Tuesday 15 March 2011

Nữ giới và nữ quyền, một khoảng cách xa vời


Ngày Quốc Tế Phụ Nữ sẽ sinh động hơn nếu ta nhắm đến những vấn đề đúng đắn hơn.

Hôm nay là Ngày Quốc Tế Phụ Nữ và ở xứ Miệt Dưới này thì lễ lạc hầu như đã xong xuôi cả rồi. Sáng nay Nhật Báo New Zealand đã đăng một bài góp ý từ tờ báo The Observer của Anh để đánh dấu dịp lễ này. Như lời tác giả bài báo than phiền, mọi người (nhất là nam giới, những người vẫn chiếm đa số trong lực lượng truyền thông trên thế giới) nói chung đều có khuynh hướng hững hờ đối với ngày lễ hàng năm này nhằm trân trọng những thành quả phụ nữ đã đạt được, và hướng về những điều vẫn còn cần phải được thực hiện cho phái đẹp.

Tôi phải nói rằng tôi đã cảm thấy ngán ngẫm làm sao khi chợt nhớ ra hôm nay là ngày gì, ngay cả sau khi nhận ra rằng đây là dịp lễ lần thứ 100 và vì thế là dịp đặc biệt quan trọng. Cảm giác kế tiếp là mất cả kiên nhẫn. Sau hơn bốn thập niên với làn sóng thứ nhì của phong trào tranh đấu cho nữ quyền, phụ nữ ở những nước như nước tôi đã thật sự là những nữ chủ nhân của vận mạng của chính họ, và nếu như họ đang phải làm việc hai ca để sinh sống, hay phải đơn độc nuôi con, hay đang phải gánh chịu sự kỳ thị phái tính, thì rất có thể đó là do lỗi của chính họ. Phải, đúng là lỗi của họ.

Và rồi tôi cảm thấy tức giận. Phụ nữ đáng lẽ phải đem những giá trị đặc trưng của mình vào xã hội và biến đổi xã hội thành tốt đẹp hơn. Nhưng thay vào đó, trong quá nhiều trường hợp, chúng ta đã tự hạ giá bản thân mình, hạ cấp dục tính của mình, khiến cho con cái của chúng ta phải bị thiếu tình phụ tử và thiếu một đời sống gia đình đúng nghĩa, và chúng ta còn ngay cả chịu đồng thuận trong việc giết hại thai nhi như là một cách thức chôn vùi lỗi lầm của chính chúng ta. Nam giới đã không thể nào mà tách rời khỏi đời sống gia đình đến mức này nếu như chúng ta đã không cho phép họ.

Năm năm về trước ở New Zealand có 30 phần trăm các gia đình có trẻ em do các bà mẹ độc thân làm chủ. Con số đó bây giờ có lẽ còn cao hơn. Ở Hoa Kỳ vào năm 2008 số trẻ em được sinh ra ngoài vòng hôn nhân đã vượt qua mốc 40 phần trăm. Nhiều người trong số các bà mẹ này đang sống chung với các ông bố của các đứa trẻ, nhưng những mối quan hệ đó đã chứng tỏ là rất bấp bênh và rất có nguy cơ bị đổ vỡ. Sự tan vỡ này dẫn đến thiệt hại lớn lao cho những đứa con, đặc biệt là các bé gái, nếu nói theo kiểu của các nhà nữ quyền.

Phụ nữ đã chứng tỏ là họ có đầu óc -- hiện giờ họ đã vượt mặt nam giới về số lượng tốt nghiệp đại học ở các nước phát triển. Họ đã chứng minh là họ có khả năng làm đủ thứ loại công việc khó khăn khác nhau, và có thể độc lập về mặt tài chính. Những điều đó tốt lắm. Nhưng còn một điều mà họ chưa chứng minh được, đó là làm sao để kết hợp một cách thành công trình độ học vấn và khả năng tài chính của họ với một sự nghiệp chỉ dành riêng cho họ: sự nghiệp làm mẹ.

Sự nghiệp trọng yếu này vẫn còn là niềm ao ước của đại đa số phụ nữ -- hôn nhân cũng vậy, không có hôn nhân thì vai trò làm mẹ là một gánh nặng đối với người phụ nữ và là một sự thiếu thốn đối với đứa trẻ. Thế nhưng, như một nghiên cứu của Dự Án Hôn Nhân Toàn Quốc ở Hoa Kỳ đã cho thấy, sự thoái hóa của hôn nhân đã ăn sâu vào tầng lớp có học vấn trung bình trong xã hội. Có nhiều nguyên do cho việc này -- kinh tế, văn hóa và dân sự – nhưng một trong những nguyên do đó chắc hẳn là sự phản kháng của phong trào nữ quyền với hình ảnh gia đình như một định chế “nền tảng”, và việc phong trào nữ quyền cứ khăng khăng muốn phụ nữ sống cuộc sống độc lập suốt cả đời.

Chính vì những thái độ không tưởng này mà chúng ta vẫn còn cần phải có những bà Bộ Trưởng Bộ Phụ Nữ cùng với cả guồng máy hành chính của họ và những tổ chức chị em phụ nữ quốc tế cứ luôn đòi hỏi những chính sách bình đẳng giới tính, những cái chính sách cứ cho rằng vợ chồng -- hay hai người cùng chung sống -- đều phải nên làm đúng một nửa của những công việc nội trợ và chăm sóc con cái và đúng một nửa của việc đi làm kiếm tiền nuôi gia đình. Các cuộc nghiên cứu đã cho thấy đó không phải là điều mà các phụ nữ có con nhỏ mong muốn.

Nếu phụ nữ muốn có một sự lựa chọn được làm vợ và làm mẹ trong bất cứ chiều kích ý nghĩa nào mà không chỉ có tính cách tượng trưng, đã đến lúc cần phải dẹp bỏ những điều không tưởng này ra khỏi đầu óc họ. Tất cả những gì tốt đẹp mà phong trào nữ quyền nhắm đến thì đều đã được thực hiện cả rồi, và giờ đây là lúc dọn dẹp lại nhà cửa và bắt đầu sinh sống bình thường trở lại.

Nhưng còn các nước đang phát triển thì sao? Không phải phụ nữ ở những nước đó vẫn còn cần bà Michelle Bachelet và tổ chức Liên Hiệp Phụ Nữ Quốc Tế vừa được tân trang và đáng giá cả nửa tỷ đô la của bà hay sao? Sự thật là phụ nữ ở những nước nghèo vẫn còn bị thiệt thòi nhiều hơn so với nam giới trong những lãnh vực giáo dục, an toàn cá nhân và cơ hội kinh tế. Vẫn còn rất nhiều việc cần phải được thực hiện để có thể công nhận nhân phẩm bình đẳng và quyền lợi của phụ nữ, và để thể hiện những điều này một cách cụ thể.

Nhưng các nước đã phát triển, với sự hiểu biết cặn kẽ của họ về việc phẩm giá phụ nữ bao gồm những gì, và về những mối quan hệ làm nền tảng cho một xã hội lành mạnh, lại là những khuôn mẫu yếu kém. Bà Bachelet đã than phiền là những khoản tiền cần thiết cho công việc của bà không thấy đâu cả … Ừ tốt lắm. Bản thân tôi sẽ không giúp cho tổ chức Liên Hiệp Phụ Nữ Quốc Tế hay bất cứ những tổ chức nào của phụ nữ thêm một xu nào cả, cho đến khi nào những tổ chức đó có thể chứng minh rằng họ hiểu được tầm quan trọng của hôn nhân và làm mẹ. Theo đúng trình tự đó.

Khi nào chúng ta thấy có thêm vài tổ chức như vậy, thì đó mới là lúc để mừng ngày Quốc Tế Phụ Nữ với lòng hào hứng hơn.

_______________

Bản dịch của Cecilia Nguyễn Thị Mỹ Hạnh

Nguồn: Carolyn Moynihan, Between women and feminism, a yawning gap, MercatorNet 08/3/2011

No comments: