Thursday 14 July 2011

Frank Doyle sj: “Chợt ước cơn mưa về chốn cũ.”



Mt 13: 24-43

Có ước mơ mưa nhiều về chốn cũ, thì nhà thơ hôm nay cũng chỉ thêm trĩu nặng, đời lưu lạc. Có lưu lạc một đời những thơ văn, thì dân con nhà Đạo cũng sẽ tìm ra ý nghĩa cuộc đời, nơi dụ ngôn Chúa dạy hôm nay.

Trình thuật dụ ngôn hôm nay, có những giòng thơ đầy ý nhạc. Giòng thơ văn, thánh Mát-thêu ghi thêm về Nước Trời. Nước Trời mà thánh sử ghi, là thế giới thân thương Chúa muốn thấy nơi con người. Ở trần gian. Bây giờ. Như ta vẫn nguyện cầu qua lời Kinh: “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.”

Trời, là từ ngữ mà thánh sử Mát-thêu dùng riêng cho cộng đoàn Do Thái để chỉ về Đức Chúa. Bởi, người Do Thái không thích kiểu gọi thẳng tên Đức Chúa Trời. Vì thế, “Trời” còn được diễn tả bằng cụm từ “Thiên đường” hay “Thiên đàng”, là lối “nói trại” mà người bình dân có thói quen hay dùng, vào thời đó. Thánh sử Mác-cô thì khác. Mác-cô thánh nhân viết cho người đọc thuộc tầng lớp không có những khúc mắc như thế. Nên, thánh Mác-cô dùng thẳng cụm từ: “Nước của Thiên Chúa”.

“Nước” hay “Vương quốc”, không diễn tả nơi chốn địa dư, ở đây hay ở đó. Bên tiếng Hylạp, cụm từ basileia thường được dịch ra thành “triều đại”, “vương quyền”, hay “quyền uy thống trị”. Trên thực tế, có bản dịch vẫn hay dùng cụm từ “quyền uy của Đức Chúa”, là để chỉ về “Nước”.

Nước mà thánh sử nói ở đây, trước tiên là môi trường. Là, tập hợp gồm các tương quan/trạng huống nơi có giá trị của Đức Chúa ở vị thế thượng phong. Trên thực tế, đây chính là giá trị nhân bản đậm sâu, phản ánh sức sống của Đức Giê-su, nơi đó có sự thật. Có tình yêu, lòng thương xót, sự công bình; có, ý nghĩa của sự kết hợp với bản vị khác. Nói tóm, là một đúc kết của trạng huống sống ở nơi đó mọi người biết tôn trọng phẩm cách của nhau. Ở đó, ý niệm bản vị con người vẫn gia tăng, phát triển.

Nơi Nước Trời, mọi người, với tư cách cá nhân hay tập thể, vẫn đích thực sống các giá trị ấy cùng lúc với Đức Giê-su, trong Vương quốc của Thiên Chúa. Ở Nước Trời, mọi người sống liên kết với quyền uy thống trị của Đức Chúa bằng cách dựng xây một thế giới mà mọi người muốn có. Là những thứ, chúng ta sống cho ở đây. Lúc này. Căn bản, thì đây là đặc trưng ơn gọi của Hội thánh. Của mỗi cộng đoàn giáo xứ. Mỗi thành viên của cộng đoàn mình.

Cũng thế, ta cần nhận ra rằng Vương quốc và Hội thánh không cùng đi đến điểm tận cùng. Vương quốc Nước Trời còn vượt qua ranh giới Hội thánh nữa. Quả là, nhiều người có lẽ dù không công khai biết đến Đức Kitô hoặc bầy tỏ lòng trung thành với Chúa, nhưng vẫn sống lý tưởng và các giá trị của Vương Quốc Ngài trong cuộc sống. Đặc trưng hơn cả như Mahatma Ghandi, là ví dụ cụ thể.

Ngược lại, có lẽ cũng nên nói: ta không thể nói mình thuộc về Vương Quốc của Chúa nếu chỉ vin vào mỗi việc là đã được thanh tẩy. Hoặc chỉ cậy rằng mình là thành viên Hội thánh, là đã đủ. Nhưng,còn phải chứng minh cho Nước Trời bằng yếu tố hữu hiệu trong cuộc sống thường nhật nữa.

Cỏ lùng, nói ở trình thuật hôm nay, là một trong ba ảnh hình của Vương quốc đang hoạt động nơi chúng ta. Vương quốc của Chúa rõ ràng kêu gọi mọi người có lòng đại độ, lý tưởng. Đại độ, nơi lòng khoan dung, kiên nhẫn, cảm thông và biết rằng Vương quốc của Ngài đang trở thành hiện thực. Biết rằng xã hội ta sống đang biến cải từ từ thành cộng đoàn tương tự như Vương Quốc. Biết rằng mình không hơn hẳn người khác có cùng niềm tin vào Đức Chúa. Nhưng, phải là đồng hàng. Và đồng hành.

Dụ ngôn hôm nay, còn nói: người nhận thức được giá trị cuộc sống của Đức Chúa, còn phải chung lưng mà sống với mọi người đang có cuộc sống khác biệt. Tức, những ai chưa san sẻ cùng một niềm tin, biết Chúa. Người có cuộc sống khác biệt ở đây là không chỉ quanh quẩn giữa những người có tin hay không tin Đức Kitô, mà cả những người đã tin, đang sống trong cộng đoàn nữa.

Quả thật, Giáo Hội của Chúa vừa thánh thiện, vừa dễ sa ngã lỗi phạm. Nếu ta bảo, cộng đoàn Giáo hội ta là một đặc trưng khác với mọi cộng đoàn khác chưa tin. Nói thế chưa hẳn là đã nói sự thật. Bởi, ta vẫn được bảo: không phải là những nguời lành mạnh mới cần đến vị Thầy thuốc tuyệt hảo là Đức Kitô, nhưng là những kẻ phạm lỗi hoặc dân thu thuế.

Đi xa hơn, mỗi người chúng ta vẫn là một tổng thể gồm cả cỏ lùng, lẫn lúa tốt. Mỗi người, đều vừa là thành tố của Vương quốc Nước Trời, vừa là kẻ kình chống/khích bác, mạnh hơn ai hết. Phao-lô thánh nhân cũng đã nhận ra sự xung khắc chiến đấu ấy ngay nơi chính con người mình (Rm 7: 21-25).

Thành thử, nghe dụ ngôn Chúa dạy, ta cũng nên học biết nhân nhượng với chính sự yếu kém, của chính mình. Bởi như thánh Phao-lô, chính qua sự yếu kém này, Chúa mới được tôn dương: “Bởi quyền năng trong yếu đuối mới viên thành.” (2Cr 12: 9). Thành ra, Vương quốc Nước Trời không suông sẻ qua tiến trình gọn nhẹ, đẹp đẽ. Nhưng, bằng vào kinh nghiệm đổi thay/cải biến, của mỗi người.

Dụ ngôn tiếp, nói về đặc trưng khác của “Nước”. Ảnh hình hạt cải biểu trưng công việc của “Nước” khởi đầu, chỉ rất nhỏ. Như, kinh nghiệm rất mới của Hội thánh do Đức Kitô thiết lập. Như, bước đầu của trào lưu mang ảnh hình “Vương Quốc Đức Chúa”. Trào lưu ấy, khi đã bắt rễ nơi Hội thánh, sẽ gia tăng phát triển, như thường lệ. Đây, là truờng hợp Giáo hội ở các xứ truyền giáo, rất mục vụ. Thuở ban đầu nào, cũng có ngăn cấm. Có bách hại. Có biện pháp tẩy chay, xua đuổi. Nhưng, với thời gian và có Ngài ban sức, cỏ lùng chống đối đã nhường chỗ cho Sự thật, Tình yêu và sự Công chính.

Dụ ngôn cuối, là về men trong bột. Là, ảnh hình của Hội thánh nơi cộng đồng nhân loại. Hội thánh phải nằm trong, là thành tố vực dậy môi trường. Là, năng lượng sản sinh nhiều ảnh hưởng giúp gia tăng, mọi lãnh vực. Lãnh vực nào, cũng phản ánh sự vui sống của cộng đoàn thân thương có Chúa ở cùng. Và, ở với.

Tựu trung, ba dụ ngôn hôm nay đưa ra ảnh hình đặc trưng rất lạ về Vương Quốc Nước Trời vẫn triển nở trong ta. Cộng đoàn dân Chúa hôm nay, trộn lẫn kẻ xấu người tốt hỗn độn lúc ban đầu. Có người luôn kình chống khích bác, khó ngồi yên. Tuy nhiên nếu cộng đoàn Ngài biết một lòng trung thực với Vương Quốc, dù nhỏ bé, chắc chắn là ta sẽ vượt thắng mọi trở ngại, khó khăn và hiểm nghèo, vẫn thường thấy.

Cộng đoàn Nước trời hôm nay, tuy nhỏ bé, vẫn có khả năng lớn mạnh trong yêu thương nhường nhịn, hầu quảng bá giá trị, Chúa vẫn khuyên.

Lm Frank Doyle sj

MaiTá lược dịch

No comments: