Tuesday 2 March 2010

DUC IN ALTUM Số 69 - Quý 1/2010

GIA ĐÌNH AN PHONG –

CHI HỘI SYDNEY

HỌP MẶT MỪNG XUÂN

CANH DẦN

“ Đến Hẹn Lại Lên”. Mỗi năm gia đình An Phong – Chi Hội Sydney – có 2 buổi họp mặt chính thức. Một lần vào dịp Tết âm lịch và một lần vào lễ Cha Thánh An Phong. Thế nhưng có một việc làm xem ra thích thú đối với CHT NDLâm và CHP TNTá, đó là gửi thiệp mời nhắc nhở anh chị em. Sở dĩ nói là chuyện thích thú, vì rằng trong nhiệm kỳ 2 năm “vác thánh giá “ NDLâm tỏ ra rất sốt sắng và sáng tạo trong việc thực hiện thiệp mời càng ngày càng khởi sắc, đến độ có người đánh giá là không thua gì thiệp cưới.

Có lẽ nhờ thiệp mời gây “ ấn tượng “ mà thành viên chi hội đã có mặt khá đầy đủ, ngoại trừ một vài trường hợp bất đắc dĩ. Ngoài ra còn có sự hiện diện của một vài thân hữu và đặc biệt là gia đình anh chị Ngô Trí Thức - Hà, mặc dầu chính bản thân anh - thì chẳng đặng đừng - phải vắng mặt.

Như chuơng trình dự liệu, cũng tập hát chuẩn bị và sau đó là thánh lễ với nguời anh em MVThịnh đến từ Melbourne. Qua một bài chia sẻ ngắn gọn, anh Thịnh mời mọi người góp ý quanh chủ đề những THỬ THÁCH trong muà chay. Con nguời có nhiều cám dỗ. Thế nhưng không hẳn là cứ phải chống chọi, trái lại cứ đi vào cám dỗ, để thấy được sự mỏng dòn của kiếp người, và từ đó nhận ra HỒNG ÂN của Thiên Chúa. Nguời viết xin dè dặt “ phóng đại “ những gợi ý của anh Thịnh và nếu có hơi …. nổ.., thì hy vọng miểng cũng chẳng trúng ai.

Sau phần thánh lễ là những thông tin xa gần mà anh Thịnh muốn gửi đến mọi người có liên quan đến sự hợp tác về mặt nhân sự giữa 2 tỉnh Dòng Úc và Việt Nam với hoa quả đầu mùa là Phó Tế Tuấn Anh rất được các cha DCCT Úc yêu mến. Sau đó là phần tin tức của CHP TNTá mà theo “ văn mạch “ của họ Trần thì thường “ Thực – Hư “lẫn lộn. Thế nhưng, chuyện HƯ của ngày hôm nay – qua cửa miệng của TNTá – thì lại rất có thể là chuyện THỰC trong tương lai. Chính vì thế mà tin tức của họ Trần luôn luôn được mọi nguời đón nhận một cách trân trọng.

Sau đó là phần chúc TẾT của CHT NDLâm. Xem ra NDLâm càng ngày ăn nói càng có duyên, có lẽ chính vì thế mà anh PVChương – một thánh Mátthêu khai thuế, nhưng lại có tấm lòng bộc trực của thánh Phêrô – tuyên bố một câu “ xanh dờn “ là NDLâm xứng đáng làm CHT…….. suốt đời. Thât ra có một điều xin được tiết lộ với bà con, đó là trong thời gian vừa qua, NDLâm đã bị nhiều thử thách trong công việc. Xin một lời nguyện đặc biệt dành cho anh.

Theo như CHT cho biết thì sau phần ẩm thực – với những món ăn gia truyền của các gia đình - là phần Hái Lộc Đầu Xuân – với những món quà do anh chị em mang đến – và màn đấu giá. Được biết là kết quả thu được từ 2 sinh hoạt này sẽ được dành cho LM NMSang và LM LQUy . Có thể nói Hái Lộc Đầu Xuân là một tiết mục rất được thế hệ con cháu thích thú với giá 5 đồng 3 vé cộng thêm với 1 lời bảo đảm là vé nào cũng trúng. Chẳng thế mà mới buớc vào nhà bác Tá mà đã có cháu hỏi lúc nào thì bán vé. Còn đối với người lớn thì mặc dầu vẫn biết sẽ có những món quà thấy “quen quen“ hình như đã gặp đâu đó, thế nhưng cứ nhìn khuôn mặt hớn hở của các cháu là cũng đủ thấy mãn nguyện.

Cuối cùng là màn đấu giá với 7 món quà do anh chị em tặng. Thế nhưng điều muốn nói là nếu kiểm điểm lại nhân lực, thì xem ra trong chi hội chẳng có khuôn mặt nào xứng đáng là “đại gia“. Nếu có được gọi là “ĐẠI“ thì cũng chỉ là ….. đại độ hay đại lượng mà thôi. Do đó mà chai rượu XO của anh NKLinh đã bán được giá kỷ lục là 350 đô và người đấu giá được chai rượu này chính là chị Loan – bà xã của anh Dũng với sự hưởng ứng nồng nhiệt của chị Lan – thuộc ca đoàn Cabramatta. Xin dành cho Tam Nhân Bang một tràng pháo tay thật lớn.

Bên cạnh chương trình chính thức, thì cũng có một số chuyện bên lề cần được ghi lại. Như trước khi hái lộc đầu xuân, các cháu đã được hướng dẫn xếp hàng, chúc mừng năm mới cụ bà Đàm Quang Tính – thân mẫu của chị TNTá – năm nay đã 97 tuổi. Thế nhưng mỗi lần tổ chức họp mặt đầu năm tại nhà anh chị Tá, thì hầu như chưa bao giờ cụ bà vắng mặt. 1 chuyện bên lề khác đó là chưa bao giờ gia đình a/c Chương lại đến họp mặt trễ như lần này. Lý do là anh chị đã gặp tai nạn. Chiếc xe chỉ bị trầy chút ít và xe của “ đối phương “ cũng chỉ như ……….gãi ngứa, thế nhưng chuyện đời đâu có đơn giản, và dường như “đối phương” muốn lợi dụng kiếm chút cháo. Đến giờ này không biết nội vụ đã được giải quyết hay chưa. Và chuyện bên lề cuối cùng đó là cứ nhìn trên sắc mặt cũng đủ thấy sự lo âu của anh chị Dũng&Phụng, vì rằng chẳng còn bao lâu nữa là đến lễ cưới của trưởng nữ. Đây là đám cưới đầu tiên trong gia đình. Do đó đương nhiên là phải lo thôi, thế nhưng anh chị cứ yên tâm, có chi hội đứng sau lưng. Cần gì cứ cho biết ……chi hội luôn luôn sẵn sàng…. ứng chiến.

Cuối cùng buổi họp mặt đã chấm dứt trong tiếng cười nói với những hẹn hò sẽ gặp lại trong thời gian tới.

TÂU HÁ MỒM ghi nhanh.

NGƯỜI NỮ, HUYỀN NHIỆM CỦA TÌNH YÊU VÀ SỰ SỐNG

Trần Quốc Tuấn

"Nhưng khi thời viên mãn đến, Thiên Chúa đã sai Con của Người, SINH BỞI NGƯỜI NỮ, dưới quyền lề luật ngõ hầu ta chịu lấy quyền nghĩa tử" (Gal.4,4-5).

Người nữ đây không ai khác, chính là Đức Ma-ria, Mẹ của Con Thiên Chúa. Chúng ta không thể có một cái nhìn thấu đáo về Đức Maria nếu không chiêm ngắm bản chất của người nữ dưới ánh sáng của mầu nhiệm tạo dựng và cứu chuộc.

Nếu trong trật tự tạo thành, Thiên Chúa đã có thể tạo dựng nên người nữ chỉ trong thoáng chốc để có một tuyệt phẩm vô song nhưng để hoàn tất tuyệt phẩm ấy trong trật tự cứu chuộc thì Người đã phải cần tới một thời gian dài gấp bội, Người chỉ mới khởi sự công trình của mình nơi Eva và sẽ chỉ hoàn tất công trình đó nơi Maria, thôn nữ thành Nazareth.

DANH XƯNG NGƯỜI NỮ TRONG THÁNH SỬ

Giữa Eva và Ma-ria vốn tiềm ẩn một mối liên quan chặt chẽ không thể tách biệt về giòng tộc, danh xưng, ơn gọi và có thể về cả dáng hình nữa. Adam gọi Eva là "Người nữ" (woman) (Kng 2,2). Ngay sau khi sa ngã, loài người bắt đầu nghe nói tới một người nữ của lời hứa (Kng 3,15), các tiên tri tiếp tục loan báo về người nữ ấy trong mối liên hệ với một vị Mes-siah. Khi Đức Mes-siah ấy xuất hiện, giữa tiệc cưới Ca-na, cũng như từ trên thập giá Ngài đã gọi Ma-ria là "Người nữ" (woman). Giáo hội tiên khởi cũng đã nhận biết Maria chính là Người Nữ được nhắc tới trong cả hai sách Khởi Nguyên và Khải Huyền, là đối thủ không đội trời chung với con rắn (Kh 2,1-13). Có thể nói, Ngài là Alpha và Omega của lich sử và là kẻ thừa kế tất cả những gì tốt đẹp nhất, tinh tuyền nhất, trọn vẹn nhất, xuất phát từ Thiên Chúa nơi Eva, người nữ tiên khởi, trong tình trạng chưa nhiễm tội, từ đó Người có thể tiếp tục công trình dang dở của mình là hoàn tất công trình dang dở đó một cách tối hảo trong giới thần linh của mình.

"THIÊN CHÚA, MẦU NHIỆM CỦA SỰ SỐNG VÀ TÌNH YÊU

Thiên Chúa là Tình Yêu, Chính Tình Yêu đã tạo nên con người theo hình ảnh của mình, hình ảnh ấy tất nhiên phải là tình yêu; nói cách khác, con người là con cái của Tình Yêu. Thánh sử Yoan đã xác quyết điều này khi viết cho các tín hữu tiên khởi: "Phàm ai yêu mến thì đã được sinh ra bởi Thiên Chúa" (1 Yn 4,7). Tình Yêu đã sinh ra, đã tác tạo con người thế nào? Tình Yêu đã tạo nên họ là nam và nữ. Chính tính chất nam và nữ đó đã làm nên huyền nhiệm của tình yêu và sự sống.

VAI TRÒ CỦA NỮ TÍNH NƠI CON NGƯỜI

Là hình ảnh và cũng là phát ngôn viên của TÌNH YÊU, con người cần phải là nam và nữ để có thể diễn tả mọi khía cạnh của TÌNH YÊU đó; bởi vì TÌNH YÊU Thiên Chúa không thể là một thứ tình yêu đơn độc, tình yêu ấy là Ba Ngôi, là tình yêu mang tính cộng đồng, chính xác hơn cả là tình yêu của một gia đình; mặt khác, TÌNH YÊU viết hoa* kia mang nơi mình một sự sung mãn vô biên với những sắc thái khác biệt tưởng như mâu thuẫn...bởi nó vừa dũng mãnh vừa dịu dàng, vừa nóng bỏng vừa tươi mát,vừa thương xót bao dung vừa khắt khe công thẳng....,tất cả các sắc thái khác biệt của TÌNH YÊU đó sẽ được diễn tả qua tình yêu của người nam và người nữ, của những người cha và những người mẹ trần gian' chính qua trái tim của những người cha và những người mẹ đó mà Thiên Chúa muốn giãi bày tình yêu của người cho con cái loài người.

Nếu vai trò của người nam và người nữ hoàn toàn bình đẵng trong lãnh vực tình yêu thì nơi huyền nhiệm của sư sống, vai trò của người nữ xem ra có phần trổi vượt hơn rất nhiều.

Người nam vốn được coi như rường cột trong việc bảo vệ và duy trì đời sống của gia đình, họ được sinh ra với một sức mạnh dồi dào và một ý chí mạnh mẽ hơn người nữ; nhờ đụng chạm với thế giới bên ngoài, họ có nhiều kinh nghiệm về cuộc đời,biết đắn đo cân nhắc, đề phòng và không cả tin... Dưới mái ấm gia đình thì người nữ lại giữ một vai trò quan trọng hơn, họ là nội tướng, là linh hồn, là sợi giây liên kết giữa mọi người trong nhà...người nữ có khả năng thể hiện vai trò của mình một cách hoàn hảo nhờ có được chức năng làm mẹ.

ĐỊA VỊ TRỔI VƯỢT CỦA NGƯỜI NỮ

Trong công cuộc tạo dựng , con người được Thiên Chúa nhìn nhận là tạo vật tuyệt vời nhất, họ là những tạo vật Người tạo dựng nên cuối hết...Thiên Chúa thường hay gây ngạc nhiên và bất ngờ cho con người, ngay từ đầu, Người đã làm cho những kẻ cuối hết trở nên đầu hết, nhưng người nữ mới chính là kẻ thực sự cuối hết giữa những kẻ cuối hết! Công bằng mà xét, từ cát bụi vô nhiễm tội, Thiên Chúa đã tạo dựng nên người nam còn từ máu thịt vô nhiễm tội của người nam, Thiên Chúa mới tạo nên người nữ. So sánh chất liệu Thiên Chúa dùng cho việc tạo dựng Adam thì chất liệu Người dùng để tạo dưng nên Eva quả có giá trị lớn hơn nhiều, tinh tuý hơn nhiều..., cát bụi làm sao có thể sánh với máu thịt vô nhiễm được! Và thế là NGƯỜI NỮ đã xuất hiện trên sân khấu vũ trụ sau khi vũ trụ đó đã được trang bị thật hoàn hảo', đã có ai đó chờ đợi đón đưa; thiếu người nữ đó, tạo thành sẽ trở nên một công trình dang dở;bao lâu NGƯỜI NỮ chưa xuất hiện, Adam và toàn thể vũ trụ vẫn còn mãi ngóng đợi.

"KÌA BÀ NÀO đang tiến lên như rạng đông" (Dc 6,10). Đó là tiếng hò reo hoan hỉ của Adam và toàn cõi vũ trụ dành cho người nữ Eva vừa xuất hiện, Bà quả là một tạo vật vô song tuyệt mỹ và cao quí. Eva chính thực là chóp đỉnh của tạo thành với nét tinh hoa tuyệt xảo của Đấng Hoá Công. Cho đến hôm nay, con cái của người nữ vẫn phải nhìn nhận rằng phụ nữ là phái đẹp, cái đẹp bên ngoài biểu hiện cái đẹp bên trong, cái đẹp của tâm hồn và của trái tim.Người phụ nữ có cái khả năng của một nhà nghệ sĩ,biết nhìn ra tầm quan trọng của những chi tiết nhỏ trong một tác phẩm lớn, trái tim của họ thật bén nhậy trong việc cảm nhận được những gì đang xảy ra chung quanh (Yn 2,3).

THIÊN CHỨC LÀM MẸ, ĐỈNH CAO CỦA NỮ GIỚI

Ngoài nét đẹp đầy vẻ tinh tế được Thiên Chúa phú ban, người nữ còn được trao cái vinh dự lãnh nhận và chuyển thông sự sống, một chức năng cao cả nhất của một thụ tạo. Ngay từ khởi nguyên , Eva đã trở nên mẹ các sinh linh, bà trở nên chói chang như sao mai mọc giữa hư vô tăm tối, bà là vinh hiển cho Đấng tạo dựng, bà giống Người vì bà có thể sinh ra những tạo vật như Người đã tác tạo nên. Nếu bà chỉ là phụ tá của Adam trong việc quản trị tạo thành thì trong huyền nhiệm trao ban sự sống, Adam lại trở nên người phụ tá cho bà.

BI KỊCH CỦA NGƯỜI NỮ

Bản chất và vai trò của Eva là như thế. Ma quỉ tất nhiên đã nhìn thấy tất cả với nỗi ghen ghét tột độ. Nó quyết phá huỷ công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Vừa nhìn thấy Eva nó đã nhận ra ngay con đường nó phải đi lối nó phải vào, cánh cổng nó phải đập phá.

Đầy xảo quyệt, nó đã tìm đến với người nữ, tìm đến cái nhẹ nhàng thơ ngây nhưng cũng là cái yếu đuối, dại dột để thực hiện mưu mô đen tối của hoả ngục.

Trước sự phỉnh gạt của Sa-tan, Eva đã ngã gục, cánh hoa rực rỡ đầy hương sắc đã bị giông tố của thử thách mau chóng vùi dập, chóp đỉnh của công trình tạo dựng như toà tháp cao của Thiên Chúa trong phút chốc đã bị kẻ thù phá sập, Eva trước rồi Adm sau, kéo theo cảnh sụp đổ của toàn thể vũ trụ. Sau sa ngã ,tất cả chỉ còn là hoang tàn, đổ nát, người nữ phải chịu một trách nhiệm lớn trong sự đổ vỡ đầy kinh hoàng và chết chóc này. Đây cũng là lối suy nghĩ của Cựu Uớc..

Việc nhắc tới tội bất phục của bà Lot thành Sodoma cũng chỉ muốn làm thêm đậm nét khía cạnh này. Do lỡ lầm nghiêm trọng đó người nữ đã đánh mất tín nhiệm của mình nơi đồng loại, đã trở nên biểu tượng của một Israel bất trung sau này.Nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự chưa phải là hết, Người sẽ cho người nữ một cơ hội khác để chuộc lại lỗi lầm của mình. Trước cảnh đổ nát hoang tàn của tạo thành, Đấng Tạo dựng đã lập tức thực hiện kế hoạch cứu độ với hai phương án rõ rệt là chiến thắng, tiêu diệt kẻ thù và tái tạo lại nhân loại, vẫn qua vai trò của người nữ:

"Và Ya-vê Thiên Chúa phán với con rắn: Ta sẽ đặt mối thù giữa ngươi và người nữ, Giữa giòng giống ngươi và giòng giống nó. Giòng giống nó sẽ đạp đầu ngươi...” (Kng 3,15)

TÍNH CÁCH MỎNG DÒN CỦA NGƯỜI NỮ

Là những tạo vật tinh tế đầy nét kỷ xảo nhưng người nữ lại chính là nhũng tạo vật thật yếu đuôi mong manh, họ như những cánh hoa sặc sỡ đầy hương sắc nhưng rất dễ bị mưa to gió lớn vùi dập. Họ là những bình sành lọ đất nhưng lại chất chứa trong đó cả một kho báu; không đâu hơn nơi người nữ, người ta có thể thấy được cái bản sắc đích thật và rõ rệt nhất của nhân tính loài người cùng với sự chăm sóc lạ lùng của Thiên Chúa, Đấng chỉ muốn, chỉ tỏ ra yêu thích cái yếu hèn, cái nghèo nàn để tỏ lộ quyền năng và sự giàu có vô biên của Người, càng nghèo nàn càng trơ trụi bao nhiêu thì quyền năng và vinh quang của Người càng tỏ lộ bấy nhiêu; dường như Thiên Chúa không muốn con người tự mình che dấu hoặc tô điểm cho cái yếu hèn đó bằng những phương cách phàm nhân bởi sẽ chỉ tổ gây thêm những khó khăn cho Người trong việc làm đẹp cho nó...

Người sẽ phải tháo gỡ đi tất cả, tẩy sạch tất cả để sự nghèo hèn ấy được trở nên tuyệt đối tinh sạch trước khi bắt tay vào việc.

MARIA, NỮ TỲ KHIÊM HẠ VÀ KHÓ NGHÈO

MARIA chính là sự nghèo khó tinh trong Người muốn. Con người vốn tự nó là nghèo hèn vì Thiên Chúa đã tác tạo nó từ hư vô, nó không là gì cả trước khi hiện hữu, con người cần phải đón nhận sự thật ấy với lòng khiêm cung sâu thẳm như cung cách Đức Maria đã làm, còn việc mặc cho có vẻ cao sang lộng lẫy là việc của Thiên Chúa, chỉ có Người mới có thể làm được việc đó bởi chỉ có cái đẹp thần linh mới có thể cứu vớt và đem lại cho nó cái đẹp đích thật và vĩnh cửu. Thế gian chẳng thể hiểu thấu được những giá trị lớn lao của phận nghèo khó tinh trong nên đã bao đời nẩy sinh thói trọng nam khinh nữ. Thiên Chúa thì lại không như thế,

"những điều thế gian cho là tiện, là không đáng kể thì Người lại chọn những điều không không để huỷ ra không những điều có ngõ hầu không xác phàm nào dám vinh vang trước mặt Thiên Chúa"(1Co 1, 28-29) ...

Tạo dựng con người như thế, Người muốn nó tránh được hay ít nhất cũng giảm được cái tội kiêu ngạo mà nhiều thiên thần khi xưa đã phạm phải, Người muốn nó luôn nhìn thấy cái khởi điểm nghèo nàn của mình trước khi mặc cho nó vẻ lộng lẫy cao sang của Người..vì thế linh đạo truyền thống của các thánh luôn coi đức khiêm nhường là nền móng của toà nhà nhân đức, nền móng đó càng sâu thì toà nhân đức càng cao..

Maria cao đẹp vô song vì Mẹ đầy nhân đức, Mẹ đầy nhân đức vì mẹ khiêm tốn tột cùng, mẹ khiêm tốn tột cùng vì Mẹ luôn nhìn thấy thân phận nghèo hèn và tính cách hư vô của mình.

MA-RIA, NGƯỜI NỮ CỦA LỜI HỨA

Thật vậy, chỉ bằng sức yếu hèn của người nữ, Thiên Chúa sẽ gây ô nhục lớn lao cho ma quỉ và đánh bại chúng sau này. Suốt chiều dài của lịch sử Israel, lời hứa đó đã không ngừng được nhắc tới như muốn thắp lên ngọn lửa hy vọng của cả loài người đang rên siết dưới ách thống trị tàn ác của Hoả Ngục. Lời hứa được gợi lên đôi khi một cách xa xôi, bóng gió mang tính cách bí ẩn... nhưng đầy vẻ cương quyết. Trong tuyệt vọng, Sa-ra đã sinh Isaac như dấu chỉ quyền năng cứu độ của Đấng đã ban lời hứa xưa.I-sa-ac chính là tiếng cười của nhân loại sẽ được cứu độ trong tương lai.

Việc I-sa-ac vác củi theo cha lên núi còn minh hoạ rõ nét cách thức Thiên Chúa sẽ cứu thoát nhân loại cách nào. Rồi đến thời I-saia, trong cơn tuyệt vọng của Israel trước cảnh vận nước ngả nghiêng, Thiên Chúa lại lên tiếng làm bùng lên ngọn lửa hy vọng đang hòng tắt nơi dân người:

"Này NỮ TRINH sẽ thụ thai và sinh con trai Và bà sẽ gọi tên con là Emmanuel" (Is7,14)

Những hình ảnh về một nhân vật nữ luôn thấp thoáng khi ẩn khi hiên qua các nhân vật như Judith, Esther.., những danh xưng lạ tai như "Thiếu nữ Sion", "Hoàng Hậu" (Tv 45,10-16) và nhất là nơi dung mạo bí ẩn của một "bóng hồng" đầy sức quyến rũ bỗng nổi bật trong sách Diệu Ca đã phác hoạ một nhân vật nữ sẽ xuất hiện trong tương lai. Vị Nữ Lưu đó không thể là ai khác ngoài Đức Ma-ria.

MARIA, NGƯỜI NỮ TRÊN HẾT CÁC NGƯỜI NỮ

Đức Ma-ria, vô nhiễm nguyên tội, là Eva mới, là NGƯỜI NỮ viết hoa* kẻ mang trong mình không những chỉ là thứ hạt giống nhân loại nhưng còn là hạt giống sự sống thần linh vì hoa trái của lòng dạ trinh nữ là chính Con Thiên chúa hằng sống trong xác phàm. Loài người ,lại một lần nữa, đươc tiếp nhận một Eva mới và một Adam mới tuy có khác xưa là lần này, Thiên Chúa tác tạo Eva trước , rồi từ xương thịt vô nhiễm tội của Eva, Người mới tác tạo nên Adam. Nhìn Adam-Hài nhi nằm trong máng cỏ, Eva đã phải thốt lên:

"Này là xương bởi xương tôi và thịt bởi thit tôi." (Kng 2,23)

Kỳ diệu thay, xương thịt của Con Thiên Chúa lại chính là xương thịt của một thụ tạo để cả hai trở thành những công trình tuyệt hảo vô song tràn đầy ân sủng giữa một vũ trụ nhơ uế, tội lỗi, nhưng khác hẳn khi xưa, vị Eva mới này sẽ thể hiện trọn vẹn và trọn hảo lệnh truyền của Thiên Chúa qua lời thưa Xin Vâng vào ngày sứ thần Gabriel truyền tin (Lc 1,38). Lệnh truyền ấy, Ma-ria đã thực hiện trong khiêm tốn sâu thẳm với tư cách là phụ tá cho Adam mới cũng như là Mẹ của cả loài người ,Ma-ria đã trở nên Mẹ Nhân Loại nhờ vào hiệu lực của"lời truyền phép' của Đấng Cứu Chưộc: "Này là con Bà" và "này là mẹ con" (Yn 19,26), không có "lời truyền phép" thông ban Thần Khí Nghĩa tử bởi người con thần nhân này ban cho, ai nào có thể trở nên con cái đích thực của Cha và Mẹ người được?

Đứng bên cây thập giá là cây sự sống mới, Eva mới đã cùng với Adam mới đang còn bị treo trên đó ... đã chiến thắng Kẻ Thù truyền kiếp của Thiên Chúa và của loài người, họ đã đánh bại được Con Rắn thủa nào chỉ với cái quyết tâm hết lòng vâng phục Thiên Chúa trong yêu mến và khiêm hạ. Eva mới, NGƯỜI NỮ viết hoa*đã gây nên mối ô nhục lớn lao cho quỉ dữ tột bậc kiêu căng, qua đó Thiên Chúa đã trả lại cho nó điều xứng với việc nó đã làm. Từ đây, Ma-ria đã trở nên vị thống lãnh đạo binh trong cuộc chiến chống lại Hoả Ngục, Ngài và giòng dõi của ngài sẽ đạp đầu và tiêu diệt chúng. Điều đó đã , đang và sẽ trở thành hiện thực bởi Lời Hứa khi xưa đã nên thành tựu rồi, điều con người chờ đợi hôm nay chính là cái chiến thắng chung cuộc, và như thế, trong sự nghiệp đồng công cứu chuộc loài người với Đức Ki-Tô, không như Eva xưa đã mở cửa để sự tội và sự chết lọt vào trần gian, Ma-ria đã trở nên cửa ngõ mở ra cho Sự Sống thần linh ùa vào qua chính thân xác mình để Sự Sống đó như nước, cũng sẽ tẩy uế cả tạo thành này và ban lại cho nó sự sống đã mất, một cách dồi dào gấp bội.

Nếu Đức Ki-Tô là Con Đường để con người đến được với Thiên Chúa Cha thì Ma-ria cũng chính là con đường Thiên Chúa đã dùng để đến với con người. Nhờ vai trò đó, Người nữ trên hết mọi người nữ này đã thể hiện đươc một sứ mạng hết sức cao cả, hết sức lạ lùng là trở nên chiếc cầu nối giữa Trời và Đất, giữa Đấng Tạo Hoá với các thụ tạo giữa quyền năng và yếu hèn...

Ma-ria đích thực là Đấng Trung gian giữa Thiên Chúa và con người vào thời điểm đen tối nhất của lịch sử cứu độ, thời điểm mà con người đã xuống đến tận cùng của những thống khổ do tội bất trung của tổ tông loài người và con cháu gây nên. Nhờ Người Nữ này,Thiên Chúa đã đích thân đến với con người, trong xác thịt, vực nó dậy như lời đã hứa để mưu cuộc toàn thắng vĩnh viễn. Tóm lại, qua Đức Ma-ria và chỉ qua Ngài, Thiên Chúa đã không những chỉ tái tạo lại những gì cao quí nhất mà người nữ đã để mất đi do lỗi lầm của mình nhưng còn nâng tạo vật mỏng manh, yếu hèn này lên một địa vị cao cả ngoài sức tưởng tượng của cả loài người và các thiên thần là đặt Ngài làm Mẹ Thiên Chúa và mẹ của cả loài người. Không nơi nào khác ngoài Mẹ Ma-ria, con người có thể chiêm ngắm không biết mệt mỏi những gì là cao sâu ,rộng dài đến vô hạn trong huyền nhiệm của Tình yêu và Sự Sống vậy.

Trần Quốc Tuấn



Oregon 12/2009



Gia đình An Phong Sydney

hiệp thông cùng

đại gia đình

Bác Nguyễn Anh Cung,

xin kính chào tiễn biệt

cụ Têrêxa Trần Thị Mỹ

nhạc mẫu của bác Cung

đã về nhà Cha

lúc 5.30 sáng

Thứ Năm 18/2/2010

thọ 93 tuổi.

Cầu Chúa chúc lành

và hộ phù

cho con cháu nội ngoại

trong đại gia đình của bác

được an bình lành thánh

hạnh phúc

____

Gia đình An Phong Sydney

hợp lòng cảm thông

thân thương

cùng gia đình

anh chị Trần Ngọc Tá

về tình tự mất mát

người anh cả

là anh Giuse Trần Văn Lộc

đã ra đi về cùng Cha

từ San Jose, Hoa Kỳ

thọ 90 tuổi.

Nguyện cầu Chúa

chúc lành hộ phù

gia đình anh Trần Ngọc Tá

và đại gia đình

anh Trần Văn Lộc

ở Hoa Kỳ

luôn cùng nhau

hiệp thông chốn Nước Trời

“Sắp xếp lại mọi sự”

Thật khó biết, là làm sao mà môn đồ Chúa không nắm được vấn đề khi Chúa kể cho các thánh nghe những việc xảy đến, với Ngài. Chúa tỏ lộ cho các thánh bằng ngôn ngữ giản đơn Ngài chọn. Ngôn ngữ Ngài dùng, biểu lộ cho thấy giới cầm quyền thời ấy sẽ đưa Ngài vào dần với cõi chết. Chính vì những hạn chế của ngôn ngữ, nên môn đồ Chúa lại cứ tưởng rằng nỗi thống khổ Ngài chịu, chỉ là một biến cố khác thường như truyện “Sự kiện hàng năm của trai trẻ”, trong đó có những sự kiện lớn xảy đến với người thân, thế thôi.

Biến cố khác thường trong đời, vẫn thôi thúc con người hành động. Hành động, là hành xử một cách linh động cả vào lúc mọi sự trở nên tồi tệ. Ở đây, trong tình huống khác lạ này, Chúa gọi một em nhỏ, tức nhân vật rất mỏng dòn, dễ tổn thương trong xã hội đầy bon chen, để dạy cho môn đồ Ngài về hành vi chăm lo những người bé bỏng, sống chung quanh. Ngài dùng hình ảnh của các em nhỏ, dùng nó như bài dạy về quyền uy con người vẫn có đó, chốn gian trần.

Quyền uy dũng mãnh, cộng thêm nạn bè phái liên kết với sang giàu vẫn còn đó, thế giới nay đang lao vào nơi chốn của những uy lực lôi cuốn, khuyến dụ. Với Vương Quốc Nước Trời, trọng tâm ưu tư của thế giới phải là phục vụ người bé bỏng, nghèo hèn. Trên thực tế, hôm nay, nhiều người chỉ say mê danh vọng, tiền tài và quyền thế, cả trong Giáo hội, cũng như ở đời thường. Cuốn hút của cuộc đời, luôn là sự kiện rất thực. Ta phải thường xuyên để cao cảnh giác. Thường xuyên, tự vấn lương tâm mà thẩm định xem nguyên do từ đâu đến. Hệ lụy nào, thôi thúc mọi người hành xử. Thường xuyên tự hỏi: sao ta lại làm thế? Việc mình làm có phải để đỡ nâng những người em thân cô thế cô, rất bé bỏng?

Trình thuật hôm nay, đem đến cho người đọc đôi cảm giác mông lung, rất phiền lòng. Mông lung mà tự nhủ: chắc rằng thánh sử Mác-cô cũng mặc lấy văn phong, thể loại của một ngôn sứ? Vì, thánh nhân biết nối kết sự thống khổ của Chúa, với thân phận bèo bọt, của những người em bé bỏng, mỏng dòn, vào thời Ngài. Phiền lòng, là bởi cho đến hôm nay, vẫn còn không ít các đấng bậc chưa quyết tâm nghe theo lời dặn của Chúa, trong cư xử với những người bé bỏng, rất thấp hèn.

Đành rằng, luật pháp đời thường vẫn thôi thúc, ràng buộc các đấng luôn phải thận trọng, khi giao tiếp với những người em bé bỏng ấy. Thận trọng, hầu tránh mọi lạm dụng xảy đến khi sờ chạm thể xác, lúc ôm bé em vào lòng. Dẫu sao, cũng phải công nhận là giáo hội hiện đang ở vào thời điểm “mông lung” để phải “sắp đặt lại” mọi sự, cho chính đáng. Đây là thời buổi ta cần nhắc nhở thành viên nhớ đến nỗi thống khổ của những người em thấp cổ bé họng, đang mang tâm trạng phiền lòng. Tựa như quan niệm của người Do Thái khi xưa: nếu bạn quên đi những người em thấp cổ bé họng nơi lò thiêu người còn sống khi xưa, có khác nào bạn cũng phạm tội giết người, như họ.

Trong chừng mực nào đó, có lẽ ta vẫn trông ngóng thời điểm “sắp đặt lại” kia sẽ diễn ra ở cuối trình thuật thánh Mác-cô. Và hôm nay, ở cuối trình thuật này, Đức Giê-su chỉ vào bé em, mà tuyên bố:“Ai đón tiếp em bé này là đón tiếp Thầy”. Trớ trêu thay, chỉ vài tin liệu nho nhỏ thôi, cũng có thể đảo lộn việc “sắp đặt lại mọi sự” trong cung cách đọc thánh kinh. Hoặc, đảo lộn cả quan niệm sống với “văn phong”, “thể loại”, Ngài đã dạy. Ta thừa hiểu, trong các tư liệu viết cùng thời với Thánh Kinh Tân Ước, đã cho thấy: thân phận của những người thấp cổ bé họng, như bé em ở Pa-lét-tin hồi đầu thế kỷ, cũng chẳng khá hơn loài thú, là bao. Các người em thấp bé ấy, chẳng có được quyền hành nào cả. Thời xưa, ở Do Thái các người em thấp hèn đó, chỉ là vật sở hữu của cha sinh mẹ đẻ, ra mình. Nghĩa là, các em có thể bị đem ra mua đi bán lại, chẳng khác gì người nô lệ, không hơn không kém. Các em bé vẫn bị bóc lột, bị xâm phạm, hoặc đem đi hành quyết mà chẳng được luật pháp nào bênh vực, cả về luật Đạo lẫn thói đời.

Về với xã hội Do Thái thời đầu, chỉ có bậc cha mẹ mới được phép ôm bé em, vào lòng. Duy nhất, chỉ có cha mẹ ruột thịt, mới được phép sờ chạm da thịt của con cái, trước mặt quần chúng. Nơi không gian rất thực này, Đức Giêsu đã gọi bé em đến, ôm bé vào lòng, trước mặt quần chúng. Như thế, đã là một thách thức không nhỏ, với luật đời. Đi xa hơn, khi ôm ấp các bé em (tức những người thấp cổ bé họng) vào lòng, Đức Giê-su đã công khai bày tỏ: các em không còn là sở hữu của riêng ai, nữa. Từ nay, tất cả các bé em, những người thấp hèn trong xã hội, đã trở thành quà tặng Chúa gửi đến, với hết mọi người. Nơi Vương Quốc của Ngài, tức gia đình “rất thực” rộng lớn, các em được công nhận có đủ phẩm cách, như người lớn. Không có gì phải lo lắng. Ưu tư. Bực bõ.

Phúc âm hôm nay cho thấy, hết thảy mọi người đều phải được quan tâm, kính trọng. Chí ít, là các người em bé bỏng chân phương. Thấp hèn. Những bé em gặp nhiều gian khổ. Dễ tổn thương. Vì quá thấp hèn và mỏng dòn, nên phải có những người biết đem hết tài năng, vật lực ra mà yêu thương. Phục vụ người em ấy. Những người thấp cổ bé họng ấy. Phục vụ, để cho thế giới nơi gian trần, sẽ trở nên “chân trời” được “sắp đặt lại”, cho tốt hơn.

Khi xưa, trước mặt quần chúng, nơi phố chợ Ga-li-lê, Đức Giê-su đã dám “sắp đặt lại mọi sự” của thế giới rất thực bên ngoài, bằng việc gọi bé em đến. Và, ôm em vào lòng. Thì hôm nay, chắc chắn Ngài cũng sẽ lập lại cử chỉ thân thương ấy, để xoay chuyển thế giới đương đại. Để, thế giới này không còn những cảnh thương đau. Tồi tệ nữa. Ngài lật đổ, mọi giá trị và biến cải mọi sự thành Nước Trời rất thực. Ở nơi đó, mọi người biết thương nhau như Ngài đã dạy hãy yêu thương các bé em. Những người thấp cổ bé họng. Dễ thương tổn. Ở đời.

Richard Leonard sj

Bàn về sống lành mạnh tuổi hưu (3)



Mễ Duy



Ăn làm sao?



Xưa ở quê nhà, lúc tôi còn nhỏ, thường nghe người lớn nói: " ăn đã vậy, làm làm sao?". Bây giờ tôi tạm hiểu rằng câu nói này so sánh việc ăn uống với làm lụng, cho rằng việc ăn uống thì dễ thực hiện hơn, còn sắp xếp và ra tay làm công việc đồng áng sao cho đạt thành quả là được mùa mới là khó. Tuy nhiên hai chữ «đã vậy» trong câu nói trên, cho thấy ở nhà quê miền Bắc thời xưa kiếm cho ra ba bữa ăn mỗi ngày cách đều đặn cũng không phải là mối bận tâm nhỏ. Nhưng biết đâu đây cũng là một yếu tố giúp ích cho sức khoẻ vì ép người nông dân ăn uống chừng mực, thêm vào với sự kiện thức ăn thời đó có phẩm chất dinh dưỡng hơn thức ăn thời đại bây giờ. Thời đại bây giờ, ở những nước kinh tế đã hay đang trên đà phát triển , việc kiếm ra thực phẩm không còn là mối bận tâm, miễn là có lợi tức đủ sống. Xem ra điều này là một tiến bộ, nhưng chỉ là đứng về phương diện cung cấp thực phẩm chứ nếu đặt vấn đề dinh dưỡng, ăn uống để có được sức khoẻ lâu bền, thì lại là chuyện khác.



Đọc những trang đầu của bộ Kinh Thánh Công giáo, tôi nhận thấy rằng các cụ tổ loài người thời sơ thủy sống thật lâu , sơ sơ cũng thọ đến tám, chín trăm năm; hơn trăm tuổi mới sinh con đầu lòng. Còn bây giờ bốn mươi, năm mươi đã suy nhược, bệnh này bệnh kia. Nếu sống đến chín mươi, hay trăm tuổi thì con cái đã hãnh diện, còn nếu sáu mươi, bẩy mươi mà từ trần thì trong cáo phó, người nhà cũng không ngại dùng hai chữ «hưởng thọ». Thật chăng? Nghĩ mà mắc cỡ cho cái văn minh tiến bộ, không biết bảo vệ, bảo tồn sự sống. Thật là một thực tại thảm bại, dễ hiểu nhưng khó nói vì sẽ đụng chạm tứ phía.

Một số học giả trong đó có cả bác sĩ giáo sư đại học đề xướng một đường hướng mà tôi gọi là đường hướng dinh dưỡng để trị bệnh, bất cứ bệnh gì, không dựa vào thuốc ( vô dụng ) và để có một sức khoẻ theo đúng nghĩa. Tôi đang áp dụng đường hướng này, cũng đang ở trong những bước đầu, cũng còn vấp ngã, còn cần kiên trì, nhẫn nại, nhưng cứ viết ra vì bao lâu chưa viết về đề tài này thì tôi còn cảm thấy còn nợ đời một món chưa trả. Trong những sách tôi đã đọc về đường hướng này, nổi bật nhất là việc thay đổi thức ăn, sau đó là cách thức ăn. Tuy nhiên để tránh theo cái thứ tự trừu tượng như vậy, kỳ này tôi bàn về cách thức ăn, về sự điều độ, nhưng không cổ võ khuyên răn mà chỉ chứng minh đây là một sự tự nhiên dễ làm.



Ai có chút hiểu biết về bản thân mình, thì hiểu rằng không thể tách cái phần tâm thần ra khỏi phần cơ thể trong con người, chúng quyện lẫn chặt chẽ vào nhau. Chẳng hạn như ăn, xem ra là một hành động của cơ thể, nhưng trong lúc ăn, tâm thần cần phải được bình an, trí tuệ cần phải được thảnh thơi, mới ngon miệng, mới tiêu hóa được. Bình an trong lòng là sự vắng bóng của những cảm xúc gây xáo trộn, như lo lắng, buồn phiền, buồn bực, tức giận... Ngay đến vui quá cũng không ăn được. Khi gặp cơn khủng hoảng hay phải đối phó với một hoàn cảnh khác thường, chức năng tiêu hoá ngừng, dành năng lượng thần kinh vào việc suy xét, tìm hiểu hay cầu nguyện. Chúa Cứu Thế trước khi khởi sự công cuộc rao giảng, nhịn đói bốn mươi ngày. Thánh An Phong sáng lập dòng Chúa Cứu Thế, sau vụ thua kiện chua cay, nhịn đói ba ngày liền mới tìm ra ý nghĩa của sự việc và nhận ơn gọi rao giảng Tin Mừng Cứu Chuộc cho người nghèo. Các bậc tu hành, học giả...cũng ăn uống giản dị, điều độ để giữ gìn năng lượng trí óc vào những hoạt động tinh thần. Trong một dịp dùng cơm chùa ( theo nghĩa đen) , vị sư trụ trì giải thích cho vợ chồng tôi biết kể từ giờ ngọ ông ta không ăn uống gì nữa cho đến ngày hôm sau. Dĩ nhiên, ông giữ như thế là vì lý do tôn giáo, nhưng cứ xét về mặt dinh dưỡng, như vậy cũng thật ích lợi vì giúp giữ gìn, duy trì, khả năng tiêu hóa, sức lực thần kinh, với kết quả tốt là tránh được bệnh.



Tâm thần phải được an bình đã thế, mà cơ thể cũng cần phải được khoẻ khoắn, thoải mái, mới ăn. Nếu như còn đang mệt, còn đang dơ bẩn quá mức, nếu như phải ăn lè lẹ sau đó còn phải làm việc tay chân nặng nhọc, thì quả tình không nên ăn, hoặc chỉ nên ăn nhẹ.



Trên đây là những điều phần đông ai cũng dễ chấp nhận vì đã lãnh hội qua kinh nghiệm hay học hỏi. Dẫu vậy, bình an trong tâm thần hay thảnh thơi về cơ thể cũng chưa đủ là những điều kiện để ăn cách hữu ích cho sức khoẻ. Còn cần phải thực sự đói mới ăn. Thực sự đói là trạng thái bộ máy tiêu hóa ở trong thế sẵn sàng đón tiếp một bửa ăn mới. Trong cuốn sách về nhịn ăn, H.M. Shelton viết nguyên một chương về đói thực là gì. Đọc kỹ chương này mà thôi chứ không nói đến đọc trọn cuốn sách, độc giả cũng hiểu đủ để mà có thể phân biệt được đâu là đói giả đâu là đói thực. Đói giả là những triệu chứng do tình trạng thiếu sức khoẻ gây ra, như đau đầu, xây xẩm, mất sức, buồn ngủ, muốn xỉu, hay cồn cào dưới bụng, xình bụng... Khi những cơn khó chịu, đau đớn đó xảy đến, người bệnh dễ lầm tưởng đó là cơn đói đã đến, và nghĩ rằng mình phải ăn ngay để hết bệnh. Thực ra làm thế là vì đã lầm lẫn đau đớn với bệnh. Là vì quýnh quáng chỉ muốn trốn thoát khỏi cơn đau. Những lúc như vậy mà ăn vào thì cơn đau tạm thời giảm, nhưng bệnh sẽ gia tăng, ngược lại nếu chấp nhận cơn đau, chịu đựng, mà không ăn (cũng không uống thuốc gì) thì cơn đau tự nó sẽ dịu lại cho đến khi êm thấm trong người, là cơn đói thực, là lúc nên ăn.



Phần tôi, lúc tôi bốn mươi tuổi, sau cuộc liều lĩnh nhịn ăn mười ngày tại nhà không có sự theo dõi của một người am tường, sau đó tôi còn phải trải qua một thời kỳ chịu đựng những cơn đau vô cùng trong bụng, những cơn đau cho tôi cái cảm giác có những sinh vật đang cắn đứt, đang rỉa nát khúc ruột dưới bụng. Đặc biệt tôi nhớ những cơn đau khủng khiếp mà tôi chịu được trong các giờ chầu Mình Thánh Chúa, những ngày ở thánh địa Lộ Đức. Tôi tin là nếu không có MTC trước mặt thì tôi đã không tài nào tự sức mình chịu đựng nổi. Nhiều năm sau này, cũng có một thời kỳ vì việc làm mệt óc, tôi đành bỏ bữa trưa để tránh mệt, nặng nề sau bữa, nên đến hai ba giờ chiều thì những cơn đau ở bụng và những triệu chứng như khó chịu trong mình vẫn còn, nhưng chúng chẳng thấm thía vào đâu so với những cơn đau thời tôi mới bắt đầu áp dụng phương pháp dinh dưỡng. Bây giờ thì tôi hiểu rằng chịu đau đớn lại chính là con đường đưa đến lành bệnh. Thật đáng tiếc là khi cơn đau đến, đại đa số người ta chỉ nghĩ đó là bệnh mà uống thuốc để che lấp cái đau đớn với hậu quả là không bao giờ lành bệnh, uống thuốc cả đời. Ngoài ra, tôi cũng hiểu được phần nào rằng chịu đau khổ chính là sự sống. Vì sự sống không ù lì, nhưng luôn vươn lên, luôn chiến đấu. Bệnh chính là sự chiến đấu của cơ thể.



Quả thế, Shelton nói đói thực là trạng thái đến sau khi những triệu chứng bệnh hoạn đã qua đi, có khi phải đợi một hai giờ sau khi các triệu chứng bệnh hoạn bộc phát. Khi cơn đói thực đến thì bụng êm, đầu óc minh mẫn, tâm thần thoải mái, thức ăn thật đơn giản ăn cũng thấy ngon, lại nữa ăn từ tốn và chỉ cần ăn một số lượng ít là cảm thấy no, thấy thỏa mãn. Điều này dễ hiểu vì khi còn trong cơn bệnh hoạn thì bao tử đầy hơi nên phình ra, còn khi đói thực thì bao tử thu gọn lại nên để đầy bao tử không cần ăn nhiều. Khi đói thực thì việc ăn chừng mực, ăn điều độ rất dễ thực hiện. Trong cơn đói giả tạo, thì người bệnh ăn ngấu nghiến, ăn liên tục vì chỉ nhằm giảm bớt những cơn đau, khác chi kẻ nghiện rượu cứ phải uống hoài.



Bàn đến đói thực, tôi xin phép được nhớ lại một kỷ niệm thú vị. Sau biến cố 75, vợ chồng tôi tiếp xúc thân thiện với một số bạn trẻ và được họ kể lại cho nghe kinh nghiệm vượt biên của họ. Tôi còn nhớ rõ bạn kia kể rằng suốt một tháng trời đói meo trên tầu, nên chi vừa xuống tới bờ là bạn ta đi nhổ cỏ mà ăn. Bạn ta vừa kể vừa cười hô hố, chắc là nhớ lại cái ngon miệng khi được nhai cỏ. Ăn cỏ mà thấy ngon cũng là nhờ đã nhịn ăn cả tháng. Quả thế, người không am tường thì cho rằng nhịn ăn là nguy hiểm đến tính mạng, nhưng ai hiểu được bệnh là do sự ứ đọng độc tố trong cơ thể thì mới biết được rằng nhịn ăn một thời gian thật là quý giá cho sức khoẻ vì nhờ thế mà tẩy độc ra khỏi thân mình. Vả lại đối với tôi đó cũng là cách duy nhất trong trường hợp tình hình quá nguy ngập, hầu tàm tạm lành bệnh, đạt được trạng thái cho phép tiếp tục phục hồi sức khoẻ bằng đường hướng cải tổ ăn uống trong lâu dài, suốt đời. Và đồng thời đó cũng là phương thức cho người bệnh nếm hưởng cái đói thực là gì, một cảm giác thật sung sướng, khác hẳn với những cảm giác khổ đau trong những cơn đói giả. Đói thực là trạng thái mà khả năng tiêu hoá ở mức gần như hoàn hảo, nhờ năng lượng thần kinh không còn bận bịu tẩy độc hoặc tiêu hoá bữa vừa qua nên sẵn sàng đón nhận một bữa ăn mới. Khi thực hiện một cuộc nhịn đói, bao lâu còn có những triệu chứng như nhức đầu, lên cơn sốt, đau đớn nơi bụng...hay còn thấy được những dấu hiệu như lưỡi dầy cộm, nước tiểu màu vàng xậm như màu nước mắm... thì hiểu được rằng qui trình tẩy độc đang tiếp diễn, cơ thể không nên đón nhận thức ăn, mà phải đợi khi nào có những dấu hiệu như lưỡi đỏ hồng, nước tiểu màu trắng trong như nước dừa, nước miếng thật nhiều trong miệng mới từ từ ăn trở lại để chấm dứt cuộc nhịn đói hai ba ngày sau, khởi sự một cuộc sống mới.



Người áp dụng đường hướng dinh dưỡng cần tập thói quen nhất quyết chỉ khi nào đói thực mới ăn. Dần dà áp dụng như thế sau một thời gian sẽ biết phải ăn nhiều ít bao nhiêu tùy theo ăn ngày hai bữa hay ba bữa.



Một lần nữa xin nhắc lại là những triệu chứng : cảm thấy yếu sức, khó chịu trong người, bực dọc, xây xẩm, mắt lờ đờ, cồn cào dưới bụng, có khi là ợ chua, ợ hơi, địt hơi...chỉ là những dấu hiệu bộ phận tiêu hóa đang làm việc gắt, chưa sẵn sàng đón nhận thức ăn mới. Phải đợi một lúc, có khi là một hai tiếng đồng hồ sau, bộ phận tiêu hóa mới sẵn sàng đón nhận thức ăn mới, và tình trạng này Shelton gọi là cơn đói thực. Khi cơn đói thực đến, toàn thân thoải mái, bụng êm, ruột êm, lưỡi sạch, đỏ hồng, miệng thật nhiều nước miếng, trí tuệ trở nên minh mẫn, có thể ăn những thức ăn đơn giản như rau sống mà vẫn thấy ngon, ăn trong từ tốn, an bình. Ngược lại, cơn đói giả khiến người ta ăn ngấu nghiến, như chết đói đến nơi, và phải ăn thật nhiều vì bao tử còn đầy hơi, phình ra.



Có những điều có thể bàn đến trong khuôn khổ một bài bàn về cách ăn uống, chẳng hạn như phong thái khi ăn ( tránh quá ồn ào xung quanh) hay sự thận trọng tránh làm việc nặng sau khi ăn, dù là vận dụng trí tuệ hay tay chân, tôi không đề cập đến, nhưng vì muốn dành hai trang báo này để giải thích thế nào là đói thực, nhắc đi nhắc lại việc này vì đây là điều căn bản đi đôi với việc cải tổ thức ăn.

(sẽ trình bày kỳ tới).

Mễ Duy

Đặc biệt mà dễ hiểu!

Mễ Duy

Trong tháng giêng vừa qua, tôi «tháp tùng» gia đình qua Úc một tuần. Gọi là «tháp tùng» bởi vì tôi đây không thích đi du lịch. Dễ hiểu! Quen cái giường ở nhà! Mà thực ra cũng là một lợi thế, khi mà về hưu với lợi tức xoàng xĩnh! (không than (trách) đâu nhé, chỉ là đễ tỏ ra mình cũng biết kinh tế tài chánh chút đỉnh, đó mà!) Thế nhưng đi đâu chứ đi Úc thì kỳ nào về đến nhà mấy ngày sau vẫn... nhớ, vẫn thấy không hối tiếc tý nào cả, hìhì...Dễ hiểu!

Bên đó có GĐAP (gia đình An Phong) với hai bạn cùng lớp là Tá, Chương. Hai bạn dĩ nhiên vợ con đuỳnh huỳnh, hiền thê đài các phúc hậu, con cái học thành tài, nhà cửa thênh thang, vườn tược mênh mông, ấy là ít nhất dưới cái nhìn «hứng chí» của kẻ đã từng được «chiêu đãi» (từ của bạn Chương) qua mấy bữa khi-li-khi-tô như tôi đây, nên tôi nghĩ không có gì là xâm phạm đức khiêm nhường của hai bạn và phu nhân cả. Lại nữa hai bạn đều đã và đang «làm lớn» trong GĐAP, chi hội Úc. Về bạn Tá, chỉ cần nhắc đến tờ Duc In Altum, ba tháng ra một số, là cũng đủ cho những kẻ yếu sức thiếu hơi như lão tôi đây xây xẩm mặt mày.

Này nhá, bạn ta vừa là chủ nhiệm, kiêm chủ bút, kiêm thủ quỹ, kiêm thư ký (ghi phong bì và dán tem), kiêm «planton» (phát báo). Với sự hợp tác đắc lực của Vũ Nhuận, tờ báo tính đến nay đã hơn 15 tuổi rồi đấy. À quên! Trái với các tờ báo có lợi nhuận, tài chánh không phải là quan tâm chính của bạn ta.

Tôi viết như vậy là vì tôi biết còn có một mối quan tâm hành hạ tâm thần bạn ta hơn là tài chánh, chứ tôi không có ý khuyến khích bạn đọc trong ngoài GĐAP lơi là « nghĩa vụ» yểm trợ DIA đâu nhé, nói cho rõ! Cứ một tháng trước khi hạn tờ báo ra mắt, bạn Tá gửi cho tôi một “mên” (mail) nhắc viết bài cho số sắp sửa ra. Đoán chắc rằng chẳng phải chỉ mình tôi là được «thăm hỏi» như vậy, nên ở đây tôi xin tặng bạn ta thêm một cái chức rất là quan trọng (đứng quan điểm của «chính quyền») trong các làng quê thuở xưa khi chưa có ra dzô (radio), truyền hình, nhật báo, Internet, đó là cái chức vụ « gõ mõ» trong làng. Chức này thực ra thời xưa không có vẻ gì là sáng chói lắm, chẳng vậy mà dân làng không chịu gọi cho đàng hoàng là «ông mõ», hay «anh mõ». Chắc chỉ vì nghề này chuyên loan những chuyện không “hép bi” (happy) lắm, chẳng hạn như «ai chưa nộp thuế» vv... thì làm sao dễ nghe vì dân làng, ngoài công việc đồng áng, chỉ muốn được yên thân, được để yên, được triều đình quên đi. Nhưng mõ của bạn Tá chẳng phải là của triều đình nào đâu nhé, mà chỉ để chúng ta cùng vui, cùng chia sẻ, cùng hàn huyên....

Vậy hỡi tất cả các bạn, nam phụ lão ấu, bên Ta, Tây, Tầu (Đài Loan), Mỹ, Úc, Gia...bất luận trong hay ngoài GĐAP hãy dzui dzẻ đáp lời gọi của tiếng mõ mà sáng tác, mà viết lách, mà ...viết bừa rồi gửi về «ông mõ» kiêm chủ bút, chủ nhiệm, chủ sạp, một năm một lần, hay sáu tháng một lần cũng là quý hóa, để chúng ta càng đông càng vui.

Nhìn và nhất là nắn bắp thịt bạn Chương hiện nay thì thấy có dáng dấp và «bề thế» (cơ thể) của một kỹ sư canh nông. Chẳng vậy mà chiều hôm đó, bạn đã đích thân hướng dẫn phái đoàn chúng tôi đi thăm vườn của bạn, quan sát từng loại cây, từng loại rau, đặc biệt mà tôi ngưỡng mộ là cây xoài lá xanh um ở một góc vườn, lủng lẳng những trái là trái, và bầy bê-bi mồng tơi, mới tuổi 2, 3 lá, ngoan ngoãn, ngay hàng thẳng lối. Dĩ nhiên sau màn thăm viếng thì có màn thưởng thức. Món nộm xoài xanh xoài tươi từ cây nhà lá vườn mà ra, thật lạ miệng, chắc là lần đầu tiên trong đời tôi được nếm hưởng, mở đầu cho bữa ăn tối đầy thân tình, màu sắc và hương nồng «rượu Mỹ».

Xin cám ơn chân tình của hai bạn Chương Lê. Tuy bạn ta vui thú điền viên, yêu mảnh vườn ra mặt đến thế, nhưng không chê một «nghề» nào cả, bạn không tin thì cứ thử yêu cầu bạn ta hướng dẫn đi mua sắm, bạn sẽ ngạc nhiên thấy bạn ta ra tay vào những động tác thiết thực, cụ thể. Một đặc điểm nữa nơi bạn ta là những phát biểu ngộ nghĩnh, lạ tai. Chẳng vậy mà tôi đã nghe bạn xử dụng ý niệm «chi hội trưởng suốt đời». Vừa nghe mấy chữ này khỏi cửa miệng bạn ta, tôi không thể nhịn được đành bật cười.

Thật ngộ nghĩnh, cái ý niệm này: “làm (ai làm tôi không cần biết) chi hội trưởng suốt đời! Nó ngộ nghĩnh vì thời buổi này các chế độ vua chúa nếu còn thì cũng là để có vai trò tượng trưng, còn các vị có thực lực thì rất ít ai còn dám chơi cái trò «suốt đời» này vì sợ dân nó có ngày sơi tái. Hai chữ «suốt đời» bỗng dưng khiến tôi nhớ đến cái vụ Bôcátxa (Bocassa) xảy ra dưới thời xếp Th...ở xứ mình. Vụ này khá hi hữu nên xin nhắc lại vắn tắt sau đây.

Một cô gái Việt lai đen, đen Phi Châu, đang sống một cuộc đời thật bình dị trong một xóm nhà lá gì đó, ở Saigon hay Gia Định gì đó, bỗng được tin ba mình, hiện là tổng thống một nước đầy mỏ hột xoàng ở Phi châu, sắp sửa gửi phái đoàn sang nước Việt mẹ đẻ đón mình về quê nội. Vì xưa kia, thời quân đội Pháp chiếm đóng tại VN, binh sĩ Bôcátxa đã thành công trong vai Roméo với một Juliette Việt, và khi rời khỏi Việt Nam đã để lại cho Juliette đứa con gái màu da xôcôla của chàng và nàng.

Dư luận Saigon thời đó vừa cười hí hố vừa ví đó như là một chuyện cô gái lọ lem lên làm công chúa... Vô hình chung một số người Việt tiếp tục theo dõi sự nghiệp của Bôcátxa ít nhất là cho đến ngày ông ta, thừa thắng xông lên, đã «nâng cấp» chức tổng thống của mình lên thành «hoàng đế suốt đời». Hai chữ «suốt đời» trong trường hợp này quả là làm buồn cười quá!

Bữa tối ngày thứ bẩy hôm đó tại nhà hai bạn Tá Mai vui đáo để, đông đảo các bạn thân quen với các quý phu nhân. Có anh chị Tâm. Có «thầy» Huỳnh Công Lợi, gọi là « thầy» vì vẻ đạo mạo của Lợi, chứ mà xét bề ngang bề rộng thì «thầy» đáng được gọi là «cha bề trên» nữa đấy. Có anh chị Chương Lê. Có anh chị Nhuận Nông. Có anh Lâm. Có vợ chồng Nê và cháu bé. Có vợ chồng Su, con trai của Khuê cùng lớp.

Xin cám ơn quý chị đã cho ăn ngon. Xin cám ơn các bạn trẻ đã lo vụ chén dĩa để các bậc bô lão (hoặc xồn xồn) hàn huyên thoải mái vô tư. Xin cám ơn hai bạn Tá Mai đã cho tôi một dịp ba hoa chích choè đặc biệt hiếm có. Nhưng hiếm có và đặc biệt hơn là sự kiện mọi người dự bữa tối hôm đó đã được tác giả những tập «Chuyện Phiếm Đạo Đời» đọc cho nghe một lá thứ nóng hổi của một nữ độc giả bày tỏ sự hâm mộ đối với tác giả và dòng CCT vì xưa nàng học ở «cu văng đề dzoa dzô» (Couvent des Oiseaux) Đà lạt.

Mấy hàng trên đây gợi lại vài kỷ niệm vừa đặc biệt vừa dễ hiểu vì là dấu chỉ của thân tình, chân tình. Phải không bạn?

Mễ Duy

viết từ Nouméa,

Nouvelle Calédonie.

Góp nhặt sỏi đá



Hôm 20/2/10, GĐAP Sydney đã họp mặt tại tư gia a/c TN Tá. Có thánh lễ, Khi-li-khi-tô, hái lộc xuân, đấu giá, chúc Tết.. .Sỏi đá nhặt được như sau:

*Thu thập cây mùa xuân:

-Hái lộc: $435

-đấu giá: $1,000

*Quà tặng tiền mặt:

-Bác Nguyễn Anh Cung: $300

-Bác Nguyễn Văn Kim: $20

-A/c Nguyễn Đắc Dũng-Vân: $150

-Cụ Bà Đàm Quang Tính: $50

-A/c Mai Thành Hải: $100

-Bác Lâm Tiến Hải: $100

*Tiền trong lon dâng của lễ:

-Anthony Việt Quốc: $900

-Trần Đàm Thiên Ân-Thư: $40

-Lê Văn Thụ Nhân-Phượng: $45

*Gia đình chị Nguyễn Thị Phụng:

-Phước Mai: $120

-Ân nhân biếu cha già: $100

-Ô/B Hồ Thị Bá: $100

-Ô/B Dậu: $50

-Ô/B Ninh: $50 _____

Cộng: $3,560.00

Đã gửi tặng:

-Lm Lê Quang Uy để giúp bạn nghèo $1,000

-Lm Nguyễn Minh Sang (DCCT Huế) $1,000

Quỹ tồn đọng:tháng 8/2010 sẽ gửi: ($1,605)

Đôi lời cảm kích từ người nhận:

Cậu Lâm và Bác Tá thân

Trưa nay con vừa nhận được $1,000AUD của GĐAP tại Úc gửi giúp cha Uy. Cha Uy cũng đã gọi điệen nhờ con giữ giùm. Vậy con viết thư này để báo với Cậu Lâm, bác Tá và GĐAP tại Úc biết là con đã nhận được rồi nhé. Kính chúc GĐAP tràn đầy ơn Chúa và tinh thần thánh Anphong.

Kính trong JMJA, Lm Đinh Hữu Thoại, CSsR_______

Kính thăm quý anh chị em trong GĐAP tại Úc,

Qua anh chị Trần Ngọc Tá, em được biết là các anh chị gửi về một số tiền lớn về để em có thể lo liệu trợ giúp người nghèo ở VN. Và hôm qua, cha Đinh Hữu Thoại ở DCCT Sàigòn, đã thay mặt em nhận $1,000 AUD vì em đang đi xa giảng Đại Phúc. Em hết lòng biết ơn.


kính thư,

Quang Uy DCCT

23.2.2010

Anh chị em GĐAP Sydney thân,

Sang vừa nhận được số tiền 17.150.000vnd, tương đương AUS$1,000. Xin chân thành cám ơn gia đình An Phong Úc. Một món quà quí từ những tấm lòng vàng của anh chị em muốn thể hiện chia sẻ đặc biệt dịp Mùa Chay cho vài gia đình nghèo. Anh chị em Legio Mariae của giáo xứ, có để ý 3 gia đình vùng ngoại ô Huế cần sửa nhà. Sang sẽ dùng số tiền này, phối hợp với anh chị em Legio và Nhóm Bác Ái Vinh sơn, giúp sửa nhà chọ họ.

Cám ơn anh chị em,

MinhSang CSsR,

Huế

ĐẶC SỦNG VỀ ƠN LẠ.

CỨU CÁNH KHÔNG BIỆN MINH CHO PHƯƠNG TIỆN.

Lm Trần Việt Hùng, Bronx New York

Chúng ta biết nguyên tắc luân lý trong lời giáo huấn của Giáo Hội: Cứu cánh không biện minh cho phương tiện. Có nghĩa là không thể lấy phương tiện xấu để đạt mục đích tốt. Không thể đi ăn cắp tiền của người giầu mà cho người nghèo. Cũng không nên nói rằng đi đánh bài và cá độ để có tiền dâng cúng cho nhà thờ. Bởi vậy mọi phương tiện không chính đáng, không thể đưa đến hậu qủa tốt được. Có khi chúng ta được một mà lại mất mười. Đôi khi còn mất cả chì lẫn chài.

Trong thời điểm hiện tại, con người chúng ta rất nhậy bén với những sự kiện lạ. Khi nghe ở đâu có sự lạ như Đức Mẹ hiện ra nơi này nơi kia, hoặc có linh mục hay vị nào có đặc sủng chữa bệnh là tự nhiên mọi người ùn ùn kéo tới. Có những người ở rất xa, phải ngày đêm lặn lội chờ đợi đến nơi mà vẫn không ngại ngùng. Họ rất dễ bị quần chúng lôi kéo và cả tin. Chúng ta đang trong thời đại “Mì ăn liền hay thời của Fast food”. Chúng ta chỉ cần đạt được mục đích mà chúng ta mong muốn, bất chấp niềm tin đã bao nhiêu năm trau dồi và hun đúc.

Thật tội nghiệp cho nhiều giáo dân. Họ không được học hỏi nhiều về Kinh Thánh và Giáo Lý đức tin của Giáo Hội. Lòng tin thì bị chi phối mọi mặt trong cuộc sống mới. Phải nói là đức tin chưa được vững vàng và còn non yếu. Trong khi nhu cầu của con người thì vô kể. Ai mà không muốn được khỏe mạnh về thân xác, mong tâm hồn thư thái và cuộc sống bình an. Vả nữa, ai trong chúng ta lại không có chút bệnh trong người. Bởi thế, chữa trị qua sức thiêng liêng và sự đặt tay của linh mục đã là một đốc thúc mời gọi mọi người tuôn về chờ lãnh nhận ơn lạ.

Có một vài chi tiết trong cuộc tĩnh tâm Canh Tân Đặc Sủng, tôi không biết đúng hay sai. Thí dụ: Trong tất cả những giờ sinh hoạt trong ba buổi, lúc nào linh mục cũng đặt Mình Thánh Chúa trong Mặt Nhật trên bàn thờ nơi Nhà Hội. Trong khi mọi người tập trung vào nhiều thứ sinh hoạt khác hơn là chầu Mình Thánh Chúa. Tôi đọc lại Giáo Luật cũng như kỷ luật Phụng vụ các Bí Tích, phần về bí Tích Thánh Thể, tác vụ của linh mục là đặt MìnhThánh Chúa để mọi người làm giờ thánh cầu nguyện và linh mục sẽ ban phép lành Mình Thánh Chúa cho cộng đoàn. Còn việc linh mục tự động mang Mình Thánh Chúa đến từng người để linh mục đặt tay, tôi không hiểu việc làm này. Có thể đây là một lạm dụng.

Tôi muốn nói về sư kiện linh mục mang Mặt Nhật có Mình Thánh Chúa đến trước mặt mỗi người và linh mục đặt tay cầu nguyện, rồi người ta té ngửa. Đây là một hiện tượng giả. Linh mục dùng Mặt Nhật như là nguồn linh thiêng có Chúa hiện diện, chứng dám cho việc đặt tay của mình. Và nghĩ rằng sự té ngửa là do ơn Chúa tràn đổ choáng ngợp. Tôi thật nghi ngờ về hành động lẫn lộn và hỏa mù này. Thế là linh mục được tiếng là có đặc sủng chữa bệnh và ban ơn lạ. Xưa kia, khi Chúa Giêsu tỏ quyền lực thì ma quỉ cũng như mọi người phải ngã sấp xuống. Khi Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor, có ba môn đệ đi theo Chúa, thấy Chúa biến hình và Lời Chúa Cha phán, các môn đệ ngã sấp. Phúc âm thánh Matthew viết: “Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất (Mt 17:6)”. Hay khi người ta đem người bị qủy ám đến xin Chúa chữa lành, Chúa đã chữa. Thánh Marcô viết rằng: “Người ta đem nó lại cho Người. Vừa thấy Người, quỷ liền lay nó thật mạnh, nó ngã xuống đất, lăn lộn, sùi cả bọt mép (Mk 9:20)”. Thánh Gioan diễn tả nhóm quân dữ đến bắt Chúa, khi nghe danh Chúa, chúng liền ngã: “Khi Người vừa nói: "Chính tôi đây", thì họ lùi lại và ngã xuống đất (Jn 18:6)”.

Hành động té ngã trong Canh Tân Đặc Sủng lại là té ngửa, Xin tìm đọc lại bài: “Đặt tay và sự Té Ngã.” Có người sẽ nói rằng: Các Nhóm Canh Tân Đặc Sủng thực hành đặt tay chữa bệnh cả bao nhiêu năm nay, có ai nói là hiện tượng giả đâu chứ. Người ta bị choáng ngợp bởi ơn của Chúa và tự động té ngửa. Có người trong Nhóm Thánh Linh nói rằng những người không tin, họ là ma qủy chung quanh quấy phá. Đúng vậy, có ma qủy chung quanh mà chúng ta không biết. Vì ma qủy rình mò trong đêm tối.để kéo lôi chúng ta. Hãy mở đèn sáng lên và làm việc như con cái sự sáng nơi giữa ban ngày.

Điều này có thể làm cho nhiều người trong nhóm mất đi cảm giác mạnh và ngại ngùng. Bóng tối dễ thực hiện hơn.

Có nhiều người rất thích linh mục đến giảng tĩnh tâm và đặt tay chữa bệnh. Phần tĩnh tâm thì không cần thiết lắm. Phần nhận ơn và chữa lành mới là phần quan trọng. Chính tôi đã thấy, gần giờ kết thúc các buổi tĩnh tâm, có nhiều người tìm đến chỉ để được chữa bệnh và xin ơn. Có một cô gái đã trở lại đạo ít năm trước đây dẫn bà mẹ ngọai đạo vào nhà thờ và hỏi tôi: Linh mục đã chữa bệnh chưa? Tôi trả lời chắc chưa đâu, hình như ngày mai. Trả lời xong, tôi thấy ngộ ngộ, tại sao tôi lại trả lời thế! Đây đâu có phải là bệnh viện. Ai đến tĩnh tâm cũng mong được ơn này ơn kia. Mà ơn lạ cần có ngay như “Mì ăn liền”. Cần nhất là mình được khỏi bệnh nè. Và tôi tự hỏi nếu sau khi người ta được té ngã và bệnh tình vẫn còn y nguyên, không biết họ nghĩ thế nào về đạo. Có nhiều người không phải công giáo cũng được mời tới dự, tôi nghe có một số người được ơn. Điều này không ai phủ nhận. Họ thiết tha cầu xin và tin tưởng nơi Chúa, Chúa sẽ ban cho họ. Nhưng chúng ta cũng phải rất thận trọng trong vấn đề này kẻo làm cho nhiều người hoang mang. Không biết mình có ơn thật không? Không biết có khỏi bệnh không? Trong người thì cảm thấy khi này khi kia? Chẳng biết tình trạng ra thế nào?

Tôi nghe có nhiều người được ơn chữa khỏi bệnh mà hầu hết là bệnh đau nhức hay phong thấp thôi. Còn những bệnh như mù, điếc, câm, què hay phong cùi thì chẳng thấy chữa. Cũng lạ thật. Ngày xưa, Chúa chữa mọi loại bệnh họan tật nguyền và các thánh Tông đồ cũng thế, khi bóng của Thánh Phêrô đi ngang qua, họ cũng được chữa khỏi các loại bệnh. Bấy giờ ông Phêrô nói: "Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giêsu Kitô người Nadarét, anh đứng dậy mà đi!" Rồi ông nắm chặt lấy tay mặt anh, kéo anh chỗi dậy. Lập tức bàn chân và xương mắt cá của anh trở nên cứng cáp (TĐCV 3:6-7).”

Còn linh mục chữa lành các bệnh đau nhức, phong thấp hay một vài loại bệnh thông thường hàng ngày của chúng ta gặp khi trời trở gió, thì biết đâu mà lần. Chúng ta cứ cho là phép lạ, thì đâu còn sự lạ gì nữa. Chúng ta phải tiếp tục theo dõi và xem coi có phải dùng thuốc gì nữa không? Trong khi chúng ta cứ giữ điều độ thuốc nhức hằng ngày, ngoài miệng thì nói là được ơn khỏi bệnh.

Chúng ta không thể vì đạt mục đích mà dùng sai những phương tiện. Chúng ta không thể tạo hiện tượng và nghĩ rằng Chúa Thánh Thần phải xuống ban ơn. Khi giờ đã định, linh mục đặt tay cầu nguyện là phải có hiệu qủa ngay, người ta sẽ té ngửa vì đã có sự sắp xếp cho nhiều người đỡ sau lưng. Rồi khi giờ đã điểm, linh mục cầu nguyện muốn Chúa Thánh Thần ban cho ơn nói tiếng lạ, mọi người được nói tiếng lạ. Họ tự xác nhận đó chính là ơn Chúa Thánh Thần ban cho họ nói. Mọi người giơ tay lên, miệng rầm rì ngôn ngữ lạ, và cho đó là tác động của Chúa Thánh Thần. Thật là xúc phạm. Đây chính là kiểu thời đại thu hút những người cả tin. Như thế ơn lạ đến với mọi người cách qúa dễ dàng sao. Tôi không thể tưởng tượng nổi!

Một linh mục đã từng tham gia phong trào và đã tổ chức các cuộc tĩnh tâm CanhTân Đặc Sủng đã viết cho tôi những chia sẻ như sau: “ Tuy nhiên, bây giờ mình hơi lo ngại cho Phong Trào (Ngành Tiếng Việt) vì một cảm nhận được một số Đấng đang đi có thể là sai… Hình như, theo cảm nghiệm của mình gần đây, trong nhiều khóa mình đi giúp, các Đấng Bậc chú trọng nhiều về việc chữa lành và hiện tượng té ngã, mình hơi bị dị ứng với những cách thức làm đó”. Chúng ta không thể dùng các phương cách không chính đáng để lôi kéo nhiều người. Đừng lợi dụng lòng tin yếu kém của giáo dân để dẫn họ đi vào con đường lầm lạc. Đạo Chúa không phải là đạo của “mì ăn liền” nhưng là một sự chiến đấu kiên trì không mệt mỏi, luôn phải tỉnh thức và giữ vững đức tin.

Mùa Vọng là Mùa tỉnh thức và hy vọng. Tỉnh thức đón chờ Chúa đến với tâm hồn mỗi người và Chúa sẽ đến lần thứ hai trong vinh quang. Chúa không đến nơi những hiện tượng giả do con người sắp đặt. Chúng ta hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn để có thể đứng vững trước mặt Con Người.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Bronx, New York

Sống nội tâm

Phêrô Maria Nguyễn Hùng Cường

Lão trượng Funako, thiền sư người Nhật, chủ tâm hoà nhập vào đời sống xã hội, đã chủ xướng, “Sống nội tâm không phải là sự tách rời khỏi cuộc sống đời thường, nhưng là một phần của đời thường.” Vậy, nói “một phần” là hàm ý đã “thuộc về”. Trong ý nghĩa đó, thiết nghĩ những giây phút nội tâm tôi góp nhặt được sau đây từ nhiều khía cạnh trong đời sống cũng là những giây phút hiện hữu và không thể tách rời khỏi chính cuộc sống của tôi.

Trong bài viết nhan đề “A day in the life of the Pope” trên báo Catholic Digest, April 2008, Isabelle de Gaulmyn ghi lại:

“5:30 sáng, khi Công trường Thánh Phêrô còn đang yên tĩnh trong bầu khí ban mai thì đèn bật sáng trong căn phòng trên tầng thứ ba của toà nhà nơi Đức Giáo Hoàng cư ngụ và làm việc. Đó là lúc Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI thức dậy để bắt đầu một ngày mới. Ngài quỳ xuống cầu nguyện và tĩnh tâm buổi sáng. Đúng 7:00 sáng, Đức Thánh Cha bắt đầu chương trình làm việc trong ngày cho đến 7:00 tối. Và ngay sau bữa ăn tối thanh đạm trong vòng 30 phút là những giờ cầu nguyện liên tục cho đến 11 giờ khuya.”

Trong một dịp đến dự tang lễ của gia đình người thân ở San Jose, tôi học được một điều giúp tôi hiểu và thăng tiến hơn trong đời sống nội tâm. Gia chủ là ông cố 78 tuổi, có người con là linh mục bên New York. Cuộc sống của ông cố khá bận rộn vì đảm trách phần vụ chính trong ban Thường vụ Cộng đoàn. Một buổi tối, ông cố mời tôi vào phòng riêng để trò chuyện. Vừa đẩy cửa bước vào, tôi giật mình vì một bộ xương người màu trắng đập ngay vào mắt tôi. Bộ xương giả bằng kích thước người lớn được treo lủng lẳng cạnh chiếc giường ‘độc thân’, trong khi căn phòng chỉ có một bóng đèn tròn duy nhất không đủ sáng. Tôi cũng thấy trên chiếc bàn nhỏ kê sát giường có cuốn Thánh Kinh mở ra với sợi dây đánh dấu trang sách, chứng tỏ có người đọc. Tôi đang quan sát căn phòng thì ông cố nói ngay:

- Cháu ạ, thời giờ chẳng còn bao lâu nữa. Sớm muộn gì rồi cũng đến phiên mình thôi.

Tôi hiểu ý nên rất cảm phục ông cố. Nhưng tôi muốn biết động cơ nào đã thúc đẩy ông cố có cách sống khác thường này. Tôi ướm tay vào bộ xương người, đung đưa nó một tí, và hỏi:

- Ông cố treo bộ xương người trong phòng làm gì?

- Để nhìn nó mà chuẩn bị. Hằng ngày mỗi khi vào phòng nhìn thấy bộ xương, bác cứ nghĩ đó là bộ xương của chính mình sau khi chết. Ban đêm trước khi đặt mình xuống giường ngủ, bác vẫn đọc một đoạn Lời Chúa rồi dành vài phút thinh lặng để suy gẫm. Coi như mình chuẩn bị vào nằm trong mồ vậy.

Rõ ràng tâm tình của ông cố không còn ở ‘trạng thái tĩnh’ nữa, nhưng đã biến thành một hành động thánh thiện, bắt nguồn từ những việc xảy ra trong đời thường. Thiết tưởng không còn bài học nào sâu sắc hơn cho tôi khi biết được tâm tình và gương lành của ông cố.

Vợ chồng tôi thường ra viếng mộ ở nghĩa trang Chúa Chiên Lành trên đường Talbert, một địa điểm và tên gọi quá quen thuộc với cộng đoàn Dân Chúa vùng Orange. Nói đúng hơn là chúng tôi cố tìm dịp ra thăm mộ của chính mình. Bốn năm trước chúng tôi đã chọn hai lô đất nơi an nghỉ này, vừa được giá rẻ vừa cao ráo, lại nằm sát mặt lộ. Một hôm khi ra thăm mộ vào lúc xế chiều, tôi thấy có bóng người đang cúi đầu thinh lặng trước một nấm mộ khác, cách chúng tôi chừng bảy, tám bước. Đó là một cô gái trẻ, dáng vẻ thanh tú. Tôi đoán tuổi cô chưa đến ba mươi. Thấy chúng tôi đến gần, cô gái cúi đầu chào. Tôi thấy cô có khuôn mặt khả ái, lại đang đứng trước một nấm mộ như bao nhiêu phần mộ khác nhưng không thấy có tấm bia. Tôi tò mò gợi chuyện:

- Cô .... ra thăm mộ gia đình đấy ạ!

- Chào hai bác. Thưa không, cháu ra thăm mộ của....chính cháu ạ.

Giọng cô nghe có chút ngập ngừng. Tôi hóm hỉnh nghĩ trong đầu, ‘Chí lớn gặp nhau đây rồi, mà lại gặp nhau nơi đất thánh này thì cũng tốt thôi.’ Sau vài câu xã giao, tôi biết cô gái là một chuyên viên địa ốc ở vùng Bolsa, và đang hát trong ca đoàn nhà thờ. Còn lý do nào đã khiến cô mua sẵn phần mộ cho mình, gia cảnh ra làm sao, đời sống đạo như thế nào, thì không nghe cô tiết lộ gì. Tôi không ngạc nhiên. Cũng không cần hỏi để biết. Và tuy không phải suy bụng ta ra bụng người, nhưng tôi cảm thấy vui trong lòng khi biết cô gái có cùng một tâm tình như vợ chồng tôi, ít ra trong việc sắm sẵn cho mình một ‘nơi ăn chốn ở’ như thế này.

Về nhà tôi cứ ngẫm nghĩ mãi về việc làm của cô gái trẻ. Vợ chồng tôi nói với nhau,“Phải đến trước ngôi mộ của chính mình, những khi có thể, để có những giây phút nội tâm đúng nghĩa nhất.”

*

Trong hơn năm năm vừa qua, ở khu phố Bolsa xuất hiện một người hằng ngày sống những giây phút nội tâm nơi công cộng, ít ra là bề ngoài, mà ai cũng có thể nhìn thấy. Thời gian đầu, hầu như ngày nào người ấy cũng có mặt tại cửa sau của khu thương xá Phước Lộc Thọ, nhưng gần đây người ấy lại ‘trụ trì’ trên rẻo đất con lươn nhỏ giữa hai chiều xe ngược xuôi ngay trên đại lộ Bolsa, đối diện với hai nhà băng International và Cathay. Đó là một người nam trông khá mạnh khoẻ, tuổi trạc 45, đầu bóng nhẵn, mình khoác chiếc áo cà sa vàng. Tuy người ấy khoác áo tu hành, nhưng vì dáng dấp còn trẻ nên tôi muốn gọi người ấy là ‘anh’ hơn là ‘thầy’. Anh luôn đứng bất động với đôi mắt nhắm lại, đầu cúi xuống, trong khi hai tay ôm gọn chiếc hộp trước ngực để nhận lễ vật cúng dường. Dưới ánh nắng gay gắt, anh đứng lặng yên, trầm ngâm, đôi bàn chân trần khép lại. Trông anh thật khiêm nhu. Liếc nhìn xuống đôi bàn chân anh, đôi khi tôi thấy mười ngón chân anh bị sứng tấy lên, có lẽ vì tụ máu. Mỗi khi thấy anh, tôi không để cho mình bị ràng buộc trong rào cản của tôn giáo nên thỉnh thoảng cũng lại gần và cung kính đặt vào chiếc hộp của anh một vài đồng bạc từ tâm.

Bề ngoài, anh đứng đó, im lìm như một pho tượng vô tri vô giác. Nhưng chắc chắn anh đang thấm nhập và tiếp xúc với một thế giới nào đó của riêng anh. Những gì đang diễn ra trong đầu anh hàng giờ, không thấy anh bộc lộ ra ngoài. Cũng chẳng thấy anh nhép môi hoặc mở hé đôi mắt, dầu chỉ trong một giây lát thôi, để người ta biết anh bị phân tâm. Giòng xe ngược xuôi như mắc cửi trên đại lộ Bolsa cũng không kéo anh ra khỏi thái độ trầm tư mặc tưởng của anh. Điều này cho tôi hiểu rằng anh có mặt ngay chính trong cuộc sống xô bồ đang vây bủa, nhưng không bị lôi cuốn. Anh đứng giữa những tiếng động lao xao mời mọc của vật chất, nhưng anh không bi khuyến dụ. Anh chọn đi vào trong sa mạc của chính anh. Thử hỏi, mấy ai làm được.

Bởi thế, ở khía cạnh tâm linh, tôi coi anh là người đang sống những giây phút nội tâm cho chính anh, cho dẫu lý tưởng hoặc nhân sinh quan của anh không giống những gì tôi đang theo đuổi. Như vậy, những giây phút nội tâm không nhất thiết phải diễn ra ở một nơi u tịch như câu thơ “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ”. Những giây phút nội tâm vẫn có thể tìm thấy được từ giữa chốn lao xao chợ đời, nếu mình muốn có.

“Người Công giáo Trung Hoa giữ im lặng chịu tang cho nạn nhân của trận động đất” là tiêu đề đọc được trên báo Orange County Catholic, số tháng 6/2008. Ngày 19-5-2008, hằng trăm tín hữu Công giáo tại thành phố Chengdu, Trung Quốc, đã làm dấu Thánh giá và giữ thinh lặng trong 3 phút để cầu nguyện và chịu tang cho các nạn nhân của vụ động đất xảy ra một tuần trước đó. Trận động đất đã xảy ra lúc 2:28 PM ngày 12 tháng 5 năm 2008 tại thành phố Sichuan phía Tây Nam Trung Quốc, với cường độ 7.9 Richter đã lấy mất 74,000 sinh mạng và khiến hơn 247,000 người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Chính phủ Trung Quốc đã tổ chức ba ngày quốc tang từ 19-21 tháng 5 để tưởng nhớ các nạn nhân xấu số. Các địa điểm có dịch vụ vui chơi đều có lệnh đóng cửa. Ngay cả ngọn đuốc Thế vận hội Bắc Kinh dự trù chuyển tiếp giữa Zhejiang và Shanghai cũng bị đình chỉ cho đến ngày 22 tháng 5.

Các thiện nguyện viên Hồng Thập Tự tại địa phương cũng như từ các quốc gia, sau chuyến công tác giúp đỡ và ủy lạo các nạn nhân, cho biết họ đã hiện diện trong những giờ phút im lặng của 3 ngày quốc tang đó. Và chính những giây phút im lặng này đã để lại trong tâm hồn họ một ấn tượng tốt đẹp, khuyến khích họ dấn thân hơn để phục vụ tha nhân. Cô Zhang Jingqi, một thiện nguyện viên Công giáo 22 tuổi đã nói với phóng viên báo Tin Tức UCA rằng: “Tôi không bao giờ nghĩ rằng sự thinh lặng trong những lần mặc niệm 3 phút đó đã cho tôi hiểu rõ được sức mạnh của tình liên đới giữa con người với nhau.”

Riêng tôi, từ khi nhận chân được sự cần thiết và giá trị của những giây phút sống nội tâm, tôi thấy cuộc sống hằng ngày của mình đã được quân bằng trở lại. Hãy nghe thiền sư Funako nhận định tiếp, “Sự thinh lặng, dù ở phạm trù nào, đều biểu hiệu cho sự sống nội tâm, và mang đến những thông điệp tích cực cho đời sống con người.” The silence in varied categories stands for the inner self and brings forth messages favorable to the human life.*

Phêrô Maria nguyễn Hùng Cường

Giáo hội Công giáo

Người Công giáo Việt Nam

Trần Ngọc Tá

4. Người Công giáo Việt

và câu chuyện hòa đồng:

Anh chị thân mến,

Tôi rất hân hạnh được tiếp tục bàn chuyện với anh chị về người Công giáo Việt trước hiện tình đất nước. Hẳn anh chị đã phần nào đồng ý với tôi ở trên, về tư thế của người Công giáo Việt, trong cộng đồng dân tộc hiện giờ.

Nay, có thêm một yếu tố khác nữa là: một mai khi chế độ độc tài đảng trị đã mai một đi rồi, người Công giáo Việt làm được những gì, để thực hiện tính cách chung cho đất nước của mình. Cho việc hòa đồng với mọi thành phần dân tộc. Thành phần ấy, có thể là người cùng một tôn giáo, nhưng khác giáo phái. Cũng có thể là người khác tín ngưỡng, khác chánh kiến; nhưng cùng sống trong cung lòng đất nước của mình, hiện nay.

Theo thiển ý, thái độ đầu tiên mà người Công giáo Việt phải có là: tính cởi mở. Cởi mở ở đây, có là nghĩa chấp nhận tính cá biệt của tôn giáo bạn. Chấp nhận ý kiến nghịch thường của đảng phái đối lập. Chấp nhận tư tưởng của những người đứng ở phía bên kia con đường chánh kiến. Anh chị chắc thừa biết rằng: có thời kỳ người Công giáo Việt Nam lỡ trớn đi ngược lại phương châm căn bản của Đạo, là tha thứ và yêu thương. Lời Trên vẫn dạy, phải yêu cả kẻ nghịch thù của mình nữa. Nhưng, những người Công giáo Việt lúc ấy, lại kéo dài tình trạng đối đầu thù nghịch, cả với người cùng có chủ trương từ bi hỉ xả, như mình. Tiếp theo, là những hậu quả không mấy tốt đẹp cho toàn thể cộng đồng dân tộc. Cũng may, là thời kỳ đen tối ấy đã qua. Nếu không, sẽ còn nhiều chuyện điên đầu kế tiếp.

Mới đây, chúng ta rất vui mừng khi thấy bên nhà đang có những vận động chung kêu gọi trả lại tự do tôn giáo cho người dân hành đạo. Lời Kêu Gọi này, đã được đại diện của 4 tôn giáo lớn ở Việt Nam ký vào. Họ gồm: Phật giáo, Công giáo, Cao Đài và Hòa Hảo. Chẳng cần biết, kết quả chung cuộc rồi sẽ ra sao. Chỉ một sự kiện ấy thôi, cũng nói lên điều này: chúng ta đã tìm lại được thái độ cởi mở. Thái độ chấp nhận sự khác biệt như một bước tiền cho mọi hợp tác đích thực. Và chúng ta có lý để hy vọng có được một nền dân chủ chung cho đất nước. Nền dân chủ ấy, chúng ta sẽ đạt được trong ngày mai, rất gần.

Kế đến, là những đức tính, mà theo tôi, ta cũng cần phải có, để tạo sự chung sống hòa bình với người khác đạo. Một trong các đức tính ấy, là: tôn trọng ý kiến của người khác phe phái. Dù nhiều lúc, mình chẳng đồng ý với lập trường cũng như cách cư xử, của người khác. Nhưng, vẫn cứ tôn trọng người ấy. Bỡi lẽ, ý kiến của người khác đạo, khác chánh kiến đôi khi lại khách quan và chính xác hơn ý kiến của mình.

Ở xứ tự do dân chủ, ý kiến của người khác phái, khác sắc tộc, mình còn phải tôn trọng, huống hồ là lập trường khác biệt về tín ngưỡng, tôn giáo. Nếu tôi không lầm, thì người Pháp cũng có quan niệm: cuộc sống càng đa dạng bao nhiêu thì đời càng đẹp bấy nhiêu. Tôi thường tự bảo với mình rằng, nếu đất nước mình mà lại duy nhất chỉ có một đạo mà thôi, thì cuộc đời người dân chắc buồn tẻ lắm. Và khi ấy, sẽ có nhiều chuyện rối rắm xảy ra. Nhiều bức bách đàn áp hơn hồi thập niên 60, 70.

Thứ đến, khi đã biết cởi mở và kính trọng ý kiến của người khác rồi, chúng ta sẽ dễ dàng lắng nghe họ. Chúng ta sẽ chia sẻ trọng trách với họ. Bởi khi chia sẻ, chúng ta tỏ ra không định kiến. Không cãi vã. Không tranh tụng. Nhưng khoan dung và độ lượng. Khoan dung, để đi đến mục tiêu chung là hòa đồng, hòa hợp. Hòa hợp cho cuộc sống đạo giữa đời, thêm đa dạng. Thêm mầu sắc. Thêm tình thương.

Dĩ nhiên là các thái độ ấy đều mang tính tích cực. Nhưng, để biểu tỏ lòng hăng say tích cực hơn nữa, người Công giáo Việt phải nâng đỡ, và hỗ trợ nhau. Nâng đỡ, trong công tác. Hỗ trợ, khi dấy lên bất cứ phong trào nào, có lợi chung cho toàn thể cộng đồng dân tộc. Trên thực tế, có rất nhiều cơ hội để người Công giáo Việt Nam, ở trong hoặc ngoài nước có thể thực hiện một cuộc hợp tác thiết thực: hợp tác với các Giáo hội khác. Một ví dụ cụ thể: những lúc có lạc quyên giúp đồng bào nạn nhân thiên tai/bão lụt động đất/cháy rừng vv. Còn nhớ trong lần cứu lụt Miền Trung năm 1999, linh mục Chân Tín, người đơn phương đại diện cho giới Công giáo đã đích thân tiếp xúc với các hòa thượng, đạo sĩ thuộc các tôn giáo bạn để thực hiện công tác cứu trợ chung cho đồng bào. Công tác này, các ngài đã cùng nhau thực hiện một cách thiết thực và có kết quả. Điều này chứng tỏ rằng, dù thuộc tôn giáo khác nhau, ta vẫn có thể hợp tác với nhau. Vẫn có thể cùng nhau làm được nhiều điều tốt đẹp cho cả đạo lẫn đời.

Đi từ những kinh nghiệm đẹp ấy, ta hãy cứ tiếp tục thực hiện các điều tích cực và tốt đẹp ấy. Chắc chắn rồi ra ánh sáng huy hoàng của việc hòa đồng dân tộc sẽ ló rạng nơi chân trời Biển Đông. Thứ ánh sáng, mà mọi người Việt ở trong cũng như ngoài nước, Công giáo hay không Công giáo, tất cả đều đang mong đợi. Và ánh sáng ấy đã ló rạng. Và ngày đẹp trời ấy, đã khởi đầu.

Trần Ngọc Tá

(còn tiếp một kỳ)

Giọng cũ xa gần

Dân Gầy phụ trách

*Những giọng cũ/mới rất gần và rất xa:



Nói “cũ/mới gần/xa” chẳng qua chỉ để nói trại và nói trạng. Tức, chỉ nói những gì mình “nghe qua nồi chỗ”, chứ không rõ. Nồi chõ, là nồi xôi đang được thổi ở quê nhà, khói thơm bốc mãi tận quê ta, Pháp Mý, Úc… thòi lòi vẫn là quê hương gần xa, ta vẫn mặn mà, thích thú. Thích nhất là lại được nghe tin từ quê nhà d6au yêu, và yêu mà không giấu. Rất như sau:

Các anh chị và các bạn thân mến,

* Chúa nhật 06/12/2009, lớp Phanxicô xaviê (nhỏ) của các bạn Hòang Minh, Tử Thanh.... mừng kỷ niệm 40 năm lễ bổn mạng lớp. Đồng thời lớp Mẹ Vô Nhiễm cũng mừng lễ bổn mạng lớp năm 2009. Thế nên hai lớp chúng tôi cùng kết hợp "thổi cơm chung" để cho buổi lễ thêm phần "hòanh tráng!"

Kính mời các anh chị và các bạn cùng đến tham dự. Chương trình như sau :

Địa điểm : Tu viện Dcct Mai Thôn 970D XVNT

9g30 : đón tiếp

10g : Thánh lễ

11g : Ăn trưa

(Ban tổ chức : Nghi:0918073548 - Hòang Minh:0903000466 - Tử Thanh:0989101749 - Thanh Hà:0918173213)

Chúa nhật 13/12/2009 (CN thứ III Mùa Vọng).

Họp mặt và Thánh lễ tại nhà nguyện Dcct Kỳ đồng như thường lệ.

Kính mời quý anh chị và các bạn cùng tham gia. Capo các lớp thông báo rộng rãi đến các thành viên lớp.

Lớp Mẹ Vô Nhiễm

Alp.Nghi

*Lại cứ thơ vui…

Thơ vui hôm nay gửi đến bạn bè gần xa, cũng là bài thơ có tự đề là “10 thương”. Miễn luận và bàn. Chỉ biết chuyển đến mọi người, để cùng vui.

10 Thương

Một thương cái tướng mập ù
Khi ôm anh tưởng cái lu trong chùa
Hai thương cái tính phân bua
Cải gàn, cải bướng anh thua dài dài
Ba thương cái tật đánh bài
Điều binh khiển tướng không ai mà bằng
Bốn thương cái tính cằn nhằn
Dù nhằn nhưng vẫn lăng-xăng suốt ngày
Năm thương uống rượu mau say
Khi say em mới thường hay nằm kề
Sáu thương là lúc em phê
Bao nhiêu nữ tính ê hề phơi ra
Bảy thương da trắng mịn mà
Bởi khi cúp điện cả nhà sáng trưng
Tám thương cái tính lừng khừng
Lúc không, lúc muốn, lúc mừng, lúc lo
Chín thương cái tính tò mò
Chuyện gì thiên hạ nhỏ to đều rành
Mười thương cái tính cành nanh
Anh thương nhiều quá ....để dành em thương!

*Lại… tuổi già:

Chừng như chuyện này có tâm trạng cũng gipống như… “Chuyện dài nhân dân tự vệ”, hay sao ấy. Dân nhăn tự vệ là để tự bảo vệ lấy thân .. cùng mình. Bởi thê nên, mới có những lời và lẽ rất chí lý như sau:

Lâu nay bàn tán về tuổi, nào là tuổi hồng, tuổi già, nhưng quí vị đâu biết tuổi già giàu có như thế nào?

Bạc đầy đầu
Vàng đầy răng.

Đá trong thận

Đường trong máu.

Chì trong chân.

Sắt trong gân.

Và không ngừng sản suất khí thải thiên nhiên !

Chắc bạn không biết tuổi già đã tích tụ bằng đó tài sản
Vậy thì chúng ta đã giàu có quá rồi, phải không ?

*Bàn về chữ “vô” đối với chồng

Lâu nay Dân gầy hay trích thơ… với thẩn về chữ “Vợ”. Nay, có bài thơ về chữ “Vô” (vô đây không phải là từ ngữ dịch từ chữ “Cheers” bên tiếng Anh, hoặc ngôn ngữ của những người ham đá banh/đá bóng, đâu đấy bà con. Vô đây là tiếng Hán… rất sâu rất sắc, nghĩa là “không”, có thế thôi. Nào ta “vô” đề tài của bài thơ, như sau:

Chồng 'Ơi' Là Chồng...
Chồng ngu đần là Vô phúc
Chồng thông minh thì Vô sự
Chồng bỏ thì Vô sinh
Ế chồng là Vô duyên
Chồng đi ngoại tình thì Vô đề kháng
Giựt chồng người là Vô lương tâm
Chồng ly dị là Vô mưu
Còn ly dị chồng là Vô mục đích
Chồng ghen mà làm thinh là Vô tội
Ghen với chồng là Vô cớ
Nếu không nói là Vô hiệu
Con riêng của chồng là Vô thừa nhận
Vợ chồng bên nhau mãi mãi là Vô giá
Vợ chồng cãi lộn là Vô tận
Chồng giận mà không nói là Vô hại
Vợ chồng giận nhau là Vô hạn
Vợ chồng đánh nhau là Vô luật lệ
Chồng đánh mổi ngày vẫn không sợ là thiên hạ Vô địch
Nhưng đã bị chồng đánh là Vô phương cứu chữa
Ý chồng là Vô biên
Áo quần chồng mặc là Vô hình
Cơm chồng nấu là Vô vị
Đồ đạc của chồng là Vô sản
Nói xấu chồng là Vô công rỗi nghề
Ghẹo anh , em trai của chồng là Vô tình
Khen người khác đẹp trai trước mặt chồng là Vô ý
Chồng không muốn lại gần là Vô tri Vô giác
Đòi ngủ với chồng liên tục là Vô độ
Trốn chồng mà léng phéng là Vô kỷ luật
Chồng bắt quả tang với bồ là Vô can
Vì chồng mà thi rớt là Vô dụng
Vì chồng mà bỏ bạn là Vô ân
Vì bạn mà không thương chồng là Vô loại
Vì chồng mà bỏ cha mẹ là Vô đạo , Vô ơn
Vì cha mẹ mà phụ chồng là Vô liêm sỉ
Lương đưa hết cho chồng là Vô điều kiện
Lấy chồng là Vô nghĩa , Vô bổ , Vô ích , nhưng nếu không lấy thì Vô vọng

*Ngôn ngữ và những ngữ rất ngôn:

Lại nói về ngôn rất thuộc về thời kỳ “đồ…đểu”, ở quê nhà. Bạn bè vừa gửi cho Dân Gầy một vài kiểu nói rất “dễ xa nhau”, nhưng có thiệt. Thôi thì, bè bạn cứ tuỳ cơ mà hiểu biết, như sau này:

Chảnh : kênh kiệu

Tám : nhiêù chuyện

Vô tư (từ ngoài Bắc) : nhiều (?), thoải mái(?). Vd: Ăn uống vô tư nhé!

Huệ (phát âm : "quệ" mới đúng) : cải lương, "sến".
Vi tính (computer) : làm như hay lắm, ra vẻ ta đây. Vd : Thằng ấy vi tính lắm cơ , lúc nào cũng đệm tiếng Anh khi nói chuyện.

Tinh vi : ra vẻ ta đây.

Trắng Phớ : nói thẳng ra đi

Không hề : không sợ, không bi.

Bập: Bố mày mới bập ( lấy) của ông bà già một

con deam ( còn gọi là dem)

Ứ chịu : không chịu

Cực kỳ : rất đẹp

Rước : Mua Về

Oách : trông

Hơi bị : diễn tả mức độ hơn trung bình và dưới mức quá cỡ 1 chút. Vd : Cái này hơi bị khó hiểu à

nghen
Xiềng: khi muốn khẳng định một sự việc gì mà người nói tin là chắc chắn 100%. Vd: - Mi có chắc là như vậy không? Xiềng.

Phơ là phê

Bà Cố: có nghĩa là nhiều, quá, thí dụ như: con nhỏ đó đẹp bà cố luôn, thằng đó nói chuyện xạo bà cố

Củ Chuối: (tiếng bắc) có nghĩa là "đểu" ví dụ: thằng đó củ chuối chết mẹ (tức là thằng đó đểu chết mẹ)

NATO = never action talk only. Ví dụ: thằng đó nằm trong khối NATO (chỉ biết nói chứ không biết làm)
Chuồn chuồn là chỉ đàn ông, còn bươm bướm là chỉ đàn bà. Giữa giữa là hi-fi /hai-fai/.

Lác: ba xạo

Dẹo : có nghĩa là mồi chài ai được món đồ gì đó. Vd : Con nhỏ đó mới dẹo được thằng bồ nó chiếc xe honda

Nhão: ỏng ẹo, điệu đàng, làm dáng, không được

tự nhiên. Vd: Nhỏ đó nói chuyện nhão quá trời

Bèo: rẻ mạt, rẻ thí dụ như thằng đó mới mua

được cái xe giá thiệt là bèo.

Không có cửa: (thường chỉ áp dụng trong tình

cảm only) có nghĩa của từ này là không thể nào,

thí dụ như thằng đó muốn cua tao hả, không có cửa đâu mày.

Rối: no way out, tình cảm của tụi nó dạo này hơi

bị rối??

MBA : Married but available! Ví dụ: cha nội đó hả,

khoái làm MBA !

Cháy IC: nghĩa là, chịu không nổi. Ví dụ: thôi

hổng giám đâu! đi xa như dzậy "cháy IC sao"?

*Thánh giá có là giá thánh

Ban Biên Tập DIA vừa nhận được một bài thơ của người viết có tên là Đinh Huyền Dương từ Sydney gửi đến. Nay, Dân Gầy lãnh trọng trách đăng tải ở mục này, như một giọng mới tuy xa mà gần, như sau:

Thánh Giá Đồng Chiêm.

Đồng Chiêm ơi hỡi Đồng Chiêm !

từ xa xin gửi nỗi niềm cảm thông

Thánh Giá cao vút cánh đồng

đêm khuya quân dữ tấn công ào ào

giáo dân bật dậy xôn xao

mới hay Thánh Giá đổ nhào đau thương

này đây biến cố khác thường

ấy là bách hại đạo dường thời xưa !

thời cây Thánh Giá thô sơ

đặt nằm dưới đất ai qua thì còn

được về sống với vợ con

nhưng nay Thánh Giá chon von cánh đồng

đêm khuya khoắt,bổng đùng đùng

quân dữ phá tung,giáo hữu chẳng sờn

dựng Thánh Giá khác giản đơn

bởi vì chính đó biểu trưng đạo trời !

Chúa xưa phán dạy bao lời :

"đức tin dời được núi đồi như không !

theo ta ắt hẳn chịu đòn

từ lăng mạ đến cáo gian là thường

xá gì những chuyện tai ương

ấy là phần thưởng thiên đường mai sau"

đôi dòng thông cảm niềm đau

từ xa kính gửi với bao chân thành

cám ơn mẹ,chị,em,anh

cha ông trước cũng tan tành thịt da

đạo trời chẳng sợ qủy ma

đức tin quyết giữ cho ta ơn đầy

Ước gì Thánh Giá dựng xây

Đồng Chiêm lại sống những ngày bình yên !

Đinh Huyền Dương.

(Úc tháng 1-2010).

*Giọng cũ khá quen:

Chừng như giọng này, là giọng văn. Của những người còn khá trẻ. Ở quê nhà. Thôi thì, cứ coi như giọng của con cháu ta, còn như thế. Để rồi, cứ thế ta sẽ hiểu. Se thương hơn:

15 đoản văn của học sinh XHCN

Câu chuyện 1
Một vài bài thi tuyển sinh đại học năm 2004 (Ðại học khoa học xã hội và nhân văn thành phố Saigon )
1. Bác Hồ là một hột giống tốt cần được bảo quản
2. Bài thơ 'Chìều Tối' của Bác Hồ làm ta nhớ đến câu thơ của Nguyễn Du 'Chim hôm thoi thóp về rừng' hay câu thơ 'ngàn năm gió cuốn chim bay mỏi' của Bà Huyện Thanh Quan.
Nhưng so sánh ta thấy rõ chim Bác Hồ khác hẳn chim Nguyễn Du,
Và còn khác hơn chim Bà Huyện Thanh Quan.
Chim Bà Huyện tự nhiên mỏi.
Còn chim Bác Hồ là con chim phi thường , nó mỏi có mục đích: 'Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ'.
3. Qua Bài thơ 'Chiều tối', ta thấy Bác Hồ đã dùng chim để mô tả nội tâm.
Làm sao Bác biết chim mỏi ? Nó nói với bác chăng ?
Không nó không nói với bác. Mà chỉ cần nhìn Bác cũng biết nó mỏi.
•Câu chuyện 2
Chí Phèo & Thị Nở

Vào một đêm trăng sáng, Chí Phèo gặp Thị Nở trong vườn chuối. Chí ôm chặt Thị định dở trò.
Lúc đầu Thị Nở cũng định phản ứng,
Nhưng rồi thấy xung quanh vắng vẻ (--> có kêu cũng không ai nghe), mà Chí lại ôm chặt quá, nên rồi Thị cũng mặc kệ.
•Câu chuyện 3
Em hãy phân tích tấm lòng người mẹ của bà cụ Tứ trong chuyện 'Vợ nhặt' của nhà văn Kim Lân
.
¨Trong cuộc sống sinh hoạt đời thường, hàng ngày chúng ta đã từng được thưởng thức rất nhiều loại lòng, như lòng lợn, lòng bò, lòng gà, lòng vịt chúng đều rất ngon và có vị riêng biệt khác nhau, nhưng tất cả đều không thể bằng lòng.... mẹ¨
•Câu chuyện 4
Em hãy tả con gà trống nhà em:
'Chú trống choai nhà em lớn nhanh như thổi, càng lớn chú càng giống gà mái'!?
•Câu chuyện 5
Ðề: Phân tích bài Viếng lăng bác.
Một học sinh viết:
Con ở miền Nam lăn ra thăm Bác
Tác giả là người có thân phận thắp hèn (con ở) nhưng cũng tích góp được tiền của để một lần được đi thăm bác. Trên đường đi, tác giả đã gặp bao nhiêu nguy hiểm, phải đi qua giữa hai làn đạn đang giao chiến nên tác giả đã phải lăn qua....'
•Câu chuyện 6
Em hãy tả hình dáng và tính tình một cụ già mà em rất kính yêu¡¨ - là đề tập làm văn trong kỳ thi tốt nghiệp tiểu học vừa diễn ra ở tỉnh nọ. Xin trích nguyên văn từ bài làm của học sinh :
- Hình dáng của bà nội rất là thấp được hai mét rưỡi dáng đi rất chậm chạp, mắt thì lừ đừ ít thấy gì nữa¡K Tính tình cụ già rất là bực bội¡K Khi bà nội cười liền nhe mầm răng ra còn được ba bốn cái gì mà thôi.
- Con mắt của bà tròn như hòn bi, mũi có hai cái lỗ, cụ già có hai cái tai, tóc của bà đã bạc phơ. Cổ ngắn gọn, thân của bà 2, 3 thước, bà có hai cái tay, có hai cái chân.
- Bà cụ ngoài 40 tuổi. Hình dáng bình thường, chiều rộng ba mươi, chiều cao một mét sáu.
- Khi cười miệng bà em móm mém như miệng cái hố.

- Khuôn mặt ông bầu bĩnh; đôi mắt ông như mắt bồ câu trắng; dáng đi của ông rất hoang thai và cái miệng của ông như trái tim rất mảnh liệt.
- Ông của em dài thì bằng 1 mét và không mập.
•Câu chuyện 7
em hãy tả bạn em
'bạn em ko cao ko thấp, trung bình. bạn em ko gầy, ko béo, trung bình. bạn em ko đen ko trắng, trung binh. bạn em ko giỏi ko kém, trung bình...'
•Câu chuyện 8
em hãy tả đêm giao thừa

'em bước ra sân để chuẩn bị thắp hương giao thừa. ánh trăng tròn vằng vặc soi rõ khu tập thể, làm những chiếc lá sáng lên loang loáng...'
Cái này thì phải nói là 'sáng như đêm ba mươi'
•Câu chuyện 9
em hãy kể lại tác phẩm Tắt đèn của NTT

'Chị Dậu rón rén bưng bát cháo hành vào cho anh Pha ăn'!!!!
•Câu chuyện 10
Trích bài văn bình tác phẩm Tắt đèn

'Chị Dậu, như người ta vẫn nói 'con giun xéo lắm cũng quằn', đã nói với bọn lính lệ như thế này 'Mày động vào chồng bà đi, rồi bà cho mày xem'. Và chị cho chúng nó xem thật.'
•Câu chuyện 11
'áng văn' độc đáo

'Nhà em có một con gà. Buổi sáng thức dậy, nó nhảy từ dưới đất lên nóc chuồng, rồi lại nhảy lên đống củi, vỗ cánh và gáy ầm ĩ. Tức mình, em ném nó què chân'.
•Câu chuyện 12
'Tưởng tượng mình là Thánh Gióng lên tâu với Ngọc Hoàng những việc mình đã làm dưới trần gian'

'Lên đến cổng trời, ta gặp ngay ông Thiên Lôi, ông ấy cười khà khà vỗ vai ta và rủ ta vào nhà ông ấy làm vài chén rượu cho đã'.
•Câu chuyện 13
tả tiết học trong lớp

'... Cô giáo em đang giảng bài, bỗng nhiên có tiếng gõ cửa như làm ám hiệu: Cạch... cạch... cạch. Và sau làn kính mờ là một bóng đen đứng lặng im. Cô giáo em rón rén ra mở cửa, cả lớp im lặng hồi hộp... Trời! Thì ra là bác hội trưởng hội phụ huynh của lớp...'
•Câu chuyện 14
giải thích câu tục ngữ 'Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh'

'Câu tục ngữ nói lên sự dã man của bọn giặc cướp, khi đã tràn vào làng mạc, nhà cửa thì không cứ đàn ông, mà cả đàn bà, trẻ em chúng cũng đánh đập, hành hạ...'
•Câu chuyện 15
Chuyện này cũng thật 100% luôn. Của học sinh lớp 12.
Ðề bài: em hãy phân tích hai câu thơ trong tập 'Nhật kí trong tù' của tác giả Hồ Chí Minh.

'Ngủ thì ai cũng như lương thiện
Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ hiền'.
Em nghĩ học sinh này chắc là học giỏi môn sinh vật, nên bạn phân tích như sau:
Khi ngủ thì cơ thể chúng ta nằm im, bất động, mắt nhắm trông ai cũng giống ai. Nhưng khi tỉnh dậy, do nhu cầu sinh lý, cơ thể con người cần đào thải một số cặn bã trong cơ thể, nên câu thơ đã tả thực rất chính xác: ' ngủ dậy phân ra.......kẻ ! dữ hiền

*To to nhỏ nhỏ nghe rồi cũng quen:

Nghe quen quen, là nghe quen nhưng chuyện vừa to lại vừa nhỏ, rất Vi eN. Như sau này:

Bài thơ của một du sinh VN


VIỆT NAM là một nước hơi nhỏ ..
Trong cái nước hơi nhỏ , có một thủ đô thật to .
Trong thủ đô thật to , có những con đường rất nhỏ .
Trong những con đường rất nhỏ , lại có những căn nhà thật to .
Trong những căn nhà thật to, lại có những cô vợ bé rất nhỏ .
Những cô vợ bé rất nhỏ, lại dành cho những ông quan thật to .
Những ông quan thật to, lại đeo một cái cặp hơi nhỏ .
Những cái cặp hơi nhỏ, thường có những dự án rất to
Những dự án tuy rất to, nhưng hiệu qủa lại qúa nhỏ
Hiệu qủa qúa nhỏ, nhưng thất thoát lại thật to .
Tuy thất thoát thật to , lại được coi là cái lỗi rất nhỏ .
Vì thế VIỆT NAM ta, từ từ biến thành một đất nước nho nhỏ.
Trong cái đất nước nho nhỏ , lại có những ông lảnh đạo thật to.
Trong những ông lảnh đạo thật to , lại có những cái đầu qúa nhỏ .
Những cái đầu qúa nhỏ, lại có những túi tham thật to .
Những túi tham thật to, lại có những hiểu biết rất nhỏ .
VÀ NHỮNG HIỂU BIẾT RẤT NHỎ ..LẠI ..GÂY HẠI CHO ĐẤT NƯỚC ..THẬT TO

*Lời chúc trong năm và trước Tết, của ai đó:

Ai đó, có ai vẫn thường chúc. những lời ý nhị, một đêm trăng. Rất vừa đủ. Khá nhẹ nhàng, lại quen quen, như lời của chàng và nàng, rày hôm trước. Rất muốn nhớ:

“Xin gửi đến Bạn lời cầu chúc vừa đủ, vừa đủ thôi...
Vừa đủ HẠNH PHÚC để tâm hồn Bạn luôn thanh cao
Vừa đủ THỬ THÁCH để Bạn được dũng mãnh
Vừa đủ MUỘN PHIỀN để Bạn có lòng nhân ái
Vừa đủ HY VỌNG để hạnh phúc mãi ngự trị nơi Bạn
Vừa đủ THẤT BẠI để giữ Bạn khiêm nhu
Vừa đủ THÀNH CÔNG để Bạn luôn kiên cường
Vừa đủ BẠN BÈ để giúp Bạn an vui
Vừa đủ VẬT CHẤT để Bạn được thảnh thơi
Vừa đủ NHIỆT TÌNH để Bạn có thể đi đến cùng các dự tính
Vừa đủ NIỀM TIN để xua tan nơi Bạn những chán nản ngã lòng
Vừa đủ NGHỊ LỰC để cuộc sống Bạn mỗi ngày được tươi đẹp và hạnh phúc hơn
Và vừa đủ TÌNH YÊU để Bạn có thể thực hiện tất cả những hy vọng và ước mơ của Bạn!”

*Có một giọng cũ hơi xa lạ:

Giọng này, là giọng của nhà thơ/nhà văn (?) có tên là Trần trung Đạo. Ở ngoài đời. Đời hay đạo gì, thì tên anh vẫn là “đờ ao nặng”. Cứ đọc thử xem có phải là đạo trong đạo ngoài. Trong đạo ngoài đời hoặc trong đời ngoài đạo, rất lạo xạo. Một vần thơ? Thôi thì thơ thẩn/thẩn thơ, ta cứ đọc:

Ở Một Nơi Không Có Mùa Xuân


Ở một nơi không có mùa xuân
Con chim nhỏ cũng chẳng buồn về đậu
Ngày hai buổi em về qua xóm lạ
Buồn vương trên tóc nhớ theo chân
Nắng Sài Gòn từng giọt rưng rưng
Thời con gái tan theo từng giọt nắng
Anh ra đi phố phường xưa hoang vắng
Tháng năm buồn kỷ niệm ngủ không yên.
Em vẫn mơ hoài câu chuyện thần tiên
Nàng Tô Thị Việt Nam
Thờ chồng nuôi tằm dệt vải
Chuyện anh kể năm xưa
Em học thuộc lòng nên còn nhớ mãi
Nhỡ mai về anh sẽ trách em quên.
Em dấu kín nỗi buồn
Chỉ khóc lúc nửa đêm
Như sợ anh biết sẽ cười em yếu đuối
Em dắt con thơ qua vùng Kinh Tế Mới
Tháng năm ròng học cuốc đất trồng khoai
Da em sờn vì cực khổ trần ai
Tóc em rối vì dãi dầu mưa nắng
Em cố giữ lại đây nụ cười trong trắng
Sợ khi anh về mắt ướt sẽ không vui.
Cây hy vọng em trồng
Trước ngõ vẫn xinh tươi
Lớn lên bằng giọt mồ hôi sớm chiều em nhỏ
Trái tim em dòng thủy chung vẫn đỏ
Vẫn mặn nồng như thuở mới yêu nhau.
Không hẹn hò nhưng buổi sáng hôm nay
Anh trở lại với người đàn bà xa lạ
Mười năm anh đi mẹ con em vất vả
Chỉ một lời xin lỗi đủ sao anh.
Anh đã quên rồi những chuỗi ngày xanh
Những kỷ niệm vàng hoe trong ký ức
Anh trở lại dững dưng nhìn quá khứ
Của một thời sỉ nhục gánh trên vai
Anh đã làm gì suốt một đời trai
Ngoài chút bả lợi danh
Chút da thịt thơm mùi hương phấn lạ
Người vợ trẻ của anh sẽ chẳng bao giờ hiểu cả
Vì chính anh đã gian dối với lòng mình.
Anh sẽ nói gì trước những điêu linh
Của đất nước còn chìm trong máu lệ
Ngày ra đi, anh thề non hẹn bể
Ngày trở về, ngoảnh mặt với quê hương.
Anh sẽ nói gì trước những đau thương
Của đồng bào anh trong ngục tù tăm tối
Ngày cha chết còn một lời trăn trối
Mong anh đứng thẳng làm người
Giấc mộng vàng dệt thuở hai mươi
Anh nỡ thay cho một tâm hồn thác loạn.
Vầng trăng ước trong lòng em vẫn sáng
Mười năm chờ nghe một tiếng thương yêu
Em nối tình mình theo múi chỉ đường kim
Ðan chiếc áo cho ngày anh trở lại
Nhưng bóng hạc vẫn nghìn trùng bay mãi
Ðể giang hà mòn mỏi tiếng thông reo.
Ði đi anh đừng trở lại đây
Em sẽ khóc nhưng không hề nuối tiếc
Chỉ tội nghiệp cho anh một đời thua thiệt
Gian khổ tù đày để được thế thôi sao ?
Trần Trung Ðạo

Lời Thú Tội Của Thằng Cu Tí

Tôi, công dân của cường quốc Hoa Kỳ
Vừa sống sót qua một thời dâu bể
Tôi nhuộm tóc cho đời thêm tươi trẻ
Đổi tên mình cho dễ đọc, dễ nghe
Thưa, tôi chính là thằng Cu Tí ốm teo
Một dạo mót khoai trên vùng Kinh Tế Mới
Đêm Sông Bé căn nhà tranh tăm tối
Bữa ăn chiều không đủ cháo thay cơm
Tôi quên rồi, tôi là kẻ vong ơn
Sẽ gởi nắm xương tàn nơi đất khách
Trong giấc ngủ, tôi mơ về Bahama, Las Vegas
Mơ con tôi một ngày sẽ vào Harvard, Stanford
Tôi nghiêm chỉnh chào cờ trước mỗi trận football
Nhưng rất ghét những lễ thượng kỳ quốc gia, quốc kháng
Mặc ai chết, ai vào tù ra khám
Gánh sơn hà đâu phải để tôi lo
Tôi thích nói về chuyện stocks, mutual funds
Hơn là chuyện cháo rau khoai sắn
Đời là thế, có khi mưa khi nắng
Tôi trả lời về quá khứ đau thương
Tôi thích khoe mình mới được lên lương
Giấu đi những món nợ đời tôi chưa trả hết
Tôi nợ cha đôi mắt trừng khi chết
Nợ mẹ già dòng máu chảy trong tim
Tôi quên rồi, tôi có vạn thằng em
Đang lây lất trên vỉa hè, góc phố
Sẵn sàng giết nhau vì chén cơm manh áo
Và học đường là những tối đi hoang
Tôi quên rồi, tôi có vạn đứa con
Trôi giạt giữa quê hương mùa bão lửa
Là tôi đấy những ngày xưa thiếu sữa
Trong tay gầy của mẹ buổi sơ sinh
Tôi quên rồi, tôi có vạn người anh
Trong ngục tối, trên rừng sâu núi thẳm
Người đi khuất vào hư vô quên lãng
Không mộ bia và không cả họ tên
Tôi quên rồi, những người chị thân yêu
Đang lạc lõng nơi nào trên đất Thái
Đêm chị ngủ có mơ về quê ngoại
Bên hàng dừa, bên ruộng lúa nương dâu
Đêm giao thừa trên đất khách mưa ngâu
Nghe ai gọi từ bên kia biển rộng:
Nầy Cu Tí, mầy là thằng phản bội
Tôi giật mình và sực nhớ ra tôi.
Trần Trung Đạo


Sáng Moscow, Chiều Hà Nội, Tối Berlin


Buổi sáng Moscow
Người công nhân Việt Nam
Thức dậy
Loay hoay tìm ổ bánh mì
Ném que củi cuối cùng vào lò sưởi
Ngơ ngác đứng nhìn về phía phương đông
Mặt trời vẫn một màu đỏ cháy
Quê hương bây giờ ở đâu
Bên dòng sông Volga
Một con chim lạc đàn đứng khóc
Trời đất rộng muôn phương
Sao chẳng có nơi về.
Ðiện Kremlin sừng sững phía bên kia
Tiếng chuông gõ từng hồi quen thuộc
Bức tường đá màu đen
Trông vẫn lạnh da người
Thánh địa của một thời
Gỗ đá, lương tri, vượn, người lẫn lộn.
Chiều Hà Nội chị đọc tờ thư cũ
Anh viết lần cuối cùng
Cũng đã khá lâu
Xuân đã về sao mình mãi xa nhau
Vầng trăng ước còn treo trên khóm trúc
Hà Nội bây giờ buồn như cổ tích
Một nghĩa trang rờn rợn những bóng ma
Anh viết những gì
Từ những nơi xa
Về Dân Chủ, Tự Do, Nhân Quyền, Công Lý
Về cơn bão cách mạng Ðông Âu đang rực cháy
Về những mầm xanh hy vọng ở quê hương
Anh viết về những dòng sông
Về những con đường
Những nỗi nhớ mẹ và em
Cả những niềm vui vừa bắt gặp
Ở Moscow, ở Warsaw, ở Budapest
Ở những con người cũ mới hôm nay
Anh viết về một niềm tin
Tưởng đã chết không hay
Một buổi sáng bừng bừng sống dậy
Anh sẽ vượt biên giới đến Berlin
Ðễ gom góp đồng bào anh em còn lại
Thắp sáng tình người thành ngọn lửa đấu tranh.
Buổi tối Berlin
Tiếng xe cứu thương ầm ỹ
Thêm một người thiểu số mới bị đâm
Một người châu Á tóc đen
Không giấy tờ chứng minh địa chỉ
Người cảnh sát lắc đầu
Vừa nhìn vừa chỉ
Cái xác gầy còm
Co ro như còn trong bụng mẹ
Những giọt máu đỏ tươi
Trên con đường nứt nẻ
Ðọng thành những vệt dài
Trông tội nghiệp làm sao.
Mẹ Việt Nam ơi!
Con mèo con chó cũng có tên
Sao đứa con của mẹ lạc loài không tên tuổi
Trong túi áo một phong thư chưa gởi
Gởi về đâu hỡi Hà Nội mưa bay.

Trần Trung Ðạo

*Có những giọng cũ rất dễ thương:

Giọng cũ hôm nay, là từ các anh các chị trong Gia Đình An Phong ở Sydney, vừa qua đã biên thư ủy lạo anh chị Nguyễn Kim Linh. Số là, anh chị Linh có hai cháu sinh đôi tật nguyền từ bẩm sinh, gửi nhà trẻ đặc biệt. Nay nhà trẻ hết tài trợ, nên dự định đóng cửa, vào cuối năm. Nếu tình trạng này xảy đến, sẽ kẹt cho gia đình anh chị Linh. Dưới đây là vài thư ủy lạo của bà con ở gần:

Thư của anh chị Phạm Văn Chương-Tuyết Lê:

2010/2/15 Le Pham <letpham@gmail.com>

Anh chị Linh thân mến,

Tối hôm nay cả nhà tôi đều ngồi xem chương trình số 2 ABC Four corners.

Thấy gia cảnh anh chị Linh mà không biết làm gì cả. Xin cầu cho gia đình anh chị Linh và các người có con bị handicaped sẽ được những điều tốt đẹp sau khi trình chiếu chương trình này.

Đứa con trai út của tụi này mãi tới 4 tuổi nó mới bắt đầu nói, tụi này cũng phải đi gặp nhiều bác sĩ chuyên khoa. Khi cháu 3 tuổi đi childcare cũng không nói gì hết. Cũng may là sau đó mọi việc đều tốt đẹp. Tối nay chính cháu cũng ngồi xem và rất sốt sắng theo dõi.

Xin thông cảm với anh chị, nhưng phải thật sự mà nói, gánh nặng của anh chị thật sự là quá tải.
Mong rằng sau khi trình chiếu chương trình này, chính phủ sẽ nghĩ lại mà tăng trợ giúp cho những gia đình có con bị khuyết tật. Có khi mình nêu lên tiếng nói thì họ mới nghe.

Thân
Gia đình Lê Chương

Thư chị TK Phụng, phu nhân cựu CHT NVDũng:

Anh chi Linh than,

Biet va nghe anh chi noi nhieu ve 2 dua nho,nhung thu that khi thay hinh anh gia dinh cua anh chi tren TV, toi da ua nuoc mat ,lam cha me chac khong co noi kho nao hon xin nhan long cam thong va cau nguyen cua chung toi.

Toi that su cam phuc anh chi , voi tinh canh gia dinh nhu vay nhung van gan bo va bo thi gio voi Dai gia dinh An Phong, su hien dien cua anh chi trong nhung buoi hop mat cua GDAP no that co gia tri vo cung ma toi cung khong biet dien ta bang tu ngu nhu the nao cho dung nghia,va thu that toi cam thay xau ho cho minh khi nghi lai ...co nhung luc minh vang mat!

Nam moi 2010, mong moi su tot lanh den voi gia dinh anh chi ,cau xin Chua thuong ma cat bot ganh nang tren vai anh chi . Mong rang chau ngay cang lon se co them su hieu biet de anh chi bot nhoc nhan.

Than men.

Trần Kim Phụng

Vài hàng của anh Vũ Đức Nhuận, chị Chương-Lê:

Xin dong y voi gia dinh anh chi CHUONG. THANH GIA ma gia dinh anh chi LINH phai

vac qua la nang ne. Chan thanh xin chia se voi anh chi LINH va chi biet qua loi

nguyen cau ma thoi.

GOD BLESS YOU

Vũ Nhuận và gia đinh

Vài hàng chuyển thư của CHTrưởng NDLâm:

chuyen den anh em copy email cua Liz (con ga'i cua anh Linh)

-Lam

Xin chuyển

PLEASE HELP

Some of you may know me, some may not – but regardless of this fact I need YOUR HELP.

My name is Liz and I have twin younger brothers with severe Autism. Medically speaking autism disorders are a range of complex neurodevelopment disorders, characterized by social impairments, communication difficulties, and restricted, repetitive and stereotyped patterns of behavior.

Reality speaking, my brothers are 14 now, they look like regular 14 years old but the mindset of 2 years old and can only communicate by pointing at something they want. They can’t tell you when they’re sick or when they’re upset and will often go from laughing one moment to crying and throwing tantrum the next. Caring for any child with a disability is never easy; caring for two is even harder. This is where Kingsdene Special School – the ONLY boarding school for profound disabled children, came to our aid and accepted one of

my brothers, Nathan: The past three years have been more bearable.

Allowing Nathan to have 4 and half days a week, the 24 hour care he needs and leaving us at home to provide Stefan, my other brother with more intensive therapy he needed.

But due to the lack of a permanent funding solution, Kingsdene Special School will close at the end of this year, instead of opening more school like it, it is being shut down. Many families, including my one, are distraught at this news as Kingsdene was their last hope.

This is where I need your help: Marie Claire magazine has an article on the latest edition, and set up a petition to try and save the school:

http://au.lifestyle.yahoo.com/marie-claire/features/repor

ts/article/-/6741343/the-battle-for-care-thats-pulling-families-apart/

All I ask is 2 minutes of your time to sign it:

http://gopetition.com.au/online/33791.html

If you are interested, ABC TV’s 4 Corners will also be showing “Breaking Point”, a story about Kingsdene Special School, its students with severe disabilities and their families, on Monday 15th of February at 8:30 PM, this will be repeated on the 16th of February at 11:35 PM, and will also

be available online:

http://abc.net.au/4corners

From the bottom of my family’s and my heart and all Kingsdene’s students and their families --- Thank-you

2010/2/18 Thanh Thuy Nguyen:

Cam On Lam da chuyen cai URL nay cho anh em bi missed out chuong trinh > ABC 4 Corners ....

Linh men,

Khong fai doi den luc ngoi coi cai report Breaking Point moi hieu duoc va cam thong noi kho cua Linh va gia dinh, ma da tu lau minh rat cam phuc Linh can dam kien tri chiu dung biet bao kho nhoc nuoi nang chay chua cho may chau,cai kho^? tam

lon nhat cua nguoi lam cha me la thay con cai ko duoc binh thuong ca ve tinh than lan the xac, nhung co le khong noi kho^? tam nao bang su tuyet vong khi biet "da het thuoc chua", ay the ma Linh van vui ve lac quan va am tham tiep tuc dau tranh vuot qua nhung noi kho khan hien dien tung gio fut trong cuoc song hang ngay,day moi chinh la die^?m dang tran trong o noi con nguoi cua Linh.

Và, những cử chỉ thực tế:

Hello ba con co bac,

Minh xin chuyen cho anh chi em KIEN NGHI - petition - yeu cau duy tri truong noi tru Nathan la noi ma 2 chau cua anh chi LINH dang theo hoc. KY TEN vao kien nghi nay co le la hanh dong thiet thuc nhat de chia se voi gia dinh anh chi. Xin moi ba con khap noi - nhat la Uc - tich cuc huong ung.
Vu Nhuan

Wednesday, 3 Feb 2010

From: Augustin Nguyen

Hi Everyone

Please click the link below to read a Marie Claire magazine article about Nathan's boarding school
closure.
http://au.lifestyle.yahoo.com/marie-claire/features/reports/article/-/6741343/the-battle-for-care-
thats-pulling-families-apart/
If possible, sign a petition at the red link at the end of this article

Thanks
Augustin Nguyen

PS: Kindly pass this message to your relatives and friends,

Thank you

*Năm Cọp sao không nói chuyện…Mèo?

Đúng thế. Có người từng đặt ra câu hỏi này. Và hôm nay, có người xin thưa chuyện cọp-mèo/mèo-cọp như thế này:

Mèo và Cọp

Không phải vô cớ mà người ta gọi bồ bịch là mèo, còn gọi vợ là cọp cái, sư tử Hà Ðông.... Tất nhiên cũng có người thế này, người thế khác. Ðôi khi ta cũng gặp những con Cọp .... hiền lành, còn trong đám mèo cũng không hiếm những con dữ dằn, ghê gớm.

Cọp và mèo (hoặc gọi nôm na là vợ và bồ nhí) tuy cùng một họ (giới), nhưng đi vào chi tiết, sau những cuộc thăm dò và nhiều năm "nghiên cứu", người ta đã tìm ra 10 lý do khiến đàn ông thích "mèo" hơn vợ.


1. Mèo không bao giờ cáu gắt, quát tháo ầm ĩ hay gầm gừ như vợ, mà luôn luôn dịu dàng, âm yếm kêu "meo meo" nghe thật êm tai, dễ chịu.

2. Mèo bao giờ cũng sạch sẽ thơm tho, trong khi vợ nhà thì đầu bù tóc rối.

3. Mèo thích được dắt đi chơi, thường xuyên biết nũng nịu, mơn trớn chứ không mau quên thuở mới yêu nhau như cọp.
4. Vuốt ve mèo mang lại cảm giác mềm mại, sung sướng trong khi ít ai có đủ can đảm vuốt ve...cọp.
5. Mèo ăn uống nhỏ nhẹ, từ tốn (đôi khi từ từ nhưng rất tốn, mà điều này không đáng kể). Con cọp chẳng biết giữ gìn ý tứ, lắm khi còn ra điều "thuyết giáo" ngay trong bữa ăn..

6. Mèo biết (hoặc tỏ ra biết) vâng lời, làm cho đàn ông có cảm tưởng mình là chúa tể sơn lâm, trong khi cọp thì chỉ muốn thống trị.
7. Mèo không lục túi sau mỗi kỳ lương, không càu nhàu khi đàn ông đi về trễ.
8. Mèo không bao giờ chì chiết, không kể lể, không làm mất mặt đàn ông giữa đám đông, nhất là mỗi khi có bạn đến chơi nhà...

9. Mèo có thể dự thi hoa hậu, nhưng vợ thì không. Trên thế giới đã có những cuộc thi hoa hậu dành cho mèo, cho chó nhưng không có cuộc thi hoa hậu nào dành cho ...cọp cả!

10. Nếu có lúc nào đó không may lỡ bị mèo quào, thì cũng chỉ thêm thi vị cho cuộc sống. Còn cọp mà nhe nanh thì chỉ có từ chết tới bị thương thôi!

*Giọng cũ của người em bên quê nhà:

Nói về nhiều giọng, mà lại không đề cập đến một giọng “tuy xa mà gần/tuy gần mà xa”, là về không gian, địa dư tính. Gần/xa xa/gần nào cần chi. Chỉ cần đôi ba tình thự rất mật thiết, như sau:

Kính chào anh Trần Tá,

Em là Giuse Trịnh Ngọc Hiê, em họ của anh Antôn Phạm Công Luận cùng lớp với cha Tiến Lộc. Hiện em đang phụ trách Học Viện DCCT.

Em cảm ơn anh đã quan tâm tới gia đình Học Viện cách đặc biệt. Em đã nhận được sách anh gửi rồi (qua anh Hồ Kim Sơn). Cảm ơn Anh rất nhiều. Em mới đọc qua đầu đề và mục lục, em thấy sách rất hay. Em còn đọc được tiếng Pháp, nhưng giới trẻ thì đang hướng sang tiếng Anh. Chắc Anh đã biết tình hình sách vở, thư viện của Dòng thời gian qua: tan tác thất lạc hết. Em cũng là một trong những người lên ĐàLạt chuyển thư viện HV về Thủ Đức để rồi tiêu tùng hết. Do đó thư viện HV xem ra chẳng còn gì. Bề Trên và chúng em đang gầy dựng lại. Đó là tình hình thư viện. Sự giúp đỡ của Anh cho HV rất là cần thiết cho thế hệ tương lai. Một lần nữa, xin hết lòng cảm ơn Anh.

Kính chào Anh.

Giuse Trịnh Ngọc Hiên.

DCCT VN

Chào hai anh Tá và Nhuận,

Em nhận được email của hai anh, em mừng lắm. Hai anh và những anh khác tiếp tay thì chắc thành công lớn.

Các Anh lớn thì khó nhớ các em nhỏ. Còn em nhỏ vẫn nhớ được hai Anh. Anh Tá trắng trẻo đẹp trai, mái tóc chải chuốt cẩn thận. Anh Nhuận hát hay, có chiều cao khiêm tốn, nhưng miệng nói thì nhanh và hình như đá banh cũng hết sảy. Không biết bây giờ các Anh còn như xưa nữa không? Đó là những gì em biết về các Anh.

Em có kinh nghiệm vận chuyển như sau. Cách đây vài năm, khi em còn ở Hà Nội, em có một chương trình học bổng cho các học sinh nghè. Một trong những người cha đỡ đầu các em, khi biết em giúp một trung tâm của các Soeur phát thuốc cho người nghèo, thế là họ xin Croix-Rouge thuốc, tháng tháng họ gửi cho em. Họ thường gửi từng 2kg một rồi liên hệ với người đi du lịch cầm giùm sang VN. Em thường nhận theo cách đó. Không biết Anh Tá có gửi kiểu đó có được không?

Em vui mừng gặp lại hai Anh. Chúc hai Anh luôn mạnh.

Joseph Hiên

DCCT Vn

Tinh thần giàu nơi người nghèo

Lm Richard Leonard

Đọc trình thuật, ta thấy có vẻ như Đức Giêsu đã gom các lãnh tụ tôn giáo sống vào thời Ngài lại và đặt họ chung vào một luồng, cho dễ nhận. Đọc kỹ Tin Mừng, ta cũng nhận ra rằng: giả hình là thái độ mà Chúa lên án thường xuyên nhất. Xem ra, Ngài không thể chấp nhận động thái ấy, nơi các đấng bậc. Và hôm nay, gặp những bậc vị vọng nào như thế, ta cũng không chịu nổi.

Thật ra, thì giàu sang - quyền lực, tự nó, đâu là vấn đề. Bởi, vấn đề chỉ là: ta làm gì với những thứ ta nhận lãnh như ân huệ. Trả lời được, ta sẽ biết mình là người thế nào. Ở điạ hạt tôn giáo, chính trị, xã hội và cả gia đình/truyền thống cũng thế, quyền lực và giàu sang mọi người có, luôn là những thu hút hấp dẫn, đến độ khó có người buông lơi. Càng có quyền lực và càng giàu sang, người ta càng nghĩ là mình có thể làm được tất cả mọi chuyện. Và, khi đã có tiền và có quyền, ta sẽ dễ dàng làm lơ. Không còn để mắt nhìn Đấng đã ban phát ơn lành tiền bạc và quyền năng ấy. Và khi đó, ta càng có thái độ thờ ơ không muốn san sẻ những gì mình có với những ai chẳng có chút gì, kể cả tiền bạc lẫn quyền hành.

Phần cuối trình thuật hôm nay, Chúa để lời tuyên dương thái độ của bà goá. Tuyên dương, không phải vì bà vốn là người nghèo hèn. Bởi, đã nghèo và hèn, thì chẳng còn gì để được tuyên dương. Điều mà Chúa muốn xưng tụng bà goá nghèo hèn, chính là lòng quảng đại, bà vẫn có. Tuyên dương xưng tụng, Ngài muốn nhấn mạnh đến khía cạnh mà người nghèo có thể dạy cho kẻ giàu biết rõ những gì thật sự quan trọng, trong cuộc sống. Ở chốn nhân gian trần thế, có vài truyện kể có thể dùng làm bài học. Như truyện kể hôm nào, về cuộc đối chất thần học giữa vị Hồng y nhà Đạo và tín đồ nghèo Do Thái giáo.

Nhiều năm về trước, giới nhà Đạo ở La Mã dự tính có quyết định, là: người Do thái phải rời bỏ thủ đô này, không được sống gần nhà Đạo nữa. Cộng đồng bạn, tỏ ra rất bất bình trước quyết định gay gắt ấy. Thấy thế, Đấng bậc nhà Đạo bèn giải hoà, bằng một đề xuất: nếu cộng đồng bạn thắng cuộc khi thi đấu thần học, thì họ sẽ được ở lại. Phía nhà Đạo, đấng bậc được đề cử lên thi đấu, là vị Hồng y chủ quản giáo phận nọ. Phía giáo hội bạn, chỉ đề cử một tín đồ hèn, mang tên Môsê. Sợ rằng mình không nhanh nhẹn đủ để đối đáp, kẻ hèn Môsê đề nghị là cuộc thi đấu sẽ diễn ra trong thinh lặng. Nghĩa là, hai bên chỉ giơ tay, ra dấu hiệu thôi. Hai bên đồng ý, và nhập cuộc.

Bắt đầu, Vị Hồng y đưa tay lên cao, giơ 3 ngón. Tín đồ Môsê chỉ giơ một ngón, rất gọn nhẹ. Hồng y nhà mình dùng tay vẽ vòng cầu, trên đỉnh đầu. Còn, Môsê lại lấy tay chỉ xuống đất chỗ mình ngồi, không chậm trễ. Đấng bậc Hồng y bèn đem bánh miến cùng rượu nho, số lượng nhỏ ra mà cung kính lĩnh nhận. Trong khi đó, tín đồ Môsê lại mang trái táo xanh, dự tính xơi vô tư. Cuối cùng, đấng bậc Hồng y đứng phắt dậy, rồi vội nói: Tôi xin thua. Người này quá tốt lành, anh ta thắng. Thế là, cộng đồng Do thái được quyền ở lại. Vài giờ sau đó, các đồng nhiệm đến hỏi vị Hồng y: thưa ngài, sao lại thế? Vị Hồng y đáp: trước nhất, tôi giơ tay 3 ngón, ý muốn nói: Đức Chúa Trời có Ba ngôi; thì anh ta chỉ giơ ra có một ngón, là có ý nhắc nhở: Đạo của chúng ta cũng đều chỉ tin có một Chúa, mà thôi. Thế rồi, tôi ra dấu đánh một vòng trên đầu, ý muốn bảo: Đức Chúa đang hiện diện quanh ta, thì anh ấy lại lấy tay chỉ xuống đất, ý bảo rằng: đúng đấy thưa ngài, Chúa chúng ta đang có mặt, ở nơi đây. Ngay lúc này. Cuối cùng, tôi lấy rượu và bánh mang ra, là có ý nhắc: ta sùng kính Mình Thánh Chúa, là việc làm rất phải. Phần anh ấy, anh lại lấy trái táo xanh đem ra nhắc khéo tôi về tội nguyên tổ, cần đề cao. Tóm lại, anh ấy có giải đáp rất nhanh về mọi vấn đề. Đành chấp nhận thôi.

Cùng lúc đó, bạn bè trong cộng đồng Do thái rất thân, quây quần bên kẻ nghèo hèn mang tên Môsê, và hỏi: này, anh vừa già lại vừa thấp kém như thế, sao anh có thể thắng được đấng bậc cao sang bên ấy, thế? Anh ta thưa: có gì đâu. Lúc đầu, ỗng bảo tôi: cộng đồng Do thái mình duy nhất chỉ có 3 ngày để di dời, đi nơi khác. Tôi thưa ngay: không một người nào trong bọn tôi, sẽ ra đi. Rồi ông ta thêm: trọn vẹn thành này sẽ sạch bóng người Do thái, các anh đấy. Tôi bèn bảo cho biết: không đâu, bọn tôi sẽ đóng trụ ở đây, chốn này, chẳng đi đâu. Cuối cùng, có người hỏi thêm Môsê: thế rồi sao? Môsê bảo: tôi cũng chẳng biết nữa. Tự dưng, ỗng lấy đồ trưa ra ăn, tôi cũng lấy trái táo xanh ra, mà đánh chén. Chỉ có thế.

Tham dự tiệc thánh hôm nay, ta cầu và mong cho cộng đoàn thân thương của ta có được phong cách hành xử, rất xứng hợp. Xứng và hợp, để không bị giàu sang, tham lam, quyền lực thu hút. Quyến rũ. Cầu và mong, để mọi người có thể sử dụng quà tặng Chúa ban, qua hình thái nào đi nữa, cũng sẽ giúp ta dựng xây gia đình nhân loại. Cầu và mong sao ta sẽ không bị Chúa lên án, vì mỗi tuần cứ đến đây, vào mỗi Chúa nhật, chỉ để nói lên có mỗi một điều. Rồi sau đó, sẽ lại ra đi vào nơi tăm tối, làm điều trái nghịch. Trái và nghịch, với những gì ta nguyện cầu, thầm hứa.

Lm Richard Leonard sj

Lady First hay "Lê Đi Lết"

Nguyễn Thị Lộc Tưởng

Bạn có biết đi hớt tóc hoặc uốn tóc ở tiệm Việt có rất nhiều cái lợi không? Thứ nhất nói tiếng Việt với người thợ cũng dễ diễn tả kiểu tóc mình muốn hơn tiệm Mỹ. Thứ hai, đến tiệm Việt bạn được nghe rất nhiều tin “quan trọng” vì tiệm hớt tóc hay uốn tóc Việt Nam là trung tâm phát hành tin tức nhanh chóng và đầy đủ hơn báo chí và trên mạng, đôi khi bạn còn biết được “hành tung” của người quen hay kẻ thù không cần lên “America Most Wanted”. Tin trong nước, tin quốc tế thì hết 50 phần trăm bị móp méo sự thật vì đã được sàng lọc qua nhiều người, nhưng tin nhà thiên hạ (loại báo không đăng) thì đúng 100 phần 100. Chẳng hạn như tuần trước, tôi phải đi tiệm uốn “cái đầu” vì sau khi đi Úc về bỗng ! dưng tôi trở thành người trí thức phần tóc ở mỏ ác không biết buồn chuyện gì ra đi không bao giờ trở lại, khổ quá đành chơi theo “mốt” lông chó xù để tóc có thể che được phần trống vừa đẹp mắt vừa ấm cái đầu không sợ sổ mũi vì mùa đông ở đây lạnh lắm.

Vào mùa Giáng Sinh tiệm uốn tóc rất đông khách hơi ồn, nhưng không sao vì đi uốn tóc chứ có phải nghe nhạc đâu mà cần yên lặng, đối với tôi chờ đợi trong tiệm uốc tóc không làm tôi bực mình vì đây là cơ hội tôi được đọc mấy tờ báo tiếng Việt mà ít khi có thời giờ để đọc. Bà chị ngồi kế bên thấy tôi cầm tờ “Thời Nay” một tờ báo biếu không của cộng đồng, chị hỏi tôi:

- Chị có biết ông chủ báo nầy không?

Tôi lắc đầu chưa kịp trả lời thì đã có người lên tiếng:

- Chị nói báo nào?

- Báo Thời Nay của ông Nguyễn Đại Việt đó, thằng con mới bị bắt ngày hôm qua. (tiếng ồn ào trong tiệm bớt dần có lẽ đề tài nầy quá hấp dẫn).

- Vậy sao? gia đình ổng đàng hoàng lắm mà.

- Bởi vậy mới nói, sanh con đâu có sanh lòng. Cha mẹ nào không muốn con mình đàng hoàng nhưng vô phước thì phải chịu.

- Bà chị ơi! ai mà không biết chuyện con là nợ, loại nợ trả tới khi chết mà lòng vẫn chưa yên. Tụi tui chỉ muốn biết tại sao nó bị bắt?

- Thì hút cần sa ma túy. Tội anh Việt con người đạo đức hiền lành, ảnh đặt hết hy vọng vào thằng con nầy.

Một bà khách đang cắt tóc có vẻ rành chuyện nhà nầy góp ý:

- Tôi làm chung với chỉ, nghe mấy đứa bạn nói mấy năm nay ảnh với chỉ sống chung nhưng “ngả rẽ tâm tình” thân ai nấy lo, tiền ai nấy xài. Cuối tuần ông đi chùa hướng nam, bà đi miếu hướng bắc. Sống chung mà cũng như không. Vợ chồng là nền tảng gia đình mà sống kiểu đó thì giống như cây thúi gốc làm sao cành lá sum sê. Nghe thằng con tui nói thằng Huy con ảnh, nó thất tình, lại thêm hoàn cảnh gia đình không vui nên la cà với đám bạn hút hút xách. Cũng may nó chưa đi đến chổ trộm cướp, bị bắt biết đâu là cái may nó được dịp cai hút khi trở ra, không chừng nó lại đàng hoàng…..

Xoay qua cô thợ chị nói:

- Chỗ này còn vài sợi tóc cô cắt dùm tôi.

Câu chuyện đang hứng thú bị bỏ ngang vì bà chị này đang bận rộn chỉ cô thợ sửa lại mái tóc của mình. Tôi nghĩ rằng mình đã mất dịp may nghe thêm chuyện ở đời, đâu ngờ mọi người thật là tài vừa xong chuyện nầy họ bắt qua chuyện khác làm tôi có cảm tưởng mình đang đọc tập truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư.

Để phá tan không khí yên lặng chị thợ hỏi tôi:

- Dì có nhớ cái bà Tám lần trước ngồi cái ghế bên kia không? Cái bà ở gần nhà con đó.

Tôi trả lời theo kiểu vuốt đuôi cho xong, chứ làm sao tôi nhớ bà Tám là ai.

- Dì nhớ mài mại không rõ lắm, bộ bả có chuyện hả?

Cô thợ được trớn bắt đầu hát:

- Dì biết hông, mấy tuần trước trong nhà bả có chuyện cơm không lành canh không ngọt, anh chồng lớn tiếng chưởi thề “…., mầy còn nói nữa tao dộng bể mặt”, bả nhảy đông đỗng la lớn: “Có giỏi thì đánh đi, ở đây lế đi phớt (Lady first), ông mà đụng tới tui là cảnh sát còng liền”. Anh chồng nổi sùng chưởi thề “…., tao biết mầy giỏi muốn phớt tao cho mầy phớt” miệng chưa dứt tiếng đã “động thủ” dộng bả một cái, thiếu gì chỗ không dộng lại dộng vô cái lỗ mũi bả mới “rì tuốt” làm nó méo xẹo. Bả ôm mũi la như heo bị thọc huyết, thằng con đang ngủ mơ mơ màng màng giật mình chạy ra thấy cha thì hầm hừ mẹ thì ôm mũi la hét, hình như có chảy máu, tưởng ba nó sắp giết má nó nên gọi 911. Thế là ! xe chữa lửa, xe cứu thương, xe cảnh chạy tới rần rần làm cản trở lưu thông cả khúc đường. Ổng bị còng dẫn ra khỏi nhà giống như mấy thằng phạm tội giết người cướp của. Sau đó dì biết không, bả phải tốn hết một ngàn đồng đóng ngoại hầu tra cho ông chồng ra khỏi khám, lại phải làm thủ tục bãi nại rườm rà nếu không từ nay ông chồng không được bước chân vô nhà, phải cách xa bả khoảng mấy chục thước, con nói thiệt ổng mà bị đuổi ra ngoài, bả sẽ khổ dài dài, ai phụ trả tiền nhà đây, hơn nữa đàn ông bây giờ có giá lắm, lơ mơ thằng chả về Việt Nam cưới vợ nhí chừng đó có muốn xin làm bé hổng chừng ổng cũng chê. Cũng may được luật sư chùa nếu không phải tốn thêm phần tiền nầy, cho bỏ cái tánh “lế đi phớt”.

Người đàn bà đang cắt tóc cạnh tôi nóng mũi xen vô.

- Chưởi cha tui, tui hổng giận nhưng nói đến “lế đi phớt” là tôi nghe lùng bùng cái lỗ tai. Hông lẽ đem chuyện nhà ra nói cho bà con nghe, chứ tức quá nín hông được. Ông chồng tui hễ mở miệng là: “Tôi nhớ hồi xưa khi tôi còn thời, nói một tiếng là bà câm họng. Tôi về tới nhà là có cơm có nước, còn bây giờ tôi chỉ nói một bà róng họng cãi tới mười, ăn xong tôi phải rửa chén, đúng là mạt vận”. Mấy chị thấy đó hồi xưa tôi đâu có đi cày hai ba “zốp” (job) như bây giờ, ổng chỉ giúp tôi một chút mà than van đứt ruột. Nếu tôi bực mình cãi lại thì ổng nói: “Tôi biết bà giỏi rồi, ở đây cái gì cũng lế đi phớt, đàn ông là đồ bỏ”, ổng còn dán bài thơ con cóc ở nhà bếp tôi tức tới thuộc lòng:

Ăn chẳng bao nhiêu, rửa thật nhiều,

Đoài đoạn thương cho chú Việt Kiều.

Nếu biết qua đây mà rửa chén,

Thà ở quê hương húp “cháo Tiều”

Một đàn bà tuổi độ 50, ngồi chờ tới phiên cắt tóc ngứa miệng châm vô:

- Nghe nói “lế đi phớt” mà ham, không lẽ đàn bà phải mở cửa xe để mấy ông vô ngồi à???. Mấy thằng Mỹ, nó khôn thấy mẹ cái gì nó cũng nói “lế đi phớt”, về nhà mở cửa cho con vợ vô trước vì nó biết ở xứ nầy không an toàn, rủi có ăn cướp đang ở trong nhà, con vợ lãnh nạn, nó còn đủ thời giờ để chạy hoặc làm người hùng cầu cứu. Ăn cũng “lế đi phớt” có gặp thuốc độc thì con vợ làm vật thế thân. Chồng tôi cũng vậy, mỗi lần có chuyện, đem câu đó nói hoài, thiệt lãng nhách. Vậy chớ ở Việt Nam hồi đó vợ chồng rầy lộn sao không nghe mấy ông nói “lế đi lết”.

- Chị nói đúng đó ở Việt Nam khi ảnh còn thời, chị mà cãi là ảnh sẽ “dợt” cho chị thành “lế đi lết”.

Mọi người cười ầm lên. Anh thợ cắt tóc bên cạnh đang chải cái đầu ông khách để chuẩn bị hớt cũng xía vào:

- Đúng là đàn bà, chỉ có vài bà thôi mà đã ồn như cái chợ.

Một chị trả lời:

- Bộ tụi tui nó hông đúng sao. Thật ra “Lady first” cũng như “ga lăng” có gì khác đâu, vậy mà có một số ông bà nhà mình thấy chữ “first” cứ tưởng đàn bà là số một, nói theo mấy ông sư trong phim Tàu: “A di đà phật…. tội lỗi thật tội lỗi…”. Ai cũng nói đàn bà ở đây sướng, sướng đâu không thấy, thấy cày mút mùa “Lệ Thủy” lại còn phải lo cơm nước, nhà cửa, mấy cha chỉ biết chê, nhờ một chút là có chuyện, còn mang tiếng “lế đi phớt”, phớt con khỉ gì cực quá thành “lế đi lết” thì có.

Biết mình cải không lại với mấy nhà hùng biện, anh thợ uốn tóc chuyển đề:

- Mấy bà chị có nghe chuyện anh Tiến với anh Hùng không?

- Ai mà không biết họ sắp làm sui, đang sửa soạn cái bụng để ăn đám cưới đây.

Anh thợ vừa lấy chai nước xịt lên đầu ông khách vừa nói:

- Còn đâu mà ăn, hai đứa nhỏ tự làm đám cưới tụi nó bỏ “Đọt” (Dorchester) về dưới “rồ ai lền” (Rhode Island) lâu rồi. Chị Tiến khóc sưng con mắt, tui tưởng mấy bà bắt tin lẹ như tên, rốt cuộc chậm hơn rùa.

- Có chuyện đó sao? Hồi trước mấy ổng gài cho hai đứa nó thương nhau để làm sui mà.

Anh thợ để chai nước lên mặt bàn, chậm rãi đi một đường “tôn đơ” lả lướt trên mái tóc muối nhiều hơn tiêu của ông khách, cố ý để mấy bà nhiều chuyện nôn nóng, sau đó trịnh trọng nói:

- Thì đúng vậy, tụi nhỏ đâu có quen nhau, hai cha tìm mọi cách để tụi nó thương nhau, rồi đi tới hôn nhân. Trong ngày bàn chuyện đại sự, mấy bà nhắc đừng uống nhiều thì mấy ổng nói “Ối đây là chuyện đàn bà mấy bà lo đi mắc mớ gì tới bọn đàn ông tụi tui” thế mà tiệc rượu chưa tàn, chuyện cưới hỏi chưa xong, hai cha lại bất đồng ý kiến về chính chị chính em, về thằng China, về thằng Đại Hàn, về thằng Mỹ láo cá sẽ bỏ thằng Iraq như nó bỏ VN hồi trước, rồi nào mấy chuyện ngày xưa …v.v..và ..v.v., lời qua tiếng lại lúc đầu còn nhỏ sau thành lớn, ông sui trai đứng lên tuyên bố bãi hôn, hai bà sui chưng hửng, có cản cũng không được, thế là sui gia thành xui xẻo. Chỉ tội hai đứa nhỏ đã lỡ thương nhau đ! ành phải tự làm đám cưới nho nhỏ chỉ mời bè bạn cùng sở, có gởi thiệp mời hai ông “xui” nhưng không ông nào đi, chỉ có hai bà đi dự đám của con.

Chị ngồi ghế bên kia chắc lưỡi hít hà nói:

- Thiệt tội nghiệp, ở xứ nầy con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đó, có con biết nghe lời mà còn “cà chớn”, mấy ông càng già càng sanh tật, lúc nào cũng nghĩ mình đúng, chỉ muốn con cái làm theo ý mình, thường chỉ trích mấy ông già ngày xưa hủ lậu chứ thật ra mấy ổng đang đi vào con đường đó mà không hay không biết. Tôi thường nhắc nhà tôi: “Ông khó khăn quá con gái ông không dám có chồng Việt Nam đâu, nhìn cha nó, nó khùng sao đút đầu vô”.

Ông khách nãy giờ im lặng, có lẽ nhịn hết nổi nên cất giọng trầm trầm góp ý:

- Bộ mấy chị tưởng có chồng Mỹ là được chiều chuộng sao, đúng là chưa “thấy quan tài chưa đổ lệ” đa số mấy thằng Mỹ nghiền rượu mà khi đã nghiền thì vợ con có nghĩa lý gì, đó là chưa kể tiền ai nấy xài, chị mà không đi làm sẽ thấy cảnh tiền phát gạo đong chứ không phải như mấy thằng Việt tụi tui, đi làm không biết tiền bạc có được bao nhiêu, lãnh lương là đưa hết cho con vợ rồi nó phát lại cho vài chục để dằn túi ngừa khi gặp bè bạn có tiền uống cà phê.. Tui chạy xe nhưng vợ tôi nó lái, ngồi một bên cứ nhắc tuồng, nào đèn xanh, đèn đỏ, phải quẹo trái, quẹo phải, chạy đường này đừng chạy đường kia, hễ nói tới là giận, ăn xong bữa cơm muốn uống lon bia cũng không yên, “ông làm cái này, ôn! g làm cái kia” tôi nghĩ mấy thằng Mỹ chắc không có sức chịu đựng như vậy đâu.

Chị cắt tóc cạnh tôi hỏi ông khách:

- Anh có thể cho tôi số điện thoại nhà anh không?

- Chị xin điện thoại nhà tôi làm gì?

- Không có gì, tôi chỉ muốn gọi điện thoại hỏi chị đã học “bí kíp” nào mà giỏi như vậy, tính xin chị vài chương về nghiên cứu để giúp ông chồng tôi được như anh.

Nguyễn thị Lộc Tưởng

Suốt đời cõng vợ

Có lần giữa đêm đông, bà lên cơn chạy ra ngoài và rơi xuống giếng. Vùng đồi núi nước giếng không sâu, ông nhảy theo xuống giếng cho bà ngồi trên cổ. Giữa đêm khuya, làng xóm thưa thớt, không ai nghe tiếng ông kêu cứu. Cả đêm hôm đó ông đứng cõng vợ trong nước lạnh.

Chiếc ấm nhôm gò lại hàng trăm lần

“Khổ cho ông Hoa, lại đội mưa đi tìm vợ…”- Ông Hoàng Ngọc Chuân, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hải Long, huyện Như Thanh, Thanh Hoá nằm bên khẽ cựa mình thở dài. Sáng hôm sau, tôi đòi ông Chuân đưa sang căn nhà của người đàn bà điên đã chạy suốt đêm mưa hôm qua.

Một mùi khai nồng từ đâu bay tới làm tôi khó chịu khi bước vào căn nhà. Hiểu cảm giác của tôi, ông Chuân giải thích: “ Mùi của bà ấy đấy…!”.

“Chiếc ấm ni tôi mua theo phân phối từ xưa, chú xem, tôi phải gò lại hàng trăm lần rồi đấy…”, ông Trương Như Hoa kể. Rồi ông chỉ những song cửa gãy đôi, chiếc mâm cơm méo mó và cả những vết sẹo chạy trên khuôn mặt mình… tất cả là “tác phẩm” của vợ ông mỗi khi bà lên cơn điên loạn: khi thì ném đồ đạc, khi thì hắt nước sôi vào ông...

Rồi liên tục những đêm hàng xóm phải nghe tiếng bà la hét, than khóc: “cháy, cháy…, máy bay kìa…”, “con ni cháy đen tề, thằng tê chết rồi…!”. Bà chạy khắp làng, chui vào trốn trong các lùm cây, cống rãnh… và mỗi lần như vậy, người ta lại thấy ông cầm đèn chạy theo tìm. Khi bà còn khỏe, còn chạy được thì hầu như hôm nào dân làng cũng chứng kiến cảnh đó, lâu dần thành quen.

Ông Hoa ngập ngừng kể tôi nghe chuyện người bố vợ của ông từ trong Quảng Trị ra thăm con cách đây 18 năm. Gần một tháng chứng kiến cảnh người con rể chịu cực khổ với con gái mình, lúc bước chân lên xe về quê, ông gạt nước mắt bảo con rể: “Nó là con gái của bố nhưng bệnh nặng quá rồi, cứ để thế khổ cho con quá, khổ cả cho nó nữa… không ai trách con đâu!”. Người cha gạt nước mắt nhìn đứa con rể đang đứng bần thần nơi bến xe.

Ông hiểu ý người cha vợ! Ông chạy về nhà mở tủ đem toàn bộ số thuốc ngủ còn lại vứt xuống ao, số thuốc bệnh viện cấp để dùng cho bà mỗi khi bà lên cơn. Hôm đó ông ôm bà khóc cả một ngày. Nhưng rồi ông không đành lòng để làm theo lời bố vợ.

Nước mắt ngưng rồi lại rơi

Sinh ra ở huyện Triệu Hải tỉnh Quảng Trị, năm 1954 ông Hoa tập kết ra Bắc làm công nhân ở Nghệ An, rồi lái xe ở Thanh Hóa. Người đồng nghiệp già cùng quê đã giới thiệu với ông cô con gái làm công nhân nhà máy dệt Nam Định.

Ông cưới vợ chấp nhận cảnh hai vợ chồng ở cách xa nhau. Tháng 8 năm 1968, trận bom Mỹ ác liệt đã thiêu trụi toàn bộ nhà máy dệt Nam Định, hàng trăm con người cháy thành than không nhận ra ai với ai, trong đó có một nhà trẻ với hàng chục cháu bị xóa sổ.

Nghe tin, ông chạy thẳng ra Nam Định tìm vợ, bà Nguyễn Thị Tâm, nhưng bà đã mất tích. Lúc này, ông bà đã có với nhau hai đứa con nhỏ, may mắn hai đứa trẻ lại đang được gửi ở dưới huyện Nghĩa Hưng, vùng nông thôn tránh bom đạn.

Mấy ngày sau, người ta tìm thấy bà bị kẹt dưới hố tránh bom và bị đống đổ nát đậy kín. Bà còn sống nhưng bị ảnh hưởng sức ép của bom nên sức khỏe yếu đi nhiều. Nước mắt ông ngưng rơi.

Năm 1973, bà mới phát bệnh thần kinh. Điều trị tại bệnh viện tỉnh 2 năm thì bệnh thuyên giảm và bà cũng về mất sức. Năm 1978, bệnh của bà trở nên trầm trọng, các bác sỹ cũng phải lắc đầu.

Cứ vào những ngày mưa, sấm chớp càng lớn, bệnh của bà càng phát mạnh, bà nghe tiếng sấm sét tưởng tiếng bom. Căn nhà tranh của ông bà then cài cửa không đủ chắc chắn để cản lại cơn điên bà gánh chịu.

Suốt đêm cõng vợ dưới giếng lạnh

Có lần, giữa đêm mùa đông giá lạnh, bà lên cơn chạy ra ngoài và rơi xuống chiếc giếng mới đào chưa kịp xây thành. May mắn, vùng đồi núi nên nước trong giếng không sâu, chỉ ngang ngực. Ông nhảy theo xuống giếng và cho bà ngồi trên cổ.

Hồi đó làng xóm còn thưa thớt, nhà nhà cách nhau xa nên tiếng kêu giúp đỡ của ông vọng lên chỉ màn đêm nghe được.

Lúc này, các con ông đã đi làm ăn xa, chỉ còn đứa con gái út đang tuổi ăn tuổi ngủ nên không nghe được tiếng cha gọi. Vậy là cả một đêm, ông dìu bà đứng dưới làn nước lạnh cóng, cho đến sáng sớm đứa con gái tỉnh dậy. Gương mặt và cơ thể ông đầy những vết sẹo, dấu tích của những lần bà ném bát cơm, hắt nước sôi… Ông phải mua bát nhựa cho bà dùng để khi bà lên cơn mặt ông bớt chịu đựng. Trong nhà ông không dám để những đồ mà bà có thể biến nó thành “vật thể bay” bất cứ lúc nào.

Khổ nhất là chuyện vệ sinh của bà cụ, thích đâu bà “đi” đấy, rồi còn nghịch như đứa trẻ làm ông phải dọn. Rồi mỗi lần tắm rửa, cắt tóc, cắt móng chân móng tay, ông phải ngồi “nịnh” hàng giờ đồng hồ bà mới đồng ý.

Sáng nào ông cũng đi chợ mua bún, bánh đúc cho bà, đấy là những món bà thích từ thời con gái. Hôm nào không có hai món đấy là bà ấy đòi, không chịu ăn cơm và ông lại ngồi tỉ tê hàng giờ…

Khi các con lập gia đình ở xa, ông dành hẳn cho bà chiếc buồng, làm lại cửa để bà khỏi chạy khắp nơi. Nhưng những lúc nghe bà la khóc trong buồng, ông thương quá đành phải mở cửa cho bà chạy ra ngoài… và ông lại đi tìm về.

Lần bà bỏ đi lâu nhất là 3 ngày. Hôm đó ông ra chợ, không hiểu tại sao bà cậy được cửa và bỏ đi. Mấy bố con tá hỏa đi tìm khắp nơi không thấy. Nghe người này người kia, ông đi 40km xuống thành phố Thanh Hóa, đi 50km sang huyện bên nhưng vẫn bặt vô âm tín. Hôm sau trên đường về, ông gặp bà ở cách nhà gần 30km, hai chân sưng to vì đi bộ nhiều.

“Nay thì bà ấy yếu rồi, ít chạy nhảy la hét lung tung hơn ngày trước, mà có chạy cũng không được lâu”,giọng ông chùng xuống.

(Trích Khoa Học và Đời Sống)

Liệu Pháp Ung Thư

Tài liệu của John Hopkins

Thăng Nguyễn dịch

Sau nhiều năm cho rằng chỉ có hoá liệu pháp là cách duy nhất loại bỏ ung thư, nay trường đại học John Hopkins bắt đầu thừa nhận rằng, còn có phương cách khác.

Mỗi người đều có tế bào ung thư trong cơ thể. Các xét nghiệm thông thường chỉ phát hiện được những tế bào này khi chúng đã sinh sôi lên đến vài tỷ. Sau mỗi điều trị, khi các bác sĩ báo cho bệnh nhân biết rằng không còn tế bào ung thư nữa thì điều đó chỉ có nghĩa là các xét nghiệm đã không phát hiện thấy tế bào ung thư vì số lượng tế bào chưa đủ kích thườc, chứ không có nghĩa là hoàn toàn không có tế bào ung thư nữa.

Tế bào ung thư xuất hiện từ 6 cho đến 10 lần trong đời của mỗi người.

Ki hệ thống miễn dịch mạnh thì tế bào ung thư sẽ bị tiêu diệt hay ngăn chặn để không sinh sôi được thành bướu.

Ung thư là dấu chỉ của một sự khiếm khuyết dinh dưỡng bội phân, gây ra do các yếu tố di truyền, môi trường, thực phẩm và nếp sống.

Để vượt qua sự khiếm khuyết dinh dưỡng bội phân đó, việc thay đổi chế độ ẩm thực và dùng thuốc bổ sẽ giúp tăng cường sức mạnh cho hệ thống miễn dịch.

Hoá liệu pháp liên quan đến việc đầu độc các tế bào ung thư và cũng đồng thời tiêu diệt các tế bào lành mạnh trong tuỷ xương và đường ruột và có thể gây thiệt hại cho các cơ quan nội tạng như gan, thận, tim, phổi, vv..

Xạ trị trong khi tiêu diệt tế bào ung thư cũng đồng thời thiêu đốt, gây tổn thươn và thiệt hại cho các tế bào lành mạnh khác, các mô và các cơ quan.

Sự chữa trị lúc đầu với hoá liệu pháp và xạ trị thường giúp giảm kích thước của khối u. Tuy nhiên, việc kéo dài các phương pháp đó không mang đến kết quả là tiêu diệt được nhiều tế bào ung thư hơn.

Khi cơ thể đã tích chứa nhiều độc chất tạo ra do hoá liệu pháp và xạ trị thì hệ thống miễn dịch hoặc bị vô hiệu hoá, hoặc bị tiêu diệt và như vậy bệnh nhân sẽ không kháng cự được với các loại biến chứng và cảm nhiễm khác.

Hoá liệu pháp và xạ trị có thể gây ra đột biến sinh học ở tế bào ung thư, làm chúng có thêm sức đề kháng và khó bị tiêu diệt hơn. Còn giải phẫu lại cũng có thể làm cho tế bào ung thư truyền lan ra các nơi khác.

Một cách hữu hiệu để chống lại ung thư là bỏ đói các tế bào ung thư bằng cách không cung cấp những thực phẩm chúng cần để sinh sôi nảy nở. Tế bào ung thư sống nhờ các thức sau:

Protein trong thịt thường khó tiêu và đòi hỏi nhiều phân hoá tố tiêu hoá. Thịt không tiêu hoá dết lưu lại trong ruột non và trở nên thoái hoá đến việc tích tụ độc chất.

Thành của tế bào ung thư thuờng có một lớp vỏ cứng protein, Kiêng hoặc ăn ít thịt để dành nhiều phân hoá tố hơn cho việc công phá những bức tường protein của tế bào ung thư và để cho các sát bnào của cơ thể tiêu diệt chúng.

Một số thuốc bổ lành mạnh hệ thống miễn dịch (như IP6, anti-oxidants, sinh tố, muối khoáng,vv..) khởi động các sát bào của cơ thể tiêu diệt tế bào ung thư. Một số sinh tố, như sinh tố E được biết là gây nên sự tự sát tế bào, hay sự huỷ diệt tế bào được lập trình, một phu7ng pháp thông thường của cơ thể để loại trừ những tế bào bi hư hỏng hay không còn cần thiết.

Ung thư là căn bệnh của tâm trí, thân xác và tinh thần. Một tinh thần năng động và tích cực sẽ giúp người đang chống chọi với ung thư sống sót. Sự giận dữ, thiếu tha thứ và cay độc sẽ đặt cơ thể trong môi trường chua và ức chấ. Nên học để có tinh thần yêu thương và tha thứ. Hãy học để thư giãn và vui hưởng cuộc đời.

Tế bào ung thư không thể phát triển trong môi trường Oxy. Tập thể dục hằng ngày và thở sâu giúp đưa nhiều oxy vào tận các phân tử trong cơ thể. Oxy liệu pháp là một phu7ng cách khác được dùng để tiêu diệt tế bào ung thư.

Lưu ý:

Không hâm microwave thức ăn đựng trong các hộp bằng nhựa.

Không bỏ các chai nhựa đựng nước trong tủ lạnh.

Không bọc giấy nhựa khi hâm microwave.

John Hopkins mới vừa gửi ra những thông tin trên đây trong bản tin của họ. Các thông tin đó cũng được Walter Redmy Mediacl Center lưu hành.

Dioxins rất độc đối với các tế bào trong cơ thể. Đừng nên làm lạnh các chai nhựa đựng nước vì sẽ phóng thích chất dioxins từ nhựa. Mới đây, bác sĩ Edward Fujimoto, giám đốc chương trình Wellness của bệnh viện Castle đã giải thích sự nguy hiểm này trong một chương trình truyền hình.Ông đã nói về dioxins v2 sự độc hại của nó. Ông bảo rằng chúng ta không nên hâm nóng thức ăn trong lò vì sóng dùng các đồ đựng bằn plastic. Đặc biệt là những thức ăn chứa mỡ. Ông ta nói rằng sự phối hợp của mỡ, nhiệt độ cao và nhựa sẽ phóng thích dioxins vào thức ăn và cuối cùng trong tế bào. Thay vào đó, ông khuyến nghị nên dùng thuỷ tinh, như Corning Ware, Pyrex hay đồ sành để hâm thức ăn. Có cùng một kết quả, chỉ khác là không có dioxins. Vì vậy những thứ như TV dinners, mì ăn liền và soup, vv… nên được lấy ra khỏi đồ đựng bằng nhựa và bỏ vào trong đồ đựng khác trước khi hâm nóng. Đồ đựng bằng giấy tuy không xấu, nhưng chúng ta không biết có gì khác trong giấy hay không an toàn hơn là dùng thuỷ tinh. Ông nhắc nhở chúng ta raông rõ trước đây các tiệm ăn fast food đ4 thay đồ đựng bằng xốp với gì. Lý do cũng là vi dioxins.

Ngoài ra, ông cũng chỉ ra rằng giấy gói bằng nhựa, như Saran, cũng nguy hiểm không kém khi gói bọc thức ăn để hâm trong lò vi sóng. Khi thức ăn được hâm nóng, nhiệt độ cao làm cho độc chất toả ra.

A. Đường là một chất nuôi ung thư. Cắt giảm đường là cắt một nguồn lương thực quan trọng đối với tế bào ung thư. Các chất thay đường như Nutrasweet, Equal, Spoonful, vv.. là những chất có hại. Chất thay thế tốt nhất là mật ong Manuka và đường mía nhưng chỉ nên dùng với số lượng rất nhỏ.

Sữa làm cho cơ thể tạo ra màng nhày, nhất là trong đường ruột. Ung thư sống nhờ vào các màng nhày này. Cắt giảm sữa và thay thế bằng sữa đậu nành cũng là một cách bỏ đói các tế bào ung thư.

Tế bào ung thư sinh sôi trong môi trưòng chua. Chế độ ẩm thực có nhiều thịt tạo ra môi trường chua đó. Tốt nhất là nen6 ăn cá, một ít gà hơn là ăn thịt bò hay heo. Thịt cũng chứa các kháng sinh gia súc, kích thích tăng trưởng và ký sinh trùng là những thứ có hại cho người bị ung thư.

Một chế độ dinh dưỡng gồm 80% rau sông và nước trái cây, ngũ cốc và hoa quả sẽ giúp tạo ra môi trường kiềm cho cơ thể. Chừng 20% còn lại là những thực phẩm nấu chín, bao gồm cả các loại đậu. Nước hoa quả tươi sống cung cấp nhiều phân hoá tố dễ dàng thẩm thấu trong vòn 15 phút vào các phân tử của các tế bào lành mạnh để nuôi sống và giúp sự tăng trưởng các tế bào đó. Các phân hoá tố thường bị huỷ hoại ở nhiệt độ cao 104 độ F hay 40 độ C.

Tránh càphê, trà và chocolate là những chất có chứa nhiều caffeine. trà xanh là thức uống tốt và có tính năng chống ung thư. Nên uống nước tinh khiết đã lọc kỹ, tránh nước máy có nhiều kim loại nặng và độc chất. Nước chưng cất có tính chua, nên tránh.

Nguyễn Thăng dịch.

No comments: