Saturday 6 March 2010

Gs Nguyễn Ngọc Lan: Mùa Chay-Mùa Vọng Phục Sinh.

Không phải đợi đến đêm rước lễ Phục Sinh, Hội thánh mới “Canh thức vượt qua” và “Vọng Phục Sinh”. Mùa Chay đúng nghĩa thực ra vẫn là 40 ngày canh thức vượt qua và là Mùa Vọng Phục Sinh.

Ăn chay, hãm mình, ăn năn, sám hối, tưởng niệm niềm đau nỗi chết của Chúa Yêsu trong cuộc tử nạn là những điều Hội thánh nhắc nhở, khuyến khích trong mùa Chay. Nhưng ngày nay, ăn chay còn được mấy ngày? Và, từ các ngôn sứ Cựu Ước, ‘ăn chay’ há không phải là xé lòng mình hơn là làm gì khác? Còn bây giờ thì một phần ba, một phần tư nhân loại vẫn thiếu đói, khi ngay trong hàng xóm nhiều người buổi sáng đi làm vẫn không có gì nhét vào bụng, Hội thánh kêu gọi chúng ta biết nhường hơn là nhịn và có nhịn là để nhường: chẳng hạn khả năng giúp đỡ - nói đúng hơn là san sẻ- của giáo hội Pháp cho các nước nghèo đói hay cần phát triển phần lớn tuỳ cả vào phần nhịn – nhường, đóng góp của giáo hữu Pháp vào mỗi mùa Chay. Một vài họ đạo ở tp HCM cũng đang biết làm như thế, nhịn – nhường, từ những Mùa Chay gần đây.

Ăn năn sám hối là cần thiết. Nhưng ăn năn sám hối để làm gì? Nếu chỉ để “sạch tội”, để rũ bỏ mặc cảm tội lỗi thì có lẽ chỉ cần một phương thức tâm lý trị liệu hay một liều thuốc an thần. Nhưng Lời Chúa Yêsu đã chỉ rõ đâu là ý nghĩa và ý hướng đích thực của ăn năn sám hối: “Thời buổi đã mãn và Nứoc Thiên Chúa đã gần bên! Hãy hối cải và tin vào Tin Mừng!” (Mc 1: 15). (Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Chay) Tưởng niệm niềm đau nối chết của Chúa Yêsu là cần thiết để thấu cảm chiều sâu của mầu nhiệm Nhập Thể, độ đậm của lòng mến “Thiên Chúa đã yêu mến thế gian như thế…” (Ga 3: 16) và “Không có lòng mến nào lớn hơn là thí mạng sống mình…” (Ga 15: 13) Nhưng, tưởng niệm thương khó-tử nạn chưa phải là điều chủ yếu của Mùa Chay. Sinh thời, Chúa Yêsu có báo thương khó đến ba lần, thì vẫn là để loan báo Tin Mừng: “và ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại” (Mt 16: 21; 17: 23; 20: 19).

Ngày nay, phụng vụ Mùa Chay cũng không ngừng loan báo Tin Mừng. ‘Mầu nhiệm Vượt qua’, ‘hình ảnh Con Chúa Phục Sinh’ lời nguyện làm phép tro). ‘Trên núi thành, bày tỏ vinh quang Ngài (…) Ngài đã cho các môn đệ hiểu rằng phải trải qua đau khổ mới có thể đạt tới vinh quang Phục Sinh (tiền tụng CN II Mùa Chay) ‘dịp thanh tẩy tâm hồn và hân hoan đón mừng các mầu nhiệm Vượt qua’ (Tiền tụng Mùa Chay I). “Sức mạnh của thập giá chứng tỏ rằng thế gian đã bị đóng đinh nay được sáng ngời” (tiền tụng Thương khó I). “Đã gần tới những ngày Đức Kitô chịu khổ hình để cứu độ và sống lại vinh quang…” (tiền tụng Thương khó II). Mùa Chay hay lúc nào khác trong năm thì Phụng vụ vẫn là xum họp xung quanh Chúa Kitô đã sống lại, “không còn chết nữa” (Rm 6: 4): người tín hữu không bao giờ còn phải “đi tìm Đấng Sống giữa những người chết” (Lc 24: 5). Canh thức Vượt qua, Vọng Phục Sinh mới cốt cách, tinh thần của cả Mùa Chay. “Mùa Chay nhằm chuẩn bị cử hành lễ Vượt Qua. Phụng vụ Mùa Chay giúp các dự tong và các tín hữu cử hành Mầu nhiệm Vượt qua” (Những quy luật tổng quát về Năm Phụng vụ và niên lịch, 27 sách lễ Rôma). Và nếu “trong Mùa Chay không được chưng bông trên bàn thờ và chỉ được dùng nhạc cụ để đệm hát mà thôi’ (Sách nghi thức Giám Mục) thì chẳng qua là để đêm Phục Sinh hoa như nở rộ thắm đẹp hơn trên bàn thờ và tiếng nhạc nổi lên vang dội hơn bao giờ hết trong năm phụng vụ. Lễ phục Mùa Chay có là mầu tím thì ngay giữa Mùa Chay vẫn có một Chủ Nhật…hồng.


Thứ Tư Lễ Tro

Khởi đầu Mùa Chay, ngay trong “Lễ Tro” (tên gọi phải nói là chẳng hay ho gì vì lấy cái phụ làm cái chính, cũng như “Lễ Lá”), nhà thờ đáng lý phải vang lên lời mời gọi “hãy hối cải và tin vào Tin Mừng” hơn là Phúc Âm buồn” (!!) (như theo ngôn ngữ của một nhà văn không Công giáo): “Hỡi ngừoi hãy nhớ mình là bụi tro và sẽ trở về tro bụi”, chấm hết, thì từ nhà thờ ra về có lẽ chỉ còn một việc đáng làm là tìm đến một thành cầu bên trên một dòng nước xoáy…

Nhưng ta ơn Chúa, sự thật mà Hội thánh muốn lòng tin đón nhận đâu phải vậy. Có phải “nhớ mình là tro bụi” đi chăng nữa thì vẫn là Tin Mừng: nhưng sẽ không phải trở về tro bụi mãi mãi: tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Chính nhờ Đức Kitô và như Đức Kitô đã vượt qua nỗi chết, đã sống lại. Nhận tro trên đầu mình, chúng ta càng thấm thía thân phận tội lỗi của mình thì lại càng phải thấm thía hơn nữa thế nào là “nếu ta chết làm một với Đức Kitô, thì ta tin rằng: ta cũng sẽ cùng sống với Ngài, bởi biết rằng: Đức Kitô sống lại từ cõi chết, không còn chết nữa, sự chết không còn bá chủ được Ngài nữa.” (Rm 6: 8-9)

Tro bụi không làm kẻ tin tối tăm mặt mũi được nữa. Nhận tro như thế mà có buột miệng kêu lên Hallêluyah! Hay bật người đứng dậy nhảy mừng, “hồn tôi hân hoan hân hoan mừng hát” thì cũng không phải là việc trái khuấy trước mặt Thiên Chúa, tuy dĩ nhiên là không hợp với thói quen… Dẫu sao trong lúc xức tro, nhà thờ có vang tiếng hát như “Con hãy nhớ rằng: Đức Yêsu Kitô…´của Hoàng Kim thì vẫn phù hợp và xây dựng cho lòng tin hơn là loại thánh ca buồn thê thiết như “hỡi người, hãy nhớ mình là bụi tro…”.

Ngày đầu Mùa Chay đã thế mà như trong phụng vụ năm B, các chủ nhật liên tiếp trong Mùa Chay – Mùa Vọng Phục Sinh – đều vang lên Tin Mừng Sống Lại:

Chủ Nhật II Mùa Chay: Mc 9: 2-10; Chúa biến hình trên núi như một thoáng – Phục Sinh – trước – Phục Sinh.
Chủ nhật III Mùa Chay: Ga 2; 13-25: dấu đền thờ tiên báo Phục Sinh.
Chủ Nhật IV Mùa Chay; Ga 3: 14-21: Con Người từ trời xuống sẽ “đuợc nhắc lên” vừa trên thập giá vừa bên hữu Thiên Chúa.
Chủ Nhật V Mùa Chay; Ga 12: 20-33: “Bây giờ hồn ta xao xuyến” nhưng cũng là “giờ đã đến, cho Con Người được tôn vinh.”

Chủ Nhật II Mùa Chay (Mc 9: 2-10)

“Sáu ngày sau”, một chi tiết chính xác như thế không còn thấy trong Mc, trừ ở tường thuật Thương Khó. Nhưng “sau” là sau biến cố nào thì lại không được nói rõ. “Chúa Yêsu đem theo mình Phêrô, Yacôbê và Yoan lên một núi cao.” Ba môn đệ này, đặc biệt đã được chứng kiến việc làm cho con gái ông Yairô, một viên trưởng hội đuờng sống lại (Mc 5: 37) và rồi đây cũng sẽ đặc biệt được Chúa đưa theo vào Ghétsêmani (Mc 14: 33) Từ thế kỷ IV, một truyền thuyết cho “núi cao” kia là núi Thabor, một phần vì liên tưởng tới thánh vịnh 89: 13. Nhưng chính truyền thống Tin Mừng thì không quan tâm tới nơi chốn. “Và Ngài đã biến hình trước mặt họ”: dung mạo Ngài hẳn đã chói sáng một cách siêu phàm như Ngài sẽ có luôn mãi sau khi sống lại. “Áo Ngài nên rạng ngời trắng tinh”, nét tả một sự kiện hiển nhiên, không phải là một thị kiến tưởng tượng mà thôi.

“Có Êlya hiện ra cho họ, cùng với Môsê”. Môsê và Êlya đại diện cho lề luật và các tiên tri. Họ có mặt để chứng thực Chúa Yêsu là Mêsia và đây có lẽ là ý nghĩa đầu tiên của trình thuật biến hình. Môsê và Êlya không liên hệ gì đến biến cố sống lại, cho nên khó còn có chỗ cho cách chú giải (như của Wellhausen, Loisy, Bultman, vv…) chỉ coi biến hình như một việc hiện hình sau sống lại được đưa lùi về lúc sinh thời của Chúa Yêsu. Phêrô vốn tính bộp chộp (như Mc 14: 29) vội tưởng đã đến lúc vinh quang Đấng Mêsia tỏ hiện, nên hớn hở dâng công: xin được dựng lều… thường trú. Một thoáng-thiên-đàng đã tưởng là thiên đàng. Nước Trời phải mở ra “cho đến mút cùng mặt đất” (Cv 1; 8) thì Phêrô đã tính cho “trụ” lại trên một đỉnh núi cao.

Nhưng, “một đám mây rợp bóng trên họ”. Trong Cựu Ước đây là hình thức biểu hiện của Thiên Chúa, vừa tỏ bày vừa che ẩn Thiên Chúa (Xh 16: 10; ; 19: 9; 24: 15; 33:9; Lv 16:2; Ds 11: 25; 1V 8: 10). Cũng là cách Thiên Chúa trả lời Phêrô: Thiên Chúa đã sẵn đám mây như thế làm nhà tạm, lều mà cũng là trướng phủ (2S 22: 12; Tv 18: 12). Và, từ đám mây vang ra một lời chủ yếu giống như lời phát ra tự trời khi Chúa Yêsu được Yoan thanh tẩy (Mc 1: 11): “Ngài là Con chí ái Ta, các ngươi hãy nghe Ngài!” Đối với các môn đệ, đó là lời Thiên Chúa y chuẩn cho tuyên tín Đức Yêsu là Mêsia. Tiếng tự đám mây mới là trọng tâm của biến cố.

Sau đó “duy chỉ có một mình Đức yêsu ở lại với họ”. Với dáng dấp “đời thường” của Ngài. Thoáng-thiên-đàng đã biến mất, chỉ còn lắng đọng trong tâm tư của họ tiếng phát ra tự đám mây. Và lời Chúa Yêsu căn dặn “không được thuật lại cho ai hay” , họ giữ thì giữ nhưng cứ nuốt không trôi khoản “trừ phi là Con Người đã sống lại từ cõi chết”, cũng như trước và sau biến hình vẫn không “tiếp thu” nổi ba lần báo Thương Khó: “họ vẫn tranh luận với nhau: ‘sống lại từ cõi chết là gì?’(Mc 9: 2-10)

Như vậy Đức Yêsu biến hình trên núi không hẳn là để trấn an, yên ủi gì các môn đồ. Biến hình có là một thoáng-phục-sinh-trước-Phục-sinh thì chỉ khiến Phêrô, Yacôbê và Yoan cón khó chấp nhận viễn tượng thương khó – tử nạn hơn các môn đồ khác. Trừ phi các ông… ngủ như ở Ghétsêmani (c 14: 37)

Con người vốn là sinh vật duy nhất ý thức mình sẽ chết và vừa biết mình phải chết, vừa không chấp nhận được cái chết. Lòng tin Chúa kitô đã sống lại và mình cũng sẽ được sống lại không hẳn sẽ miễn cho người tín hữu khỏi nỗi xao xuyến lo âu, khựng lại trước niềm đau và nỗi chết của mình, lòng tin ấy không phải là thuốc an thần, thuốc giảm đau. Trái lại, lịch sử tư tưởng nhân loại cho thấy không đâu bằng trong Kitô giáo, vấn đề khổ đau được đặt ra triệt để và ý thức cái chết là ý thức bi đát. Thánh Augustin, Pascal, Kierkegaard chẳng hạn. “Sống lại từ cõi chết là gì?” Chúng ta đối diện với khổ đau, với cái chết vẫn không tránh được câu hỏi bức xúc ấy. tại sao Chúa Kitô đã sống lại mà tôi còn phải tiếp tục cuộc thương khó của Chúa nơi thân mình tôi, trong đời tôi? Tại sao đã “bước đi trong đời sống mới” (Rm 6: 4) mà cứ còn phải chết? Cái chết càng không là lẽ đương nhiên (xem 1Tx 4: 17)

Xét cho cùng, vẫn là “môn đồ không lẽ hơn Thầy” (Mt 10: 24). Chính Đấng đã biến hình trên núi cao không phải vì thế mà được miễn khỏi Ghétsêmani. Đức yêsu không đi đến trước cái chết một cách khơi khơi. Chủ yếu Tin Mừng là Tin Mừng sống lại, nhưng các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm không ngại nói về thái độ của Chúa Yêsu trước cái chết khác hẳn cách Platon chẳng hạn nói về Socrate (Phédon)

Không ai “người’ cho bằng người đã từng “bực dọc tâm thần và xao xuyến cả mình´, “khóc” trước cái chết của kẻ khác (Ga 11: 33-35) rồi đến giờ phút ở Ghétsêmani, phải “kinh khủng và âu sầu’, “buồn phiền quá đỗi´ khi đối diện cái chết của chính mình. Cái chết đối với Ngài còn khó nuốt hơn đối với bất kỳ ai khác trên cõi đời này: “Abba Cha ơi, có thể làm mọi sự, xin cất chén này đi khỏi con…” (Mt 14: 33-36) là Thiên Chúa thật, nhưng không đâu bằng ở Ghétsêmani, Đức Yêsu chứng tỏ Ngài cũng thật là người. Và, ở trên thập giá khi lời Thánh vịnh 22: 2 được nghe vang lên trên đó: “Lạy Thiên Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi, vì sao người lại bỏ tôi? (Mc 15: 33)

Đến lượt mình, Kitô hữu có cắn răng trước cái chết của người thân, xao xuyến, âu sầu, thậm chí kinh hoảng trước cái chết của chính mình thì đều không hẳn là dấu hiệu của sự thiếu lòng tin. Tin đích thực phải chăng là cắn răng mà vẫn “hồn tôi hân hoan hân hoan mừng hát?” Và, tin đích thực phải chăng là trong nỗi cô đơn tận cùng của mình trước cái chết của mình, người tín hữu vì “đã chịu lấy Thần khí của hàng nghĩa tử, nhờ đó ta kêu lên; Abba, Cha ơi!” (Rm 8: 15) vẫn còn kêu lên được tiếng kêu cuối cùng qua hơi thở cuối cùng: “Lạy Cha, Con phó thác hồn Con trong tay Cha”. (Lc 23: 47)

Gs Nguyễn Ngọc Lan
2002

(xem thêm các bài cùng một dạng, xin mời vào:
www.suyniemloingai.blogspot.com
www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com )

No comments: