Monday, 24 April 2017

Lm Vĩnh Sang DCCT : "BỎ TÔI ĐỨNG BÊN ĐỜI KIA"



"BỎ TÔI ĐỨNG BÊN ĐỜI KIA"
( Đêm thấy ta là thác đổ – Trịnh Công Sơn )
Tôi thường phải dọn phòng như dọn cuộc đời mình chuẩn bị cho ngày ra đi, dọn nhiều thứ và sống đi sống lại cái cảm giác tần ngần đem chia những cái mình đang có cho người khác. Thú thật đôi khi rất khó, cần phải có một quyết định dứt khoát, có cái thoát lần này nhưng sẽ không thoát được lần sau.
Dù vậy vẫn có một cái luôn luôn thoát, đó là cái cặp da bố tôi mua cho tôi ngày tôi bước qua ngưỡng cửa Trung học, bước vào lớp Đệ Thất, một cái bước trong những cái bước ghi dấu ấn cuộc đời. Vậy là thoát được cái quần short đeo dây, từ nay được mặc quần dài xanh, áo trắng, có phù hiệu gắn trên ngực, được đạp xe đến trường thênh thang nắng sáng và gió chiều, không còn phải đứng chờ bố đến đón sau giờ tan học. Khi ấy tôi thành “người lớn”. Cái cảm giác thành người lớn một lần nữa trở lại của quãng đời học sinh, đó là ngày tựu trường của những học sinh bước qua kỳ thi Tú Tài phần I, những anh những chị vào lớp Đệ Nhất xem ra lớn hẳn so với các bạn năm lớp Đệ Nhị. Cái cảm giác người lớn được tôn tạo bởi được đi giầy đen, giã từ đôi sandale cũ kỹ.
Cái cặp da theo tôi suốt đời học trò, sau này theo model mới, vài cuốn sách kẹp vào bình xăng phía trước xe Suzuki, tôi cất và dùng cặp để chứa các chứng chỉ, các sổ điểm hàng năm, các bảng danh dự hàng tháng và hàng năm, các giấy nhãn của các phần thưởng cuối năm, chứng chỉ theo học các khóa chuyên môn của trường Đại Học Ohio, Hoa Kỳ, và cả hai chứng chỉ Tú Tài của mình. Ngày 30.4.1975 tôi ở Vũng Tàu theo chân chú tôi tìm đường thoát đi, nhưng không hiểu sao tôi tiễn chú xuống tàu ở Bến Đá rồi quay lên bờ trở về. Ở Sàigòn bố mẹ tôi tưởng tôi đã đi thoát nên gởi người thân mang toàn bộ hồ sơ trong cái cặp sang Mỹ cho tôi, nhiều năm sau từ Mỹ nó trở lại với tôi, quy cố hương và theo nhau cho đến bây giờ.
Hơn 50 năm, cái vật dụng tầm thường vẫn tồn tại với tôi, chắc nó vẫn còn đi với tôi mang theo những tự hào và những kỷ niệm thời đi học. Ngày Chúa gọi, chắc chắn tôi phải để nó lại, rồi nó ra sao tôi sẽ chẳng biết nữa. “Cái gì mình mua sắm, nay nó không còn thuộc về mình” ( lời trên một mộ bia của ai đó ).
Qua hình ảnh cái cặp, chúng ta nói về sự bền vững, nói về nghĩa thủy chung khá dễ dàng. Không chỉ cái cặp, từ cái xe đạp, cái máy khâu hiệu Brother, hiệu Singer… cho đến con người, cái gì cũng lâu dài và bền vững. Phần đông nhân viên làm việc cho các hãng tư nhân, các "hiệu buôn" ( theo cách gọi trước 75 ), ở bên nhau suốt đời mà không hề nhảy việc, không vội bỏ đi khi có cơ hội. Những người thợ hồ, thợ mộc, yêu nghề, cả đời sống nghề, cha truyền con nối, họ mân mê cái bay, cái bàn chà, cái thước như báu vật đời họ. Khi tuyển thợ vào công trình, người cai thầu chỉ cần nhìn cái bay, ngắm cái độ sắc, độ vẹt của lưỡi bay biết ngay tay nghề cao thấp. Người họa viên kiến trúc giữ gìn cây Tê, cái Ke, chau chuốt cái bút chì với các thông số về độ mềm của chì một cách cẩn trọng, họ đặt giấy vẽ vào bàn vẽ trân trọng như bắt đầu một nghi thức tế lễ thần thiêng.
Những hình ảnh thủy chung bay nhanh thậm chí mất dạng trong cuộc sống hôm nay. Có một kiểu sống mà Đức Thánh Cha Phanxicô không ngừng kêu lên trong các buổi nói chuyện của ngài, trong các văn kiện của Hội Thánh, ngài gọi thảm họa đó là một thứ “văn hóa loại trừ”. Mọi thứ nhanh chóng trở thành rác thải, kể cả con người.
“… Sao có thể khi một người vô gia cư chết vì không được che chở thì không được kể là một tin tức, trong khi thị trường chứng khoán mất hai điểm thì lại là tin tức ? Đây là một trường hợp loại trừ…
… Thái độ loại trừ làm thay đổi ý nghĩa của tư cách là thành phần của xã hội chúng ta đang sống; những người bị loại trừ không còn là phần phụ thuộc hay bên lề, hay bị tước quyền trong xã hội – họ thậm chí không còn là thành phần của xã hội nữa ! Những người bị loại trừ không phải là những người “bị bóc lột” mà là những người bị gạt ra ngoài, những đồ thừa”. ( Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng số 53 ).
“... nền văn hoá loại bỏ đang ảnh hưởng đến người bị loại trừ khi nó nhanh chóng giảm thiểu mọi thứ thành rác rưởi…” ( Thông Điệp Laudato Si, số 22 ).
“ …một thứ “văn hóa tạm bợ”. Tôi nghĩ đến, chẳng hạn, lối sống tốc độ, trong đó người ta thay đổi từ quan hệ tình cảm này sang quan hệ tình cảm khác. Người ta tưởng rằng tình yêu, cũng giống như các mạng xã hội, có thể kết nối hay ngưng kết nối tùy theo sở thích của người tiêu dùng và cũng có thể nhanh chóng “bị chặn”…
… Người ta chuyển đổi cách sống các quan hệ tình cảm giữa con người thành thái độ sống như khi ứng xử với các đồ vật và môi trường, đó là xem mọi sự đều có thể vứt bỏ, mỗi người dùng xong rồi bỏ, mua và hủy, khai thác và vắt kiệt. Rồi thì chia tay ! …” ( Tông Huấn Niềm Vui của Tình Yêu, số 39 ).
Đó là thảm cảnh ngày hôm nay của chúng ta. Ở môi trường Tôn Giáo cũng có phần chịu ảnh hưởng của lối ứng xử như vậy. Nhiều vị khi lãnh trách nhiệm đã nhẫn tâm thay đổi những công trình của người đi trước một cách vô tội vạ, hoang phí và đua đòi, bất chấp giá trị lịch sử, văn hóa và tình cảm của người đi trước lẫn cộng đoàn. Họ chỉ nhắm khẳng định mình bằng cách xóa bỏ người trước. Thái độ này không những không giúp cho lời giảng dạy về thủy chung và vĩnh hằng được rõ nét, mà còn làm cho thực tại này bị méo mó bởi lối sống theo “văn hóa loại trừ”.
Ngôi Hai Thiên Chúa làm người và trung thành với sứ vụ cho đến chết, cái chết và sự phục sinh của Người bày tỏ quyền năng Thương Xót vô cùng tận của Thiên Chúa. Thách đố của chúng ta là chọn lựa hôm nay của chúng ta theo hướng nào ? Để cuốn theo “Văn hóa loại trừ” hay thủy chung với Đấng Thủy Chung ?
Lm. Vĩnh Sang, DCCT, 20.4.2017

No comments: