Tuesday 15 December 2009

Lm Richard Leonard sj: Thơ Xuống Trần


“Đêm nay xuống một bài thơ trắng

cầu nguyện cho đời, nở ái ân”

(thơ Vũ Hoàng Chương)

Thơ trắng, lâu rồi đã giáng hạ. Xuống với đêm đen. Nhưng đêm đen cuộc đời, nào mấy ai nhận ra Thơ. Thơ cuộc đời. Thơ trong Đạo. Thơ Đạo của Đức Chúa. Vẫn hiển hiện với dân con, ngày lễ hội. Vẫn hỏi rằng con dân nhà Đạo đã mấy ai nhận ra Thơ trắng, Ngày Chúa Hiển Linh? Từ lâu, nhiều nhà khoa học trong Đạo cảm nhận được Thơ trắng, đã vận dụng giải thích hiện tượng “vì sao lạ” trong Tin Mừng. “Vì sao lạ” tuyệt vời ấy đã dẫn dắt 3 đạo sĩ phương Đông đến Bê-Lem, thờ lạy Chúa Hài Nhi. Là nhà khoa học Đạo Chúa, các nhân sĩ này muốn đem đến cho chúng dân một học thuyết nền tảng nhằm giãi bày với mọi người, rằng: “vì sao lạ tuyệt vời”, xuất hiện cùng ngày Đức Chúa giáng trần, là vì sao rực sáng, rất thiên văn.

Dù có thán phục về phương pháp các nhân sĩ khoa học sử dụng, tôi vẫn luôn tự hỏi: làm sao các cụ cứ mải bận tâm chuyện trăng sao mây nước, như thế nhỉ? “Vì sao lạ” nói ở Tin Mừng đâu có mang ý nghĩa của một thiên văn, rất thực nghiệm? Thánh sử Mat-thêu chỉ muốn viết về nền thần học tu đức nhằm chứng tỏ, rằng: thiên đường trời cao vẫn ở trên. Chốn trời cao bên trên ấy, đã dẫn đường chỉ lối cho dân con trần thế bằng các biến cố rất hiện thực. Những biến cố gần gũi với người trần gian. Còn, sao lạ trên trời vẫn là Thơ trắng hiển hiện với người trần, đã từ lâu.

Nghiên cứu kỹ, ta hẳn sẽ thấy: ảnh hình về trăng sao, tinh tú vẫn xuất hiện đậm nét trong các trình thuật Cựu Ước, như: sách Thứ Luật, Dân số, Tiên tri Ysaya và Thánh vịnh. Toàn bộ trình thuật về lễ hội Hiển Linh đã mang tính chất biểu tượng, tuyệt nhiên không dínhddự về khoa học. Truyện kể về “ sao lạ dẫn đường” đã được sử gia Hyppolytus thuật ghi vào đầu thế kỷ thứ 3, khi nguồn sử thánh thiêng vẫn còn rất mới. Lúc ấy, sử gia Hyppolytuscũng đã đề cập đến con số 12 tròn trịa cốt tính đúng ngày giờ xảy đến sau sự kiện Chúa Giáng trần. 12, là số liệu biểu tượng vang vọng tính nhân hiền của Thiên Chúa, lúc Ngài tạo dựng các chi tộc thuộc giòng họ Is-ra-el. Và, 12 cũng là số liệu thần thiêng được Thầy Chí Thánh sử dụng đểgầy nhóm môn đồ đại diện, Ngài chọn.

Cụ thể hơn, truyện kể về “sao lạ dẫn đưa đạo sĩ ghé thăm Đấng Hài Đồng” cũng rập khuôn ăn khớp với các ảnh hình được thánh sử Mat-thêu đề cập ở những chương kế tiếp. Ở ba chương đầu, thánh sử gia cho thấy hiện tượng kỳ lạ thường xảy đến, rất miên trường. Nơi chương đầu, ta thấy thánh Giu-se nhận thông điệp sứ thần Chúa mang đến, trong giấc mộng lành. Tới chương hai, “thơ trắng” về các đạo sĩ theo vết sao tìm đến với Hài Nhi Rất Thánh, Đức Giê-su. Kịp đến chương ba, là “thơ trắng” giãi bày trời cao, nay đà rộng mở. Và, Thiên Chúa tỏ bày thánh ý của Ngài ngang qua việc thanh tẩy Đức Kitô, Con Ngài.

Nhìn từ góc cạnh chuẩn mực cho bất kỳ sử liệu nào, trình thuật hôm nay mở đầu cho linh đạo về Nhân vật thần thiêng, ít nghe đến. Nói cách khác, tiểu sử về Đấng Nhân Hiền Rất Thánh ghi ở đây cốt chứng tỏ: sự Hiển Linh Thần Thánh, qua đó Thiên Chúa biểu lộ Vinh quang của Ngài với thế giới nhân trần. Và, Vinh Quang ấy nay thành hiện thực.

Thế nên, hãy thử tìm hiểu xem Vinh quang Đức Chúa tỏ bày cho những ai? ở đâu? Và, khi nào?

Trường hợp đầu, thánh Giu-se là người được vinh dự nhận đón sứ điệp từ Trên, trong giấc mộng lành. Thứ đến, là trường hợp các nhà thiên văn ngoài Đạo cũng được mặc khải cho biết về sự Hiển Linh khác thường, ít khi thấy. Các nhà thiên văn ở trên đã đại diện cho nhân gian trần thế, chốn thân quen. Ở nơi này, thế giới nối kết với mọi thứ quyền bính, vẫn hành xử với trần gian. Qua người ở gian trần. Và ở đây nữa, quyền năng phàm trần được thể hiện nơi Hêrôđê đã trở thành sức mạnh đối đầu với Vinh quang Chúa Hiển Linh. Quyền năng trần thế lại còn ngăm đe ngăn chặn tính nhân hiền, biểu hiện nơi hình hài bé nhỏ, Chúa Hài Đồng. Cuối cùng, là trường hợp đám dân con chân chất Do Thái, tức các con dân được chọn đã biết tìm đến với vị hiền nhân ngôn sứ, thánh Gio-an Thanh tẩy.

Ở ba chương Tin Mừng thánh Mat-thêu, Vinh quang Đức Chúa như một vòng quay tròn trịa, đã công khai hiển hiện nơi bản thân Đức Kitô. Và, tính công khai hiển hiện ấy nay phổ cập, đã đến với nhiều người. Và cũng từ đó, Vinh quang Hiển Linh rất thánh nơi Ngài đã biến cải nhiều cuộc sống, nơi người phàm. Cụ thể là, cuộc sống của thánh Giu-se, thái độ của các đạo sĩ chiêm tinh, và hoạt động của thánh Gio-an Thanh tẩy. Còn hơn nữa, cả đến những người từng nghe lời Ngài giảng dạy, bảo ban trong hành trình cuộc sống, nơi nhà Đạo. Tất cả đều nhất nhất không quay về lại với lề lối sống xa xưa, như thưở trước.

Lễ Hiển Linh tuyệt nhiên không là phó bản của một hiện tượng “Sao chổi”, vừa đổi ngôi. Hiển Linh là Lễ hộirất thánh, nhân đó ta mừng kính Vinh Quang Đức Chúa đã cải biến cuộc sống, cải biến tâm can, rất nhiều người. Đây cũng là tư tưởng nhỏ mà nhà thơ T.S. Eliot đã diễn tả trongbài vận mang tựa đề: “Hành trình nhà Đạo sĩ”, tóm gọn bằng mấy vần điệu sau đây:

Thơ xuống trần, đêm đen rày đã chết

Ở cùng ta, Thơ Trắng vẫn ngoan hiền

Ngự nơi lòng, Thơ nay nguồn Thần hứng

Giúp ta nhận, sự chết với Lời Thơ

Xuống với người, Thơ mang mầu sự chết

Ngày giáng hạ, cay đắng lấp không gian

Về quê Trời, Thơ - ta đành xa cách

Cầu cho đời, ân ái về với Thơ.

Hiển Linh là Lễ hội tràn đầy cơ hội giúp biến cải cuộc sống của mọi người. Và cảm hóa tâm can của mỗi người. Hiển Linh còn là dịp giúp ta chấp nhận mình sẽ phải chết đi cho chính mình. Chết, để không còn sơ xuất lỗi phạm nữa. Chết, vì Hiển Linh giúp ta tái sinh trong Vinh quang của Đức Chúa. Để rồi, Vinh quang chói ngời của Ngài sẽ mãi mãi bừng sáng lên, trong ta. Bừng sáng lên, ngay nơi bản chất và ngang qua cuộc sống, của mỗi người.

Cầu mong sao lễ Hiển Linh hôm nay giúp ta nhớ lại ngày Đức Chúa tỏ lộ Vinh quang Cao cả của Ngài cho ta. Tỏ lộ, không chỉ riêng ta, một mình. Cầu và mong sao lễ Hiển Linh còn là dịp nhắc nhở, rằng: ta được mời gọi để “ra đi khi Xuân tới” loan báo cho mọi người biết rằng: chính Vinh quang Thiên Chúa đang hiển hiện một cách linh hoạt với mọi người. Nơi mỗi người.

Cầu và mong sao ta có được quyết tâm để “ra đi khi trời vừa sáng” loan truyền Vinh quang ấy bằng niềm tin tưởng vào Lễ hội Hiển Linh. Loan truyền niềm tin, bằng chính cuộc đời ta đang sống. Sống hiên ngang. Sống vui tươi. Luôn sống trong tâm thức kiến tạo. Kiến thiết và tạo dựng nên một thế giới mới tràn đầy Vinh quang Đức Chúa. Vinh quang rực sáng những tình yêu thương. Rực sáng Ơn cứu độ đổ xuống với mọi người, như Thơ trắng.

Trong hiên ngang tin tưởng, ta sẽ cùng với nhạc sĩ Văn Phụng hát lên lời ca đầy ý nghĩa, sau đây:

Một đoàn trai đi khi xuân tới

Hẹn rằng gieo tình thương khắp nơi

Non nước tuy xa vời

Ta đã yêu thương đời

Đừng e nắng gió sương bạn ơi, bạn ời…

Nắng mưa - sương gió, những giọt vắn giọt dài kia không thể làm cho người hãnh tiến như ta phải ngưng tay, chùn bước. Vì,

Xuân đã mang hương trời

Ta quyết đem hương đời

Để đây đó, thấy mầu nắng tươi. (Văn Phụng – bđd)

Mầu nắng tươi là mầu của Thơ trắng. Lời Thơ rất trắng. Và, Nguồn Thơ rất Vinh quang Hiển Linh. Xuống với đêm đen cuộc đời. Thơ xuống, hãy “cầu nguyện cho đời nở ái ân”.

(Xem thêm các bài cùng một dạng,

xin mời vào: www.suyniemloingai.blogspot.com

www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com)

No comments: