Wednesday 27 July 2011

Michael Whelan SM: Sự Thật Che Giấu Sự Thật­?


Ấn bản Mùa Thu của báo The Swag có đăng một bài của Đức Hồng Y Pell hồi đáp bài báo Hồi Tưởng Nhân Dịp Kỷ Niệm Kim Khánh Linh Mục của linh mục Eric Hodgens được đăng trong ấn bản trước đó. Điều mà tôi thấy trong bài của linh mục Eric là một con người dâng hiến cả cuộc đời cho Giáo Hội, một người đang lo buồn sâu sắc và bị thất vọng bởi điều mà ông cho là sự thất bại của giới giáo quyền đương thời trong việc thực hiện những hứa hẹn của Công Đồng Vatican II. Điều mà tôi thấy trong bài của Đức Hồng Y là một người rõ ràng đang cảm thấy cần phải bảo vệ và lặp lại điều mà ngài cho là “chính thống”.

Điều lo ngại của tôi là về cung cách thông đạt của Đức Hồng Y. Ngài dùng những chân lý trừu tượng trong đạo của chúng ta để tránh né cái thực tế cụ thể là những chân lý này đã được tượng hình như thế nào.

Chẳng hạn như, hãy xem đoạn sau đây của Đức Hồng Y: “Tôi xin cố gắng trình bày vấn đề bằng những từ ngữ dễ hiểu nhất. Trong bài báo của cha Eric chúng ta không thấy có bằng chứng nào rằng Giáo Hội Công Giáo đã được nhận mặc khải thánh thiêng, ‘Lời Thiên Chúa, chứ không phải lời người phàm’ (1 Tx 2:13); hay có bằng chứng nào rằng Giáo Hội Công Giáo đã được thiết lập bởi chính Con Thiên Chúa là ‘Ngôi Lời ngự với Thiên Chúa … Ngôi Lời là Thiên Chúa’ (Ga 1:1), là Đức Giê-su Ki-tô, con của bà Ma-ri-a với một bản tính thánh thiêng cũng như một bản tính phàm nhân. Nếu Đức Giê-su là đấng thánh thiêng, thì các Giáo Huấn Tân Ước có tính thẩm quyền vô song.

Tôi giả thiết là tất cả chúng ta đều hoàn toàn đồng ý với nhau rằng mặc khải thánh thiêng là “Lời Thiên Chúa, chứ không phải lời người phàm” và Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Người thật sự là con của bà Ma-ri-a và là Con Thiên Chúa, và “nếu Đức Giê-su là đấng thánh thiêng, thì các Giáo Huấn Tân Ước có tính thẩm quyền vô song.” Vậy thì Đức Hồng Y đang muốn nói điều gì? Ví dụ như: Đức Hồng Y nghĩ sao về các Thánh Truyền? – đó là những niềm tin của quảng đại quần chúng (sensus fidelium) hay chăng? – đó là tác động của Chúa Thánh Thần hay chăng? – hay đó là Giáo Hội như một thực thể lịch sử?

Đức Hồng Y bảo là ngài không tìm được bất cứ bằng chứng gì trong bài báo của cha Eric “rằng Giáo Hội Công Giáo đã được nhận mặc khải thánh thiêng”. Thật ra, câu hỏi khẩn thiết mà bài báo của cha Eric đặt ra không phải là có-phải-Giáo-Hội-đã-“được-nhận-mặc-khải-thánh-thiêng”-hay-không, nhưng là sự mặc khải đó đã xảy ra bằng-cách-nào, và – có lẽ quan trọng hơn – là chúng ta nhận ra các dấu chỉ của thời đại rõ đến mức nào (xem Mt 16:3 và Đức Giáo Hoàng Gio-an XXIII), và chúng ta vất vả như thế nào trong việc tham dự vào cuộc đối thoại (colloquium salutis) (xem Tông Thư Ecclesiam Suam – Đường Hướng Của Giáo Hội – của Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI). Quả thật, giới cầm quyền trong Giáo Hội có thật sự mong muốn một sự tham dự vào cuộc đối thoại như vậy hay không – một sự tham dự được đa số các Thượng Phụ trong Công Đồng Vatican II xem là có tầm quan trọng quyết định?

Đức Hồng Y đã lướt quá nhanh qua một số vấn đề rất phức tạp liên quan đến mặc khải mà cha Eric đã nêu lên (một cách hàm ý). Và sự “lướt qua” đó được thực hiện qua một cách như thể ngài đang ám chỉ là có một số những điều đáng đặt thành vấn đề nhưng lại không thật sự thừa nhận những vấn đề đó, không đối diện với chúng, và không nhận lãnh trách nhiệm về những vấn đề đó. Đây là một trở ngại to lớn cho cuộc đối thoại mà chúng ta cần phải có với nhau như một phần của tổng thể cuộc đối thoại (xin đặc biệt xem Tông Thư Ecclesiam Suam, 113-115).

Có vẻ như có một sự đối chọi nền tảng ở đây, một sự đối chọi mà trước đó đã lộ diện trong kỳ nhóm họp lần thứ hai của Công Đồng Vatican II. Sự đối chọi này được tóm gọn trong hai bài diễn văn đáng nhớ trước toàn thể Công Đồng cùng vào ngày 8 tháng Mười Một năm 1963. Bài thứ nhất là của Đức Hồng Y Frings thuộc Tổng Giáo Phận Cologne (1887-1978), bài thứ hai là của Đức Hồng Y Ottaviani thuộc Văn Phòng Tòa Thánh (1890-1979). Cả hai bài đều được trình bày trong bối cảnh những cuộc thảo luận về việc chia sẻ quyền hành trong hồng y đoàn.

Bài diễn văn của Đức Hồng Y Frings – mà một phần là do Đức Joseph Ratzinger (thưở đó chưa là Giáo Hoàng) soạn thảo – chú trọng vào những ảnh hưởng tiêu cực của khuynh hướng trong Giáo Hội là quy tụ quyền hành về trung ương, với một số chỉ trích cụ thể đối với Văn Phòng Tòa Thánh – văn phòng mà những lề thói làm việc của họ, theo Đức Hồng Y Frings, xét theo nhiều khía cạnh, là không thích hợp trong thời đại chúng ta đang sống, là có hại cho giáo hội, và sẽ đưa đến nhiều vụ tai tiếng” (xem John W O’Malley, Điều Gì Đã Diễn Ra Trong Công Đồng Vatican II, nhà xuất bản Harvard University, 2008, 192). Biên bản chính thức của Công Đồng ghi nhận là tiếng vỗ tay hoan hô đã nổi lên vang dội – plausus in aula.

Đức Hồng Y Ottaviani đã đùng đùng nổi giận và đòi Đức Hồng Y Frings phải công khai xin lỗi. Thậm chí ngài còn dọa là sẽ rời bỏ Công Đồng nếu Đức Hồng Y Frings không chịu xin lỗi (đã dẫn, 193). Tác giả O’Malley tổng kết như sau:

“Điều chắn chắn là sự xung đột này giữa hai vị hồng y, được tường thuật rộng rãi trong giới truyền thông toàn cầu, là vượt qua khỏi biên giới hai cá tính của hai người trong cuộc, vượt qua khỏi vấn đề cụ thể của Văn Phòng Tòa Thánh. Sự xung đột đó đã bi thảm hóa vấn nạn căn bản của công đồng – giáo hội sẽ hoạt động như thế nào trong tương lai: tiếp tục lối hoạt động tập trung quyền lực ở trung ương, với cung cách lãnh đạo theo kiểu ban-chỉ-thị-từ-trên-xuống và lề lối giao thiệp luôn cho lẽ phải thuộc về mình, hay bằng cách nào đó giảm bớt những cung cách này qua việc tham khảo ý kiến rộng rãi hơn và chia sẻ trách nhiệm rộng rãi hơn” (đã dẫn).

Trong khi cuộc xung đột này đang diễn ra – mà có lúc nào cuộc xung đột này lại sẽ hoàn toàn chấm dứt hay chăng? – thì chúng ta cần phải nhớ rằng lạc quan không phải là hy vọngbi quan không phải là tuyệt vọng.

Việc chúng ta có bất đồng ý kiến chính là dấu chỉ của sự sống và niềm hy vọng, ngay cả khi niềm hy vọng đó có sự bi quan đi kèm theo. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại chính là cái cách mà chúng ta giải quyết các bất đồng đó. Tóm lại một lời, chúng ta có chọn tiếp tục xu hướng đối thoại hoặc đi theo con đường của Đức Gio-an XXIII, Đức Phao-lô VI và Công Đồng Vatican II, và hướng đến việc phát triển một xu hướng đối thoại, hay không?

Đối thoại là việc thật hệ trọng. Không phải ngẫu nhiên mà “đối thoại – conversation” có chung nguyên ngữ với “cải hóa – conversion”. Một điều tối cần thiết để cho việc đối thoại thật sự là một cuộc đối thoại, là lòng mong ước sao cho sự gặp gỡ phe bên kia sẽ là một trải nghiệm biến cải, tối hậu là dẫn đến một sự hoán cải, nhưng ngay cấp thời thì là một trải nghiệm sâu sắc hơn về những phẩm chất cuộc sống mà chúng ta quý trọng nhất – những phẩm chất tương tự như Đức Giê-su, chẳng hạn như hy vọng và tín thác, bình an và hiệp nhất, lòng thương xót và sự tha thứ, tính thành thật và lòng can đảm.

Nguồn: Truth Hiding Truth?

The Swag, July.2011

http://theswag.org.au/2011/07/truth-hiding-truth/

24.7.2011

Chuyển qua tiếng Việt: Cecilia Mỹ-Hạnh Nguyễn

Như một lời cầu cho Giáo Hội vững bền.

No comments: