Monday 28 March 2011

Lm Chân Tín, CSsR: Niềm thao thức của người làm báo

Từ mấy tháng nay, chúng tôi đã liên tiếp đăng một loạt bài đề cập đến vấn đề báo chí Công giáo ở Việt Nam, hai bài của lm Phạm Hữu Phước, một của ông Phạm Việt Tuyền. Tình trạng nghèo nàn và chậm tiến của báo chí Công giáo Việt Nam đã được mổ xẻ kỹ lưỡng. Để kết thúc loạt bài đó và đồng thời để đạo đạt những ước nguyện lên các vị hữu trách trong Giáo hội Việt Nam, chúng tôi muốn nói lên niềm thao thức của người làm báo.


Đói với những ai tha thiết với ngành báo chí Công giáo Việt Nam, nguyện vọng đầu tiên là thấy các đấng các bậc trong Giáo hội Việt Nam mau mau gửi một số linh mục, tu sĩ, giáo dân xuất ngoại chuyên học về ngành báo chí. Nếu nghĩ đến tương lai, thì đó là một việc cần thiết phải làm ngay mới mong đưa ngành báo chí Công giáo ra khỏi tình trạng nghèo nàn và chậm tiến ngày nay. Đa số, nếu không phải là hầu hết những người làm báo Công giáo Việt Nam, đã “vào nghè báo bằng đuờng tắt, không học hỏi đã vậy mà lắm khi còn thiếu chuẩn bị nữa”, như ông Phạm Việt Tuyền đã viết. Thêm vào đó, còn cái nạn làm báo năm ba năm mới quen nghề đã phải vâng lời các đấng các bậc Bề trên mà giải nghệ và rồi một người khác lại cũng vào nghề “bằng đường tắt”. Tình trạng thiếu chuẩn bị và thay đổi như chong chóng là nguồn gốc của sự nghèo nàn và chậm tiến của ngành báo chí Công giáo Việt Nam. Để chóng thoát ra khỏi tình trạng đó, phải tức khắc gửi một số linh mục, tu sĩ, giáo dân đi học ngành báo chí. Đi học năm bảy năm, chứ không phải chỉ gửi đi du ngoạn ngoại quốc vài ba tháng nói là “tu nghiệp” để rồi họ vỗ ngực ta đây có quyền ăn nói. Cái biết nửa vời của lớp sơn du ngoạn ngoại quốc đó, chỉ đưa ngành báo chí Công giáo Việt Nam đến chỗ tự mãn còn nguy hơn tình trạng nghèo nàn trước. Linh mục Phạm Hữu Phước đã viết:


“Ai cũng thừa hiểu rằng một giáo dân sùng đạo, một linh mục giảng hay, đọc tiếng la tinh làu làu không thể đương nhiên là một người biết lái xe hay làm báo chuyên nghiệp, nếu không tập lái xe hoặc hấp thụ một đào tạo chuyên nghiệp về ngành báo chí.”


Một điều hiển nhiên như thế đó mà vẫn thấy nhiều người tiếp tục “đi vào ngành báo chí bằng đường tắt” hay nói đúng hơn “bị đưa vào bằng đường tắt.”


Vì thế, theo thiển ý của chúng tôi, việc khẩn thiết và cấp bách trong Hội thánh Việt Nam hiện thời là gửi ngay một số người có tài năng, có khiếu làm báo, có một cái nhìn rộng lớn, xuất ngoại học ngành báo chí, “từ kỹ thuật ấn loát, trình bày, săn tin cho đến những môn học, cần thiết như thống kê học, điều tra học, xã hội học, tâm lý đại chúng, nghệ thuật viết báo.” (lm Phạm Hữu Phước, Nguyệt san ĐMHCG số 216). Đồng thời, giúp những người làm báo hiện thời tiến lên, thay vì tìm cách bóp chết những mầm non hoặc đổi người như chong chóng, chỉ vì một sự bất đồng ý kiến khác lập trường hay vì một ít sơ hở không thể tránh được.


Nguyện vọng thứ hai của chúng tôi là thấy người Công giáo chú trọng đến vấn đề báo chí sách vở Công giáo. Hình như chúng ta chưa ý thức đủ tầm quan trọng của báo chí, nên coi thường báo chí. Với một giọng khá long trọng và nghiêm khắc xứng với tầm quan trọng của vấn đề, ông Phạm Việt Tuyền đã viết:


“Với tất cả sự trọng kính đối với mọi đấng bậc cùng mọi người và với tất cả sự thành thực đối với lương tâm, người ta có thể nghĩ rằng: một số vị trong Hàng Giáo phẩm và một số đông trong từng lớp giáo hữu chúng ta còn coi báo chí là chuyện phụ, là phương tiện giải trí, cùng lắm là cơ quan tuyên truyền, chứ không phải là một nhu cầu của thời đại, là một trường học của đại chúng, là thực phẩm nuôi dưỡng tâm trí mọi người, là một ân sủng của Thiên Chúa.” (Nguyệt san ĐMHCG, số 218 tr. 185)


Chính vì thiếu ý thức về tầm quan trọng của báo chí Công giáo mà các vị hữu trách trong Giáo Hội Việt Nam tiếc tiền trong vấn đề nâng đỡ báo chí Công giáo. Ông Phạm Việt Tuyền viết tiếp:


“Chính vì thế mà một số vị hữu trách ở trong Hàng Giáo phẩm hoặc ở trong các dòng tu, các hội đoàn, hình như coi nhẹ, coi thường, coi dễ dãi việc ra một tờ báo mới, coi là quá nặng, những khoản tiền không lấy gì làm to tát lắm phải chi phí để thiết lập hoặc cải tiến một tờ báo. Không phải là các vị ấy quá tiếc tiền… Nhưng là vì có lẽ có vị chỉ thấy báo chí quan trọng trên lý thuyết, mỗi năm một đôi lần chỉ nhận thấy sự cần thiết của báo chí khi có sắc lệnh của Công Đồng Vatican chẳng hạn mà thôi, hoặc không thấy trăm ngàn khó khăn vất vả trở ngại từ vật chất tới tinh thần của những linh mục hoặc giáo hữu làm báo và viết báo, cho nên thấy người làm báo tiêu tiền như đốt giấy vụn thì ngán.”


Tiếc tiền trong việc thiết lập hoặc cải tiến một tờ báo đã đành. Đáng tiếc hơn nữa là, còn tiếc tiền trong việc mua báo, đọc báo. Có nhiều họ đạo, nhiều đoàn thể, nhiều gia đình phung phí tiền bạc trong những việc phô trương hay phụ thuộc khác, nhưng lại keo kiệt trong việc mua báo chí Công giáo, báo chí lành mạnh cho tín hữu, cho hội viên, cho con em. Ý thức tầm quan trọng của báo chí, người ta sẽ bỏ những chi phí phô trương vô bổ và rộng rãi trong việc mua báo chí cho họ đạo, cho hội đoàn, cho con em trong gia đình. Vì thế, “cần phải gây một phong trào ý thức trong hàng giáo phẩm và nhất là trong mọi tầng lớp giáo dân Việt Nam về các chuyện làm báo, viết báo, đọc báo, phát hành báo chí, trích báo chí, nhắc tới báo chí, cổ động cho báo“ như ông Phạm Việt Tuyền đã đề nghị trong dịp đại hội thông tin Công giáo toàn quốc vừa qua.


Một ước nguyện cuối cùng của chúng tôi là thấy nẩy nở một tinh thần đối thoại và tự do cởi mở trong ngành báo chí Công giáo Việt Nam. Chỉ một mình Thiên Chúa mới toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ. Chúa Kitô cũng đã trao kho tàng chân lý cho Giáo hội của Ngài. Kho tàng ấy, Giáo hội đã đúc kết lại trong kinh Tin Kính, trong các tín điều. Về nội dung của các tín điều đó, cần phải có sự duy nhất trong Giáo Hội. Nhưng trong việc tìm hiểu đức tin, “Intellectus Fidei”, Giáo hội vẫn để cho các nhà thần học tự do tìm kiếm những cách giải thích, những áp dụng thực tế trong đời sống. Nhờ đó mà các nhàn khoa thần học và giáo lý Công giáo mới được cải tiến mãi để phục con người của mỗi thời đại, theo chu cầu của mỗi thời đại, theo sự hiểu biết và ngôn ngữ của mỗi thời đại. Là thế hệ hôm qua, đào tạo trong lối tư tưởng hôm qua, lối sống hôm qua, chúng ta đừng vội lên án lớp người mới của thế hệ hôm nay, với lối tư tưởng hôm nay, lối sống hôm nay. Cần phải có sự khoan dung, thông cẩm, đối thoại và không khí tự do cởi mở giữa thế hệ cũ và thế hệ mới. Các vị đàn anh của thế hệ hôm qua đừng dùng quyền thế để bóp chết những mầm non của thế hệ hôm nay, nhưng phải nâng đỡ, khuyến khích để trong cơn khủng hoảng của tuổi trưởng thành đức tin, thế hệ trẻ lột bỏ được những gì là quá đáng trong lối tư tưởng cũng như lối sống của họ. Một Giáo hội thiếu khoan dung, thiếu thông cảm, thiếu đối thoại, thiếuy bầu không khí tự do cởi mở giữa hia thế hệ già và trẻ, cũ và mới, bảo thủ và cấp tiến, Giáo hội ấy là một Giáo hội chết.


Chúng tôi mong rằng hàng giáo phẩm, các vị lãnh đạo dòng tu, các linh mục tu sĩ và toàn thể giáo dân Công giáo đáp lại những nguyện vọng, ngõ hầu đưa ngành báo chí Công giáo ra khỏi tình trạng nghèo nàn và chậm tiến ngày nay. Có như thế, ngành báo chí Công giáo Việt Nam mới hoàn thành sứ mạng của mình là mở rộng và củng cố Nước Chúa, mang Tin Mừng cứu rỗi của Đức Kitô đến cho con người ngày nay, vì như lời thánh tông đồ: “Đức Giêsu Kitô hôm qua và hôm nay vẫn là một, và cho đến muôn đời.” (Hr 13: 8)

Lm Chân Tín CSsR
8/1967

No comments: