Monday 3 September 2012

Lm Vĩnh Sang CSsR: TOÀN THIÊU


Trên trang mạng www.chuacuuthe.com ngày 29.8.2012 có đưa tin về một biến cố, một sinh hoạt của Giáo Phận Kontum “Châm lửa ‘toàn thiêu’ ngôi Nhà Nguyện”. Nội dung bản tin nói về việc sau khi xây dựng xong ngôi Nhà Nguyện mới, vị Giám Mục của Giáo Phận đã châm lửa cùng với con cái mình đốt cháy hoàn toàn ngôi Nhà Nguyện cũ như một cử hành long trọng hiến tế cho Thiên Chúa những tâm tình, cuộc sống và niềm hy vọng tin yêu của cộng đồng (http://www.chuacuuthe.com/archives/37225 ).
Người dân tộc anh em thiểu số ở Việt Nam luôn có những suy nghĩ, ứng xử, tập tục và quan điểm sống rất đơn sơ, mộc mạc, nhưng đầy tính nhân văn, lối sống ấy phản ánh tinh thần độc đáo của dân tộc bản địa, nó làm giàu có, bổ túc và mang tính cảnh báo cho thế giới mệnh danh là văn minh, cụ thể là cho người dân tộc Kinh chúng ta. Đánh mất những điều này, chúng ta đánh mất chính mình vì đã phá hủy kho tàng văn hóa tự nhiên do chính Thiên Chúa tặng ban cho dân tộc chúng ta, sự phong phú giàu có của Thiên Chúa.
Tôi có quen một em người dân tộc K’Ho ở Lâm Hà, làng em mang tên là Ri-ông Tô ( có nghĩa rừng sâu – tiếng K’Ho ), em xuống Sàigòn làm việc và thích ứng công việc khá nhanh. Cô bé có gương mặt rất dễ nhìn, xinh đẹp, mặn mà và khỏe mạnh, chúng bạn ở Sàigòn bầu cô bé làm “hoa hậu” của công ty. Thoạt nhìn không ai biết cô bé người dân tộc. Một hôm bỗng dưng cô bé đến gặp tôi, nói: “Con nhớ làng, con muốn về thăm làng”. Phản ứng tự nhiên, tôi hỏi: “Cái bụng con ưng đứa nào ở làng rồi phải không ?” Cô bé trả lời: “Ớ !” ( nghĩa là không có ). “Vậy sao con lại đòi về ?”, cô bé ngấn nước mắt: “Con nhớ làng”. Tôi tin cô bé nói thật, vì tôi sống với các em, tôi biết các em rất thật thà, không quanh co. Tôi bảo: “Ừ con về, nhưng vài ngày thôi, con phải xuống đây tiếp tục công việc của con, không ai làm thay đâu !”
Nói xong tôi chợt nhớ ra đường về làng của cô bé không thuận tiện, đi xe hàng về đến Đạ Đờng, xuống xe ở chân cầu còn phải đi xe ôm 8 cây số. Tôi hỏi: “Con về ngay bây giờ, khi về đến nơi có còn xe ôm về làng không ?” Cô bé thản nhiên trả lời: “Con đi bộ”, tôi phì cười vì nhận ra mình lỡ lời.
Vâng đúng vậy, hai lần lỡ lời, trước mặt tôi là một cô gái dịu dàng tha thướt mặn mà trong chiếc áo dài Việt Nam đồng phục của nhân viên, nhưng thực chất là một sơn nữ, người sơn nữ yêu núi rừng, nhớ cây cỏ chim muông, gần gũi với những ngọn khói lam chiều nương rẫy, người sơn nữ tung tăng đuổi chim bắt bướm, chạy nhảy cả hàng chục cây số như mình đạp xe đi một vòng phố phường, tôi vô tình quên điều ấy. Vì suy nghĩ theo kiểu của mình nên tôi lầm cô bé thương yêu ai đòi về làng, vì suy nghĩ theo kiểu của mình nên tôi lo cô bé phải vất vả lội bộ đường xa.
Đó là chuyện một con người. Mới chỉ là chuyện của một con người, khi vừa về thành phố, phấn son quẹt lung tung trên mặt, đi đứng quên mình đang ở giữa phố phường, ra đường kinh ngạc chỉ chỏ nhà cao tầng, đi qua tiệm thuê áo cưới chết lặng người vì ngạc nhiên, cho đến ngày quen dần với lối sống mới, thích ứng với mỹ phẩm áo quần, thế mà vẫn không thôi nỗi nhớ làng, nỗi nhớ thiên nhiên cây cỏ của rừng sâu.
Những lần nói chuyện với các em, tôi hay bắt những chuyện của làng thôn để nghe các em kể, con bé K’Dài huyên thuyên kể chuyện đi làm rẫy nhưng lo bắt chim quên cả công việc, đi nhặt củi rồi vui chơi quên cả giờ về. Lần nào cho các em về làng khi trở lại, đứa nào đứa ấy đen như củi cháy, mái tóc khét lẹt vì ám khói, bung xù lên quăn tít, hỏi ra biết chúng hắn thả mình vào thiên nhiên, sống như bất tận niềm vui của núi rừng.
Tôn trọng những giá trị văn hóa của các dân tộc là thái độ cần phải có, không phải chỉ sử dụng những biểu hiện văn hóa đó cho mục đích khai thác du lịch hoặc lạm dụng biểu diễn, nhưng tìm kiếm những giá trị tích cực để bảo tồn và bổ túc cho kho tàng văn hóa mà Chúa đã ban cho dân tộc chúng ta. Càng không chấp nhận khi sử dụng quyền lực dù là bất cứ thứ quyền lực nào để đàn áp và tiêu diệt văn hóa bản địa ( dù là vật thể hay phi vật thể ).
Đã có những dân tộc gần như mất hút trong cộng đồng người Việt vì chính sách đồng hóa cào bằng, có những dân tộc nói tiếng Kinh rõ hơn nói tiếng của họ, không còn một mầu sắc nào từ ngôi nhà cho đến quần áo, từ nương rẫy cho đến âm nhạc.
Có lần tôi nghe được một anh em Linh Mục người dân tộc K’Ho trong Dòng chúng tôi đã sửa dạy một em cùng quê tên là “K’Sim: “Khi nói chuyện với cha, không được nói vừa tiếng Kinh vừa tiếng dân tộc, như thế là không đúng, tiếng mình mà mình không yêu thì còn yêu cái gì ?”
Qua kinh nghiệm, người dân tộc anh em thiểu số một khi tin vào Chúa, họ tin một cách mãnh liệt và giản đơn, cái gì thuộc về Chúa, họ tôn trọng tuyệt đối. Họ không bị lôi cuốn bởi những lươn lẹo thế gian nên Lòng Tin họ thuần khiết. Họ không giàu có nên họ lấy Chúa làm gia nghiệp đời họ. Ai đã một lần tham dự giờ cầu nguyện của người dân tộc hẳn nhận thấy điều đó, họ cầu nguyện rất đơn sơ, không màu mè giả hình giả bộ, họ chỉ có mình Chúa là niềm cậy trông duy nhất.
Vì chỉ có Chúa và chỉ biết Chúa, nên họ rất sẵn sàng thuộc về Chúa, là của Chúa trong mọi sinh hoạt, của cải, và cả niềm vui. Họ đã hiến tế ngôi Nhà Nguyện cũ không sử dụng nữa, vì đó là của Chúa, cái gì của Chúa thì không thể để cho bất cứ ai lạm dụng, rất đơn giản, không lý luận vòng vèo, họ thấy trong từng tấm lá, trong từng cây cột, trong từng vuông đất Chúa đã hiện diện, đã an ủi, đã chúc lành cho họ, còn chúng ta, chúng ta chỉ nhìn thấy thập giá mà người ta đập phá, “chỉ là bê-tông cốt thép thôi mà”, chúng ta chỉ nhìn thấy tượng Thánh của Mẹ, “chỉ là thạch cao thôi mà”.
Anh em dân tộc đã sống niềm tin đáng cho chúng ta chất vấn lại lương tâm tôn giáo của chúng ta, chúng ta có nhiều thứ quá, có nhiều tương quan vướng víu quá, có nhiều lợi nhuận thế gian nhử mồi chúng ta quá ! Chúng ta không có cái nhìn, không thấy được cái mà anh em dân tộc thấy, chúng ta mệnh danh là văn minh, là học thức, là uyên bác, nhưng chúng ta kém cậy tin, kém phó thác, kém lòng trung tín với Chúa và với nhau, chúng ta sợ mất nhiều cái mà thế gian bố thí cho chúng ta, quên đi cái cần sợ nhất là mất niềm tin vào Chúa.
Người thanh niên trong Phúc Âm đã sống rất đúng luật, rất tốt lành nhưng cái cuối cùng là bỏ hết lợi nhuận thế gian để có Chúa, anh ta đã không dám. Điều khốn cùng bi thảm cho anh ta là: có hết mọi sự nhưng không có Chúa !
Bài Tin Mừng ấy bao giờ mới làm cho chúng ta thức tỉnh ?
Lm. VĨNH SANG, DCCT,
2.9.2012





No comments: