Friday 5 February 2016

Lm Vĩnh Sang DCCT: Ngày xưa-Bây giờ, một hành-trình đức tin



NGÀY XƯA – BÂY GIỜ,
MỘT HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN
Nước Mặn, Gò Thị, Gò Bồi, Làng Sông, là những địa danh ( thuộc Giáo Phận Quy Nhơn) đậm chất Đức Tin của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam thửa khai mở. Các Thừa Sai Tin Mừng đã đến Nước Mặn ( 1618 ). Ngày nay Tòa Giám Mục Quy Nhơn đã xây dựng di tích nơi các Thừa Sai đặt chân đến để lưu truyền và ghi dấu Đức Tin. Di tích tọa lạc trên một khu đất nhỏ, khoảng 100 mét vuông, gồm một bệ ximăng trên đó một gốc cây bằng bêtông có nhiều nhánh đang vươn lên tượng trưng cho Giáo Phận Đàng Trong từ gốc rễ này nảy sinh, các mặt bên của gốc cây có 8 bảng đá ghi bằng 8 ngôn ngữ di tích Tin Mừng đến Việt Nam.
Gò Thị là nơi đặt Tòa Giám Mục đầu tiên của Giáo Phận Đàng Trong ( 1840 ). Là quê hương của Thánh Tử Đạo Trùm Cả Năm Thông ( Anrê Nguyễn Kim Thông, còn gọi là Anrê Năm Thuông ), ngày nay có một ngôi đền thờ ghi dấu tích tử đạo, ngoài cửa đền thờ có lễ đài lưu giữ cỗ quan tài của Thánh Anrê Năm Thông. Ngôi đền thờ này do Đức Cha Phaolô  Huỳnh Đông Các, Giám Mục Giáo Phận Quy Nhơn xây dựng theo bản vẽ thiết kế của cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi nay là Giám Mục Chính Tòa Quy Nhơn. Nơi đây còn giữ di tích ngôi mộ của Thánh Anrê Năm Thông, bên cạnh là ngôi mộ của vị Linh Mục con trai Thánh Anrê Năm Thông, ngài cũng chịu chết vì đạo như cha mình. Khi Thánh Anrê Năm Thông bị giải vào Nam để chịu xử án, ngang qua Phan Thiết nơi người con làm Linh Mục đang trú ngụ, ngài đã ra viếng thăm cha mình và khích lệ Thánh Anrê vui lòng hy sinh vì chánh đạo.
Người ta nói với nhau rất nhiều về ngôi mộ của Thánh Anrê Năm Thông, nhiều người mang bệnh nan y bất trị, đến cầu nguyện với Thánh Anrê nơi ngôi mộ này, đã được lành bệnh một cách lạ lùng. Ngôi mộ được mở ra khi khai quật tử thi của Thánh Anrê, ngày nay vẫn mở nguyên như vậy, bên trong mộ cát đùn lên và luôn có một mạch nước trong vắt trên bề mặt cát.
Làng Sông là nơi xây dựng Chủng Viện đầu tiên của Giáo Phận Đàng Trong mà trong bài trước chúng ta có đề cập đến. Một trong các di tích quan trọng để lại trong khuôn viên Chủng Viện Làng Sông là một nhà in mang tên Làng Sông Ấn Quán. Ngay từ đầu thế kỷ 19 nhiều sách đã được in và phát hành bởi Làng Sông Ấn Quán này. ( Ảnh chụp cây nhiều nhánh ở Nước Mặn, tượng trưng cho Giáo Phận Đàng Trong ).
Trong các cuộc hội thảo khoa học, cụ thể là cuộc hội thảo mới nhất gấn đây ( tháng 1 năm 2016 ) được tổ chức ở Bình Định, đã có nhiều bài tham luận đánh giá cao về nhà máy in này trong sự nghiệp đóng góp cho việc sáng tạo và xây dựng chữ Quốc Ngữ. Một cuộc cách mạng cho ngôn ngữ Việt Nam. Chúng ta biết rồi, nhờ chữ Quốc Ngữ mà chúng ta có phương tiện mở mang và nâng cao kiến thức, thoát khỏi dạng chữ tượng hình, đồng thời đủ phương tiện để diễn tả các ý niệm trong mọi lãnh vực, rất dễ tương tác với nhiều ngôn ngữ khác.
Gò Bồi, nơi đây vừa xây dựng và trùng tu xong ngôi đền thờ kính Thánh Stephano Cuénot Thể, địa danh Vĩnh Thạnh, Gò Bồi, Tuy Phước, Bình Định. Thánh Cuénot Thể, Giám Mục Giáo Phận Đàng Trong ( 1835 – 1861 ), chính ngài đặt tòa Giám Mục Đàng Trong tại Gò Thị, quê hương của Thánh Anrê Năm Thông. Truyền giáo là tâm huyết dặc biệt của vị Giám Mục này, ngài đã sai rất nhiều người lên miền Tây Nguyên để rao giảng Tin Mừng cho người dân bản địa nơi đây. Công cuộc loan báo Tin Mừng của “Thầy Sáu Phanxicô Nguyễn Do” kết quả là Giáo Phận Kon Tum ra đời, chính là đã khởi đầu bằng lệnh truyền Sai Đi của Thánh Cuénot Thể ( 1848 ).
Ngôi đền được xây dựng ( 1935 ) tại chỗ ngài bị bắt ( 28.10.1861 ), là nhà của Tôi Tớ Chúa, bà Maria Mađalêna Huỳnh Thị Lưu, Đức Cha đã dâng Thánh Lễ cuối cùng tại đây trước khi bị bắt, họ giải ngài về Bình Định đi ngang qua Nước Mặn. Ngài đã chết rũ tù, nhưng khi có án từ Huế vào, người ta đã đào mả ngài lên để thi hành án, lấy xác phân thây, thả trôi sông.
Ngay cửa chính của đền, chúng ta bắt gặp được một chi tiết rất đắt giá mà những người làm công việc trùng tu còn giữ lại, đó là cái ngạch cửa. Cái ngạch cửa dùng để nối hai chân cột lại chống lực đẩy do sức nặng của nhà làm giãn hai chân cột ra. Đây là một chi tiết kiến trúc cổ của mọi ngôi nhà Việt, nó không chỉ giữ vai trò chịu lực như phân tích ở trên, nhưng nó còn là một nét văn hóa Việt nữa.
Ngôi nhà của người Việt dành riêng gian giữa để thờ kính ông bà tổ tiên. Cái ngạch cửa là ranh giới phân định nội thất và ngoại thất của ngôi nhà, khi bước đến cái lằn ranh ấy, người khách được cái ngạch cửa nhắc là đã bước đến giới hạn giữa ngoài và trong, việc đầu tiên là phải cúi đầu thi lễ với chủ nhà là ông bà tổ tiên của họ, cái ngạch cửa buộc người khách phải cúi xuống thận trọng bước qua nếu không muốn vấp ngã ! ( Ảnh chụp cái ngạch cửa ở Đền Thờ kính Thánh Cuénot Thể tại Gò Bồi ).
Luật pháp được xây dựng để giúp người ta hiểu, nhắc người ta nhớ, gìn giữ cho kỷ cương trật tự được thi hành. Luật không phải để rình bắt, quy chụp và rào kín, giới hạn quyền tự do. Không xây dựng luật, hoặc làm luật không minh bạch rồi đổ lỗi là người ta thiếu ý thức thì thật tồi tệ và không lương thiện. Cái ngạch cửa rất rõ ràng và minh bạch, mang đậm nét văn hóa tinh tế và hiệu quả như thế, vậy mà ngày nay người ta coi thường và vất bỏ oan uổng.
Một vài suy nghĩ ghi lại nhân chuyến viếng thăm Giáo Phận Quy Nhơn trong giai đoạn chuẩn bị Năm Thánh mừng 400 năm Tin Mừng đến Quy Nhơn.
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 29.1.2016
( Các tài liệu lấy từ website của Giáo Phận Quy Nhơn )

No comments: