Tuesday 14 August 2012

Lm Vĩnh Sang DCCT: CHỌN LỰA



Tôi có một người anh, con đỡ đầu của cha mẹ tôi, anh qua đời đã lâu nhưng mỗi năm đến ngày Lễ Bổn Mạng của anh tôi vẫn nhớ và dâng lễ cầu nguyện cho anh. Lạ ! Không nhớ ngày giỗ mà lại nhớ ngày Bổn Mạng ( Thánh Laurensô, ngày 10 tháng 8 ). Lúc đầu tôi không hiểu tại sao như vậy, nhưng lâu dần, tôi hiểu, tôi biết tại sao lại chỉ nhớ anh vào ngày Lễ Bổn Mạng, bởi anh đã cố gắng vươn lên, vượt qua rất nhiều khổ đau để quyết tâm sống trung thực, anh ghét giả dối, một mực thuỷ chung với Đức Tin, và anh đã phải khổ nhiều vì chọn lựa này.
Trong lần đến Roma dự một Hội Nghị trong Dòng cuối 2009, ngày 2 tháng 11, tôi theo anh em vào nghĩa trang thành phố Roma. Lễ các Đẳng Linh Hồn, cũng chẳng khác gì bên Việt Nam, chỉ có điều người ta tổ chức long trọng và rầm rộ hơn nhiều, không khí mát mẻ đầu mùa đông, nghĩa trang như một cuộc hội chợ quốc tế, người người tấp nập, hoa nến tưng bừng.
Nghĩa trang sạch sẽ, sắp xếp đâu ra đấy. Tôi vào nhiều lần rồi nhưng lần nào cũng bị hấp dẫn bới các công trình điêu khắc thật tuyệt, gần như mỗi ngôi mộ của một gia đình là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc. Dân Ý có khi chôn cả dòng tộc trong cùng một ngôi mộ, táng thành nhiều lớp theo chiều sâu, bên trên mộ là một tượng đài điêu khắc bằng đá cẩm thạch.
Anh em chúng tôi tập họp ở Nhà Nguyện nhỏ bên cạnh “ngôi mộ” của Đức Hồng Y PX. Nguyễn Văn Thuận, gọi là “ngôi mộ” chứ không phải là “nấm mồ” là vì thi hài của ngài được chôn âm vào tường và đặt ở trên cao hơn một số người đã chết khác. Cũng có một kiểu chôn khác, các quan tài được đưa vào tường, tuỳ theo chiều cao của căn nhà mà chiều cao tường sẽ chứa được bao nhiêu quan tài.
Dâng Thánh Lễ và cầu nguyện xong chúng tôi chia tay.
Ở cửa nghĩa trang, phía bên phải là ngôi Đền Thờ nhỏ, sân bên trong Đền có mộ của Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Piô IX, người đã trao bức linh ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp cho DCCT và uỷ thác sứ mạng quảng bá lòng sùng kính Đức Mẹ. Bên trong Đền và sau Cung Thánh là một căn buồng nhỏ đặt một di tích về Thánh Laurensô, đó là chiếc vỉ sắt tương truyền rằng đã dùng để nướng chín ngài trên giàn lửa.
Truyện kể rằng khi bị nướng, ngài còn nhắc đám lý hình lật qua lật lại thân mình của ngài để đôi bên hai mặt đều được nướng cháy đều, đau đớn như nhau. Có thể đó  chỉ là giai thoại thêu dệt thêm, nhưng điểm cốt yếu là con người của vị Thánh đã chấp nhận hy sinh đau đớn đến kinh hoàng, chỉ cốt bảo vệ sự thật, sắt son chung thủy với Lòng Tin của mình vào Thiên Chúa cho đến chết cháy cả thân xác.
Chấp nhận phải đau đớn, chịu thua thiệt, bị ruồng bỏ, thậm chí, chết để trung thực và thuỷ chung với Đức Tin là đặc điểm chung của các vị Thánh Tử Vì Đạo. Nhớ đến các vị Tử Đạo cha ông chúng ta, các ngài đã tự nguyện chịu lấy mọi khổ đau, ly tán, tù tội, thua thiệt đủ điều, bị người khác khinh bỉ, nhục mạ là một lũ ngu dại điên rồ. Vâng, các vị đã chấp nhận tất cả vì Đức Tin, chỉ một điều duy nhất thôi, Đức Tin, và quyết lòng trung thực với Đức Tin ấy.
Có những câu chuyện ta nghe đã mòn tai, bài Giáo Lý nào cũng được đưa ra minh chứng và ca tụng anh hùng, nhưng có lẽ chúng ta đã học mà không áp dụng, giảng mà không thi hành, nghe mà không thực hiện.
Nào là câu chuyện các ngài bị dụ dỗ ban cho quyền hành chức tước, thoả hiệp với quan quyền như thế sẽ có lợi cho mình, cho Giáo Hội mình hơn, nhờ vào thế lực như vậy sẽ làm được nhiều điều hơn, các ngài có chấp nhận không ? Không, dứt khoát không, vì nếu cúi đầu chấp nhận thì làm gì có được một các Thánh Tử Đạo.
Nào là chuyện chỉ là hai que gỗ ghép hình chữ thập, gỗ tạp thôi ấy mà, chứ có phải “Thánh Giá” đâu, tôn trọng làm gì ? Các ngài có chịu giả vờ khinh bỉ bằng cách bước qua không ? Không ! không bao giờ, vì nếu chỉ là bước qua hai “que gỗ” thôi thì đã không có Thánh Tử Đạo.
Một câu chuyện khác chúng ta nghe mà đau lòng: có một người đàn bà anh hùng với bao nhiêu là công đức trong việc bảo vệ Giáo Hội, bị kết án chết chém cũng là vì đã che giấu các đạo trưởng và dứt khoát không chối bỏ Đức Tin, ngôi nhà của bà ngày nay trở thành di tích tử đạo vì vị đạo trưởng đã bị bắt và xử trảm ngay tại đó. Oái oăm thay, vị đạo trưởng ấy nay đã được phong Thánh nhưng bà thì không ! Sao lại thế ? Nghe nói, không biết thật đến đâu, hồ sơ phong Thánh của bà bị kẹt lại, chỉ là vì trước khi chết, bà đã cho con bú rồi giao con cho người mẹ nhờ chăm sóc, rồi bước ra xin chịu chém, nhưng bà đã… “chi” cho tên lý hình một ít vàng để được chém chết ngay. Cần phải hiểu, ngày xưa bọn lý hình hay vòi vĩnh gia đình các tử tù, nếu không cho tiền hoặc vàng, sẽ không chém cho chết ngay, nhưng chém bằng loại dao đã cùn, sẽ gây đau đớn kéo dài và phải chém thật nhiều nhát cổ mới đứt.
Thử hỏi đã bao nhiêu lần chúng ta “chi” cho người đời khi bị vòi vĩnh để có thể làm được cái này cái kia “cho Giáo Hội”, và tự biện hộ rằng tất cả chỉ là “vì lợi ích Giáo Hội” ấy mà !
Có lần tôi được nghe một vị chức sắc cao trọng dạy khôn rằng: “Có một người đàn bà anh hùng với bao nhiêu là công đức trong việc bảo vệ Giáo Hội, bị kết án chết chém cũng là vì đã che giấu các đạo trưởng và dứt khoát không chối bỏ Đức Tin. Ngôi nhà của bà tại Quy Nhơn ngày nay trở thành di tích tử đạo, xây một ngôi đền kính Thánh Cuénot Thể vì ngài đã bị bắt và bị xử án ngay tại sân nhà bà. Án lệnh từ Huế vào chưa kịp thi hành thì ngài đã chết trong tù nhưng sau đó xác còn bị bỏ rọ thả trôi sông mất tích. Oái oăm thay, vị Tử Đạo nay đã được phong Thánh nhưng bà thì không..."

Khi nghe tin Thánh Giá ở Đồng Chiêm và ở chỗ này, chỗ kia bị đập phá, nhiều người đau lòng, có người lên tiếng mạnh mẽ, có người buồn nhưng không dám hó hé chi, nhưng nói chung là Kitô hữu, ai mà không chạnh lòng. Vậy mà tôi lại phải bàng hoàng đến váng đầu khi nghe một câu biện hộ của một vị Bề Trên khi cho phép "người ta" đập bỏ cây Thánh Giá trong Tu Viện trước đây của Dòng mình, rằng… “chỉ là bê-tông thôi mà !”
Nhìn về các Thánh Tử Đạo với lòng ngưỡng mộ, học hỏi giảng dạy về các ngài là điều nên làm và phải làm, nhưng tôi nghĩ cần nhất là phải làm như các ngài đã làm, sống như các ngài đã sống, chọn lựa như các ngài đã chọn lựa.
Không chọn lựa như các ngài đã chọn lựa, mà chỉ nói suông và ca tụng các ngài khơi khơi vậy thôi, thì chẳng khác chi…
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 
Lễ Thánh Laurensô, Phó Tế Tử Đạo, 
10.8.2012

No comments: