Friday 29 July 2011

Lm Sylvester O'Flynn; Những câu mọi người thường hỏi

Lm Silvester O’ Flynn OFM Cap.

Câu hỏi #1:

Đức tin của con đã trở nên khô héo. Những vụ bê bối xảy ra trong Giáo Hội góp phần làm cho con mất niềm tin, nhưng con không đổ hết trách nhiệm cho những việc đó. Bỏ lễ Chúa Nhật không còn làm cho con cảm thấy áy náy như ngày xưa nữa. Con có cầu nguyện gì thì cũng chỉ là cầu nguyện cách máy móc mà thôi. Cha có cách gì giúp con không?

Câu đáp:

Thế giới mà chúng ta đang sống đã trở nên rất phàm tục, và người ta rất dễ dàng buông xuôi theo dòng nước. Ngày nay người ta cần phải cố gắng một cách chủ tâm lắm thì mới nuôi dưỡng được đức tin. Cũng giống như những món ăn vật chất có ảnh hưởng to lớn đến sức khỏe thể lý của chúng ta, những món ăn tinh thần ảnh hưởng đến sự yên lành của tâm trí và tâm hồn chúng ta. Bạn hãy năng ghé qua nhà thờ thường xuyên hơn để chiêm ngắm Chúa. Hãy đọc Sách Thánh và lấy đó làm nguồn để phát triển một mối quan hệ lắng-nghe-và-thưa-chuyện giữa riêng bạn với Chúa. Hãy vượt thoát khỏi tính vị kỷ bằng cách tham gia làm thiện nguyện viên cho một tổ chức thiện nguyện hay một nhóm thể thao nào đó. Có nhiều Trung Tâm Tĩnh Tâm mà nơi đó bạn có thể tìm được một chương trình tĩnh tâm hữu ích. Trên hết mọi sự, hãy khiêm tốn cầu nguyện để có được một đức tin sống động.

Câu hỏi #2:

Mục đích của việc đọc những đoạn Cựu Ước nói về việc tiêu diệt kẻ thù là gì?

Câu đáp:

Vâng những đoạn đó đọc không hay ho chi cả. Nhưng ít nhất thì những đoạn đó cho chúng ta thấy cái khía cạnh xấu xa của lịch sử nhân loại và thế giới cần đến một Đấng Cứu Độ ra sao. Xuyên suốt Cựu Ước có một sự dần dần tiến bộ trong việc am hiểu về sự mặc khải chương trình của Thiên Chúa, chương trình đó chỉ được hoàn thành qua việc Đức Giê-su đến thế gian. Hãy gẫm mà xem những đoạn trong Bài Giảng Trên Núi khi Đức Giê-su chuyển từ cách nói “Anh em đã nghe như vậy” đến cách “Tôi nói cho anh em biết”. Bối cảnh lịch sử khi Đức Giê-su giáng thế là kém xa mức hoàn hảo. Thời đại chúng ta ngày nay có khá hơn chút nào hay không? Thay vì chê trách quy lỗi cho những người của thời đại xa xưa, chúng ta hãy nên nhìn lại cuộc đời của chính mình dưới ánh sáng những lời giảng dạy của Đức Giê-su.

Câu hỏi #3:

Khoa học dạy con người dựa vào các dữ kiện có thật hơn là các huyền thoại. Làm sao mà bất cứ ai với kiến thức khoa học lại có thể tin vào Thánh Kinh hay tôn giáo?

Câu đáp:

Một sự thật cần được xem xét là nhiều khoa học gia vĩ đại, từng khai phá nhiều lãnh vực trong khoa học, lại là những người tin vào tôn giáo, từ Copernicus cho đến Newton, Darwin, Pasteur và nhiều người khác nữa, trong số đó có Francis Collins là người đóng một vai trò lớn lao trong việc phân tích các nhiễm sắc thể của nhân loại. Các khoa học gia trung bình thường chỉ dựa vào những số liệu có thể cân đo đong đếm được, trong khi các khoa học gia vĩ đại, đầy óc sáng tạo, ngoài những số liệu đó còn dùng cả trí tưởng tượng và trực giác nữa. Các biểu tượng tôn giáo, các trình thuật và các niềm tin tôn giáo làm nảy nở những sự tưởng tượng phong phú. Werner Heisenberger – khoa học gia đoạt giải Nobel – đã nói rằng uống ngụm nước đầu tiên từ chiếc cốc khoa học tự nhiên thì biến người ta thành những người vô thần, nhưng ở dưới đáy cốc, Thiên Chúa đang đợi sẵn.

Câu hỏi #4:

Làm sao mà một Thiên Chúa của tình yêu lại có thể đày bất cứ linh hồn nào xuống hỏa ngục?

Câu đáp:

Giáo lý Công Giáo gọi hỏa ngục là “trạng thái của sự dứt khoát tự loại mình ra khỏi sự hiệp thông với Thiên Chúa và với những người tốt lành khác”. Hãy lưu ý rằng những chữ “tự-loại-mình” bao hàm ý nghĩa là người ta tự khai trừ chính mình khỏi lời mời gọi của Thiên Chúa bằng cách chủ tâm từ chối Thiên Chúa và chủ tâm lìa bỏ những đường lối của công chính và của tình yêu. “Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách.” (Gio-an 3:19-20) Hỏa ngục là do con người tự chọn.

Câu hỏi #5:

Hoa quả của Chúa Thánh Thần là gì?

Câu đáp:

Thánh Phao-lô, trong Thư Gởi Tín Hữu Ga-lát, đã đối chiếu cuộc sống ích kỷ với cuộc sống được linh hứng từ Chúa Thánh Thần. Cuộc sống ích kỷ tạo ra những thói tật về sắc dục, tính bạo động, việc rượu chè say sưa và những hình thức đau khổ khác. Tiếp sau đó thánh Phao-lô liệt kê 9 phẩm chất tốt đẹp của một cuộc sống trong Chúa Thánh Thần. Có 3 loại hoa quả nảy sinh từ mối liên kết sâu sắc với Thiên Chúa: tình yêu thương, niềm hân hoan, và sự bình an. 3 loại hoa quả kế tiếp thiết lập những mối quan hệ hòa thuận với tha nhân: lòng kiên nhẫn, lòng bao dung, và tính thiện hảo. 3 phẩm chất cuối cùng là hoa quả của sức mạnh nội tại: lòng tin tưởng, sự dịu dàng, sự tự chủ. Xin hãy đến, lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đầy tâm hồn tất cả mọi người.

Câu hỏi #6:

Ngày xưa Lễ kính Máu Thánh Chúa được cử hành vào ngày 1 tháng Bảy, tại sao bây giờ không còn nữa? Có phải lễ này đã được dời sang ngày khác hay không?

Câu đáp:

Lễ này không hẳn là đã được dời sang ngày khác, mà là được kết hợp với Lễ kính Mình Thánh Chúa. Thánh Lễ mà trước đây được gọi là Lễ kính Mình Thánh Chúa ngày nay là Lễ kính Mình Máu Thánh Chúa. Trải qua thời gian Bí Tích Thánh Thể đã trở nên hầu như chỉ còn là bí tích Mình Thánh Chúa, còn Máu Thánh Chúa rất hiếm khi được nhắc đến. Giáo dân hiếm khi rước Máu Thánh Chúa từ chén lễ, và rất hiếm những bài thánh ca về Thánh Thể mà lời ca có nhắc đến Máu Thánh. Cử hành một thánh lễ kính chung Mình và Máu Thánh Chúa là theo đúng tinh thần Bữa Tiệc Ly hơn.

No comments: