Đối với riêng tôi, Vinh Sơn và An
Phong là hai vị Thánh ghi những dấu ấn rất đậm từ tuổi thanh niên đến hôm nay,
và có lẽ cả cho đến cuối đời. Vì thế, với bài viết này, từ nhiều góc độ khác
nhau, tôi xin được trân trọng nhìn ngắm cuộc đời và công trình thiêng liêng của
hai vị mà tôi đánh bạo gọi là "Tông Đồ của Lòng Xót Thương".
Tôi được may mắn làm học trò cha
Tiến Lộc từ năm 21 tuổi, nhưng những lần lọt được vào nội vi DCCT hoặc sang dự
Lễ bên Nhà Thờ Kỳ Đồng, không một dịp nào tôi được thấy bức họa chân dung hoặc
pho tượng Thánh An Phong, cho đến tận khi vào… Tập Viện 11 năm sau đó. Ngược
lại, rất sớm, những chuyến đến sinh hoạt với các em thiếu nhi ở làng phong
Thiên Trợ Phước Tân của các dì Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn ở Đồng Nai, tôi đã nhiều
lần bần thần hồi lâu đứng ngắm chân dung thật hiền hòa phúc hậu của cụ già Vinh
Sơn đệ Phaolô treo trong phòng khách.
Và cứ như vậy, tôi đã được đến gần
với cụ Vinh Sơn trước khi làm đồ đệ cụ An Phong, cảm nhận từng chút một về Tu
Hội Nữ Tử Bác Ái trước khi gắn bó với Dòng Chúa Cứu Thế.
Tôi bất ngờ
khám phá ra một chi tiết trùng hợp lý thú: Cụ Vinh Sơn mất ngày 27 tháng 9 (
năm 1581 ), còn cụ An Phong chào đời cũng đúng vào ngày 27 tháng 9, nhưng lui
về 115 năm sau ( năm 1696 ).
Còn nhớ, một lần nọ, trong dịp hội thảo trong DCCT, một cha già ( nay
đã qua đời ) quá bức xúc về chuyện giảng Đại Phúc, sau khi vừa nghe tôi trình
bày về mục vụ BVSS, vừa đến giờ giải lao, cụ tìm tôi "mắng" ngay:
"Tu DCCT là phải đi giảng Đại Phúc, anh toàn lo chuyện đàn bà bầu bì với
phá thai thì sang bên Tu Hội Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn mà tu !" Tôi chỉ kịp cự
lại được một câu: "Cha nói như thế là xúc phạm đến Dòng Tu của người ta,
cha nợ bên ấy một lời xin lỗi…" còn phần sau thì đành phải nhịn, dù gì cụ
cũng là bậc trưởng thượng lão thành…
Thế nhưng, cũng nhờ chuyện căng
thẳng hôm ấy mà tôi lại mày mò khám phá thêm một chi tiết đắt giá và lý thú:
Mục Vụ giảng Đại Phúc lâu nay anh em DCCT thế hệ chúng tôi cứ nghĩ là "đặc
sản" mang "thương hiệu độc quyền" của DCCT, không ngờ từ thế kỷ
16, các cha Dòng Vinh Sơn đã rong ruổi trên các nẻo đường Đại Phúc cho các Giáo
Xứ nông thôn nghèo. Sau này không rõ vì sao mà bẵng đi một thời gian, Đại Phúc
vắng bóng, mãi đến hơn 1 thế kỷ sau, Thánh An Phong tái lập, thay đổi một số
nghi thức và nội dung, và DCCT đã nối tiếp truyền thống trong Hội Thánh giúp
Tĩnh Tâm cho các tín hữu bình dân thuộc lớp nghèo thành thị và nhất là ở miền
quê cho đến ngày nay.
Lại nhắc
chuyện BVSS, của đáng tội, anh em DCCT lo mảng Mục Vụ này chỉ mới bắt đầu từ
năm 2003 – 2004, có điều công việc mở rộng ra nhiều mặt hoạt động nên được
nhiều người biết đến, nhất là có hẳn một Lăng Anh Hài tính đến nay đã an táng
gần 400.000 di cốt thai nhi. Tuy nhiên chúng tôi vẫn sinh sau đẻ muộn so với
công việc của các Dì Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn, có điều các chị âm thầm lặng lẽ,
đúng với tính cách người phụ nữ nhẹ nhàng dịu dàng mà đi sâu đi xa. Trong thực
tế, rất nhiều lần hai bên chúng tôi đã phối hợp với nhau rất ăn ý để kịp thời
cứu giúp những ca rắc rối phức tạp có nguy cơ phá thai.
Một nét tương đồng khác giữa chủ
trương của hai vị Thánh nghèo. Năm 1998, tôi còn là Thanh Niên Xung Phong Tổng
Đội 1 đóng quân trong xã Tà Nung, đến Chúa Nhật được ra Đà Lạt gọi là
"sinh hoạt tôn giáo", có lần tôi đến thăm cộng đoàn Tu Hội Truyền
Giáo Lazarist ở nơi trước 75 từng được gọi là "Biệt Thự Thánh Tâm",
một thầy đang đi ủng cao su làm vườn, dừng tay tâm sự: "Cha Vinh Sơn
khuyến khích anh em học hành hết mức có thể, nhưng đừng lấy sự thông thái uyên
bác làm mục đích, khi giảng dạy cũng cố gắng trình bày Đạo Chúa thật đơn sơ
bình dân". Sau này, khi đã ngồi ở Học Viện DCCT, cha giáo chúng tôi kể
chuyện: "Có lần cha An Phong đi đâu về ngang Nhà Thờ, nghe vang vang tiếng
một cha trong DCCT đang biện thuyết hùng hồn với cả những lời nói văn chương
bóng bảy, cha An Phong đi thẳng một mạch từ cuối Nhà Thờ lên tới bục giảng, vừa
nắm tay lôi ông cha kia xuống, vừa to tiếng bảo: "Giảng Lời Chúa phải bình
dị cho mọi người dễ hiểu ! Không được phép dùng bục giảng để khoe chữ khoe tài
ăn nói !"
Ngày 27.11.1830, chị Catherine Labouré, một
Nữ Tu khiêm tốn của Tu Hội Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn đã được diện kiến Đức Mẹ, Mẹ
dạy cho chị một lời cầu nguyện: "Lạy Mẹ Maria vì ơn vô nhiễm
nguyên tội, xin cầu cho chúng con là kẻ tội lỗi chạy đến cùng
Mẹ". Tất cả thị kiến này, theo lời dặn dò của Mẹ, được họa lại thành mẫu
ảnh vảy hai mặt bé tý xíu, thường được gọi là Ảnh Phép Lạ ( Médaille
Miraculeuse ) đeo trên cổ hoặc đính trên ngực áo. Còn với DCCT thì Thánh An
Phong đã buộc các Tu Sĩ của mình phải tuyên 4 lời khấn, ngoài 3 Lời Khuyên Tin
Mừng, còn có lời thề hứa bảo vệ niềm chắc tin Đức Mẹ được đặc ân Vô Nhiễm
Nguyên Tội, mà hơn một thế kỷ sau, ngày 8.12.1854, đã trở thành Tín Điều cho
toàn thể Hội Thánh.
Cả hai vị
Thánh lại có một điểm giống nhau kỳ lạ, ấy là cả hai vị đều là những vị Thánh
do được Chúa cho cơ duyên chạm đến người nghèo, nên đã tận tụy đến với người
nghèo, trở thành những vị Thánh như thể được Thiên Chúa dành riêng để lo cho
người nghèo vậy !
Tôi còn nhớ dịp Trung Thu 1980, dì
Marie Luc, khi ấy phụ trách làng phong Phước Tân, say sưa kể với đám thanh niên
chúng tôi về một câu nói của Thánh Vinh Sơn đã trở thành châm ngôn sống của các
chị Nữ Tử Bác Ái: "Giả như các con đang nguyện gẫm hoặc đọc kinh Thần Vụ
mà có một người nghèo hấp hối, đang rất cần đến các con, các con hãy tạm biệt
Chúa Giêsu nơi Nhà Nguyện để chạy ngay đi gặp gỡ Chúa Giêsu nơi người anh em
khốn khổ kia." Còn Thánh An Phong của chúng tôi thì cảm nhận về người
nghèo rằng: Chúa Giêsu đã không cúi mình trên họ, nhưng Người đã bước qua rào
chắn để làm người như họ, và Người đã thuộc về giai cấp bần cùng của xã hội.
Thánh Vinh
Sơn căn dặn: "Khi các con cúi xuống cho người nghèo một ổ bánh mì, hãy nhớ
kèm theo một nụ cười thật ân cần để đền bù cho điều con vừa xúc phạm họ".
Thánh An Phong thì ghi lại trong một lá thư về người nghèo ở vương quốc Napoli:
“Đám trẻ nhỏ đòi ăn bánh, nhưng nào có ai cho !” và có thể nói Hội Dòng
ngài lập ra cũng chỉ để được Chúa sai đến gặp những "lazzaroni",
những con người bị bỏ rơi hơn hết ấy mà trao tặng họ những ổ bánh mì và tấm
bánh Lời Chúa. Một lần nọ, Thánh An Phong đọc trúng đoạn Tin Mừng Chúa Giêsu
bảo: "Người nghèo sẽ luôn còn mãi với anh em" ( x. Ga 12, 8 ), và
ngài đã dựa vào đó để khẳng định như đinh đóng cột: "DCCT sẽ tồn tại cho
đến tận thế". Vậy có thể hiểu lý do DCCT tồn tại chính là người nghèo,
ngày nào còn có người nghèo thì còn DCCT !
Thánh Vinh Sơn Phaolô, lúc sinh
tiền đã từng được bổ nhiệm làm Tuyên Úy của những người tù khổ sai bị xích chặt
vào tay chèo các chiến thuyền, nay thì được Hội Thánh ủy thác làm Bổn Mạng của
cơ quan Cứu Trợ Công Cộng. Thánh An Phong để lại một di sản viết lách khổng lồ,
đáng kể nhất là bộ Thần Học Luân Lý, ngài được Hội Thánh chọn làm Bổn Mạng của
các Linh Mục trao ban Bí Tích Giao Hòa. Vậy là một bên lo cứu đói vật chất cho
người nghèo, một đằng lo cứu người nghèo khỏi cái chết linh hồn, xin được hiểu
người nghèo với khái niệm rất rộng và rất sâu ở cả hai phía. Và như thế, cả hai
vị đều đáng được mệnh danh là những Tông Đồ của Lòng Xót Thương.
Cuối cùng, cảm nhận là như thế,
nhưng còn sống thì sao ? Tôi tự xét mình, và cả anh em DCCT chúng tôi có lẽ mỗi
ngày sống, mỗi kỳ tĩnh tâm tháng, mỗi đợt tĩnh tâm năm, cũng đã được ơn Chúa mà
xét mình cho thấu đáo rằng mình vẫn chưa sống được một mảnh nhỏ tinh thần của
Đấng Sáng Lập của mình, thậm chí, còn thấy xấu hổ nữa, vì không ít lần đã sống
phản chứng, nói nhiều, nói hay, mà làm thì kém cỏi, làm chẳng được bao nhiêu
cho người nghèo…
Lm. Giuse LÊ QUANG UY, DCCT 9.2016
No comments:
Post a Comment