Wednesday 23 March 2011

Lm Richard leonard sj: Thiên Chúa Đang Ở Xó Nào? (Chương Một)

Chương Một
_____________________________________

Thiên Chúa không trừng phạt chúng ta.


Thiên Chúa không trực tiếp giáng xuống hay chủ tâm gây ra đau đớn, chết chóc, khổ sở, và bệnh tật. Thiên Chúa không trừng phạt chúng ta bằng những sự chẳng lành.

Tôi đã dần dần nhận ra rằng một số người tin vào một Thiên Chúa tàn bạo. Khái niệm hiện đại thông thường về những cá nhân chuyên chế độc tài tàn bạo là họ là những kẻ thống trị độc đoán chuyên duy trì quyền lực của mình bằng cách gieo rắc sợ hãi, chết chóc, tra tấn, và đàn áp. Cũng dễ hiểu, vì đa số quần chúng không dám phản kháng nhà độc tài, không những chỉ vì nỗi khiếp sợ của họ, mà còn vì công việc chính của họ chỉ là cố gắng tồn tại dưới chế độ độc tài đó.

Những người viết thư cho tôi và bảo rằng chị tôi phải bị Thiên Chúa trừng phạt vì những tội lỗi của chị hay vì đó là cách để chị xứng đáng được hưởng thiên đàng, đều tin vào một Thiên Chúa độc tài tàn bạo. Chị Tracey vẫn luôn là một trong số những người tốt lành và quảng đại nhất mà tôi từng biết. Cái ý tưởng cho rằng cuộc đời là chỉ nhằm tồn tại dưới chế độ độc tài đó thật ra lại rất phổ biến trong sự tưởng tượng của đại chúng, phổ biến đến mức chúng ta khó mà tin được. Ý tưởng đó chỉ lộ bộ mặt xấu xa của nó khi chúng ta lỡ làm hoặc lỡ nói điều gì mà đáng lẽ chúng ta không nên làm hay nói, và rồi nó làm ta bị vấp chân té ngã. Ta có thể nghĩ rằng Thiên Chúa chắc hẳn là đang tức thời giáng xuống một cú đánh để cho chúng ta tỉnh thức. Ý tưởng này cho rằng Thiên Chúa chỉ khoan thứ những hành vi sai trái đến một mức nào đó mà thôi, nhưng sau mức đó thì phải ra tay chấm dứt những sự lộn xộn bằng cách nhắc cho chúng ta nhớ ai là chủ nhân uy quyền ở đây. Vấp chân té ngã là một chuyện, nhưng bị bại liệt toàn thân lại là một chuyện hoàn toàn khác hẳn.

Ý tưởng này ẩn núp phía sau những lá thư dây chuyền từng gây xáo trộn một thời, những thư này mang lốt là “lời hướng dẫn cầu nguyện” với thánh Jude, “hy vọng cho người tuyệt vọng”, theo đó nếu như chúng ta thực hành đúng y như những chỉ thị vô lý đó, thì Thiên Chúa sẽ ban những điều mà ta xin. Nếu như lời cầu xin của chúng ta không được nhậm lời, thì có nghĩa là chúng ta chắc hẳn đã bỏ sót một bước nào đó, và đôi khi lá thư dây chuyền đó còn đe dọa là bất cứ những gì làm sai lệch với toa đã kê thì sẽ phải hứng chịu sự trừng phạt từ cơn giận của Thiên Chúa. Đa số chúng ta không xem trọng những điều này chi cả; mà chúng ta cũng không nên xem trọng những điều này, bởi vì nó biến Thiên Chúa thành một loại chủ nhân gánh xiệc, trong tay vung vẩy cái roi thần thông để khiến chúng ta nhảy xuyên qua mấy cái vòng mà làm xiếc. Và trong một sự mâu thuẫn kỳ quặc nhất, nó cũng có thể có nghĩa là chúng ta tin rằng Thiên Chúa sẽ nhảy bật lên và sẽ hành động theo ý ta muốn một khi ta đã hoàn thành những đòi hỏi của cái lá thư dây chuyền đó. Xin nói rõ ở đây, chúng ta không cần phải viết ra lời cầu nguyện tới chín lần và đem đặt lời nguyện đó ở chín nhà thờ khác nhau, hay phải chuyển email đó cho chín người thì Thiên Chúa mới lắng nghe lời ta xin, hoặc mới tận tâm cứu xét lời cầu xin của ta.

