Tuesday 26 April 2016

Lm Vĩnh Sang DCCT BHUTAN – VIỆT NAM




Những ngày qua, cùng với những tin tức nóng hổi khác, mạng thông tin toàn cầu truyền đi một video dài khoảng 19 phút, video này ghi lại bài chia sẻ của ông Tshering Tobgay, Thủ Tướng nước Bhutan tại một hội nghị của tổ chức TED Talk. Đây là một cộng đồng học thuật uy tín và bài phát biểu được coi là gây chấn động. Nội dung bài chia sẻ về vấn đề môi trường, những thành tựu của Bhutan về môi trường và những thao thức cũng như cố gắng của quốc gia này mong muốn đóng góp cho môi trường toàn cầu.
Nếu có thể được nên xem toàn bộ video này để thấy được Bhutan đã và đang cống hiến những gì cho môi trường sống của nhân loại. ( http://video.thanhnien.vn/thoi-su/toan-van-bai-phat-bieu-gay-chan-dong-cua-thu-tuong-bhutan-60613.html ).
Cảm giác đầu tiên của tôi là ngưỡng mộ vị Thủ Tướng của đất nước này. Gần 20 phút ở nghị trường ông hoàn toàn làm chủ hội nghị. Phong thái đơn giản, dí dỏm, ngôn ngữ bình dị gần gũi, kiến thức dàn trải bao phủ vấn đề trình bày, khả năng Anh ngữ lưu loát, với bằng ấy thứ ông đủ thuyết phục và làm cho mọi người say sưa theo dõi. Chúng ta nghe nhiều tràng pháo tay dành cho bài nói chuyện này, những tán thưởng và khâm phục thực sự của các khán giả có tầm hiểu biết sâu rộng, đến từ nhiều quốc gia, không hề vỗ tay một cách gượng ép, vỗ theo quán tính và theo công thức chỉ đạo như chúng ta luôn thấy trong các hội nghị ở Việt Nam mình. Dĩ nhiên bản lĩnh của vị Thủ Tướng này làm ta liên tưởng đến các quan chức kém cỏi và tầm thường của chúng ta mỗi khi xuất hiện trước công chúng.
Cảm giác tiếp theo là cảm giác mang tên... buồn tủi. Từ một đất nước tự hào rừng vàng biển bạc, ngày nay sạch trắng cả biển lẫn rừng, không chỉ mất rừng trong phần đất của mình mà còn sang cả nước láng giềng phá rừng xẻ núi. Mấy ngày nay cá chết trắng bờ biển, những con cá to cả chục ký lô nằm phơi thây cho ruồi muỗi bu quanh. Bhutan ra chỉ tiêu diện tích được rừng che phủ là 60%, nhưng thực tế là 72%. Nhờ có rừng, Bhutan gìn giữ được sự đa dạng sinh học; nhờ có rùng, Bhutan tăng khả năng hấp thụ CO2, làm giảm khả năng hiệu ứng nhà kính; nhờ có rừng, Bhutan sản xuất điện sạch dư dùng và bán sang các nước lân cận. Quá cảm phục Bhutan và quá buồn tủi cho đất nước mình.
Bhutan miễn phí trong việc đào tạo và giáo dục, miễn phí cho mọi công dân, không một ai phải đóng tiền hết, lên đại học có những sinh viên chăm ngoan còn được miễn phí. Bhutan miễn phí toàn bộ các dịch vụ y tế cho mọi công dân. Bhutan miễn phí điện cho các miền thôn quê... Quá buồn tủi khi nhìn về đất nước mình !
Đứng trước một đất nước tan hoang cả trong lẫn ngoài, trong thì xuống cấp toàn diện, cả cả lương tri, ngoài thì mất đảo, mất biển, mất đất, mất rừng. Môi trường sống bị đầu độc trầm trọng.
Là người Kitô hữu chúng ta lắng nghe tiếng Chúa. Thông Điệp Laudato Si dạy ta những gì ? Thủ phạm gây ra sự tàn phá môi trường là ai ? Đâu là thái độ phải có của người Kitô hữu. Đức Thánh Cha khi phân tích cho chúng ta về sự vô ý thức gây tàn phá môi trường rồi đề nghị chúng ta phải được học hỏi linh đạo môi trường và thay đổi cách ứng xử với môi trường, Đức Thánh Cha cũng không ngần ngại vạch ra cho chúng ta thấy một nền kinh tế chỉ nhắm đến lợi nhuận, lợi ích nhóm, một nền kinh tế thực dân áp đặt trên các nước nghèo biến họ thành những bãi rác công nghiệp, và những chế độ đôc tài là những nguyên nhân chính, nguyên nhân lớn nhất gây ra tàn phá môi trường. Giáo Hội cùng lúc giáo huấn và giúp nhân loại gìn giữ ngôi nhà chung, Giáo Hội còn có bổn phận lên tiếng cảnh báo mạnh mẽ về những hệ thống kinh tế và những thể chế phá hoại này.
Thách đố quá lớn lao nhưng là thách đố của Lòng Tin hôm nay.
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 21.4.2016

No comments: