"
Bài đọc một ngày thứ
hai tuần VI mùa Phục Sinh, trích trong sách Công Vụ Tông Đồ, có một đoạn kể
chuyện thế này:
Chúng tôi xuống tàu
tại Trôa và đi thẳng đến Samôthra, và hôm sau đến Nêapôli; rồi từ đó đi
Philipphê là thành thứ nhất vùng Makêđônia, và là xứ thuộc địa. Chúng tôi lưu
lại thành này một ít ngày. Ðến ngày Sabbat, chúng tôi đi ra ngoài cửa thành,
đến bờ sông, chỗ người ta thường họp nhau đọc kinh. Chúng tôi ngồi xuống và
giảng cho những phụ nữ đang tề tựu ở đó ( Cv 16, 11-15 ).
Chúng ta hiểu đây là
đoạn sách mà Luca ghi lại hành trình của Thánh Phaolô mà Luca được hân hạnh
tháp tùng, từ ngữ “chúng tôi” trong đoạn này phản ánh cho chúng ta thấy một
nhóm, một cộng đoàn, một đoàn sứ vụ truyền giáo đi với nhau, chia sẻ, cầu
nguyện, sinh sống… và cùng nhau thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng. Hành trình
truyền giáo không bao giờ lẻ loi.
Tin Mừng được loan đi
từ một sinh hoạt rất tự nhiên và đời thường, một nhóm phụ nữ đang tụ họp ở bờ
sông, nơi có những bóng mát của các tàn cây, những ngọn gió sông mát mẻ dịu
dàng, sau những giờ kinh chung họ vui vè trò chuyện với nhau. Các Sứ Đồ tìm
đến, gặp gỡ, thăm hỏi, trò chuyện và loan báo Tin Mừng. Bên dòng sông dâng tràn
sức sống, Tin Mừng được khởi loan cho một miền đất xa lạ, mênh mông, nhưng đầy
hứa hẹn và thách đố. Một lục địa mới mở ra cho hạt giống Đức Tin.
Nghe đoạn Công Vụ
Tông Đồ này chợt nhớ đến câu chuyện của các Thừa Sai trẻ Dòng Chúa Cứu Thế, gần
50 năm trước họ là những người trẻ, nay có người trong họ đã qua đời (Cha Vương
Đình Tài, Thầy Marcô Đàn), người đã về hưu nghỉ ngơi (Cha Nguyễn Văn Phán, ảnh
kèm theo), kẻ ở lại đất Tây Nguyên cũng đã xế chiều (Cha Trần Sĩ Tín). Ngày ấy,
những người trẻ đầy sức sống, bỏ phố thị rủ nhau lên Tây Nguyên, Tây Nguyên
hoang sơ rừng rậm, Tây Nguyên lạnh lẽ ướt át, Tây Nguyên huyền bí đầy bất trắc,
Tây Nguyên lạ lẫm đầy thách thức.
Đức Giám Mục Paul
Seitz Địa Phận Kon Tum (ảnh chân dung kèm theo), bỏ tất cả mọi người lên xe,
chiếc xe Jeep mui trần vượt đèo vượt suối, dừng lại bên bìa rừng, bên ngoài
ngôi làng có tên là Pleikly, tất cả xuống xe, Đức Cha lấy Sách Thánh tuyên đọc
một đoạn Kinh Thánh với chủ đề là sai đi, ngài đặt tay cầu nguyện và chúc lành
cho mọi người rồi ngài lên xe về lại Pleiku. Bóng chiều của núi rừng nhanh
chóng buông xuống, đoàn người lần mò vào làng. Đêm đầu tiên trong bản thượng họ
qua đêm trong một căn chòi, sáng ra họ mới biết là nhà nhốt dê ! Hành trình
truyền giáo cho người J’rai ở Tây Nguyên bắt đầu bằng việc lo cái ăn, cái mặc,
học cái tiếng, tập sống chung, tập làm người bản xứ.
Câu chuyện truyền
giáo của Thánh Phaolô như một khúc phim thơ mộng, câu chuyện của các Thừa Sai
Dòng Chúa Cứu Thế ở Tây Nguyên không kém phần lãng mạn, nhưng những ngày sau đó
là những ngày đối diện thực tế, đối diện khó khăn thử thách và đối diện với
quyền lực thế gian luôn tìm cách chống lại Thiên Chúa.
Ngày nay những dòng
sông trên quê hương này đã bị bức tử, những vạt rừng huyền bí đã không còn nữa,
nhưng những lục địa mới vẫn cứ đang mở ra trước mắt chúng ta và luôn có những
dòng sông mới, những cánh rừng mới Chúa mời gọi ta khám phá. Lục địa số, một
nền văn hóa truyền thông, một đại lục thông tin.
Hãy khoác áo lãng tử
lang thang vào lục địa số nhưng phải có một tâm hồn khao khát truyền dẫn niềm
vui, hãy lên xe đi vào tương lai đến những vạt rừng mới, đủng đỉnh quày balô
tìm đến nhưng buôn làng mới, nơi đó bao nhiêu người chờ đón chúng ta để được
nghe kể chuyện về một người có tên Giêsu Nadarét, Người ấy đã bị giết chết đi
nhưng đã sống lại và thực hiện bao nhiêu điều diệu kỳ, ai tin mà lãnh nhận Phép
Rửa thì sẽ được sống đời đời.
Lm. VĨNH SANG, DCCT,
5.5.2016
(Tựa đề lấy từ bài
hát "Nghìn trùng xa cách" của Phạm Duy)
No comments:
Post a Comment