Monday 7 December 2009

Lm Rock Nguyễn Tự Do, CSsR: Buôn bán và truyền giáo


Lý do thúc đẩy những nhà thám hiểm vượt biển đi tìm đất lạ trước hết là vì những quyền lợi chinh trị và thương mại, để làm giàu cho các nước Tây Phương. Các vua chúa Bổ Đào Nha, Tây ban Nha có đủ sức và phương tiện để thuỷ thủ của họ thực hiện được các cuộc hành trình dài dẵng và tốn kém. Nhà vua còn quyết định ban 1/10 vàng bạc của cải thu lượm được cho những người đã xông pha gian khổ lênh đênh trên các đại dương.

Thế nhưng, những thuỷ thủ gan lì này cũng là những người tín hữu có lòng tin chân thật và sâu mạnh. Vì thế, trong thành phần của đoàn bao giờ cũng có những Linh Mục; có 3 Linh mục trong đoàn thám hiểm của Vasco de Gama, trong các cuộc thám hiểm khác cũng có những Linh Mục tháp tùng với mục đích chính là lo việc đạo cho những thành viên trong đoàn. Và, đã là Linh Mục, đã là những người có đạo, thì việc chứng tỏ và truyền bá niềm tin của mình là một việc tất nhiên. Khi đặt chân lên mảnh đất mới nào thì họ đều dựng bia với quốc huy và Thánh giá để “xác lập” chủ quyền phần đời và cũng để hiến dâng cho Thiên Chúa mảnh đất mà họ vừa làm chủ được.

Nhưng với những của cải vật chất khổng lồ trước mắt, các thuỷ thủ đã bị lôi cuốn, lơ là việc truyền giáo, và ngay trong việc buôn bán trao đổi hàng hoá, họ đã tỏ ra ham lợi và thô bạo. Việc truyền giáo chỉ còn là lãnh vực riêng của các Linh Mục đi theo đoàn. Một cuộc truyền giáo hết sức thô sơ với hình ảnh và cử chỉ, bởi các vị không nói được tiếng bản xứ và không có ý ở lại lâu hơn vì lệ thuộc vào nhu cầu của cuộc mua bán và trao đổi hàng hoá. Các ngài luôn rảnh rỗi trong lúc những thành viên khác trong đoàn rất bận bịu với những quyền lợi phàm trần.

Việc truyền giáo dần dần tách rời khỏi những cuộc buôn bán và trao đổi hàng hoá. Những đoàn Thừa sai thuộc các Hội Dòng bám trụ tại chỗ, chấp nhận mọi khó khăn, túng thiếu, bấp bênh, thậm chí ruồng bắt…để thành lập những giáo đoàn ở khắp nơi. Số giáo dân ngày một thêm đông, đòi hỏi một tổ chức có lớp lang để người tân tòng thường xuyên được săn sóc, dạy dỗ và giữ vững Đức tin. Trước cơn bùng nổ chiếm đất mới và truyền giáo của các nước Âu Châu, cách riêng là Bồ Đào Nha và Y Pha Nho, khó mà tránh khỏi những tranh chấp giữa các nước tìm kiếm độc quyền, độc lợi. Toà Thánh đã bị “lôi kéo” vào và phải đóng vai trọng tài quyết định, chia ranh giời hoạt động, ảnh hưởng và quyền lời. Ngày 3-5-1493, Đức Alexandrô VI ra Sắc chỉ lấy một đường kinh tuyến nằm đâu đó ở giữa Đại Tây Dương để chia bản đồ thế giới làm hai, trao phía Tân Thế giới cho Tây Ban Nha và phần Âu-Á-Phi cho Bổ Đào Nha. Vùng đất Viễn Đông trong đó có Việt Nam nằm trong ảnh hưởng của Bồ Đào Nha. Thế nhưng, mỗi nước lại đặt kinh tuyến ấy ở một vị trí khác nhau. Tây Ba Nha đặt nó khoảng Miến Điện, và như thế Việt Nam thuộc quyền ảnh hưởng của Tây Ban Nha. Bổ Đào Nha thì lại cho là đuờng kinh tuyến ở ngoài khơi Thái Bình Dương, và do đó, vùng Đông Dương và cả Phi Luật Tân, Mã Lai, Indonêsia lại lọt vào vùng ảnh hưởng của Bồ.

Sự mập mờ đó đã đem đến những tranh chấp không đáng có trong phạm vi tôn giáo. Nhiều trường hợp các Linh Mục và cả Giám Mục cũng bị bạc đãi, cầm tù, ra toà như là những người phạm luật đã được qui định.

Để đáp ứng nhu cầu của các tín hữu và thúc đẩy việc truyền giáo tại vùng Á Đông, Toà giám Mục Goa được thành lập năm 1534, gồm cả vùng Ấn Độ và Trung Hoa, dưới quyền bảo trợ của Bổ Đào Nha. Với Sắc lệnh: “Aequum reputamus”, vùng Việt Nam trực thuộc địa phận Goa.

Ngày 4-2-1557, Đức Phaolô IV ra sắc lệnh “Pro Excellenti Praeminentia”, lập Toà Giám Mục Malacca, và cuối cùng, Đức Grêgôriô XIII ban sắc lệnh ’Super Specula” ngày 23-1-1578, lập địa phận Ma Cao. Vùng truyền giáo Việt Nam chịu ảnh hưởng của các địa phận Goa, Malacca và Ma Cao, với sự bảo trở của nhà nước Bồ Đào Nha.

Công việc truyền giáo là ưu tiên đối với Toà Thánh. Trước tiến triển của việc truyền giáo tại Mỹ Châu cũng như tại Á Châu, nhất là từ khi các Hội Dòng Đa Minh, Augustinô, Phanxicô và Dòng Tên tích cực tham gia vào, để hạn chế những lẫn lộn đạo đời cũng như những quyền lợi vật chất và việc truyền giáo, Đức Grêgôriô XV đã thiết lập Thánh Bộ Truyền Giáo hay Truyền Bá Đức Tin ngày 6-1-1622, có tên là “De Propaganda Fide”.

Thánh Bộ Truyền Giáo sẽ được đổi thành Thánh Bộ Phúc Âm Hoá Các Dân Tộc năm 1967 và có thẩm quyền trên các giáo phận trong mọi vấn đề liên quan đến việc truyền giáo và điều hành các Giáo phận từ Giám Mục, Linh Mục, Giáo sĩ, tu Sĩ, Chủng viện…

Lm Rock Nguyễn Tự Do

Quý 2/2008

(Xem thêm các bài khác, xin mời vào

www.suyniemloingai.blogspot.com

www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com )

No comments: