Saturday 19 December 2009

Gs Nguyễn Ngọc Lan: Đọc tiếp Tin Mừnghôm nay


Hội Thánh không ngừng “đọc tiếp Tin Mừng”. Như mỗi khi cử hành phụng vụ và nhất là trong thánh lễ, khi bẻ bánh Lời Chúa. Hội Thánh còn trên mặt đất này là cũng còn “đọc tiếp Tin Mừng”. Đọc tiếp Tin Mừng theo Thánh Mattheu, theo Thánh Marcô, theo Thánh Yoan. Và theo Matthêu, Marcô, Luca, Yoan, đọc tiếp Tin Mừng… hôm nay nữa.

Tin Mừng vốn không phải là chữ viết. Tin mừng đã chỉ được viết ra khá muộn màng, vài mươi năm sau khi chính Chúa Yêsu rao giảng Tin Mừng. Tin Mừng trước tiên và chính yếu là bản thân Chúa Yêsu, Con thiên Chúa làm người, “Lời đã thành xác phàm và đã lưu trú giữa chúng ta” (Ga 1,14).

Cho nên nói cho ngay không phải đợi Chúa Yêsu rao giảng Tin Mừng mới được nghe, được đọc Tin Mừng. Người đầu tiên được phúc nghe và đón nhận Tin Mừng là Maria. Maria nghe báo Tin Mừng từ thiên thần Gabriel. Đọc Tin Mừng từ những động tĩnh của bào thai thành hình, lớn lên trong lòng mình, từ những phút đầu đời của hài nhi được “đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2,7). Không ngừng ‘đọc tiếp Tin Mừng’ theo năm tháng khi Đức Yêsu “cứ tấn tới thêm về khôn ngoan, vóc dạng, ân sủng trước mặt Thiên Chúa và trước mặt người ta” (Lc 2,52), nghĩa là trước mặt mẹ hơn ai hết, khi Đức Yêsu rày đây mai đó rao giảng Tin Mừng, nhớ con không biết hướng về phương nào nhưng trước sau vẫn chỉ biết “giữ kỹ mọi điều ấy và hằng suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19 và 51). Và ai đã có thể “đọc tiếp Tin Mừng”, đọc đến nơi đến chốn, đọc ở ‘đỉnh cao’ nhất, ở chỗ quyết định và quyết liệt nhất, đọc trong nước mắt mà cũng trong niềm tin và hy vọng bằng Maria, khi “đứng bên khổ giá Đức Yêsu” (Ga 19,25)?

Yuse cũng đã được “đọc tiếp Tin Mừng” từ khi “làm như thiên thần truyền cho ông” mà rước Maria về nhà (Mt 1,24), cho đến phút lìa đời bên cạnh Chúa Yêsu. Các mục đồng khi “đã gặp Maria và Yuse cùng Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2,16). Những đạo sĩ Phương Đông cũng vậy, khi được ơn sáng lòng hơn sáng mắt mà “thấy ngôi sao của Ngài bên trời Đông” và nhất là khi “vào nhà, họ thấy Hài nhi cùng Maria , mẹ Ngài” (Mt 2,1-12). Và trong đền thờ, ông cụ Symêon khi “ẵm lấy Ngài trên tay”, và bà cụ Anna kia nữa đều đã có thể mù chữ mà vẫn được đọc và đọc được Tin Mừng. Rồi bao nhiêu người khác đã sống gần Ngài ở Nazaret…

Chúa Yêsu rao giảng Tin Mừng thì không phải đem chữ nghĩa gì viết sẵn từ trời xuống. Không cả như Môse khi từ đỉnh núi Sinai đi xuống với “hai phiến bia chứng tri trên tay, những phiến viết cả hai mặt,… bên này và bên kia” (Xh 32,15), “những phiến đá – thánh chỉ và lệnh truyền – (Yavê) đã viết để dạy dỗ” Dân (Xh 24,12). Tự thân Ngài là Tin Mừng , Ngài mời gọi nhìn vào Ngài, vào thái độ, việc làm của Ngài, mà “đọc” sứ điệp Cha ban cho . Các môn đồ của Yoan Tẩy Giả đang ở trong tù “hãy đi tin lại cho Yoan mọi điều tai nghe mắt thấy” (Mt 11,4). Còn chính các môn đồ của Ngài cũng đừng lẩn thẩn mãi mà xin Ngài “tỏ cho thấy Cha” : “Đã bao lâu rồi, Ta ở với các anh, thế mà, Philíp, anh đã không biết Ta ư? Ai thấy Ta là đã thấy Cha” (Ga 14,9).

Chúa Yêsu rao giảng Tin Mừng cũng còn là đọc lên tín thư của Cha ngay từ thế giới, xã hội, cuộc sống xung quanh mình. “Hãy mến yêu thù địch và khẩn cầu cho những người bắt bớ anh em, ngõ hầu anh em nên những người con của Cha anh em, Đấng ở trên trời, vì Người cho mặt trời mọc lên trên kẻ dữ và người lành, và làm mưa trên người ngay và kẻ ác” (Mt 5,44-45). “Hãy coi chim trời… Hãy ngắm hoa huệ ngoài đồng xem… Huống chi là anh em… Vậy anh em chớ lo… Cha anh em, Đấng ở trên trời, biết rõ anh em cần đến các điều ấy. hãy tìm kiếm Nước Trời trước đã…” (Mt 6,25-34). Nước mắt người phụ nữ tội lỗi trong chân thành là lòng cảm mến nhiều nhất đáp lại ơn tha thứ nhiều hơn cả (Lc 7,36-50). Hai trinh của bà góa nghèo cũng lại là tiền cúng quý hơn cả (Lc 21,1-4).

Chúa Yêsu rao giảng Tin Mừng như vậy vì Ngài mở mắt mở lòng trước cuộc sống : “Ngước mắt lên, Ngài thấy những người bỏ tiền cúng vào hòm tiền là hạng giàu có. Nhưng Ngài cũng thấy…” Và Ngài mời gọi người ta mở mắt mở lòng trước cuộc sống, hãy coi chim trời, hãy ngắm hoa huệ…

Cứ thử tìm những chữ ‘thấy’ trong Tin Mừng. ‘Thấy’ là một trong những động từ dễ gặp nhất. Chúa Yêsu lại hay ‘thấy’ nhiều hơn ai hết. “Đang đi dọc bờ biển Galilê, Ngài thấy hai anh em Simôn…” rồi “đi xa hơn khỏi đó, Ngài thấy hai anh em khác, Yacôbê và Yoan” (Mt 4,18-21). Đến nhà Phêrô, Ngài “thấy bà gia của ông đang liệt giường…” (Mt 8,14). Kêu gọi Matthêu theo Ngài, cũng là khi “Đức Yêsu đi ngang qua thấy một người ngồi nơi sở thuế…” (Mt 9,9). Có một phụ nữ bị mất máu đã mười hai năm rờ áo choàng của Ngài, môn đồ cho rằng “dân chúng chen cả vào Ngài mà Ngài lại hỏi : ‘Ai rờ đến Ta?’ Nhưng Ngài ngó quanh nhìn kẻ đã làm như thế.” Lát sau , “đến nhà viên trưởng hội đường, thì Ngài thấy xôn xao…” (Mc 5,25-32 và 38). Thường xuyên “rảo khắp các thành, các làng…thấy dân chúng, Ngài chạnh lòng thương họ” (Mt 9,35-36). Đặc biệt là lần “Ngài đã thấy dân chúng đông đảo”, Ngài cũng “chạnh lòng thương xót họ”, không chỉ “chữa lành các kẻ yếu liệt trong họ” mà còn làm Phép lạ Bánh nữa (Mt 14,14-21).

Trong Tin Mừng theo Thánh Luca, Đức Yêsu đang giảng thì “thấy có hai chiếc đò đậu ven bờ” sau đó mời gọi các bạn chài trở thành “kẻ chài lưới bắt người” (Lc 5,2-11). Đi vào thanh Naim có bà mẹ đang đi chôn con, Ngài “thấy bà ấy” (Lc 7,13) trong khi “môn đồ và dân chúng đông đảo cùng đi với Ngài” hẳn đã chỉ thấy có mỗi một mình Ngài. Đi ngang qua vùng ranh giới giữa Samari và Galilê, Ngài không theo thói thường tình tránh né đám mười người phong hủi gióng tiếng kêu van, nhưng “thấy vậy, Ngài bảo họ…”. Đi giữa đám đông cũng cứ chỉ chú ý đến một mình Ngài, Đức Yêsu lại “ngẩng nhìn lên” để thấy cái ông Zakkhê trên cây sung bên đường (Lc 19,5) như trong Đền thờ, “ngước mắt lên, Ngài thấy” không chỉ hạng giàu có dâng tiền cúng nhưng “cũng thấy một bà góa…” (Lc 21,1-5).

Trong Tin Mừng theo Thánh Yoan, Chúa Yêsu vẫn thấy hơn người và thấy với cả tấm lòng. “Đức Yêsu thấy Nathanael đến với Ngài”, Ngài còn bảo ông : “ Trước khi Philip gọi anh, Ta đã thấy anh dưới cây vả” (Ga 1,47-48). Có phép lạ Bánh là vì “ngước mắt lên, Đức Yêsu thấy có đông dân chúng đến cùng Ngài, Ngài mới nói với Philip: “Ta mua bánh đâu được cho họ ăn?”(Ga 5,6). “Ngài thấy một người mù từ thuở mới sinh” để không chỉ mở mắt cho anh ta mà còn mở mắt cho cả các môn đồ nữa khi họ hỏi có phải “vì nó hay cha mẹ nó đã phạm tội” (Ga 9,1-3). Lazarô chết, Chúa Yêsu “đi đánh thức dậy”, thế mà “khi thấy (Maria) khóc than, và những người Do Thái đến với bà cũng khóc than, thì Ngài thổn thức trong lòng và xao xuyến cả mình” rồi cũng … “đã khóc” (Ga 11,11-36)

Chúa Yêsu đã mở mắt trước cuộc sống, Ngài loan báo Tin Mừng với và qua những gì Ngài thấy hàng ngày. Ngài thường “lấy ví dụ mà dạy dỗ nhiều điều”, nhưng ví dụ không phải là chuyện trên mây, không dính dấp gì tới cuộc sống. Gieo giống, tìm con chiên lạc hay đồng tiền rơi mất, phân chia chiên khỏi dê, lựa cá, muối lạt đi, cỏ lùng lẫn với lúa tốt đều đã là chuyện đời thường.

Các ví dụ còn chứng tỏ Chúa Yêsu rất gần gũi, quen thuộc thực tại xung quanh Ngài, thời Ngài. Người nông dân Việt Nam có thể cho là việc gieo giống mà giống có thể rơi dọc đường, rơi vào đất đá, vào gai góc (Mc 4,1-9) là chuyện...tưởng tượng : gieo trên ruộng đã được cày sâu cuốc bẫm thì làm gì còn có những rủi ro như thế được.Nhưng người nông dân đồng bào của Chúa Yêsu, thời Ngài, lại quen gieo trước, cày sau! Tìm ra con chiên lạc tại sao phải “quàng nó trên vai” mà về (Lc 15,4-6)? Đây lại là một nét đời thường trong vùng : con chiên lạc bầy đã chạy cùng khắp cho đến khi kiệt sức nằm dài, gặp lại chủ nó cũng không còn hơi sức để bò dậy và tự đi theo chủ được nữa. Nhất là con chiên lạc trong mạch văn Mt và Lc bé nhỏ, ốm yếu chứ không như trong Tin Mừng của Tôma được “thổi” lên thành con chiên to béo và quý nhất đàn! Đồng bạc đánh mất đáng phải tìm cho bằng được (Lc 15,8-10) vì thuộc về của hồi môn người đàn bà Do Thái đem theo về nhà chồng và đeo cả chuỗi đồng bạc, đồng vàng (nếu là nhà giàu) như nữ trang trên…trán. Và phải chong đèn mà tìm vì nhà thường chỉ có một cửa nhỏ, thấp ban ngày cũng chẳng có bao nhiêu ánh sáng lọt vào. “như người chăn chiên tách chiên ra khỏi dê” (Mt 25,32)? Khi đưa bầy thú đi ăn thì người ta chăng chung chiên với dê, nhưng chiều đến, người ta lại phải tách chúng riêng ra vì chiên có thể ngủ ngoài trời lạnh được còn dê thì không. Tại sao nhặt cỏ lùng mà phải lo “lại nhổ lúa cả rễ luôn” (Mt 13,29)? Thứ cỏ lùng độc này (lolium temulentum) về mặt thực vật học rất gần loại lúa mì nhiều tóc và bắt đầu mọc lên trông rất giống cây lúa mì non. Kéo lưới cá lên bãi, tại sao còn có việc “ngồi đó, lựa thứ tốt thì bỏ giỏ, mà thứ dở thì quăng ra bên ngoài” (Mt 13,48)? Dân chài nào lại thừa hơi dư của để làm như vậy? Nhưng người Do Thái cứ có thứ dở phải lựa ra mà bỏ đi vì “phàm vật nào không vây, không vẩy, ở biển hay ở sông… là vật kỵ” theo sách Lêvi (11,9-12). Vật dưới nước mà không vẩy, trông giống như rắn chẳng hạn thì khỏi được ăn (Mt 7,10 : “Ai có con xin cá mà lại cho nó rắn ư?”. Ngoài ra người Do Thái thời đó không biết ăn một số loài vật sống dưới nước như cua còng. Lựa thứ dở bỏ đi là công việc bình thường.

Nhiều ví dụ khác có tính cách truyện kể thì hẳn đã liên quan tới những biến cố thời sự : Người quản lý bất lương (Lc 16,1tt), gia chủ để nhà bị đào ngạch (Mt 24,43), người phú hộ ngốc nghếch (Lc 12,13-21), người Samari nhân hậu (Lc 10,30-36), người cha nhân hậu và đứa con đi hoang (Lc 15,11tt), mười người trinh nữ vv… Không kể khi Chúa Yêsu trực tiếp đối diện với một biến cố thời sự mà kêu gọi người ta thay đổi cách nhìn và lối sống, hối cải. Như khi “có ít người đến báo tin cho Ngài về những người Galilê bị Philatô giết, máu đổ hòa với lễ tế của họ” (Lc 13,1tt).

Nhập thể cũng là nhập thế. Chúa Yêsu không rao giảng Tin Mừng từ bên ngoài cuôc sống, bên lề lịch sử. Tuy vậy Ngài lại vẫn “không thuộc về thế gian” (Ga 17,14) và Lời Ngài lại không hề buông xuôi hay buông trôi theo dòng lịch sử. “Anh em đã nghe bảo rằng… Còn Ta, Ta bảo anh em…”(Mt 5,21.27.31.33.38.43). Bản thân Ngài là Tin Mừng và Lời Ngài vẫn là Tin Mừng. Đặc biệt là qua các ví dụ với đèn, với muối, với cá, với chiên, với những sự việc rất ‘đời thường’ hay những biến cố thời sự. Một đằng, các ví dụ là những lời Đức Yêsu mặc nhiên làm chứng về chính mình. Một ví dụ minh họa cho lòng nhân hậu của Thiên Chúa chăng thì cũng là lòng nhân hậu được thực hiện qua Đức Yêsu. Một ví dụ nói về Nước(Thiên Chúa) chăng thì vẫn là chính Đức Yêsu “ẩn mình” sau từ ‘Nước’ vì chính Ngài là “nội dung cất giấu” (Mt 11,25) của từ ấy (E.Fuchs, Theol. Literaturzeitung 79,1954, col.345-348). Đằng khác

“Tất cả các ví dụ của Đức Yêsu đều muốn bắt buộc người nghe phải có thái độ đối với bản thân Ngài và đối với sứ vụ của Ngài; đó là điều nổi lên rõ nét nhất trước tiên, khi ta cố gắng tìm lại âm vang, ý nghĩa ban đầu của các ví dụ ấy. Quả thế , tất cả các ví dụ đều thấm thuần “mầu nhiệm Nước Thiên Chúa” (Mc 4,11) tức là niềm tin chắc rằng Cánh Chung đang thành hiện thực. Giờ hoàn tất đã tới : đó là âm gốc của các ví dụ.

Kẻ Mạnh bị trói lại, binh đội của Kẻ Dữ tháo lui, lương y đến bên con bệnh, những người phung hủi được làm sạch, món nợ lớn được khỏi trả, con chiên lạc trở về, cửa nhà cha rộng mở, người nghèo kẻ khó được mời vào bàn tiệc, một chủ nhân với lòng tốt khôn lường trả quá đủ tiền công, niềm vui ngập tràn lòng dạ người người. Năm hồng ân mà Thiên Chúa đã hứa đang bắt đầu. Bởi vì đã xuất hiện Đấng mà vinh quang ẩn giấu lại ngời sáng sau từng lời, từng chữ và từng ví dụ : Vị Cứu Thế. (Joachim Jeremias, Les paraboles de Jésus, éd. 1962, p. 309 : Conclusion).

Hội Thánh từ đầu đã luôn ‘đọc tiếp Tin Mừng’. Tin Mừng vừa theo Matthêu, vừa theo Marcô, vừa theo Luca thì cũng không phải là ghi lại, sao chép từ một bộ nhớ máy móc. Hội Thánh ghi nhận Tin Mừng trong ánh sáng Chúa Kitô sống lại và qua hoàn cảnh sống mới của mình, với cả những điều Chúa Yêsu đã phải nói nhưng chưa nói vì các môn đồ “không mang nổi”, nhưng từ khi Chúa Thánh Thần đến, “vì là Thần Khí sự thật, Ngài (mới) đưa (họ) vào tất cả sự thật…” (Ga 16,13). Chính Tin Mừng theo Thánh Yoan được viết ra sau cùng lại càng cho thấy Hội Thánh đọc tiếp Tin Mừng trong một bối cảnh lịch sử mới hơn nữa như thế nào. Chưa kể Công vụ và các Thư được viết ra trước hay đồng thời với các Tin Mừng Nhất Lãm.

Sau giai đoạn đặc biệt của các sách Tân Ước, Hội Thánh vẫn tiếp tục đọc Tin Mừng qua từng giai đoạn lịch sử của mình. Vẫn là “thấy” Hôm Nay của Chúa Kitô, của Nước Chúa trong từng hôm nay đang đến đang qua. Các công đồng, các giáo phụ, thần học, việc giảng dạy hay việc chia sẻ Lời Chúa, ở tầm mức này hay tầm mức khác đều là “đọc tiếp Tin Mừng”. Nói như Hiến Chế Mục Vụ (tiết 4), “lúc nào Hội Thánh cũng có bổn phận tìm hiểu tường tận những dấu chỉ thời đại và cách giải thích dưới ánh sáng Tin Mừng”.

“Hãy coi chim trời,… Hãy ngắm hoa huệ ngoài đồng xem” (Mt 5,44-45), “Các anh có mấy chiếc bánh? Đi coi xem!” (Mc 6,38). “Hãy coi cây vả và các cây khác…” (Lc 21,29). Những lời mời gọi tương tự của Chúa vẫn còn vang lên trong lòng tin hôm nay. Hãy coi xem có còn cánh chim nào trên trời thành phố, hãy ngắm nụ cười trẻ thơ buổi chiều được mẹ đón về trước cổng trường mẫu giáo. Đi coi xem bên trong nhà thờ có gì khác ngoài giỏ hay hòm tiền cúng, có còn chỗ cho những người “rối”, những người ngoại, xung quanh nhà thờ có ai không còn gạo nấu cơm, có ai ngại ngùng đi lễ nhưng lòng chỉ chờ được cơ hội đón Chúa như Zakkhê, cảm mến nhiều như người phụ nũ tội lỗi. Hãy coi thật nhiều, thật kỹ, cùng khắp từ những gì đang xảy ra ở Bosnia, ở Da-ia, ở Ruanđa, ở Trung Đông ngay trên Đất Thánh cho đến những gì không ngờ được đang xảy ra cho cả con em trong nhà. Kitô hữu không bao giờ mở mắt ra cho đủ trước cuộc sống.

Cũng như không bao giờ thấm nhuần Lời Chúa cho đủ được. Nhất là khi rao giảng hay chia sẻ Tin Mừng : chỉ thấy, chỉ biết nhiều chuyện hôm nay thì cũng chỉ giỏi nói cho vui tai, thi đua với các chuyên viên tiếp thị, quảng cáo và làm… ngụy thư là cùng, và khi ấy cũng “hãy mở mắt coi chừng men của Biệt phái và men Hêrôđê” nữa (Mc 8,15) ngay trong lời nói, chữ viết của mình.

Đọc tiếp Tin Mừng hôm nay thì vẫn phải là Tin Mừng theo Matthêu, theo Marcô, theo Yoan. Đồng thời đọc tiếp Tin Mừng theo Matthêu, Marcô, Yoan thì cũng phải là Tin Mừng hôm nay mới làm chứng được cho Chúa Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi, cho sự hiện diện của Chúa Thánh Thần và cho Lời đích thực là Lời Hằng Sống.

Gs Nguyễn Ngọc Lan (1996)

(Xem thêm các bài cùng một dạng, xin mời vào:

www.suyniemloingai.blogspot.com

www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com )

No comments: