Monday 14 December 2009

Lm. Vũ Khởi Phụng, DCCT : ĐI THĂM TRẠI PHONG SÓC SƠN


Việt bảo tôi: “Núi Sóc đấy”. Tôi hỏi: “Đền Thánh Gióng đâu ? Tượng đài đâu ?” Việt đáp: “Tất cả những công trình đẹp đẽ ấy đều ở mặt trước. Đây là mặt sau núi Sóc”. Tôi nhìn lên chỉ thấy một trái núi lớn, rừng rậm âm u từ trên đỉnh như đổ ào xuống bao lấy mấy dãy nhà vàng khè với những khoảng đen ẩm mốc. Tôi nghĩ: Thánh Gióng đã cưỡi ngựa sắt về trời, giặc Ân đã tan, nhưng ngài để lại một thế gian vẫn còn khổ sở bất tận dưới ách của nhiều thứ giặc. Hôm nay tôi đối mặt với giặc bệnh, bởi mấy dãy nhà kia là trại phong Sóc Sơn.



Để đến được nơi hiu quạnh này, chúng tôi từ Hà Nội đã đi về hướng sân bay Nội Bài. Đến một ngã ba chẳng biết là đường số mấy, chúng tôi quay về phía núi. Lúc đầu xe và người còn tấp nập, vì đây là đường đi Vĩnh Yên, Phúc Yên, cũng là đường đi Tam Đảo nghỉ mát. Mấy năm gần đây, Phủ Thành Chương, rồi Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên cũng thu hút nhiều khách vãng lai. Nhưng chỉ ít phút đã phải rời con đường đến những nơi danh thắng để tiến vào một vùng bán sơn địa gập ghềnh sỏi đá, dân cư thưa thớt, không gian tĩnh mịch, những vạt nắng và những cơn mưa đầu thu nối tiếp nhau. Gần chân núi có một nghĩa trang làm nơi an nghỉ cuối cùng cho nhiều bệnh nhân phong. Đến sát chân núi thì gặp trại phong Sóc Sơn.


Mấy dãy nhà ẩn mình sau một hàng cây đào. Đây là loại đào cảnh, đào thắm, đào phai vẫn nở rộ vào mùa xuân làm nên cảnh Tết miền Bắc. Các bạn cùng đi cho biết sở dĩ đào vẫn tốt, không bị ai chặt phá đem bán hoa Tết, là vì các bệnh nhân ở đây có còn ngón tay đâu để mà tỉa, mà chuốt cho đào nở hoa đúng dịp Tết. Có khi Tết xong đào nở tưng bừng tuyệt đẹp, lúc ấy thì không bán được nữa, coi như lộc xuân trời cho những bệnh nhân ở đây âm thầm thưởng ngoạn. Ngoài cái vẻ rực rỡ vô danh và ngắn ngủi đó ra, ở đây chẳng còn có gì đẹp.


Đất trại phong không rộng mà hình như lại khô cằn không thấy có vườn rau hay cây ăn trái như một số trại khác. Chung quanh chỉ có rừng keo phòng hộ tầng tầng lớp lớp. Lọt thỏm vào giữa cỏ cây hoang sơ đó là gần năm chục cuộc đời, người trẻ nhất cũng đã gắn bó với mấy dãy nhà này gần ba chục năm, có người đã sống trong trại phong gần năm chục năm. Mỗi tháng Nhà Nước cấp cho mỗi bệnh nhân 150.000 đồng. Như vậy, là có gạo ăn, không đói. Thuốc được phát miễn phí. Nhưng trừ gạo và thuốc, cái gì cũng thiếu. Hai hoặc ba bệnh nhân chung nhau một căn phòng khoảng 10 mét vuông, cửa rả mở tung, giường chiếu xộc xệch, vài cái tủ gỗ mộc, một ít nồi niêu bát đũa, nhưng người còn làm việc được ngày ngày đun nấu cho mình và cho những người đã mất tay chân.



Đa số các bệnh nhân lâu lâu cũng có gia đình lên thăm, nhưng vài ba người thiếu may mắn hằng mấy chục năm nay chẳng bao giờ thấy bóng người thân nào, đành chỉ nhờ vào những đoàn từ thiện.



Ộng Lương có lẽ là người may mắn nhất. Ông từng là sĩ quan trong bộ đội, từng tham gia trận Điện Biên Phủ, trên tường còn treo những huân chương chống Pháp, chống Mỹ. Sau năm 1975, ông giải ngũ, chuyển ngành mấy năm rồi mắc bệnh, hiện nay được hưởng lương hưu 750.000 đồng một tháng. Chả trại viên nào khác được như thế. Con cái ông còn mua cả tivi và đầu video để ông giải trí. Nhưng xem ta tivi và video không thoả mãn được những khắc khoải của người chiến binh về già. Ông dựng một tượng Phật khá to trên nóc tủ, nhang đèn đầy đủ. Một vị thượng toạ đến thăm có tặng ông hai bức thư pháp:



“Gốc rễ tâm linh xin bồi đắp
Suối nguồn huyết thống nguyện khai thông”.

“Chuông Chùa vang mãi mười phương mộng
Cửa Phật đây rồi ta thấy ta”.



Hai bức thư pháp đó treo hai bên tượng Phật. Ông Lương hằng ngày lẳng lặng nhìn lên đó mà gẫm suy chuyện đời.



Cũng thắp nhang, nhưng không trịnh trọng được như bên ông Lương, là phòng bà cụ Bé. Cụ Bé chỉ có duy nhất một bát nhang con con đặt trên nóc tủ, không một trang trí nào khác. Hàng ngày cụ khấn Phật, cầu Mẫu, cầu “Ơn Trên”. Gần đến cuối đời quả cụ đã được “Ơn Trên” phù trợ. Năm nay cụ đã 86 tuổi, và mù mắt đã sáu năm. Mấy tháng trước đây, có một đoàn từ thiện nước ngoài ghé thăm. Các bác sĩ phát hiện có thể giải phẫu để cụ sáng mắt. Thế là người ta hò nhau đưa cụ về Hà Nội. Hôm nay cụ cười rạng rỡ, khoe là nhìn rõ con kiến bò trên nền gạch. Cụ còn một ước muốn khác nữa, và niềm vui của cụ lây lan đến độ nhóm bạn bè từ Hà Nội lên sẵn sàng chiều ý cụ ngay ! Cụ muốn có một tấm áo dài màu đỏ để khi chết thì mặc. Tôi hỏi: “Sao cụ lại đợi khi chết mới mặc ? Ngày lễ, ngày Tết cụ cũng mặc chứ !” Cụ cười: “Tôi mất hết cả hai chân, có đi đâu mà mặc. Nhưng hôm nào chết thì phải mặc đẹp”.



Ngày nay chính sách của Nhà Nước là phát hiện và săn sóc bệnh nhân phong ngay tại nơi cư trú, chứ không tập trung vào trại phong. Như vậy số trại viên càng ngày càng giảm. Tôi thắc mắc: càng về sau các cụ càng buồn, vì càng sống lâu càng hiu quạnh. Nhưng các cụ bảo không phải, vì con cháu sẽ lớn lên. Thì ra trong trại có hơn một chục thiếu nhi. Có bệnh nhân vào trại mang theo cả con nhỏ. Anh em kiến giả nhất phận, mình vào trại thì mang con theo, chứ chú bác cô dì nào nuôi mãi được. Có khi vợ chồng cùng vào trại và sinh con. Thế hệ mấy đứa con lớn lên, cũng lập gia đình và bây giờ là thế hệ các cháu. Chị Mai, hộ lý thường trực trong trại, chính là con của một bệnh nhân. Nhưng còn nhiều người khác đã rời trại đi làm ăn xa, có người ở Gia Lâm, có người ở Bắc Giang.



Lúc các bệnh nhân tề tựu ở “văn phòng” của trại để nhận quà tặng của khách cũng là lúc trẻ con xuất hiện chạy lưng tưng ngoài sân. Những đứa nhỏ xíu thấy bóng người lạ sợ hãi bấu chặt mấy đứa lớn. Nhưng đứa lớn cũng biết nựng nịu bọn nhỏ. Chẳng may các đoàn mới đi thăm lần đầu chỉ hỏi số lượng bệnh nhân, mà không biết có các cháu thiếu nhi. Đến lúc phân phát quà bánh cụ nào có cháu nhỏ kể như chịu thiệt, phải nhịn miệng cho cháu. Các cụ bảo sau này lớn lên các cháu sẽ tiếp thu cái trại này chứ còn quê đâu nữa, còn ruộng đâu nữa mà về. Hiện tại các cháu được những người còn khoẻ chở đi học bằng xe đạp ở trường xã, cách khoảng ba cây số. Ấy là các cụ nói vậy, chứ lớn lên chắc gì các cháu ở lại, chẳng lại vươn vai đi làm ăn xa như nhiều bố mẹ của chúng.



Rời trại sau vài giờ viếng thăm, tôi cứ nghĩ ngợi về những thân phận hẩm hiu. Làm sao trong hoàn cảnh nghĩ như tuyệt vọng, người ta lại vẫn cặm cụi tìm ra những cái vui nho nhỏ. Chợt nhớ tới mấy vần thơ học trò tôi đọc được trong báo Văn Học và Tuổi Trẻ, nhan đề là “Bụt hiện”. “Bụt hiện” ra cho cô Tấm, trong truyện cổ Tấm Cám. Khi ấy “em Tấm khóc oà”, cho nên:



“Dù lệ chúng sinh tràn đầy bốn biển
Nghe nức nở này Bụt vẫn hiện ra”.



Tác giả giải thích:



“Truyện Tấm Cám ngàn đời ta yêu thích
Một lý do: Bụt hiện rất kịp thời.
Bụt ở trên cao, hồng trần xa tít,
Vẫn nghe rành tiếng khóc trẻ mồ côi”.



Tác giả là một học sinh lớp 8, bạn Lê Phương Thảo, ở Việt Trì, Phú Thọ. Tôi nghĩ từ truyện Tấm Cám đến bạn học sinh hôm nay, vẫn có chờ đợi, và vẫn xảy ra, một dòng tâm linh nào đấy.



Trong Thánh Kinh Cựu Ước, Thiên Chúa ở trên Trời nghe thấy tiếng khóc của đứa trẻ sơ sinh sắp chết khát bị mẹ bỏ trong bụi cây ( St 21, 15 – 17 ). Ngày nay Thiên Chúa vẫn còn làm như thế, có khi ta không biết đó thôi.

Lm Vũ Khởi Phụng, DCCT

2006

(Xem thêm các bài cùng một dạng, xin mời vào:

www.suyniemloingai.blogspot.com

www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com )

No comments: