Nhưng
giữa những yếu tố như thế, ta có thể cảm nghiệm được rằng ý định của Thiên Chúa
được lồng vào những biến cố của con người để làm nên lịch sử cứu độ.
Đã có
nhiều những nghiên cứu khác nhau về lịch sử bức linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.
Dưới đây, chúng ta sẽ dõi theo câu chuyện về bức linh ảnh được đan kết với nhau
trong suốt 150 năm qua.
Chúng ta
đang có trước mặt mình bức linh ảnh vẽ theo phong cách Hodegetria, nghĩa
là có tính cách biểu trưng. Theo những gì cha Bresciani đã viết lại, bức ảnh
này được vẽ từ thế kỷ XIII – XIV, trong khi đó theo cha Ferrero, bức ảnh được
vẽ khoảng thế kỷ XV – XVI. Như thế, sự khác biệt về niên đại này làm cho một
học giả đang tìm hiểu về bức linh ảnh không khỏi băn khoăn. Thêm vào đó, những
khảo cứu khoa học được thực hiện trong thời gian khôi phục lại bức linh ảnh
dưới sự hướng dẫn của Marrazzo vào năm 1994 lại càng làm cho học giả thêm phân
vân. Những nghiên cứu này chỉ ra rằng gỗ để vẽ bức linh ảnh có niên đại là thế
kỷ XIV – XV, còn hình ảnh được vẽ trên gỗ thì khoảng thế kỷ XVIII – XIX.
Trong bài
viết này, chúng ta chỉ chú trọng đến lịch sử ngắn gọn cho tới 1866 và sẽ nói
đến thông điệp của bức linh ảnh. Bài viết dựa theo những gì cha Bresciani đã
viết.
2.
Thương
nhân lầm lỗi và cháu gái vô tội
Cha
Bresciani là tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế đầu tiên viết về linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu
Giúp. Ngài cho biết những dữ kiện đầu tiên về bức linh ảnh: Linh ảnh đã có từ
thế kỷ XIII – XIV và theo truyền thuyết, một thương nhân đã đánh cắp bức linh
ảnh từ một đền thánh ở đảo Crete; bức linh ảnh khi ấy đang được đặc biệt tôn
kính ở đó với nhiều phép lạ gắn liền với bức ảnh. Những thông tin mà cha Bresciani
đề cập tới được tìm thấy ở hai cuộn sách để bên cạnh bức linh ảnh, một cuộn
viết bằng tiếng Latinh, cuộn còn lại được viết bằng tiếng Ý cổ khoảng thời thế
kỷ XVI: “Thông tin quan trọng về bức linh ảnh được chứa đựng ở cuộn sách trong
nhà thờ thánh Matthêu, được viết tay bởi Torrigio năm 1642 và được ghi chép lại
lần thứ hai bởi Bruzio năm 1661 và bản thảo cổ thời nhất chắc chắn là được viết
bởi thầy dòng Mariano xứ Florence năm 1518.”
Động cơ
mà thương nhân kia ăn trộm bức linh ảnh không được nhắc đến trong cuộn
sách. Như thế tự câu chuyện cũng đã đặt ra nhiều câu hỏi. Phải
chăng ông ta ăn trộm bức linh ảnh để giữ riêng cho mình như là một sự che chở
cho bản thân ông? Phải chăng ông ta đánh cắp bức linh ảnh để kiếm được khoản
tiền lớn khi bán tài sản quý giá này bên Tây phương? Cha Bresciani gợi ý rằng
ta cần đọc câu chuyện trong ý hướng là sự quan phòng của Chúa muốn đưa bức linh
ảnh tới đích điểm cuối cùng của nó, đó là Rôma, thánh phố vĩnh cửu.
Vị thương
nhân đã đi tới Rôma sau một năm khốn khổ tìm đường để đi và còn chịu bệnh tật
hiểm nghèo nữa. Ông ta tìm được nơi nghỉ chân cho những ngày cuối đời của mình
tại nhà một người bạn. Có lẽ hối hận vì đã đánh cắp bức linh ảnh, nên khi trao
nó cho người bạn của mình, ông ta đã kể lại bí mật về bức ảnh, đồng thời xin
người bạn hứa sẽ mau chóng đưa bức ảnh ra cho mọi người sùng kính đúng như
những gì bức ảnh xứng đáng được như vậy.
Cha
Bresciani tiếp tục câu chuyện và khẳng định rằng vợ của người bạn vị thương
nhân đã say mê bức linh ảnh và muôn giữ nó lại trong nhà mình và ép buộc chồng
mình phải thất hứa với lời trăng trối của bạn. Đức Mẹ đã nhiều lần hiện ra với
các thành viên trong gia đình này để bày tỏ mong muốn bức linh ảnh được tôn
kính nơi một đền thánh. Nhưng họ đã phớt lờ những gì Đức Mẹ báo cho họ. Cuối
cùng, Đức Mẹ hiện ra một vài lần với bé gái trong gia đình và tỏ bày danh xưng
mà Mẹ muốn mọi người biết đến, đó là danh xưng: Mẹ Hằng Cứu Giúp.
Mẹ cũng
chỉ cho nơi chốn xứng hợp mà Mẹ muốn linh ảnh được đặt để: “tại nhà thờ thánh
Matthêu nằm giữa nhà thờ Đức Bà Cả và Vương Cung Thánh Đường
Lateranô.” Khi gia đình hỏi cháu bé về tên của bà đẹp hiện ra với em trong
giấc mơ là gì, em không ngần ngại trả lời: Mẹ Hằng Cứu Giúp được vẽ trong bức
linh ảnh! Cuối cùng chính người mẹ cũng được báo trong giấc mộng nhiều lần là
hãy tuân phục và mang bức ảnh đến cho các cha dòng thánh Augustinô hiện đang
coi sóc ngôi nhà thờ và kể cho các ngài nghe về câu chuyện cũng những mong muốn
của Đức Mẹ. Tin tức được lan truyền khắp thành phố và bức linh ảnh được long trọng
rước về nhà thờ thánh Matthêu ngày 27 tháng 3 năm 1499.
3.
Thầy tu
đạo đức và cậu bé thông mình
4.
Theo cha
Bresciani, bức linh ảnh được tôn kính suốt 300 năm và khoảng năm 1708, Đức Hồng
Y Francesco Nerlu (1636 – 1708) đã công bố một loạt những kỳ công và ân sủng mà
người ta nhận được qua sự chuyển cầu của Đức Mẹ khi người ta cầu nguyện với bức
linh ảnh “Miraculorum Gloria Insignis.”
Năm 1798,
quân đội của Napoleon xâm chiếm thành phố Rôma và bắt Đức Piô VI phải đi lưu
đầy. Với ý tưởng rọn sạch quang cảnh thành phố, nhiều nhà thờ, tu viện bị phá
hủy. Nhà thờ thánh Matthêu nhỏ bé cũng bị phá hủy hoàn toàn. Nhưng bức linh ảnh
được gìn giữ các lạ lùng nhờ sự can thiệp quyết liệt của một trong những thầy
dòng. Các cha dòng Augustinô chạy trốn đến nhà thờ thánh Eusebius và sau này
tìm được chỗ trú ngụ tại tu viện Thánh Maria ở Posterula; các ngài mang theo
đến đây bức linh ảnh.
Nhưng vì
trong nhà thờ này đã có việc tôn kính bức ảnh Madonna delle Grazie (Đức
Mẹ Đầy Ơn Phúc) nên bức linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được đưa vào nhà nguyện
riêng trog tu viện mà không có sự trang trí hay việc sùng kính nào cả. Dần dần
bức ảnh không còn được giáo dân tôn kính và rơi vào quên lãng.
Nhưng có
lẽ phải nói rằng dù hầu hết mọi người quên lãng, thì vẫn có một người không
quên sức mạnh kỳ diệu của bức linh ảnh.
Thầy
Agostino Orsetti khi ấy là một tu sĩ trẻ được đào tạo tại công đoàn thánh
Matthêu. Thầy không ngừng cầu nguyện sốt sắng trước linh ảnh và trong ký ức,
thầy không bao giờ quên biết bao phép lạ xảy ra gắn liền với bức linh ảnh qua
lời chuyển cầu của Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Thầy thường xuyên lui tới nhà nguyện
để cầu nguyện trước linh ảnh được đặt ở đó. Cậu bé Micharl Marchi (1829 – 1886)
– tu sĩ thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế trong tương lai – khi ấy thường lui tới với
thầy Agostinô và trở nên rất thân thiết với thầy. Thầy Agostinô đã nhiều lần kể
cách say sưa cho cậu nghe về bức linh ảnh cũng như điều đáng buồn vì hiện tại
bức ảnh bị lãng quên. Mong ước của thầy là đưa bức linh ảnh trở lại với sự sùng
khí sầm uất như trước đây.
4.
Người giữ
văn khố và cậu bé giúp lễ trước đây với ký ức đáng ghi nhận
5.
Khi ký ức
về bức linh ảnh đã bị chôn giấu và lãng quên, thì câu chuyện lại có những yếu
tố và sự kiện mới xảy ra khiến cho mong ước của Đức Mẹ, của thầy Agostino và vị
thương nhân đảo Crete sớm được thực hiện.
Đối với
các tu sĩ thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế, lúc bấy giờ Nhà Dòng đã hiện diện nhiều
nơi ở châu Âu và đang phát triển ở Bắc Mỹ, và có nhu cầu thiết lập Nhà Trung
Ương tại Rôma. Vì thế, tháng 01 năm 1855, các tu sĩ đã có được “biệt thự
Caserta” nằm trên đường Merulana. Khu vườn thuộc khuôn viên biệt thự vốn là nhà
thờ thánh Matthêu khi nhà thờ chưa bị phá hủy ở cuối thế kỷ trước. Trong nhà
thờ đó, bức linh ảnh Đức Mẹ đã được tôn kính suốt 3 thế kỷ. Trước khi các tu sĩ
Dòng Chúa Cứu Thế mua mảnh đất này thì nó đã là tài sản riêng, chứ không còn là
nhà thờ nữa. Sau khi mua mảnh đất này, các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế đã xây dựng
một ngôi nhà thờ kính thánh tổ phụ Anphongsô Maria đệ Ligôri (1696 – 1787) và
chính nơi đây, sau này bức linh ảnh lại được đưa về để tôn kính.
Năm 1855,
Michael Marchi xin vào Dòng Chúa Cứu Thế và được chấp nhận. Thầy khấn dòng ngày
25 tháng 3 năm 1857. Vài năm sau, người viết sử cho cộng đoàn tại Via Merulana
đã tìm kiếm các tài liệu trong văn khố về nhà này. Tìm kiếm các tác giả viết về
các tập tục tôn giáo cổ ở Rôma, ngài đã khám phá ra rằng bên cạnh biệt thự
Caserta (có lẽ là phần diện tích khu vườn) là một ngôi nhà thờ nhỏ kính thánh
Matthêu do các cha dòng thánh Augustinô Ái Nhĩ Lan coi sóc. Ở ngôi nhà thờ này có
cử hành việc đạo đức sùng kính linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.
Người
viết sử vui mừng chia sẻ với cộng đoàn điều ngài đã khám phá. Điều làm ngài
thất vọng đó là tất cả cầu chuyện về linh ảnh kết thúc với cuộc xâm chiếm của
Napoleon và ngôi nhà thờ bị phá hủy. Trong số anh em trong cộng đoàn có cha
Michael Marchi, người đã từng được nghe câu chuyện về linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu
Giúp và ngôi nhà thờ thánh Matthêu. Ngay lập tức, ngài khẳng định rằng ngài
biết chính xác nơi chốn bức linh ảnh đang được cất giữ. Ngài kể lại cách chi
tiết những câu chuyện về bức linh ảnh mà thầy dòng Agostino đã nói cho ngài
biết và còn lưu ý rằng hiện nay bức linh ảnh “đang trong tình trạng bị bỏ quên,
không trang hoàng, không tôn kính gì, thậm chí không một cây nến được thắp lên để
tỏ lòng sùng kính, và bức linh ảnh đang bị che phủ bởi lớp bụi.”
Cùng thời
gian đó, chính xác là năm 1863, nhà giảng thuyết dòng Tên – cha Fracesco Blosi
– trong suốt những ngày thứ Bảy kính Đức Mẹ đã ca ngợi những kỳ diệu của bức
linh ảnh mà một thời được đặt để giữa vương cung thánh đường Lateranô và nhà
thờ Đức Bà Cả. Hai năm sau đó, Bề Trên Tổng Quyền Dòng Chúa Cứu Thế là cha
Nicolas Mauron, với lời chứng chính thức trong tay được viết bởi cha Michael
Marchi, đã đệ trình lời thỉnh cầu lên Đức Giáo Hoàng để xin đưa bức linh ảnh về
đúng nơi mà Đức Mẹ mong muốn. Đức Piô IX, với những dòng chữ viết tay phía sau
bức thư thỉnh cầu, đã chấp thuận điều cha Bề Trên Tổng Quyền Dòng Chúa Cứu Thế
đã xin.
Ngày 11
tháng 12 năm 1865, Đức Hồng Y Bộ trưởng Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin cho vời cha
Bề trên cộng đoàn nhỏ bé Thánh Maria ở Posterula đến và nói với cha Bề trên
rằng thánh bộ mong muốn bức linh ảnh được đưa trở lại vị trí giữa Vương Cung
Thánh Đường Lateranô và nhà thờ Đức Bà Cả, với điều kiện là cha Bề trên Cả của
Dòng Chúa Cứu Thế phải có một bức ảnh tương xứng để thay thế.
Ngày 19
tháng 11 năm 1866, cha Marchi và cha Bresciani đại diện cha Bề Trên Tổng Quyền
Dòng Chúa Cứu Thế đến trao bức thư thỉnh nguyện cho cha Jeremias O’Brien, Bề
trên cộng đoàn Thánh Maria ở Posterula. Thư thỉnh nguyện viết rằng:
Kính thăm
cha Bề trên,
Trong
cuộc nói chuyện với cha Bề trên hôm qua liên quan đến bức linh ảnh Đức Mẹ trong
nhà thờ cổ thánh Matthêu xưa kia, theo như ý chỉ của Đức Thánh Cha và sự truyền
đạt của Đức Hồng Y Barbabo, Bộ trưởng Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin, các ngài mong
muốn đưa bức linh ảnh về Esquiline của chúng con để tổ chức việc sùng kính công
khai. Con xin hứa với cha Bề trên rằng theo như chỉ dụ của Tòa Thánh, chúng con
sẽ cung cấp bức ảnh tương xứng để thay thế bức linh ảnh Đức Mẹ khi cha Bề trên
trao lại cho chúng con. Chúng con cũng xin được gửi tới cộng đoan Thánh Maria
tại Posterula chút quà. Chúng con xin kính biếu quý cha 50 scudi (đồng tiền Ý
thời bấy giờ) để tỏ lòng tôn kính Mẹ Đầy Ơn Phúc và thánh Augustinô.
Xin cha
Bề trên cho chúng con biết là cha Bề trên muốn một bản sao của bức linh ảnh Đức
Mẹ hay cha Bề trên muốn một bức ảnh khác để chúng con gửi đến quý cha.
Sau khi
hoàn tất những gì đã thỏa thuận với cha Bề trên cộng đoàn tại Posterula, cha Bresciani
và Marchi đã mang linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp về cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế
trên đường Merulana.
Ngoài
khoản tiền biếu, ngày 20 tháng 6 năm 1866, cha O’Brien, Bề trên cộng đoàn tại
Posterula được trao cho một bản sao bức linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp với những
dòng chữ viết tay của Đức Giáo Hoàng. Việc trao đổi này được ghi nhận vào ngày
20 tháng 6 năm 1866 với chữ ký của cha Marchi và cha O’Brien.
Những
dòng xác nhận với chữ ký ghi rằng:
Tôi, cha
Marchi đại diện cho Cha Bề trên Cả Dòng Chúa Cứu Thế Nicholas Mauron, vào ngày
19 tháng 01 năm 1866 tại Tu viện các cha dòng thánh Augustinô tại Posterula, đã
nhận từ cha Bề trên của công đoàn bức linh ảnh Đức Mẹ được tôn kính với tước
hiệu là Mẹ Hằng Cứu Giúp.
Và theo
như chỉ dụ của Đức Thánh Cha ngày 11 tháng 12 năm 1865 nói với cha Bề trên Cả
Mauron là phải có bức ảnh thay thế, và theo như mong ước của cha Bề trên là
muốn có một bản sao của bức linh ảnh, vì vậy, tôi, cũng chính là cha Marchi, đã
mang đến đây cùng ngày hôm nay bản sao của bức linh ảnh theo như yêu cầu và
trao cho cha Bề trên.
Chứng
nhận với cả hai chữ ký:
Fr.
Jeremias O’Brien Prior
Rôma 20
tháng 6 năm 1866
Michele
Marchi, Dòng Chúa Cứu Thế.
Tháng 01
năm 1866, khi bức linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được đưa về cộng đoàn Dòng Chúa
Cứu Thế, thì cộng đoàn thấy cần phải phục hồi bức linh ảnh. Công việc tu
chỉnh bức linh ảnh được trao phó cho họa sĩ Phần Lan Leopoldo Nowotny (1822 –
1870)
Sau khi
đã chỉnh trang xong, ngày 26 tháng 4 năm 1866, bức linh ảnh được đưa ra sùng
kính công khai và kể từ đấy một thời kỳ mới cho việc quảng bá lòng sùng kính
Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được mở ra cùng với sứ mạng thừa sai của các tu sĩ Dòng
Chúa Cứu Thế, trong đó có Đức Mẹ luôn đồng hành với các tu sĩ. Năm 1994, có
thêm một lần nữa việc khôi phục linh ảnh Đức Mẹ và đây cũng là dịp để đào sâu
những nghiên cứu khoa học.
Phân tích
các bon phóng xạ 14C cho biết gỗ để vẽ linh ảnh có niên đại khoảng 1300 – 1450
năm. Khảo cứu kết luận rằng hình ảnh trên gỗ được vẽ vào cuối thế kỷ XVIII. Có
lẽ, nghệ sĩ trong lãnh vực này đã sao chép hình ảnh nguyên thủy vốn đã hư hoại
gần như hoàn toàn. Và khi vẽ lại, người họa sĩ đã đưa thêm một vài yếu tố bên
Tây Phương vào bức linh ảnh nguyên thủy vốn được vẽ theo nghệ thuật Đông Phương
cổ. Sử dụng tài năng nghệ thuật sắc sảo của mình, người họa sĩ đã mô phỏng bức
ảnh gần như ý trang hình ảnh gốc theo như cảm thụ nghệ thuật của chúng ta.
Chỉ trong
một thời gian ngắn, việc sùng kính linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được phổ biến
rộng khắp với nỗ lực của các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế. Cũng vị sự phổ biến
đột nhiên này mà ở Rôma bắt đầu có lời đàm tiếu rằng “các tu sĩ Dòng Chúa Cứu
Thế đã đánh cắp bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp của các cha dòng
Augustinô.” Năm 1889, Khi hồi đáp cho cha Edward Douglas (1819
– 1898) liên quan đến cáo buộc này, cha Bresciani một lần nữa gợi nhắc lại sự
thật các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế có được bức linh ảnh Đức Mẹ như thế nào.
Trong thư
ngài viết:
Con lấy
làm không vui khi nghe điều cha nói ngày 20 tháng vừa rồi rằng có người cho
rằng chúng ta đã lấy cắp bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp của các cha dòng
Augustinô. Nếu ai nói như thế là họ không biết đến sự thật liên quan đến bức
linh ảnh hoặc là họ u mê, lầm lạc. Tuy nhiên, con cảm thấy được an ủi khi cha
cho biết là cho đến nay chưa có ai trong số các cha dòng Augustinô nói như thế.
Đức Thánh
Cha Piô IX đã có chỉ dụ rằng cha Bề Trên Cả của chúng ta cần đưa cho cha Bề
trên cộng đoàn Posturula một bức ảnh tương xứng để đổi lấy bức linh ảnh Đức Mẹ
Hằng Cứu Giúp, nhưng cha Bề trên cộng đoàn cho biết rằng vì tình trạng xuống cấp
của tu viện nên ngài muốn một khoản tiền bù trừ và cha Bề Trên Cả đã truyền cho
cha Marchi mang đến cho các ngài số tiền là £250. Số tiền này vượt quá giá trị
bức ảnh và chính mắt con chứng kiến cha Bề trên cộng đoàn đã trao bức linh ảnh
cho cha Marchi. Sự việc này diễn ra chính xác vào buổi chiều ngày 19 tháng 1
năm 1866.
Ngoài số
tiền nói trên, cha Bề Trên Cả của chúng ta còn rộng rãi hơn nữa khi ngài vui
mừng gửi tới cha Bề trên cộng đoàn Posturula bản sao bức linh ảnh Đức Mẹ Hằng
Cứu Giúp để lưu lại tại tu viện Thánh Maria tại Posterula kỷ niệm về bức linh
ảnh từng được giữ gìn ở nơi ấy.
Gián tiếp
qua bức thư nêu trên, ta có thể suy luận bởi đâu mà có được sự thành công trong
việc quang bá rộng khắp lòng sùng kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp sau một thời gian
dài bị chìm mất. Có thể nói, hơn 150 năm qua lòng sùng kính Đức Mẹ Hằng Cứu
Giúp đã bám rễ sâu trong đời sống tín hữu nhờ những công việc loan báo Tin mừng
của các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế ở khắp năm lục địa. Ngày nay bức linh ảnh Đức
Mẹ Hằng Cứu Giúp của chúng ta đã trở nên một trong những hình ảnh về Đức Maria
được kêu cầu nhiều nhất và khắp nơi đều biết đến.
NHỮNG
THÔNG ĐIỆP CỦA BỨC LINH ẢNH
1.
Ảnh thánh
là gì?
Ngôn ngữ
của nghệ thuật bao giờ cũng gợi lên nhiều điều. Ngôn ngữ ấy không phải nghe
bằng tai nhưng là cảm nhận bằng tâm hồn. Ngôn ngữ ấy nói qua hình thể, màu sắc,
đường nét, không gian. Trong lãnh vực tôn giáo, những biểu tượng luôn có một
tầm quan trọng nền tảng trong việc diễn tả một thực tại không phải ở mặt đất
này, nhưng là thực tại siêu nhiên, một thực tại không phải là những thứ vật
chất nhưng là hướng về siêu việt. Cộng đoàn các tông đồ ngày xưa đã có được
kinh nghiệm đó ngang qua biến cố Chúa biến hình, ở đó mắt các môn đệ thấy Chúa
dưới một ánh sáng khác hẳn những gì thường thấy (Lc 24, 30 – 31)
Chúng ta
biết rằng từ “ảnh thánh” – icon xuất phát từ tiếng Hy Lạp là eikon, nghĩa là
hình ảnh. Trong truyền thống Kinh Thánh, Chúa Kitô là hình ảnh của Chúa Cha đã
nhập thể để mạc khải khuôn mặt đích thật của Chúa Cha (Cl 1, 25). Giáo Hội luôn
luôn ý thức rằng mình phản chiếu hình ảnh Thiên Chúa, vì vậy mọi người tin
chúng ta là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình khi chúng ta nên đồng hình đồng
dạng với Chúa Kitô hằng sống. Trong truyền thống Đông Phương, ảnh thánh không
chỉ đơn thuần là bức ảnh tôn giáo, nhưng nó ấn chứa một nền thần học về chiêm
nghiệm của tâm hồn.
Ảnh thánh
là cánh cửa dẫn vào mầu nhiệm chứ nó không đơn thuần là yếu tố có tính cách
trang trí; nó có tính cách bí tích và dấu chỉ để gợi nhắc đến thực tại trên
trời. Chính vì lý do này mà các ảnh thánh là một thành phần quan yếu của
phụng vụ Byzantine. Những ảnh thánh khơi gợi cho người ta biết không ngừng
hướng về siêu việt và đụng chạm được những thực tại vô hình ở đó. Bởi
vậy, ảnh thánh không phải để chiêm ngắm mà là để chiêm nghiệm, cầu nguyện.
Những người vẽ ảnh thánh không bao giờ có thói quen ký tên của mình ở dưới bức
ảnh vì mục đích duy nhất của họ là giúp cho người chiêm ngắm ảnh thánh chỉ chú
tâm vào mầu nhiệm mà bức ảnh muốn gợi lên.
Thông
thường tác giả của những bức ảnh thánh là các thầy tu và khi vẽ, các nghài
thường ở trong tư thế quỳ gối và trong bầu khí chiêm niệm, sám hối và cầu
nguyện. Các ngài thường chìm sâu trong suy niệm về mầu nhiệm nhiều ngày trước
khi các ngài có ý định truyền đạt mầu nhiệm đó qua ảnh thánh. Các ngài cầu
nguyện, suy tư, học hỏi về mầu nhiệm rồi sau đó các ngài mới có thể mô phỏng
mầu nhiệm ấy trên gỗ ngang qua những hình thể, màu sắc và những hình ảnh có
tính biểu tượng. Các ngài biết rằng nhưng ai nhìn ngắm bức ảnh thánh thì không
phải là để thỏa mãn vẻ đẹp của bức ảnh, nhưng quan trọng là cầu nguyện, suy gẫm
với ảnh thánh. Sự chú tâm này không phải là mang tính cách thể lý hay tâm
lý nhưng là đi vào cấu trúc của tinh thần: “thấy” trong chiêm niệm.
2.
Giải
thích những đặc nét nơi bức linh ảnh
Linh ảnh
Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp thuộc trường phái Crete. Linh ảnh được vẽ trên tâm gỗ có
chiều dài là 51, 8cm và chiều rộng là 41, 8cm. Đây không chỉ là một bức hình,
nhưng nó biểu trưng cho một khung cảnh trong đó bốn nhân vật được mô tả. Ở góc
phải của bức hình là Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel [được đánh dấu bởi biểu tượng
(OAΓ)] là đấng đã đến truyền tin cho Đức Mẹ thụ thai Con Thiên Chúa, nay đến là
để loan báo cuộc thương khó với thập giá và đinh nhọn; màu áo đỏ mà Tổng Lãnh
Thiên Thần mặc là màu của lòng mến nhưng cũng là màu biểu trưng cuộc thương
khó. Góc bên trái là Tổng Lãnh Thiên Thần Micaen (OAM) đang mang đến những dụng
hình của cuộc thương khó cứu độ của Chúa Kitô (lưỡi đòng và bọt biển ở đầu cây
gậy có thấm dấm chua) và màu áo xanh của Tổng Lãnh Thiên Thần biểu trưng cho
nhân tính.
Hình ảnh
Đức Trinh Nữ Maria chiếm phần lớn bức linh ảnh với những chữ ghi chú MP– ΘΥ, có
nghĩa là Mẹ Thiên Chúa. Những phối màu vẽ chân dung Đức Mẹ phản ánh tất cả khoa
thần học về Đức Maria và một sự gởi mở cho những tín điều về Đức Trinh Nữ. Với
mái tóc của Mẹ được che kín hoàn toàn, điều đó gợi nhắc rằng nơi Mẹ hoàn toàn
không có bất cứ một sự dung tục, phù phiếm nào. Chiếc khăn màu xanh phủ kín đầu
là biểu trưng cho sự trinh khiết của Mẹ. Màu áo đỏ phía trong áo choàng
biểu trưng cho tình yêu mẫu tử: Đức Maria vừa là trinh nữ vừa là mẹ. Chiếc áo
choàng màu xanh mà Mẹ mặc gợi nhắc đến điều Mẹ đã thưa lên trong kinh
Magnificat: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa… vì Người đoái thương nhìn đến tôi
tớ của Người.” Với tiếng xin vâng, Đức Maria đã chấp nhận trở nên khí cụ trong
bàn tay Đấng Tối Cao. Mẹ đã chấp nhận để cho ân sủng Chúa bao bọc và Thánh Thần
rợp bóng trên Mẹ và chính Thánh Thần đã làm cho người nữ tỳ hèn mọn trở thành
Mẹ Thiên Chúa, Mẹ của mọi người chúng ta và là Nữ Vương các thánh thiên thần.
Nơi hình
ảnh Hài Nhi Giêsu, ta bắt gặp một tổng hợp về Kitô học. Phía đầu bên phải của
Ngài có những ký tự IC – XC (Giêsu Kitô). Đức Giêsu là nhân vật duy nhất trong
bức linh ảnh xuất hiện toàn thân mình. Chiếc áo màu xanh Ngài mặc biểu trưng
cho mầu nhiệm Nhập Thể làm người của Ngài, trong khi đó chiếc áo choàng màu
vàng biểu trưng cho thần tính của Ngài: Đức Kitô vừa là Thiên Chúa thật vừa là
người thật. Chiếc đai lưng màu đỏ biểu trưng cho tình yêu như Ngài đã truyền
dạy chúng ta trong bữa Tiệc Ly và chính Ngài đã biểu lộ tình yêu ấy qua trọn
vẹn cuộc sống và sự chết của Ngài như được nhắc đến trong giờ phút trước khi
Ngài bước vào cuộc thương khó: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn
ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13, 1).
3.
Thông
điệp: Mẹ Sầu Bi, Mẹ Hằng Cứu Giúp, Mẹ của ơn cứu chuộc
Sự phong
phú của các biểu tượng trong bức linh ảnh gợi nhắc cho ta những danh xưng của
Đức Mẹ mà chúng ta có thể kều cầu: Mẹ Sầu Bi, Cửa Đền Vàng, Đấng chỉ bảo đàng
lành, Mẹ Hằng Cứu Giúp, Mẹ của Ơn Cứu Chuộc. Với các nhân vật xuất hiện
trong ảnh, ta có thể xếp bức linh ảnh này vào dạng bức ảnh nói về Đức Mẹ Sầu
Bi. Nhưng chính xác hơn, ta có thể khẳng định rằng bức linh ảnh biểu trưng cho
toàn bộ mầu nhiệm cứu độ.
Sứ điệp
về niềm hy vọng chất chứa trong bức linh ảnh được truyền tải qua tư thế của Hài
Nhi Giêsu. Chi tiết gây tranh luận đó là hình ảnh chiếc dép sắp rơi ra khỏi
chân của Chúa Giêsu. Ngày nay chúng ta thường nói đến tầm quan trọng của dấu
vân tay. Não trạng cổ đại ngày xưa thì nói đến dấu chân trần biểu lộ sự riêng
biệt của một cá nhân. Vì thế, ở đây chúng ta có thể hiểu rằng bàn chân trần của
Chúa biểu lộ bản tính nhân loại của Ngài. Hơn nữa, theo phong tục xưa kia, khi
có giao kèo với nhau, người ta thường rút chiếc dẹp trao cho nhau để làm tin (R
4, 7; Tv 60, 10; Lc 3, 16).
Điều này
có nghĩa là Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật, đã mặc lấy xác
phàm để cứu độ chúng ta, đã tái thiết lập giao ước vốn đã bị phá hủy do sự bất
phục tùng của tội (Kinh Tiền Tụng VII mùa thường niên). Bồng ẵm trẻ Giêsu, Đức
Mẹ dường như đang che chở cho Ngài, trao ban Ngài cho chúng ta và chỉ cho chúng
ta hướng về Ngài. Ngước mắt nhìn thấy dấu chỉ về cuộc thương khó, Hài Nhi Giêsu
tựa vào cung lòng Đức Mẹ, cầm lấy tay Mẹ và trong một chuyển động đột ngột,
Ngài làm tuột quai dép. Thực tế, chúng ta đã được lưu ý rằng trong linh ảnh, ý
nghĩa tâm lý chỉ có tính cách tương đối; tốt hơn hết là cần phải hiểu chi tiết
này dựa theo ánh mắt của Chúa Giêsu. Dưới đây, chúng tôi xin đề xuất cách giải
thích của chúng tôi.
Bởi vì
hình ảnh Đức Trinh Nữ Maria chiếm phần lớn bức hình, nên điểm chính giữa của
bức linh ảnh là sự đan xen giữa bàn tay của Chúa Giêsu và của Đức Mẹ. Ngắm nhìn
khuôn mặt của hai đấng, chúng ta có thể suy nghĩ đến sự đóng góp của các ngài
trong công trình cứu chuộc. Như thế, Chúa Giêsu không có vẻ gì là chợt thấy
những dụng hình thương khó, nhưng Ngài nhìn thấy chúng như đang được long trọng
mang đến cho Ngài, như một cuộc cung nghinh khải hoàn thật sự. Ngài nhìn ra bên
ngoài khỏi khung cảnh của bức hình và ánh mắt của Ngài rất chăm chú, thu hút.
Ánh mắt của Ngài thực sự là đang hướng về Chúa Cha, Đấng đang ngự trên trời.
Cũng thế, Đức Maria cũng đang dùng bàn tay phải để chỉ hướng về Chúa Cha, Đấng
đang dõi theo Đức Giêsu, Con của Ngài; và chính Đức Maria cũng đang trao ban
cho chúng ta Đức Giêsu và chỉ cho chúng ta cách thế để được cứu độ trọn vẹn.
Hiểu một
cách đúng đắn hơn nữa, bàn tay này thực sự là bàn tay đang đoái đến thân phận
nhân loại chúng ta … Và đồng thời Chúa Giêsu cũng đang chúc lành và cầm giữ bàn
tay của Mẹ thật chặt như thể đang chỉnh hướng bàn tay ấy lên trời và đưa ra cho
ta một sự đảm bảo chắc chắn rằng nếu chúng ta có phải đi qua thung lũng thương
đau thì chúng ta cũng không phải đi một mình: “tại đó cũng tay Ngài đưa dẫn,
cánh tay hùng mạnh giữ lấy con” (Tv 139, 10) và tất cả điều đó diễn ra dưới ánh
mắt đầy tình từ mẫu của Đức Maria. Người mẹ đã sinh ra Chúa và không ngừng trao
ban Chúa cho chúng ta đang chăm chú dõi nhìn chúng ta.
Người mẹ
đã từng đứng dưới chân thập giá đã nếm trải khổ đau và được Chúa gửi gắm cả
nhân loại mỏng giòn yếu đuối, người mẹ đáng yêu mến ấy luôn luôn muốn trợ giúp
chúng ta. Như được thể hiện trong bức linh ảnh, ánh mắt của Mẹ biểu lộ sự êm
ái, bàn tay của Mẹ đầy uy quyền đảm bảo sự cứu giúp luôn luôn của Mẹ và hình
nền màu vàng làm chứng cho những điều ấy. Nếu chúng ta đến với Mẹ, Mẹ sẽ dẫn
chúng ta đến với Chúa Giêsu, Đấng cứu ta khỏi mọi sự dữ bằng thập giá vinh
quang của Ngài. Nếu chúng ta để cho Mẹ dẫn dắt chúng ta như Mẹ đã để Chúa Thánh
Thần hướng dẫn Mẹ, thì chúng ta có thể vượt qua được mọi đau khổ để đạt tới
niềm vui và vinh quang trong vòng tay của Thiên Chúa Cha. Toàn vẹn bức linh ảnh
nói với chúng ta về sự trìu mến, về lòng xót thương. Không dừng lại ở sự thương
khó, khổ đau, nhưng bức linh ảnh nói về niềm hy vọng chắc chắn về ơn cứu độ.
Kết luận
Suối mạch
ân sủng và ơn hoán cải được trao ban ngang qua Đức Trinh Nữ Maria như là kết
quả của việc cầu nguyện và suy gẫm dựa trên ảnh thánh này. Qua việc phổ biến
lòng sùng kính linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, nhiều tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế
cùng với hàng triệu tín hữu đã được đưa về gần Chúa. Càng tuyệt vời hơn nữa khi
ta lẫn chuỗi Mân Côi trước linh ảnh này bởi vì chuỗi Mẫn Côi giúp chúng ta suy
tưởng đến mầu nhiệm trung tâm của đức tin và ơn cứu độ chúng ta. Khi suy ngẫm
các mầu nhiệm năm sự vui, chúng ta có thể chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu, Con Thiên
Chúa, Đấng đã mặc lấy xác phàm vì ơn cứu độ chúng ta; Hài Nhi ấy đang ở trong
vòng tay của Đức Mẹ và đang được Đức Mẹ trao gửi cho chúng ta và Mẹ cũng đang
mời gọi chúng ta noi gương Mẹ biết để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong cuộc
sống của mình.
Với những
mầu nhiệm năm sự sáng, ngang qua việc chiêm ngắm Đức Maria đồng hành với Chúa
trên hành trình đời sống sứ vụ công khai của Chúa, chúng ta được biến đổi để đi
vào chính điều chúng ta suy gẫm. Với mầu nhiệm năm sự thương, ngước nhìn lên
các dụng hình thương khó, thập giá và các dấu tích lớn lao làm phát sinh đời
sống mới, đời sống vĩnh cửu, chúng ta có thể chạm đến tình yêu vô bờ bến mà
Thiên Chúa dành cho chúng ta và ta nghe được Ngài đang mời gọi ta biết yêu
thương như Ngài yêu thương chúng ta. Với mầu nhiệm năm sự mừng, chúng ta
được củng cố niềm hy vọng chắc chắn về cùng đích vinh quang nơi Thiên Chúa;
chúng ta được hướng dẫn và che chở bởi chính Đức Mẹ, đấng đang chỉ cho chúng ta
con đường hướng về Chúa Cha ngang qua Chúa Giêsu Kitô.
Lm. Alfonso V. Amarante,
C.Ss.R.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Dũng,
C.Ss.R. chuyển ngữ
No comments:
Post a Comment