Một số người nói rằng cái ý tưởng một Thiên Chúa trực tiếp hay chủ tâm giáng xuống những điều đau đớn, chết chóc, khổ ải, và bệnh tật chính là “hình ảnh Thiên Chúa trong Cựu Ước”. Mặc dù tất cả chúng ta đều biết có những đoạn trong Cựu Ước đã nhấn mạnh hình ảnh đó – chẳng hạn như đầu trẻ thơ bị dập vào đá, kẻ thù bị tiêu diệt tan tành, và Thiên Chúa xuống tay giết hại tất cả các trưởng nam trong cả một quốc gia – nhưng nếu nhìn theo tổng thể dưới sự hiểu biết rõ ràng và cân nhắc cẩn thận về phong tục thời xưa, thì Cựu Ước là một bài trường ca phức tạp về tình yêu cứu chuộc, và về việc Thiên Chúa muốn chúng ta được sống, chứ không phải chết.

Thiên Chúa trong hình ảnh một kẻ độc tài là một giải đáp đầy sợ hãi nhưng gọn ghẽ cho những nỗi đau đớn sâu thẳm trong cuộc đời một số người. Sự khổ ải phải từ một nơi nào đó mà đến chứ, và mỗi khi có người vô tội bị đau khổ, thì những người khác kết luận là sự đau khổ là do Thiên Chúa trực tiếp giáng xuống. Tôi dùng chữ trực tiếp ở đây một cách cố ý. Tôi tin là Thiên Chúa phải chịu trách nhiệm một phần nào về những sự dữ luân lý và thể lý trên thế giới, nhưng chỉ gián tiếp mà thôi. Tôi tưởng tượng là Thiên Chúa lẽ ra đã có thể tạo dựng một thế giới tốt đẹp hơn thế giới này, nhưng tôi không thể đoan chắc cho lắm. Nếu như Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta một khả năng có ý chí tự do, thậm chí tự do đến mức chúng ta có thể chối bỏ Thiên Chúa, và nếu như chính vì sự tự do này mà chúng ta chọn lựa những điều tai hại, thì có lẽ thế giới này tốt đẹp được như vậy là cùng. Dù sao đi nữa, thì chúng ta phải sống trong thế giới này như thực tại của nó.

Do đó tôi bác bỏ khái niệm Thiên Chúa là một kẻ thống trị độc đoán chuyên duy trì quyền lực của mình bằng cách gieo rắc sợ hãi, chết chóc, tra tấn, và đàn áp, chính yếu là vì tôi không thể thấy những điều này nơi con người và nơi hành động của Đức Giê-su, mà cũng vì tôi không thể nào mà thật lòng yêu mến một Thiên Chúa như vậy. Đảo ngược lời của thánh Gio-an trong 1 Ga 1, “lòng sợ hãi giết chết tình yêu”, tôi muốn có “lòng kính sợ Thiên Chúa” trong ý nghĩa cổ điển nhất là biết tỏ lòng tôn kính trước Thánh Nhan Thiên Chúa, biết ngưỡng phục sự hiện diện và những kỳ công do Thiên Chúa tạo dựng, nhưng tôi cũng muốn đáp trả tình yêu của Thiên Chúa bằng cách dâng lại tình yêu của tôi. Và để làm được như vậy thì tôi không thể bị sợ hãi.

Tôi tin rằng, không thể nào mà có bất cứ ai trong chúng ta lại có thể thật lòng yêu mến một Thiên Chúa mà ta thật sự tin là sẽ giết hại con cái chúng ta, giáng bệnh ung thư cho chúng ta, làm cho chúng ta bị vô sinh, và dàn dựng tai nạn xe cộ để trả đũa chúng ta. Ngay cả trong ý nghĩa của những điều này, thì Thiên Chúa có vẻ như là một ông thần tầm thường, một kẻ độc tài nhỏ mọn, một kẻ có lẽ là cần phải theo học một khóa dạy kềm chế cơn nóng giận để may ra biết cách hướng những nguồn cảm xúc tức giận dữ dội đó vào những gì có tính xây dựng, thay vì hủy diệt. Hơn nữa, nếu như Thiên Chúa chủ tâm giáng tai họa xuống đầu chúng ta, thì bạn phải nghĩ là Người sẽ bắt đầu từ những kẻ tội lỗi tệ hại nhất mới phải chứ, nhưng mà sự thật thì hình như không bao giờ là như vậy.

Vâng, tại sao tôi có thể quả quyết như vậy là Thiên Chúa tự bản chất không phải là hủy diệt giết chóc? Trước hết, trong câu 1 Ga 1:5 chúng ta được bảo rằng “Thiên Chúa là ánh sáng; nơi Người, không có một chút bóng tối nào.” Tôi không muốn bị kết án là mắc bệnh “sính trích dẫn” – một loại bệnh tôn giáo mà một số Ki-tô hữu mắc phải, khi họ nghĩ rằng chỉ cần dùng một đoạn thánh kinh đơn lẻ trông có vẻ như phù hợp với lập luận của họ là họ có thể thắng cuộc tranh luận. Nếu đọc trong toàn bộ bối cảnh, thì đoạn 1 Ga 1:5 thật ra là một bài giảng về ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa đang bừng tỏ nơi Đức Giê-su và qua Đức Giê-su. Có thể là được viết cho giáo hội ở Ê-phê-sô vào hậu bán thế kỷ thứ nhất, đoạn này có vẻ là một phản biện đối với một tà thuyết vào thời đó, rằng Đức Giê-su chỉ là một hữu thể tâm linh hơn là một hữu thể bằng xương bằng thịt. Thánh Gio-an đã phải vất vả mà giải thích cho dân chúng rằng Đức Giê-su là ánh sáng của Thiên Chúa nơi trần gian qua tình yêu tận hiến của Người cho chúng ta, và rằng những ai muốn bước đi trong ánh sáng này thì phải thương yêu tha nhân như Đức Giê-su đã thương yêu chúng ta.

Trong bối cảnh này, chúng ta có thể thấy tại sao mà căn bệnh ung thư, tai nạn xe cộ, cái chết của con cái, bị góa chồng hay bị mất bất cứ những ai mà ta thương yêu, là những điều thuộc về bóng tối – những điều mà không thể nào có một chỗ đứng nơi Thiên Chúa. Chúng không thể nào là một phần trong những vũ khí đạn dược mà Thiên Chúa dùng để thử thách chúng ta, để gieo rắc đau khổ cho chúng ta hầu xem coi chúng ta chịu đựng ra sao. Chúng ta được thánh Phao-lô và các vị tác giả Tân Ước khác bảo đi bảo lại là sự chết chóc và sự hủy diệt là hậu quả của sự rối loạn trật tự, vì thế chúng không thể nào là một phần của chính sự sáng, hay của tình yêu thuần khiết. Cái lối suy nghĩ cho rằng bóng tối thật sự có ngự trị nơi Thiên Chúa đã ăn lan vào những cuộc đối thoại hằng ngày của chúng ta. Cứ nghĩ xem chúng ta đã từng nghe biết bao nhiêu lần những câu đại loại như: “Thôi, canh bạc cuộc đời tôi là như thế, nay tôi chỉ có cách chịu như vậy thôi”. Đôi khi thì “canh bạc đó” bao gồm cái chết của một người thân yêu, lớn lên trong một gia đình đổ vỡ hay bất hòa, hay mang trọng bệnh trong người. Trong bất cứ trường hợp nào, thì sự so sánh cuộc đời như một canh bạc đều có những điều hạn chế, thế nhưng tôi lại thích tìm hiểu xem những tín hữu Ki-tô giáo khi dùng sự so sánh này thì họ nghĩ ai là người chủ sòng đang chia bài trong canh bạc. Trong hầu hết mọi trường hợp đó chính là Thiên Chúa, ở đây được cho là đang chủ động chia những lá bài xấu cho những người chơi bài không may mắn và không nghi ngờ chi cả trong cái ván bài đầy những chuyện ngẫu nhiên của cuộc đời. Nếu như chúng ta phải dùng tới lối so sánh này, thì ít nhất chúng ta có thể nói rằng cuộc đời mới chính là người chia bài và cuộc đời có nhiều sự tình cờ hơn bất cứ ai trong chúng ta có thể dám tưởng tượng ra. Nhưng thật đáng mừng là, thay vì thấy rằng Thiên Chúa đang ngồi trong chiếc ghế của người chia bài, Người thật ra đang ở về phía chúng ta, với tất cả những ý nghĩa của câu này, Người đang đồng hành với chúng ta trong canh bạc cuộc đời.

Lý do thứ hai khiến tôi vững tâm như vậy về việc Thiên Chúa tự bản chất không phải là giết chóc, là chúng ta biết rõ bản chất và hành động của Đức Giê-su. Mặc cho những hình ảnh khác nhau về Thiên Chúa trong Cựu Ước, chúng ta là một dân của lời giao ước mới, và do đó chúng ta giải thích Thiên Chúa của Cựu Ước trong ánh sáng của Tân Ước. Trong Thánh Kinh chúng ta thấy Lời của Thiên Chúa và Khôn Ngoan của Thiên Chúa hiện thân nơi Đức Giê-su thì luôn luôn là thiên về sự sống, chứ không phải chết chóc, thiên về sự tạo dựng, chứ không phải sự hủy diệt, thiên về sự hàn gắn, chứ không phải sự đau khổ. Và trong Tân Ước không có một trang nào mà chúng ta có thể thấy Đức Giê-su tước đoạt bất cứ điều gì của bất cứ người nào. Không ai tìm đến Người với một cái chân đau mà lại phải bị khiêng đi về bởi vì Người đã đánh què luôn cái chân bên kia cho cân bằng. Người có thể đã nổi giận một cách chính đáng với những người buôn bán trong đền thờ, trong câu chuyện mà chúng ta được kể là Người đã đuổi họ ra khỏi đền thờ, nhưng chúng ta đâu có được kể là Người đã vung roi đánh đuổi họ cách vô tội vạ. Đức Giê-su dĩ nhiên là đã đụng độ với những người Pha-ri-sêu, người Xa-đốc, Nhóm Quá Khích, và những kinh sư luật sĩ, nhưng Người không bao giờ thù hận họ. Người đã không xóa sổ họ vì những điều sai trái của họ. Ngay cả những người La-mã, lúc bấy giờ là kẻ thù của dân Ít-ra-en, cũng được đối xử không bằng cách gì khác hơn là bằng sự tôn trọng, và một người La-mã còn được khen ngợi vì đức tin của ông ta nữa. Ngay cả trong thời đại ngày nay, Đức Giê-su đối đầu với chúng ta, thách thức chúng ta, và bảo chúng ta phải vác thập giá của mình và chịu đựng những gánh nặng trong đời mình, nhưng điều đó hoàn toàn khác hẳn với việc nói rằng chính tay Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần đã gởi thập giá và đã đặt gánh nặng lên vai chúng ta.

Tôi xin nhấn mạnh một lần nữa, là Ki-tô hữu, chúng ta không tin rằng khi Đức Giê-su hành xử bằng tình yêu thương và lòng nhân hậu, thì Người chỉ là giả bộ đóng kịch mà thôi, hay đúng ra, chỉ là giả vờ mang một bộ mặt của loài người để che đậy bộ mặt đầy hận thù hung ác của Chúa Cha ở trên trời. Thật vậy, chúng ta tin rằng thấy Đức Giê-su hành xử làm sao thì cũng chính là thấy rõ ràng Thiên Chúa hành xử như vậy, bởi vì “Tự sức mình thì tôi không thể làm được gì cả”, và “Đức Chúa Cha và tôi là một”. Vì thế nếu Đức Giê-su không có ý làm hại chúng ta, thì Thiên Chúa cũng vậy.

Điều này không có nghĩa là chúng ta nên bỏ qua hay xem thường những đoạn Tân Ước cứng rắn nói về công lý và phán xét. Tôi tha thiết vững tin vào công lý của Thiên Chúa. Bất kỳ những ai nghiêm túc tin vào sự tự do của ý chí đều phải tin vào công lý của Thiên Chúa. Nhưng cũng nên phân biệt giữa phán xét và kết án. Ngày nay, chúng ta cứ hay nghe người ta nói “chúng ta không nên xét đoán người khác”. Một số người còn thậm chí nghĩ rằng đức tính không-xét-đoán là một đặc tính của Ki-tô hữu, bởi vì, họ cho là, “Đức Giê-su chẳng bao giờ xét đoán ai cả”. Tôi cũng không biết họ đang đọc Thánh Kinh của ai nữa, nhưng chắc chắn đó không phải là Thánh Kinh của thánh Mát-thêu, thánh Mác-cô, thánh Lu-ca, hay thánh Gio-an. Điều quả quyết của họ là một điều sai lầm trong hầu như tất cả mọi khía cạnh. Khi chúng ta nghe người khác nói “đừng xét đoán”, ta có thể đoán chừng ý thật sự mà họ muốn nói là “đừng lên án”, nhưng giữa xét đoán và lên án thì có sự khác xa cả một trời một vực. Làm việc xét đoán có nghĩa là làm một sự lượng định. Không có một trang nào trong Tân Ước mà trong đó Đức Giê-su lại không xét đoán hành động của con người, nhưng Người không bao giờ lên án họ. Người phụ nữ bị kết tội ngoại tình trong đoạn Gio-an 8 là một trong những mẩu chuyện phổ biến nhất khi nói về việc xét đoán / lên án. “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” Người phụ nữ đáp: “Thưa ông, không có ai cả.” Và Đức Giê-su nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu. Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa.” Song song với câu chuyện này là việc truyền thống Ki-tô giáo tin rằng một trong bảy ơn của Chúa Thánh Thần là ơn biết suy xét khôn ngoan. Có phải là điều kỳ quặc hay không nếu như Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta ơn biết suy xét khôn ngoan để rồi chúng ta không bao giờ được phép vận dụng ơn đó.

Chính trong ánh sáng của một Đức Giê-su xét đoán nhưng không kết án này, mà tôi đọc về những văn bản thường đầy vẻ tiên báo về công lý của Thiên Chúa. Tôi tin rằng, nếu chúng ta cảm thấy như bị kết án vì những điều ta đã nói hay đã làm, thì đó là vì chúng ta đã tự kết án chính mình, chứ không phải vì Thiên Chúa ra tay trừng phạt chúng ta. Thánh Gio-an bảo rằng ngay cả những khi chúng ta cảm thấy mình bị lạc hướng trong bóng tối của những hành động xấu xa nhất của mình, thì tình yêu cứu chuộc của Đức Ki-tô là luôn luôn dành sẵn cho ta, luôn luôn mời gọi chúng ta bước ra khỏi bóng tối và tiến vào ánh sáng của Người. Việc kết án có thể là đặc quyền của Thiên Chúa mà thôi – Thiên Chúa Đấng trông thấy hết mọi sự, thông biết hết mọi sự, và thương yêu hết mọi người – nhưng cứ theo cung cách của Đức Giê-su, thì sự phán xét của Thiên Chúa sẽ đầy lòng xót thương, bởi vì tất cả mọi sự sẽ được phơi bày, kể cả những bối cảnh và những lý do cho những hành động sai trái của chúng ta.

Tôi muốn kết thúc chương thứ nhất này bằng cách liên kết một câu chuyện với việc chúng ta sai lầm như thế nào khi cứ khăng khăng giữ lấy cái ý tưởng là Thiên Chúa trực tiếp giáng đau khổ, chết chóc và dùng bệnh tật để trừng phạt chúng ta trong cuộc đời ở trần thế này.

Vào năm 1986, tôi được nghe một nhà truyền giáo giảng rằng Thiên Chúa gieo bệnh HIV / AIDS để trừng phạt những người đồng tính luyến ái. Quả thật, nhà truyền giáo đó tuyên bố là, Thiên Chúa giết hại người đồng tính luyến ái vì họ là những kẻ đáng ghê tởm. Điều này có thể là không được các nhà lãnh đạo giáo hội và các tín hữu khác nói thẳng ra như vậy, nhưng lại được diễn tả qua những cung giọng nhẹ nhàng hơn, và cho đến ngày nay vẫn còn được một số người tin. Dĩ nhiên, cái lối bình luận như vậy, thì cho thấy rõ về người bình luận hơn là về Thiên Chúa. Đối với những người này thì có vẻ như tình yêu và sự tốt lành của Thiên Chúa là có giới hạn, và sự đồng tính luyến ái đã làm cạn kiệt lòng kiên nhẫn khoan dung của Thiên Chúa. Lối suy nghĩ này là sai lầm vào thời điểm đó, và cũng sai lầm vào thời điểm hiện tại, không những bởi vì không có ai mà bị đứng ngoài vòng tình yêu và lòng nhân hậu của Thiên Chúa, mà còn bởi vì có vô số bằng chứng trong Thánh Kinh là Thiên Chúa dành một tình yêu đặc biệt cho những người bị bất cứ xã hội nào ruồng bỏ hay khinh bỉ, hay những người bị đẩy ra ngoài lề xã hội. Thiên Chúa của chúng ta có vẻ thương nhất là những kẻ tội lỗi. Trong bối cảnh này, thì đó là một sự hoàn toàn chối bỏ những chứng từ trong thánh kinh nếu như chúng ta cứ khư khư cho rằng Thiên Chúa chẳng những ghét bỏ những kẻ, mà do nhiều nguyên do khác nhau, cần đến sự hiện diện của Người nhất, mà Người lại còn tức giận họ đến mức dùng bệnh tật để giết bỏ họ. Đó là Thiên Chúa theo kiểu Nazis.

Nhưng những gì diễn ra kể từ năm 1986 đã thật sự phủ nhận sự phi lý của điều quả quyết vào thời đó. Bi thảm làm sao và xôn xao làm sao, khi tổ chức Liên Hiệp Quốc giờ đây đã báo cáo là 49 phần trăm tổng số những người trên thế giới đang sống với bệnh HIV / AIDS là những phụ nữ và trẻ em ở vùng nam Sahara Phi Châu. Đa số những phụ nữ này đã bị truyền bệnh qua những quan hệ dị tính luyến ái, hoặc đã truyền bệnh cho đứa con họ đang mang trong bụng. Họ đã làm nên nông nỗi gì mà phải bị “trừng phạt” bằng cách này, hay họ chỉ là những kẻ bị lãnh đạn lạc trong cuộc chiến của Thiên Chúa với những người đồng tính? Nếu vậy thì, sự khát máu của Thiên Chúa quả là không có giới hạn gì cả. Số lượng người chết cứ mãi tiếp tục gia tăng.

Có một điều khác biệt lớn lao giữa việc Thiên Chúa để cho sự dữ xảy ra và việc Thiên Chúa giáng những sự dữ đó xuống đầu chúng ta. Chúng ta cần phải nhìn thẳng vào mắt những người đề cao và ủng hộ hình ảnh một Thiên Chúa độc tài và độc ác. Thay cho hình ảnh đó, chúng ta hãy bám víu vào Thiên Chúa, Đấng mà nơi Người không có bóng tối, Đấng được tỏ lộ qua Đức Giê-su Ki-tô người đã dẹp tan tất cả những hình thức chuyên chế tàn bạo, người không những đồng hành với chúng ta trong những cơn đau đớn, khổ ải, chết chóc, và bệnh tật, mà còn đi tìm lại chúng ta trong những lúc ta bị lạc lối mịt mờ phương hướng nhất, và dẫn đưa ta về lại mái gia đình.

No comments: