Wednesday 1 August 2012

Nguyễn Ngọc Lan Chi: “Giải mã” hiện tượng Marine Le Pen






Ứng viên đảng cực hữu Mặt trận dân tộc (FN) Marine Le Pen đã gây nhiều lo ngại khi đạt tỷ lệ ủng hộ 17,9% tại vòng 1 bầu cử tổng thống Pháp.

Tối 22.4, ngay sau khi kết quả sơ bộ được công bố, bà Le Pen xuất hiện trước các cử tri với vẻ mặt rạng rỡ không thua gì ứng viên đảng Xã hội François Hollande, người có số điểm cao nhất ở vòng 1. Ứng viên cực hữu chỉ về thứ 3, không được vào vòng 2 nhưng với 17,9% số phiếu, đảng FN đã khẳng định vị trí của mình trên chính trường Pháp và bắt đầu hướng đến những mục tiêu nhiều tham vọng hơn.

Để có cái nhìn chi tiết hơn về hiện tượng Marine Le Pen, PV Thanh Niên đã trao đổi với hai nhà báo của tờ Le Monde là Caroline Monnot, Phó ban Chính trị và Abel Mestre, chuyên gia về cực hữu.

* Kết quả vòng 1 cho thấy đảng FN dần trở thành thế lực chính trị thứ 3 tại Pháp, sau đảng cầm quyền UMP và đảng Xã hội?

- Ông Abel Mestre (A.M.): Từ nửa sau thập niên 1980, FN đã là một “thương hiệu” chính trị quan trọng ở Pháp. Tuy nhiên, lần này bà Marine Le Pen ngay trong lần đầu ra tranh cử đã phá kỷ lục của đảng này không chỉ về tỷ lệ ủng hộ mà còn ở số phiếu nhận được. Đáng lưu ý là bà đã nâng cao điểm số của mình ra toàn nước Pháp, ở cả những vùng trước đây vốn không mấy mặn mà với trào lưu chính trị cực hữu.

- Bà Caroline Monnot (C.M.): Năm 2007, ông Nicolas Sarkozy bắt đầu nhắm đến các cử tri đảng FN qua các phát biểu mang tính dân tộc chủ nghĩa. Cùng lúc đó, cha bà Marine Le Pen là Jean-Marie Le Pen, đại diện khi ấy của FN do đã lớn tuổi nên thể hiện hình ảnh một ứng viên “già cỗi”, không gây thuyết phục. Kết quả là ông chỉ đạt được số điểm 13,5% và xếp thứ 4 ở vòng 1. Một số người cho rằng FN đã đến hồi thoái trào. Thực tế hoàn toàn không như thế. Hầu hết  những cử tri cực hữu bỏ phiếu cho ông Sarkozy năm 2007 đều cảm thấy thất vọng về nhiệm kỳ vừa qua. Bên cạnh đó, đảng FN đã thực hiện nhiều thay đổi, hiện đại hơn, trẻ trung hơn với chủ tịch chỉ 44 tuổi Marine Le Pen. Hai yếu tố quan trọng này đã giúp đảng cực hữu không những không biến mất mà ngược lại đã trỗi dậy mạnh mẽ.

* Theo thăm dò của Viện Logica Business, chỉ 60% cử tri của FN ở vòng 1 sẽ bỏ phiếu cho ông Sarkozy ở vòng 2. Các phát biểu của bà Le Pen trong những ngày sắp tới sẽ thay đổi tỷ lệ này và gây ảnh hưởng đến kết quả sau cùng như thế nào?

- C.M.: Mục tiêu hàng đầu của bà Le Pen là đưa FN trở thành lực lượng chính trị đối lập chính với cánh tả, thay chỗ của UMP. Để thực hiện được, điều kiện đầu tiên là ông Sarkozy thất bại ở vòng 2. Có thể nhận thấy rõ những chỉ trích của bà trong suốt chiến dịch tranh cử hầu như tập trung phần lớn vào đương kim tổng thống. Nhưng cùng lúc đó, bà cũng không thể kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho ông Hollande. Tuy đến nay bà Le Pen vẫn chưa công bố sự lựa chọn của mình nhưng mọi người đều hiểu bà sẽ hướng cử tri của mình chọn phiếu trắng.

Tỷ lệ 60% có thể có ít nhiều thay đổi tùy thuộc vào hiệu quả chiến dịch tranh cử giữa 2 vòng của ông Hollande và ông Sarkozy. Cả 2 đều cố gắng thu hút những người ủng hộ bà Le Pen. Mới đây, đảng UMP đã có một phát biểu nhằm thẳng vào nhóm cử tri này: “Nếu François Hollande thắng cử, người nước ngoài đang tạm trú tại Pháp sẽ có quyền bỏ phiếu trong các kỳ bầu cử địa phương”.

- A.M.: Ngày 1.5 đảng FN sẽ tổ chức mít tinh nhân ngày Quốc tế Lao động như truyền thống lâu nay của đảng này. Có khả năng bà Le Pen sẽ kêu gọi cử tri bỏ phiếu trắng theo kiểu tiếp tục… điền tên mình vào lá phiếu vòng 2. Sự lựa chọn của cử tri FN sẽ ảnh hưởng khá lớn đến kết quả chung cuộc của bầu cử. Tất cả tùy thuộc vào tỷ lệ giữa số người chọn phiếu trắng hoặc thậm chí bỏ phiếu cho ông Hollande do muốn “trừng phạt” đảng cầm quyền và số người vẫn muốn cánh hữu thắng nên bỏ phiếu cho Sarkozy.

* Một mục tiêu khác của bà Le Pen là làm “tan vỡ” đảng UMP, đảng FN sẽ có chiến lược gì để đạt mục tiêu này?

- C.M: Sau bầu cử tổng thống sẽ là bầu cử Hạ viện, sự kiện chính trị lớn thứ 2 tại Pháp. Một số nghị sĩ UMP ở các khu vực mà bà Le Pen giành được số điểm cao sẽ cảm thấy lo lắng cho khả năng tái đắc cử của mình. Bên cạnh đó, trong đảng UMP cũng có nhiều xu hướng chính trị khác nhau: trung hữu và “hữu của hữu”, vốn thường có các phát biểu khá gần với đảng FN. Trước hoặc sau kỳ bầu cử Hạ viện, nội bộ đảng UMP chắc chắn sẽ rất căng thẳng nếu ông Sarkozy thất cử. Với tất cả yếu tố này, bà Le Pen sẽ tìm cách gây chia rẽ và thu hút nhánh “hữu của hữu” ở UMP về phía mình. Bước kế tiếp là hình thành tại Pháp 3 cực chính trị, thanh cho thế song cực truyền thống: FN - UMP ly khai; UMP còn lại (trung hữu) và đảng Xã hội (cánh tả). Mục tiêu sau cùng là làm thế nào để liên minh FN-UMP ly khai trở thành đại diện mạnh nhất của cánh hữu thế chỗ UMP truyền thống.

* Sự vươn lên mạnh mẽ của đảng FN gây lo ngại trong dư luận Pháp. Để dễ dàng tạo ảnh hưởng, đảng FN dưới thời của Marine Le Pen có thay đổi gì so với giai đoạn cha bà, Jean-Marie Le Pen lãnh đạo?

- A.M.: Khác biệt chủ yếu ở bề ngoài. Với lợi thế là phụ nữ, các phát biểu của bà Le Pen có vẻ mềm mại hơn, những tư tưởng cực đoan, dân tộc chủ nghĩa thường được bao bọc bởi vẻ ngoài “yêu nước”. Nhưng căn bản bên trong không hề thay đổi, vẫn là những chủ trương bài ngoại, đóng cửa biên giới… Vì vậy, dù có liên kết với các thành viên UMP thì bản chất của FN vẫn là cực hữu và họ càng thắng thế, hậu quả ảnh hưởng đến chính trị, xã hội của Pháp sẽ càng nặng nề.

N.N.L.C

No comments: