Monday 14 March 2011

Lm Mátthêu Vũ Khởi Phụng, CSsR: TIẾNG KÊU...


Thủ Tướng Ðức, bà Angela Merkel, mới đây phát biểu một câu rất hay, rất chí lý. Nó hay và chí lý không phải chỉ với xã hội Ðức của bà, mà có thể còn với bất cứ nơi đâu. Bà Merkel phát biểu trong bối cảnh cuôc sống chung khó khăn giữa phương Tây và Hồi Giáo. Cách đây khoảng 50 năm, không ai ngờ mối tương quan giữa Hồi Giáo và nền văn minh của phương Tây hiện đại lại trở nên sôi bỏng như thế. Ngày nay người ta nói đến “sự va chạm giữa các nền văn minh”, thậm chí người ta còn lo ngại thế chiến thứ ba có thể bùng nổ từ sự va chạm đó.

Trong cuộc sống hằng ngày, ở các nước phương Tây, những khó khăn và căng thẳng đã gây ra bất ổn cho xã hội. Là vì người Hồi Giáo không ở đâu xa. Họ nhập cư và sinh sôi đông đảo ngay giữa các nước Âu Mỹ. Mới đây, nước Pháp phải làm luật cấm phụ nữ Hồi Giáo mặc những loại y phục trùm kín người ở nơi công cộng. Các giáo viên nữ và nữ sinh Hồi Giáo cũng không được phép mang khăn trùm đầu cổ truyền vào nhà trường.

Nghĩ cũng lạ, ở một đất nước có đủ kiểu ăn mặc kín hở, mà một thành phần đông đảo lại không có quyền quấn một mảnh vải trên đầu. Thụy Sĩ thì vừa có luật cấm người Hồi Giáo xây tháp chuông cao Minaret ở những nơi họ thờ tự. Và ở nước Ðức của bà Merkel, bao lâu nay cố gắng xây dựng một xã hội “đa văn hóa”, cụ thể là làm sao cho văn hóa Hồi Giáo và văn hóa tây phương sống bên cạnh nhau hài hòa, nay người ta rên rằng cố gắng ấy đã thất bại thảm hại. Thành ra, một mặt thì người ta kêu gọi tôn trọng Hồi Giáo, đề cao Hồi Giáo, mà trong bụng thì cứ nơm nớp lo sợ bị Hồi Giáo khủng bố, bị đánh bom tự sát. Thảm họa ngày 11 tháng 9 ở New York còn sờ sờ ra đó.

Chính trong tâm trạng rất không thoải mái đó của xã hội phương Tây mà bà Merkel vừa cô đọng cảm nghĩ của mình một cách thật đáng đồng tiền bát gạo vào ngày 15.11.2010. Trong một bài diễn văn, bà nói vấn đề đối với xã hội Ðức không phải là có “quá nhiều đạo Hồi” nhưng là có “quá ít đạo Kitô”. Một nhận định có vẻ ngược đời: người Hồi Giáo có mặt đông đảo ở Ðức chỉ mấy chục năm nay, còn đạo Kitô thì ngự trị trên mảnh đất này đã một ngàn mấy trăm năm nay rồi. Vậy thì làm sao quá ít Kitô giáo được ?

Nhưng sự thể đúng là như vậy. Trong quá trình xây dựng liên minh Châu Âu, từ Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô thứ II đến Ðức Bênêdictô XVI đều hết sức mong muốn Châu Âu ghi vào hiến pháp chung của mình một lời gợi nhớ đến quá khứ lịch sử và văn hóa Kitô Giáo. Nhưng các nhà lãnh đạo Châu Âu lắc đầu quầy quậy. Họ chỉ muốn xây dựng một xã hội thuần thế tục, thấy cái gì là tôn giáo thì lánh cho xa.

Ðó cũng là tâm trạng của nhiều người trong xã hội, ví dụ: tập họp đi xem đá bóng, hay đi nghe các nhóm ca sĩ trẻ hát những điệu giật gân mà cảnh sát đến giữ trật tự thì là đương nhiên. Nhưng mấy trăm ngàn tín hữu tập họp để ca hát và cầu nguyện với Ðức Giáo Hoàng, thì thế nào cũng có một số ông bà mặt mày nhăn nhó lên tiếng phản đối rằng tại sao lai dùng tiền thuế của chúng tôi để giữ trật tự cho tôn giáo, cứ y như thể những người tín hữu kia không đóng đồng thuế nào vậy.

Tâm trạng kỵ tôn giáo nơi những người ăn to nói lớn dần dần khiến cho các thế hệ hiện tại, nhất là giới trẻ trở nên xa lạ với truyền thống tôn giáo ngàn đời đã sinh ra xã hội mình, tạo ra một lớp người nhông nhông nháo nháo, dương dương tự đắc cho là mình đã được giải thoát khỏi mọi niềm tin tôn giáo.

Cứ đến ngày lễ có gốc tôn giáo: Noel, Phục Sinh, Hiện Xuống, Lễ Ðức Mẹ Lên Trời, Lễ Các Thánh thì ai cũng đòi nghỉ và đi ăn đi chơi, nhưng hỏi lễ đó có ý nghĩa gì thì xem ra vô cùng ú ớ. Riết rồi có những nhà văn hóa và những nhà giáo dục phát hoảng: họ nói nhà trường cứ gạt tôn giáo ra ngoài chương trình đào tạo mãi, rồi các thế hệ tương lai còn biết gì về quá khứ tinh thần của mình, làm sao hiểu được kiến trúc, hội họa, điêu khắc, âm nhạc đã làm nên một nền văn hóa vô cùng cao sáng.

Nếu ta nghĩ lại những người đã khai sinh ra liên minh Châu Âu sau thế chiến thứ hai đều là những Kitô hữu, thì mới thấy rằng từ đó Châu Âu duy thế tục đã đánh mất một cái gì vô cùng quý giá nơi chính tâm hồn mình. Jean Monnet, Robert Schuman, Alcide de Gasperi, Konrad Adenauer đều là những tín hữu thành tín. Họ cũng xây dựng xã hội trên bình diện thế tục, nhung ai cũng thấy Dức Tin là nguồn cảm hứng sâu sắc của họ, khiến cho họ yêu công lý, yêu hòa bình, yêu tình nhân ái. Thậm chí ngày nay ở Pháp người ta còn vận động xin Tòa Thánh tôn phong Chân Phước cho Robert Schuman. Có vẻ như cái nguồn cảm hứng tâm linh của những người sáng lập đó ngày nay có phần vơi cạn.

Cho nên cần đánh giá cao lời phát biểu của bà Merkel. Nó cho thấy nguồn cảm hứng kia chưa tận tuyệt. Và có những giá trị tâm linh mà xã hội Âu Mỹ phải rất coi chừng kẻo để mất dần.

Bà Merkel là con nhà Mục Sư. Bà sinh ra và lớn lên ở Cộng Hòa Dân Chủ Ðức ( Ðông Ðức ). Thời còn đi học bà cũng là thành viên của phong trào Thanh Niên Tự Do Ðức ( một tổ chức cũng tương tự như Ðoàn Thanh Niên Cộng Sản của ta ), có lúc bà đã phụ trách công tác tuyên truyền của đoàn. Quá trình sống hòa mình với giới trẻ và giới trí thức ( bà có bằng tiến sĩ lý hóa ( physical chemistry ), bà cảm nhận được những bức xúc của xã hội thời ấy. Năm 1989, những bức xúc đó đưa đến việc triệt hạ bức tường Berlin, bà tham gia một đảng mới, Ðảng Dân Chủ Bừng Tỉnh. Sau cuộc bầu cử tự do duy nhất ở Ðông Ðức, bà được cử làm phó phát ngôn viên cho chính phủ cuối cùng cho Cộng Hòa Dân Chủ Ðức.

Năm 1990 Ðông và Tây Ðức thống nhất, Ðảng của bà hợp nhất với Ðảng Dân Chủ Kitô Ðức và bà trở thành bộ trưởng phụ trách phụ nữ và giới trẻ trong chính phủ của ông Helmut Kohl. Năm 1994, bà làm Bộ Trưởng Môi Trường và An Ninh Hạt Nhân và được coi là ngôi sao đang lên của chính trường Ðức. Năm 1998, Ðảng của bà thất cử, nhưng bà lại được cử làm Tổng Bí Thư của Ðảng Dân Chủ Kitô Giáo Ðức.

Ðến năm 2000 bà được bầu làm Chủ Tịch Ðảng. Ðịa vị của bà trong Ðảng khiến có người ngạc nhiên, bởi bà là một tín hữu Tin Lành, quê quán ở miền Bắc nước Ðức, trong khi đa số các nhà lãnh đạo trong Ðảng của bà là nam giới phát xuất từ miền Tây và miền Nam và đa số là Công Giáo thuần thành.

Năm 2005 nước Ðức tổng tuyển cử. Mặc dù lúc đầu đảng của bà thua Ðảng Xã Hội cầm quyền đến 21 điểm trong các cuộc thăm dò dư luận, bà Merkel đã lãnh đạo đảng của mình đạt được đủ số ghế trong Quốc Hội để đưa bà lên làm Thủ Tướng. Từ đó tới nay, địa vị và uy tín của bà Merkel được củng cố vì kinh tế Ðức đã thành công ngoạn mục, dẫn đầu Châu Âu mặc dù đang thời khủng hoảng. Năm 2009 bà tái đắc cử Thủ Tướng.

Một quá trình như của bà Merkel hẳn đã làm bà suy nghĩ nhiều trước khi đưa ra nhận định: không sợ “quá nhiều đạo Hồi” mà chỉ sợ “quá ít đạo Kitô”. Có nghĩa là, nếu đánh mất những giá trị Kitô Giáo thì không chỉ thiệt hại cho đạo Kitô và cho phương Tây, mà cho cuộc sống chung giữa các tôn giáo và các nền văn minh khác nhau, trong thời mà người ta gọi là “sự va chạm giữa các nền văn minh”.

Thiết nghĩ, chân lý này không chỉ áp dụng cho nước Ðức hay phương Tây. Ý tưởng của bà Merkel đáng cho ta suy nghĩ rộng ra cho cả thế giới cũng vẫn đang có rất nhiều va chạm đau đớn và nguy hiểm.

Âu là câu nói ngắn ngủi của bà Merkel gợi cho ta một lời Kinh Thánh mà Hội Thánh vẫn nhắc lại vào Mùa Vọng hằng năm: “Có tiếng người hô trong hoang địa, hãy dọn đường cho Ðức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” ( Mt 3, 3 ).

Lm. VŨ KHỞI PHỤNG, CSsR

(trịch từ Ephata số 449, ngày 06.3.2011

No comments: