Tuesday, 24 January 2017

Lm Lê Quang Uy DCCT: Một cái tết nghèo hơn, đói hơn



MỘT CÁI TẾT NGHÈO HƠN, ĐÓI HƠN, LẠNH HƠN…
Hôm vừa rồi, một phóng viên của hãng tin UCAN, có hỏi chúng tôi nhận định chung về cái Tết năm nay ở Việt Nam, chúng tôi chỉ có một cách trả lời thật thà rằng: Đây sẽ là một cái Tết nghèo hơn, đói hơn, khát hơn, lạnh hơn và lo âu nhiều hơn những cái Tết trước đây. Hình như người phỏng vấn không hề ngạc nhiên về một nhận định có vẻ nhiều bi quan như thế của chúng tôi, anh tỏ ra đồng tình. Vâng, thực tế đất nước chúng ta không thể giấu diếm những cái khốn khổ nhiều hơn ấy, mỗi năm không thấy có thêm nhiều dấu hiệu vui, ngược lại, những nét xấu, nét buồn, nét xám xịt lại cứ tăng thêm. Không phải bi quan, mà là không thể lạc quan… tếu !
Những vấn đề kinh tế ở tầng vĩ mô thường được bàn đến bằng các từ ngữ chuyên môn, các con số thống kê, các phát biểu này nọ của các chuyên gia, tất cả dễ dàng làm cho người nghe ù tai, người đọc hoa mắt, nhưng nếu ngay sau đó đi đến một kết luận cụ thể thì một chị bán rau ở chợ cũng sẽ hiểu ngay và rùng mình kinh hãi. Ví dụ: Nợ công tăng nhanh trong 5 năm qua là 18,4%, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế v.v… Chẳng ai hình dung nó là thế nào, nhưng nói dân Việt Nam đang phải gánh món nợ công, mỗi người 1.000 đôla Mỹ, nghĩa là già trẻ lớn bé giàu nghèo, thành thị hay thôn quê, đồng bằng hay cao nguyên, ông cán bộ cao cấp và bà ăn mày ở cổng Nhà Thờ, cụ già đang hấp hối và em bé vừa oe oe khóc chào đời, tất tất, chia đều, đều đang nợ hơn 22 triệu đồng ! Đương nhiên ông cán bộ thì mới hiểu rõ tại sao nợ, nợ ai, phải trả nợ như thế nào, nhưng ông vẫn cứ đắp chăn ấm ngủ khỏe, chỉ có người nghèo mới có nguy cơ chết vì đói và rét dịp giáp Tết năm nay và những ngày sau đó.
Khi làm bản tường trình của Phòng Bác Ái Xã Hội, chúng tôi để ý thấy năm 2016 vừa qua có sự tăng vọt 4 loại bệnh nhân ngặt nghèo sau đây: bệnh ung thư, chứng suy thận mãn, sơ gan cổ trướng và các chấn thương nặng nề do tai nạn. Ung thư thì chắc chắn do ô nhiễm môi trường và thực phẩm do các hóa chất Trung Quốc đẩy sâu và rộng vào cuộc sống Việt Nam, đau xót là có sự tiếp tay của cán bộ và của chính người dân hám lợi. Suy thận thì nguyên nhân tương tự, cơ thể không lọc nổi các chất độc nữa, phải lọc máu hằng tuần hai ba lần để cầm cự thoi thóp. Sơ gan thì đặc biệt dành cho cánh đàn ông nhậu nhẹt càng ngày càng tăng nhịp, tăng liều, tăng nồng độ, giúp cho Việt Nam vượt lên… huy chương bạc Đông Nam ấp về uống rượu bia. Cuối cùng là các chấn thương cột sống, sọ não, lục phủ ngũ tạng… do tai nạn giao thông, đa số là các nạn nhân nghèo, còn kẻ gây tai nạn thì thường là khá giả giàu có, là cán bộ hoặc quen biết CA để chạy án bồi thường qua loa đại khái. Một bệnh nhân ngặt nghèo như vậy nếu có sống sót thì cũng không phục hồi lao động được nữa, kéo theo một món nợ ít là hàng trăm triệu đồng phải đóng cho bệnh viện.
Một Linh Mục coi sóc một Giáo Xứ ở miền Trung với mấy ngàn Giáo Dân chỉ sống bằng nghề cá, có tâm sự với chúng tôi: Vụ Formosa của Trung Quốc đang hoành hành thì thêm đập thủy điện xả lũ vô tội vạ, vô trách nhiệm, người dân mất mạng hoặc trắng tay trong phút chốc. Và đáng sợ nhất là bây giờ họ nhìn vào ngày mai mà bó tay bất lực, không thấy được lối thoát như những lần phải gánh chịu thiên tai trước đây, họ có sức, họ có tay nghề, họ có quyết tâm, nhưng họ chẳng còn gì để mưu sinh. Giới trẻ các nơi khác thường kéo nhau lên xe về quê ăn Tết, nhưng giới trẻ ở đây thì ngược lại, họ đang và sẽ đổ về các vùng biên giới để làm "cửu vạn", về các thành phố lớn như Hà Nội, Sàigòn, Đà Nẵng để "bán sức lao động" những ngày áp Tết này.
Một Linh Mục ở đồng bằng sông Cửu Long bất ngờ gặp chúng tôi ở sân Nhà Dòng, ông la to lên: "Mới năm nào cha còn về cứu trợ chúng con vì lũ lụt nước tràn ngập mênh mông, năm nay thì chúng con hạn hán, khô queo không một giọt nước. Nước không về, tôm cá chẳng có, ruộng ngập mặn, đói rồi cha ơi!"
Vậy mà, nghe kể lại chuyện ở bàn ăn sáng của các cha dịp Tĩnh Tâm năm. Có mấy cha bỏ không ăn hoặc chỉ ăn mấy miếng bánh ướt rồi bỏ mứa. Một cha phản ứng: nếu không ăn hết thì đừng lấy nhiều như thế vào dĩa chứ ! Có cha trả lời: mình không thích món này. Cha khác bảo: nhà bếp làm không hợp khẩu vị mình... Cuối cùng một cha khác nữa đấu dịu: anh em nào không thích ăn hoặc không ăn hết thì xin bỏ sang cho mình, mình sẽ cố gắng ăn cho hết, bỏ phí tội nghiệp, bao nhiêu người nghèo quanh ta đang cần chỉ một phần nhỏ thế này thôi của chúng ta cũng đủ sống một ngày !
Cái đáng tiếc là nhiều người đã từng là người nghèo, đã từng trải qua những ngày thiếu thốn, phải ăn độn bo bo với khoai lang sùng. Thế rồi cuộc sống đã khá lên, không chỉ ăn no mặc ấm, mà còn được ăn ngon mặc đẹp, nhất là các Tu Sĩ, các Linh Mục, không ít vị đã vội quên quá khứ nghèo nên có lẽ cũng sẽ không cảm thấu hết được cái hiện tại nghèo của đa số đồng bào mình, nói chi đến chuyện sẽ phải làm gì cho tương lai người ta đừng phải nghèo như thế nữa !?!
Chúng ta sẽ phải làm gì đây ngoài việc cầu nguyện và viết những giòng chữ đắng lòng này ?
Résultat de recherche d'images pour "BỆNH NHÂN NGHÈO"Nghe kể ở một Nhà Dòng, Bề Trên xin anh em nhịn bớt phần tráng miệng là một quả chuối, coi như mỗi người để dành được ba quả chuối một ngày trong suốt Mùa Chay. Nhiều người cho là chuyện vớ vẩn, nhiều người còn nặng lời: đến quả chuối mà cũng không cho ăn ! Không ngờ trong tuần bát nhật Phục Sinh, Bề Trên công bố số tiền dành dụm được là hơn hai mươi triệu đồng đã được chuyển đi giúp một bệnh nhân ngặt nghèo trên Tây Nguyên có thêm tiền mổ tim.
Nhìn ra anh chị em tín hữu, chỉ nguyên trên Facebook thôi đã thấy bao nhiêu cuộc hẹn hò của các bạn trẻ, góp cái này, chung cái kia, để có thể gửi mấy chục cái chăn cho người dân tộc vùng cao, chuyển mấy chục thùng mì gói cho một trại tâm thần, nhờ xe tải chở mấy chục bao quần áo còn tốt và sạch ra vùng chịu lũ, mang mấy chục hộp sữa đến sinh hoạt với các em mồ côi, tặng mấy chục chiếc xe lăn cho những người già yếu và bại liệt ở miền quê…
BV qua taiLại có một nhóm quy tụ các thương phế binh lại để giúp đưa đi khám chữa bệnh, mua bảo hiểm cho họ, dựng những căn nhà tươm tất cho họ và cùng nghêu ngao hát với họ: "Việt Nam không đòi xương máu, Việt Nam kêu gọi thương nhau…" Lại có mấy nhóm các bà xúm lại nấu cơm và làm thức ăn mang vào chia trong nhà thương, mấy nhóm rảo qua các phòng bệnh nặng ngày thứ sáu để lập danh sách những ai cần xưng tội, cần xức dầu, cần được một người ân cần trò chuyện nâng đỡ ủi an. Mấy toán Tráng Hướng Đạo để dành từng chục ngàn đồng để sẽ đi thăm người nghèo ngoài lòng lề đường Tết năm nay.
Có cụ bà gốc Hà Nội tận tụy đi gõ cửa một Công ty quen biết để xin cho các cháu suy dinh dưỡng mười mấy lon sữa bột Thụy Điển date xử dụng còn được đến mấy tháng. Có các bác sĩ người Mỹ, người Việt về Việt Nam không phải để du lịch mà là để cùng nhau giải phẫu miễn phí cho các bệnh nhi. Có các bạn trẻ chọn tên nhóm mình là Nhóm Tôbia, cầu nguyện cho việc BVSS rồi họp nhau phân công Résultat de recherche d'images pour "tết cho NGƯỜI NGHÈO"đi đón xác các thai nhi từ các bệnh viện và phòng khám xa Sàigòn để về lo hậu sự. Có em bé giúp Lễ tuần nào cũng đến trao cho chúng tôi một phong bì, xin được góp tiền ăn quà cho các bệnh nhân ngặt nghèo của Quỹ Mẹ Hằng Cứu Giúp…
Những việc dễ thương như thế năm nào cũng có, lúc nào cũng có, có quanh năm chứ chẳng đợi đến Tết, thế nhưng Tết này họ bảo nhau: năm nay người ta đói hơn, buồn hơn, bệnh tật nhiều hơn, ít người có thể về quê hơn… nên chúng mình đóng cho họ một lọ mắm ruốc, góp thêm cho họ một đòn bánh tét, bỏ phong bao cho họ thêm năm chục ngàn, và nhớ nói chuyện với họ ân cần hơn một chút, cười với họ tươi hơn một chút…
Trong lúc nhiều tiếng nói chống lại cường quyền bất công vẫn đang được cất lên ngày càng nhiều, ngày càng mạnh, trong lúc nhiều cuộc biểu tình đấu tranh cho quyền sống còn của con người và đất nước trong năm qua bùng nổ liên tiếp, thì những con sóng ở phía dưới, ở mặt sau của xã hội tưởng chỉ là lăn tăn không đáng kể, hóa ra lại cũng đang góp phần đẩy lui bóng tối sự dữ, đem lại niềm hy vọng, cố gắng băng bó những vết thương tâm hồn, níu lấy tay nhau, tựa vào vai nhau mà trỗi dậy trong tình thương xót…
Có một bức tranh thời cuối thế kỷ 19 vẽ một hàng dài những người nghèo trong một khu tồi tàn của thành phố, họ đang đứng đợi trước một nhà phát chẩn. Đó là một bức tranh đáng chú ý. Nhưng điều đáng chú ý nhất trong bức tranh là một trong những người nghèo đứng xếp hàng, ông ta có vòng hào quang trên đầu. Nhìn kỹ lại thì đó chính là… Chúa Giêsu !
Lm. LÊ QUANG UY, DCCT, 14.1.2017
Kính Chân Phúc Phêrô Donders, DCCT, Tông Đồ người bệnh phong

No comments: