Mấy ngày nay trên tất cả các phương tiện truyền thông, cả “lề trái” lẫn
“lề phải”, một luồng “bão tố” nổi lên từ vụ cá chết trên bờ biển miền Trung ( Hà
Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên ). Nói chung người ta thấy một sự phẫn
nộ đồng loạt của nhiều thành phần trong xã hội. Trong giao tiếp hàng ngày người
ta dễ nhận ra một số người xưa nay tránh né với chuyện chung nay bắt đầu phát
biểu gay gắt, xưa nay thờ ơ với sinh hoạt xã hội nay bắt đầu biết lo âu, thậm
chí còn nghe được những tiếng thở dài ai oán như tự thầm than thân trách phận
vì sao trong quá khứ đã lạnh lùng không có chính kiến. Đó là những chuyển biến
tốt, lẽ ra cần phải có sớm hơn thời điểm này, vì đã quá muộn cho một sự lên
tiếng cần thiết.
Có thể phản ứng xã hội sẽ quyết liệt tập trung vào vụ cá chết và biển bị
đầu độc, có thể người ta sẽ đòi phải có một ứng xử cần thiết với Formosa Hà
Tĩnh. Về phía Nhà Nước, họ sẽ thả cho cục diện diễn biến như thế nào, lèo lái
dư luận ra sao, mở hướng nào để giải quyết vấn đề, thậm chí mở ra những vụ án
nào khác làm "động tác giả" để lừa phỉnh, pha loãng trọng tâm của cơn
bão đang bùng phát.
Là Kitô
hữu, hơn lúc nào hết chúng ta phải tỉnh táo và biện phân thực tại, chúng ta cần
ơn Chúa soi sáng. Ơn khôn ngoan, ơn trí tri, ơn hiểu biết, ơn can đảm, ơn yêu
mến, … của Chúa Thánh Thần, không để cho bị chòng chành giữa muôn chiều đạo lý.
Hơn lúc nào hết, chúng ta phải tin tưởng vào Chúa, Lòng Thương Xót vô biên của
Ngài và sự quan phòng đầy yêu mến.
Tuy nhiên
chúng ta không phải là những kẻ nằm chờ sung rụng. Đức Thánh Cha Phanxicô đề
nghị chúng ta dấn thân tích cực vào chuyện chung của xã hội, có trách nhiệm
chính trị với xã hội.
Dưới ánh
sáng của Thông Điệp Laudato Si, thật đúng lúc để bức Thông Điệp này trở nên
sống động và thiết thực trong xã hội Việt Nam chúng ta. Những nguyên nhân gây
ra thàm họa môi trường mà bức Thông Điệp đề cập tới đều đã hiện nguyên hình qua
vụ cá chết và biển bị đầu độc ở miền Trung: Hệ thống kinh tế lợi ích phe nhóm,
chế độ thực dân biến các nước nghèo thành bãi rác công nghiệp và chế độ độc tài
toàn trị. Chúng ta là người Kitô hữu, dứt khoát chúng ta phải lên tiếng trong
vụ việc này.
Không phải
chỉ có biến cố cá chết và biển bị đầu độc, nhưng môi trường sống của chúng ta
thật sự đã lâm nguy từ lâu. Thực phẩm nhiễm độc, chất tạo nạc và tăng trưởng có
mặt trong chăn nuôi, không khí Hà Nội nhiễm thủy ngân, đồng bằng sông Cửu Long
khô hạn và nhiễm mặn... Cùng với sự nhiễm độc của văn hóa, luân lý, giáo dục,
nghệ thuật, y tế… Tất cả những thứ đó đang tiêu diệt giống nòi Việt Nam.
Nói cho cùng, biển đảo có thể mất, rừng đầu nguồn có thể mất, khoáng sản có thể
mất, nhưng mất mà cũng có thể đòi lại được như một ai đó đã nói ngang ngược là
con cháu chúng ta rồi sẽ đòi lại được, nhưng giống nòi mất, dân tộc mất làm sao
đòi được ?
Trong Cựu Ước có câu chuyện con tàu của ông Nôê, chỉ với một số người
rất ít, một số con vật rất ít, nhưng Chúa cứu cả thế giới này, Chúa làm mới lại
cả thế giới này. Chúa chỉ cần chúng ta tin tưởng vào Chúa, phó thác cho Chúa
mọi sự và luôn đặt niềm trông cậy nơi Chúa. Tuy nhiên trong câu chuyện con tàu
của ông Nôê, trước khi được cứu, những người tin tưởng vào Chúa đã tuyệt đối
tuân theo lời Chúa, đã can đảm làm điều Chúa bảo, bất chấp những chê cười rẻ
rúng của “toàn dân”. Khi ấy mọi người mắng họ là khùng, là thiếu khôn ngoan, là
gây rối loạn cho trật tự trị an, là bất bình thường… Và chắc chắn họ đã không
nhận được sự đồng thuận từ những người khác. Hãy ngẫm xem, gia đình ông Nôê
phải gánh chịu sự cô đơn và khinh bỉ, phải sống chung với sự rẻ rúng và nguyền
rủa như thế nào.
Có ai dấn
mình vào danh sách gia đình ông Noê không ?
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 27.4.2016
No comments:
Post a Comment