Saturday 5 December 2009

Lm Mai Văn Thịnh, CSsR - CHÚA VÀ TA: AI DỌN ĐUỜNG CHO AI?


Trở về Melbourne sau hơn mười mấy năm xa cách, tôi thấy quá nhiều thay đổi. Một trong những thay đổi đó là những con đường ‘siêu tốc’ được xây dựng khiến cho việc di chuyển từ chỗ này đến nơi khác được mau chóng và dễ dàng hơn. Như vậy, con đường là một phương tiện giao thông để chúng ta có thể đến được với nhau. Nếu không có con đường thì không đến được với nhau, hoặc nếu con đường nào bị hư hỏng hay bị tắc nghẽn thì việc đến với nhau cũng gặp nhiều gian truant, trắc trở. Tuy nhiên con đường càng thênh thang thì cạm bẫy càng nhiều. Bạn không tin cứ nhấn hết chân ga trên những con đường siêu tốc, bạn sẽ thấy hiệu quả!

Dĩ nhiên khi nói đến con đường thì không phải chỉ là con đường vật chất bằng đất, nhựa, xi măng hay bê tông cốt sắt; hoặc không phải chỉ là những con đường trên mặt đất, trên sông biển, trên vòm trời… Còn có những con đường quan trọng hơn như con đường tình, con đường thiêng liêng. Như anh chị em đã biết, trên con đường tình các bạn cũng cần vượt qua những trở ngại; các gian nan để đến với nhau; và chúng ta thường hay được nghe: "Yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua". Trái lại, khi con đường tình đã bị cách trở là lúc đôi tình nhân cùng an ủi nhau qua khúc ca ‘tình chỉ đẹp khi còn dang dở’.

Đường đời có những chỗ quẹo, khúc quanh bất ngờ mà ít ai trong chúng ta lại mong muốn nó xẩy đến. Đó có thể là những thất bại trong việc làm ăn, con cái tự nhiên nổi chứng: đứa này hư, đứa kia nghiện, đứa khác bỏ học hoặc sự phản bội của người thân hay người thân bị mang chứng bịnh hiểm nghèo, v.v…Những trắc trở này có thể xẩy ra trong thời gian ngắn, có lúc kéo dài khiến con người mất kiên nhẫn và ảnh hưởng đến niềm tin và sức sống của chúng ta.

Dĩ nhiên, đối diện và tìm những phuơng thể để san cho bằng những chỗ gồ ghề đó không phải là viêc dễ dàng. Chúng ta thường được nghe nói “phúc bất trùng lai họa vô đơn chí’; hết chuớng ngại này lại đến trắc trở khác. Nếu chỉ biết ngồi đó mà than thân trách phận, chúng ta cũng chẳng giải quyết được điều gì.

Nhìn lại những chướng ngại của dân Do Thái khi xưa cũng giúp cho chúng ta được nhiếu bài học tốt. Hành trình tiến về Đất Hứa của dân Do Thái dòng dã bao nhiêu năm truờng trong các hoang địa. Đời sống trong hoang địa lại khó khăn: lúc thiếu nuớc uống, khi khác thiếu ăn, lại còn phải chiến đấu với quân thù… Đến khi trở thành dân riêng của Thiên Chúa; họ vẫn còn trải qua nhiều gian khổ khác như bị bắt làm nô lệ lưu đầy bên Babylon; bị đô hộ bởi đế quốc Roma. Trong cảnh huống đầy khó khăn như thế, Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi dân Ngài đã tuyển chọn. Người đã sai các thiên thần dẫn đường cho dân, lúc khác lại dùng cột lửa để soi đường chỉ lối cho họ; và cuối cùng thiết lập Giao Ứoc với họ: Các ngươi sẽ là dân của Ta. Và ngày hôm nay, Người lại dùng lời tiên báo của ngôn sứ Isaia đã loan báo trong thời lưu đầy để ủi an, nâng đỡ và khơi dậy niềm hy vọng về lời hứa của Thiên Chúa là sẽ sai Vị Cứu Tinh Đấng sẽ đến để giải thóat họ.

Qua việc ôn lại sơ luợc những họat đông của Thiên Chúa đối với dân Do Thái, chúng ta thấy rõ chính Thiên Chúa đã dọn đường cho dân. Điều này đã đươc đề cập trong Tin Mừng hôm nay. Đó là việc Thiên Chúa sai thánh Gioan qua lối sống và lời rao giảng báo cho dân chúng biết về Đức Kitô sắp xuất hiện. Vì thế, sứ điệp của Tin Mừng của chủ nhật hôm nay cần được lắng nghe.

Bối cảnh: “Có tiếng người hô trong hoang địa”

Khi đặt lời rao giảng của Gioan tẩy giả trong bối cảnh hoang địa, thánh sử muốn nhắc chúng ta nhớ lại việc Thiên Chúa giải thóat dân Do Thái khỏi ách nô lệ của người Ai- Cập và quan trọng hơn cả là tại hoang địa họ lần đầu tiên được gặp gỡ Thiên Chúa.

Cũng vậy, cũng chính ở hoang địa mà chúng ta được hạnh phúc nhìn thấy Thiên Chúa. Tức là ở những nơi chúng ta trút bỏ hoàn toàn các mặt nạ của mình, trút bỏ kiêu ngạo, lo lắng, phân tán để lắng nghe Lời Chúa. Nếu chúng ta còn đeo những mặt nạ nói trên thì không thể có cơ hội nhìn thấy Ngài. Và đây là bài học thứ nhất: Hoàn toàn trút bỏ mọi thứ giả hình, gian dối để được hiệp nhất với Chúa hơn.

Sứ điệp: “Hãy dọn sẵn con đường của Chúa, hãy sửa lối cho thẳng để Ngài đi…. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”

Đó là những lời mời gọi mang tính luân lý và rất dễ bị ngộ nhận. Ai dọn đuờng, ai sửa lối? Câu trả lời qui chiếu về bản thân. Chúng ta là người dọn đường và sửa lối cho thẳng để Chúa đi. Chúng ta phải sám hối, phải cải tà qui chánh và phải bắt đầu một cuộc sống mới! Vai trò của Gioan chỉ là người giới thiệu về Đức Kitô, vì thế sứ điệp của ông vẫn chưa hòan hảo. Gioan không làm cách mạng, ngài không bắt người ta phải thay đổi cuộc sống, thay đổi địa vị xã hội. Nhưng Gioan chỉ nhắc nhở, thúc giục mọi người hãy cải thiện đời sống, đổi mới tâm hồn để sẵn sàng chờ đón Chúa đến. Làm theo những lời dậy bảo của Gioan đã là điều tốt; nhưng nếu chỉ dùng sức riêng của mình thì việc sám hối, sửa đường, dọn lối vẫn chưa được hòan hào. Vì dùng sức mạnh và cố gắng của bản thân nên chúng ta có thể chừa bỏ đươc tật xấu; nhưng nó sẽ trở lại.

Thay vì dọn đường sửa lối để Chúa đến, chúng ta cùng đi con đường của Chúa. Ngài là đường là sự thật và là sự sống. Ngài là con đường duy nhất dẫn chúng ta đi về nhà Cha. Ai muốn đến với Cha phải đi qua Ngài. Truớc thách đố quyết liệt của Tin Mừng như thế, Philiphê cũng không hơn gì Tôma, dù đã ở với Đức Giêsu nhưng các ông vẫn chưa nhìn thấy Chúa là con đuờng sư sống dẫn ta vào sự sống viên măn của Thiên Chúa. Ai thấy Chúa Giêsu là thấy Chúa Cha. (Gioan 14: 5-14)

Qua những lời đối thọai giữa Chúa Giêsu và các tông đồ, chúng ta nhận biết rằng chỉ có một con đường duy nhất dẫn đưa con người đến sự sống sung mãn nơi Chúa Cha là đi con đường của Chúa.

Đó chính là

Con đường từ bỏ, con đường thập giá như lời thánh Phaolô: “Đức Giê-su Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa…. Nhưng đã hòan tòan trút bỏ vinh quang… trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Ngài lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên thập giá….” (Phi-lip-phê 2:6-11)

Con đường yêu thương: Ngài đã yêu thương ngay khi chúng ta đang là tội nhân; giờ đây nhờ Ngài chúng ta được trở nên công chính. Tình yêu của Ngài không bút mực hay ngôn từ nào có thể diễn tả hết. Ngài yêu thương chúng ta và yêu thuơng đến cùng, hạ mình xuống rửa chân như dấu chỉ phục vụ hết mình. Trong Tình yêu của Chúa Giêsu thì không có biên cương, không còn nô lệ hay tự do… không còn kẻ giàu người nghèo, kẻ sang người hèn; tất cả đều nên một trong lòng mến của Ngài. Tất cả mọi luật lệ trên trần gian, ngay cả những khỏan luật của Giào Hội cũng không ngăn cản được tình yêu của Ngài: như việc Ngài chữa lành các bịnh nhân trong ngày hưu lễ. Lề luật chỉ là phương tiện để phục vụ con người. con nguời không thể vịn vào lề luật để bóp nghẹt tình yêu hay ngăn chận người ta đến với tình yêu.

Con đường mở lòng ra đón nhận nguời khác. Tất cả những ai đến với Ngài đều không bị khuớc từ. Ngài đã thu phục muôn dân muôn nuớc qui phục về một mối.

Con đường tha thứ không phải chỉ tha 7 lần nhưng là đến 70 lần 7; có nghĩa là tha liên tục và tha đến cùng như trên thập giá Chúa đã tha cho cả những kẻ làm hại mình; Lậy cha xin tha cho chúng…

Vì thế, theo tinh thần của các bài đọc hôm nay, thay vì chúng ta dọn đường để Chúa đến thì chúng ta cùng đi con đuờng của Chúa. Và như anh chị em đã biết, chúng ta không thể cùng đồng hành với Chúa mà quên đi tha nhân. Chúng ta không thể đến với Thiên Chúa bằng một con đường khác với con đường đến với tha nhân. Ngược lại, không thể đến với tha nhân bằng con đường khác với con đường đến với Thiên Chúa. Chủ trương chỉ yêu tha nhân không cần đếm xỉa gì đến Thiên Chúa, hay ngược lại, chỉ yêu Thiên Chúa mà không đếm xỉa gì đến tha nhân đều là những tình yêu giả tạo, không thực tế. Do đó, muốn đến và gặp gỡ với Thiên Chúa không gì tốt đẹp và chắc chắn bằng đến hay gặp gỡ Ngài nơi tha nhân. Và muốn đến và gặp gỡ tha nhân không gì bảo đảm và tạo hạnh phúc cho họ bằng đến và gặp gỡ họ trong Thiên Chúa.(xin đọc lại bài CN 34, Lễ Chúa Kitô Vua)

Đó là con đuờng Chúa đã dọn cho chúng ta. Ngài đang chờ mỗi người cùng bước vào con đuờng đó. Amen.

Phụ lục: Anh chị em có thể kết thúc bài suy niệm này qua lời nguyện trong bài ‘con đuờng Chúa đã đi qua’ của cha Văn Chi.

Lậy Chúa, con đường nào Chúa đã đi qua, con đường nào Ngài ra pháp trường mão gai nào hằn lên đau xót. Lậy Chúa, Thánh giá nào Ngài vác trên vai, đau thương nào phủ kín tâm tư, đường tình đó Ngài dành cho con.

ĐK: Lậy Chúa xin cho con bước đi với Ngài, xin cho con cùng vác với Ngài thập giá trên đường đời con đi. Lậy Chúa, xin cho con đóng đinh với Ngài. Xin cho con cùng chết với Ngài để được sống với Ngài vinh quang.

Nếu ai muốn có nốt nhạc xin vào trang www.cadoangloria.org vào phần tìm thánh nhạc để tìm. Nhớ đánh mấy chữ đầu của bài hát: lậy chúa….. click phần lời nhạc. Bảo đảm bạn sẽ tìm thấy bài này. Chúc các bạn may mắn

Lm Mai Văn Thịnh, CSsR (Úc)

(Xem thêm các bài cùng một dạng, xin mời vào

www.suyniemloingai.blogspot.com

www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com )

No comments: