Saturday 30 July 2011

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mặc Khải Cứu Rỗi (tiếp theo)


III. Lời Rao Giảng Tiên Khởi

  1. TRONG SÁCH CÔNG VỤ

Sách muốn doãn lại thời kỳ phôi thai của Hội thánh. Công vụ bắt đầu với trình thuật Chúa lên trời (năm 30), và kết thúc với 2 năm Phaolô bị giam giữ tại Rôma (năm 62/63): như thế thì đã rõ Công vụ cho thấy sinh hoạt Hội thánh vào khoảng 30 năm đầu.

Một điều chúng ta phải châm chước khi dùng Công vụ với mục đích tìm biết Hội thánh những ngày đầu đó là tác giả không phải là chứng nhãn tiền: Sách Công vụ đã được viết vào lối 80. Đó là nói về giá trị lịch sử nói chung (coi Tân ước 456-458)

Bây giờ phải nói riêng đến Công vụ như tài liệu để hội ra lời Rao giảng tiên khởi. Thực sự trong Công vụ có những bài giảng của Phêrô và Phaolô không phải cho anh em tín hữu trong Hội thánh, nhưng là cho người Do thái, hay người ngoại chưa biết đạo Chúa Kitô.

Tiếng Kerygma:

Các tông đồ có nhiệm vụ làm chứng về Chúa Kitô và đào tạo những kẻ đã tin. Khi dạy dỗ những người đã tin, chúng ta có giáo huấn (tiếng Hy Lạp gọi là “didakhè” : mục đích là xây dựng một cộng đoàn sống theo “ơn Thiên Chúa đã ban” (Cv 13: 43) bởi đó nhắm đến cách sống nhiều hơn và sự đào sâu vào mầu nhiệm đức tin: đạo lý cho những người thành toàn (1C 2: 6tt). Nhưng trước khi có một cộng đoàn thì cần phải chinh phục: lời lẽ đem trình bày với những người chưa hề nghe biết Tin Mừng. Tân ước gọi đơn giản là lời Rao Giảng (Kerygma) (coi 1C 1: 21).

Những diễn từ Công vụ

Về các diễn từ này, bình luận ngày nay không cho phép chúng ta coi như những bài tường thuật phóng viên –đã ghi lại tại chỗ: tại sao? Văn là văn của Luca- những lời trong Kinh thánh lại dựa trên bản Hy Lạp (gọi là bản Bảy Mươi) – chiếu theo kiểu sử gia xưa dùng chính nhân vật đương cuộc để nói lên lời bình về biến cố. Nhưng khi so chiếu với Tin Mừng Luca, chúng ta thấy tác giả không tự tiện đặt ý mình nơi miệng các nhân vật, mà là trình bày truyền thống. Điều đó cũng nhìn thấy được trong Công vụ: các diễn từ có mùi vị từ ngữ Aram, và còn giữ lại một đạo lý, một thần học cựu trào không rõ đích xác như thần học đã có thời Luca viết Công vụ.

Các diễn từ

Cv 2: 14 + 36 38t: Bài giảng của Phêrô trong ngày Hiện xuống

Cv 3: 12-26: Bài giảng của Phêrô sau khi chữa người què

Cv 4: 8-12: Bài giảng của Phêrô trước Công nghị I

Cv 5: 17-40: Bài giảng của Phêrô trước Công nghị II

Cv 10: 34-43: Bài giảng của Phêrô tại nhà Cornêliô

Cv 13: 16-41: Bài giảng của Phaolô tại Antiôkia Pisidia.

Các diễn từ đó được soạn theo một mẫu chung:

-Nhập đề đặt liên lạc bài giảng với cảnh huống đặc biệt trình bày Tin mừng Chúa Yêsu (thường dựa trên tương phản giữa thái độ của người Do thái đối với Chúa Yêsu và việc Thiên Chúa làm) nhưng đặt dưới ánh sáng của Kinh thánh.

-Kết luận: loan báo ơn cứu rỗi, và kêu gọi trở lại.

Nội dung: Lời rao giảng không còn là Tin Mừng của Chúa Yêsu (về Nước Thiên Chúa Mt 4: 17; 10: 7), nhưng là Tin Mừng về Chúa Yêsu Kitô – do những chứng tá: vì thế Tin Mừng cũng được gọi là “chứng chỉ”: chứng chỉ đó đưa về sự viên thành cánh chung đến cho nhân loại trong sự Sống lại của Chúa Yêsu:

a/ Thơi viên thành đã đến: Cv 2: 16; 3: 18; 10: 43; 13: 27.

Nguyên tắc chủ chốt cho việc hiểu Kinh thánh trong đạo Do thái là các điều các tiên tri báo trước đều qui chiếu vào “những ngày của Đức Mêsia”, nghĩa là vào thời Thiên Chúa, sau bao nhiêu đời trông đợi, sẽ đến viếng thăm dân của Người, trong phán xét và chúc lành, dẫn đến chóp đỉnh của mọi công việc của Người trong lịch sử. Điều vĩ đại là các tông đồ dám tuyên bố thời của Đức Mêsia đã đến.

b/ Sự viên thành đó đã đến nhờ sứ vụ, sự chết và sống lại của Chúa Yêsu. Các diễn từ thuật lại vắn gọn, kèm theo chứng lời Kinh thánh rằng các điều đó đã xảy ra “thề theo dự tính đã định sẵn và sự biết trước của Thiên Chúa” (Cv 2: 23).

1. Ngài thuộc giòng giống Đavít (Cv 2: 30-31; Tv 132: 11; Cv 13: 34)

2. Sứ vụ của Ngài: Cv 2: 22; 3: 22; nhất là 10: 37t

3. Sự chết của Ngài: Cv 2: 23; 3: 13t; 10: 39; 13: 28t

4. Sự sống lại: 2: 24-31; 3: 15; 4: 10, 39-41; 13: 30-37.

c/ Bởi sống lại, Chúa Yêsu đã được suy tôn lên bên hữu Thiên Chúa, theo lời Tv 110: 1; Cv 2: 33-36; 3: 13; 4: 11; 5: 31: Ngài đã được tôn làm “Chúa”.

d/ Thánh khí Thiên Chúa trong Hội thánh là dấu tỏ cho thấy quyền hiện tại và vinh quang của Chúa Kitô (Cv 2: 33, chiếu theo lời tiên tri Yôel 2: 28-32/ Cv 2: 17-21) (coi 5: 32; 10:44).

e/ Thời của Đức Mêsia sẽ kết thúc vào lúc Chúa Kitô đến lại (3: 21), Đấng phán xét kẻ sống và kẻ chết (Cv 10: 42).

f/ Lời kêu gọi hối cải để nhập vào cộng đoàn cánh chung: Cv 2: 38t; 3: 19, 25t; 4: 12; 5: 31; 10: 43; 13: 38t.

(Chúng ta nên so với Mc 1: 14-15 cũng là lược toát lời rao giảng, nhưng của Chúa Yêsu: chúng ta có thể thấy:

“Thời đã mãn” đuợc diễn ra trong nố a/

“Nước Thiên Chúa đã gần bên rồi” được nói rõ trong b/ c/ d/

“Hãy hối cải và tin vào Tin Mừng” được nói lại trong f/

(còn tiếp)

Lm Yuse Nguyễn Thế Thuấn CSsR

(trích tài liệu giảng dạy phổ biến nội bộ)


,

No comments: