Friday 31 August 2012

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mặc Khải Cứu Rỗi: Mối Phúc thật 2




Những kẻ hiền lành.

Tiếng hiền lành đây cũng dịch một tiếng anawim  như “nghèo khó” ở trên. Mối phúc thật này là một xuất xứ Kinh thánh: Tv 37: 11. Sắc thái của tiếng Hy Lạp thì hướng đến sự khoan dung, chạnh lòng thương, hiền từ, nghịch với thịnh nộ, nóng nảy, gắt gỏng, khắt khe, xét nét. Đất  làm cơ nghiệp: trước tiên đất đây là Đất Thiên Chúa dành cho dân Người, đất Canaan. Nhưng, đất do bởi ơn huệ của Thiên Chúa, được hưởng sự chúc lành đặc biệt của Thiên Chúa, hiện diện nơi Dân của Người, nên ý tưởng đã dần dần chuyển đến “quê thật” Thiên Chúa dành để cho những ai thuộc về Người. Cơ nghiệp đó Thiên Chúa sẽ ban nhưng-không cho họ, những kẻ “hiền lành”: những kẻ biết làm sao mà dành quyền lợi cho mình (bởi thân phận, và bởi sự lựa chọn con đường chiụ đựng như Chúa Yêsu)
                                                                                                                                                (còn tiếp)

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR
(trích tài liệu giảng huấn phổ biến nội bộ)


Thursday 30 August 2012

Lm Richard Leonard sj: Giọt Vỡ Cần Trợ Lực



Những ngày trước đây, tôi có đọc cuốn “Bóng đen và khung trời mù tối”, sao thấy xót xa bàng hoàng. Sách do tác giả người Úc, linh mục John Cowburn, giáo sư trường thần học Dòng Tên ở Melbourne, viết. Trong sách, tác giả đã thận trọng đi tìm phương cách hữu hiệu để giúp ta giữ vững lòng thủy chung với Đức Chúa trong mọi tình huống, dù có phải đối đầu với sự dữ, hoặc mây mù dầy đặc, trong đêm.
Ý tưởng viết sách trên, bất chợt đến với tác giả khi ông đang chạy xe đạp, chợt ngã quỵ, gẫy mất chiếc xương cổ. Ông đành nằm dài chờ ngày nhập viện, để giải phẫu. Đang lúc đợi chờ, tác giả gặp vị nữ tu cao niên bước vào phòng bệnh, trao cho ông chiếc Bánh thánh để hiệp thông với Chúa, trước giờ lên bàn giải phẫu. Tác giả kể cho vị nữ tu nghe lý do tại sao ông gặp tai nạn. Chuyện lan man như một khúc phim dài vô vị. Nghe chuyện, vị nữ tu già bèn bảo với tác giả: cha cầu nguyện với Chúa đi. Theo con nghĩ: Chúa thấu hiểu tình cảnh của cha đang cần một thời gian để nghỉ, nên đã sắp xếp để cho cha té ngã, chỉ ngã nhẹ chưa đến phải giã từ cuộc đời! Tác giả vội đáp lời: nếu thế, tôi cũng khá vui, bởi như vậy là Chúa đã chịu để cho tôi chọn ngày sa-bát mà nghỉ ngơi một chút, đấy Sơ ạ.  
            Mãi từ thời Đức Kitô đến nay, nhiều người tuy tốt bụng nhưng hễ gặp chuyện chẳng lành, thường đổ lỗi cho Đức Chúa hoặc cho tà thần sự dữ làm nên. Trong chuyện vừa kể, tác giả thừa hiểu là mình bị tai nạn chỉ vì ơ hờ, không cẩn trọng, mới ra nông nỗi. Đơn giản, chỉ có thế. Vâng. Tất cả những gì tốt đẹp Đức Chúa gửi đến, dù là tai nạn lớn nhỏ, vẫn là một đặc ân, một quà tặng đôi khi giúp ta thêm dũng cảm để tiếp tục hành trình gầy dựng nhân gian vạn vật, theo nhiều lối. Sự kiện Đức Kitô giáp mặt với “những điều chẳng lành” trong trình thuật hôm nay, hẳn đã mang dấu ấn của thứ thần học gọi là “sự-dữ-thôi-thúc-ta-gặp-chuyện-chẳng-lành”. Và, lời đáp trả của Đức Kitô vẫn là một thử thách gửi đến với con người, hệt như với người Pa-lét-tin, hồi thế kỷ đầu.
            Xem như thế, bất cứ khi nào ta còn đem hành vi tiêu cực đổ cho sự dữ, ác thần về những điều xấu ta gặp, rồi rút lại cam kết sau cùng, thì có lẽ chúng ta vẫn còn đang tìm cách xa lánh, và đổ vấy mọi trách nhiệm, hoàn cảnh lên con tim của ta. Dù tim ta nay đã được biến đổi thành tình yêu thương cứu độ. Điều này không có nghĩa, là: quỷ dữ-ác thần không hiện hữu, và cũng không có được uy lực nào trên ta. Nên hiểu ngược lại thì mới phải. Tựa như ân huệ ở Trên ban vẫn được hun đúc bằng tình yêu thương tốt lành, cũng vậy, ác thần - sự dữ vẫn cứ lớn mạnh nơi các bất hạnh, hờn giận. Là tín hữu Đức Kitô, ta nhận ra rằng: trong mọi hoàn cảnh, Đức Chúa vẫn tặng ban cho ta ý chí tự quyết. Thành ra, nếu sự dữ-ác thần vẫn đeo đẳng nơi ta, thì điều đó cũng là hậu quả của các chọn lựa đáng tiếc mà ta thực thi trong quá trình gầy dựng niềm tin-yêu, rất cần.
Trong sống đời hiện thực, tùy theo cách ta nhìn sự dữ - thế gian vạn vật, sẽ ảnh tưởng lên lòng xót thương, nhân hậu của ta. Bởi, nếu không tiếp cận với tham, sân si, những “bảng chỉ đường” tệ bạc thì ta đâu kết cục bằng hành vi trộm cắp, giận hờn, tù tội; hoặc đi xa hơn, những giết chóc, tham quyền cố vị; và, hà hiếp, dâm ô hoặc tha-hóa bản thân đến độ bạo động, khủng bố. Nếu thế, thật khó giúp ta thông cảm được với các can phạm đã dám thực hiện tội ác cùng cực.
Tùy vào mức độ nhận thức của con tim, ta sẽ có khả năng thực hiện được mọi việc hay không. Và, ta mới có thể đặt mình vào vị thế biết trân trọng các ân huệ tặng ban mà ta nhận lãnh và triển khai. Tùy vào mức độ cảm kích biết ơn, chuyện “có còn hơn không’, ta mới biết mình có xót thương những người từng hụt hẫng, để luột mất cơ hội được nghe Tin Vui an bình, cứu độ từ Đấng Trên Cao. Và, cũng tùy vào tư thế đồng thuận hay bất đồng với lập trường “có, còn hơn không”, ta có lệ thuộc vào sự dữ, ác thần hay không. Tất cả những thái độ và khả năng trên hoàn toàn tùy thuộc vào ta, vì ta luôn được giáo dục trong tự do hoặc đã tự mình chọn lấy quyết định. Tùy vào thái độ của mình, ta sẽ dành để cho sự dữ-ác thần một chọn lựa chung cuộc hay không.
Tham dự tiệc thnh hôm nay, cầu mong Đức Kitô giúp ta vui vẻ đón nhận Thân mình Ngài qua hình thức bánh và rượu rất thánh. Vui vẻ, vì ta cũng sẽ là những “giọt vỡ” đang cần đến sự trợ lực ấy. Và, khi nhận lãnh Máu Thánh đổ tràn lên người mình rồi, ta cũng sẽ hiên ngang dấn bước ra đi mang theo sứ mạng của thương yêu. Để rồi, ngang qua ta, tất cả mọi người sẽ nghe được lời mời gọi của Đức Chúa mà biến đổi tâm can. Sống hiền hoà. Yêu thương. An bình.

Tuesday 28 August 2012

Lm Nguyễn Thể HIện CSsR: KHỦNG HOẢNG VÀ GIẢI PHÁP



Đức Giêsu nói: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời”. Nghe rồi, nhiều môn đệ của Người liền nói: "Lời này chướng tai quá ! Ai mà nghe nổi ?" ( Ga 6, 54a . 60 ).
Đó là một tình cảnh nghiêm trọng. Đức Giêsu ý thức về tính cách nghiêm trọng này, và Người đối diện với tình cảnh ở điểm chính yếu của nó. Tác giả Tin Mừng viết: “Nhưng Đức Giêsu tự mình biết được là các môn đệ đang xầm xì về vấn đề ấy, Người bảo các ông: "Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư ? Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao ?” ( cc. 61 – 62 ).
Sở dĩ một số môn đồ coi giáo huấn của Đức Giêsu là điều chướng tai là vì họ hiểu cái chết của Người như là điểm chấm hết và như là một sự thất bại. Họ chưa biết phẩm chất của sự sống mà Đức Giêsu đang mang nơi mình và hứa sẽ ban cho họ nếu họ ăn thịt và uống máu Ngài. Họ chỉ chờ đợi một sự chiến thắng thế tạm. Trái lại, Đức Giêsu muốn họ hiểu rằng cái chết của Người không phải là dấu chấm hết. Chiều đi xuống của cái chết bao hàm cuộc đi lên của sự sống.
Trong Ga 10, 17tt. Đức Giêsu nói: “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình.  Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được." Cái chết như vậy, là vinh quang của Ngài, bởi vì đó là cách diễn tả tuyệt hảo của tinh yêu. Các môn đồ cảm thấy vấp phạm vì cuộc “đi xuống” của Đức Giêsu, tức là vì cái chết của Người. Họ coi việc đồng hóa với Người trong cái chết ấy ( “ăn thịt và uống máu Người” ) là một đòi hỏi không thể chấp nhận được. Họ không hiểu hiệu quả và chân trời sự sống đích thực mà cái chết ấy mang lại.
Đức Giêsu nói tiếp: “Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống” ( c. 63 ). Đức Giêsu đặt đối lập lý tưởng Mêsia của Người với lý tưởng Mêsia của các đồ đệ đã không chấp nhận đòi hỏi của Người. Thần Khí là sức mạnh của tình yêu do Chúa Cha ban ( 15, 26 ). Ngài là chính Thiên Chúa ( 4, 24 ), Ngài là Sự Sống và Ngài thông ban sự sống. Xác thịt thì trái lại. Đó là thực tại nhân loại không có sức mạnh và không có tình yêu.
Lời của Đức Giêsu là thần khí và là sự sống. Lời ấy đòi hỏi người ta hiến mình cho đến chết như chính Người sẽ thực hiện trên thập giá mà việc tách biệt Mình và Máu là hình ảnh diễn đạt. Chương trình mà Đức Giêsu đề nghị, và cũng là lệnh truyền làm nền tảng cho cộng đoàn mới, chính là đồng hóa các môn đệ với Người trong cái chết của Người. Việc “ăn thịt và uống máu Đức Giêsu” là sự thực hiện việc đồng hóa ấy. Chính trong bí tích Thánh Thể mà các đồ đệ đón nhận Thần Khí và diễn tả sự hiến mình của cộng đoàn và của các thành viên cho Thiên Chúa. “Xác thịt” không thần khí, vì thế, còn có nghĩa là sự thuộc về cộng đoàn cũng như sự tham dự vào tiệc Thánh Thể chỉ mang tính chất thuần túy bề ngoài, không bao hàm sự hiến mình cho tình yêu đối với nhân loại. “Xác thịt” như thế chẳng có ích gì.
Ngay trong lòng cộng đoàn các đồ đệ, vẫn có thể có những xác thịt không có Thần Khí. Vì thế Đức Giêsu nói: “Trong anh em có những kẻ không tin” ( c. 64a ) Đó là những người chỉ theo Chúa Giêsu hoàn toàn bề ngoài. Họ không mang lấy thần khí sự sống của Chúa Giêsu. Tác giả Tin Mừng còn giải thích rõ thêm: “Quả thật, ngay từ đầu, Đức Giêsu đã biết những kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người” ( c. 64b ) Đức Giêsu biết, ngay từ đầu, rằng có những kẻ không tin và có kẻ nộp Người, bởi lẽ Người tôn trọng tự do của từng cá nhân. Sự tuyển chọn của Người không giảm thiểu hay giới hạn sự tự do của mỗi môn đệ, cũng không miễn trừ cho họ khỏi những thách đố. Sự tuyển chọn của Đức Giêsu sẽ được ứng đáp tùy theo sự tự do của mỗi môn đệ.
Người nói tiếp: "Vì thế, Thầy đã bảo anh em: không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho." Đức Giêsu loan báo nguyên tắc này trong bốn cách thức khác nhau: “Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi” ( 6, 37 ); “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy” ( 6, 44 ); “...Phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi” ( 6, 45 ); “Vì thế, Thầy đã bảo anh em: không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho. ( 6, 65 ).
Cả bốn kiểu nói đều làm nổi bật hoạt động của Chúa Cha được mô tả như sự trao phó ( 6, 37 ), lôi kéo ( 6, 44 ), dạy dỗ ( 6, 45 ) và ban cho ( 6, 65 ). Các hành động này có điểm đến là Chúa Giêsu và có đối tượng là con người. Kẻ nào đóng kín mình lại trước hoạt động của Thần Khí bằng cách cứ ở lại trong xác thịt, thì sẽ từ chối những ân huệ và hoạt động của Chúa Cha, và vì vậy, sẽ không thể đến với Chúa Giêsu. Đó chính là trường hợp của những môn đệ rút lui không còn đi với Đức Giêsu nữa ( c. 66 ).
“Vậy Đức Giêsu hỏi Nhóm Mười Hai: "Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao ?" ( c. 67 ). Trong hoàn cảnh đau buồn, Đức Giêsu ngỏ lời với Nhóm Mười Hai và hỏi họ về chọn lựa của họ. Câu hỏi của Đức Giêsu chắc chắn đã gây phản ứng nơi Nhóm Mười Hai. Đại diện cho anh em, “Ông Simôn Phêrô liền đáp: "Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai ? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” ( c. 68 ). Nhóm Mười Hai hiểu rằng ngoài Đức Giêsu, không có niềm hy vọng. Không có Người, sẽ chỉ có thất bại mà thôi.
Đáng chú ý là theo quan điểm của Nhóm Mười Hai mà ông Phêrô đang trình bày, thì không phải giáo thuyết của Đức Giêsu, hiểu theo nghĩa là một thực tại độc lập với con người của Ngài, là yếu tố đem lại sự sống. Chính bản thân Ngài là Sự Sống và là nguồn Sự Sống. Nhóm Mười Hai không dấn thân theo một hệ thống lý thuyết, mà là gắn bó đời mình với Đấng có lời ban Sự Sống.
Tiếp tục vai trò phát ngôn viên của cả nhóm, ông Phêrô nói tiếp: “Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa" ( c. 69 ). Chúng ta gặp ở đây hai động từ “tin” và “nhận biết”. Đối tượng của cả hai là Đức Giêsu – Đấng Thánh của Thiên Chúa,
Đức Giêsu được thánh hiến bằng Thánh Thần ( 1, 32 ) mà Thiên Chúa đã niêm ấn nơi Người ( 6, 27 ). Bởi vì dầu hiến thánh Đức Giêsu là chính Thánh Thần, nên Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn, như ông Gioan đã công bố ( 1, 34 ). Người là sự hiện diện của Thiên Chúa giữa thế gian. Người hoàn toàn sống nhờ Chúa Cha ( 6, 57 ) và thực hiện chương trình của Người ( 4, 34; 5, 30; 6, 38; 13, 3; 17, 18t ).
Gợi ý suy niệm:
1. Sở dĩ một số môn đồ coi giáo huấn của Đức Giêsu là điều chướng tai là vì họ hiểu cái chết của Người như là điểm chấm hết và như là một sự thất bại. Họ chưa biết phẩm chất của sự sống mà Đức Giêsu đang mang nơi mình và hứa sẽ ban cho họ nếu họ ăn thịt và uống máu Ngài. Họ chỉ chờ đợi một sự chiến thắng thế tạm.
2. “Xác thịt” không thần khí có thể chỉ sự thuộc về cộng đoàn và tham dự vào tiệc Thánh Thể nhưng hoàn toàn mang tính chất bề ngoài, không bao hàm sự hiến mình cho tình yêu đối với nhân loại. “Xác thịt” như thế chẳng có ích gì.
3. Ai đóng kín mình lại trước hoạt động của Thần Khí bằng cách cứ ở lại trong xác thịt, thì sẽ từ chối những ân huệ và hoạt động của Chúa Cha, và vì vậy, sẽ không thể đến với Chúa Giêsu.
4. Chính bản thân Đức Giêsu là Sự Sống và là nguồn Sự Sống. Nhóm Mười Hai không dấn thân theo một hệ thống lý thuyết, mà là gắn bó đời mình với Đấng có lời ban sự sống.
Lm. NGUYỄN THỂ HIỆN, DCCT


Monday 27 August 2012

Lm Vĩnh Sang CSsR: MẸ LÀ DÒNG SUỐI NGỌT NGÀO



Tôi đến Huế vào những ngày giữa tháng 8, những ngày nóng nhất trong năm, gió Lào thổi phần phật nhưng chỉ toàn là hơi nóng, người ở Huế đã quen và có thời gian tiếp cận từ từ với cái nóng, người phương xa đến dễ mệt vì đột ngột đối diện với loại khí hậu này.
Tôi đã “biết” Huế vì đã có thời gian ở Huế, không dài nhưng đủ để thấm cái nóng mùa hè, cái lạnh mùa đông. Hè sang, một ngày tắm mấy lần cũng không đủ mát, quần áo giặt xong phơi lên đọc chưa xong 50 kinh đã khô. Đông về mưa rơi dai dẳng, gió lạnh thổi từng cơn cuốn từng đám bụi mưa thốc vào trong người, có khi cả tuần mưa không tạnh, đất đường nổi lên một lớp sình. Ngày ấy tôi loay hoay không biết làm sao để khô quần áo đã giặt, người ta chỉ tôi quạt một nồi than, úp cái thúng lên rồi phơi quần áo, khô nhưng ám đầy mùi khói, còn tệ hơn không có quần áo khô.
Năm nay Nhà Dòng tôi mừng Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Huế 50 năm ngày cung hiến ( 1962 – 2012 ), anh em đổ về từ nhiều nơi để chung vui. Ngày thường Tu Viện rộng thênh thang im ắng, những ngày này tự nhiên đông đảo hẳn lên, vui vẻ ồn ào, sống giản đơn chân thành với nhau, mỗi người một cái ghế vải, thế là đủ, ngả chiếc lưng qua đêm, ngày mai lại tiếp tục vui. Nhà vệ sinh chung cuối hành lang sáng nào cũng phải… xếp hàng, sân phơi quần áo không tìm được chỗ trống. Khó khăn một chút nhưng đong đầy tình đệ huynh.
Năm nay tại La Vang có ngày lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Vương Cung Thánh Đường kính Đức Mẹ, hằng năm vào ngày lễ Mẹ Lên Trời, các tín hữu thường kéo nhau về La Vang kính Đức Mẹ, năm nay người ta đến nhiều hơn, ngay từ đầu tháng tám đã có nhiều đoàn đến La Vang, mỗi ngày trung bình khoảng 300 người, càng gần ngày lễ càng đông hơn, cao điểm là ngày 14 và 15, ước chừng khoảng 200.000 người hiện diện mỗi ngày ( http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20120816/17791 ).
Về vị trí, La Vang – Quảng Trị nằm ngay giữa đất nước theo trục Bắc Nam, vì thế rất tiện lợi cho tín hữu của cả hai miền. Phi trường Phú Bài ( Huế ) cách La Vang khoảng 80 cây số, La Vang cách trung tâm thành phố Huế 58 cây, đường tương đối tốt. La Vang nằm trong tuyến du lịch miền Trung, chuyến đi đôi ba ngày có thể viếng thăm Đà Nẵng, Huế, La Vang, Phong Nha ( Quảng Bình ).
Linh địa La Vang thu hút khách hành hương làm các điểm du lịch miền Trung thêm nhộn nhịp, Quảng Trị đất khô cằn cháy bỏng có cơ hội phát triển kinh tế nhờ khách hành hương. Có những điểm khách hành hương hay dừng nghỉ, đa phần khách không phải là những người giàu có nên chọn điểm dừng là một bài toán kinh tế và tâm linh. Nhà Thờ Phù Mỹ ( Qui Nhơn ) là một điểm dừng nổi tiếng, vì ai cũng có thể dừng được và dừng bất cứ lúc nào cũng có phục vụ ăn uống, dù là nửa đêm.
Hơn 30 năm trước Nhà Thờ Phù Mỹ chỉ là một căn nhà hoang vắng giữa bãi tha ma, bây giờ đã là một Giáo Xứ khang trang thoáng mát, có nhà cho khách hành hương trú qua đêm, đông quá thì kéo nhau lên nghỉ ngay trong Nhà Thờ, có sân bãi cho xe khách đậu dừng. Cha Sở, một anh em DCCT chúng tôi, quanh năm với chiếc áo thun ngả màu, cái quần “âm lịch” bạc phếch, đi khắp nơi, làm đủ chuyện, kể cả cầm vòi xịt nước rừa nhà vệ sinh. Khách hành hương có ai cần gặp, ngài bảo lên nhà xứ tí nữa ngài gọi cha sở cho, rửa nhà cầu xong ngài để nguyên quần áo ướt như vậy lên gặp, miệng bập bập điếu thuốc rê Bình Định chính cống, khiến nhiều người một phen thót tim.
Còn ở Huế, hiểu được hoàn cảnh của khách hành hương, nhận thấy vị trí thuận lợi chúng tôi đang có, chúng tôi quyết định xây nhà cho khách hành hương tại DCCT Huế, một dãy nhà dài hai tầng đơn sơ thôi, một khu vệ sinh tắm giặt cho 100 người cùng một lúc. Linh Mục Tu Sĩ thì nghỉ trong Tu Viện với chúng tôi. Những ngày cao điểm, khách trải chiếu nằm cả trong và đầy hai hành lang Nhà Thờ. Sân Nhà Thờ đầy xe đầy người như những ngày lễ hội.
Không chỉ chuẩn bị vật chất, chúng tôi, một Linh Mục già ( 90 tuổi ), một Bề Trên chớm già ( 70 tuổi ), và 5 “cha dừa” ( lái lại là… chưa già ), chung nhau đón khách, giúp giải tội để giảm áp lực ở La Vang. Có những đoàn đi với cha sở, nhưng dĩ nhiên họ ngại xưng tội với cha sở của họ, nên rất sẵn lòng “đổ” vào tai anh em chúng tôi nỗi niềm đau thương. Qua kinh nghiệm chúng tôi thấy, có những khách không hẳn là hành hương, chỉ ham vui và muốn thăm viếng các điểm du lịch, họ tham dự vào các đoàn hành hương để có cơ hội đi đó đây, chúng tôi coi họ như là những người Chúa muốn gởi đến cho mình, nên tìm mọi cách để họ cũng được gặp gỡ Chúa.
Ở La Vang, chúng tôi chứng kiến hàng đoàn lũ người kéo nhau đến, họ trải bạt nằm dài trên mọi mảnh đất còn có thể chen nhau được, đơn sơ giản dị với những nắm cơm mang theo, chai nước uống trong túi xách, chiếc quạt không ngừng phe phẩy trên tay, đôi mắt rạng rỡ niềm vui thánh đức. Một điều căng thẳng nhất đối với La Vang là nước, mùa này ở Quảng Trị khô hạn, các con sông nổi tiếng thời chiến tranh như Ái Tử, Thạch Hãn, Mỹ Chánh... gần như trơ cát đáy. Tôi nghĩ, chốn nghỉ ngơi qua đêm của người nghèo, hệ thống vệ sinh công cộng và nước sinh hoạt là các vấn đề cần phải được quan tâm giải quyết cho Trung Tâm Hành Hương La Vang.
Những người đi hành hương La Vang vào mùa khô cháy, họ làm gì vậy ? tại sao ? Họ đi tìm một cảm thức tôn giáo, tìm một điểm tựa tâm linh, tìm một niềm hy vọng. Đức Maria đã trở thành câu trả lời cho sự khát khao tìm kiếm, Mẹ trở thành dòng suối ngọt ngào giữa những khô cằn sỏi đá, hấp dẫn và lôi kéo mọi người, bất chấp những gian khổ, bất chấp hiểm nguy, bất chấp cả những khó khăn đầy rẫy trong cuộc sống, Mẹ vẫn là dòng suối ngọt ngào cho mọi người chúng con.
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 26.8.2012

Sunday 26 August 2012

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mặc Khải Cứu Rỗi: Các mối phúc thật (tiếp theo)



Các mối phúc thật trong Mt (5: 1-2)

Tin Mừng theo Matthêu có tính cách giáo huấn rõ rệt. Cộng đoàn đã tin vào Lời rao giảng (đã nhận tín thư của sứ giả cùng tận Thiên Chúa gửi đến, mà các mối phúc thật là lời báo cáo). Nhưng bây giờ cộng đoàn đó phải sống làm sao trong ơn đã được. Các mối phúc thật trở nên một chương trình cho đường thánh thiện tín hữu phải noi theo: đó là sự công chính mời.

Dẫu rằng Tin Mừng ứng đáp với nhu cầu của người ta, nhưng Tin Mừng không muốn đem đến một hạnh phúc rẻ tiền. Đây là một hạnh phúc phải tranh thủ, chỉ có những người không sợ nỗ lực, nhiệt thành gọi được là “chết thôi” mới mong hưởng được. Mối phúc thật như vậy không phải là một thứ thuốc phiện xoa dịu những tâm hồn mỏng mảnh, nhõng nhẽo, động chút là thút thít. Các mối phúc thật này nâng cao con người, lên án cho mọi thứ hạnh phúc ươn hèn, biến đổi lòng mong muốn hạnh phúc. Chúa Yêsu muốn sự cao trọng của người ta, chứ không muốn lấy bất cứ thứ hạnh phúc nào để làm chiêu bào cho Tin Mừng Ngài đem đến. Sự cao trọng Ngài muốn ban lớn lao, trí loài người không tưởng nghĩ ra được, và ý chí người ta cũng vô phương đạt thấu. Xa vô cùng với mọi khả năng trí tuệ và ý chỉ, người ta hoàn tất bất lực để tự mình nhích lên.

Nhưng, Chúa Yêsu đem đề nghị với sự tự do của mỗi người như một ơn huệ. Thiên Chúa là lòng yêu mến: người ta không thể chinh phục được Người, Người cũng không muốn chinh phục người ta, như thể mồi ngon. Thiên Chúa ban mình ra cho người ta; và người ta hãy lĩnh nhận lấy Thiên Chúa; và khi đó thì Thiên Chúa lĩnh nhận lấy người ta là kẻ đã chịu lấy Thiên Chúa thì cũng có thể dâng mình cho Thiên Chúa. Các mối phúc thật nói lên: phúc cho những kẻ nào hạnh phúc trần gian không làm khuất mất hạnh phúc được nên giống Thiên Chúa. Những kẻ đó mới nghe được tiếng kêu gọi vào phục vụ trong Nước Trời. Mt kê 8 mối phúc thật. Nhưng tựu trung thì chỉ có một: sự nghèo khó thiêng liêng, mối phúc thật tiên khởi. Sáu mối phúc thật sau cho thấy sự nghèo khó đó là gì trong những trường hợp người đời có thể gặp. Còn mối phúc thật cuối cho thấy sự nghèo khó thiêng liêng đó nhất thiết đã phát sinh ra điều gì. Sự nghèo khó thiêng liêng đó cuối cùng là sư vui sướng tế nhận sự nghèo nàn gốc rễ của mình về mọi phương diện trước ơn huệ cuối cùng của Thiên Chúa: Nước Thiên Chúa đến trong Chúa Kitô.
                                                                                                                                                (còn tiếp)

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR
(trích tài liệu giảng huấn phổ biến nội bộ)

Saturday 25 August 2012

“Ðời là chọn lựa, có khi nào vẹn nguyên”


Suy niệm Chúa nhật thứ 21 thường niên năm B

“Ðời là chọn lựa, có khi nào vẹn nguyên”
Em khi nào tự hỏi?
ý niệm của bình yên?
(dẫn từ thơ Du Sĩ)
Ga 6: 60-69
            Chọn lựa ở đời, nguyên vẹn hay không vẹn nguyên, em đâu cần hội ý. Ý niệm về bình yên, Về hạnh phúc. Đó, mới là điều cả anh lẫn em, cần tìm hiểu. Tìm và hiểu, như Lời Chúa nói, để mà tin. Điều ta tin, là do Thần Khí Chúa mang đến, như trình thuật từng diễn tả.
            Trình thuật thánh Gio-an nay diễn lộ về một chọn lựa gai góc nhất đặt ra cho môn đệ. Chọn lựa gai góc, vì tương phản bối cảnh ở thôn làng She-chem, có nói ở cuối sách Giô-suê, bài đọc 1.  
            Giô-suê kêu gọi mọi người, từ kỳ mục/thủ lãnh, cho đến thẩm phán/ký lục, hãy chọn lựa. Chọn, phục vụ Gia-Vê Thiên Chúa, Đấng dẫn đưa họ khỏi Ai Cập, để đến miền đất ổn định. Hoặc lựa, thừa nhận thần linh của người E-mô-ri, Do Thái từng chiếm đất. Chọn Gia-Vê Thiên Chúa, hầu lập Giao ước với Ngài. Giao ước, mà Môsê và tiên tổ từng xác chứng.
            “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi”, ý nói: giống như Lời Ngài nói trước đây:“Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình.” (Ga 6: 53), lời này tỏ cho thấy: người nghe khi ấy, chỉ hiểu Lời, theo nghĩa đen.
            Lời hôm ấy, Chúa muốn ta đón nhận nguyên vẹn con người của Ngài, không e dè. Vô điều kiện. Đón nhận tất cả về Ngài, từ cuộc sống, đến tư tưởng lẫn giá trị cùng tầm nhìn cuộc đời, nay trở thành của riêng ta. Và trên hết, là đồng hoá với Ngài, qua hiến trọn Mình và Máu Ngài, ở thập giá. Biểu trưng cho tình yêu không nói nên lời, đối với ta.
            Nơi Tiệc thánh, ta biết mình kết hợp/hiệp thông, chấp nhận mọi thử thách. Nhất quyết nên một, với Ngài. Bởi, nếu chỉ để Ngài đến với ta thôi, vẫn chưa đủ. Mà còn phải bước vào hành trình, đến với Ngài. Và, ở cùng Ngài, nữa. Thành thử, khi thừa tác viên trao Bánh thánh và nói: Mình Thánh Chúa Kitô, ta thưa: “Amen”, tức: ta không chỉ tin rằng, quả là Ngài đang hiện diện với ta, mà thôi. Thưa  Amen” còn có nghĩa: ta quyết xả thân trọn vẹn cho Đức Chúa cho cộng đoàn tình thương mà ta là thành viên trong đó.
            Lời Chúa tiếp, thoạt nghe, ta cứ tưởng là lời vặn vẹo, khó hiểu. “Thần Khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng ích gì.” Lời Chúa đây, là Thần Khí. Là, Lời đem sự sống. Bởi, khi nghe về Mình và Máu thánh của Ngài, là ta nghe bằng cơ phận xác thịt, bằng đôi tai. Và, chỉ khi nào ta nghe Lời Chúa bằng thần khí, khi ấy ta mới hiểu rõ ý nghĩa đích thực. Ý nghĩa ấy, là: Lời đã nên xác phàm, thịt và máu. Có như thế, ta mới nắm bắt được nhu cầu cần hiểu. Từ chốn thâm sâu, đầy ý nghĩa.
            Đồng hoá với Thần Khí Chúa bằng thị kiến, là cách để ta đưa Lời vào đời mình. Lời, mang tính thách thức. Và thách thức này, khi xưa, đồ đệ Chúa chưa sẵn sàng để đối đầu vì : “Trong anh em, có những kẻ không tin.” (Ga 6: 64)
            Bằng vào niềm tin vô điều kiện vào Đức Chúa, có thế ta mới thấu hiểu lý lẽ sâu sắc, nằm bên trong. Hiểu đích thị là Lời của Chúa. Việc này đòi ta phải mở rộng tâm trí, hầu sẵn sàng nhận lãnh ngay ở đó. Chứ không phải, là những gì ta muốn đặt vào ở đó. Đây, còn là quà tặng của chính Chúa: “Vì thế, Thầy đã bảo anh em: không ai đến được với Thầy, nếu Cha không ban ơn ấy cho.” (Ga 6: 65)
            Ngõ hầu chứng minh điều Chúa nói là Sự thật, tác giả Tin Mừng thêm lời giải thích: “Chính vì thế, nên nhiều môn đệ đã rút lui. Không đi theo Ngài nữa.”(Ga 6: 66). Cụm từ “rút lui” đây, bày tỏ một nỗi buồn. Rút và lui, là về với cõi đời tăm tối, thuở trước. Rút và lui như thế, các vị không còn sẻ san sự sống, không còn san sẻ ánh sang mà Ngài toả rạng. Nỗi buồn không tên này, xảy đến với nhiều người và với bất cứ ai trong chúng ta ở đây, lúc này như đã từng xảy đến với Giu-đa. Xảy đến với cả Phêrô thánh nhân nữa.
            Cũng từ đó, Chúa hướng về nhóm Mười Hai, bằng những lời ra như thách đố:“Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?”(Ga 6: 67) Và khi ấy, thánh Phêrô đã đại diện cho mọi người, bèn đối đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi bỏ đi theo ai đây? Chỉ Thầy, mới có những Lời đem lại sự sống đời đời. Và chúng tôi những tin cùng nhận biết: Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.” (Ga 6: 68)
            Đến với ai đây, có lẽ là thái độ của chúng ta, lúc sầu buồn, khốn khó. Lúc mà ta những muốn nói lời từ bỏ.  Muốn từ bỏ cả Hội thánh. Đó cũng là lúc mà ta có cảm nghiệm về những nghi nan, hết tin tưởng. Có thể là, ta cũng gặp tình trạng ấy. Cũng đau buồn, khốn khổ vì những lý do, tựa như:
-ít biết niềm tin của Kitô-hữa. Không rõ sứ điệp của Tin Mừng, nên cứ luẩn quẩn, loanh quanh.
-chứng kiến hành xử tiêu cực/tai tiếng từ các kẻ tin, như linh mục, thừa tác viên phục vụ Chúa.
-xung khắc/đố kỵ các tín hữu Công giáo, người Đạo Chúa.
-bị cuốn hút về với thế giới quyền uy, không thích nghi với tầm nhìn của người đi Đạo.
            -chọn gia nhập Đạo khác. Tôn giáo khác.

            Gặp cảnh trên, hãy cứ tin rằng: dù khó khăn hoặc có nghi vấn mấy đi nữa, ta vẫn không thể tìm ra con đường nào khác hay hơn đường Chúa dạy. Đường Chúa dạy, không vì tai tiếng của người đời, mà thành xấu. Nói tóm lại, ta vẫn nhận ra có khác biệt giữa thực chất của thị kiến sống động Chúa ban, với những gì bê tha/chộn rộn mà người theo Chúa đang làm trong lầm lẫn.
            Tin, không là điều được ban cho. Cũng không là mớ ý tưởng ta dính liền vào đó. Mà, là tương quan sống động với Đấng mình tin. Tương quan với thị kiến sống, của Ngài. Tương quan sống động cần tăng trưởng, khắc sâu với tháng ngày dài ta từng trải. Tương quan không ngừng được xác định qua cung cách ở thế giới, luôn đổi thay. Là người Công giáo thế kỷ 21, đòi hỏi ta có lối sống khác biệt với lối xử sự của những người sống vào thập niên năm mươi hoặc thập niên bẩy mươi.
            Bài đọc 2, cũng cho thấy điều đó, rõ như ban ngày. Ai cổ võ phong trào “phụ nữ đòi quyền sống”, hẳn sẽ không hài lòng với điều mà thánh Phaolô nói đến hôn nhân và về người vợ, ở đoạn trích. Thật ra, không thể bãi bỏ/đổi thay đoạn trích dẫn lá thư mang nhiều ý tưởng đẹp như thế. Nhưng, điều cần là xem xét Lời Chúa và những gì thánh nhân nói đến, vẫn phản ánh tư thế người tính hữu thuộc nam giới trong xã hội thời bấy giờ thôi.
            Song song với tương quan chồng vợ, là tương quan giữa Hội thánh và Đức Giêsu. Là những gì gói ghém trọn vẹn ý nghĩa của Lời Chúa. Có lẽ, ta thấy được cái khó của người vợ, cứ phải tùng phục chồng trong nhiều việc. Nhưng, đó là chuyện tùng phục của tình thương, chứ không phải là tùng phục của hệ cấp trên/dưới. Và, thánh nhân cũng đòi người chồng biết tùng phục, hệt như thế. “Hãy yêu thương vợ, như Đức Kitô yêu thương Hội thánh, đã hiến mình vì người mình yêu.” (Êp 5: 25)
            Là chồng, ta phải thương vợ “như yêu chính mình”. Tức, hai người tạo cùng mức độ chăm só người phối ngẫu, như chính mình. Đây, là khế ước hai chiều, hỗ tương,  quyết tâm và Sâu sắc. Tuyệt nhiên, ở đây không dành chỗ cho sự lấn át hoặc thống trị từ một  bên nào cả.
            Thái độ bỏ Chúa, bỏ Lời Chúa ở đây, là do người đọc hiểu trích đoạn theo nghĩa đen, nên dễ để mất mối tương quan, ta cần có. Bởi, Lời Chúa không thay đổi. Trong khi đó, cung cách người người chung sống, đã đổi thay theo cấp số lớn lao, tuỳ thuộc thế giới. Tức, đổi cả con người.
            Nhiều tín hữu đã vật lộn với tình cảnh khó khăn về niềm tin trong đời. Và khi việc “chẳng đặng đừng” xảy đến thì lại rất cần đến niềm tin vào Chúa hầu được trưởng thành. Trưởng thành qua nhiều giai đoạn cuộc đời. Mỗi giai đoạn, là lúc ta nhớ lại lời đáp trả của thánh Phêrô, khi xưa: “Thưa Thầy, bỏ Thầy con biết đi theo ai đây?” Cả khi nghi vấn, nhiều người vẫn nhận ra rằng, dù có bỏ qua Lời đề nghị của Chúa ở Tin Mừng để theo thị kiến khác thì đã chắc gì điều ấy sẽ tốt  hơn.
            Điều mình muốn và cần, để cuộc sống có ý nghĩa, nhiều khi không dễ gì thuyết phục được chính ta. Có lúc những điều bất ưng chợt đến như hãi sợ, giận hờn, phẫn uất. Vào những lúc đó, chỉ có tình thương yêu nồng nàn mới giúp ta trở về với con đường mình đã chọn. Đó là lúc, Lời Chúa lại về, rất ý nghĩa: “Phúc cho ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được THẤY Chúa.” (Mt 5: 7).
            Có nhiều thị kiến về sự sống, như: Hồi giáo, Ấn giáo, Phật giáo, Do Thái giáo. Các tôn giáo ấy, cũng đưa con người lên tầm mức hiệp thông với Chúa. Nhưng, một khi ta thuận đi theo Chúa, chấp nhận thị kiến cùng Chúa, có Chúa thì  ta sẽ cứ thế mà theo cung cách tự mình đã thuyết phục.
             


Friday 24 August 2012

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mặc Khải Cứu Rỗi: Các mối phúc thật



Các mối phúc thật trong Luca (6: 20-26)

Muốn hiểu hướng của Lc :4 trong các mối phúc thật, cần phải biết những trọng tâm của Luca:

a/ Nhấn đến sự từ bỏ mọi sự (18: 22; 5: 11-28; 14: 23)
Tinh thần đã được sống trong Hội thánh tiên khởi (Cv 2: 44t; 4: 32, 34t)

b/ Cách dùng của cải tối hảo là bố thí, làm phúc (14: 12-14; 6: 30. 34t; 12: 33; 16: 9; 19:8t)

c/ Những ví dụ nói lên cái nguy của tiền bạc của cải (12: 16-21; 16: 19-31).

Các đoạn đó cho thấy được rằng những điều chúc dữ như thể kèm ngay với của cải – không phải chỉ vì là của, nhưng là tiêu biểu cho một sự lựa chọn: lựa chọn thế gian này. Vậy nếu không tin có đời sau, thì người ta sẽ hiểu sai hẳn lời lẽ của Lc. Bởi, đời sau đối với kẻ tin là một thực tại, thì việc lựa chọn trở nên một điều nhất thiết phải làm giữa hai đàng: trần gian với của cải và đời sau với sự từ bỏ.

Môi trường của Luca.

Mội Hội thánh đã phát triển. Nhưng, tín hữu phần đông thuộc hạng nghèo hèn trong xã hội thời bấy giờ. Những kẻ giàu có và quyền thế trong xã hội ít có người chịu được sự từ bỏ để lĩnh nhận lấy Tin Mừng. Sự tách biệt về tin tưởng lại còn kèm theo sự tách biệt về mặt kinh tế và xã hội. Luca viết Tin Mừng để phục vụ Lời Chúa trong Hội thánh đó, một Hội thánh nghèo hèn mà lại bị bắt bớ cấm cách. Lời của Chúa nên một lời an ủi, khích lệ, muốn nói với tín hữu rằng chính trong cảnh nghèo hèn của họ, mà họ được nên những kẻ hưởng ân thời cánh chung do Chúa Yêsu, Mệsia của những kẻ nghèo khó: nếu nơi Thiên Chúa có thiên tư, ấy là lòng của Người đối với người nghèo khó, khốn nạn, xấu số trên đời này.

Tất cả các điều đó đều dồn lại một điều này: tính cách tuyệt đối của Nước Thiên Chúa đến với nhân loại trong Chúa Kitô. Lòng yêu mến của Thiên Chúa đã đến với loài người, và đòi người ta mở ra cho lòng yêu mến. Nhưng của cải lại là hàng rào tách biệt: của cải có tính cách một tà thần.
                                                                                                                                                (còn tiếp)

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR
(trích tài liệu giảng huấn phổ biến nội bộ)

Thursday 23 August 2012

Lm Richard Leonard sj: Sống bình thường, đời đạo hữu



Đọc trình thuật, ta thấy tội cho những người Do Thái đã phải đáp ứng thực thi lời dạy hãy ăn và uống mình máu rất thánh của Chúa, chẳng khác gì bảo họ làm những chuyện tày trời, rất kinh hãi. Chẳng khác gì người Chính thống cực đoan dạy dân mình cố thuyết phục người Do thái bằng lòng thưởng thức món thịt heo, có thế mới đích thực là sống đời đi Đạo. Bàng bạc trong hầu hết Tin Mừng thánh Gio-an ít nhiều thấy đề cập đến người trong cuộc và người bàng quan, đứng ở ngoài.
Có người nhận ra thông điệp tóm gọn nơi trình thuật. Có người chỉ hiểu truyện kể hoàn toàn theo nghĩa đen. Tức là, có pha chút mắm muối tình tự giận dỗi, rất rối bời. Thật sự, mình và máu rất thánh mà Chúa ban tặng cho con người xảy ra cùng lúc với sự kiện Đức Kitô chịu thống khổ, Ngài lĩnh nhận cái chết và Phục sinh vinh quang nơi Tiệc Thánh. Khi Đức Giê-su rộng tay trao ban mình Ngài cho những ai dấn bước theo Ngài, không nên hiểu nghĩa đen, tức: người nhận phải nhai ngấu nghiến vòng tay ôm ấy, mới thực sự nói được là yêu Chúa hết mình.
Cử chỉ này phải được hiểu là lời dặn dò của Chúa về lòng thủy chung Ngài đối với Vuơng quốc Nước Trời, đã tận cùng bằng cái chết đầy hy sinh. Và, thức ăn của Vương Quốc này chính là Tiệc Thánh Thể, Chúa ủy thác. Quả thật, ta không những thụ hưởng quà tặng ấy mà còn được ủy thác trách nhiệm sống trọn vẹn cuộc đời linh đạo. Ủy thác, để rồi tuy cuộc đời cảm nghiệm rất nhiều sự qua đi; có như thế mới bao gồm trọn vẹn ý nghĩa thanh cao của cuộc sống. Của những tháng ngày đáng sống, chứ không ngán ngẫm như lời than thở của ai đó.
Quà tặng sự sống -gồm Thân mình rất thánh và Chén máu cứu độ- được gửi đến để ta có thể nhận lãnh hầu thực hiện sứ mạng tông đồ. Sứ mạng ngang qua nhiều tháng ngày, trong đời. Quà tặng ta nhận lãnh, là để bổ sức giúp ta đến với thế giới đương đại. Có thế, ta mới trang bị đầy đủ ngõ hầu dấn bước gia nhập hành trình về với Nước Trời.
Tin Mừng hôm nay cũng kể thêm một đáp ứng khác, không thiếu phần linh động. Đó là đáp ứng của một nhân vật đã trải qua nhiều tháng ngày cuộc đời không có như thánh Phêrô đáp ứng đem lại cho ta nhiều hy vọng, rất thực tế. Hy vọng, là bởi thánh nhân đã can trường nán lại với Thầy mình. Nán lại, dù bạn đồng hành bỏ đi hết. Ở lại, dù tình huống cuộc đời có rối bời, người vẫn không để Thầy một mình đơn độc.
Đáp ứng lời dặn của Chúa, còn là cảm thông với bậc cha mẹ khi nghe tin con mình phải nhập viện vì một biến chứng ngặt nghèo. Cảm thông nhiều, khi vợ chồng gặp hoàn cảnh mà một trong hai người phải nghỉ việc. Phải ở nhà chăm sóc cho nhau. Cảm thông hơn, khi lâm vào tình cảnh “hận đời”. Cảm thông, giúp ta mạnh dạn vui vẻ tiếp nhận trường hợp người phối ngẫu đã “hồi hướng trở về” sau nhiều tháng ngày đi hoang, đắm chìm. Đáp ứng cảm thông, tựa như trường hợp vị mục tử gốc di dân sắc tộc cương quyết không bỏ cuộc cho dù chịu sức ép, hù dọa đến từ nhiều phía. Đến, do lòng kỳ thị. Và, đáp ứng cảm thông, giúp ta kiên cường tranh đấu cho chính nghĩa và sự thật, dù bị sách nhiễu. Hành hạ. Mất việc.
Đó là dấu chỉ về lịòg tin-yêu. Chung thủy. Tin vào sức bổ dưỡng từ Trên. Tin vào, tình yêu thương đặt để nơi mọi người. Khắp chốn. Từ cơ quan, công xưởng cho đến gia đình, chòm xóm. Tinh ý một chút, ta sẽ nhận ra tính trung thực nơi lòng thủy chung mang tính chất “chết cho chính mình”, chứ không “giết chết chính mình”. Ở đây, ta được dặn chỉ nên thực hiện vế trước. Chứ đừng suy tính vế sau, dù có bị lôi cuốn. Hấp dẫn. Nhiều điều. Chết cho chính mình, có nghĩa là: dẹp bỏ bản ngã xấu xa, cần cải thiện. Chứ không phải, là: chết cho thân xác. Cho cuộc sống. Cũng chẳng là: chết đi cho cuộc đời. Dù cuộc đời dầy đầy những điều làm cho ta chỉ muốn chết.
Trong cuốn sách do mình viết với tựa đề “Các nhân đức cần thiết để tín hữu được sống bình thường”, tác giả James Keenan đã khẳng định, rằng: Thủy chung, là lằn ranh đậm nét nơi cuộc sống của tín hữu Đức Kitô. Tác giả còn biện luận: Giáo hội bỏ ra quá nhiều thì giờ để giảng dạy về sự bất trung. Nhưng lại có quá ít thời gian để nói về chuyện củng cố lòng chung thủy. Ông từng nói: đời người, ai cũng có hai mục tiêu nhắm vào lòng đạo, đó là: sự chung thủy và công chính. Trung thành với Cha. Thủy chung với mọi người. Đó là những gì tóm gọn điều Chúa đã làm để cứu độ mọi người. Và là điều, Ngài hằng kêu gọi con dân đồ đệ, ở trình thuật Phúc Âm hôm nay. Có thể, vì ta quá dễ dàng nghĩ đến những khó khăn, cứ cho rằng chung thuỷ với bầu bạn là vấn đề đạo đức, khó hoàn thành.
Nhưng, một khi ta thấy được tình bằng hữu là chìa khoá gỡ mở cuộc sống đạo đức, thì khi ấy ta sẽ thấy rằng sống đời đạo đức cũng chỉ là chuyện tương tác, trong cuộc sống thường ngày. James Keenan cũng viết: “Để đạt tới đó, có lẽ ta cần gọi nhau thật nhiều. Thư từ nhiều hơn. Nấu nướng nhiều hơn. Tản bộ dài hơn nữa. Hoặc, nán lại ở lâu hơn, với bạn bè. Và có lẽ, ta cũng nên cởi bỏ chính mình khỏi những thói tật chỉ miết cân đong đo đếm những gì người khác đã làm hoặc đã không làm. Không nói.
Tham dự Tiệc Thánh Lòng Mến hôm nay, cầu mong sao ta có thể ứng đáp với lời mời của Chúa, biết đặt sự thuỷ chung/bằng hữu thân thương vào trọng tâm cuộc sống rất đạo đức. Biết đến mà tham dự các sinh hoạt  hằng ngày khả dĩ đưa ta vào với sống thực những gì mình được dạy dỗ. Như thế mới đúng ý nghĩa của buổi tiệc rất thánh. Tiệc Lòng Mến, Chúa vẫn mời.

Tuesday 21 August 2012

Lm Nguyễn Thể Hiện CSsR: “AI ĂN THỊT VÀ UỐNG MÁU TÔI, THÌ ĐƯỢC SỐNG MUÔN ĐỜI”



Tiếp nối bài Tin Mừng của Chúa Nhật trước, bài Tin Mừng hôm nay ( Ga 6, 51 – 58 ) nhấn mạnh rằng Đức Giêsu thông ban Sự Sống đích thực cho con người bằng cách trao ban chính mình Người, trong thực hữu nhân loại của Người, cho đến chết. Đón nhận Sự Sống ấy và sống nhờ Sự Sống ấy, đó chính là bí quyết sống của người môn đệ.
Mở đầu bài Tin Mừng, chúng ta gặp thấy một lời khẳng định quan trọng của Đức Giêsu: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống" ( c. 51 ). Xem ra Đức Giêsu có chú ý đến lời phản đối của người Do Thái như được kể lại trong phần đầu bài Tin Mừng của Chúa Nhật tuần trước; và để trả lời, Người nhấn mạnh rằng Sự Sống của Thiên Chúa sẽ không được ban bên ngoài thực tại nhân loại của Người: chính “thịt của Đức Giêsu” sẽ là sự thể hiện và sẽ thông ban cho con người sự sống đích thực ấy.
“Người Do Thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: "Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được ?" ( c. 52 ). Khác với những gì xảy ra trong bài Tin Mừng của Chúa Nhật tuần trước, những người Do Thái hôm nay không chỉ trích hay phản đối Đức Giêsu, mà họ tranh luận với nhau. Họ không hiểu ngôn ngữ của Đức Giêsu, khi Người xác định rõ ràng rằng Bánh Hằng Sống là chính thực tại nhân loại của Người, là thịt của Người, là xác thể của Người, chứ không phải là đạo lý hay lý thuyết của Người. Đối với các độc giả Kitô hữu, điều này không khó hiểu, nhưng đối với những người Do Thái đương thời, thì đây quả thực là một vấn đề lớn.
“Đức Giêsu nói với họ: "Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết,vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống” ( cc. 53 – 55 ). Thêm vào yếu tố “thịt”, Đức Giêsu nói đến máu của Người, để trả lời cho câu hỏi “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được ?” Sự tách biệt máu với thịt là một cách diễn tả cái chết. Đức Giêsu ban thịt của Người bằng cách chịu chết. Khi thịt và máu của Người bị tách biệt ra bởi những hành động thù nghịch và tàn độc của con người, thì đó cũng chính là lúc Tình Yêu và Thần Khí của Người được đổ tràn xuống trên nhân loại, và là lúc mọi sự hoàn tất ( x. 19, 30.34 ). Chính ở đó trào vọt lên Sự Sống đích thực và thường tồn.
Điều quan trọng là phải đón nhận Thịt và Máu Người. Ăn Thịt và uống Máu Đức Giêsu tức là đón nhận Người, gắn bó với Người, nên một với Người. Đó là đồng hóa bản thân với Người ngay trong thực hữu nhân loại của Người, thực hữu đã được ban tặng cho nhân loại trong cuộc sống và trong cái chết của Người. Và Đức Giêsu long trọng quả quyết: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống”.
Lòng tin vào Đức Giêsu và sự gắn bó với Người sẽ không thể chỉ là những điều bề ngoài. Người không chỉ là một gương mẫu để chúng ta bắt chước, nhưng còn là và chính yếu là một thực tại được nội tâm hóa, thành sức sống và tình yêu của chúng ta. Sự hiệp thông sâu xa và kết hiệp nên một đó làm thay đổi thực tại nội tâm thâm sâu của người môn đệ, làm cho người môn đệ được đồng hóa với Chúa Giêsu và sống bằng chính Sự Sống của Người. Vì thế, Người quả quyết: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” ( c. 56 ).
Sự Sống mà Đức Giêsu mang nơi mình là thực tại khởi nguồn từ Chúa Cha, và Người sống nhờ Chúa Cha. Đức Giêu nói: “Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” ( c. 57 ). Đức Giêsu hoàn toàn hiến mình thực hiện chương trình của Thiên Chúa, Đấng sai Người đến thế gian ( 4, 34: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” ). Những ai được nên một với Người nhờ đã ăn thịt và uống máu Người, thì cũng phải hiến mình cho chương trình của Thiên Chúa như vậy, vì họ được sống nhờ Đức Giêsu như Đức Giêsu sống nhờ Chúa Cha.
Kết thúc bài Tin Mừng, chúng ta gặp lại hình ảnh “bánh” đã được sử dụng ở đầu bài. Đức Giêsu nói: “Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời" ( c. 58 ). Có hai loại bánh từ trời: một là manna, chưa phải bánh đích thực; và hai là chính Đức Giêsu, Bánh Hằng Sống. Loại thứ nhất đã không thể hoàn thánh cuộc xuất hành, vì không đủ sức đưa những người đã từng làm nô lệ Ai Cập đi vào Đất Hứa. Loại thứ hai, tức là chính Đức Giêsu, sẽ đưa nhân loại đến Sự Sống muôn đời.
Gợi ý suy niệm và chia sẻ
1. Sự sống của Thiên Chúa được ban nơi thực tại nhân loại của Đức Giêsu: chính “thịt của Đức Giêsu” là sự thể hiện và thông ban cho con người sự sống đích thực ấy.
2. Sự tách biệt máu với thịt là một cách diễn tả cái chết. Đức Giêsu ban thịt của Người bằng cách chịu chết. Đón nhận Thánh Thể là đón nhận chính mầu nhiệm chết và phục sinh của Chúa vào trong con người và cuộc đời mình.
3. Bánh từ Trời đích thực, tức là Đức Giêsu, sẽ đưa nhân loại đến Sự Sống muôn đời.
Lm. NGUYỄN THỂ HIỆN, DCCT

Monday 20 August 2012

Lm Vĩnh Sang CSsR: BÁNH CỦA NGƯỜI NGHÈO



Hôm qua tôi vừa đi cải mộ của người thân, hai ông bà lập gia đình ở miền Bắc, năm 54 dắt dìu nhau vào Nam, biến cố 75 ập tời, hai ông bà lại dắt nhau sang Hoa Kỳ, cuối đời ông bà tìm về và chết ở Việt Nam. Cái đường đi vằn vèo gian truân nhưng lúc nào cũng có nhau, bên nhau cho đến chết. Bây giờ thì nghĩa trang Bình Hưng Hòa không tiếp tục tồn tại nữa, hai ông bà lại về bên nhau trong hai hũ tro, yên nghỉ trong Nhà Hài Cốt. Một cuộc đời đẹp, một “cặp đôi hoàn hảo” đúng nghĩa.
Khi ông bà còn sống, nhất là khoảng thời gian vài năm khi trở về Việt Nam trước khi thọ bệnh, tôi có nhiều dịp trò chuyện cùng hai ông bà, không hiểu sao ông bà “mê tít” tôi, vì thế trước khi qua đời, bà cứ dặn con cháu là phải mời tôi lo các sự sau hết cho bà, tôi chứ không phải một Linh Mục nào khác. Còn ông thì tôi được “nghe tội” suốt thời gian nhiều năm ông đau liệt. “Chúng tôi” thân nhau lắm. Điều quan trọng mà tôi khám phá ra là ông bà thuộc thế hệ bố mẹ tôi và có cùng một tâm tình như bố mẹ tôi.
Thế hệ bố mẹ tôi từ Bắc vào Nam sống rất cơ cực, chăm chỉ cần mẫn và tiết kiệm đến mức làm chúng tôi ngạc nhiên, những chuyện về cách sống của ông bà nếu các cháu thế hệ sau biết được chắc không thể tưởng tượng nổi, ngay chính tôi, khi “có trí khôn” cũng thấy bực bội và thường bày tỏ “bất đồng chính kiến”, câu trả lời duy nhất mà ông bà thường nói như để kết luận cuộc “tranh cãi”: “Các anh chị chưa sống những ngày ấy, các anh chị chưa biết”.
Ngày ấy, cái ngày đại họa tràn vào đất nước này, 1945, năm Ất Dậu, hàng vạn, rồi tăng dần, lên đến hàng triệu người chết đói. Đói chết, mà đang quá đói, đói quá lâu, khi tìm được một chút gì để ăn, thì ăn vội ăn vàng, ăn ngấu ăn nghiến, ăn chưa kịp no đã lăn ra chết. Bố mẹ tôi kể, sáng ra phải lo đi chôn người chết, họ đói quá dúi vào ụ rơm nhà mình mà chết ! Trong nhà có còn gì để ăn phải giấu, lộ ra họ sẵn sàng liều chết lao vào để giật lấy mà ăn. Đi ra đường đâu cũng gặp người chết đói… Sau nạn đói là chiến tranh, gia đình ly tán, cả ngày chỉ lo chạy giặc. Cái lo ăn sâu vào con người, lúc nào cũng phải chuẩn bị để chạy, để đối phó, để cố gắng duy trì mạng sống.
Thế hệ chúng tôi bắt đầu thấm cảm giác đó vào những năm cuối thập niên 70 sang thập niên 80. Ngày ấy, lại hai chữ “ngày ấy”, hơn 30 năm qua rồi, chúng tôi đói lắm, tuổi thanh niên lớn lên, đang “sức ăn sức uống”, chúng tôi bước vào cơn đói của cả nước, anh em ở miền Bắc chắc quen rồi nên không cảm thấy suy sụp như miền Nam chúng tôi.
Mỗi ngày chỉ có được một bữa ăn, bữa không ra bữa vì toàn độn mì độn sắn, mà nào có ra mì ra sắn, khi rửa phải thật nhẹ tay kẻo nó tan ra nước hết, cái thứ “củ” mì, “củ” sắn xanh xanh màu rêu mốc, mềm mềm ướt ướt rã rời. Cố gắng ăn để duy trì sự sống, mà phải xếp hàng cả ngày để mua được thứ đặc sản, “cao lương mỹ vị” ấy chứ đâu có dễ mà kiếm ra.
Tôi cao 1,7 mét, khi đó cân nặng 47 kg. hiện nay còn giữ được một tấm hình khoác chiếc áo Dòng cho “bộ xương cách trí” vào năm 1980, ngay tôi bây giờ khi xem hình cũng không nhận ra mình ngày ấy. Tôi giữ kỹ chiếc hình này và chợt hiểu tại sao thế hệ bố mẹ mình không quên những ngày đau khổ cũ. Cái đói chắc chắn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tinh thần và thể xác, dễ hiểu khi thế hệ chúng tôi và các lớp sau kế tiếp sức khỏe yếu kém hẳn đi, cố gắng chỉ được một thời gian rồi bệnh tật xuất hiện rất sớm khi tuổi chưa vội già…
Cũng vẫn ruộng đồng đó, cũng vẫn những con người đó, thế mà chỉ thay đổi cách nghĩ, thay đổi cách quản lý, từ một quốc gia nghèo đói, đói tưởng chừng như có thể bị diệt chủng, tự dưng bây giờ sản xuất dư thừa, xuất khẩu gạo đứng hàng nhất nhì thế giới ( dù kinh tế vẫn chẳng ra gì, phẩm chất còn tụt hậu thêm nữa ).
Mấy ngày nay báo chí trong nước đăng tải một tin có liên quan đến kinh tế, không chỉ kinh tế nhưng còn ảnh hưởng cả đến xã hội, nhân văn và con người nữa. “Cởi trói cho dân” đó là tựa bài báo, trang nhất tờ Tuổi Trẻ số ra ngày thứ hai 13 tháng 8 năm 2012. “Cởi trói” là chữ mà tác giả bài báo nói về quyết định trả lại hàng ngàn hecta đất cho người nông dân để người dân có đất làm nông nghiệp. Đã có một vài tỉnh thi hành quyết định này, đã có hàng ngàn hộ dân vui mừng và biết chắc mình sẽ thoát nghèo, thoát đói, vì từ nay có ruộng để cầy, có đất để cấy. Có đất có ruộng để cầy đế cấy nghĩa là sẽ có cái để mà ăn, sẽ thoát nghèo, sẽ hết đói. Chuyện chỉ đơn giản như vậy nhưng người dân đã phải chịu bị “trói” hàng mấy chục năm qua, dây trói mỗi ngày một xiết mạnh hơn vì càng ngày người ta càng… gầy ốm hơn, càng thiếu đói hơn ! Chỉ cần thay đổi cách nghĩ, cách làm, cách quản lý, sẽ không còn kẻ khát người đói, cả trên bình diện quốc gia hay thế giới.
“Bánh của người nghèo,
chia cho bạn nghèo,
bánh của tình yêu, muôn đời vẫn thiếu,
bánh Chúa bẻ ra qui tụ cả nhà,
bánh mang đi đường, trở về quê hương…”
( Giờ Kinh Phụng Vụ )
Nguyên lý công bằng của Kitô giáo đòi mỗi người chúng ta có trách nhiệm trong việc phân phối thực phẩm cho thế giới hôm nay, “bánh của người nghèo, chia cho bạn nghèo”, khi chúng ta phân phối một cách hợp lý về thực phẩm chúng ta thực thi luật sống bác ái “bánh của tình yêu”, một quyết định khẩn thiết và luôn thiếu thốn vì sự giới hạn yếu kém của con người “muôn đời vẫn thiếu”.
Chỉ khi chúng ta chọn Chúa làm mục đích, lấy Chúa làm nguyên lý sống, đến với Chúa để tìm bánh Trường Sinh chúng ta mới có thể thực thi giới luật Yêu Thương và không còn đói khát nữa “bánh Chúa bẻ ra, qui tụ cả nhà, bánh ăn đi đường, trở về quê hương”. Khi đó chúng ta mới có một quyết định đúng, sở hữu một cách quản lý đúng, để cái đói cái khát không còn là mối đe dọa chúng ta nữa.
Hôm nay, Chúa nhật 20 Mùa Thường Niên B có Lời của Chúa mời gọi chúng ta: “Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời”.
Lm. VĨNH SANG, DCCT, Chúa Nhật 19.8.2012
MỤC LỤC TÌM BÀI:

“Ðời là chọn lựa, có khi nào vẹn nguyên”


Suy niệm Chúa nhật thứ 21 thường niên năm B

“Ðời là chọn lựa, có khi nào vẹn nguyên”
Em khi nào tự hỏi?
ý niệm của bình yên?
(dẫn từ thơ Du Sĩ)
Ga 6: 60-69
            Chọn lựa ở đời, nguyên vẹn hay không vẹn nguyên, em đâu cần hội ý. Ý niệm về bình yên, Về hạnh phúc. Đó, mới là điều cả anh lẫn em, cần tìm hiểu. Tìm và hiểu, như Lời Chúa nói, để mà tin. Điều ta tin, là do Thần Khí Chúa mang đến, như trình thuật từng diễn tả.
            Trình thuật thánh Gio-an nay diễn lộ về một chọn lựa gai góc nhất đặt ra cho môn đệ. Chọn lựa gai góc, vì tương phản bối cảnh ở thôn làng She-chem, có nói ở cuối sách Giô-suê, bài đọc 1.  
            Giô-suê kêu gọi mọi người, từ kỳ mục/thủ lãnh, cho đến thẩm phán/ký lục, hãy chọn lựa. Chọn, phục vụ Gia-Vê Thiên Chúa, Đấng dẫn đưa họ khỏi Ai Cập, để đến miền đất ổn định. Hoặc lựa, thừa nhận thần linh của người E-mô-ri, Do Thái từng chiếm đất. Chọn Gia-Vê Thiên Chúa, hầu lập Giao ước với Ngài. Giao ước, mà Môsê và tiên tổ từng xác chứng.
            “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi”, ý nói: giống như Lời Ngài nói trước đây:“Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình.” (Ga 6: 53), lời này tỏ cho thấy: người nghe khi ấy, chỉ hiểu Lời, theo nghĩa đen.
            Lời hôm ấy, Chúa muốn ta đón nhận nguyên vẹn con người của Ngài, không e dè. Vô điều kiện. Đón nhận tất cả về Ngài, từ cuộc sống, đến tư tưởng lẫn giá trị cùng tầm nhìn cuộc đời, nay trở thành của riêng ta. Và trên hết, là đồng hoá với Ngài, qua hiến trọn Mình và Máu Ngài, ở thập giá. Biểu trưng cho tình yêu không nói nên lời, đối với ta.
            Nơi Tiệc thánh, ta biết mình kết hợp/hiệp thông, chấp nhận mọi thử thách. Nhất quyết nên một, với Ngài. Bởi, nếu chỉ để Ngài đến với ta thôi, vẫn chưa đủ. Mà còn phải bước vào hành trình, đến với Ngài. Và, ở cùng Ngài, nữa. Thành thử, khi thừa tác viên trao Bánh thánh và nói: Mình Thánh Chúa Kitô, ta thưa: “Amen”, tức: ta không chỉ tin rằng, quả là Ngài đang hiện diện với ta, mà thôi. Thưa  Amen” còn có nghĩa: ta quyết xả thân trọn vẹn cho Đức Chúa cho cộng đoàn tình thương mà ta là thành viên trong đó.
            Lời Chúa tiếp, thoạt nghe, ta cứ tưởng là lời vặn vẹo, khó hiểu. “Thần Khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng ích gì.” Lời Chúa đây, là Thần Khí. Là, Lời đem sự sống. Bởi, khi nghe về Mình và Máu thánh của Ngài, là ta nghe bằng cơ phận xác thịt, bằng đôi tai. Và, chỉ khi nào ta nghe Lời Chúa bằng thần khí, khi ấy ta mới hiểu rõ ý nghĩa đích thực. Ý nghĩa ấy, là: Lời đã nên xác phàm, thịt và máu. Có như thế, ta mới nắm bắt được nhu cầu cần hiểu. Từ chốn thâm sâu, đầy ý nghĩa.
            Đồng hoá với Thần Khí Chúa bằng thị kiến, là cách để ta đưa Lời vào đời mình. Lời, mang tính thách thức. Và thách thức này, khi xưa, đồ đệ Chúa chưa sẵn sàng để đối đầu vì : “Trong anh em, có những kẻ không tin.” (Ga 6: 64)
            Bằng vào niềm tin vô điều kiện vào Đức Chúa, có thế ta mới thấu hiểu lý lẽ sâu sắc, nằm bên trong. Hiểu đích thị là Lời của Chúa. Việc này đòi ta phải mở rộng tâm trí, hầu sẵn sàng nhận lãnh ngay ở đó. Chứ không phải, là những gì ta muốn đặt vào ở đó. Đây, còn là quà tặng của chính Chúa: “Vì thế, Thầy đã bảo anh em: không ai đến được với Thầy, nếu Cha không ban ơn ấy cho.” (Ga 6: 65)
            Ngõ hầu chứng minh điều Chúa nói là Sự thật, tác giả Tin Mừng thêm lời giải thích: “Chính vì thế, nên nhiều môn đệ đã rút lui. Không đi theo Ngài nữa.”(Ga 6: 66). Cụm từ “rút lui” đây, bày tỏ một nỗi buồn. Rút và lui, là về với cõi đời tăm tối, thuở trước. Rút và lui như thế, các vị không còn sẻ san sự sống, không còn san sẻ ánh sang mà Ngài toả rạng. Nỗi buồn không tên này, xảy đến với nhiều người và với bất cứ ai trong chúng ta ở đây, lúc này như đã từng xảy đến với Giu-đa. Xảy đến với cả Phêrô thánh nhân nữa.
            Cũng từ đó, Chúa hướng về nhóm Mười Hai, bằng những lời ra như thách đố:“Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?”(Ga 6: 67) Và khi ấy, thánh Phêrô đã đại diện cho mọi người, bèn đối đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi bỏ đi theo ai đây? Chỉ Thầy, mới có những Lời đem lại sự sống đời đời. Và chúng tôi những tin cùng nhận biết: Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.” (Ga 6: 68)
            Đến với ai đây, có lẽ là thái độ của chúng ta, lúc sầu buồn, khốn khó. Lúc mà ta những muốn nói lời từ bỏ.  Muốn từ bỏ cả Hội thánh. Đó cũng là lúc mà ta có cảm nghiệm về những nghi nan, hết tin tưởng. Có thể là, ta cũng gặp tình trạng ấy. Cũng đau buồn, khốn khổ vì những lý do, tựa như:
-ít biết niềm tin của Kitô-hữa. Không rõ sứ điệp của Tin Mừng, nên cứ luẩn quẩn, loanh quanh.
-chứng kiến hành xử tiêu cực/tai tiếng từ các kẻ tin, như linh mục, thừa tác viên phục vụ Chúa.
-xung khắc/đố kỵ các tín hữu Công giáo, người Đạo Chúa.
-bị cuốn hút về với thế giới quyền uy, không thích nghi với tầm nhìn của người đi Đạo.
            -chọn gia nhập Đạo khác. Tôn giáo khác.

            Gặp cảnh trên, hãy cứ tin rằng: dù khó khăn hoặc có nghi vấn mấy đi nữa, ta vẫn không thể tìm ra con đường nào khác hay hơn đường Chúa dạy. Đường Chúa dạy, không vì tai tiếng của người đời, mà thành xấu. Nói tóm lại, ta vẫn nhận ra có khác biệt giữa thực chất của thị kiến sống động Chúa ban, với những gì bê tha/chộn rộn mà người theo Chúa đang làm trong lầm lẫn.
            Tin, không là điều được ban cho. Cũng không là mớ ý tưởng ta dính liền vào đó. Mà, là tương quan sống động với Đấng mình tin. Tương quan với thị kiến sống, của Ngài. Tương quan sống động cần tăng trưởng, khắc sâu với tháng ngày dài ta từng trải. Tương quan không ngừng được xác định qua cung cách ở thế giới, luôn đổi thay. Là người Công giáo thế kỷ 21, đòi hỏi ta có lối sống khác biệt với lối xử sự của những người sống vào thập niên năm mươi hoặc thập niên bẩy mươi.
            Bài đọc 2, cũng cho thấy điều đó, rõ như ban ngày. Ai cổ võ phong trào “phụ nữ đòi quyền sống”, hẳn sẽ không hài lòng với điều mà thánh Phaolô nói đến hôn nhân và về người vợ, ở đoạn trích. Thật ra, không thể bãi bỏ/đổi thay đoạn trích dẫn lá thư mang nhiều ý tưởng đẹp như thế. Nhưng, điều cần là xem xét Lời Chúa và những gì thánh nhân nói đến, vẫn phản ánh tư thế người tính hữu thuộc nam giới trong xã hội thời bấy giờ thôi.
            Song song với tương quan chồng vợ, là tương quan giữa Hội thánh và Đức Giêsu. Là những gì gói ghém trọn vẹn ý nghĩa của Lời Chúa. Có lẽ, ta thấy được cái khó của người vợ, cứ phải tùng phục chồng trong nhiều việc. Nhưng, đó là chuyện tùng phục của tình thương, chứ không phải là tùng phục của hệ cấp trên/dưới. Và, thánh nhân cũng đòi người chồng biết tùng phục, hệt như thế. “Hãy yêu thương vợ, như Đức Kitô yêu thương Hội thánh, đã hiến mình vì người mình yêu.” (Êp 5: 25)
            Là chồng, ta phải thương vợ “như yêu chính mình”. Tức, hai người tạo cùng mức độ chăm só người phối ngẫu, như chính mình. Đây, là khế ước hai chiều, hỗ tương,  quyết tâm và Sâu sắc. Tuyệt nhiên, ở đây không dành chỗ cho sự lấn át hoặc thống trị từ một  bên nào cả.
            Thái độ bỏ Chúa, bỏ Lời Chúa ở đây, là do người đọc hiểu trích đoạn theo nghĩa đen, nên dễ để mất mối tương quan, ta cần có. Bởi, Lời Chúa không thay đổi. Trong khi đó, cung cách người người chung sống, đã đổi thay theo cấp số lớn lao, tuỳ thuộc thế giới. Tức, đổi cả con người.
            Nhiều tín hữu đã vật lộn với tình cảnh khó khăn về niềm tin trong đời. Và khi việc “chẳng đặng đừng” xảy đến thì lại rất cần đến niềm tin vào Chúa hầu được trưởng thành. Trưởng thành qua nhiều giai đoạn cuộc đời. Mỗi giai đoạn, là lúc ta nhớ lại lời đáp trả của thánh Phêrô, khi xưa: “Thưa Thầy, bỏ Thầy con biết đi theo ai đây?” Cả khi nghi vấn, nhiều người vẫn nhận ra rằng, dù có bỏ qua Lời đề nghị của Chúa ở Tin Mừng để theo thị kiến khác thì đã chắc gì điều ấy sẽ tốt  hơn.
            Điều mình muốn và cần, để cuộc sống có ý nghĩa, nhiều khi không dễ gì thuyết phục được chính ta. Có lúc những điều bất ưng chợt đến như hãi sợ, giận hờn, phẫn uất. Vào những lúc đó, chỉ có tình thương yêu nồng nàn mới giúp ta trở về với con đường mình đã chọn. Đó là lúc, Lời Chúa lại về, rất ý nghĩa: “Phúc cho ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được THẤY Chúa.” (Mt 5: 7).
            Có nhiều thị kiến về sự sống, như: Hồi giáo, Ấn giáo, Phật giáo, Do Thái giáo. Các tôn giáo ấy, cũng đưa con người lên tầm mức hiệp thông với Chúa. Nhưng, một khi ta thuận đi theo Chúa, chấp nhận thị kiến cùng Chúa, có Chúa thì  ta sẽ cứ thế mà theo cung cách tự mình đã thuyết phục.