Tuesday 25 September 2012

Lm Vĩnh Sang CSsR: Để Tin Mừng bay xa…




Chúng ta vừa mừng lễ các Thánh Tử Đạo của Hàn Quốc (20 tháng 9) mừng lễ các vị Thánh chứng nhân này khiến chúng ta nặng lòng suy nghĩ về dân tộc mình, đất nước mình và Giáo Hội mình.

Hàn Quốc và Việt Nam cùng có những hoàn cảnh chính trị như nhau, từ những năm đầu của thế kỷ 20, cả hai dân tộc đều phải hứng chịu chiến tranh, cùng bị chia đôi đất nước, bao đau thương dày xéo cả hai dân tộc, cho đến nay Hàn Quốc vẫn chịu cảnh chia cắt, nhưng kinh tế, văn hóa, nghệ thuật… có thể nói về mọi mặt, đã bỏ xa, rất xa Việt Nam, một đất nước cùng vùng Đông Á nhưng đã thống nhất 37 năm rồi, không còn loạn ly chia cắt nữa.

Trước năm 75, thanh niên miền Nam chúng tôi có coi những anh Đại Hàn ra gì đâu, họ đến đất nước này trong lực lượng tham chiến Đồng Minh chống lại Cộng Sản, họ không có gì nổi bật, đất nước họ cũng chẳng có gì để chúng tôi học hỏi, nổi tiếng nhất chỉ có món võ Taekwondo và lời đồn đãi về môt loại sâm Cao Ly nào đó rất bổ, nhưng tất cả những thứ ấy chẳng làm bọn trẻ chúng tôi quan tâm.

Biến cố 75 ập đến, sau nhiều năm gián đoạn thông tin, ngày mở cửa, chúng ta choáng ngợp trước những anh Đại Hàn mạnh mẽ, giàu có, tiến bộ. Hàng hóa Đại Hàn tràn ngập thu hút mọi người, từ xe hơi, xe tải, các loại máy công nghiệp, đến thời trang, hàng tiêu dùng, hàng điện máy, cả điện ảnh và ca nhạc nữa, giới trẻ Việt Nam ở thành phố mơ về những ngôi sao Hàn Quốc, điên cuồng hâm mộ và thích đi ăn tiệm Hàn, mặc áo cuối của Hàn, cắt tóc kiểu Hàn !

Tại sao người ta cũng bị chia đôi đất nước với hai chính thể y như mình nhưng người ta không đánh nhau, không tàn sát lẫn nhau ? Tại sao đất nước người ta không có tài nguyên phong phú như mình, không “rừng vàng biển bạc” như mình mà người ta tiến bộ, kinh tế phát triển, giáo dục phát triển kéo theo mọi mặt phát triển, cứ thế mà hỗ tương nhau phát triển. Tại sao đến giờ phút này, thu nhập bình quân đầu người của chúng ta chỉ bằng của họ cách đây hàng chục năm về trước, và bây giờ thì họ đã có GDP gấp mười lần chúng ta ? Tại sao “rừng vàng biển bạc” của ta bây giờ không còn vàng, chẳng còn bạc, mà chỉ còn tai họa cứ ngày đêm rình rập ập xuống trên đầu người dân quá cùng khổ ? Năm nào cũng vậy, chưa mưa đã ngập lụt, chưa bão đã lũ quét lũ tràn, hàng vạn người dân cứ màn trời chiếu đất, chiến tranh đã hết rồi mà hàng ngàn người cứ mãi chit khăn tang ?

Tin Mừng đến Đại Hàn sau Việt Nam nhiều thế kỷ ( thế kỷ 18 Tin Mừng mới đến Đại Hàn, sau Việt Nam hơn 300 năm ), Tin Mừng đến Đại Hàn do một số người dân Đại Hàn mang về từ Trung Quốc, khi các Thừa Sai người Pháp đến ( 1779 – 1836 ) thì đạo Công Giáo đã được phổ biến trong nước họ rồi. Cũng như Việt Nam, Giáo Hội Đại Hàn đã chịu sự bách hại khốc liệt, đã có 103 vị chứng nhân được tuyên phong Hiển Thánh, nhưng khác Việt Nam, trong khoảng 10 năm qua, Giáo Hội Nam Hàn tăng trưởng mạnh, từ 2% nay đã lên đến 11% dân số, số Linh Mục tăng từ 250 lên đến 5.000 vị. Hiện nay Giáo Hội Hàn Quốc đang thực hiện chiến dịch “20, 20” nghĩa là cố gắng vào năm 2020 số Giáo Dân Nam Hàn sẽ là 20% dân số, họ đề ra chương trình “mỗi Kitô hữu truyền bá Tin Mừng cho một người ngoại” (Linh Tiến Khải, Radio Vatican, 18.4.2012).

Là một Giáo Hội non trẻ hơn Việt Nam, sống trong môi trường văn hóa Á Đông như Việt Nam, cùng đối đầu với các vấn đề không khác Việt Nam, tại sao số Kitô hữu của Nam Hàn cứ gia tăng mà số Kitô hữu Việt Nam thống nhất lại cứ dậm chân ở mức 6% bao nhiêu năm nay. Ở Việt Nam máu các Thánh Tử đạo đổ ra nhiều hơn Hàn Quốc (chỉ lấy con số 117 so với 103), lẽ ra mùa lúa Việt Nam phải bội thu hơn nhiều chứ?

Có người lý luận sở dĩ Tin Mừng lan nhanh ở Hàn Quốc, là vì ở Hàn Quốc, Tin Mừng mang giá trị cổ võ cho sự công bằng trong xã hội. Không đúng ! Chênh lệch thu nhập của người Hàn Quốc không quá cách biệt, trong khi chênh lệch mức sống ở Việt Nam ngày càng nhiều, giá trị công bằng trong xã hội mà Tin Mừng rao giảng ở Việt Nam có cơ hội rõ nét hơn nhiều. Cũng có lý luận do xã hội Hàn Quốc băng hoại chạy theo hưởng thụ, thỏa mãn ích kỷ, càng ngày càng tục hóa, đó là mảnh đất màu mỡ mà Tin Mừng sáng chói lên. Cũng không đúng ! Xã hội Việt Nam băng hoại gấp bội, nạn phá thai ở Việt Nam đứng nhất nhì thế giới, cướp bóc, tham nhũng, tai nạn giao thông ở Việt Nam bỏ xa Hàn Quốc. Tại sao số Kitô hữu cứ mãi 6% ?

Tin Mừng là một, không thay đổi, Tin Mừng mang những giá trị muôn thuở, không suy giảm, không khác biệt ở bất cứ nơi đâu, vấn đề còn lại là ở chính chúng ta. Chúng ta đang dành ưu tiên cho cái gì trong cuộc sống ? Chúng ta chọn lựa cách nào để “Đức Tin có việc làm” ?

Vừa qua chúng tôi tiếp xúc với một số các chức việc ở một số Giáo Xứ miền xuôi, ngay tại thành phố, họ kêu ca với chúng tôi về việc thiếu Linh Mục chăm sóc phần thiêng liêng cho họ, nào là… “Giáo Họ chúng con cả tuần mới có được mỗi một Lễ”, nào là…”Cha bận quá nên trong Xóm Giáo có gia đình lục đục, cha không đến để hòa giải được nên vuột mất cơ hội”, nào là… “Cha lu bu quá, cha không thể ngồi họp với các hội đoàn chúng con, làm chúng con thiếu mất sức sống” v.v… Trong khi đó, chúng tôi cũng vừa có dịp đi qua một số Giáo Điểm miền cao nguyên, anh em Linh Mục phải chạy đi dâng lễ từ chiều thứ bảy cho đến tối mịt Chúa Nhật, có khi sang thứ hai mới về lại được nhà xứ, mỗi nơi dâng lễ cách nhau cả hàng chục cây số, có những nơi bị bách hại, khó khăn rình rập, ngăn cản việc thi hành mục vụ, thậm chí có Linh Mục bị đánh đập vì đã dâng Lễ tại vùng “không cho phép”.

Làm sao để tất cả mọi người, từ hàng giáo phẩm đến Giáo Dân, ý thức được sứ mệnh truyền giáo? Ai sẽ lôi chúng ta ra khỏi thế luẩn quẩn này? Làm sao để chúng ta dám đặt mục tiêu “10, 20” ?

Chỉ “10, 20” thôi mà cũng không dám! Chẳng lẽ chúng ta cứ mãi 6%?

Lm. VĨNH SANG, DCCT, 22.9.2012



No comments: