Wednesday 12 September 2012

Lm Nguyễn Thể Hiện CSsR: ĐỨC GIÊSU CHỮA NGƯỞI VỪA ĐIẾC VỪA NGỌNG


Bài Tin Mừng hôm nay ( Mc 7, 31 – 37 ) kể cho chúng ta một phép lạ: Đức Giêsu chữa lành một người vừa điếc vừa ngọng. Người ban cho anh ta khả năng nghe và nói. Người vừa điếc vừa ngọng này là hình ảnh của những đồ đệ chưa thực sự hoàn toàn đón nhận sứ điệp Tin Mừng của Đức Giêsu về Nước Thiên Chúa. Đức Giêsu phải chiến thắng những trở lực rất lớn nơi họ để đưa họ đi vào mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã được ban cho họ ( x. 4, 11 ).
Khi ấy, “Đức Giêsu lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xiđôn, đến biển hồ Galilê vào miền Thập Tỉnh. Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giêsu, và xin Người đặt tay trên anh” ( cc. 31 – 32 ). Không giống với những trường hợp khác, ví dụ người phong cùi ( 1, 40 ), hay người bại liệt ( 2, 3 ), hay người bị quỷ ám ở Ghêrasa ( 5, 2 ), hay người phụ nữ bị băng huyết ( 5, 25 ), người vừa điếc vừa ngọng không tự mình đến với Đức Giêsu dù anh ta hoàn toàn có thể làm như thế; anh ta cũng chẳng ngỏ lời xin Đức Giêsu chữa lành cho anh ta. Điều này chứng tỏ hoặc anh ta không ý thức về tình cảnh của mình, hoặc anh ta không thấy cần phải thay đổi tình cảnh đó.
Các ngôn sứ đã liên tục sử dụng hình ảnh sự điếc cùng với sự mù để diễn tả thái độ của Israel chống cưỡng không chịu nghe những gì Thiên Chúa nói: x. Is 6, 9; 42, 18; Gr 5, 22 – 23; Ed 12, 2. Nói chung, chứng điếc và câm hoặc ngọng, luôn được trình bày như những hình ảnh ẩn dụ. Người điếc là hình ảnh tượng trưng cho kẻ không nghe hoặc không muốn nghe, còn người ngọng là hình ảnh tượng trưng cho kẻ không diễn đạt rõ ràng và dễ hiểu được, trái lại, thường gây hiểu lầm. Đáng chú ý là trong Cựu Ước, không có câu truyện nào kể về việc chữa lành những người điếc hoặc câm.
Người vừa điếc vừa ngọng trong bài Tin Mừng hôm nay là một nhân vật có giá trị biểu tượng. Anh ta là hình ảnh của những đồ đệ chưa “thấm” sứ điệp mà Đức Giêsu đã nói với họ ( x. 8, 17 ), và hậu quả là họ không thể trình bày một cách đúng đắn và chính xác sứ điệp đó, vì họ vẫn tìm cách dung hòa sứ điệp của Đức Giêsu về Nước Thiên Chúa với các phạm trù Do Thái Giáo truyền thống. Nói cách khác, với hình ảnh người vừa điếc vừa ngọng này, tác giả Máccô muốn nói đến sự không hiểu dai dẳng, tức là sự ngu tối trong tâm trí, của các đồ đệ Đức Giêsu ( x. 7, 18 ).
Khi người ta đưa người vừa điếc vừa ngọng đến, Đức Giêsu chữa lành cho anh ta, mặc dù đây chưa phải là sáng kiến của chính Người. “Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh” ( c. 33 ).
Tác giả Máccô sử dụng lối nói “riêng ra” ( kat’idian ) bảy lần. Trong sáu chỗ ( 4, 34; 6, 31 – 32; 9, 2.28; 13, 3 ), ta đều thấy có sự không hoặc chưa hiểu của toàn thể hoặc một phần các môn đệ, đến độ cần phải có sự can thiệp của Đức Giêsu để giải nghĩa rõ ràng cho các ông.
Ở đây ( 7, 33 ), lối nói này được sử dụng cho trường hợp người vừa điếc vừa ngọng, càng chứng tỏ tính chất biểu tượng trong hình ảnh của nhân vật này, ám chỉ tình cảnh của các môn đệ. Đức Giêsu tách anh ta ra khỏi đám đông, tương tự trong trường hợp ở 7, 17.
Rồi Người đặt ngón tay vào lỗ tai anh ta. Người đã không đặt tay trên anh ta như lời xin của những người đã đưa anh ta đến với Đức Giêsu. Trong Cựu Ước, “ngón tay Thiên Chúa” ( số ít ) có nghĩa biểu tượng chỉ quyền năng Thiên Chúa. Có vẻ như tác giả muốn nhấn mạnh sự kiện Đức Giêsu phải hành động cách đặc biệt để phá bỏ chướng ngại vật khiến cho người môn đệ không đón nhận được sứ điệp của Người.
Tiếp đó, Người nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh ta. Người xưa coi nước miếng, cùng với nước, máu, rượu và dầu ô liu, là chất có tác dụng chữa bệnh. Nước miếng thường được dùng đặc biệt trong những trường hợp chữa đau mắt. Và vì nước miếng ở trong miệng, nên nó được coi là có liên hệ đặc biệt với hơi thở, tức là sự sống. Ở đây, Đức Giêsu lấy nước miếng của mình mà bôi ( bằng ngón tay ) vào lưỡi người bệnh. Bối cảnh văn hóa Do Thái đương thời làm cho người ta có thể hiểu rằng sức mạnh mà Đức Giêsu đang ban truyền qua ngón tay của Người là chính hơi thở, tức là Sự Sống, Thần Khí của chính Người.
“Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: "Epphatha", nghĩa là: hãy mở ra !” ( c. 34 ). Trong 6, 41 Đức Giêsu cũng ngước mắt lên trời, nhưng là để tạ ơn Thiên Chúa vì lương thực mà Thiên Chúa ban. Ở đây, trái lại, Người “rên một tiếng”, diễn tả một tâm sự. Có thể hiểu “ngước mắt lên trời, rên một tiếng” là những hành động cầu nguyện với Thiên Chúa và diễn tả tình thương đối với người vừa điếc vừa ngọng. Có vẻ Đức Giêsu cần một sức mạnh thần linh để phá bỏ những chướng ngại vật nơi người môn đệ . người bệnh điếc và ngọng này.
“Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng” ( c. 35 ). Người trước đây bị điếc bây giờ đã có thể nghe và hiểu. Những cái tai của anh ta đã được mở ra. Cũng vậy, trước đây anh ta bị ngọng, nhưng bây giờ nói được rõ ràng. Vấn đề đã hoàn toàn được giải quyết. “Đức Giêsu truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra. Họ hết sức kinh ngạc, và nói: "Ông ấy làm mọi sự đều tốt đẹp: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được" ( cc. 36 – 37 ).
Đây không phải là lần đầu tiên Đức Giêsu truyền lệnh người ta phải giữ kín chuyện Người chữa lành. Trong trường hợp người phong cùi được chữa lành ( x. 1, 44 ), lệnh truyền giữ kín được nói với người trước đây đã từng tưởng rằng sự loại trừ anh ta là điều Thiên Chúa muốn. Trong trường hợp con gái ông Giaia được cứu sống ( x. 5, 43 ) thì lệnh truyền đó được đưa ra vì cô bé còn chưa trưởng thành để có thể chịu được những hệ luận của việc công khai tin vào Đức Giêsu.
Trong trường hợp chữa lành người vừa điếc vừa ngọng này, chúng ta cũng gặp một hoàn cảnh có yếu tố đặc biệt: thực tế, như chúng ta sẽ còn thấy trong các chương kế tiếp của Mc, các môn đệ sẽ vẫn còn chưa hiểu đúng sứ điệp và số phận của Đức Giêsu.
Với lệnh truyền giữ kín chuyện này, Đức Giêsu mạnh mẽ cảnh báo rằng vấn đề các môn đệ khó đón nhận sứ điệp của Người sẽ vẫn còn tiếp tục tồn tại, ngay cả khi đã có những người, nhờ sức mạnh của Người, đã vượt qua được vấn đề đó.
Trong phản ứng của dân chúng khi nghe biết về phép lạ Đức Giêsu đã thực hiện, chúng ta có thể chú ý hai chi tiết đáng quan tâm.
Thứ nhất là lời ghi nhận: “Ông ấy làm mọi sự đều tốt đẹp”. Lời này nhắc chúng ta nhớ đến hành động của Thiên Chúa trong việc sáng tạo vũ trụ ( St 1, 31; Hc 39, 16 ). Nhờ hành động của Đức Giêsu, tạo thành đã hỏng được tái thiết tốt đẹp.
Chi tiết thứ hai là lời kể: “Ông ta làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được”. Lời này nhắc chúng ta nhớ đến niềm hy vọng được trình bày trong Is 35, 4 – 6: “Hãy nói với những kẻ nhát gan: Can đảm lên, đừng sợ ! Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội. Chính Người sẽ đến cứu anh em. Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò”. Phép lạ Đức Giêsu vừa thực hiện là dấu chỉ của sự hiện diện quyền năng và cứu độ của chính Thiên Chúa như lời Ngôn Sứ đã tiên báo. Quả thật “Nước Thiên Chúa đã đến gần” ( 1, 15 ).

Gợi ý suy niệm và chia sẻ:
1. Người vừa điếc vừa ngọng trong bài Tin Mừng hôm nay là một nhân vật có giá trị biểu tượng. Anh ta là hình ảnh của những đồ đệ chưa “thấm” sứ điệp mà Đức Giêsu đã công bố và không thể trình bày một cách đúng đắn và chính xác sứ điệp đó. Tất cả chúng ta đều ít nhiều gặp thấy chính mình trong hình ảnh người vừa điếc vừa ngọng này.
2. “Ông ấy làm mọi sự đều tốt đẹp”. Lời này nhắc chúng ta nhớ đến hành động của Thiên Chúa trong việc sáng tạo vũ trụ ( St 1, 31; Hc 39, 16 ). Nhờ hành động của Đức Giêsu, tạo thành đã bị hỏng nay được tái thiết tốt đẹp. Tạo thành mới đã được bắt đầu trong hành động của Đức Giêsu.
3.Người làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được”. Việc Đức Giêsu chữa lành người vừa điếc vừa ngọng là dấu chỉ của sự hiện diện quyền năng và cứu độ của chính Thiên Chúa như lời ngôn sứ Isaia đã tiên báo.
Lm. NGUYỄN THỂ HIỆN, DCCT


No comments: