Saturday 28 January 2017

Lm Vĩnh Sang : Phêrô Donders con đường nên thánh hôm nay



PHÊRÔ DONDERS, CON ĐƯỜNG NÊN THÁNH HÔM NAY
Phêrô Donders, Thừa Sai cho người nghèo khổ
Chân Phúc Phêrô Donders, Tu Sĩ, Linh Mục Dòng Chúa Cứu Thế, sinh năm 1809 tại Hà Lan, vào Chủng Viện, nhận sứ vụ Linh Mục và được sai đến Surinam làm mục vụ trong các đồn điền của người Hà Lan. Sau khi Tòa Thánh trao Surinam cho DCCT, Cha Donders mong ước ở lại phục vụ nên gia nhập DCCT năm 1866.
Tại Surinam, cha Phêrô Donders nhận ra những người nô lệ sống trong các đồn điền bị áp bức, đối xử tàn bạo và bị chà đạp nhân phẩm, họ không được hưởng những chăm sóc tối cần thiết cho dinh dưỡng và sức khỏe. Cha tìm mọi cách lên tiếng và thuyết phục giới chủ nhân thay đổi cách đối xử với những nô lệ. Mối tương quan giữa cha với giới chủ nhân có những lúc căng thẳng do họ bị tổn hại quyền lợi khi cha đứng về phía người nghèo, người bị áp bức. Kiên vững và can đảm, cha không ngừng lên tiếng bảo vệ người da đỏ bản xứ.
Cha vấp phải khá nhiều trở ngại do ngôn ngữ bất đồng, sự kém hiểu biết của người bản địa, và cả sự mê tín của họ, nhưng lòng yêu thương họ, những người nghèo khổ bị bóc lột một cách bất công, đã không làm chùn bước của cha. Cha tiếp tục dấn thân cho họ, cha rời bỏ cuộc sống ở các đồn điền trù phú với những phương tiện sống tương đối tiện nghi để vào hẳn rừng sâu, trú ngụ trong một làng của người da đỏ mang bệnh phong cùi, ở đây cha hết lòng yêu thương lo lắng cho họ cho đến khi cha về với Chúa.
Ngày 14 tháng 1 hàng năm, Dòng Chúa Cứu Thế kính nhớ Chân Phúc Phêrô Donders.
Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng của Đức Thánh Cha Phanxicô
186. Đức tin của chúng ta vào Đức Kitô, Đấng đã trở nên nghèo khó và luôn luôn gần gũi những người nghèo và những người bị hất hủi, là cơ sở cho mối quan tâm của chúng ta đối với sự phát triển toàn diện của các thành viên bị lãng quên nhất của xã hội.
187. Mỗi cá nhân và mỗi cộng đồng Kitô hữu được kêu gọi trở thành một dụng cụ của Thiên Chúa cho việc giải phóng và thăng tiến người nghèo, và giúp họ là thành viên đầy đủ của xã hội. Việc này đòi chúng ta phải mở lòng và chăm chú lắng nghe tiếng kêu của người nghèo và đến cứu giúp họ…
188 … Nếu chúng ta, những người được Chúa dùng để lắng nghe người nghèo, mà bịt tai trước tiếng kêu xin này, chúng ta chống lại ý muốn và kế hoạch của Người…
195. Khi Thánh Phaolô lên Giêrusalem gặp các Tông Đồ để xác định rõ liệu ngài đang “ngược xuôi hay đã ngược xuôi vô ích” ( Gl 2, 2 ), thì tiêu chí các ngài nêu ra để đánh giá tính xác thực là ngài không được bỏ quên người nghèo ( xem Gl 2, 10 )…
198. Đối với Hội Thánh, lựa chọn người nghèo là một phạm trù chủ yếu thần học hơn là một phạm trù xã hội học, chính trị hay triết học. Thiên Chúa tỏ “lòng thương xót của Người trước tiên” cho những người nghèo…
201. Không ai được nói mình không thể gần gũi người nghèo vì nếp sống của mình đòi hỏi phải chú ý tới những lãnh vực khác. Đây là một lời bao biện thường nghe thấy trong các giới học thuật, doanh nghiệp hay chuyên môn, thậm chí cả trong giới giáo sĩ…
Résultat de recherche d'images pour "xả lũ thủy điện"Chúng ta hôm nay…
Chúng ta đang sống trong một đất nước có quá nhiều bất công, hàng ngày chứng ta chứng kiến bao nhiêu người kêu oan, họ dầm mưa dãi nắng, chịu đựng những cơn rét cắt da, nằm bờ nằm bụi để lên tiếng kêu oan.
Mấy tháng qua chúng ta chứng kiến bao nhiêu căn nhà, làng mạc, tài sản của dân lành bỗng dưng bị trôi sạch do những chủ nhân thủy điện quái ác xả lũ bảo vệ đập, bảo vệ tài sản của họ bất chấp mạng sống và sự an cư của người khác. Họ làm giàu trên mạng sống của người khác.
Mười tháng qua chúng ta chứng kiến dân lành dọc miền duyên hải các tỉnh miền Trung thất nghiệp, cá chết, thuyền nằm bờ, biển mang độc tố, bầu trời u ám khói bụi… Người dân vô tội bỗng dưng bị tước đoạt quyền sống.
Năm vừa qua chúng ta chứng kiến hơn 200 người vào đồn CA tự tử !
Tin Mừng nói gì ? Lương tâm chúng ta nói gì ? Cái gì sẽ làm nền tảng để ta biện minh trước mặt Chúa khi ta thờ ơ với người nghèo, người bị chà đạp ?
Lm. Vĩnh Sang, DCCT, 14.1.2017

No comments: