Saturday 19 March 2011

Thánh Thể, Tâm điểm của đời sống kitô hữu

Nguyễn Như Quang

Họ là một nhóm doanh nhân, trẻ có, không còn trẻ cũng có, chủ yếu là công giáo nhưng cũng có cả người không công giáo, khá đa dạng, nhưng có chung một đặc điểm: năng động. Năng động trong công việc làm ăn và cả trong cuộc sống thường ngày. Cuộc sống thường ngày ở đây bao hàm cả đời sống đạo. Điểm khởi đầu cụ thể của đời sống đạo, đối với họ, là Thánh lễ.

Tầm quan trọng của Thánh lễ trong đời sống đạo

Thực thì không chỉ riêng họ mà đa số người công giáo khác, tại Việt Nam và cả trên thế giới, không chỉ trong hiện tại mà cả trong quá khứ xa xôi, đều dành vị trí hàng đầu cho Thánh lễ, Thánh Thể, khi nói đến sống đạo. Thậm chí người ta còn lấy việc đi lễ ngày chúa nhật làm tiêu chí để đánh giá một kitô hữu : còn đi lễ, đó là một tín đồ ngoan đạo; ngược lại, đó là kẻ khô khan, nguội lạnh. Điều này quả không sai, bởi gần đây nhất, Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, trong diễn văn trước các giám mục vùng bắc Brasil tới Roma hành hương ad limina và chuẩn bị Đại hội Thánh Thể toàn quốc, cũng đã khẳng định : “Trung tâm và nguồn của thừa tác vụ tông đồ nằm trong Thánh Thể, tâm điểm của đời sống kitô hữu, khởi đầu và chóp đỉnh của sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo hội”. Và Hồng y Hummes, người Brasil, phụ trách Bộ giáo sĩ, cho biết, trong thư Đức giáo hoàng để cử ngài làm đặc phái viên Tòa thánh tham dự Đại hội Thánh Thể tại Brasilia, Đức giáo hoàng đã nhấn mạnh đến ngày chúa nhật, “ngày của Chúa”, với tâm điểm là Thánh Thể, vốn là một ‘nguồn sự sống’ đối với các cộng đoàn”, do đó, “các tín hữu cần phải gắn kết với nhau và đầy tràn một sức sống mới cần thiết cho xã hội”. Qua Thánh Thể, các tín hữu trở thành “các môn đệ thừa sai”. Môn đệ vốn là người “gắn với Chúa Giêsu với tính cách cá nhân và cộng đoàn”. Sự gắn kết này mang tính cách mầu nhiệm. Cũng có thể nói đó là khía cạnh mầu nhiệm của Thánh lễ. Là “thừa sai”, người tín hữu “truyền đạt cho người khác, điều mình đã thấy, đã nghe, đã trải nghiệm trong cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô, được tràn đầy hơn nữa ngọn lửa mới, lòng nhiệt tình mới đối với sứ vụ mà đất nước Brasil [hay bất cứ một xã hội nào khác] đang rất cần”.
Sống trọn vẹn “tâm điểm” này
Một ngày nọ, nhóm doanh nhân bỗng cảm thấy cần phải sống trọn vẹn “sự kiện” được xem là tâm điểm của đời sống đạo này. Và thế là họ ao ước có một thánh lễ “của họ”. Nhưng “của họ” ở đây hoàn toàn không mang tính cách cục bộ. Họ không làm thành một tổ chức, một hội đoàn có một chương trình hoạt động tôn giáo hay xã hội nhất định, trong đó, Thánh lễ được xem là một mục không thể thiếu để khẳng định căn tính công giáo của mình. Nhóm tuy được gọi bằng một cái tên “Nhóm thân hữu Mai Tâm”, nhưng “Mai Tâm” lại không phải là tên của họ mà là tên của một “mái ấm” do một linh mục, linh mục Gio-an B. Phương Đình Toại, MI (dòng Camilô), tổ chức để quy tụ “những số phận nghiệt ngã của những đứa trẻ sinh ra, mồ côi, với mầm bệnh thế kỷ trong người…”. Bởi vậy, cái tên “Mai Tâm” xuất hiện ở đây không như một “thương hiệu” mà như một lời mời gọi, nhắc nhở họ sống “thông điệp trái tim của buổi tinh sương” của những số phận được xem là nghiệt ngã. Thông điệp ấy được linh mục chia sẻ như sau: những số phận xem ra không có ngày mai, nhưng vẫn còn một ngày hôm nay đáng được sống một cách trọn vẹn nhất. Từ đó, họ liên hệ đến chính hoàn cảnh của mình: “Cũng như chúng ta, những người bận rộn, mãi lo nghĩ, chạy theo những kế hoạch, dự định, trăn trở của ngày mai mà không kịp dừng lại để sống cho trọn những phút hiện tại….Và Thánh lễ của ngày hôm nay như một dịp để chúng ta cùng nhau chia sẻ, cầu nguyện và sống với nhau trọn vẹn một sáng Chúa nhật cùng những thân hữu…” (trích trong bản “Thông tin cho Thánh lễ 18.4.2010 của nhóm).
Họ hiểu Thánh lễ “của họ” là như vậy: “sống với nhau trọn vẹn một sáng Chúa nhật cùng những thân hữu…” . Sống trọn vẹn bao hàm trước tiên việc tích cực chuẩn bị Thánh lễ. Họ không muốn chỉ là những người “tham dự” chìm trong đám đông dù có mang tên là cộng đoàn. Cùng ngồi trên một băng ghế mà không biết người ngồi ngay bên phải, bên trái, đằng trước, đằng sau mình là ai. Những người cùng tham dự thánh lễ với mình hàng tuần hầu như luôn luôn là những người mới, thoáng hợp, thoáng tan, không có cơ hội làm quen, hỏi thăm…Mọi người tới nhà thờ gần như cùng lúc, sát giờ bắt đầu thánh lễ, rồi ra về cũng gần như cùng lúc, khi bài hát cuối cùng chấm dứt, nếu không bỏ về ngay sau khi chủ tế mời mọi người “đi bình an!…”

Xây dựng cộng đoàn Thánh lễ

Và thế là họ bắt đầu thực thi ý muốn sống trọn vẹn Thánh lễ của họ bằng việc xây dựng một cộng đoàn Thánh lễ: phải tạo nên bầu khí thân thiện, cởi mở và cảm thông giữa tất cả những ai tới dự lễ, vì tất cả sẽ chia sẻ cùng một câu kinh, câu hát, diễn tả cùng một niềm tin, cùng một niềm hy vọng, chia nhau cùng một tấm bánh, một chén rượu…để nhớ đến cùng một người Thầy duy nhất đang ở giữa cộng đoàn. Và thế là mọi người được mời tới địa điểm cử hành Thánh lễ, -tại phòng sinh hoạt của Tòa Tổng giám mục thành phố Hồ Chí Minh,- trước giờ lễ nửa tiếng đồng hồ.

Nửa giờ để mọi người đón tiếp nhau, hỏi han nhau, tự giới thiệu và giới thiệu người này với người nọ, tại sân, tại hàng hiên phòng lễ, và khi bước vào nơi cử hành Thánh lễ, họ không còn là những cá nhân riêng rẽ. Họ biết tên người ngồi bên cạnh, đã bắt tay người ngồi trước mặt, nhận ra người ngồi ở hàng ghế bên kia là đồng nghiệp trong ngành kế toán...

Nửa giờ trước lễ còn để người điều khiển giới thiệu một “sự kiện đặc biệt trong ngày” như kỷ niệm lần thứ 24 ngày cưới của một cặp vợ chồng có mặt trong cộng đoàn, hay “ngày của Mẹ”, “tháng Hoa”, sự hiện diện của các cháu thuộc “mái ấm”….

Nửa giờ trước lễ cũng còn là thời gian để cộng đoàn tập hát, để ca đoàn tạo bầu khí Thánh lễ bằng ba, hay bốn bài hát trong khi vị chủ tế chuẩn bị lễ phục. Chủ nhật thứ 6 mùa Phục sinh, tháng Năm, tháng Đức Mẹ: trước Thánh lễ, gần hai chục em thuộc mái ấm Mai Tâm dâng hoa cho Mẹ, kế đó, cả cộng đoàn lần lượt từng người lên đặt hoa nơi chân tượng Đức Mẹ bế Chúa Hài Đồng. Hôm nay cũng là ngày của mẹ : Lời mẹ ru, một bản nhạc của Trịnh Công Sơn, được nguyên một gia đình gồm hai vợ chồng và hai cậu con trai chọn trình bày trong thời gian chuẩn bị bầu khí Thánh lễ ngày của mẹ và cũng là đầu tháng Năm này, đã dẫn cộng đoàn đến với mái ấm Thánh Gia, -gương mẫu của mọi gia đình công giáo-, ở Nazareth, nơi trẻ Giêsu “cứ tấn tới thêm về khôn ngoan, vóc dạng và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và trước mặt người ta” (Lc 2, 52), trong lời ru của Mẹ.
Nửa giờ “làm quen” trước Thánh lễ còn được tiếp nối bằng nửa giờ uống trà, cà phê…và trò chuyện sau Thánh lễ.

Cộng đoàn Thánh lễ còn được họ xây dựng bằng những buổi tập hát, chuẩn bị lời nguyện giáo dân, chuẩn bị của lễ: bánh lễ, rượu nho, hoa, nến, quà Phục sinh, hoa dâng Mẹ. Những bài thánh ca thật quen thuộc, nhưng được tập một cách kỹ lưỡng, được trình bày với giọng ca nhuần nhuyễn, đã có sức làm thức tỉnh cả những con tim nguội lạnh bỗng cảm thấy thấm thía trước lời ca kêu gọi “thức dạy đi” của một giọng nam mạnh mẽ, chân thành gợi lên nỗi lòng của “đứa con hoang đàng” trong Tin Mừng Chúa nhật màu Hồng. Chủ gia đình từng tiếp nhận anh chị em trong “ca đoàn” tới nhà tập hát, được sự tiếp tay tự nguyện và tích cực của tất cả các thành viên trong gia đình, không giấu nổi niềm hạnh phúc khi nhận ra có một bầu khí “đạo đức” mới, thật tự nhiên, bao trùm sinh hoạt chung của gia đình.

Hiệp thông với Chúa Giêsu

Nhưng xây dựng cộng đoàn Thánh lễ là để nhận ra và kết hợp với Đức Kitô hiện diện đích thực nơi bánh và rượu được truyền phép và trở thành bánh hằng sống cho các kẻ tin.
Cộng đoàn trở thành những môn đệ trên đường đi Emau sống với diễm phúc được nhận ra có Chúa cùng đồng hành với mình (Lc 24). Đức Kitô được giới thiệu là dung mạo nổi bật trong phụng vụ Thánh lễ.

Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, trong một bài suy niệm về Thánh Thể, đã khẳng định “Thái độ tiên khởi và thiết yếu của người kitô hữu, trước Thánh Thể, không phải là ‘làm’ mà là ‘lắng nghe, mở lòng mình ra và đón nhận’”. Ở đây, trong Thánh lễ, họ có cơ hội lắng nghe lời Chúa dẫn họ vào nhà Cha, người cha trong dụ ngôn “Đứa con hoang đàng” họ được nghe trong Thánh lễ chúa nhật mầu Hồng, nơi có đàn ca, múa hát, có giọng ca mạnh mẽ làm mọi người như muốn trỗi dậy, có lời diễn giải của linh mục và lời của mầu nhiệm Thánh Thể họ cử hành. Thánh lễ quả đã thể hiện mầu nhiệm Giáo hội họ được tham gia: một thực thể vừa là “con người vừa là Thiên Chúa”, “hữu hình nhưng cũng chứa đựng những thực tại vô hình” ,“nồng nhiệt trong hành động nhưng lại hiến mình cho việc chiêm niệm”, “hiện hữu trong thế gian nhưng lại là khách hành hương giữa thế gian”.
Phụng vụ và tình yêu trong cuộc sống thường ngày hay khả năng biến đổi thế giới của Thánh Thể
Trong giáo huấn của giáo hội, Thánh Thể không hề chỉ là một nghi lễ phụng vụ, giới hạn trong nhà thờ. Thánh Thể còn là tình yêu trong cuộc sống thường ngày, sự kéo dài và tiếp tục của tình yêu được cử hành và tôn vinh trong Thánh Thể. Sự kéo dài và tiếp tục để biến đổi thế giới, xã hội, để sự bình an của Chúa phục sinh “ở cùng anh chị em và ở cùng mọi người”. Cái bắt tay, cái ôm hôn “bình an”, được thực hiện một cách chân thật, được mọi người trong cộng đoàn Thánh lễ trao cho nhau với tất cả tính chân thật, phải là điểm khởi đầu của chuỗi những hành động tạo sự bình an, sự thân thiện họ sẽ thực hiện trong cuộc sống thường ngày, lúc ký kết hợp đồng, lúc bàn hỏi công việc, lúc tìm cách để vượt qua các khó khăn…Điểm khởi đầu ấy đã được nhóm doanh nhân thân hữu Mai Tâm cụ thể hóa bằng nhiều đêm hội để tìm nguồn hỗ trợ cho mái ấm…
Đức giáo hoàng còn mời mọi người suy niệm về các cử chỉ Chúa Giêsu đã thực hiện vào giờ phút nghiêm trọng nhất của đời Ngài, những cử chỉ thiết lập Thánh Thể để qua đó Ngài ở giữa chúng ta và ban ơn cứu độ:
“Ngài cầm bánh trong tay”, đôi tay chữa lành kẻ bệnh tật, chúc lành cho các cháu bé, xua đuổi ma quỷ, đôi tay đã bị đóng đinh vào thập giá để trở thành chứng tích của một tình yêu sẵn sàng đi tới tận cùng. Đôi tay của Ngài mãi mãi dang ra trên Thánh giá như một lời mời gọi những ai tin ở sự hiện diện của Ngài trong Thánh lễ cũng hãy sử dụng bàn tay của mình để đem lại cứu độ, sự chúc lành, lòng nhân ái cho mọi người xung quanh chúng ta!”
“Ngài ngước mắt lên trời”. Người kitô hữu chỉ có thể là người kitô hữu đích thực, giáo hội chỉ có thể là mầu nhiệm tập họp những kẻ Chúa gọi và trao cho sứ vụ khi có lúc biết ngước mắt lên trời mang theo cả trái tim tách ra khỏi mọi thứ của thế gian này, thể hiện căn tính đích thực của mình là “ở trong thế gian, nhưng không thuộc thế gian này”. “Có như vậy, sự dữ mới không xâm nhập vào chúng ta qua đôi mắt để làm vẩn đục con người chúng ta. Có nhìn lên trời, đôi mắt của chúng ta mới có thể nhìn thấy tất cả những gì là chân thật, là trong sáng, là tốt lành, mới có khả năng nhận ra Thiên Chúa hiện diện trong thế giới xung quanh ta, và nhận ra các anh chị em, những người đang cần chúng ta, muốn nghe chúng ta và muốn thấy chúng ta hành động.”
“Ngài bẻ bánh ra và trao cho các môn đệ”. Bẻ bánh là cử chỉ của người cha trong gia đình chăm sóc người thân yêu và ban cho họ những gì cần thiết để sống. Đó cũng còn là cử chỉ của sự tiếp nhận khách lạ vào trong vòng những người thân yêu, được quyền cùng chia sẽ sự sống đang diễn ra ở đây, trong gia đình, trong cộng đoàn, trong một góc của xã hội. Bẻ bánh ra thành từng mảnh nhỏ ở đây không hề có nghĩa là chủ trương chia rẽ, phân tán, bởi ở đây, bẻ ra là để chia sẻ và chia sẻ với, và như vậy là kết hợp”. Bánh được bẻ ra không còn là bánh họ đã dâng nhưng đã được Chúa Giêsu biến đổi thành mình và máu của Ngài, trở thành của ăn không phải cho thân xác mà là cho tâm hồn, cho nhu cầu sâu thẳm của con người được dựng nên theo hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa, nhu cầu được kết hiệp với chính Thiên Chúa.
Thánh lễ trở thành sự kết hiệp, sự hiệp lễ, kết hợp với. Kết hợp với nhau qua kết hợp với Chúa Giêsu, bánh sự sống được bẻ ra và chia cho mọi người. Mầu nhiệm hiệp thông được thể hiện, kéo theo sự biến đổi của người kitô hữu và của thế giới. Biến đổi để trở thành thế giới của Phục sinh, của cứu độ, một thế giới của Thiên Chúa. Con người mới, thế giới mới bắt đầu nơi bánh được truyền phép, được biến đổi, nơi hành động yêu thương của người muốn sống trọn vẹn ý nghĩa của Thánh lễ.
Bản chất thâm sâu của Thánh Thể là “agape, là tình yêu biến thành cơ thể, mang xác phàm, trước tiên nơi Con Thiên Chúa làm người để yêu thương, cứu chuộc và đem lại sự sống mới. Chúng ta thấy rõ Thánh Thể không bao giờ có thể chỉ là một hành động phụng vụ, một việc cử hành phụng vụ, cử hành hay tham dự Thánh lễ. Thánh Thể chỉ trở nên trọn vẹn khi agape trong phụng vụ trở thành tình yêu thương trong đời thường. Trong việc thờ phượng của Kitô giáo, hai điều này trở thành một : được tràn đầy Chúa trong hành động thờ phượng và thực thi tình yêu đối với người đồng loại. Và như vậy, sống một cách đầy đủ, trọn vẹn mầu nhiệm Thánh Thể cũng là sự biến đổi thế giới đã bắt đầu.
Tài liệu
“Thánh Thể và Cộng đoàn: Vượt qua mọi biên cương”

Để tiếp nối việc suy niệm về Mầu nhiệm Thánh Thể nhân dịp Giáo hội mừng lễ Mình Thánh Chúa, xin được giới thiệu Bản đúc kết Hội thảo thần học với chủ đề “Thánh Thể và Cộng đoàn: Vượt qua mọi biên cương”được tổ chức từ ngày 18 đến 20 tháng 5 năm 2009, tại Trung tâm Tĩnh tâm thánh Bênêđictô, Seoul. Bản tiếng Việt được đăng trên WHĐ (14.06.2009):

(1) Một Hội thảo thần học đặc biệt nhằm chuẩn bị cho Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) năm 2009, tập trung vào chủ đề về mối tương quan giữa Thánh Thể và Cộng đoàn, đã diễn ra tại Trung tâm Tĩnh tâm thánh Bênêđictô ở Seoul, Hàn Quốc, vào các ngày 18-20 tháng 5-2009 vừa qua. Các tổ chức Pax Romana, ICMICA (International Catholic Movements for Intellectual and Cultural Affairs / Các phong trào Công giáo Quốc tế vì các hoạt động Trí thức và Văn hóa) và WTI (Woori Theological Institute / Học viện Thần học Woori) đã đứng ra tổ chức cuộc họp mặt quốc tế quy tụ 80 tham dự viên thuộc 11 quốc gia này.
(2) Chương trình gồm năm bài tham luận chính và mười một bài nghiên cứu trên trường hợp cụ thể. Michael Amaladoss giới thiệu bài tham luận then chốt: “Thánh Thể: các viễn cảnh nhân học, thần học, liên văn hóa và liên tôn giáo.” Các bài tham luận chính khác nhấn mạnh vào Bữa Tiệc ly và Thánh Thể (Tae-Sik Park), Các viễn cảnh liên tôn giáo về Thánh Thể (William LaRousse), Thánh Thể và sự nghèo khổ (Johannes Pujassumarta), Thánh Thể và rao giảng Tin Mừng (James Kroeger). Các bài nghiên cứu về các trường hợp cụ thể từ Sri Lanka, Ấn Độ, Hong Kong, Taiwan, Trung Quốc, Việt Nam, Philippines và Indonesia.
(3) Châu Á, vốn có những khác biệt lớn nhưng đẹp đẽ, là bối cảnh cho các cuộc trao đổi phong phú giữa các tham dự viên. Bức tranh toàn cảnh của xã hội, văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật, chính trị và kinh tế của châu Á vốn là một tiềm lực phong phú, thường lại không được nhận ra như là quà tặng diệu kỳ. Lý tưởng thì lẽ ra đây (hẳn) phải là một sức mạnh phong phú, bày tỏ và nhào nặn nên các dân tộc, cuộc sống và tương lai của họ. Các căng thẳng vẫn còn đó và cần phải cảnh giác để sự khác biệt lớn lao về văn hóa này phục vụ cho các dân tộc châu Á – thay vì gây nên chia rẽ và biến thành chủ nghĩa bè phái.
(4) Tình yêu Thánh Thể và lòng cảm kích biết ơn đối với quà tặng dành cho Giáo hội này, thúc đẩy các tham dự viên tìm hiểu một cách sâu sắc làm sao Thánh Thể và đời sống hằng ngày có thể kết hợp với nhau tốt hơn. Người ta thường nhận thấy rằng việc cử hành nghi thức bí tích Thánh Thể không thực sự gắn kết với những thực tại của đời sống hằng ngày. Thậm chí có cả những mâu thuẫn giữa những người cử hành Thánh Thể và gương sống của họ trong đời thường. Thánh Thể có gì để nói với các vấn đề như bạo lực chủng tộc, Dalits, tính thế tục, sự nghèo khổ, thông tin liên lạc, tinh thần đại kết, công bằng về giới, các cộng đoàn giáo hội chia rẽ nhau, các dân tộc ít người, người di dân, các vấn đề về môi trường, giao thông, các giáo hội đau khổ? Toàn cảnh các vấn đề có tính cách thách thức mà các Kitô hữu được Thánh Thể đổi mới đặt ra quả thực rất bao quát. Nếu chúng ta dùng cấu trúc ba chiều kích do Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã sử dụng để hiểu Thánh Thể (Sacramentum Caritatis), thì hội nghị này ít nhấn mạnh đến Thánh Thể như một mầu nhiệm phải tin và cử hành, nhưng nhấn mạnh hơn đến Thánh Thể như một mầu nhiệm để sống. Các tham dự viên cố gắng khảo sát kỹ sự soi sáng của Thánh Thể từ phía đời sống thường ngày của người dân; làm thế nào “việc tưởng nhớ nguy hiểm” (“dangerous memory”) tới Chúa Giêsu lại thách đố các thực tại đương thời?
(5) Các tham dự viên thường xuyên trở về với nguồn thần học, mục vụ và Thánh Kinh phong phú của Giáo hội để hiểu và đổi mới lòng tin và thực hành Thánh Thể. Hai lần trong trình thuật của Phaolô (1 Cr 11,23-27), Chúa Giêsu nhắc lại: “Hãy làm việc này để nhớ đến Thày.” Ngài còn nói: “Thày là bánh trường sinh” (Ga 6, 35). “Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời” (Ga 6, 58). Chúa Giêsu bày bỏ lòng trắc ẩn liên đới với người bé mọn nhất (Mt 25, 31-46). Ngài rửa chân cho các môn đệ trong bữa tiệc ly, bữa ăn Vượt qua với các bạn hữu của Ngài (Ga 13, 2-15). Sự hiểu biết về Thánh Thể càng được phong phú hóa khi được đặt trong sự kiện Chúa Giêsu thường xuyên “đồng bàn” với các bạn hữu, người Biệt phái, kẻ tội lỗi, phường người thu thuế, và với người bị xã hội ruồng bỏ -nhiều khi là hành động mang tính biểu tượng cho việc “phá đổ rào cản” xã hội. Thánh Thể luôn mang một chiều kích ngôn sứ.
(6) Một chủ đề thần học-Thánh kinh thường được đặc biệt nêu lên là mầu nhiệm vượt qua và thực tại vượt qua của đời sống. Người Kitô hữu hiểu như thế nào việc Thánh Thể cử hành cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô; mầu nhiệm cứu chuộc được tái diễn “mỗi khi chúng ta ăn bánh và uống chén này… cho tới khi Người đến trong vinh quang.” Mầu nhiệm vượt qua là trung tâm của Thánh Thể và Nước Thiên Chúa.
(7) Với Công đồng Vatican II, Giáo hội khẳng định rằng trong tư cách Kitô hữu, “ta phải tin chắc rằng Chúa Thánh Thần ban cho mọi người khả năng tham dự vào mầu nhiệm vượt qua ấy, theo cách thức mà chỉ có Thiên Chúa biết” (GS 22). Khẳng định sâu sắc này thúc đẩy và mở đường cho ta dấn thân vào cuộc đối thoại đặt trọng tâm vào Nước Chúa, vào sự gặp gỡ với nhân loại khổ đau, và vào việc khám phá ra chiều kích “vượt qua” trong các nền văn hóa và tôn giáo của châu Á. Nhận thức sâu sắc về trọng tâm vượt qua của Thánh Thể có thể trở thành một con đường đối thoại của châu Á; nhận thức này có thể củng cố tình liên đới sâu xa hơn cả bên trong lẫn bên ngoài Giáo hội.
(8) Trong các phiên họp chung cũng như trong các buổi thảo luận theo từng nhóm nhỏ, nhiều lần các tham dự viên đã khiêm tốn nhìn nhận sự chậm chạp và do dự từ phía Giáo hội trong việc đưa niềm tin Thánh Thể của mình vào những thực tại cụ thể và các tình trạng sống của đại chúng. Một tham dự viên ghi nhận rằng một Thánh Thể trọn hảo cần có “ba bàn”: Lời (Kinh Thánh), Thánh Thể (Bí tích) và Thế giới (mọi thực tại vũ trụ và trần thế). Chúng ta cần trở nên một tấm bánh duy nhất, một thân thể duy nhất, một thế giới duy nhất. Có một sự do dự trong việc dấn thân vào các vấn đề đương thời, bởi vì xem ra tính chính thống (giáo huấn tín lý đúng) thường lấn át việc thực hành chính thống (hành động đúng). Đức tin mang đậm tính tín lý dường như chiếm ưu thế hơn đức tin biểu hiện.
(9) Sự đa dạng phong phú của các thực tại cùng lối diễn tả tôn giáo và văn hóa hiện diện khắp châu Á thúc đẩy Giáo hội tìm kiếm các cách thức diễn tả Thánh Thể (biểu tượng, nghệ thuật, nghệ thuật biểu diễn, múa, truyện kể, âm nhạc, chương trình và hoạt động mục vụ, v.v…) một cách thích hợp hơn với bản chất và ý nghĩa của Thánh Thể. Như đã được thừa nhận, vài biểu tượng đang được sử dụng xem ra xa cách, thậm chí còn xa lạ với nhiều nhóm dân tộc châu Á. Việc nhấn mạnh vào một số biểu tượng như bữa ăn chia sẻ, tình liên đới gia đình, hay những hành động phục vụ quảng đại và huynh đệ có thể diễn tả cách dễ dàng qua các nền văn hóa.
(10) Một câu hỏi xuyên suốt hội nghị: “Có chăng một cách thức châu Á?” Để trả lời, người ta phải hiểu được những yếu tố then chốt trong bối cảnh đương thời của châu Á. Đó là tính tôn giáo và thái độ chiêm niệm sẵn có nơi người dân. Tại châu Á vẫn còn cái nghèo khổ “bó buộc” (miễn cưỡng) trầm trọng bên cạnh các vùng giàu có khác. Người ta cũng thấy xuất hiện một sự phục hồi và bộc phát của các tôn giáo Á châu - thường mang âm hưởng bảo thủ. Dân số lại tiếp tục gia tăng không ngừng. Rõ ràng rằng việc sống đời Kitô hữu và Thánh Thể còn là một thách đố đối với một thiểu số dân Kitô giáo (dưới 3% của gần 4 tỷ người châu Á).
(11) Việc cổ võ nền văn hóa sự sống và văn hóa hiệp thông là một trách nhiệm mà Giáo hội đang tiến hành. Sự hiệp thông Thánh Thể [cum-unio và cum-munus] (hiệp nhất; chia sẻ bổn phận và trách nhiệm) còn là một giấc mơ dang dở, mới được thực hiện một phần (chẳng hạn việc trao quyền cho giáo dân và phụ nữ, một chọn lựa đích thực vì người nghèo). Được Thánh Thần canh tân và bánh sự sống củng cố, Giáo hội lữ hành sẽ tiếp tục tiến bước trên hành trình dương thế của mình trong niềm hy vọng trở thành bánh ban sự sống cho trần gian.
(12) Được tiếp thêm nghị lực trong ba ngày trao đổi và suy tư, các tham dự viên đã nhận ra một số “chân trời mới” và quyết tâm cổ võ từng bước cụ thể cho một nền thần học sinh động hơn và việc thực hành linh đạo Thánh Thể. Do đó, các tham dự viên cam kết :
– phát triển một nền huấn giáo dễ hiểu hơn về Thánh Thể, cho thấy mối quan hệ của Thánh Thể với đời sống hằng ngày.
– sử dụng năng lực của Thánh Thể để hiểu một cách hữu hiệu hơn về cuộc đối thoại tam diện của Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) với các dân tộc, với các nền văn hóa và với tôn giáo của Á châu.
– tiếp tục tìm kiếm một sự hiệp thông rộng lớn hơn bằng cách khuyến khích thái độ đón nhận các nhóm khác nhau (chẳng hạn những người nghèo và bị gạt ra bên lề xã hội, các tín đồ khác niềm tin, những người theo Giáo hội Kitô khác).
– đẩy mạnh việc suy tư mang tính nghiên cứu-cơ bản và lấy quyết định như thế nào để các chương trình của Giáo hội đáp ứng được những nhu cầu thực sự của người dân.
– phát triển các “chương trình và dự án chia sẻ” ở cấp cộng đoàn địa phương (chẳng hạn như sáng kiến “năm chiếc bánh và hai con cá”).
– cổ võ Thánh Thể như nguồn mạch của hy vọng, hiệp nhất và hòa giải.
– liên kết Thánh Thể và Thánh Thần với các sáng kiến bảo vệ sự toàn vẹn của toàn thể thụ tạo.
(13) Hội thảo thần học với chủ đề “Thánh Thể và Cộng đoàn: Vượt qua mọi biên cương” diễn ra khi Giáo hội chuẩn bị mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống –và mùa xuân đang tới tại Hàn Quốc. Các tham dự viên đã cảm nghiệm tác động dịu dàng của Thần Khí, thúc đẩy họ canh tân hiểu biết về tặng phẩm Thánh Thể của Đức Kitô, nhất là ảnh hưởng của Thánh Thể đối với cuộc sống của thế giới Á châu. Mọi người đều được đánh động cách sâu xa bởi lời của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II (Mane Nobiscum Domine 28); Đức Giáo hoàng đã xem xét những khổ đau và sự dữ trong thế gian và thúc bách người Kitô hữu quan tâm tới những thực tại này. Tại sao? Đức Giáo hoàng ghi nhận rằng chính cách người Kitô hữu đáp trả các tình trạng mang tính toàn cầu này sẽ là “tiêu chuẩn đánh giá tính xác thực của việc chúng ta cử hành Thánh Thể.”
Veni, Sancte Spiritus / Xin Thánh Thần hãy đến!
NNQ

No comments: