Thursday 4 January 2018

Lm Joe Mai Văn Thịnh CSsR : TA VÀ CHÚA, AI TÌM AI?




Âm hưởng của Lễ Giáng Sinh vẫn còn vang vọng trong tâm trí chúng ta. Các buổi diễn nguyện, các bài thánh ca nói về lịch sử cứu độ, diễn tả việc Thiên Chúa làm người, nhắc nhở chúng ta về lòng thành tín và yêu thương của Thiên Chúa vẫn còn. Các buổi tiệc gia đình Mừng Chúa ra đời vẫn tiếp diễn. Các trung tâm thương mại vẫn còn nhiều người mua sắm. Trước vẻ huy hoàng tráng lệ và nhiệt náo đó, có một số người cho rằng hình như có cái gì hơi dư thừa. Nói cho cùng, những điều đó vẫn đóng một vai trò nào đó, vì qua đó chúng ta được nhắc nhở về một biến cố đã xẩy ra trong lịch sử nhân loại, đó chính là việc ‘Thiên Chúa đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta’.
Chỉ còn vài ngày nữa là hết Mùa Giáng Sinh. Niên lịch phụng vụ của Hội Thánh sẽ bước vào Mùa Thường Niên bằng việc mừng Lễ Đức Giêsu chịu phép rửa. Với việc đón nhận phép rửa bên bờ sông Gio-đan, Đức Giêsu đã khai mạc sứ vụ rao giảng Nước Thiên Chúa, công bố cho toàn dân biết về Triều đại của Thiên Chúa đã đến. Nhưng Mầu Nhiệm Nhập Thể mà chúng ta đang mừng kính vẫn là một thách đố trong cuộc sống của chúng ta. Làm cách nào để việc Thiên Chúa giáng trần không chỉ dừng lại ở các nghi lễ, mà còn đuợc hiện diện qua lối sống của chúng ta nữa?
Hôm nay, chúng ta cùng mừng Lễ Hiển Linh, còn gọi là Lễ Ba Vua. Tuy nhiên, hầu hết các nhà chuyên môn về Thánh Kinh đều cho rằng chẳng có vua chúa trần gian nào đến bái thờ hài nhi Giêsu hết, ngoại trừ Vua Hê-rô-đê, một bạo chúa đã tìm cách giết Người. Vậy, ai là những người đã đến từ Phương Đông để tôn thờ Hài Nhi? Họ là các nhà chiêm tinh, chuyên nghiên cứu thiên văn và nhìn ngắm sao trời để đoán ra vận mạng của môt số người nổi tiếng. Tuy hành trình và mục tiêu kiếm tìm của họ đáng cho chúng ta ngưỡng mộ và noi gương. Nhưng việc hệ trọng hơn cả là việc Thiên Chúa hiện diện trong thân phận con người cho muôn dân; chứ không chỉ cho dân Do Thái mà thôi.
Hiển Linh giúp chúng ta nhận ra chiều kích tràn đầy của việc Giáng Sinh. Giáng Sinh dù thế nào vẫn chỉ là cuộc viếng thăm của Thiên Chúa dành cho dân Israel, dân riêng của Ngài. Với Lễ Hiển Linh, mầu nhiệm đó đạt đến mức toàn diện. Thiên Chúa sinh ra làm người và tỏ mình không chỉ cho dân Do Thái; mà còn tỏ mình cho muôn dân muôn nuớc, bao gồm cả chúng ta nữa. Việc tỏ mình là sáng kiến của Thiên Chúa, không ai có thể yêu cầu hay buộc Ngài phải làm chuyện đó. Nhưng, nếu chúng ta không nhận biết, không đón nhận và không loan báo cho nhau thì quả là một điều thiếu sót. Như thế, biến cố này đóng một vai trò thật quan trọng trong hành trình niềm tin và cách sống đạo của chúng ta.
Ngày xưa, có nhiều người đã gặp Đức Giêsu. Họ đã cùng lớn lên với Người tại Na-za-reth. Họ đã dong duổi theo Người trên bước đuờng rao giảng, từ làng này qua làng kia, từ tỉnh này đến thành phố kia. Họ còn đuợc Người nuôi ăn trong cơn đói khát. Họ đã chứng kiến các phép lạ. Cuối cùng thì sao, đâu cũng hoàn đấy? Dân Na-za-reth, dân Ga-li-lê-a hay dân Giê-ru-sa-lem cũng tìm cách bỏ Người.
Nhưng các nhà chiêm tinh hôm nay lại khác. Họ đã không nhận ra sự xuất hiện của Thiên Chúa bằng truyền thống, hay tìm ra Chúa qua mớ giáo lý kinh điển do cha ông truyền lại. Thiên Chúa đã đến trong hoàn cảnh, lối sống và khả năng chuyên môn của họ. Ngài đã xuất hiện ngay trong tầm nhận biết của họ. Cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và họ cũng giống như việc Chúa kêu gọi các môn đệ của Người. Người đã đến trong lúc Phê-rô và các bạn đồng nghiệp đang chài lưới để kiếm ăn. Người đã đến trong lúc Phaolô thi hành bổn phận chống lại Người. Người gọi Mat-thew khi ông ta đang ngồi thu thuế. Không ai có đặc quyền hay đặc lợi. Sáng kiến là của Thiên Chúa. Ngài đã đến ngay tại nhà, trong hoàn cảnh riêng của mỗi người. Như các nhà chiêm tinh, chúng ta hãy lên đuờng.
Hành trình tìm kiếm của họ không dễ dàng. Dù có ngôi sao dẫn đuờng, nhưng ngôi sao lại có lúc ẩn lúc hiện. Cũng có lúc các ông bị mất dấu; không phải do các ông đi lạc; nhưng ngôi sao không xuất hiện thì biết lối nào để đi. Trong hoàn cảnh đó, họ không hề thất vọng; tiếp tục tìm kiếm bằng cách dò hỏi những ai đã đuợc tiên báo về sự xuất hiện của con trẻ Giê-su. Đó là các thượng tế và kinh sư của đạo Do Thái, dân riêng của Chúa; nắm giữ trong đầu các lời loan báo của các ngôn sứ về nơi chốn của vị lãnh tụ, đấng chăn dắt dân của Thiên Chúa sẽ ra đời. Các nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó biết theo kinh điển mà không hề cất bước đi tìm nên cái biết của họ đã chẳng giúp gì cho họ. Vua Hê-rô-đê cũng biết; nhưng điều mà vua biết không đem vua lại gần Chúa; trái lại cái biết đó lại là nguyên nhân đem đến cho vua nỗi lo sợ. Phát sinh từ nỗi sợ hãi hoang tưởng, sợ mất quyền hành; vua đã tìm cách tiêu diệt bằng cách giết lầm hơn bỏ sót, ông ta đã giết hết những ai là mầm mống đe doạ sẽ lật đổ ngai vàng của ông.
Hành trình tìm kiếm của các nhà chiêm tinh không phải là mối bận tâm của Thánh Sử. Qua trình thuật này, Ngài muốn nhấn mạnh đến chuơng trình của Thiên Chúa dành cho mọi dân tộc. Việc Chúa tỏ bầy, Chúa hiển linh là một sáng kiến phát sinh từ kho tàng ân huệ của Thiên Chúa. Ngôi sao cũng là một cách thức để dẫn đưa họ. Thậm chí, Chúa có thể dùng cả những kẻ gian ác như Vua Hê-rô-đê như là cách thức soi sáng, cung cấp thông tin giúp họ khỏi lạc hướng. Như vậy, Thiên Chúa luôn soi sáng cho những ai tha thiết tìm ơn cứu độ, dù đôi khi họ cảm thấy ánh sáng lúc ẩn lúc hiện, đường đi không rõ và tương lai lại mịt mù.
Việc hiển linh đã trở nên trọn vẹn khi Đức Giê-su đã cho đi tận cùng cuộc sống của mình. Chính việc cho đi và tự hiến sau cùng của Người lại là cuộc tỏ mình huy hoàng nhất về chân tuớng đích thật của Người qua biến cố Phục Sinh. Vào ngày đó, con người Giêsu được bao phủ trọn vẹn thần tính của Thiên Chúa. Và chính nhờ ơn Phục Sinh mà chúng ta nhận ra thần tính của Đức Chúa. Các môn đệ là nhân chứng về cuộc Hiển Linh Phục Sinh. Niềm tin của chúng ta hôm nay cũng dựa vào lời chứng của các tín hữu tiên khởi; đó chính là: Thiên Chúa đã tỏ mình trong thân phận con người của Đức Giêsu, Người đã ở giữa chúng tôi và chúng tôi đã thấy vinh quang của Người từ Chúa Cha mà đến.
Với trình thuật Hiển Linh, Thiên Chúa tỏ mình cho mọi người biết rằng: với Chúa không ai là ‘người dưng khác họ’, chẳng ai người ngoài cuộc hết. Tất cả đều được mời gọi đón nhận ơn cứu độ. Ai ai cũng đựợc diễm phúc làm con của Ngài. Ai ai cũng đuợc mời gọi sống để tỏ bầy sự hiện diện của Thiên Chúa.
Thiên Chúa đã làm người, đã tỏ chân tướng đích thật của Ngài cho chúng ta nhận biết. Nhưng chúng ta đã làm gì để việc hiển linh của Thiên Chúa trở thành lời chứng sống động trong cuộc sống mình? Cũng có lúc chúng ta cảm thấy Chúa quá gần gũi, sát bên mình và thúc giục chúng ta ra đi để thực hiện các việc cả thể. Với ý ngay lành chúng ta tuởng như là Chúa rất cần chúng ta để làm các việc phi thường… Nhưng rồi đời đâu dễ chi, thêm một lần, lòng con oán than, trái tim con nặng chĩu. Chán nản, buông xuôi và thất vọng khiến con muốn bỏ cuộc. Nhưng có một điều khiến ta ngạc nhiên và ngạc nhiên luôn mãi là Thiên Chúa không chán, không thất vọng về ta. Ngài dùng đủ mọi cách thức để bộc lộ và hướng dẫn chúng ta: Từ ngôi sao lúc ẩn lúc hiện, đến người không tin như Hê-rô-đê và các bậc vị vọng am tường đạo Chúa. Thiên Chúa vẫn dùng họ, không chừa một ai, để hỗ trợ, động viên, nhắn gửi cho ta một sứ điệp là ta vẫn đáng tin, đừng chán nản, hãy tiếp tục lên đuờng, căng buồm xuôi gió ra khơi.
Con đuờng làm chứng về việc tỏ mình, hiển linh của Thiên Chúa không nằm xa và ở ngoài khả năng của chúng ta. Nó nằm ngay bản thân, trong gia đình, giữa vợ chồng và con cái, giữa kẻ tin và người không tin, giữa những ai đủ can đảm để cho chất ‘người’ lớn hơn và bóp nghẹt chất con (vật) của mình. Đó chính là:
·         Những nụ cuời, các câu nói cảm thông hơn là trách móc, ghen tỵ và oán than nhau.
·         Những con tim mở rộng hơn để khoan hồng và dung thứ cho những thiếu sót và bất toàn của nhau.
·         Các bàn tay nhân ái để đón tiếp hơn là loại bỏ, hất hủi và xua đuổi nhau.
·         Các công việc tìm kiếm và thực thi lời Chúa – lời yêu thương, nâng đỡ, hỗ trợ và khích lệ nhau, chứ không chỉ ngồi đó mà kêu nài Lậy Chúa và Lậy Chúa xuông thôi đâu.
                    
Đó là một số đề nghị tiêu biểu mà ai trong chúng ta cũng có thể thực hiện. Tất cả đều là cơ hội để vinh quang của Thiên Chúa được tỏ hiện qua lối sống chứng nhân, tuy tầm thường nhưng lại chứa đựng quyền năng và sức mạnh của Thiên Chúa. Cầu xin được như thế.
Amen!
Lm Joe Mai Văn Thịnh, CSsR

No comments: