Thursday, 26 January 2017

Lm Lê Trung Nghĩa : Cha Phêro6 DCCT tông đồ của người phong



CHA PHÊRÔ, DCCT, TÔNG ĐỒ CỦA NGƯỜI PHONG
Mùa xuân năm 1856, cha Phêrô ( Peerke Donders ), vốn là một Linh Mục triều, sau này sẽ xin vào Dòng Chúa Cứu Thế Hà Lan, sau mười bốn năm làm Tông Đồ cho người nô lệ, nay được bổ nhiệm làm cha sở cho những người bệnh phong tại trại Batavia, xứ Surinam, một thuộc địa của người Hà Lan tại Nam Mỹ.
Batavia là một Giáo Xứ với những vấn đề xung đột căng thẳng từ rất lâu giữa các cha sở, cha phó tiền nhiệm và người bệnh.
Không một Linh Mục nào ở được nơi đây quá một năm, nhưng với cha Phêrô, thời gian ấy sẽ là hai mươi bảy năm mục vụ, không kể bốn năm ngài về ở trong Dòng rồi lại quay trở lại với trại Batavia, cho tới khi ngài qua đời vì căn bệnh viêm thận cấp tính năm 1887.
Ngay từ đầu, cha Phêrô đã bắt tay ngay vào việc cải thiện hoàn cảnh vật chất thảm hại tại đây. Bác sĩ Van Hasselaar sau khi lần đầu tiên đến thăm trại đã kể lại: “Chỉ nhìn người cùi không thôi cũng là một việc kinh khủng rồi: không thể nào hình dung nổi những con người ở đây, thân thể họ đã trở nên sần sùi, da họ giống như vỏ cây liễu già, phần lớn mũi miệng đều bị lở loét làm cho giọng nói bị khản đặc...”
Thật vậy, tay chân và các bộ phận khác bị thối rữa ngay khi người bệnh còn sống, bốc lên mùi hôi thối lờ lợ như mùi xác chết trong những căn chòi lợp lá dừa mà họ trú thân, đến nỗi có lần các nhân viên của một ủy ban y tế do cha Phêrô mời đến giúp, đã không kềm được, phải phóng vội ra khỏi những căn chòi khủng khiếp ấy để nôn thốc nôn tháo.
Cha Phêrô ghi lại: ”Bên trong những căn chòi giống như chuồng lợn ấy, người bệnh ngủ ngay dưới đất. Nền đất hút lấy phần lớn máu mủ của họ. Vì thiếu y tá, họ phải giúp đỡ lẫn nhau nên thường xuyên ở trong tình trạng nhiễm trùng và dơ bẩn. Lương thực cũng thiếu trầm trọng, nước thì phải đi lấy từ xa. Còn củi để nấu bếp phải tự đi vào rừng chặt lấy...”
Trong khi đó, ban lãnh đạo lại có thái độ hết sức tàn nhẫn, họ bảo: “Nếu bọn hủi này có chết bớt đi vì đói và bệnh càng tốt !” Cha Phêrô can đảm đấu tranh chống lại tình trạng này, ngài đặt thêm giường và lót ván dưới nền các căn chòi. Còn thức ăn thì ngài đành chỉ biết chia sẻ phần lớn những gì của chính ngài cho những người đói nhất. Về phần những người chết, ngài thuyết phục ban lãnh đạo cấp cho họ một cỗ áo quan cho tử tế. Còn lại những gì không xin được, ngài tự mình làm lấy.
Sau khi dành những giờ đầu tiên trong ngày cho Thánh Lễ và cầu nguyện, cha Phêrô đi thăm người bệnh và đặc biệt quan tâm đến những người bị bỏ rơi nhất và những người mới đến. Ngài không chỉ bằng lòng với những lời nói đạo đức để an ủi, nhưng còn xắn tay áo đi bổ củi, xách nước, nâng đỡ thân thể thối rữa của họ để họ được uống nước. Ngài quét nhà, đổ rác, giặt quần áo đầy mủ máu, rửa các vết thương ghê sợ. Khi viên quản đốc cảnh giác cha về khả năng lây nhiễm, ngài chỉ trả lời gọn một câu: “Có gì mà sợ !”
Cha Phêrô cũng chú trọng đến mặt mục vụ thiêng liêng. Do tình trạng sống vô vọng như thế, các bệnh nhân ở đây hầu như không còn biết đến ý thức luân lý là gì nữa. Nghiện rượu, vô luân, ăn cắp, ganh tỵ, cãi cọ, ẩu đả, nổi loạn, bấp chấp luật lệ chung...
Cha Phêrô nhận ra vấn đề Ơn Cứu Độ con người toàn diện ở đây vượt quá những chuyện ăn uống, ngủ nghỉ, thuốc men, sức khỏe và cả cái chết nữa. Và cha đã sống và làm việc hoàn toàn hướng về Thiên Chúa và người đồng loại khốn khổ. Sau này, vị giám đốc trại phong đã phải nhận xét: “Từ khi Kitô giáo, do lòng nhiệt tình của các Thừa Sai, được giảng dạy ở đây, dân chúng không còn gây khó khăn cho chúng tôi trong việc duy trì luật pháp trật tự. Phong hóa và đời sống nhân bản đã thay đổi hẳn, đến mức ta có cảm tưởng đứng trước những con người hoàn toàn khác !”
Đến năm 1867 khi đã xin vào Dòng Chúa Cứu Thế, cha Phêrô lại xin giúp thêm những thổ dân da đỏ và những nô lệ da đen sống chui nhủi trong các khu rừng rậm. Cứ 6 tháng một lần, ngài tạm rời trại phong Batavia để vượt sông suối thác ghềnh đi tìm họ, dạy đạo và rửa tội cho họ.
Đến cuối tháng 12 năm 1886, khi đã 77 tuổi, sức khỏe tuy đã cạn kiệt, cha vẫn cố gắng đi thăm lần chót tất cả những người phong, giải tội, trao Mình Thánh Chúa. Rồi cùng với Họ Đạo, cha cử hành Lễ Giáng Sinh. Ngày 31 tháng 12, ngài còn giảng lần cuối cùng rồi mới nằm liệt giường vì chứng viêm thận vào giai đoạn cuối.
Rạng sáng ngày 6 tháng 1 năm 1887, cha Bakker một Linh Mục Thừa Sai già đã nhiễm bệnh phong, xức dầu cho cha Phêrô. Đến thứ tư ngày 12 tháng 1, ngài nói: “Kiên nhẫn thêm một chút nữa nhé, tôi sẽ được về với Chúa vào trưa thứ sáu, lúc 3 giờ chiều”. Thật vậy, đúng trưa thứ sáu 14.1.1887, cha Phêrô Donders đã trút hơi thở cuối cùng, thọ 78 tuổi. Lễ an táng diễn ra ngay hôm sau, những người bệnh phong đều theo sau linh cữu, người thì chống nạng, kẻ thì lết cho đến tận huyệt mộ ngay dưới chân một cây Thánh Giá lớn.
Quả thật, nhìn lại cuộc đời cha Phêrô, những người cùng thời và ngày nay đều phải thốt lên: “Chúa đã ghé mắt đoái nhìn phận nghèo hèn của tôi tớ Chúa, và Đấng Toàn Năng đã làm nơi cha Phêrô những việc vĩ đại !” Và sau gần 100 năm, ngày 14 tháng 1 năm 1982, cha Phêrô Donders ( 1809 – 1887 ) Tu Sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 phong Chân Phúc tại Roma.
Theo tài liệu của Lm. LÊ TRUNG NGHĨA, DCCT

No comments: