Monday 9 June 2014

Lm Lê Quang Uy DCCT: Hội Thánh nghèo




Hôm nay, Hội Thánh Công Giáo mừng sinh nhật của mình. Gần 2.000 lần long trọng kỷ niệm như vậy kể từ ngày Chúa Thánh Thần khai sinh Hội Thánh. Nếu xét như là một cơ cấu hữu hình ở trần gian, chắc chưa có tổ chức nào lại có tuổi đời đáng kính nể như vậy.
Cũng đã lâu lâu rồi, vấn đề tranh luận kéo dài về 2 quan niệm: “Hội Thánh của người nghèo” hay là “Hội Thánh cho người nghèo”. Giằng co bất phân thắng bại là vì quan niệm kiểu gì thì cũng không ổn. Lúc thì bên này như thể bị ngả theo khuynh hướng cách mạng xã hội để người nghèo được làm chủ, lúc thì bên kia lại bị phê phán là có vẻ trịch thượng ban phát bố thí xuống cho người nghèo !
 Thế rồi, bất ngờ vị Giáo Tông Phanxicô cứ lẳng lặng vừa cầu, vừa nguyện, vừa đi, vừa nói, vừa viết, vừa cười, vừa sống, vừa cư xử đối đãi để mọi người nhận ra Hội Thánh chẳng phải là một “Hội Thánh của người nghèo”, càng không phải là một “Hội Thánh cho người nghèo”, đơn giản chỉ là một... “Hội Thánh nghèo” !
Chúng ta chợt nhớ lại với dụ ngôn Mt 25, 31 – 46, Chúa Giêsu đặt tất cả chúng ta trước một chọn lựa: Làm hay không làm điều tốt cho người nghèo, thế thôi. Mà điều tốt ở đây lại hết sức bình thường: cho ăn, cho uống, cho mặc, tiếp rước, chăm sóc và thăm nuôi.
Không thấy ghi rõ là “nhóm chiên đứng bên phải Đức Vua” trong dụ ngôn đã làm điều tốt ấy một lần hay nhiều lần, chỉ thấy Chúa Giêsu bảo: “Xưa Ta thế này, các người đã làm thế này...” Vậy có thể hiểu đây là chuyện thường xuyên làm, làm ở mọi nơi mọi lúc, làm suốt đời, làm như một phản xạ tự nhiên, làm vô điều kiện, làm ân cần tận tụy bằng cả tâm hồn yêu quý và tôn trọng thật sự những ai đói khát, trần truồng, bị lỡ đường, bị đau ốm, bị tù đày, nói chung là nghèo, là bị bỏ rơi hơn cả !
Của đáng tội, chính người nghèo họ lo cho nhau, chia sẻ với nhau nhanh hơn, dễ thương hơn là người khá giả giàu có muốn chia sẻ giúp đỡ người nghèo.
Một cha trong Dòng có kể cho chúng tôi chuyện một gia đình trong Xóm Giáo do ngài phụ trách, nghe báo tin họ hết gạo ăn, cha vội về Nhà Dòng vào bếp xúc lấy chục ký gạo, quay trở lại ngay, nhưng khi mang gạo đến tận căn chòi lụp xụp của họ thì thấy họ đang nấu nồi cháo, hỏi ở đâu có gạo thì hoá ra nhà hàng xóm không Công Giáo ngay bên cạnh mới chia sẻ lon gạo cuối cùng, hai nhà cùng ăn cháo cho vui, chứ không để nhà thì được ăn cơm nhà thì phải nhịn đói. Cha xúc động sớt ra mấy ký gạo, phần còn lại đem sang biếu nhà hàng xóm tốt bụng ấy, cha hỏi thêm vậy chứ cho hết gạo dự trữ rồi, nhỡ mai không kiếm được gạo thì sao ? Họ cười đơn sơ: “Dạ hổng sao đâu ông Linh Mục, mấy nhà quanh đây tụi tui đều nghèo giống nhau không hà, tụi tui giúp nhau xà quần xà quần như vậy quen rồi, hổng có bao giờ có ai bị đói hết trơn hết trọi !”
Ngược lại, với “nhóm dê đứng bên trái Đức Vua”, đó là thái độ, là cung cách vô cảm, thản nhiên, thường xuyên khép lòng trước nỗi khổ, nỗi đau, nỗi cô đơn của tha nhân khốn cùng quanh mình. Thật ra họ không hề làm điều gì xấu nào đâu ! Nhưng hóa ra từ chối không làm điều tốt cũng chính là gián tiếp làm điều xấu, để cho cái xấu cái ác lấn lướt hoành hành mà xúc phạm phẩm giá con người !
Chúng tôi nhớ lại một lần Tết đi thăm trại phong Êana trên Buôn Ma Thuột, ngoài gạo, đường, muối, quần áo cũ, chuyến ấy giờ chót có người cho thêm mấy chục đôi giầy vải bảo hộ lao động. Đang phân phát theo danh sách, chúng tôi thấy có một ông già người Êđê ngồi khóc thút thít như một em bé, hỏi thăm thì ông bảo: "Hồi tôi còn chân thì không thấy ai cho giầy, bây giờ cha đem giầy lên cho thì tôi cụt mất cả hai chân rồi !”
Mãi cho tới hôm nay, chúng tôi cứ phải bảo nhau, dặn dò các bạn trẻ: mình phải thấy trước, thấy xa, thấy cả phía sau người nghèo cần gì, ta giúp được gì thì phải giúp ngay, không được do dự chần chừ, không để được chăng hay chớ...
Cuối cùng, chúng ta thấy Chúa Giêsu đặt dụ ngôn này trong viễn cảnh Ngày Quang Lâm, phán xét tất cả cuộc sống con người, thưởng phạt công minh, Thiên Đàng và Hỏa Ngục phân định đâu ra đó, nghĩa là chung thẩm rồi chứ không còn là sơ thẩm với phúc thẩm, không thể kháng án hay cho điều tra lại để xin giảm án hoặc tha bổng nữa.
Cái hay ở đây là khi làm điều tốt cho người ta, không ai ngờ lại cũng là làm điều tốt cho chính Chúa Giêsu ! Ngược lại, cái đáng sợ là khi không làm điều tốt cho người ta, thì chẳng ai ngờ cũng là đã từ chối, không làm điều tốt cho chính Chúa Giêsu !
Chúa Giêsu ẩn mình nơi người nghèo, người gặp hoạn nạn, người lâm cảnh khốn cùng, hay nói  kiểu khác, Chúa Giêsu muốn đứng chung một phía với người nghèo, muốn là người nghèo ở cùng với họ, muốn họ là hiện thân hôm nay của Ngài giữa cuộc đời.
Thánh Vinh Sơn Phaolô dặn các chị Nữ Tử Bác Ái, con cái của mình: "Khi cần, chị em hãy tạm biệt Chúa Giêsu nơi Nhà Thờ để chạy thật nhanh đến gặp Chúa Giêsu nơi người nghèo"…
Mẹ Têrêsa Calcutta thì bảo: "Chiếc áo anh chị em đang mặc là của anh chị em. Chiếc áo thứ hai là cái đáng lẽ của người nghèo đấy. Còn chiếc áo thứ ba là cái anh chị em đã... cướp của một người nghèo mà vì thế họ đang phải trần trụi, không có áo mặc".
Cách đây hơn 30 năm, một lần cha Thành Tâm đến giúp Tĩnh Tâm cho ca đoàn Phanxicô Đakao, chúng tôi nghe cha ôm đàn ghita hát mà rùng mình: "Có những lúc chúng ta đi trong cuộc sống mọi ngày, đã gặp Ngài nhưng chẳng biết Ngài. Có những lúc chúng ta vô tâm không để ý Ngài, người ăn xin hèn yếu…"
Vâng, Phúc hay Họa, được thưởng hay bị phạt, tất cả nằm ở mấu chốt: có làm hay không làm điều tốt trong đời này mà thôi !
Xin Chúa Thánh Thần, Đấng đã khai sinh Hội Thánh, giữ cho Hội Thánh chúng con luôn nghèo. Amen.
Lm. Giuse LÊ QUANG UY, DCCT, 8.6.2014

No comments: