Tôi
được tham dự buổi họp tổng kết năm cũ và định hướng năm mới tổ chức cho các Bề
Trên cộng đoàn và các vị hiệu trưởng các trường thuộc một Hội Dòng nữ trong
thành phố, nhân dịp cuối năm cuộc họp kết thúc bằng một buổi liên hoan tất
niên, thật ra tôi chỉ tham dự phần nói chuyện định hướng thôi, nhưng trong buổi
nói chuyện đó chúng tôi đã chia xẻ rất thật lòng với nhau, và nhờ vậy vỡ ra
nhiều chuyện quan trọng.
Khi khởi sự tiệc liên
hoan, gọi là tiệc cho nó oai chứ tôi thấy các món ăn cũng đơn sơ lắm, bà Bề
Trên giới thiệu với tôi về các Nữ Tu trẻ dự tiệc hôm nay rồi ngày mai chia tay,
các bạn sẽ về gia đình nghỉ Tết theo truyền thống dân tộc Việt. Vì dư âm của
buổi chia xẻ định hướng nên sự kiện các Nữ Tu trẻ về gia đình vào dịp Tết kéo
chúng tôi tiếp tục suy nghĩ ngay trên bàn cơm.
Trong phần trao đổi ở
cuộc họp, các Nữ Tu đã trăn trở về sứ vụ của Hội Dòng trong xã hội Việt Nam
hiện nay, đã có nhiều ý kiến cho thấy việc phục vụ ở các nhà trẻ gây nhiều vấn
đề cho đời tu, khối lượng công việc, hệ thống giáo dục, cơ chế đào tạo, bệnh
thành tích thi đua, bệnh gian dối… cứ lôi kéo các Nữ Tu xa dần đời sống cầu
nguyện và cộng đoàn. Đã có những thử nghiệm thiết lập một vài cộng đoàn chuyên
lo việc loan báo Tin Mừng ở các vùng sâu vùng xa, không tổ chức nhà trẻ, kết
quả chị em vui mừng vì công việc này, nhưng xem ra đời sống kinh tế quá bấp
bênh, hiệu quả công việc chưa thấy ngay... Tất cả làm cho chị em e ngại.
Tôi chia xẻ sứ mạng
hàng đầu của Hội Thánh là loan báo Tin Mừng, không có giải thích nào hợp lý nếu
làm nhẹ đi sứ mạng này, và theo Tin Mừng, cũng là theo Tông Huấn Niềm Vui Tin
Mừng, người nghèo phải là người ưu tiên được loan báo Tin Mừng ( NVTM số 48 ),
không một biện minh nào được phép chối từ định hướng này của Hội Thánh ( NVTM
số 201 ). Nguyên tắc là như vậy, nhưng hình như để đi vào thực tế thì quá gian
nan, cái khó ở chỗ tìm sự đồng thuận trong một xã hội được hình thành từ những
khuynh hướng duy cá nhân, tìm hưởng thụ, mê muội tự do, tương đối mọi sự và tục
hóa.
Đứng trước cảnh các
bạn Nữ Tu trẻ chia tay Nhà Dòng để về gia đình ăn Tết “theo truyền thống dân
tộc” vị Bề Trên chua chát chia xẻ: “Ngày Tết Nhà Dòng vắng như chùa bà đanh !”
Tôi hỏi bà: “Đi tu rồi, khấn rồi, thì gia đình mình là đâu, ở nhà cũ hay là Nhà
Dòng ? Sao trên cửa miệng nói Tu Viện là nhà của con, Nhà Dòng là nhà của con,
chị em là gia đình của con ? Nói mà không làm như lời nói ?” Tôi chia xẻ với
bà: “Xin phép được hỏi: những ngày về nhà quê, đời sống cầu nguyện và các giờ
kinh thế nào ? mấy ai giữ nghiêm chỉnh ?”
Chúng ta không thấy
lạ lùng sao, khi những ngày Tết chúng ta đóng cửa Nhà Thờ, dừng các công việc
mục vụ với lý do các cha các thầy các sơ về quê ăn Tết. Chúng ta phó mặc các
tín hữu và các người quý mến chúng ta cho những cuộc vui chơi mang nhiều cám dỗ
và trụy lạc. Tại sao những ngày thiêng liêng của dân tộc, những ngày nhu cầu
tâm linh rất cao, chúng ta lại đóng cửa cõi tâm linh với mọi người. Tại sao
những ngày con người cần “kẻ tôi tớ” thì kẻ tôi tớ cũng nghỉ để đi chơi ? Thế
danh xưng “kẻ tôi tớ” để lừa mị người khác ư ?
Biết bao công việc
mục vụ ngày Tết là cơ hội đem Chúa đến cho mọi người, Hội Đồng Giám Mục Việt
Nam vừa ra Thư Mục Vụ thiết lập ba năm theo chủ đề Gia Đình, tại sao chúng ta
không mở cửa Nhà Thờ ít là ba ngày Tết, mời và tiếp đón bà con tín hữu cũng như
người ở các tôn giáo khác tìm đến, hướng dẫn từng gia đình dâng mình cho Đức Mẹ
nhân dịp kỷ niệm 100 năm Phatima, cầu nguyện cho năm mới và trao lộc Lời Chúa ?
Tại sao chúng ta không mở cửa Nhà Thờ vào những giờ khắc thiêng liêng nhất để
mọi người đều có thể ghé vào thắp một nén nhang, nâng hồn lên cõi thiêng liêng
với những lời khấn nguyện chân thành nhất “theo truyền thống dân tộc”?
Trong
Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng số 47, Đức Giáo Tông Phanxicô đã yêu cầu các Nhà
Thờ mở cửa, tại sao chúng ta không mở cửa Nhà Thờ ? Có người đã lý luận, cái
cửa cần mở là cửa tâm hồn, đúng ! nhưng cửa vật chất không mở thì lấy đâu mà mở
cửa tâm hồn ? Có người lý luận: sợ trộm cắp, chúng ta lại có lối suy nghĩ “cái
gì không kiếm soát được thì cấm”, cái lối suy nghĩ đã dìm dân tộc này xuống bùn
đen mấy mươi năm qua!
Bao lâu chúng ta chưa
chịu thay đổi (Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng số 25) bấy lâu chúng ta đừng mong
đất nước này thay đổi.
Lm.
VĨNH SANG, DCCT, 19.1.2017
No comments:
Post a Comment