Friday 19 March 2010

Gs Nguyễn Ngọc Lan: Chủ Nhật V Mùa Chay


(Ga 12: 20-36)

Ga 12: 20-36, là diễn từ về ý nghĩa cuộc Thương Khó gần đến. Diễn từ hẳn còn gợi tóm và nối kết hai biến cố đã chỉ được các Tin Mừng Nhất Lãm kể lại chi tiết:

1. Cảnh kinh hoàng, âu sầu ở Ghetsêmani: “Bây giờ Tâm hồn Ta những xao xuyến!... Lạy Cha xin cứu con khỏi giờ này?... Lạy Cha, xin hãy tôn vinh Danh Cha!” (Ga 12: 27)

2. Cảnh Chúa Giêsu biến hình trên núi: “Bấy giờ có tiếng từ Trời đến: “Ta đã tôn vinh danh Ta và Ta lại sẽ tôn vinh!” Dân chúng đứng đó nghe vậy thì bảo đã phát ra một tiếng sấm…” (Ga 12: 28-29, xem lại Chủ Nhật II Mùa Chay: Mc 9: 2-10).

Gơi tóm và nối kết hai biến cố như thế cũng đã là một cách nói lên ý nghĩa cuộc Thương Khó: Vinh quang Thiên Chúa đã tỏ bày trong sứ vụ của Chúa Giêsu lâu nay, bây giờ sắp đạt đến chung kết và tột đỉnh trong sự chết – sống lại của Ngài.

Nhưng diễn từ về ý nghĩa thương khó ở đây còn đặc biệt nhấn mạnh về chiều kích đối với toàn thể dân ngoại. Chính trong lúc biệt phái bất đắc dĩ phải chứng kiến cảnh tượng “cả thế gian đã đi theo sau ông ấy” (Ga 12: 19) – thực sự “cả thế gian” mới chỉ là dân chúng Do Thái – thì có một nhóm người Hy Lạp đến tìm gặp Ngài. Đối với tác giả Tin Mừng, họ đại diện cho toàn thể dân ngoại trong thiên hạ. Họ không còn đi chầu lễ tại Yêrusalem như bình thường nữa, mà lần này họ mon men bắt đầu cuộc hành hương vĩ đại mà các tiên tri đã mường tượng thấy: muôn dân các nước tụ tập về chầu lễ tại đền thờ Yêrusalem là chính Chúa Yêsu (Ga 2: 19-22): xem lại Chủ Nhật II Mùa Chay). Việc những người Hy Lạp đến, là khung cảnh cho diễn từ nhấn mạnh tính cách phổ cập của sứ vụ Chúa Yêsu.

  1. “Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: giả như hạt lúc gieo xuống đất không chết đi thì nó trơ trụi một mình; nhưng nó chết đi, nó mới sai lắm quả” (Ga 12: 24). Hình ảnh hạt lúa gieo xuống đất không chỉ nói lên sự chết – sống lại của Chúa Yêsu như ở 1Cr 15: 3 (“Cái ngươi gieo có sống được không, nếu không chết đã…”) Ở đây, hình ảnh nhắc tới Bài Ca IV về Người Tôi Tớ (Is 52: 13-15; 53: 10-12) Chết – sống lại còn là không “trơ trọi một mình” nữa, chết để Sống lại mà sinh sôi nảy nở trong Hội thánh.

Trong một bối cảnh khác thuộc về các Tin Mừng Nhất Lãm, tức là trước sự ngờ vực, chê bai của nguời xung quanh về công việc rao giảng xem ra chẳng thấy kết quả của Ngài, Chúa Yêsu đã từng nói lên ví dụ Người Gieo Giống với một chủ ý tương tự: Hạt giống là chính Ngài phải đợi đuợc gieo trên đất tốt, vẫn là chính bản thân Ngài bị cày nát trong cuộc thương khó – tử nạn thì mới “đem lại ba mươi, sáu mươi, một trăm” (Mt 13: 1-9: xem lại ch. “Ngài lấy ví dụ…, tt.5011).

  1. “Và Ta, một khi Ta được giương cao khỏi đất, Ta sẽ kéo theo mọi người lại với Ta” (Ga 12: 32). Dân chúng đã hiểu về cái chết của Chúa Yêsu nên mới phải thắc mắc (Ga 12: 34). Còn Hội Thánh sơ khởi thì thường hiểu về việc Chúa Yêsu được nâng lên bên hữu Thiên Chúa. Trong tinh thần Tin Mừng theo Thánh Yoan thì vẫn vừa là “bị” vừa là “được” giương lên cao (xem tt. 165-167). Ga 3: 14; 15: 28 và ở đây chỉ khác nhau về hậu quả được hứa hẹn của việc bị-mà-được-giương-lên-cao thôi. Ở Ga 3: 14-15, là sự sống đời đời cho kẻ tin. Ở Ga 8: 28, là chân tướng, điạ vị đích thực của Chúa Yêsu sẽ được biết. Còn ở đây, là thu họp đông đảo mọi người lại với Chúa Yêsu để họ biết Ngài, tin và được sống đời. Thập giá, nơi và lúc Chúa Yêsu thất bại thê thảm nhất trước mắt thế gian, bị lột trần và “trắng tay” lại cũng chính là nơi và lúc Ngài thành công trọn vẹn và dứt khoát. Vinh quang Thiên Chúa được tỏ hiện. Danh Cha dược tôn vinh, mọi người được kéo lại với Chúa Yêsu.

“Giờ đã đến”. Tuyên ngôn này, đánh dấu chỗ ngoặt trong trình thuật Tin Mừng theo Thánh Yoan về cuộc đời Chúa Yêsu. Trước đó, các việc Ngài làm đều báo hiệu biến cố của “Giờ” : tẩy uế đền thờ, phép lạ chữa người bất toại ở Bêthsêđa (Ga 5: 1tt), phép lạ Bánh (Ga 6: 5tt), cho Lazarô sống lại (Ga 11: 1tt). Các diễn từ, đàm đạo đi sát với các phép lạ kia cũng hướng về đó: Nathael (1: 5tt), Nicôđêmô (3: 13tt), người phụ nữ Samari (4: 23tt), diễn từ về Bánh (6: 61tt), rồi Ga 7: 34. Tất cả đời Chúa Yêsu hướng đến “Giờ” . Giờ cuối cùng chính Cha đã định để mặc khải chân tướng và sứ mạng đích thực của Ngài. Nhưng trước đây là “Giờ chưa đến” ở tiệc cưới Cana (Ga 2: 4), “khi họ định bắt Ngài, nhưng chẳng ai tra tay trên Ngài” (Ga 7: 30) và ở một hoàn cảnh khác nữa, người ta lại phải nghe những lời chói tai họ “và không ai bắt Ngài” (Ga 8: 20). Còn bây giờ, “Giờ đã đến!” Rõ ràng thương khó – tử nạn là nội dung chính yếu của “Giờ” và cùng với Thương Khó – Tử Nạn là tôn vinh. “Giờ” là hạt lúc chết đi mà sai hoa lắm quả. “Giờ” là Chúa Yêsu vừa bị vừa được đưa lên, chết trên thập giá – sống lại bên hữu Chúa Cha.

Mùa Chay là Mùa Vọng Phục Sinh. Mùa đợi “Giờ”.

Không lạ gì ngày Thứ Sáu Thánh, ngay sau khi công bố tường thuật thương khó, Hội thánh tôn vinh thập giá và với lòng tin cậy hứng khởi, lạc quan tràn trề. Hội thánh dâng lời cầu nguyện cho từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, cho khắp bàn dân thiên hạ, không trừ một ai. Ngay trên thập giá hạt giống đang sai hoa lắm quả và Chúa Kitô đang kéo mọi người lại với Ngài.

Gs Nguyễn Ngọc Lan

2002

(Xem thêm các bài cùng một dạng, xin mời vào:

www.suyniemloingai.blogspot.com

www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com )

No comments: