Thursday 21 July 2011

Frank Doyle sj: “Bỏ quên giấc mộng ngây ngô thuở nào”

Mt 13: 44-52

Hỏi trời cao, nhà thơ chỉ hỏi về kiếp dã tràng sao lắm truân chuyên. Hỏi nhà Đạo, có hỏi cho nhiều chắc cũng chỉ hỏi về ý nghĩa của dụ ngôn. Dụ ngôn người hỏi, là lời Ngài dạy về Nước Trời. Về, kho tàng giấu dưới ruộng. Nhưng, kho quý Nước Trời, lại là trọng tâm trình thuật bàn, rất hôm nay.

Trình thuật hôm nay, là đoạn cuối chương 13 Tin Mừng thánh sử tập trung vào dụ ngôn Nước Trời. Như tuần trước, dụ ngôn hôm nay là nhận biết Chúa. Sống đích thực Lời Ngài dẫn dụ nơi Tin Mừng. Nhờ vào Tin Mừng, ta mới hiểu và mới biết. Biết đi vào hiện thực ý nghĩa của sự sống. Biết nắm bắt những gì là quan yếu, ở đời thường.

Ở đầu truyện, Chúa sánh ví Nước Trời như kho tàng được chốn giấu ở trong ruộng. Với người Do Thái thời của Chúa, khắp nơi chưa có ngân hàng để gửi gắm tiền vàng, đồ quý, người dân thường ở huyện chỉ biết gửi gắm của cải quý báu vào những nơi không ai có thể dò tìm: những ruộng ngút ngàn rất nhiều thửa. Nhưng chinh chiến lẫn binh đao ập tràn, khiến người chôn giấu bỏ của chạy lấy người. Để đến khi quay trở về, đất đai ruộng nương bị phát giác/chiếm giữ, đành mất không.

Ở dụ ngôn, có ám chỉ là khi đã nhận ra rằng Đức Chúa còn quý hơn vàng bạc châu báu, người người sẽ hiểu là mọi chuyện khác đều trở nên thứ yếu, không quan trọng. Nay chỉ cần có Ngài là đã đủ hầu thực hiện Lời, trong cuộc sống. Cuộc sống thân thương trong cộng đoàn, như Phao-lô thánh nhân từng quả quyết: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và coi tất cả như rác rưởi, để chỉ được Đức Kitô.” (Pl 3: 8)

Dụ ngôn thứ hai, cũng tương tự như câu truyện đầu, chỉ khác một điều là: nhân vật được kể trong truyện, không cố ý kiếm tìm kho tàng cất giấu trong ruộng, để đào xới. Anh bất chợt khám phá ra kho tàng cất giấu khi lam lũ cày bừa và vun xới. Đây, chính là hình tượng nói về Đức Giê-su. Ngài đến với ta, cũng hệt một kiểu như thế. Khi đến, Ngài chỉ đến rất bất chợt. Chỉ theo cung cách thường tình, gặp thấy trong ngày thường. Đấy chính là kinh nghiệm của nhiều người khi tìm gặp Chúa. Tìm trong ưu tư. Gặp lúc bất chợt, đột xuất. Và đây lại là ý niệm chính được kể nơi truyện sử, thánh Mát-thêu đã viết.

Dụ ngôn kế tiếp, kể về nhân vật chính trong truyện đích thân kiếm tìm “ngọc quý”. Anh bỏ công sức nghị lực ra để tìm gặp cho bằng được. Ở cuộc đời, thực tế là dù ta đã được thanh tẩy vẫn chưa là hoàn tất. Vẫn cứ nên đeo đuổi kiếm tìm ý nghĩa đích thật của Phúc Âm, trong cuộc sống. Bởi, Lời Hằng Sống Phúc Âm dường như nay biến khỏi nơi tâm can con người, quá bận rộn. Hãy biết cảm thông hơn. Yêu nhiều hơn. Phục vụ nhiều hơn.

Bài đọc 1, sách Các Vua diễn tả tâm trạng của những người cùng một bối cảnh. Như vua Salômôn. Và, câu hỏi của Đức Chúa chuyển đến Salômôn, vẫn là câu vấn nạn Ngài gửi đến với hết mọi người: “Cứ xin những gì ngươi muốn Ta ban cho” (1V 3: 7). Và hôm nay, lời đáp trả của dân con ngoài Đạo, cũng vẫn là tiền bạc. Là, của cải/đồ châu báu hoặc an toàn vật chất. Trong khi đó, Salômôn, chỉ xin có mỗi: “tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái.” (1V 3: 9). Tức, khôn ngoan.

Salômôn chẳng cần đến giàu sang phú quý. Vua cũng chẳng mê chuộng quyền hành, dù tất cả đã đến với vua. Vua chẳng xin có được nhiều thứ. Cả đến việc xin Chúa cất đi những rào cản cuộc đời. Điều vua cần, là: khả năng được nhìn. Được thấy. Nhìn và thấy, là chủ đề trải dài suốt Phúc Âm. Rõ ràng, Phúc Âm nói nhiều đến người mù được nhìn thấy, có khôn ngoan. Được nhìn thấy và khôn ngoan, là có được khả năng có được những gì mình cần. Cần giáp mặt mọi tình huống của cuộc đời. Tình huống buồn vui, dễ chịu. Hoặc sầu khổ.

Khôn ngoan nơi Salômôn, còn là điều vua biết thưa với Chúa: “Xin cho tôi tớ Chúa đây, tâm hồn biết lắng nghe.” Và vì thế, Đức Chúa phán: “Bởi, ngươi đã xin điều đó, ngươi không xin sống lâu, hay được của cải; cũng không xin cho kẻ thù mình phải chết; mà lại xin cho được khả năng phân biệt để xét xử. Thì này, Ta làm theo lời ngươi: Ta ban cho ngươi tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến mức độ trước ngươi chẳng ai sánh được; và sau ngươi, cũng chẳng ai bì kịp.” (1V 3: 10-11).

Lời Chúa nói, mới là của cải/vàng bạc/châu báu, cất giữ trong ruộng. Là, ngọc quý mà các vị đại gia mải kiếm tìm, để phòng thân. Và, khả năng biết nhìn thấy/lắng nghe, chính là những gì khiến cho cửa ngõ Nước Trời, được rộng mở. Là, tình thương yêu đùm bọc cần phải có giữa các thành viên trong cộng đồng thế giới. Là, tương quan giữa Thiên Chúa và loài người. Tình thương - tương quan ấy, nay đem lại hạnh phúc và bình an đến với muôn dân. Đây mới là sự thật, cần tìm kiếm. Bởi nơi đây, vẫn hiện diện tình thương yêu đùm bọc. Có tự do. Có an hoà.

Tự kiểm điểm, người người sẽ thấy mình hằng chạy theo của cải vật chất, với bạc tiền. Chạy theo cả những vui thú/địa vị, trong xã hội. Chính vì thế, người người cứ bị khoá chặt vào quá khứ. Một quá khứ dầy đặc nhung nhớ, với tiếc thương. Hết tiếc nhớ quá trình đầy bận tâm, lại lo toan ước muốn tương lai xa vời, không thể có. Trong khi đó, hiện tại mà ta cần trân quý vẫn cứ trôi nhanh, lỡ hỏng. Vì lỡ hỏng, ta chẳng thể nào tìm gặp được kho châu báu đích thực, khó tậu được. Và, ngọc quý có giá trị vĩnh cửu kia, ta càng khó có thể bắt gặp.

Điều này đưa dẫn người đọc đến đại ý của dụ ngôn cuối truyện. Hai dụ ngôn đầu Chúa đề cập, nói lên quyết tâm và ý hướng phục vụ. Quyết tâm và ý hướng, của những người bước theo chân Chúa. Dụ ngôn cuối truyện, dẫn đưa ta về với thực tại cuộc sống. Thực tế cho thấy, không nên quá lý tưởng mà tạo cho mình tính khí tự mãn, tách rời. Tự mãn ở điểm, cứ tự cho mình, cộng đoàn Giáo hội là nhất. Là, dân con được tuyển. Ngoài người mình ra, tất cả đều thấp kém. Thua thiệt.

Dụ ngôn hôm nay, còn nhắc thêm một điều: Nước Trời Hội thánh tràn ngập đủ loại người, sang hèn. Thấp cao. Giáo hội Chúa là Hội giáo của các thánh nhân. Và, cũng là của kẻ mắc phạm. Đầy lỗi lầm. Giáo hội Chúa, vẫn được Tin Mừng nhắc nhở bằng những câu: “Cần đến lương y, hẳn không phải là người lành mạnh, mà là kẻ đau ốm! Ta đến không phải để gọi những người công chính, mà kẻ tội lỗi.” (Mc 2: 17). Vai trò của Giáo hội, là đưa dẫn, đón nhận vào lòng mình “người nghèo hèn, đui mù, tàn tật, què quặt” (Lc 14: 21), như Thầy dặn.

Với bài học dụ ngôn, “vương quốc” Giáo hội như lúa tốt lẫn trộn với cỏ lùng. Là bao gộp, cả người lành lẫn kẻ có lỗi. Vẫn còn đó, thái độ trịch thượng của những người cho mình là cao sang, chỉ tìm cách tách rời cỏ lùng, cá tạp, loại đồ bỏ. Lời Thầy còn đó, vẫn nhắc nhở: việc Chúa sàng lọc sẽ được thực hiện vào đúng thời, đúng buổi. Của Ngài. Trong trông chờ ngày ấy, việc của ta là: khoan dung, độ lượng. Độ lượng, để cảm thông, thương yêu những người còn xa vời đòi hỏi của Phúc Âm. Của Vương quốc Nước Trời.

Trong học hỏi ý nghĩa của ngụ ngôn, cũng nên nhớ: vẫn thấy ở nơi ta còn có những người chưa biết hoà trộn tốt/xấu, sang/hèn, giàu/nghèo trong cộng đoàn. Giả như ta thấy là: có nhiều người còn bị phân cách, tách rời ở ven biên cộng đoàn, hãy cứ tự nhủ để cùng nói với thánh Âu-tinh, câu để đời: “Vì ân sủng của Đức Chúa, tôi sẽ ra đi đến với họ.”

Phán đoán là chuyện để sau sẽ tính. Ngay giờ đây, chỉ nên toan tính có một điều: đã đến lúc để ta ra đi mà kiếm tìm vàng bạc/châu báu có giá trị to lớn, là quà tặng Chúa gửi để cùng với Đức Giê-su biết nhận ra, đâu là kho tàng đích thật. Là, trân châu ngọc quý. Và, giúp người khác cũng biết kiếm tìm, hệt như thế.

Lm Frank Doyle sj

MaiTá lược dịch

No comments: