Wednesday, 13 May 2015

Cựu Lm John D Crossan Bài 12 Dụ ngôn truyện kể ở Phúc Âm để làm gì



Chương 4
Đức Giêsu
đã giảng và dạy những gì?
 (bài 12)


Phúc âm kể dụ-ngôn hạt cải để làm gì? Phải chăng để bảo: Vương Quốc Nước Trời khởi từ hạt cải, sau đó lớn mạnh? 


Đó là nội-dung lời chú-giải ta nghe rất thường ở Phúc Âm. Thế nhưng, ở đây cũng cần xem kỹ loại cây cải này sống ở Địa Trung Hải, tức: loại cây mà chim trời có thể làm tổ ở đó. Quả là, cây cải tự sinh sôi/nảy nở từ một hạt nhỏ. Khi cây tăng-trưởng, nó thành bụi rậm cao gần một mét và có cây còn cao hơn thế. Nhưng theo tôi, thì khi nghe kể dụ-ngôn này, người nghe sẽ nắm trọn ý Đức Giêsu nói qua câu truyện.   

Tác-giả “Pliny Già”, là người đã quá vãng vào năm 79 sau Công nguyên, vì ông dám đến gần sát núi Vesuvius đang bốc lửa. Vào dạo ấy, ông có viết về cây cải trong sách có tựa đề là “Thiên-nhiên Sử”. Ông mô-tả vị cay nồng đến “cháy môi/miệng” của cây, nhưng theo ông, nó lại có tính bổ-dưỡng cho sức khoẻ con người. Ông nói: cây cải loại này, thường mọc ở khu hoang-dã, nhưng ta vẫn có thể cải-thiện nó bằng cách đem về ghép với cây nào khác trong vườn nhà, cách cẩn-thận. Và ông bảo: “Khi gieo xuống đất, nó sẽ không chừa khoảng đất trống nào ở xung quanh. Bởi, hạt của nó rơi xuống, sẽ đâm chồi thành cây lớn ngay lập tức.”

Nói cách khác, khi kể dụ-ngôn hạt cải, Đức Giêsu có ý bảo: cây này sẽ lấn chiếm những nơi không ai muốn nó tới; và nó có khả-năng tránh được mọi khống-chế/ràng-buộc bởi thế nên, nếu không thích, ta có thể dễ dàng bứng nó đi. Đức Giêsu chủ-trương Vương Quốc Nước Trời, giống bụi cải cay nồng này, lại có đặc-trưng/đặc-thù là khi ta đã vất bỏ nó rồi, vườn tược của ta bị nguy-hại vẫn không nhỏ. Sự thật thì, tại các khu trồng trọt, ta vẫn thấy chim trời tới đó đậu trong phút chốc hoặc làm tổ để ở, dù chẳng ai thích chúng đến. Là nhà nông, chẳng ai muốn thấy chim trời đến ruộng/vườn nhà mình để ăn hạt giống lẫn đậu hạt do mình ra công trồng trọt. Hơn nữa, đây là ẩn-dụ khiến người nghe kinh-ngạc, sửng-sốt. Ẩn-dụ về Vương Quốc nói ở đây, là thứ dịch hại gây cho chủ vườn vốn dĩ chăm lo canh-tác rất cẩn-thận. Nghe thế, hẳn quý vị lại sẽ nghĩ, rằng: giới chủ-đất cùng như tá-điền, hằng ngày vẫn không ngừng lao-động hoặc cả những người vô công rỗi nghề hoặc các tay hành-khất tuyệt-vọng, cũng đáp trả theo cách giống hệt như thế, chí ít là về Vương Quốc Nước Trời được ví như cây cải.


Nếu thế, dụ-ngôn hạt cải lại kể nhiều hơn các bài giảng hay sao? Kể truyện dụ-ngôn có buộc người kể phải suy về ý-nghĩa của cốt truyện, không?

Nghe truyện dụ-ngôn Đức Giêsu kể, rồi suy cho kỹ, sẽ giúp ta trả lời các câu tương-tự, cách tích-cực. Thật ra thì, truyện dụ-ngôn giúp ta hiểu được các câu Đức Giêsu nói về “Vương Quốc Nước Trời” mà giáo-lý trong Đạo từng qui-chiếu. Điều này cũng thấy ở văn-bản khác, như Tin Mừng do tác-giả Tôma viết, mà tôi xin phép được trích-dẫn ở đây một đoạn như sau:

“Đức Giêsu nói: “Có người từng đón khách quí đến nhà mình khoản đãi. Chuẩn bị bữa ăn tối cho khách, ông sai đầy tớ đi ra ngoài mời khách vào nhà. Người đầy tớ đến mời người thứ nhất và nói: ‘Thày tôi mời ông đến.’ Người ấy bảo: ‘Tôi đang có mấy người khách buôn hàng còn nợ tiền của tôi, họ sẽ đến chỗ tôi vào tối nay. Tôi phải đi đón để còn ra hiệu-lệnh cho họ nữa. Vậy xin khất để hôm khác nhé.’ Người đầy tớ lại ra đi mời người khác và nói với người này như sau: ‘Thày tôi mời ông đến.’ Người này lại nói với đầy tớ rằng: ‘Tôi vừa tậu căn nhà và họ gọi tôi đi xa mất cả ngày. Tôi không có giờ đến dự đâu.’ Người đầy lại đi mời người khác và bảo: ‘Thày tôi mời ông đến.’ Người ấy lại cũng nói với đầy tớ rằng: ‘Bạn của tôi nay có đám cưới nên tôi phải sắp đặt buổi tiệc cho bữa đó nên không đến được. Tôi xin lỗi không đến dự bữa tối với thày của ông được.’ Người đầy tớ lại đến với người khác và nói với người này rằng: ‘Thày tôi mời ông đến.’ Người được mời bèn nói với đầy tớ rằng: ‘Tôi vừa mua được căn hộ nên phải đi thu tiền thuê nên không thể đến được. Tôi thành-thật xin lỗi.’ Người đầy tớ trở về tâu với chủ: ‘Những người mà Ngài mời tới dự tiệc đều xin kiếu.” Người chủ bèn nói với đầy tớ của ông rằng: ‘Ngươi hãy ra ngoài đường và đem về đây bất cứ người nào ngươi gặp để họ dự tiệc.’ Mọi kẻ buôn người bán [sẽ] chẳng vào được nơi ở của Cha ta.”


Ở câu cuối, Ngài lại bảo: “Mọi kẻ buôn, người bán sẽ chẳng vào được nơi ở của Cha ta”, đó là lối diễn-tả của tác-giả Tôma về ý-nghĩa của dụ-ngôn. Trong khi tác-giả Luca kể, ông lại sử-dụng cụm-từ “Những người bị ruồng bỏ” được gọi đến dự tiệc. Còn tác-giả Mátthêu lại viết: “Kẻ tốt người xấu” tụ-tập đến’. Tuy thế, đằng sau các giải-thích riêng này, ta thấy cùng một lối kể truyện phổ-biến cùng khắp, vẫn tuân-theo đường-lối rất giống nhau.

Qua truyện trên, Đức Giêsu kể về người lo tiệc để đãi khách, nên sai đầy-tớ ra ngoài mời bạn-bè ông đến. Người được mời, cứ tuần-tự kiếm lý-do này/khác để xin kiếu, không đến. Xem thế thì, truyện ở đây cho thấy: tiệc đã sẵn, nhưng phòng tiệc vẫn cứ trống, nên chủ nhà bèn sai gia-nhân thay thế khách chối-từ bằng cách mời bất cứ ai sống ở ngoài đường.

Ở đây, ta cũng nên dừng lại đôi phút, để suy về cảnh tình xảy ra, vào lúc đó. Giả như ai đó, sống vất-vưởng ngoài đường, lại được mời dự tiệc, hẳn người tham-dự sẽ gồm đủ mọi giới, mọi giai-cấp, ngạch-trật trên dưới rất lẫn lộn. Và khi đã vào ngồi, người này lại sẽ dựa vào người kia, nam cạnh nữ, người tự-do ngồi sát dân nô-lệ, người cao/sang sẽ ngồi cạnh kẻ dưới thấp, người thanh-bạch cạnh người tầm-thường cả trong nghi-thức ăn/uống, lễ-lạy. Và dĩ nhiên, điều này lại sẽ chao-đảo cả xã-hội và trở-thành mối đe-doạ các qui-định dựng cuộc sống đã được nghiên-cứu cẩn-thận ở những thế-kỷ đầu.


Chuyện này không chỉ xảy ra ở thế kỷ đầu mà thôi. Hãy tưởng-tượng, thời buổi này lại có người dám huỷ bữa tiệc linh-đình đã dọn sẵn thay vào đó, cho gọi kẻ đầu đường xó chợ đến ăn, sao?


Đó chính là vấn-đề. Riêng đây, hãy tưởng-tượng trường-hợp có người hành-khất nào đó tự dưng đến trước cửa nhà mình để xin ăn. Có thể, quý vị cũng bố thí cho người ấy đôi chút độ-nhật bù cho họ cả ngày đường, phải “lang bạt kỳ hồ” đây đó. Có thể, lại có ai đó độ-lượng hơn, mời người lạ vào tận bếp, lấy đồ nhà ra cho nguời ấy ăn. Hoặc giả, có người còn ưu-ái hơn, kêu mời người ấy bước thẳng vào phòng ăn để cùng với gia-đình ăn cơm tối, thoả thích. Hoặc, bảo người dưng khách lạ cứ trở lại vào cuối tuần để cùng ăn/cùng uống với bạn bè/người thân vui chơi chè chén với gia-đình, chăng?

Lấy ví-dụ khác: ví thử ta là Giám đốc công-ty danh tiếng nọ, đã sửa soạn bữa tiệc nhẹ tại phòng khách công-ty; hoặc, sửa soạn bữa ăn trưa ở nhà hàng để khoản-đãi các trưởng sở hoặc mở tiệc đặc-biệt cho các sếp hoặc phó phòng ở nhà mình, mà bị từ-chối, hẳn người tổ-chức có thấy gì khác câu truyện ở trên không? Thế-kỷ thứ XX đâu nào khác thế kỷ đầu đời, khi những người được mời đến thưởng-thức món ăn ngon, là để khoản-đãi các đối-tác đồng-cấp hầu củng-cố địa-vị mình đang nắm trong công-ty, hoặc trong xã-hội mình sống; chí ít là để duy-trì quan-hệ thương-mại với nhiều người.

Xem thế thì, ăn uống không chỉ là tác-động đơn giản về thể-lý để xua cơn đói đang dồn cục trong bụng. Các nhà nhân-chủng-học có kể rằng: Các “qui-định” ẩm-thực chỉ là ảnh-hình thu nhỏ của xã-hội đưa ra qui-định nào đó trong quan-hệ và giáo-tế  của nhiều người. Những gì ta thực-hiện tại bàn ăn, được coi như bản-đồ cho thấy sự khác-biệt về kinh-tế, xã-hội và chính-trị ở một số nơi.

Hãy lấy ví-dụ nước Mỹ vào đầu thế-kỷ thứ XX, các phong-trào đòi quyền sống đã nổi dậy ở một số tiểu-bang. Hãy nghĩ về các cơn giận của nhiều người da trắng  tại bữa ăn do “Woolworth” tổ-chức tại quầy cho khách hàng người da mầu đã được ăn uống thoả thuê lại còn chễm chệ ngồi sai nhân-viên phục-vụ lấy bánh mì kẹp thịt với Coca-Cola cho mình. Có khác cảnh-tượng kể trên không!

Xã hội hiện-đại tuy rực sáng tính dân-chủ, nhưng cũng có qui-định về ăn uống, như: ăn ở đâu? Khi nào? Cùng bàn với ai? Khi xưa, cũng có nhiều đạo-luật nhấn mạnh việc chống báng người da mầu, tuyệt-đối không cho họ ăn/uống ở một số nơi qui-định, và nhất là: không cho phép người da mầu được phép ngồi ăn chung với người da trắng.

Qui-định tổ-chức các bữa ăn trưa khi xưa, là ảnh-hình thu nhỏ về khuôn-mẫu giao-tế nhân-sự ở xã-hội chủ-trương phân-biệt chủng-tộc, nói chung. Thành thử, khi giới trẻ  da trắng cũng như da mầu, dám phá bỏ các qui-định hoặc luật-lệ về chuyện ăn uống/chung đụntg với các sắc-tộc khác nhau hoặc việc đi chung cùng một xe buýt này/khác, là họ đã tạo sự chống-báng ở xã-hội nơi họ sống  tựa như thế. “Tiệc bàn phân-biệt” nhiều chuyện đã biểu-trưng phân-biệt/kỳ-thị ở xã-hội cùng khắp, lớn/nhỏ. Trong khi đó, “Tiệc bàn rộng mở” lại vẫn là biểu-tượng cho cộng-đồng nhân-loại rất đồng đều, “nên-một”. Và, đó là những gì từng xảy đến dưới thời Đức Giêsu hoạt-động và sinh sống.    


Dù sao thì dụ-ngôn chỉ là truyện kể. Sao cứ hiểu truyện kể, chỉ mỗi nghĩa đen?

Dĩ nhiên, đó chỉ là truyện kể, nhưng truyện đây thách-thức mô-hình xã-hội thu nhỏ, coi đó như chốn miền của hệ-cấp cầm-quyền đầy phân-biệt. Và, truyện kể đây thực-sự còn tệ hơn dụ-ngôn được kể nữa; bởi lẽ, Đức Giêsu sống-thực truyện dụ-ngôn do Ngài kể cho mọi người hiểu bằng cách mời gọi mọi người hãy ngồi vào bàn tiệc trong đó có đủ mọi hạng người khác nhau. Khác, về giới-tính. Khác, cả giai-tầng xã-hội hoặc trong đó có người còn đắn đo, do dự.

Hẳn, quý vị còn nhớ những điều được đề-cập hôm trước, trong đó có nói đến những lời buộc tội ông Gioan Tẩy Giả bị ma-nhập do bởi ăn kiêng lâu ngày; và cả chuyện bảo rằng: Đức Giêsu là kẻ “ham ăn tạp uống” do bởi Ngài ngồi cùng bàn với đám tội phạm cùng thu thuế và cả lũ điếm đàng nữa, cũng thế.

Đành rằng, cáo buộc như thế chỉ là lời cộc cằn/thô-bỉ, mà thôi. Nhưng, ngay cả những lời nói có tính ơ hờ, “chụp mũ” như thế cũng có cái lý riêng của nó; hoặc, dựa trên một số nền-tảng được định-vị trong xã-hội thời đó là cốt để thoá-mạ, chửi bới người khác. Đức Giêsu sống đích-thực dụ-ngôn được kể về “Tiệc bàn rộng mở” qua đó, Ngài giang tay đón chào mọi thực-khách, lại đã tạo lời cáo-buộc bảo rằng: Ngài là kẻ “ham ăn/tạp uống” chỉ làm bạn với đám thu-thuế, điếm-đàng hoặc tội phạm, mà thôi.

Nói cách khác, những lời đả-kích ở trên chỉ muốn bảo rằng: Ngài không phân-biệt lớn/bé, già/trẻ, giàu/nghèo; cũng chẳng kỳ-thị trắng/đen, nam/nữ. Và bởi vì, giới nữ vẫn hay có mặt vào lúc Ngài ngồi cùng bàn tiệc với hết mọi người, đặc-biệt là các nữ-phụ không chồng không con, nên các cáo-buộc bảo rằng “Đức Giêsu ham ăn/mê uống cả với giới “phàm-phu tục tử”, “điếm đàng” là việc lăng-nhục chĩa thẳng vào các nữ-phụ dám vượt tầm kiểm-soát của nam-giới theo lề-luật ở xã-hội thời đó. Thành thử, ngôn-từ do người lăng-mạ sử-dụng như: quân thu thuế, đám đĩ điếm, tội-phạm… là ngôn-từ được dùng để giảm-giá những người cởi mở, dám sống tự do giao-tế với hết mọi người, trong khi nam-giới chuyên khuynh-đảo vẫn có thói “kẻ cả”.

Thành thử, với Đức Giêsu, Vương Quốc Nước Trời được tả bằng hình-ảnh của việc sửa-soạn bàn tiệc có chỗ ngồi hẳn hoi. “Tiệc bàn rộng mở” không phân-biệt một ai, lại đã diễn-tả một xã-hội thu nhỏ không kỳ-thị. Và quan-niệm cũng như tầm-nhìn này, trên căn-bản, đã chạm phải giá-trị nền-tảng của nền văn-hoá Địa-Trung-Hải, vào thời xưa. Cũng không thể bảo rằng: có thể cũng hơi sớm, nếu có ai đề-nghị ta nên nhận ra được sự giận-dữ kéo theo sau việc “ngồi cùng bàn” vẫn còn mới mẻ, vào thời ấy. Đó, cũng là một trong các lý-do khiến họ giam giữ và xử trảm Ngài, không cho Ngài được phép hoạt-động giảng rao/giúp đỡ người nghèo-khó/cùng-quẫn nữa.


Tiệc Tạ Từ của Đức Giêsu có khớp với hình-ảnh buổi tiệc như thế không?                              

Dĩ nhiên là, ta hay có cảm-giác nghĩ rằng: các bữa ăn như thế, là do truyền-thống lễ lạy của giáo-hội thời cổ chỉ muốn dặm thêm sắc-mầu điểm-tô bằng từ-vựng như: “Rước Mình Chúa”, “Lễ Tiệc Ly”, hoặc “Tiệc Thánh Thể”, vv. Cũng có thể, Đức Giêsu từng dùng bữa tối cuối cùng với các môn-đệ của Ngài, cũng không chừng.

Thế nhưng, câu hỏi về tính-chất lịch-sử của bữa tiệc như thế được đặt ra qua câu hỏi: Ngài có thiết-lập tiệc Vượt Qua Mới, hầu biểu-trưng việc Ngài cương-quyết đi vào cõi chết vì Đạo Chúa hôm ấy hay không, hoặc đã có lời dặn dò mọi người hãy tổ-chức những buổi “Tiệc thánh” như thế hầu tưởng-nhớ Ngài, không? Bằng-chứng lịch-sử cho thấy câu chuyện này, nay bị lẫn-lộn/hoà-trộn.

Tác-giả Phaolô hẳn đã hiểu việc Ngài thiết-lập những buổi như thế qua bức thư thứ nhất gửi người dân thành Côrinthô, ở đoạn 11 câu 22-25. Nhưng, sách Điđakê, một tài-liệu được thiết-lập hồi cuối thế-kỷ thứ nhất, đã mô-tả tín-hữu thời đầu có thói quen cùng nhau ăn uống chung trong cộng-đoàn tín-hữu và đã cho thấy: các tín-hữu thời này vẫn không hay biết gì về các nghi-thức này/khác mang ý-nghĩa của Bữa Tiệc Tạ Từ. Và, tài-liệu này cũng không cho biết: có hay không nối-kết nào về Tiệc Vượt Qua và có buổi tưởng-niệm nào về việc Đức Giêsu ra đi vào nỗi chết, như thế!             

Thành thử, riêng tôi, tôi sẽ diễn-tả cảnh tình ấy như thế này: Những gì Đức Giêsu để lại cho hậu thế, vẫn là truyền-thống về “Tiệc bàn rộng mở” như một dấu-chỉ về sự gom-gộp chung cùng cộng-đoàn và cuộc sống ngang bằng/bình-đẳng ở Vương Quốc Nước Trời. Mãi sau này, một số đoàn/nhóm Kitô-hữu mới lập ra lễ Tiệc Ly. Và thêm vào đó, là việc tưởng-niệm cái chết của Đức Giêsu vào truyền-thống san-sẻ của ăn/thức uống chung cùng nhau, như thế.


Trước đây, ông qui-chiếu phong-trào nhân-quyền ở Hoa-Kỳ để minh-hoạ cho cuộc vận-động của Đức Giêsu ở thế-kỷ đầu. Phải chăng ở đây có vấn-đề, là: khi diễn-tả sự ngang bằng giữa mọi người, ông đã vẽ ra hình-ảnh đầy sắc mầu hiện-đại chứ? Có phải ông cũng phóng lên cao giá-trị dân-chủ thời hiện-tại ngược về thế kỷ đầu, chứ?

Không phải thế. Tôi chỉ vẽ lên những gì mang tính triệt-để hầu làm nổi-bật kinh-nghiệm ta có về nền dân-chủ hiện-thời.

Hãy cho phép tôi định-vị thế này: Những người như các nông-gia sống đời “chân lấm tay bùn” đến tận cổ, đã lựa chọn hai giấc mộng khác nhau. Một, về thế-giới trong đó họ đem công việc “chân lấm tay bùn” của họ chuyển cho người khác. Điều đó, là hy-vọng dễ hiểu hoặc cho cả việc lên kế-hoạch trả thù/trả đũa nữa. Giấc mộng thứ hai, là công bằng/chính-trực của thế-giới trong đó họ không làm người khác phải “chân lấm tay bùn” đến tận cổ, gì hết. Lấy ví-dụ chị nông-dân nọ không rõ tên tuổi, từng viết từ Sicily, nước Ý kể cho nhà báo nghe về cuộc nổi dậy của nông-dân vùng này vào năm 1893, bằng những giòng như sau:

“Chúng tôi muốn mọi người làm việc như chúng tôi đây. Xã-hội này, sẽ không còn kẻ giàu/người nghèo khác nhau nữa. Tất cả đều có bánh ăn cho mọi người và con cháu họ. Chúng ta, sẽ ngang bằng/đồng đều không ai hơn ai, kém ai hết. Tôi đây có 5 mụn con nhỏ nhưng chỉ có một phòng bé tí tẹo vừa để ăn vừa để ngủ và làm hết mọi thứ; trong khi đó, nhiều chủ đất lại có đến mươi, mười hai căn phòng lớn nhỏ, đầy đủ chỗ cho một người… Sẽ đủ chỗ, để mọi người có thể ngồi chung với nhau san sẻ chia cho nhau những thứ mình sản-xuất, rất công bằng, hoà-hoãn”.


Thế-kỷ đầu, nhiều người Do-thái biết nhìn về tương-lai để trả-thù/trả đũa hết mọi thứ, mọi người. Đức Giêsu sống với những người nhìn ra được một tương-lai tươi-sáng hơn. “Tiệc bàn rộng mở”, chủ-trương chấm-dứt các lạm-dụng quyền-lực; thay vào đó, đem lại cuộc sống ngang bằng/đồng-đều cách triệt-để diễn-tả bằng câu giảng-dạy của Đức Giêsu. Xem thế thì: việc tạo Vương Quốc Nước Trời không là phóng-ảnh nhìn thấy trước về nền dân-chủ hiện-thời. Nhưng, Vương Quốc Nước Trời mang tính triệt-để hơn, đáng sợ hơn bất cứ thứ gì ta tưởng-tượng.

Thế nên, dù không chu-toàn được trọng-trách ấy, hoặc không chấp-nhận tầm-nhìn ấy, ta cũng không nên giải-thích nó theo nghĩa yếu-hèn, được. Hãy tránh làm điều gì, dù có tác-giả xưa từng làm thế khi viết Tin Mừng, chỉ nhằm mục-đích để thuần-thục-hoá lời nói hoặc việc làm của Đức Giêsu cho dễ hiểu và dễ chấp-nhận.

Tầm nhìn về Vương Quốc Nước Trời do Đức Giêsu tạo cho ta, có thể cũng khó mà phiên-dịch ngay tức thời, thay cho hoàn-cảnh xã-hội thực-tế nào khác của con người. Tầm nhìn về Vương Quốc Nước Trời, ta nên coi đó như những gì hiện-hữu tuy có căng-thẳng nhưng sáng-tạo đối với hoàn-cảnh hoặc sắp-đặt của con người trong xã-hội.

May thay, sự việc ấy thúc-bách ta cố-gắng nhiều hơn nữa, hầu tránh mọi lạm-dụng có thể có; và đem công-bằng/chính-trực về với mình. Điều này, là để loan báo Thiên-Chúa công-bằng/chính-trực cách triệt-để hầu mời gọi ta thiết-lập một xã-hội không thua kém, ở dưới thế. Giả như ta đáp lại rằng: không thể làm thế được, thì Thiên-Chúa có lẽ cũng đáp lại: nếu thế, tương-lai thế-giới cũng không thế được.                                       


Phải chăng sứ-điệp của Đức Giêsu về Vương Quốc Nước Trời đều liên-quan đến hành-động? Đức Giêsu có đưa ra ý-tưởng hoặc chương-trình nào không?


Như ta biết, Đức Giêsu sống ở thời có những chao-đảo/xáo trộn xảy ra trong xã hội. Thế nên, cụm-từ “Vương Quốc Nước Trời” mang nghĩa xã-hội và chính-trị đối với người nghe. Như thế, có thể bảo: trăm phần trăm điều đó có nghĩa tôn-giáo; nhưng cũng trăm phần trăm mang nghĩa chính-trị; trăm phần trăm có nghĩa thần-học, và trăm phần trăm có nghĩa kinh-tế/xã-hội nữa.

Cũng có thể, lời Đức Giêsu răn dạy chỉ mang tính thiêng-liêng không liên-quan đến các khủng-hoảng khiến dân-con của Ngài phải đối đầu. Cũng có người hỏi: tại sao, trong sự-kiện nào đi nữa, đám nông-dân lại chấp-nhận lắng tai nghe Ngài dạy bảo? Phải chăng, là thứ cám-dỗ đặc-biệt đối với những người như chúng ta là học-giả kinh-điển hoặc là nhà giảng-thuyết từng diễn-nghĩa lời/lẽ của Đức Giêsu theo cung-cách trí-thức, chỉ coi đó như thành-phần của lịch-sử tư-tưởng, mà thôi không?

Tuy là thế, những gì tôi nhấn mạnh ở đây, cốt ý nói: Đức Giêsu không bàn-luận về Vương Quốc Nước Trời, nhưng Ngài lại hành-động cách đích-thực và kêu mời mọi người hãy thật tình thực-hiện động-tác ấy. Giả như, thực-tế chuyện Ngài làm chỉ cốt về Vương Quốc Nước Trời mà thôi, thì Galilê chốn-miền-ở-bên-dưới, có thể sẽ mở miệng to mà hoan-nghênh Ngài cho lớn tiếng.

Dạo trước, tôi cũng từng hăng say tranh-luận rằng: việc Đức Giêsu tích cực mời gọi mọi người ngồi vào bàn tiệc chung, đích-thị là hành-động vi-phạm qui-tắc xã-hội mà thời đó mọi người không có thói quen làm thế. Và điều ấy, đem đến cho Ngài lời nhục-mạ rất thậm-tệ, để bảo rằng: Ngài là “người ham ăn/tạp uống, kết bạn với dân thu thuế, phường tội phạm”, vv.. “Tiệc bàn rộng mở” của Ngài khi xưa chỉ là mẫu-mã của một xã-hội thu nhỏ, thôi.

Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh thêm một điều, là: sự việc tương-tự cũng đã xảy đến, khi Đức Giêsu chữa lành chúng dân ở đời. Việc Ngài làm, không đơn-thuần chỉ là hành-động cá-nhân mang tính xót-thương, mà là cung-cách rất khác, hầu tạo-mẫu cho Vương Quốc Nước Trời đối đầu với mẫu mã/hình-hài từng có sẵn về cuộc sống ở xã-hội, ngoài đời.

Giả như ta không giảm-thiểu Đức Giêsu xuống thành bậc thày chỉ răn-dạy mỗi ý-tưởng trừu-tượng thôi, thì điều quan-trọng đối với ta, là: hiểu rằng Ngài có tự-do chữa-lành cũng như tổ chức “Tiệc bàn rộng mở” cho mọi người. Và điều này, lại sẽ đưa ta vào những gì tôi sẽ nói ở chương tiếp.

Cựu linh-mục John Dominic Crossan
Mai Tá lược dịch
        

                             
         

No comments: