Thursday 31 March 2011

Lm Richard Leonard SJ: Thiên Chúa Đang Ở Xó Nào?

Trong một quyển sách mới sắp được ra mắt vào ngày mai tại London, linh mục Richard Leonard thuộc Dòng Tên ở Úc Châu bàn về cách chúng ta cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời mình khi phải đối diện với đau khổ. Bằng kinh nghiệm của chính bản thân qua một thảm họa xảy ra trong gia đình, linh mục Richard sẽ trình bày phản ứng cá nhân của mình khi ngài bị cám dỗ mà đặt ra câu hỏi: ‘Thiên Chúa đang ở cái xó nào?’

Hầu hết những sách vở về đề tài làm sao có thể tìm thấy Thiên Chúa, hoặc biết tìm Thiên Chúa ở đâu trong những cảnh đau khổ của con người thường có khuynh hướng khá thiên về lý thuyết, học thuật. Tôi nghĩ rằng những quyển sách đó có tầm quan trọng lớn lao, ngay cả khi tôi không đồng ý với những lập luận hay kết luận trong sách. Tôi cũng nhận thấy những bước tiến về trí năng mà những quyển sách đó đã đạt được là có phần nào hữu ích trong việc phân tích bất cứ điều gì ngoại trừ việc tìm hiểu sâu xa hơn.

Việc tôi muốn tìm hiểu sâu xa hơn về lãnh vực này bắt nguồn từ một nguyên nhân khác. Chủ yếu thì quyển sách này không nhằm mục đích nói về lý thuyết, mặc dù tôi hy vọng những suy nghĩ của tôi trong sách có chiều sâu thông minh. Lý do tôi muốn tìm hiểu về lãnh vực này bắt nguồn từ kinh nghiệm bản thân, từ những trải nghiệm thực tế của tôi khi vật vã với một thảm kịch trong gia đình, một thảm kịch đã bắt buộc tôi phải đương đầu với việc làm sao có thể giữ vững niềm tin vào một Thiên Chúa nhân hậu khi đối diện với đau khổ.

Vào ngày 23 tháng Mười năm 1988, chị tôi, Tracey, bị một tai nạn xe khủng khiếp: chị bị trật đốt sống thứ 5 và bị nứt đốt sống thứ 6 và thứ 7. Chị bị liệt cả tay lẫn chân trong 23 năm qua. Tracey là một trong những người tốt lành nhất mà tôi được biết; lúc xảy ra tai nạn, khi đó dù chỉ mới 28 tuổi, chị đã từng sống ba năm ở Calcutta để giúp chăm sóc những người nghèo nhất trong số những người nghèo tại Nhà Dành Cho Người Hấp Hối do Mẹ Tê-rê-sa sáng lập. Sau đó chị Tracey trở về Úc và làm việc với các sơ dòng Đức Mẹ Thánh Tâm, giúp điều hành một trung tâm y tế dành cho người thổ dân Aboriginies ở Port Keats. Chính ở một nơi gần Port Keats mà tai nạn đã xảy ra.

Trong vòng mười hai tiếng sau khi mẹ tôi hay tin chị tôi bị nạn, nơi một căn phòng ở bệnh viện ở Darwin, mẹ tôi đã đặt câu hỏi: ‘Thiên Chúa đang ở cái xó nào?’

Trong những tháng sau đó, tôi nhận được một số những lá thư kinh khủng đáng sợ nhất từ những người Công Giáo tốt lành nhất mà tôi được biết. Một vài thư viết rằng: ‘Tracey chắc chắn là đã làm chuyện gì sai trái lắm nên Chúa mới giận như vậy, cho nên nó phải chịu trừng phạt ở đời này.’ Những người này thật sự tin rằng Chúa đã trừng phạt chúng tôi. Kể từ năm 1988 tôi đã khám phá ra rằng lối suy nghĩ này còn phổ biến hơn tôi tưởng rất nhiều. Tôi đã từng gặp gỡ những người bị bệnh ung thư, những cặp vợ chồng vô sinh, những bậc cha mẹ có con bị chết – tất cả những người này đều hỏi tôi họ đã làm nên nông nỗi gì mà phải gánh chịu lời nguyền mà họ nghĩ là Thiên Chúa đã giáng xuống họ như vậy.

Một số khác viết rằng: ‘Sự đau khổ của Tracey là để gởi lên thiên đàng những tảng đá vinh quang để sau này dùng xây lâu đài cho Tracey khi cô ấy qua đời.’ Đây là điều thường được gọi là ‘khi-nào-chết-thì-lên-trời-hưởng-phúc.’ Tôi đâu có biết rằng trên thiên đàng, trong số các căn phòng trong ngôi nhà của Cha Trên Trời, lại có những phòng riêng được chia thành hạng nhất, hạng doanh nhân, và hạng bình dân. Rồi lại có một số thư và thiệp viết rằng: ‘Gia đình cha thật là có phúc lắm, vì Chúa chỉ gởi thánh giá nặng nhất cho những người có thể vác nổi mà thôi.’ Lúc nào tôi cũng thấy lạ lùng làm sao khi một số người không có cái phúc đặc biệt đó lại có thể thấy rõ ràng cái ân phúc đó nơi sự đau khổ của người khác. Nhưng chúng ta hãy suy nghĩ về cái lý luận này thêm một chút. Chúng ta thường hay nghe như vậy lắm. Nếu lý luận này đúng, thì đều đặn mỗi buổi sáng, trưa, chiều, tối là tất cả chúng ta phải nên quỳ gối xuống mà cầu xin chỉ một lời này thôi: ‘Con yếu đuối lắm. Con yếu đuối lắm. Con yếu đuối lắm, ôi lạy Chúa. Xin đừng nghĩ là con đủ sức mạnh.’

Ngoài những lá thư trên còn có một số người tốt bụng tìm cách an ủi chúng tôi, và đưa ra ba luận điểm thường thấy mỗi khi có chuyện chẳng lành xảy ra: ‘Mọi sự đều là mầu nhiệm’; và dẫn chứng đoạn I-sai-a 55 ‘Đường lối của ta không giống đường lối của ngươi’; và ‘Chỉ khi nào lên thiên đàng thì ta mới hiểu được chương trình của Thiên Chúa.’ Những lời này có phần nào sự thật trong đó, nhưng tôi nghĩ một trong những lý do của việc Thiên Chúa xuống thế làm người chính là vì Thiên Chúa muốn biểu lộ đường lối và tư tưởng của Người, muốn được loài người biết đến, nhất là trong những giây phút mà đôi khi chúng ta buông xuôi đầu hàng trước những nỗi tuyệt vọng cùng cực nhất. Chúng ta không tin và không yêu mến một bản thể cao ngạo cứ luôn ẩn núp trong vòng huyền bí và rồi tự động biến mất tăm hơi vào những lúc chúng ta gặp khó khăn trên đường đời. Việc đầu thai xuống thế làm người chắc chắn cho ta thấy rằng Thiên Chúa thật tâm muốn tham dự vào cuộc phiêu du của loài người với tất cả mọi điều phức tạp và những nỗi đau khổ trong cuộc phiêu du đó.

23 năm sau tôi rất biết ơn tất cả những người đã viết thư cho tôi sau tai nạn xảy ra cho chị tôi. Họ đã đánh thức cho tôi biết chúng ta thường phải nghe những loại thần học dở òm ra sao, những loại thần học không quy hướng chúng ta về với Thiên Chúa trong những giây phút khốn khổ nhất trong đời ta. Những loại thần học đó biến chúng ta thành kẻ xa lạ. Loại thần học đó, trong cả một lúc lâu, đã khiến tôi trở thành kẻ xa lạ với niềm tin vào Thiên Chúa, đấng muốn chúng ta có một cuộc thảo luận về những điều phức tạp trong đề tài làm thế nào, và ở chỗ nào, mà Thiên Chúa linh thiêng lại có thể hiện hữu trong cái thế giới trần tục mong manh của chúng ta. Vậy sau đây tôi xin trình bày những bước dẫn đến sự bình an tâm hồn khi chúng ta bị thử thách cám dỗ và chúng ta đầu hàng cơn cám dỗ mà đặt câu hỏi rằng: ‘Thiên Chúa đang ở xó nào?’

Khi đụng chạm đến bất cứ điều gì trong đề tài này là chúng ta đã đi vào một lãnh vực được gọi là thần học suy diễn. Trải bao nhiêu thế kỷ qua, những khối óc vĩ đại hơn bộ óc của tôi đã từng nghiền ngẫm suy tư những câu hỏi này và đã đạt tới những kết luận khác nhau. Tôi vui mừng về điều đó. Nhưng vấn đề là khi mà tôi cần đến sự soi sáng hướng dẫn từ những khối óc đó nhất, thì tôi lại thấy những giải đáp của họ không đủ thỏa đáng. Tôi không trách họ. Đa số những người đó đã không có được lợi điểm của những nghiên cứu đương đại về thánh kinh, thần học, khoa học, và tâm lý học để giúp họ một tay.

Ngay cả Giáo Hội nữa, Giáo Hội cũng biết là mình không thể nào quả quyết khẳng định về những vấn đề này, bởi vì khi nào mà chúng ta còn chưa xuống mồ, thì đơn giản là chúng ta không thể biết Thiên Chúa đặt ở đâu, hay làm sao có thể đặt chung Thiên Chúa trong sự đau khổ của con người. Vì vậy, tôi không cho là sách của tôi có giá trị gì hơn là giúp tôi giữ vững niềm tin vào một Thiên Chúa nhân ái trong giai đoạn mà tôi phải đi qua ‘thung lũng đầy nước mắt’ trong ‘bóng tối sự chết’.

Thiên Chúa không trực tiếp giáng xuống hay chủ tâm gây ra đau đớn, khổ ải, và bệnh tật. Thiên Chúa không trừng phạt chúng ta, ít nhất là không trừng phạt chúng ta khi còn ở đời này. Tôi vững tin điều này bởi vì trong đoạn 1 Ga 1:5 chúng ta được bảo rằng: ‘Thiên Chúa là ánh sáng; nơi Người, không có một chút bóng tối nào.’ – vì vậy những sự chết chóc và hủy diệt thì không thể nào có trong bản chất và hành động của Thiên Chúa. Thứ đến, bất kể ta hiểu về những hình ảnh khác nhau của Thiên Chúa trong Cựu Ước ra sao, qua Đức Giê-su trong Tân Ước Thiên Chúa đã tỏ ra là thiên về sự sống, chứ không phải chết chóc, thiên về sự tạo dựng, chứ không phải sự hủy diệt, thiên về sự tha thứ, chứ không phải sự báo thù, thiên về sự hàn gắn, chứ không phải sự đau khổ. Có một điều khác biệt lớn lao giữa việc Thiên Chúa để cho sự dữ xảy ra và việc Thiên Chúa giáng những sự dữ đó xuống đầu chúng ta. Chúng ta cần phải nhìn thẳng vào mắt những người đề cao và ủng hộ hình ảnh một Thiên Chúa độc tài và độc ác.

Thiên Chúa không giáng xuống tai nạn để dạy cho chúng ta điều này điều nọ, mặc dù ta có thể học hỏi từ những tai nạn đó. Chúng ta không cần phải trách móc Thiên Chúa đã trực tiếp gây ra đau khổ cho chúng ta, nhằm để cho chúng ta có thể lật ngược sự đau khổ đó và lợi dụng tình cảnh đó mà làm một điều gì tốt đẹp. Cuộc tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời của nhân loại là một động lực mạnh mẽ, nhưng tôi nghĩ rằng bình an tâm hồn là ở chỗ ta nhận biết được rằng mỗi giây mỗi phút trong mỗi ngày thì Thiên Chúa đều đang thực hiện những gì Người đã thực hiện vào ngày Thứ Sáu Tử Nạn, không phải nhằm để cho phép sự dữ, sự chết, và sự hủy diệt được có tiếng nói sau cùng, mà là để nâng cao sự nhạy bén kỳ diệu của nhân loại, và qua quyền năng của ân sủng tuyệt vời, khiến chúng ta có thể ứng phó cách tốt nhất trong cả những tình huống tệ hại nhất, và làm cho ánh sáng và sự sống có tiếng nói sau cùng. Ngày Chúa Nhật Phục Sinh là lời đáp trả của Thiên Chúa cho ngày Thứ Sáu Tử Nạn: sự sống vươn lên từ cõi chết.

Thiên Chúa không chủ ý gây ra động đất, lụt lội, hạn hán, hay những thiên tai khác: xin mọi người vui lòng ngưng cầu trời cho mưa xuống được không? Nếu như Thiên Chúa là người trực tiếp điều khiển khí hậu, thì có vẻ Người thật là một nhà khí tượng yếu kém. Khi người ta hỏi: ‘tại sao động đất và sóng thần xảy ra?’, tôi nghĩ cách tốt nhất là chúng ta cứ giải thích cho họ biết sự thật đơn giản theo môn địa vật lý: ‘Đó là do có sự di chuyển của vỏ địa cầu, gây ra những cơn sóng lớn.’ Ở đàng sau cái khái niệm về một-nhà-khí-tượng-ở-trên-trời thì không phải là Thiên Chúa, Cha của Đức Giê-su Ki-tô, mà là thần Zeus, và tôi nghĩ chúng ta cần phải cẩn thận khi nghĩ rằng lời cầu xin nguyện ước của chúng ta là để làm gì. Lời cầu xin nguyện ước của chúng ta không thể thay đổi một Thiên Chúa bất biến (Gc 1), mà là để xin Thiên Chúa bất biến của chúng ta thay đổi chúng ta và từ đó thay đổi thế giới.

Thánh ý Thiên Chúa thiên về tổng thể hơn là tiểu tiết. Tôi tha thiết tin tưởng vào thánh ý Thiên Chúa. Chỉ là thường thì tôi nghĩ là thánh ý Thiên Chúa hay được khám phá trong toàn cảnh bức tranh hơn là trong các đường nét tiểu tiết. Tôi nghĩ rằng Thiên Chúa muốn tôi thực hành những đức tính thần học là đức tin, đức cậy, và đức mến (1 Cr 13). Bằng thời gian và không gian, bằng bản chất và ơn phúc Chúa ban cho tôi, tôi cộng tác với Thiên Chúa để tận dụng những khả năng của tôi, ngay cả khi điều đó bao gồm việc phải làm những chuyện khó khăn, gian khổ, hy sinh. Sự đáp lời này không phải là do lòng sợ hãi hay do bị cưỡng bách, nhưng là do tình yêu và ước muốn. Tôi nghĩ chúng ta phải nên rất cẩn thận khi nói về thánh ý Thiên Chúa bằng những câu đại loại như: ‘Nhưng nhờ vào ơn Chúa mà tôi dấn thân lên đường.’ Thế còn những người không có ơn gọi như vậy thì sao? Chẳng lẽ Thiên Chúa không quan tâm gì đến họ hay sao?

Thiên Chúa không cần máu Đức Giê-su. Đức Giê-su không phải đến thế gian chỉ để “chết”, nhưng Thiên Chúa dùng cái chết của Đức Giê-su để tuyên bố kết thúc sự chết. Đây là lãnh vực thần học về ‘hy sinh chịu đựng’: nếu như chính Đức Giê-su mà còn phải chịu đựng đau khổ, thì quý vị cũng vậy. Mặc dù tôi có được biết về các nghiên cứu của thánh Phao-lô ở Rô-ma, thánh Clement ở Alexandria, thánh Anselm ở Canterbury, và sau này là thánh John Calvin về thần học cứu chuộc, tôi không thể nào vững tâm mà chấp nhận rằng Thiên Chúa hoàn hảo của tình yêu lại có thể đã gài bẫy cho loài người sa ngã trong Tội Nguyên Tổ, rồi lại nổi giận với con người đến nỗi chỉ có cái chết bi thảm của đứa con trai hoàn hảo của Người mới có thể hàn gắn lại mối quan hệ giữa Thiên Chúa và loài người. Đây không phải là cách duy nhất để tìm hiểu về Tuần Thánh. Trong suốt chiều dài lịch sử giáo hội Công Giáo, câu hỏi thường dằn vặt tâm trí các tín hữu dường như là câu ‘Tại sao Đức Giê-su phải chết?’ Tôi cho rằng đó là cách đặt sai vấn đề. Đúng ra phải hỏi là ‘Tại sao Đức Giê-su lại bị giết?’ – và câu hỏi này đặt những đau khổ của Đức Giê-su trong những ngày cuối cùng ở thế gian, và cái chết của Người, vào một khía cạnh hoàn toàn mới mẻ. Đức Giê-su không đơn giản là đến thế gian để chết, và không chỉ đến thế gian để chịu chết mà thôi. Trái lại, Đức Giê-su đến thế gian để sống. Nhưng vì hậu quả của việc Người đã sống cuộc đời mình một cách dũng cảm và cấp tiến, và vì tình yêu mà Người dành cho cả nhân loại, Người đã là một mối đe dọa cho giới lãnh đạo về chính trị, xã hội, và tôn giáo vào thời đó, đến nỗi họ xử tử Người. Nhưng Thiên Chúa đã chiến thắng trong ngày Thứ Sáu Tử Nạn: Chúa Nhật Phục Sinh.

Thiên Chúa đã tạo dựng một thế giới dưới mức hoàn hảo, trong đó đau đớn, bệnh tật, khổ sở là những thực tế rõ ràng; nếu không thì, thế gian đã là thiên đàng. Một số những vấn đề này là do chúng ta tự tạo ra nhưng lại đổ lỗi cho Thiên Chúa. Tôi không còn đếm xuể những người đã từng nói với tôi, ‘Con không thể nào tin vào một Thiên Chúa đấng để cho những nạn đói xảy ra.’ Tôi cho là Thiên Chúa cũng đang băn khoăn tự hỏi tại sao chúng ta để cho nạn đói xảy ra. Thiên Chúa chịu trách nhiệm trong việc làm cho thế giới triển nở, mà trong sự triển nở đó những tác động của sự dữ luân lý và sự dữ thể lý có thể tạo ra những điều bất công nghịch lý. Nhưng đó không phải là trách nhiệm của Thiên Chúa bởi vì chính chúng ta đã không có can đảm quyết định chọn lựa những điều khó khăn – những chọn lựa mà lẽ ra đã giúp biến đổi thế giới thành một nơi công bình hơn và hợp lý hơn cho tất cả mọi người. Với sự ương ngạnh cứng đầu này, cũng không phải là điều ngạc nhiên khi chúng ta tìm một vật tế thần linh thiêng để đem đổ gánh nặng tội lỗi về sự thiếu ý chí đấu tranh chính trị cũng như thiếu tính đoàn kết tương thân tương ái trong xã hội của chúng ta.

Thiên Chúa không giết bỏ chúng ta. Trong vai trò tín hữu Công Giáo, tạ ơn Chúa, ít nhất là từ thập niên 60, chúng ta đã không còn chính thức đọc các văn bản thánh kinh theo nghĩa đen cho đến khi ta đọc những đoạn về việc Thiên Chúa biết ‘từng sợi tóc trên đầu chúng ta’ và biết ‘cả cuộc đời ta từ trước khi lọt lòng mẹ’ (Gr 1:5; Gl 1:15-16; Cn 16:33; và Mt 10:30). Và rồi chúng ta trở thành những người chạy theo trào lưu chính thống. Mỗi khi đến viện dưỡng lão tôi thường hay được hỏi là ‘Thưa Cha, sao Chúa vẫn chưa chịu gọi Bà con về?’ và tôi trả lời ‘vì Bà con vẫn chưa chịu tắt thở.’ Dĩ nhiên là tôi không thật sự nói như vậy – tôi biết giữ tế nhị trong mục vụ nên không nói, nhưng tôi muốn nói như vậy lắm. Động từ ‘gọi về’ diễn tả thật rõ về những gì mà ta cho rằng đang xảy ra ở đây. Tại sao Chúa lại muốn ‘gọi’ một em bé hai tuổi về thiên đàng hơn là muốn ‘để lại’ đứa bé trong vòng tay yêu thương của cha mẹ? Tương phản với điều này, tôi nghĩ đó là điều hoàn toàn thích hợp khi tin rằng cuộc đời, từ lúc trong lòng mẹ đến lúc vào viện dưỡng lão, không phải là một gang tấc thời gian đã được Thiên Chúa định đoạt sẵn từ trước, mà là cơ thể chúng ta sẽ sống cho tới khi nó không còn có thể hoạt động được nữa, vì bất cứ lý do tự nhiên gì hay tai nạn gì. Thiên Chúa không phải là một yếu tố chủ động trong tiến trình này, nhưng, một lần nữa, chịu trách nhiệm trong việc tạo ra chúng ta không có tính trường sinh bất tử. Và rồi, khi cơ thể chúng ta chết, linh hồn ta sẽ bắt đầu chuyến hành trình cuối cùng về nhà Cha.

Một số người có thể nghĩ là những lập luận thần học được phác họa trên đây đã mô tả Thiên Chúa như là một kẻ xa lạ và xa cách. Tôi không cần phải nghĩ là Thiên Chúa phải là nguyên nhân trực tiếp của tất cả mọi việc trong đời tôi để tôi có thể có một niềm tin mạnh mẽ và sống động vào một Thiên Chúa gần gũi thân thuộc. Thật vậy, tôi tha thiết tin tưởng vào tình yêu và sự hiện diện gần gũi của Thiên Chúa. Dù cho chúng ta có nghĩ rằng Thiên Chúa thật xa cách với những nỗi phức tạp rắc rối trong đời ta, nhưng suy nghĩ đó không đẩy Thiên Chúa ra xa khỏi những thăng trầm trong cuộc sống, sự đau khổ, và cái chết của chúng ta. Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi được mời vào cuộc đời chúng ta ở bất cứ mức độ nào mà ta muốn. Đức Ki-tô gặp gỡ chúng ta bất kể ta đang ở nơi đâu, ôm ấp và nâng đỡ ta khi đường đời ta gặp gai góc, và giúp ta tìm thấy con đường đi tới, ngay cả trong chuyến hành trình, và đặc biệt là trong chuyến hành trình vào ngày cuối cùng của cuộc cuối đời khi ta tìm đường về nhà Cha.

25.Mar.2011
Nguồn: Thinking Faith – The Online Journal of the British Jesuits
Bản dịch : Cecilia Nguyễn Thị Mỹ Hạnh

No comments: