Tôi vừa nhận được tin báo và mời tham
dự sinh nhật của một trang thông tin điện tử của truyền thông Công Giáo. Trang
thông tin này được nhiều người xem và bày tỏ sự ủng hộ qua các con số thống kê của
trang cung cấp. Tạ ơn Chúa và cám ơn các Linh Mục, các Cộng Tác Viên đã nỗ lực
rao truyền Lời Chúa qua một phương tiện truyền thông có hiệu quả phổ biến nhất
hiện nay.
Ngay từ năm 1990, trong bức thông điệp “Sứ vụ Đấng Cứu
Chuộc”, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chỉ ra rằng: Thế giới truyền
thông là một thế giới mới, một nền văn hóa mới, có sức gây ảnh hưởng đến toàn
thể nhân loại, biến trái đất này thành một ngôi làng, đống thời ngài cũng
khuyến dụ: Không phải chỉ lập thêm những kênh truyền thông mới, nhưng làm sao
cho các giá trị Tin Mừng thấm đượm vào các kênh truyền thông đang hiện hữu (Thông
Điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Chuộc, Missio Redemptio, chương 4).
Nhìn
vào ngôi làng truyền thông Công Giáo ở Việt Nam, kể từ ngày Internet ồ ạt tràn
vào, sức lan tỏa và sinh sôi nảy nở các kênh truyền thông thật đáng nể, rất
nhiều hiệu quả tích cực đã phát sinh từ kênh truyền thông điện tử này, nhiều
người nghèo, người cô thân cô thế, người gặp cơn khốn khó… hưởng nhờ hiệu quả
mọi mặt tinh thần cũng như vật chất nhờ các kênh truyền thông Công Giáo.
Các kênh này cũng đóng góp hiệu quả vào việc “nâng cao
dân trí” một cách đáng phục, cung cấp các món ăn tinh thần cho những ai khao
khát hiểu biết, đánh thức những cơn ngủ lâu dài của những người xưa nay không
có điều kiện tiếp xúc với thông tin, mở rộng vùng thảo luận trao đổi trong cộng
đồng và giúp thăng tiến, thay đổi suy nghĩ của nhiều thành phần Dân Thiên Chúa
cũng như nhiều người khác tìm đọc.
Tuy
nhiên chúng ta không khó khăn để nhận ra rằng, có những thông tin được đánh giá
là “an toàn”, là "đi đúng lề" thì được đăng tải tràn trề trên nhiều
mạng, mở bất cứ trang nào cũng có, nhưng những tin thật, tin chính xác và tin
cần được truyền thông, thì gần như không tìm thấy trên các trang mạng vừa nói.
Những tin ấy đã không được truyền đi vì lý do chúng “không an toàn” cho trang
mạng và thường được gọi với một từ dị nghĩa “nhạy cảm” !
Như
thế xét về một phương diện nào đó đã có sự không công bằng giữa các thông tin
và chưa hoàn tất nhiệm vụ thông truyền, không sòng phẳng với đối tượng của
truyền thông. Các Ngôn Sứ xưa không làm nhiệm vụ dựa trên tiêu chuẩn an toàn
bản thân, tránh nhạy cảm. Truyền thông Công Giáo đảm đương sứ mạng Ngôn Sứ của
ngày hôm nay chắc sẽ không lấy chính mình làm tiêu chuẩn sứ vụ.
Có
những thông tin vì để “an toàn” nên đã không “truyền” hết, vì thế không đạt
được vai trò “thông”, nhưng truyền nửa vời, truyền không hết có thể sẽ là sai,
nếu là sai thì đã phản bội vai trò của mình rối. Một thí dụ cụ thể: không tìm
được một bản dịch nào của bức Thông Điệp Laudato Si dịch chính xác số 104 của
Đức Thánh Cha Phanxicô, không thể nói đó là một đoạn văn khó, một người biết
chút it tiếng Anh cũng không dịch như các bản dịch hiện đang lưu hành.
Đi một
vòng quanh các nhà sách của bất cứ thành phố nào trên đất nước này, vào quầy
sách Tôn Giáo, sách nhà Phật tràn lan, mỏi mắt không tìm được một cuốn nào của
Kitô Giáo chứ đừng nói đến Công Giáo. Chúng ta có thể lý luận sách Công Giáo
đầy trong các nhà sách Công Giáo, tòa giảng đã thay nhà sách bội phần rồi.
Thế nhưng thử hỏi có được mấy người không Công Giáo tìm
đến các nhà sách Công Giáo ? Mấy người không Công Giáo lại tìm đến Nhà Thờ để
nghe các bài giảng ? Và lời Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông Huấn Niềm vui Tin
Mừng kêu gọi chúng ta ra vùng ngoại biên là lời gì đây ?
Phải
nhận ra rằng có một mảng truyền thông đó là sách, chúng ta đã không chú ý đủ.
Suy
nghĩ và nhận định như thế rồi, chúng ta tạ ơn Chúa, lại cám ơn nhau đã cộng tác
với ơn Chúa trong nhiều nỗ lực loan truyền Tin Mừng, và không quên hiểu biết và
cảm thông với những giới hạn của thân phận, từ đó giúp nhau cùng bước tới trong
niềm tin tưởng phó thác tất cả cho Chúa.
Lm. VĨNH SANG, DCCT,
24.3.2017
No comments:
Post a Comment