Wednesday 2 December 2009

Gs Nguyen Ngọc Lan: Loan báo Tin Mừng


Trường mẫu giáo Mầm non 26, quận 5 mở thêm lớp để nhận thêm 100 cháu. Trường Colette, quận 3 vừa nhận được thêm tài trợ của Bộ Giáo Dục Pháp để mở thêm 5 lớp Sáu dạy song ngữ. Trường Lê Hồng Phong sắp mở thêm ba lớp mười, học sinh trước đây thi được trên 15 điểm chưa được tuyển bây giờ có thể chấp nhận học.

Các quán cơm bình dân vừa được mở ở mỗi quận huyện ăn 4000 chỉ phải trả 1000.

Cần 1000 thợ lắp ráp máy điện tử, công việc nhẹ nhàng lương tháng 900 ngàn đồng, thời gian học nghề ba tháng cũng được lãnh 2/3 lương.

50% các cao ốc đang được xây dựng trong thành phố không phải là để làm khách sạn đón ngoại kiều hay Việt kiều mà là để cho các đôi vợ chồng mới cưới được thuê với giá phù hợp với đồng lương của họ, ví dụ lương giáo viên 200 ngàn thì chỉ trả tiền thuê là 30% trên số lương ấy: 60 ngàn.

Đã có thuốc chữa bệnh ung thư…

Vân vân và vân vân… Những tin “giả sử” như trên, nếu có thật thì khỏi mất tiền đăng báo, chỉ một sớm một chiều sẽ được truyền miệng khắp thành phố. Không ai biết mà ôm giữ một mình được. Trường hợp có phải sợ tranh giành thì người ta cũng nói nhỏ với bà con, bạn bè. Trường hợp mọi người có biết cũng chẳng mất mát gì cho ai thì người ta mách cho cùng làng, khắp xóm biết, không do dự.

Ngày Chủ Nhật Truyền Giáo không phải là ngày nhắc nhở môt món nợ phải trả, một bổn phận phải cắn răng mà làm. Cũng không phải là ngày cổ vũ việc tuyên truyền quảng cáo một món hàng…vét kho. Ngày Chủ Nhật Truyền Giáo là ngày “được cử hành thánh lễ cầu nguyện cho việc rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc”. Ngày nhắc nhở cho nhau Hội Thánh về bản chất đạo Kitô. Đạo Kitô cốt yếu không phải là một lý thuyết, một chủ nghĩa, một “đạo lý”, càng không phải là một món hàng ế ẩm. Đạo Kitô là Tin Mừng. Tin mừng theo Thánh Matthêu, Tin Mừng theo Thánh Marcô, Tin Mừng theo Thánh Luca, Tin Mừng theo Thánh Yoan. Tin Mừng và Tin Mừng. Tiên vàn là Tin Mừng và chung cuộc là Tin Mừng. Có Tin Mừng mới có Kitô Giáo. Còn là Tin Mừng Đạo Chúa Kitô mới còn. Kitô Giáo giả sử hết là Tin Mừng thì dẫu có là đạo lý cao siêu tốt lành đến đâu đi nữa thì cùng lắm chỉ đáng cất tủ kiếng giữ gìn như một di tích lịch sử, không đáng loan báo, rao giảng làm gì.

Chúa Yêsu đã đến

để là Tin Mừng và để loan báo Tin Mừng.

Thiên Thần truyền tin cho Maria là truyền Tin Mừng “Vui lên” (Lc 1,28). Lời chào kết tinh lời các ngôn sứ mời gọi từ bao nhiêu thế hệ trước: “Vui ca lên nào, thiếu nữ Sion” (Xp 3, 14 ; Ge 2, 21-27 ; Dcr 9,9t). Maria “đon đả ra đi lên miền sơn cước”, đến thăm Elisabeth là đem Tin Mừng tới khiến “hài nhi nhảy mừng trong dạ mẹ” (Lc 1,39-41). Chúa Yêsu sinh ra “được đặt nằm trong máng cỏ, bởi vì không có chỗ cho ông bà trong quán trọ” (Lc 2, 7) nhưng bên trên cảnh nghèo nàn bơ vơ ấy lại vang lên tiếng Thiên Thần nói với các mục đồng: “Này Ta đem Tin Mừng cho các ngươi về một niềm vui to tát, tức là niềm vui cho toàn dân…” (Lc 2, 10)

Sau những năm tháng sống âm thầm ở Nazareth, ra mặt với đời, Chúa Yêsu vẫn không muốn là gì khác: “Các ông hãy đi tin lại cho Yoan mọi điều tai nghe mắt thấy, mù được sáng mắt và què được đi, phong hủi được sạch và điếc được nghe cùng kẻ chết sống lại, và người nghèo khó được nghe báo Tin Mừng…”. Ngài rao giảng Tám mối Phúc thật: “Phúc cho…,Phúc cho…” cũng là Tin Mừng cho…, Tin Mừng cho…(Mt 5, 1tt). Ngài loan báo Tin Mừng ơn tha thứ cho loài người sa ngã, tội nghịch với Trời: Thiên Chúa là Cha và Ngài còn mở tiệc ăn mừng đứa con, những đứa con trở về (Lc 15,11-31). Ngài loan báo Tin Mừng sự sốngcho loài người tuyệt vọng trước nỗi chết vì “Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac và Thiên Chúa của Yacob” không phải là “Thiên Chúa của kẻ chết mà là của người sống” (Mc 12, 26, Mt 22, 32). Ngay cạnh mộ Lazarô, Ngài quả quyết với Martha: “Phục Sinh và sự sống: Chính là Ta. Ai tin vào Ta dẫu chết cũng sẽ sống; và mọi kẻ sống cũng tin vào Ta sẽ không phải chết bao giờ” (Ga 11, 25-26).

Ngài loan báo Tin Mừng nước Trời. Nước Trời như “kho báu giấu trong ruộng”, như “viên ngọc trai đắt giá” đáng bán bỏ tất cả mà mua lấy cho bằng được (Mt 13, 44-46). Nếu chỉ có vậy thì người gắp thấy còn có thể vừa vui mừng vừa lại “giấu đi”, khiến kho báu, viên ngọc trai không trở thành “Tin Mừng” cho mọi người được. Nhưng Nước Trời còn như “tiệc cưới vui kia làm cho hoàng tử” mà người ở khắp các nẻo đường đều được mời vào (Mt 22, 1-10). Tiệc cưới trở thành Tin Mừng cho mọi người, để mọi người tha hồ loan báo cho nhau, thậm chí “bất luận dữ hay lành” và nhất là cho người nghèo khó…vô gia cư, không địa chỉ.

Và nếu Chúa Yêsu còn phải “báo thương khó”, báo đến ba lần thì “báo thương khó” cũng là báo trước “ba ngày sau Ngài sẽ sống lại” (Mc 8, 31 ; 9, 31; 10, 34). Tin Mừng theo Thánh Yoan còn nhấn mạnh: cận kề cái chết, ngay trước khi bước vào Vườn Dầu, Chúa Yêsu vẫn loan báo Tin Mừng và Tin Mừng quyết định, Tin Mừng dứt khoát: “Các con sẽ khóc, sẽ than…và sẽ phải ưu phiền, nhưng sự ưu phiền của các con sẽ trở thành niềm vui. Đàn bà sinh con thì ưu phiền, vì giờ của bà đã đến, nhưng sinh con rồi thì không còn nhớ cơn khốn quẫn, vì niềm vui là đã có một người sinh ra trên thế gian. Các con cũng vậy, bây giờ các con phải ưu phiền, nhưng Ta sẽ thấy các con lại, thì lòng các con sẽ vui mừng, và nỗi vui mừng của các con, không ai giựt mất được.” (Ga 16, 20-22)

Hội Thánh đón nhận Tin Mừng

cũng là Hội Thánh loan báo Tin Mừng.

Trong mấy ngày các môn đệ của Chúa “phải ưu phiền” họ đã mất luôn lòng tin thì không phải vì họ quên đã đi những lời dạy của Thầy mình, quên đi một Giáo lý. Họ chỉ quên mất Tin Mừng, hay không còn tin nỗi Tin Mừng Ngài sẽ sống lại.

Nhưng một khi Hội Thánh đón nhận Tin Mừng thì Hội Thánh cũng loan báo Tin Mừng: Chúa sống lại “hiện ra cho Maria Magdala,…bà đã đi báo tin cho các kẻ đã ở với Ngài…” (Mc 16, 9-10). “Ngài tỏ mình ra cho hai người trong nhóm họ đi đường… Họ đi báo tin cho những kẻ khác” (Mc 16, 13-14). Sau cùng Ngài tỏ mình ra cho chính nhóm Mười Một” thì đồng thời Ngài cũng giao cho họ sứ mệnh: “Hãy đi khắp cả thiên hạ rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo (Mc 16, 14-15).

Các môn đệ có vì “sợ người Do Thái” mà “các cửa đều đóng kín”, co cụm với nhau, ém nhẹm Tin Mừng thì Chúa Thánh Thần hiện xuống là để như cuồng phong nổi đến, cuốn đi mọi sợ hãi, phá tung mọi cổng kín tường cao, giải phóng Tin Mừng. Tin Mừng ra đường và từ đó Hội Thánh sống chết với việc loan báo Tin Mừng (Cv 2, 13).

Bất chấp mọi ngăn cản, đe dọa mà loan báo Tin Mừng: “Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi không thể không nói!”. (Cv 4, 20). Loan báo Tin Mừng trong hoàn cảnh thuận cũng như trong hoàn cảnh bất lợi. Loan báo Tin Mừng bất kể nơi chốn, giờ giấc. Gặp người lạ đi cùng đường, được mời lên ngồi cùng xe cũng “mở miệng nói…và giảng Tin Mừng về Đức Yêsu”, như Philip khi “đi về hướng Nam, theo đường Yêrusalem xuống Gaza…” (Cv 8, 26-35). Đang bị giam giữ như Phaolô và Sila trong “khám sâu nhất” thì “ca ngợi Thiên Chúa” khiến “các tù nhân đều để ý nghe” rồi loan báo Tin Mừng cho cả viên cai ngục cũng như mọi người trong nhà ông: “Hãy tin vào Chúa Yêsu, và ông cùng gia đình ông sẽ được cứu” (Cv 16, 25-34)

Đối với những ai tin thì nuôi dưỡng, củng cố lòng tin của họ vẫn chủ yếu là nhắc nhở Tin Mừng họ đã đón nhận: “Hỡi anh em, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng mà tôi đã rao giảng cho anh em, và anh em đã chịu lấy, và trong đó anh em vẫn còn đứng vững, và cũng nhờ đó mà anh em được cứu thoát (..) bằng không anh em đã tin một cách vô lối”. Tin Mừng Đức Kitô đã chết và sống lại (1Cr 15, 1-8). Trong lúc gian nan, thầy trò tâm sự, nhắn nhủ nhau cũng chỉ là Tin Mừng: “Anh hãy nhớ đến Đức Yêsu Kitô sống lại từ cõi chết…, chiếu theo Tin Mừng của tôi, vì đó tôi phải lao đao khốn khó đến cả bị xiềng xích như kẻ gian phi, nhưng lời Thiên Chúa không bị xiềng xích!” (2Tm 2, 8-9). Rõ ràng là không ai, không gì còn có thể xiềng xích Tin Mừng đã được giải phóng từ ngày hiện xuống.

Vẫn là lẽ sống cấp thiết

trong thế giới ngày nay.

Loan báo Tin Mừng vẫn là lẽ sống cấp thiết của Hội Thánh, của từng Kitô-hữu trong thế giới ngày nay. Lẽ sống còn hơn là “bổn phận”. Loan báo Tin Mừng mình đã đón nhận như thở, như sống, chính là hơi thở, sức sống của kẻ tin, của Hội Thánh.

Số đông vẫn chưa được nghe biết Tin Mừng. Họa may chỉ có Vatican là “quốc gia” duy nhất có 100% Kitô-hữu, nhưng diện tích Vatican không rộng bằng khuôn viên tòa đại sứ Nga tại Rôma. Các nước gọi là “Công giáo” như Tây Ban Nha, Pháp, Ý có 70-80% dân số được rửa tội nhưng có mấy chục phần trăm sống theo đức tin? Từ hơn nửa thế kỷ rồi, ngay giữa Châu Âu đã vang lên những lời cảnh tỉnh của hai linh mục Godin và Daniel: “Nước Pháp xứ Truyền giáo?”. Nói gì đến những “xứ truyền giáo” chính hiệu như ở Châu Á, Châu Phi? Hai nước có dân số lớn nhất nhì thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ thì chỉ có trên dưới 1% là công giáo.

Nếu đất nước chúng ta đã thấm nhiều máu tử đạo và đang có một cộng đồng công giáo tương đối đông đảo thì sát cạnh Việt Nam, Lào và nhất là Campuchia kể như vẫn chưa được loan báo Tin Mừng. Và ngay bên trong Hội Thánh ở Việt Nam, một Tổng giáo phận như Huế hiện chỉ còn trên dưới 30 ngàn giáo dân, số giáo dân chỉ bằng hay chưa bằng số giáo dân từ họ đạo Kỳ Đồng tới họ đạo Bùi Phát hay họ đạo Tân Sa Châu, hai bên một đoạn đường Lê Văn Sĩ.

Ngay tại Sài Gòn hay ở Xuân Lộc, nhiều họ đạo đông giáo dân, có họ đạo mỗi chủ nhật phải đảm bảo 15 – 16 lễ cho cả nhà thờ chính lẫn nhà thờ phụ nhưng nếu còn biết tính đến dân số ngoài công giáo nhưng ở bên trong phạm vi họ đạo? Nhà thờ đông chen, công việc mục vụ bề bộn khiến dễ quên họ đạo nào cũng vẫn là “xứ truyền giáo”… 80-90%! Chứ không riêng gì một họ đạo có tên là Xóm Chùa!

Hội Thánh và từng người tín hữu thì vẫn được mời gọi “đi khắp cả thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 14-15), trong toàn cõi quê hương và “cho đến mút cùng mặt đất” (Cv 1, 8). Khắp nơi và thật xa tuy không phải vượt biển ngàn trùng như ngày xưa nữa. Đã qua rồi và phải qua đi cái thời công cuộc truyền giáo chỉ được hình dung qua hình ảnh những bộ râu dài khả kính và những bước chân không mệt mỏi trên đất lạ quê người.

Ngày nay, “miền xa lạ”, “mút cùng mặt đất” nằm trong tầm mắt, tầm tay của mỗi Kitô-hữu như của mọi người khác trên khắp thế giới. Bớt chi tiêu trong Mùa Sám Hối hằng năm để góp phần vào quỹ của Ủy Ban Chống Đói và giúp phát triển (CCFD) như các tín hữu Pháp đã là phần nào đi đến tận Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ Latinh để làm chứng cho Tin Mừng. Hội Thánh ở Brazin, hay ở Ấn Độ hiện giờ lại không cần “thừa sai” theo nghĩa cổ điển (hay có khi còn có nghĩa là: “thừa” mới “sai” đi) cho bằng cần các Giáo phận Âu Châu chịu hy sinh cho mượn trong một thời gian nhất định, giáo sư thần học nọ, tuyên úy công giáo tiến hành kia, đang làm việc đắc lực: khi một giáo phận chấp nhận hy sinh đó thì có nghĩa là mọi người trong giáo phận cùng tham dự vào công việc truyền giáo.

Ngược lại, có khi rất gần mà cũng là “miền xa lạ”, bên kia đường mà khó đến “mút cùng mặt đất”, chỉ vì không bao giờ được nghĩ đến, chẳng hạn.

Cho đến ngày nào đó một họ đạo giữa Sàigòn cũng biết kêu gọi và gom góp trong Mùa Sám Hối những phong bì chia sẻ như các họ đạo ở Pháp để giúp những họ đạo ở ven đô có thêm phương tiện cho con em đi học, cho người bệnh có thuốc chữa, để giúp một trại phong, một trường trẻ em khuyết tật ở xung quanh thành phố. Cho đến ngày nào đó, một họ đạo chỉ 100 giáo dân ở ven đô lại biết xoay sở để đưa bác sĩ, y tá, đưa thuốc men tới khám bệnh, phát thuốc cho một ấp nằm sâu hơn trong cùng huyện. Cho tới ngày nào đó, một giáo phận ở Việt Nam sẵn sàng nhường một linh mục, một nữ tu đang hoạt động hữu hiệu cho một giáo phận khác, thiếu thốn nhân sự hơn.

Cho đến khi nào, ngay trong cuộc sống mỗi tín hữu “đạo” không chỉ có ở nhà thờ hay trong các buổi đọc kinh gia đình, mà còn đeo bám theo họ đến trường học, sở làm, ngoài đường, ngoài chợ. Cho đến khi nào, người hàng xóm bên kia đường, bên cạnh nhà không còn xa lạ, cách biệt như có một đại dương ngăn cách chỉ vì không đồng đạo, hay vì nghi kỵ, oán hờn…

Chưa nói đến loan báo Tin Mừng – theo Công đồng Vatican II và theo tông huấn Loan báo Tin Mừng – cũng có nghĩa là góp phần xây dựng một xã hội, một thế giới phù hợp với Tin Mừng hơn. Bớt cảnh cá lớn nuốt cá bé. Bớt cảnh “người thì đói, kẻ lại say mèm” (1Cr 11,24) với cái hố cách biệt ngày càng sâu rộng giữa người trong một nước, giữa các nước trong thế giới. Bớt những hận thù, giết chóc. Bớt những Xômali, những Bosnia… Bớt tình trạng nhân loại vẫn chi phí để chuẩn bị bắn giết nhau gấp trăm ngàn lần chi phí để giúp đỡ nhau .v.v…

Ngày Chủ Nhật Truyền Giáo phải là ngày cả Hội Thánh và từng người tín hữu vừa biết nhảy mừng vì Chúa Kitô là Tin Mừng, sứ điệp Ngài đem đến là Tin Mừng, vừa biết như choáng ngợp trước cánh đồng truyền giáo vẫn bao la, xa gần, xa mà gần, gần mà xa…

Lòng đón nhận Tin Mừng và tha thiết loan báo Tin Mừng thì luôn biết rằng Đức Kitô vẫn còn đó, hôm nay như hôm qua, vẫn là Tin Mừng, vẫn loan báo Tin Mừng qua Hội Thánh – Thân Mình Ngài, qua từng tín hữu, từng chi thể của Ngài.

Mới hôm nào “ở chợ Bến Thánh Saigon, có một người phong xin ăn. Anh này dữ lắm, không vừa ý ai là anh cắn. Cả đến cảnh sát cũng thua anh. Riết rồi ai cũng sợ và không dám đến gần anh. Cuối cùng, cảnh sát báo cho trạm Da Liễu. Được tin ấy dì đến tận nơi và nhận ra đó là một người bệnh bỏ trại. Dì đến nắm tay anh và nói: “Trời ơi, sao anh lại ở đây? Lên xe rồi về với dì!”. Anh ngoan ngoãn như một chú chiên con. Mọi người thấy vậy hỏi nhau: “Bà này là ai vậy?” (Hoàng Văn Đạt, “Dì Hai Bến Sắn”)

“Bà này là ai vậy?”. Không phải đơn giản chỉ là chị Maria Regina Phạm Thị Ngọc Loan, một nữ tu đã qua đời tối 21.07.1993. Ngày xưa người ta cũng đã “hỏi nhau” như thế về ông Yêsu nào đó “Ông này là ai vậy?” (Mc 4, 41 và 1, 27). Ông Yêsu người ta đã tưởng biết mà vẫn không biết, nắm được lý lịch (Yêsu Nazaret, “bác thợ mộc con bà Maria và anh em với Yacôbê, Yôsê, Yuđa và Simôn”) mà cứ phải thắc mắc hỏi nhau “là ai vậy?”. Yêsu, Tin Mừng của Thiên Chúa. Phạm Thị Ngọc Loan, âm vang Tin Mừng. Bao nhiêu năm trời giữa trại phong Bến Sắn và mới hôm nào, ở chợ Bến Thành Sài Gòn…

Nguyễn Ngọc Lan



(Xem thêm các bài cùng một dạng, xin mời vào
www.suyniemloingai.blogspot.com
www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com

No comments: