Wednesday 15 August 2012

Lm Nguyễn Thể Hiện CSsR: ĐỨC GIÊSU LÀ BÁNH TỪ TRỜI XUỐNG



Bài Tin Mừng hôm nay ( Ga 6, 41 – 51 ) thuật lại cho chúng ta một phần câu trả lời của Đức Giêsu trước sự phản đối của những người Do Thái.
Khi ấy, “người Do Thái xầm xì phản đối, bởi vì Đức Giêsu đã nói: "Tôi là bánh từ trời xuống." Họ nói: "Ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao ? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: "Tôi từ trời xuống ?" ( cc. 41 – 42 ). Các đối thủ của Đức Giêsu phản đối lời khẳng định của Đức Giêsu bằng cách đưa ra các luận cứ dựa trên nguồn gốc nhân loại của Người. Họ vốn biết rất rõ về nguồn gốc nhân loại của Đức Giêsu, và theo quan điểm của họ, nguồn gốc phàm nhân tự nó sẽ loại trừ mọi nguồn gốc thần linh của Đức Giêsu. Người vốn là một người phàm, với xác thịt và những tương quan nhân loại, mà lại tự nhận mình là bánh từ trời xuống, thì đó là điều không thể chấp nhận được. Dưới con mắt của họ, Người chỉ là một phàm nhân đang chiếm chỗ của Thiên Chúa, “tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa” ( 5, 18 ), “là người phàm mà tự coi mình là Thiên Chúa” ( 10, 33 ).
 “Đức Giêsu bảo họ: "Các ông đừng có xầm xì với nhau ! Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết” ( cc. 43 – 44 ).
Đức Giêsu không đi vào cuộc tranh luận với những người Do Thái về nguồn gốc nhân loại hay thần linh của Người. Người hướng sự chú ý vào thái độ bên trong của những kẻ chỉ trích Người.
Sẽ chẳng ai có thể đến được với Đức Giêsu nếu Chúa Cha không lôi kéo họ. Nói cách khác, để có thể đến với Đức Giêsu và tin vào Người, người ta cần phải để cho Chúa Cha lôi kéo. Thế nhưng những đối thủ của Đức Giêsu không chấp nhận điều đó. Chính Đức Giêsu đã từng nói thẳng thắn với họ: “Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, chính Người cũng đã làm chứng cho tôi. Các ông đã không bao giờ nghe tiếng Người, cũng chẳng bao giờ thấy tôn nhan Người. Các ông đã không để cho lời Người ở mãi trong lòng, bởi vì chính các ông không tin vào Đấng Người đã sai đến” ( 5, 37 – 38 ).
Thật ra, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” ( 3, 16 ). Các hoạt động của Đức Giêsu vì người nghèo và người bị áp bức, chính là các thực tại cho phép người ta hiểu về con người của Đức Giêsu, về sứ mạng Chúa Cha trao cho Người và về sự hiện diện của Chúa Cha giữa nhân loại. Đức Giêsu đã từng nói: “Phần tôi, tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gioan: đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi” ( 5, 36 ). “Nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó. Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng: Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha” ( 10, 38 ). Thế nhưng người Do Thái đã không thực sự chú ý suy tư về những ý nghĩa đặc biệt đó của các hoạt động của Đức Giêsu. Vì thế, họ đã khước từ Người. Họ không đến được với Người, dù Chúa Cha đã lôi kéo họ.
Nhưng những ai thuận theo sự lôi kéo của Chúa Cha thì sẽ đến được với Đức Giêsu, và Người sẽ cho họ “được sống lại trong ngày sau hết”, tức là sự sống đời đời. Những người Pharisêu chấp nhận sự sống lại và bảo vệ niềm tin vào sự sống lại; nhưng họ quan niệm rằng đó là phần thưởng vì sự tuân giữ Luật. Đức Giêsu khẳng định rằng sự sống lại trong ngày sau hết ấy không tùy thuộc việc tuân giữ Luật, mà là hiệu quả của Lòng Tin vào Người. Sẽ không có bất cứ sự sống lại nào mà không do Người ban tặng và không phải là sự sống do chính Người mang lại cho chúng ta. Bởi lẽ, như Người đã nói, “ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” ( 6, 39 ). “Quả thật, Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào, thì cũng ban cho người Con được có sự sống nơi mình như vậy” ( 5, 26 ).
Ấy vậy mà Chúa Cha lại không chọn một số người ưu tuyển nào đó để ban cho Đức Giêsu. Chính Người nói tiếp: “Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ: Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi” ( c. 45 ). Thiên Chúa dạy dỗ mọi người và ban cho mọi người cơ may để tin vào Đức Giêsu. Nối kết với lời quả quyết ở các câu 43 – 44, người ta buộc phải đi đến kết luận rằng sở dĩ những người Do Thái không tin vào Đức Giêsu là vì họ không để cho mình được Thiên Chúa lôi kéo và tác động. Và đó chính là lý do thâm sâu của sự khước từ và sự chỉ trích mà họ đang dành cho Đức Giêsu.
Người ta không cần phải có một kinh nghiệm về Thiên Chúa ở bên ngoài thực tại nhân loại. Nhưng thực ra, chỉ một mình Đức Giêsu, Đấng được Chúa Cha sai đến, mới có thể cho chúng ta biết Chúa Cha. Chỉ một mình Người có thể nói cho chúng ta biết chương trình của Thiên Chúa về nhân loại và thiết định những điều kiện để thực hiện chương trình đó ( x. cc. 39 – 40 ). Vì chưng, “Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha” ( c. 46 ).
 Vì thế, điều quan trọng là tin vào Đức Giêsu, như Người nói: “Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. Tôi là bánh trường sinh” ( cc. 47 – 48 ). Không phải Luật là nguồn sự sống trường sinh. Không phải việc tuân giữ Luật làm cho người ta được sống lại, như những người Pharisêu vẫn hiểu. Chính manna do Thiên Chúa ban, dù vô cùng quý giá theo quan điểm Do Thái, cũng không hề thông ban cho người ta sự sống đích thực. Đức Giêsu nói: “Tổ tiên các ông đã ăn manna trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết” ( cc. 49 – 50 ).
Sự chết của “tổ tiên các ông” được nói đến ở đây thì không chỉ là sự chết thể lý, mà còn là sự thất bại trong lĩnh vực ân nghĩa với Thiên Chúa. Những người Israel đã được ăn manna trong sa mạc. Dẫu vậy, họ vẫn không được vào đất hứa. Đối với thế hệ đã phải làm nô lệ bên Ai Cập, cuộc xuất hành đã thất bại; họ không đạt đến đích của biến cố là đất hứa, không được vào chốn yên nghỉ của Đức Chúa, vì đã không nghe lời của Người ( x. Tv 95, 7tt; Ds 14, 21 – 23 ). Manna đã không làm cho họ được có sự sống đích thực.
Nhưng ai đón nhận Đức Giêsu thì sẽ được sự sống ấy. Đức Giêsu nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” ( c. 51a ). Đặt trong ngữ cảnh nhấn mạnh sự đối lập trực tiếp với manna của cuộc xuất hành, Đức Giêsu – Bánh hằng sống, là bảo đảm cho sự thành công của cuộc giải thoát nhân loại khỏi ách nô lệ sự chết. Chính trong Lòng Tin vào Người mà chúng ta sẽ đạt thấu đích điểm của cuộc vượt qua đích thực và tối hậu.
Gợi ý suy niệm và chia sẻ:
1. Những người Do Thái vấp phạm vì nhân tính và nguồn gốc nhân loại của Đức Giêsu ( cc. 41 – 42 ). Ngày nay, chúng ta cũng có thể hành xử y như thế khi đối diện với những thực tại của “vẻ bề ngoài bất lực và thất bại” của Người và của Hội Thánh trong lịch sử.
2. Điểm thứ nhất trong câu trả lời của Đức Giêsu ( cc. 43 – 46 ) cho thấy rằng sẽ chẳng ai có thể đến được với Đức Giêsu nếu Chúa Cha không lôi kéo họ. Nói cách khác, để có thể đến với Đức Giêsu và tin vào Người, chúng ta cần phải để cho Chúa Cha lôi kéo, phải thuận thảo với những tác động của Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta.
3. Đức Giêsu đích thực là bánh hằng sống từ Trời xuống, là bảo đảm cho sự thành công của cuộc giải thoát nhân loại khỏi ách nô lệ sự chết. Không có bất cứ thực tại nào khác có thể đem lại cho chúng ta ơn giải thoát và sự sống đích thực. Điều quan trọng, vì thế, là tin vào Người và gắn bó với Người.
Lm. NGUYỄN THỂ HIỆN, DCCT

No comments: