Monday 30 January 2017

Lm Vĩnh Sang DCCT "BỐN MÙA CHÚA ĐỔ HỒNG ÂN…"


Tết đã đến gần, hôm nay là ngày 28 tháng Chạp, không gian thành phố thay đổi mỗi ngày một cách rõ rệt, người đã thưa hơn, không còn cảnh kẹt xe ở các ngả đường, người ta tập trung ở các khu chợ và siêu thị để mua sắm, cả ngày bận rộn dọn dẹp, thỉnh thoảng tiếp vội vàng khách đến thăm chào để về quê…
Thị trường ngày Tết luôn có những bất ngờ, bất ngờ ở nhiều phương diện, ngoài những chương trình có quy hoạch và đầu tư, thương trường hàng Tết, nhất là lãnh vực bình dân thường bỏ ngỏ, mặc cho số phận rủi may. Ngươi nông dân bỏ công sức tiền bạc ra chuẩn bị hàng Tết thường không có gì bảo đảm cho việc thu hoạch gỡ vốn hoặc kiếm lời. Cơn mưa bất chợt chiều hôm qua 27 Tết đổ ập xuống thành phố làm nhiều người ngồi khóc, cảnh nước ngập hoa trôi lềnh bềnh nhìn sao đau xót, nhưng tiếng khóc đó, những giọt nước mắt đó là những tiếng khóc do rủi may thời tiết, “Trời cho ai người đó hưởng, bắt ai người đó chịu”. Nhưng có những giọt nước mắt của uất hận, của tiếng thét nghẹn trong cổ họng những người nghèo khổ, quanh năm chăm chỉ bên luống hoa, chậu kiểng, có được ít bông hoa, một ít lá dong gói bánh, mang lên Sàigòn bán Tết, vật vã bên lề đường bị nhóm trật tự và dân phòng ruồng bắt. Họ bắt, phá, ném tung những chậu hoa, những bó lá không thương tiếc !
Trật tự đô thị là điều cần thiết, nhưng xưa nay rồi, người dân đã sống và quen sống với lối buôn bán nhỏ tự phát rồi, nó thành “chợ truyền thống” mỗi năm cứ xuân về, nay muốn thay đổi và phải thay đổi thì cũng cần có “quy trình”, có hướng dẫn chứ ! Phá tan đất nước cũng có… "quy trình" mà sao cái điều này lại không có quy trình ? Nếu thật sự họ vì dân vì nước, họ không thể coi thường và tán tận lương tâm với người nghèo như vậy. Nhu cầu chơi hoa, nhu cầu lá gói bánh… từ ngàn đời đã có, không phải là chuyện bộc phát tạm thời. Đường hoa chỉ dành cho những kẻ thừa tiền, khách mua cũng như kẻ bán rủng rỉnh tiền triệu, còn dân thường kẻ bán người mua tìm đến các lề đường bình dân, chỉ vài chục, vài trăm ngàn là quá đủ vui xuân.
Năm nào cũng vậy, người nghèo buôn bán từ quê lên mặt mũi ngơ ngác, quần áo lếch thếch, chiều ba mươi đắt díu nhau về quê, hẹn mùa "đánh bạc” sang năm. Hình ảnh không khác nhau, có phần thế thảm hơn nơi các miền rừng núi và biển của miền Trung. Hơn mười tháng rồi biển chết, ba tháng rồi những cơn lũ cuốn trôi làng mạc, nhà cửa, sách đèn… Dọc xương sống Trường Sơn bị nhận chìm trong thất nghiệp đói khổ. Chiều nay hai chị em người Hà Tĩnh, chị là nữ tu, em là sinh viên đang theo học ở thành phố đến thăm và chúc Tết tôi, họ nói Tết này họ không về, tôi hiểu lý do và không dám hỏi, chắc tôi không hiểu sai.
Sau năm 75, khi bị lấy mất Tu Viện DCCT ở Thủ Đức, họ trả tôi về địa phương quản lý, đói và khổ, tôi thuê một chiếc xe xích-lô của hãng Việt Nam gần Sinco để đạp kiếm tiền sống, tiền thế chân lúc đó là 20 đồng. Những khi vô ý đứng đón khách ở những nơi thuộc đặc quyền đặc lợi, bến bãi, tôi bị nhóm “cờ đỏ – 30 tháng 4” bắt đánh, có lúc bị giam xe cả ngày, không đạp xe không có tiền nhưng vẫn phải nộp tiền thuê xe, ôi những buổi tối não nề, bụng đói, mua ổ bánh mì không ngồi ăn và uống nước lã cho no, ngày mai vẫn phải dắt xe ra đi làm. Hơn 40 năm rồi, nhìn hình ảnh nhừng người dân nghèo bị đuổi, bị bắt, bị tịch thu hàng hóa bị phá tan tành hoa kiểng, ôi sao đau xót quá. Ngày ấy còn nói là vừa "giải phóng" xong có bao nhiêu khó khăn, các "thế lực thù địch" chống phá, thế mà bây giờ hơn 40 năm rồi người dân nghèo vẫn khổ, vẫn như vậy và còn tệ hơn vì bao nhiêu chất độc tràn lan.
Ngày Mồng Ba Tết, ngày cầu nguyện cho công ăn việc làm, Ca Nhập lễ có lời Thánh Vịnh:
"Bốn mùa Chúa đổ hồng ân,
Ngài gieo màu mỡ ngập tràn lối đi…"
Chúa gieo màu mỡ thật nhưng người ta lại phá tan hết những màu mỡ quý giá ấy rồi, hồng ân Chúa đổ xuống thật, nhưng người ta đầu độc tất cả mất rồi. Bây giờ chỉ còn đau khổ, chết chóc, buồn thảm và trống rỗng.
Chúa không chịu thua, Chúa không ngừng thi ân giáng phúc, nhưng ai sẽ để cho Chúa dùng để thực hiện cuộc gieo trồng này ? Đừng im lặng nữa…
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 26.1.2017

Saturday 28 January 2017

Lm Vĩnh Sang : Phêrô Donders con đường nên thánh hôm nay



PHÊRÔ DONDERS, CON ĐƯỜNG NÊN THÁNH HÔM NAY
Phêrô Donders, Thừa Sai cho người nghèo khổ
Chân Phúc Phêrô Donders, Tu Sĩ, Linh Mục Dòng Chúa Cứu Thế, sinh năm 1809 tại Hà Lan, vào Chủng Viện, nhận sứ vụ Linh Mục và được sai đến Surinam làm mục vụ trong các đồn điền của người Hà Lan. Sau khi Tòa Thánh trao Surinam cho DCCT, Cha Donders mong ước ở lại phục vụ nên gia nhập DCCT năm 1866.
Tại Surinam, cha Phêrô Donders nhận ra những người nô lệ sống trong các đồn điền bị áp bức, đối xử tàn bạo và bị chà đạp nhân phẩm, họ không được hưởng những chăm sóc tối cần thiết cho dinh dưỡng và sức khỏe. Cha tìm mọi cách lên tiếng và thuyết phục giới chủ nhân thay đổi cách đối xử với những nô lệ. Mối tương quan giữa cha với giới chủ nhân có những lúc căng thẳng do họ bị tổn hại quyền lợi khi cha đứng về phía người nghèo, người bị áp bức. Kiên vững và can đảm, cha không ngừng lên tiếng bảo vệ người da đỏ bản xứ.
Cha vấp phải khá nhiều trở ngại do ngôn ngữ bất đồng, sự kém hiểu biết của người bản địa, và cả sự mê tín của họ, nhưng lòng yêu thương họ, những người nghèo khổ bị bóc lột một cách bất công, đã không làm chùn bước của cha. Cha tiếp tục dấn thân cho họ, cha rời bỏ cuộc sống ở các đồn điền trù phú với những phương tiện sống tương đối tiện nghi để vào hẳn rừng sâu, trú ngụ trong một làng của người da đỏ mang bệnh phong cùi, ở đây cha hết lòng yêu thương lo lắng cho họ cho đến khi cha về với Chúa.
Ngày 14 tháng 1 hàng năm, Dòng Chúa Cứu Thế kính nhớ Chân Phúc Phêrô Donders.
Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng của Đức Thánh Cha Phanxicô
186. Đức tin của chúng ta vào Đức Kitô, Đấng đã trở nên nghèo khó và luôn luôn gần gũi những người nghèo và những người bị hất hủi, là cơ sở cho mối quan tâm của chúng ta đối với sự phát triển toàn diện của các thành viên bị lãng quên nhất của xã hội.
187. Mỗi cá nhân và mỗi cộng đồng Kitô hữu được kêu gọi trở thành một dụng cụ của Thiên Chúa cho việc giải phóng và thăng tiến người nghèo, và giúp họ là thành viên đầy đủ của xã hội. Việc này đòi chúng ta phải mở lòng và chăm chú lắng nghe tiếng kêu của người nghèo và đến cứu giúp họ…
188 … Nếu chúng ta, những người được Chúa dùng để lắng nghe người nghèo, mà bịt tai trước tiếng kêu xin này, chúng ta chống lại ý muốn và kế hoạch của Người…
195. Khi Thánh Phaolô lên Giêrusalem gặp các Tông Đồ để xác định rõ liệu ngài đang “ngược xuôi hay đã ngược xuôi vô ích” ( Gl 2, 2 ), thì tiêu chí các ngài nêu ra để đánh giá tính xác thực là ngài không được bỏ quên người nghèo ( xem Gl 2, 10 )…
198. Đối với Hội Thánh, lựa chọn người nghèo là một phạm trù chủ yếu thần học hơn là một phạm trù xã hội học, chính trị hay triết học. Thiên Chúa tỏ “lòng thương xót của Người trước tiên” cho những người nghèo…
201. Không ai được nói mình không thể gần gũi người nghèo vì nếp sống của mình đòi hỏi phải chú ý tới những lãnh vực khác. Đây là một lời bao biện thường nghe thấy trong các giới học thuật, doanh nghiệp hay chuyên môn, thậm chí cả trong giới giáo sĩ…
Résultat de recherche d'images pour "xả lũ thủy điện"Chúng ta hôm nay…
Chúng ta đang sống trong một đất nước có quá nhiều bất công, hàng ngày chứng ta chứng kiến bao nhiêu người kêu oan, họ dầm mưa dãi nắng, chịu đựng những cơn rét cắt da, nằm bờ nằm bụi để lên tiếng kêu oan.
Mấy tháng qua chúng ta chứng kiến bao nhiêu căn nhà, làng mạc, tài sản của dân lành bỗng dưng bị trôi sạch do những chủ nhân thủy điện quái ác xả lũ bảo vệ đập, bảo vệ tài sản của họ bất chấp mạng sống và sự an cư của người khác. Họ làm giàu trên mạng sống của người khác.
Mười tháng qua chúng ta chứng kiến dân lành dọc miền duyên hải các tỉnh miền Trung thất nghiệp, cá chết, thuyền nằm bờ, biển mang độc tố, bầu trời u ám khói bụi… Người dân vô tội bỗng dưng bị tước đoạt quyền sống.
Năm vừa qua chúng ta chứng kiến hơn 200 người vào đồn CA tự tử !
Tin Mừng nói gì ? Lương tâm chúng ta nói gì ? Cái gì sẽ làm nền tảng để ta biện minh trước mặt Chúa khi ta thờ ơ với người nghèo, người bị chà đạp ?
Lm. Vĩnh Sang, DCCT, 14.1.2017

Friday 27 January 2017

Gennaro Maria Sarnelli Tu Sĩ Thừa Sai Dòng Chúa Cứu Thế




Gennaro Maria Sarnelli:
“Chúng tôi là một Hiệp Hội các linh mục thợ
chuyên lo giúp đỡ những người dân quê bị bỏ rơi hơn cả
và chúng tôi cố gắng làm cho người chưa biết Chúa được biết Ngài” 

Một vài tháng sau khi Gennaro Maria Sarnelli lãnh nhận sứ vụ linh mục, thì vào những ngày đầu tháng 11 năm 1732, cha Anphong Maria đệ Ligôri rời thành Napoli về lại Scala gần Amalfi và tại đây Cha sáng lập “Dòng Rất Thánh Cứu Chuộc”.

Những Khó Khăn Ban Đầu
Ngày 9 tháng 11 năm 1732 là ngày khai sinh Hội Dòng Chúa Cứu Thế. Tại nhà khách của các nữ tu Rất Thánh Cứu Chuộc (sau này đổi thành nữ tu Chúa Cứu Thế), quy tụ quanh Đức Cha Tommaso Falcoia, Giám mục Giáo phận Castellammare di Stabia, có cha Anphong Maria đệ Ligôri và bốn người bạn đồng hành có ý định thành lập một nhóm tông đồ. Vincenzo Mannarini, thuộc giới quý tộc miền Calabrais de Rossano, Don Matteo Ripa, một con người hết sức khô cứng; cha Giovani Battista Di Donato người Calabrais, đã sáng lập một hội Dòng mà phần lớn qui luật lấy từ bộ luật của Dòng Tên; Pietro Romano kinh sĩ nhà thờ lớn Scala cũng là cha giải tội thường xuyên cho các nữ tu Dòng Rất Thánh Cứu Chuộc; Silvestro Tosquez nhân vật đặc biệt nhất của thuộc giới quý tộc thành Troia, thẩm phán ở Tòa Án tối cao tại Napoli và Viên Tổng Giám Sát thuế quan miền Foggia, nhưng Silvestro Tosquez vẫn luôn khao khát sứ vụ linh mục và làm thầy dạy đời sống thiêng liêng.

 Gennaro Maria Sarnelli không thuộc thành viên của nhóm đầu tiên và dường như chắc chắn muốn tham gia nhóm. Mặt khác cha linh hướng của Gennaro Maria Sarnelli đã khuyên không nên vội vàng: “Thiên Chúa và thời gian” dường như là quy tắc vàng của việc hướng dẫn thiêng liêng thời bấy giờ và đây cũng là một phương thế kìm hãm Gennaro Maria Sarnelli tránh rơi vào các cuộc mạo hiểm không lối thoát.

Quả thế, nhóm năm người ở Scala đã nhanh chóng tan rã bởi chỉ do lòng nhiệt thành và thiện chí nên đã không thành công, thiếu kinh nghiệm, sự có mặt của quá nhiều người có cá tính mạnh mẽ cùng với kỳ vọng làm người sáng lập và do sự hướng dẫn của Đức Cha Falcioia cứng nhắc nghiêng về lý thuyết hơn là thực tế nên không thể có một sự thống nhất. Cho nên chỉ vài tuần sau khi thành lập Dòng chỉ còn lại một mình cha Anphong Maria đệ Ligôri với giấc mơ thừa sai của ngài và người bạn đồng hành là thầy trợ sĩ Vito

Một Trạng Sư Kiên Trì
Gennaro Maria Sarnelli tiếp nhận các thông tin từ Scala qua Đức Cha Tommaso Falcoia và qua Don Giovanni Mazzini, đồng thời cả thành phố Napoli và Giáo Hội Napoli cũng đang theo dõi diễn tiến sự việc tại Scarla với sự tò mò không lành mạnh. Dù Gennaro Maria Sarnelli đã có mặt tạiở Scala cùng với sự ngăn cản cha linh hướng, nên đành phải trở về Napoli. Còn đồng nghiệp của Anphong Maria đệ Ligôri ở thủ đô tiếp nhận sự thất bại này với những lời đã thành quen thuộc “Tôi đã nói rõ điều đó với anh rồi.”

Thứ hai, ngày 23 tháng 2 năm 1733, Anphong Maria đệ Ligôri đã bị trục xuất khỏi “Hội Thừa Sai Tông Đồ” và phải nhờ đến uy tín của Đức Hồng Y Pignatelli để huỷ bỏ quyết định ấy. Là người bạn trung tín, Gennaro Maria Sarnelli đảm nhận trách nhiệm chẳng mấy đơn giản là bênh vực cho người bạn tâm giao này.

Đại Phúc Với Thánh Anphong Maria đệ Ligôri
Ngày 14 tháng 6 năm 1733, Andrea Maria anh trai của Gennaro Maria Sarnelli lãnh nhận sứ vụ linh mục qua việc đặt tay của Đức Cha Falcoia. Sau cuộc gặp gỡ giữa Đức Cha Falcoia và Gennaro Maria Sarnelli, không một phút lưỡng lự Đức Cha Falcoia viết cho Anphong Maria đệ Ligôri “Gennaro Maria Sarnelli muốn đến thăm cha trong vài ngày nữa và mong muốn đi truyền giáo với cha. Hoạt động truyền giáo đã bị chựng lại khi chỉ còn lại một mình Anphong Maria đệ Ligôri, thì nay lại có thể được tiếp tục.

Tuần đại phúc đầu tiên tại Ravello, từ ngày 14 đến ngày 28 tháng 6, trên đường trở về Napoli, Gennaro Maria Sarnelli gặp Đức Cha Falcoia một lần nữa để thưa chuyện về cảm nghiệm và ích lợi của tuần đại phúc cùng với cha Anphong Maria đệ Ligôri. Khi trở về Castellammare, Đức Cha Facoia đã thấy Gennaro Maria Sarnelli là một người đầy nhiệt huyết về công việc giảng đại phúc cho dân chúng.

GIỮA CÁC TU SĨ DÒNG CHÚA CỨU THẾ
Ngày 9 tháng 7 sau khi đã chia sẻ với Cha linh hướng Gennaro Maria Sarnelli đã viết cho Anphong Maria đệ Ligôri về quyết định của mình “sau khi xét mình trước mặt Chúa thì tôi vào Hội Dòng là do ý muốn của Thiên Chúa”.
Ngày 14 tháng 7, Gennaro Maria Sarnelli viết thêm một lá thứ gửi cho Anphong Maria đệ Ligôri “ơn gọi cao cả mà cha đã giới thiệu cho tôi và rốt cuộc lời mời gọi ấy tôi xem như là một lời mời gọi của Thiên Chúa, mặc dù có nhiều khó khăn mà chính cha đã giãi bày cho tôi thấy. Hơn nữa, vì tôi coi đây là việc đại sự, nên tôi tiên đoán Satan sẽ không ngừng chống phá và sẽ gây cho cha nhiều khó khăn trở ngại khác”.

Quả thực, những thành viên của “Hội Tông Đồ Thừa Sai” đã nghĩ không tốt rằng Anphong đệ Ligôri tự dấn mình vào cuộc phiêu lưu, giờ lại thêm Gennaro Maria Sarnelli cũng dấn mình vào cuộc thử nghiệm điên rồ ấy, một thử nghiệm hầu như đã nắm chắc thất bại trước khi bắt đầu. Những “nhà Đại danh” chê trách việc Gennaro Maria Sarnelli đã giảng một tuần đại phúc mà không được Bề Trên Dòng cho phép. Đó là một cách thức hết sức rõ ràng giúpGennaro Maria Sarnelli phải cắt đứt mọi liên lạc với Hội Dòng mới khai sinh, nghĩa là với Anphong đệ Liguori, khi đó là đại diện duy nhất của Dòng.

Gennaro Maria Sarnelli tìm cách làm im miệng mọi người bằng cách đặt họ trước việc đã rồi. Được sự đồng ý của Đức Cha Falcoia và cha linh hướng, ngài viết một thư ngỏ cho cha Anphong đệ Liguori quyết định ra nhập Hội Dòng của mình. Ngài sao lại bức thư, hơn nữa, còn viết nắn nót. Ngài nhờ luật sư Don Cesare Sportelli, trong khi chờ lãnh sứ vụ linh mục, đang làm thư ký cho Đức Cha Falcoia phổ biến lá thư  khắp Napoli.

Gennaro Maria Sarnelli điềm tĩnh trả lời với những ai mỉa mai hội dòng mới: “Chúng tôi là một Hiệp Hội các linh mục thợ chuyên lo giúp đỡ những người dân quê bị bỏ rơi hơn cả và chúng tôi cố gắng làm cho người chưa biết Chúa được biết Ngài”. Và quả thực, khó mà tìm ra được một định nghĩa tổng hợp và nền tảng hơn cho Dòng Chúa Cứu Thế. Cái “chúng tôi là” chỉ rõ ý muốn của ngài tự coi mình là thành phần của nhóm tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế.

Hành động đi đôi với lời nói đầu tháng 9 năm 1733, ngài rời Napoli để đến sống tại Scala. Sáng kiến của Sarnelli gây nên sự hoang mang trong dư luận quần chúng Napoli. Chính Đức cha Falcoia phải nhận rằng từ đây “không nên liều lĩnh đặt vấn đề nghi ngờ công trình được chúc phúc ấy”.
N.T.M
Biên soạn dựa trên tác phẩm
Gennaro Maria Sarnelli – Tông đồ gái điếm thành Napoli

Thursday 26 January 2017

Lm Lê Trung Nghĩa : Cha Phêro6 DCCT tông đồ của người phong



CHA PHÊRÔ, DCCT, TÔNG ĐỒ CỦA NGƯỜI PHONG
Mùa xuân năm 1856, cha Phêrô ( Peerke Donders ), vốn là một Linh Mục triều, sau này sẽ xin vào Dòng Chúa Cứu Thế Hà Lan, sau mười bốn năm làm Tông Đồ cho người nô lệ, nay được bổ nhiệm làm cha sở cho những người bệnh phong tại trại Batavia, xứ Surinam, một thuộc địa của người Hà Lan tại Nam Mỹ.
Batavia là một Giáo Xứ với những vấn đề xung đột căng thẳng từ rất lâu giữa các cha sở, cha phó tiền nhiệm và người bệnh.
Không một Linh Mục nào ở được nơi đây quá một năm, nhưng với cha Phêrô, thời gian ấy sẽ là hai mươi bảy năm mục vụ, không kể bốn năm ngài về ở trong Dòng rồi lại quay trở lại với trại Batavia, cho tới khi ngài qua đời vì căn bệnh viêm thận cấp tính năm 1887.
Ngay từ đầu, cha Phêrô đã bắt tay ngay vào việc cải thiện hoàn cảnh vật chất thảm hại tại đây. Bác sĩ Van Hasselaar sau khi lần đầu tiên đến thăm trại đã kể lại: “Chỉ nhìn người cùi không thôi cũng là một việc kinh khủng rồi: không thể nào hình dung nổi những con người ở đây, thân thể họ đã trở nên sần sùi, da họ giống như vỏ cây liễu già, phần lớn mũi miệng đều bị lở loét làm cho giọng nói bị khản đặc...”
Thật vậy, tay chân và các bộ phận khác bị thối rữa ngay khi người bệnh còn sống, bốc lên mùi hôi thối lờ lợ như mùi xác chết trong những căn chòi lợp lá dừa mà họ trú thân, đến nỗi có lần các nhân viên của một ủy ban y tế do cha Phêrô mời đến giúp, đã không kềm được, phải phóng vội ra khỏi những căn chòi khủng khiếp ấy để nôn thốc nôn tháo.
Cha Phêrô ghi lại: ”Bên trong những căn chòi giống như chuồng lợn ấy, người bệnh ngủ ngay dưới đất. Nền đất hút lấy phần lớn máu mủ của họ. Vì thiếu y tá, họ phải giúp đỡ lẫn nhau nên thường xuyên ở trong tình trạng nhiễm trùng và dơ bẩn. Lương thực cũng thiếu trầm trọng, nước thì phải đi lấy từ xa. Còn củi để nấu bếp phải tự đi vào rừng chặt lấy...”
Trong khi đó, ban lãnh đạo lại có thái độ hết sức tàn nhẫn, họ bảo: “Nếu bọn hủi này có chết bớt đi vì đói và bệnh càng tốt !” Cha Phêrô can đảm đấu tranh chống lại tình trạng này, ngài đặt thêm giường và lót ván dưới nền các căn chòi. Còn thức ăn thì ngài đành chỉ biết chia sẻ phần lớn những gì của chính ngài cho những người đói nhất. Về phần những người chết, ngài thuyết phục ban lãnh đạo cấp cho họ một cỗ áo quan cho tử tế. Còn lại những gì không xin được, ngài tự mình làm lấy.
Sau khi dành những giờ đầu tiên trong ngày cho Thánh Lễ và cầu nguyện, cha Phêrô đi thăm người bệnh và đặc biệt quan tâm đến những người bị bỏ rơi nhất và những người mới đến. Ngài không chỉ bằng lòng với những lời nói đạo đức để an ủi, nhưng còn xắn tay áo đi bổ củi, xách nước, nâng đỡ thân thể thối rữa của họ để họ được uống nước. Ngài quét nhà, đổ rác, giặt quần áo đầy mủ máu, rửa các vết thương ghê sợ. Khi viên quản đốc cảnh giác cha về khả năng lây nhiễm, ngài chỉ trả lời gọn một câu: “Có gì mà sợ !”
Cha Phêrô cũng chú trọng đến mặt mục vụ thiêng liêng. Do tình trạng sống vô vọng như thế, các bệnh nhân ở đây hầu như không còn biết đến ý thức luân lý là gì nữa. Nghiện rượu, vô luân, ăn cắp, ganh tỵ, cãi cọ, ẩu đả, nổi loạn, bấp chấp luật lệ chung...
Cha Phêrô nhận ra vấn đề Ơn Cứu Độ con người toàn diện ở đây vượt quá những chuyện ăn uống, ngủ nghỉ, thuốc men, sức khỏe và cả cái chết nữa. Và cha đã sống và làm việc hoàn toàn hướng về Thiên Chúa và người đồng loại khốn khổ. Sau này, vị giám đốc trại phong đã phải nhận xét: “Từ khi Kitô giáo, do lòng nhiệt tình của các Thừa Sai, được giảng dạy ở đây, dân chúng không còn gây khó khăn cho chúng tôi trong việc duy trì luật pháp trật tự. Phong hóa và đời sống nhân bản đã thay đổi hẳn, đến mức ta có cảm tưởng đứng trước những con người hoàn toàn khác !”
Đến năm 1867 khi đã xin vào Dòng Chúa Cứu Thế, cha Phêrô lại xin giúp thêm những thổ dân da đỏ và những nô lệ da đen sống chui nhủi trong các khu rừng rậm. Cứ 6 tháng một lần, ngài tạm rời trại phong Batavia để vượt sông suối thác ghềnh đi tìm họ, dạy đạo và rửa tội cho họ.
Đến cuối tháng 12 năm 1886, khi đã 77 tuổi, sức khỏe tuy đã cạn kiệt, cha vẫn cố gắng đi thăm lần chót tất cả những người phong, giải tội, trao Mình Thánh Chúa. Rồi cùng với Họ Đạo, cha cử hành Lễ Giáng Sinh. Ngày 31 tháng 12, ngài còn giảng lần cuối cùng rồi mới nằm liệt giường vì chứng viêm thận vào giai đoạn cuối.
Rạng sáng ngày 6 tháng 1 năm 1887, cha Bakker một Linh Mục Thừa Sai già đã nhiễm bệnh phong, xức dầu cho cha Phêrô. Đến thứ tư ngày 12 tháng 1, ngài nói: “Kiên nhẫn thêm một chút nữa nhé, tôi sẽ được về với Chúa vào trưa thứ sáu, lúc 3 giờ chiều”. Thật vậy, đúng trưa thứ sáu 14.1.1887, cha Phêrô Donders đã trút hơi thở cuối cùng, thọ 78 tuổi. Lễ an táng diễn ra ngay hôm sau, những người bệnh phong đều theo sau linh cữu, người thì chống nạng, kẻ thì lết cho đến tận huyệt mộ ngay dưới chân một cây Thánh Giá lớn.
Quả thật, nhìn lại cuộc đời cha Phêrô, những người cùng thời và ngày nay đều phải thốt lên: “Chúa đã ghé mắt đoái nhìn phận nghèo hèn của tôi tớ Chúa, và Đấng Toàn Năng đã làm nơi cha Phêrô những việc vĩ đại !” Và sau gần 100 năm, ngày 14 tháng 1 năm 1982, cha Phêrô Donders ( 1809 – 1887 ) Tu Sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 phong Chân Phúc tại Roma.
Theo tài liệu của Lm. LÊ TRUNG NGHĨA, DCCT