Tuesday 22 March 2011

Lm Richard leonard sj: Thiên Chúa Đang Ở Xó Nào?

Nguyên tác Anh ngữ:
Where The Hell Is God
By Fr. Richard Leonard, SJ

Bản Việt ngữ:
do Cecilia Mỹ-Hạnh Nguyễn dịch



Để tìm hiểu khổ đau,
và để thông phần đau khổ với các nạn nhân
trong trận động đất và sóng thần kinh hoàng
vừa xảy ra ở Nhật vào ngày 11.Mar.2011.


Để nhớ về một người bạn từng trải qua một tai nạn xe cộ.


Để nhớ về một người bạn của một người bạn đã từng trải qua bệnh bại liệt.


Để nhớ Annie.


Và cũng để dâng lời tạ ơn Chúa đã cho con được hồi phục sau tai nạn của con.







Cảm ơn chú Mai Tá đã gởi công việc này cho con.


* Tài liệu này dùng bản dịch Thánh Kinh của
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ.


** Mặc dù hết sức cố gắng, nhưng với trình độ hạn hẹp,
bản Việt ngữ này chắc chắn không tránh khỏi sai sót.
Mọi góp ý hay sửa đổi xin gởi về
hanhmynguyen@gmail.com
Chân thành cảm ơn.


Cecilia Mỹ-Hạnh Nguyễn
14.Mar.2011 – dd.mmm.yyyy





Mục lục

Lời Giới Thiệu – Lm. James Martin, SJ 4
Lời Mở Đầu 6
Chương 1 12
Chương 2 17
Chương 3 22
Chương 4 30
Chương 5 xx
Chương 6 xx
Chương 7 xx
Kết xx
Bibliography xx



Lời Giới Thiệu

Lm. James Martin, SJ


Tôi đã mong đợi từ bao nhiêu năm qua mới được đọc một quyển sách như thế này.

Thật không phải là quá lời khi nói rằng quyển Thiên Chúa Đang Ở Xó Nào? có thể sẽ thay đổi cách bạn nhìn cuộc đời mình. Đây là một quyển sách - như tác giả Richard Leonard có trình bày ngay trong những trang đầu - không phải nhằm mục đích lý giải theo kiểu hàn lâm viện về thần học của sự đau khổ, nhưng là một lời mời gọi chân thành đến những ai đã từng nếm mùi đau khổ trong cuộc đời – có nghĩa là, tất cả mọi người.

Anh bạn Richard Leonard của tôi là một trong những tu sĩ Dòng Tên xuất sắc nhất mà tôi được biết. Vừa có kiến thức sâu rộng, có khả năng diễn đạt rành mạch, đầy lòng trắc ẩn, và có khi vô cùng hài hước, anh Richard còn là một trong những người làm việc cần mẫn nhất. Ngoài việc sống một cuộc đời vô cùng bận rộn của một linh mục (với tất cả những tác vụ của vai trò linh mục), anh còn là một thầy giáo, một nhà văn, một giảng sư đại học. Những ai chỉ biết anh trong vai trò thầy giáo có thể sẽ ngạc nhiên khi thấy anh là một linh mục thuyết giảng tài ba như thế nào trong một Thánh Lễ Chúa Nhật đầy ắp người. Còn những ai chỉ biết anh trong vai trò linh mục có thể sẽ ngạc nhiên khi khám phá ra anh đã viết với những kỹ năng sắc sảo như thế nào về lãnh vực chuyên môn của anh, lãnh vực điện ảnh. (Vâng, cũng như nhiều vị học giả Dòng Tên khác, anh có bằng Tiến Sĩ). Và những ai biết về những công việc chuyên môn của anh trong ngành giáo dục thì có thể sẽ ngạc nhiên khi biết rằng anh là một giảng sư hùng hồn như thế nào, một giảng sư luôn luôn có nhiều lời mời thỉnh giảng – từ Melbourne tới London tới Rome cho tới Los Angeles – để thuyết giảng về thật nhiều đề tài khác nhau.

Nhưng có một điều mà hầu hết mọi người đều không biết, đó là việc gia đình anh đã trải qua nhiều nỗi đau khổ sâu sắc, những nỗi đau khổ mà bạn sắp được đọc trong quyển sách này đây. Và chính đau khổ - những sự đau khổ khủng khiếp, dữ dội, cùng cực – đã thay đổi gia đình anh và thay đổi chính bản thân anh Richard. Đọc những hồi tưởng về giai đoạn đó trong cuộc đời anh sẽ thay đổi chính bản thân bạn.

Có phải câu vừa rồi có vẻ quá lố hay chăng? Thưa không. Bởi vì quyển sách này tìm hiểu vấn nạn muôn thưở của loài người: “Tại sao chúng ta bị đau khổ?”, và tìm hiểu một cách độc đáo.

Phần lớn những thảo luận về đề tài hóc búa này thường áp dụng một trong hai phương cách. Cách thứ nhất là từ một quan điểm thần học, thường là do một nhà thần học là tác giả. Nhiều quan điểm trong Cựu Ước và Tân Ước được cân nhắc cẩn thận, và câu hỏi xưa như trái đất là làm sao mà Thiên Chúa nhân lành lại có thể để xảy ra sự đau khổ được tìm hiểu kỹ lưỡng dưới ánh sáng những văn bản của các vị thánh và các nhà thần học Công Giáo. Cách thứ nhì là từ kinh nghiệm, và tác giả thường là một người nào đó ngoài giới học giả. Tác giả đó diễn tả chi tiết câu chuyện đau khổ của chính bản thân mình, hoặc sự đau khổ của một người thân yêu, hồi tưởng lại những điều đã học hỏi được từ trải nghiệm đó, và rút ra những kinh nghiệm và những bài học hầu độc giả. Quyển Thiên Chúa Đang Ở Xó Nào? kết hợp một cách nhuần nhuyễn cả hai phương cách này, bởi vì anh Richard không những chỉ là một nhà thần học lỗi lạc, mà còn là người đã từng nếm trải kinh nghiệm của một sự đau khổ thay đổi cả cuộc đời.

Trong những trang sắp tới đây bạn sẽ thấy anh Richard bác bỏ những giải đáp “dễ dãi” –những sự tầm thường mà các tín hữu tốt bụng cứ hay áp đặt lên nạn nhân đau khổ, nhưng điều đó thường gây tai hại nhiều hơn là đem lại điều tốt lành. Ngay cả những tín hữu sốt sắng nhất cũng phải thối lui, và nên thối lui, trước những cái vỗ về vô nghĩa đối với sự huyền bí bao la của sự đau khổ.

Ví dụ như, khi bà tôi đang ở trong viện dưỡng lão, một trong những người bạn của bà ở viện dưỡng lão là một sơ Công Giáo lớn tuổi đang phải chịu đựng nhiều nỗi đau đớn. Một hôm, vị bề trên của sơ đến thăm sơ.

“Ôi, con đang bị đau quá”, sơ nói với vị bề trên.
“Sơ cứ nghĩ đến Chúa Giê-su trên Thập Giá”, vị bề trên trả lời.
“Nhưng mà Chúa Giê-su ở trên Thập Giá chỉ có ba tiếng thôi”, sơ buồn bã đáp lại.

Mặc dù thì dần dần bà sơ đó có thể sẽ tìm được niềm an ủi nơi sự đồng hành của một Đức Giê-su người từng biết mùi đau khổ, nhưng câu trả lời dễ dãi của vị bề trên thật chẳng giúp ích được gì cả.

Tác giả Richard Leonard biết rằng mặc dù nhiều quan niệm truyền thống có thể là đúng, nhưng mỗi một tín hữu cần phải tự đích thân mình tìm hiểu và khám phá những điều huyền bí của đau khổ, và phải tìm ra ý nghĩa cho bản thân mình giữa những cơn đau đớn, trong sự đồng hành với Thiên Chúa đấng cùng chịu đau khổ với chúng ta. Và tác giả giúp độc giả làm điều đó qua quyển sách mới xuất sắc này. Trong sự vật vã với đau khổ của chính anh, được trình bày một cách thẳng thắn và trung thực, trong việc đào sâu sự tìm hiểu về đau khổ theo các quan niệm truyền thống một cách không hề sợ hãi, tác giả dẫn dắt chúng ta vượt qua những thung lũng tối tăm đến một nơi tràn đầy ánh sáng.

Thiên Chúa Đang Ở Xó Nào? Thưa ở ngay đây, trong những trang của quyển sách này - những trang sách sẽ giúp bạn tìm thấy Thiên Chúa ngay cả trong những chặng đường khó khăn nhất trong đời bạn.

_______________

Lm. JAMES MARTIN, SJ, là tác giả các quyển My Life with the Saints, Becoming Who You Are, và The Jesuit Guide to (Almost) Everything.

Lời Mở Đầu


Hầu hết các quyển sách triết học hay thần học về đề tài làm sao có thể tìm thấy Thiên Chúa, hoặc biết tìm Thiên Chúa ở đâu trong những cảnh đau khổ của con người thường có khuynh hướng khá thiên về lý thuyết, học thuật. Tôi nghĩ rằng những quyển sách đó vô cùng quan trọng, ngay cả khi tôi không đồng ý với những lập luận hay kết luận trong sách. Tôi cũng nhận thấy những bước tiến về trí năng mà những quyển sách đó đã đạt được là có phần nào hữu ích trong việc phân tích bất cứ điều gì ngoại trừ việc tìm hiểu sâu xa hơn.

Mặc dù tôi hy vọng trong sách này có những lập luận thông minh, nhưng quyển sách này không nhằm mục đích nói về lý thuyết. Tôi sẽ không đem ra xào lại những khía cạnh trong nhiều lập luận khả kính về sự đào sâu suy nghĩ trong lãnh vực mà ngày nay chúng ta gọi là theodicy – một ngành của khoa thần học chuyên bênh vực sự tốt lành và công lý của Thiên Chúa trước sự hiện diện của sự dữ. Quyển sách này ra đời từ kinh nghiệm, từ những trải nghiệm thực tế của tôi khi vật vã với một thảm kịch của gia đình, một thảm kịch đã bắt buộc tôi phải đương đầu với những câu hỏi nền tảng về việc giữ vững niềm tin vào một Thiên Chúa nhân hậu khi đối diện với sự dữ. Tôi không muốn nhận công lao chi nhiều cho quyển sách này. Đây thật ra là thuộc về một lãnh vực được gọi là thần học suy diễn. Trải bao nhiêu thế kỷ qua, những khối óc vĩ đại hơn bộ óc của tôi đã từng nghiền ngẫm suy tư những câu hỏi này và đã đạt tới những kết luận khác nhau. Tôi vui mừng về điều đó. Nhưng vấn đề là khi mà tôi cần đến sự soi sáng hướng dẫn từ những khối óc đó nhất, thì tôi lại thấy những giải đáp của họ không đủ thỏa đáng. Tôi không trách họ. Đa số những người đó đã không có được lợi điểm của những nghiên cứu đương đại về thánh kinh, thần học, khoa học, và tâm lý học để giúp họ một tay.

Ngay cả Giáo Hội nữa, Giáo Hội cũng biết là mình không thể nào quả quyết khẳng định về những vấn đề này, bởi vì khi nào mà chúng ta còn chưa xuống mồ, thì đơn giản là chúng ta không thể biết Thiên Chúa đặt ở đâu, hay làm sao có thể đặt chung Thiên Chúa trong sự đau khổ của con người. Vì vậy, tôi không cho là sách của tôi có giá trị gì hơn là giúp tôi giữ vững niềm tin vào một Thiên Chúa nhân ái trong giai đoạn mà tôi phải đi qua “thung lũng đầy nước mắt” trong “bóng tối sự chết”.

Có thể cách tốt nhất để mạo hiểm lần bước vào lãnh địa này là qua một câu chuyện. Như bà Elie Wiesel, một nạn nhân sống sót trong lò sát sinh Holocaust của Đức Quốc Xã, đã nói: “Bạn muốn biết về vương quốc bóng tối ư? Không có cách gì để diễn tả vương quốc bóng tối. Nhưng tôi sẽ kể bạn nghe một câu chuyện ... Bạn muốn biết về sự mong manh của trái tim con người ư? Không có cách gì để diễn tả sự mong manh của trái tim con người. Nhưng tôi sẽ kể bạn nghe một câu chuyện ... Bạn muốn được nghe diễn tả về điều không thể diễn tả ư? Không có cách gì để diễn tả điều không thể diễn tả. Nhưng tôi sẽ kể bạn nghe một câu chuyện.”

Vậy tôi xin bắt đầu bằng một câu chuyện.

Vào buổi sáng sớm ngày sinh nhật 25 tuổi của tôi, cha bề trên Dòng Tên ở nhà dòng mà tôi đang sống lúc đó đến giường lay tôi dậy vào bảo rằng có mẹ tôi đang chờ điện thoại. Gia đình tôi không có thói quen biểu lộ tình cảm ra ngoài. Chúng tôi không có thói quen gọi điện thoại cho nhau vào lúc rạng đông của ngày sinh nhật để chúc mừng sinh nhật nhau, nhưng khi nghe giọng của Mẹ, tôi biết ngay đây không phải là một cú điện thoại chúc mừng sinh nhật. “Chị con vừa mới bị tai nạn xe, mẹ phải đi Darwin ngay lập tức. Mẹ hy vọng là con có thể cùng đi với mẹ”. Chị tôi, Tracey, đã học nghề y tá sau khi hoàn tất chương trình trung học, và chỉ vài tháng sau khi ra trường chị đã sang Calcutta làm việc trong Nhà Dành Cho Người Hấp Hối ở Kalighat, sáng lập đầu tiên của Mẹ Tê-rê-sa. Sau sáu tháng chị trở về nhà để chăm sóc cho mẹ tôi, lúc đó không được khỏe, nhưng sau đó chị lại trở sang Ấn Độ. Mười tám tháng sau, chính phủ Ấn Độ từ chối gia hạn visa cho chị bởi vì chị chỉ là thiện nguyện viên, cho nên chị trở về Úc và vào làm việc với các sơ Dòng Đức Mẹ Thánh Tâm để giúp điều hành một trung tâm y tế dành cho người thổ dân Aboriginies ở một vùng mà lúc đó được gọi là Port Keats, nhưng nay được gọi bằng tên truyền thống của thổ dân là Wadeye. Chị tôi là một cô gái trẻ, đầy sức sống, và đầy năng lực. Chị rất vui với cộng đồng ở Port Keats không kém chi những ngày ở Ấn Độ.

Hôm trước ngày sinh nhật của tôi một hôm, chị Tracey phải đi giúp thay chỗ cho một y tá địa phương ở một thị trấn vùng sâu khác, gọi là thị trấn Adelaide River. Đó là một cộng đồng nhỏ bé người Aboriginies, da trắng, cách thủ phủ Darwin của Northern Territory khoảng một giờ về phía nam. Điều xảy ra kế tiếp là câu chuyện của chị Tracey, vậy tôi sẽ để chị kể lại theo như quyển sách của chị, “Toàn Bộ Tai Ương”.

“... Vào lúc sắp xong công việc của tôi ở Adelaide River, tôi lái xe trở lại Port Keats để nghỉ cuối tuần. Tôi chở theo Margaret, vợ của một người thợ sửa ống nước, cùng với ba đứa con của chị, vì xe chị ấy không đủ mạnh để chạy trên đường đất. Chúng tôi có một dịp cuối tuần thật vui vẻ. Trên đường quay lại, lúc gần tới Adelaide River thì chiếc xe của tôi ho mấy tiếng rồi chết máy. May mắn làm sao, chỉ một lúc không lâu sau đó có hai chiếc xe khác đi ngang qua, và họ nhận lời giúp kéo xe chúng tôi vào thị trấn.

“Chúng tôi đã nối dây đâu vào đó để kéo xe và đã bắt đầu khởi hành, nhưng trước khi tôi kịp nhận ra điều gì đã xảy ra, tôi thấy mình đang cán qua sợi dây kéo và xe tôi lạng về phía bên trái. Tôi nắm chặt tay lái để giảm bớt độ sốc khi xe đâm vào một cái cây nhỏ phía trước, và điều kế tiếp tôi nhận ra là nguyên cả chiếc xe đã bị lật úp, khiến tôi không biết chắc là mình đang nằm ở chiều nào. Tôi không thể cử động gì cả, và cảm thấy như là cả cái nóc chiếc xe đang đè xuống đầu tôi. Tuy vậy miệng và não tôi vẫn còn hoạt động, và một khi tôi xác định được là mấy đứa trẻ không bị gì và Margaret thì bị thương không nặng lắm, thì tôi cảm thấy trút được cả một gánh lo. Những người Samari nhân hậu đã nhận lời giúp kéo xe chúng tôi thì cuống quýt cả lên; một người trong số họ cúi xuống ghé tai tôi bảo rằng họ sẽ chạy vào thị trấn Adelaide River để tìm y tá. ‘Chính tôi là con nhỏ y tá khốn khổ đó đây’, tôi đáp lại, và chỉ đường cho ông ta đến địa chỉ mà người y tá thường trực ở đó vừa mới trở về.

“Nhiều tiếng sau, nhờ sự giúp đỡ của cảnh sát, xe cứu thương, và người y tá, tôi được đưa ra khỏi cái đống sắt bẹp dúm đó. Tôi không cảm nhận được điều gì ngoài cơn đau khủng khiếp ở cổ. Họ đặt tôi xuống đất, gắn một chiếc vòng giữ cho cổ ổn định, và đem tôi lên một chiếc cáng trong xe cứu thương. Chỉ một cái nhìn vào những gương mặt đầy lo lắng của mọi người xung quanh cũng đủ làm tôi suy sụp tinh thần. Mặc dù tôi vẫn tỉnh táo trong suốt giai đoạn này, và bộ óc của tôi vẫn còn nhận biết là tôi không thể cảm nhận được điều gì từ vai trở xuống, nhưng cả người tôi thì cứ phản kháng lại thông tin đó.

“Đoạn đường đến Darwin vừa chậm vừa đau đớn, nhóm cấp cứu cứ khoảng hai mươi phút lại dừng xe để kiểm tra xem tôi còn những dấu hiệu của sự sống hay không. Tôi phải dọa là tôi sắp chết đến nơi nếu họ dừng lại thêm một lần nữa, khi tôi chịu không thấu cơn đau ở cổ mỗi lần xe ngừng rồi xe chạy lại. Tôi còn một điều lo lắng lớn khác là cái đau nhói phía sau đầu, và một cảm giác rất thực là có bầy kiến đang cắn da đầu tôi. Phải mất một lúc sau tôi mới thuyết phục được cô nhân viên cấp cứu là tôi không bị tổn thương sọ não chi cả, và những lời than phiền của tôi là hoàn toàn nghiêm túc. Để cho tôi khỏi nói năng lôi thôi gì thêm, cô ta bắt đầu chải nhẹ qua mái tóc của tôi, và vô cùng ngạc nhiên khi khám phá ra tới mấy con kiến xanh thật lớn trong đó. Còn nguyên nhân cơn đau phía sau đầu tôi, té ra, là do một mảnh cây sắc nhọn ghim vào. Chúng tôi vội vã trực chỉ Darwin mà không có thêm sự cố nào nữa, và tôi nằm nhoài trong chiếc cáng mà hy vọng rằng tất cả những điều này chỉ là một giấc mơ hãi hùng mà thôi.

“Tôi nhờ một nhân viên ở bệnh viện liên lạc với một người bạn của tôi ở Darwin, và ủy thác cho bạn tôi công việc gọi điện thoại cho mẹ tôi để báo tin chẳng lành”.



Cô Jill gọi cho mẹ tôi vào khoảng 1 giờ 30 khuya để báo tin chị Tracey bị tai nạn, và mặc dù người ta chưa biết rõ Tracey bị thương nặng đến mức nào, Mẹ của Tracey nên đến bệnh viện ngay. Phần tiếp theo sau đây là “chuyện của mẹ tôi”. Mẹ tôi góa bụa vào năm 32 tuổi. Ba tôi qua đời sau một cơn đột quỵ ở tuổi 36, và mẹ tôi trở thành người mẹ đơn độc nuôi anh tôi, lúc đó 7 tuổi, chị tôi, 5 tuổi, và tôi, 2 tuổi. Khi nhận được tin chị Tracey gặp nạn, mẹ tôi, lúc đó đang sống một mình, đã quyết định thay vì gọi điện thoại đánh thức anh Peter và tôi, mẹ nghĩ sẽ tốt hơn nếu để hai anh em tôi được ngủ yên đêm đó bởi vì không ai trong chúng tôi có thể làm được gì cho tới khi trời sáng. Mẹ không gọi cho ai cả. Bà ngồi một mình uống hết ly cà phê này tới ly cà phê khác và hút hết điếu thuốc này sang điếu thuốc khác cho tới khi trời sáng.

Tới 9 giờ sáng thì Mẹ và tôi đã ngồi trên máy bay đi Darwin. Nếu bạn đã từng chạm trán với thảm cảnh trong cuộc đời của chính bạn, thì bạn sẽ thông cảm với tâm trạng muốn chối bỏ sự thật của cả hai chúng tôi – cả mẹ và tôi đều thấy sao mà tất cả mọi sự trong chuyến bay đó đều khôi hài kinh khủng. Cả hai người đều cười nói và đùa giỡn rằng khi chúng tôi đến nơi thì sẽ thấy chị Tracey đang ngồi trên giường, đang ăn một dĩa bít-tết và uống một ly bia, và chị sẽ cười nhạo chúng tôi là có gì đâu mà hoảng hốt lên như vậy. Cái kết cục vui vẻ đó đã không diễn ra.

Khi chúng tôi đến nơi, ở phi trường có thật nhiều các sơ mặc áo dòng và đội khăn lúp, đến nỗi tôi nghĩ rằng chắc hẳn chuyến bay sau phải có đức giáo hoàng trong đó. “Khi nào chúng ta đến bệnh viện thì bác sĩ sẽ cho biết tất cả mọi sự”. Chúng tôi được dẫn đến phòng chị Tracey đang nằm, và thấy một tấm chăn dài đắp lên tậm cằm chị. Hai cánh tay chị giang ra ngoài, gác trên hai mảnh ván nối ra từ chiếc giường, và có hai cây kim khổng lồ ghim sâu vào đầu chị với những vật nặng ở phía sau chiếc giường giữ cho đầu chị nằm yên một chỗ. Từ đó về sau tôi không bao giờ có thể nhìn thập giá với cái nhìn như trước nữa.

Mẹ tôi tự dưng bỗng trở nên như quen thuộc trong bệnh viện, và bắt đầu hỏi han chị Tracey xem chị có cử động được chỗ nào không. Với hai giọt nước mắt lặng lẽ lăn ra từ khóe mắt chảy xuống hai bên đầu, chị tôi chỉ nói đơn giản: “Con là một đứa bại liệt, Mẹ à. Con bị trật đốt sống thứ 5 và bị nứt đốt sống thứ 6 và thứ 7. Bị nặng tới mức này là cùng.”

Đánh nhau hoặc bỏ chạy là hai phản ứng thường thấy khi người ta bị kích động mạnh. Chúng tôi đã chọn cách thứ hai. Chị Tracey kể lại là chị cũng không rõ giữa mẹ tôi và tôi, ai thắng ai khi vụt chạy ra khỏi cửa. Sơ chăm sóc mục vụ ở đó đã đưa chúng tôi vào một phòng riêng khác. Tôi ngồi xuống trước một cái bàn, và lần đầu tiên trong đời không thốt ra được lời nào. Mẹ tôi thì cứ giậm qua giậm lại trong phòng. Bà giận điên lên. Giận giống như khi một con sư tử con trong bầy bị giết chết thì con sư tử mẹ lồng lộn đi truy tìm cho ra thủ phạm. Trong khi giậm qua giậm lại như vậy, mẹ tôi bắt đầu đặt ra cả một loạt những câu hỏi:

Sao Chúa có thể nỡ làm cho Tracey bị như vậy?
Sao Chúa có thể nỡ gieo tai họa này cho gia đình mình?
Chúa còn muốn mẹ phải chịu đau khổ gì nữa trong cuộc đời này?
Và câu hỏi ám ảnh nhất:
Chúa đang ở cái xó nào?

Đây là những câu hỏi thật khó trả lời, nhưng mà tôi là một linh mục dòng Tên. Tôi đã cả đời học hỏi về Thiên Chúa, cho nên tôi cố gắng đưa ra một câu trả lời. Nhưng mỗi khi tôi mở miệng định nói, thì mẹ tôi lại chận họng tôi lại. Trong những tình huống tương tự thì chúng ta thường hay nổi giận với những người gần gũi mình nhất. Tôi chỉ muốn hét cho mẹ tôi nhớ rằng tôi cũng là một trong mấy con sư tử con vậy!

Nhưng không, tôi gom hết can đảm và bình tĩnh nói chuyện với mẹ tôi, có thể nói rằng đó là cuộc đàm thoại đau thương nhất và quan trọng nhất về mặt thần học trong cả cuộc đời tôi. Tôi nói với mẹ tôi rằng nếu có ai có thể chứng minh cho tôi là tối hôm qua Thiên Chúa ngồi tà tà trên thiên đàng và nghĩ rằng: “Ta cần thêm một đứa liệt chân liệt tay nữa, con nhỏ Tracey coi được lắm, vậy để ta dựng nên một vụ tai nạn xe làm cho nó bị liệt chơi” – nếu như đó thật sự là ý muốn chủ động của Thiên Chúa – thì tôi sẽ rời bỏ hàng linh mục ngay, bỏ Dòng Tên, và bỏ luôn cả giáo hội. Tôi không biết đến Thiên Chúa đó, tôi không muốn phục vụ Thiên Chúa đó, và tôi không muốn làm người đại diện cho Thiên Chúa đó trên trần thế. Thế là mẹ tôi bắt bẻ lại tôi, “Nói như vậy thì Chúa ở đâu?” Và tôi nhẹ nhàng trả lời, “Con nghĩ Chúa cũng đang đau khổ bàng hoàng như mẹ và con vậy, bởi vì một người con gái quảng đại, vị tha, đã từng đi cả nửa vòng trái đất để chăm sóc cho người nghèo, nay lại trở thành người nghèo nhất mà mình từng gặp.” Nghèo ở đây không dính líu gì đến nghèo khó về tiền bạc. Tôi đã không phải lựa chọn giữa một Thiên Chúa của tình yêu và một Thiên Chúa gây ra những điều ác độc cho chúng ta. Như một Thiên Chúa từng than khóc trước đau thương mất mát trong sách I-sai-a và như Đức Giê-su từng than khóc trước mộ người bạn thân thiết nhất trong Gio-an 11, Thiên Chúa không đứng bên ngoài nỗi đau của chúng tôi, mà là bạn đồng hành với chúng tôi trong nỗi đau đó, nâng đỡ chúng tôi bằng cánh tay của Người, chia sẻ với chúng tôi trong nỗi buồn khổ đau đớn.

Trong những tháng sau đó, tôi nhận được một số những lá thư kinh khủng đáng sợ nhất từ những người Công Giáo tốt lành nhất mà tôi được biết. Một vài thư viết rằng: “Tracey chắc chắn là đã làm chuyện gì sai trái lắm nên Chúa mới giận như vậy, cho nên nó phải chịu trừng phạt ở đời này, bởi vì đừng hòng mà giỡn mặt với Thiên Chúa!” Thư còn viết tiếp: “bây giờ thì cách duy nhất để hòa giải với Chúa là chỉ còn cách bằng lòng chấp nhận ý Chúa mà thôi.” Những người này thật sự tin rằng Chúa đã trừng phạt chúng tôi. Kể từ năm 1988 tôi đã khám phá ra rằng lối suy nghĩ này còn phổ biến hơn tôi tưởng rất nhiều. Tôi đã từng gặp gỡ những người bị bệnh ung thư, những cặp vợ chồng vô sinh, những bậc cha mẹ có con bị chết – những người này hỏi tôi họ đã làm nên nông nỗi gì mà phải gánh chịu lời nguyền mà họ nghĩ là Thiên Chúa đã giáng xuống họ như vậy? Chỉ cần nghĩ tới họ cũng đủ cho tôi muốn khóc lên được.

Một số khác viết rằng: “Sự đau khổ của Tracey là để gởi lên thiên đàng những tảng đá vinh quang để sau này dùng xây lâu đài cho Tracey khi cô ấy qua đời.” Đây là điều thường được gọi là “khi-nào-chết-thì-lên-trời-hưởng-phúc.” Tôi đâu có biết rằng trên thiên đàng, trong số các căn phòng trong ngôi nhà của Cha Trên Trời, lại có những phòng riêng được chia thành hạng nhất, hạng doanh nhân, và hạng bình dân. Và nếu sự thật là như vậy, thì thiên đàng sẽ là nơi chốn đầu tiên trong cuộc đời tôi mà tôi sẽ không xin được nâng cấp! Bởi vì nếu như để được nâng cấp từ cái chòi con ở ngay sát bên trong cổng thiên đàng lên tới những vùng hào quang sang trọng nhất ở giữa thiên đàng mà đồng nghĩa với việc phải phụ thuộc vào người khác trong việc tắm rửa, ăn uống, cử động, vệ sinh, thay quần áo mỗi ngày trong suốt hơn hai mươi năm qua, thì tôi không có khả năng chi trả cho cuộc dời nhà lên vùng giàu sang đó. Tôi nghĩ rất ít người có khả năng đó.

Sau hết, có một số thư và thiệp viết rằng: “Gia đình cha thật là có phúc lắm, vì Chúa chỉ gởi thánh giá nặng nhất cho những người có thể vác nổi mà thôi.” Lúc nào tôi cũng thích việc một số người không có cái phúc đặc biệt đó lại có thể thấy rõ ràng cái ân phúc đó nơi sự đau khổ của người khác. Nhưng chúng ta hãy suy nghĩ về cái lý luận này thêm một chút. Chúng ta thường hay nghe như vậy lắm. Nếu lý luận này đúng, thì đều đặn mỗi buổi sáng, trưa, chiều, tối là tất cả chúng ta phải nên quỳ gối xuống mà cầu xin chỉ một lời này thôi: “Con yếu đuối lắm. Con yếu đuối lắm. Con yếu đuối lắm, ôi lạy Chúa. Xin đừng nghĩ là con đủ sức mạnh.” Bởi vì nếu như lý luận đó đúng và nếu Thiên Chúa nghĩ là bạn có đủ sức mạnh, thì bạn sẽ được chúc phúc bằng một cây thập giá tổ chảng.

Ngoài những lá thư trên còn có một số người tốt bụng tìm cách an ủi chúng tôi, và đưa ra ba luận điểm thường thấy mỗi khi có chuyện chẳng lành xảy ra: “Mọi sự đều là mầu nhiệm”; “Đường lối của ta không giống đường lối của ngươi”; và “Chỉ khi nào lên thiên đàng thì ta mới hiểu được chương trình của Thiên Chúa.” Những lời này có phần nào sự thật trong đó, nhưng tôi hoàn toàn không tin chúng là sự thật theo nghĩa mà một số người hiểu. Những câu này thường do những người tốt bụng dùng để nói vài điều chi đó mà họ nghĩ là có thể đem lại niềm an ủi. Điều đó không có tác dụng an ủi đối với tôi chút nào cả. Ví dụ như, mặc dù sự thật tuyệt đối là đường lối và cách suy nghĩ của Thiên Chúa thì vĩ đại vô hạn so với bất cứ những gì mà chúng ta có thể mơ tới hoặc tưởng tượng ra, nhưng nếu lôi cái đoạn I-sai-a 55 ra giữa cơn đau khổ của người khác thì thường có khuynh hướng đặt Thiên Chúa ra ngoài vòng bi kịch của nhân loại, như là một đấng thông-biết-mọi-sự nhưng lại là người bàng-quan-vô-cảm trước những khốn đốn trong cuộc đời chúng ta. Tuy thế, tôi nghĩ rằng một trong những mục đích lớn nhất của việc xuống thế làm người, của việc Thiên Chúa trở thành một con người như chúng ta qua Đức Giê-su Ki-tô, chính là vì Thiên Chúa muốn biểu lộ đường lối của Người, cách suy nghĩ của Người, muốn được loài người biết đến Người, nhất là trong những giây phút mà đôi khi chúng ta buông xuôi đầu hàng trước những nỗi tuyệt vọng cùng cực nhất. Cuộc đời, cuộc tử nạn, và sự phục sinh của Đức Giê-su chứng tỏ cho ta thấy là Thiên Chúa tự gắn mình với lịch sử nhân loại qua một cách mật thiết nhất trong tất cả mọi cách. Chúng ta không tin và không yêu mến một bản thể cao ngạo cứ luôn ẩn núp trong vòng huyền bí và rồi tự động biến mất tăm hơi vào những lúc chúng ta gặp khó khăn trên đường đời. Việc đầu thai xuống thế làm người chắc chắn cho ta thấy rằng Thiên Chúa thật tâm muốn tham dự vào cuộc phiêu du của loài người với tất cả mọi điều phức tạp và những nỗi đau khổ trong cuộc phiêu du đó.

Vì vậy tôi rất biết ơn tất cả những người đã viết thư cho tôi sau cái tai nạn xảy ra cho chị tôi. Họ đã đánh thức cho tôi biết chúng ta thường phải nghe những loại thần học dở òm ra sao, những loại thần học không quy hướng chúng ta về với Thiên Chúa trong những giây phút khốn khổ nhất trong đời ta. Những loại thần học đó biến chúng ta thành kẻ xa lạ. Loại thần học đó, trong cả một lúc lâu, đã khiến tôi trở thành kẻ xa lạ với niềm tin vào Thiên Chúa, đấng muốn chúng ta có một cuộc thảo luận về những điều phức tạp trong đề tài làm thế nào, và ở chỗ nào, mà Thiên Chúa linh thiêng lại có thể hiện hữu trong cái thế giới trần tục mong manh của chúng ta. Vậy sau đây tôi xin trình bày bảy bước dẫn đến sự bình an tâm hồn khi chúng ta bị thử thách cám dỗ và chúng ta đầu hàng cơn cám dỗ mà đặt câu hỏi rằng: “Thiên Chúa đang ở xó nào?”

1. Thiên Chúa không trực tiếp giáng xuống chúng ta những nỗi đau đớn, khổ sở, hay bệnh tật. Thiên Chúa không trừng phạt chúng ta.
2. Thiên Chúa không giáng xuống tai nạn để dạy cho chúng ta điều này điều nọ, mặc dù ta có thể học hỏi từ những tai nạn đó.
3. Thiên Chúa không chủ ý gây ra động đất, lụt lội, hạn hán, hay những thiên tai khác. Cầu nguyện là lời cầu xin Thiên Chúa biến đổi chúng ta để biến đổi thế giới.
4. Thánh ý Thiên Chúa thiên về tổng thể hơn là tiểu tiết.
5. Thiên Chúa không cần máu Đức Giê-su. Đức Giê-su không phải đến thế gian chỉ để “chết”, nhưng Thiên Chúa dùng cái chết của Đức Giê-su để tuyên bố kết thúc sự chết.
6. Thiên Chúa đã tạo dựng một thế giới dưới mức hoàn hảo, trong đó đau đớn, bệnh tật, khổ sở là những thực tế rõ ràng; nếu không thì, thế gian đã là thiên đàng. Một số những vấn đề này là do chúng ta tự tạo ra nhưng lại đổ lỗi cho Thiên Chúa.
7. Thiên Chúa không giết bỏ chúng ta.

No comments: