Hôm nay ngày 7 tháng 4, Hội Thánh kính nhớ Thánh Gioan
Lasan, vị sáng lập “Dòng Sư huynh các trường Công Giáo”, còn gọi là
"Trường Chúa Kitô". Ở Việt Nam các Tu Sĩ Dòng Lasan mở thêm Dòng Nữ
Lasan, Trước năm 1975, Dòng Nữ Lasan chỉ có ở Việt nam và Thái Lan. Sau năm
1975 các Nữ Tu Dòng Nữ Lasan đến Hoa Kỳ và thiết lập cộng đoàn tại đây. Đây là
một Hội dòng chuyên lo việc giáo dục cho thanh thiếu niên, đặc biệt là các trẻ
em nghèo. Tên Dòng Lasan được viết từ tên vị sáng lập Dòng
người Pháp là Thánh Gioan Lasan (Jean-Baptiste de La Salle, 1651 –
1719). Các Tu Sĩ Dòng Lasan được gọi là Sư
Huynh, ở Việt Nam nhiều người vẫn gọi các vị là Frère ( tiếng Pháp,
nghĩa là anh, huynh ), vì họ tuy khấn Dòng nhưng không phải là Linh Mục.
Lâu lắm mới có một lần được mừng đúng ngày, vì lễ kính Thánh nhân (7 tháng 4)
thường rơi vào Tuần Thánh hoặc Tuần Bát Nhật Phục Sinh.
Thánh
Gioan Lasan có ý tưởng mở trường nghĩa thục dạy miễn phí cho trẻ em nghèo nên
quy tụ một số bạn đồng ý chí để thành lập những trường như vậy, với tâm nguyện
mọi người vừa điều khiển trường, vừa dạy học, vừa sống luôn trong cộng đồng của
các em học sinh. Các Tu Sĩ của Dòng Lasan tuy có khấn dòng, nhưng họ không lãnh
nhận Chức Thánh nên họ không phải
là Phó Tế hoặc Linh Mục, Giám Mục. Dòng Lasan là Dòng Tu Nam đầu tiên của Giáo
Hội Công Giáo không có Linh Mục.
Dòng
Lasan được cho là tổ chức đầu tiên trên thế giới áp dụng những phương pháp sư
phạm hiện đại. Thí dụ, ngay từ thời sơ khai, Gioan Lasan đã có khái niệm đặt
lợi ích học sinh lên trên hết, và cấm thầy giáo không được phạt học trò bằng
cách đánh đòn.
Trước
năm 1975 tại miền Nam Việt Nam, hệ thống trường do Dòng Lasan tổ chức lan rộng
trên nhiều tỉnh thảnh Bắc Trung Nam, và đạt được tin cậy của các vị phụ huynh
rất cao. Ở Sàigòn nổi tiếng có trường Lasan Taberd (Quận 1) và Lasan Mossard (Thủ
Đức) với cơ sở hiện đại, quản lý giáo dục và đội ngũ giảng dạy rất có uy tín,
nhiều vị học giả, chuyên gia và giới chức cao cấp trong nhiều lãnh vực tốt
nghiệp từ trường này ra. Việc được tuyển vào học trong ngôi trường danh tiếng
này không dễ dàng chút nào, ngoài khả năng học tập, thành phần học sinh ở đây
đều xuất thân từ các gia đình khá giả vì học phí rất cao. Tuy nhiên với loại
gia đình trung trung như chúng tôi thì đã có trường Lasan Hiền Vương ( ngã Sáu
), Lasan Đức Minh (Tân Định), phẩm chất giảng dạy không kém Taberd, chỉ khác
biệt về môi trường sinh hoạt mà thôi, dĩ nhiên học phí ở hai trường này mềm
hơn. Tôi được biết thêm Trường Mù Lasan Hiền Vương được tổ chức để lo cho các
em khiếm thị, Trường Dạy Nghề Đức Minh để giúp người lao động nghèo có nghề
nghiệp.
Cùng
với hệ thống trường Dòng Lasan, các trường học khác của cả Công Giáo lẫn Phật
Giáo trên cả nước phải đóng cửa bàn giao lại cho Nhà Nước vào năm 1975, đáng kể
ở Sàigòn có các trường nổi tiếng: Nguyễn Bá Tòng 1 và 2, Saint Thomas, Lê Bảo
Tịnh, Bồ Đề, Cứu Thế… Các trường đại học có uy tín không kém, có khi hơn cả
trường công lập, như Viện Đại Học Đà Lạt, Viện Đại Học Minh Đức, Viện Đại Học
Vạn Hạnh… Ở các tỉnh cũng có những trường nổi tiếng không thua gì Sàigòn, như
trường Thánh Tâm (Đà Nẵng), trường Thiên Hựu (Huế), Trường Bùi Chu (Dốc Mơ, Gia
Kiệm),… Trước năm 75 hệ thống trường tư thục do Giáo Hội thiết lập dày đặc khắp
nơi, gần như bên cạnh một Nhà Thờ, dù ở bất cứ nơi đâu đều có một nhà trường
trung học, ít nữa cũng là trường tiểu học.
Về
phẩm chất của giáo dục trước năm 75 ở miền Nam, đăc biệt là ở các trường Công
Giáo ra sao ngày nay không cần phải bàn nữa, mọi người đã từng được nghe và
nhận thức được sự thật này. Năm 75 người ta phá vỡ hoàn toàn hệ thống giáo dục
ở miền Nam thay vào đó là một nền giáo dục mang danh Xã Hội Chủ Nghĩa mà kết
quả là thảm trạng hôm nay.
Những
con người được đào tạo ra trong nền giáo dục Xã Hội Chủ Nghĩa ít nhiều đã bị
thấm nhiễm những điều không tốt của chủ trương Tam Vô ( vô tổ quốc, vô tôn
giáo, vô gia đình ), cho dù con người ấy là ai, dấn thân trong đường hướng nào.
Thí dụ về bằng cấp, chúng ta than phiền về bằng giả, bằng mua, bằng thật mà lại
học giả…
Tôi
có người quen học tiến sĩ, hoàn cảnh không mấy khả giả nhưng anh học rất giỏi
và sống đủng đỉnh nhờ vào nghề viết bài thuê cho các vị học giả mong lấy bằng
thật, kết quả là các ông tiến sĩ thuê viết luận văn này khi thời cơ đến, leo
được lên ghế lãnh đạo, sẽ cho xã hội những sản phẩm ra sao, sẽ điều khiển các
học viện, các viện nghiên cứu như thế nào !?!
Chúng
ta đã từng được nghe các vị đi du học, du nhiều hơn là học, khi về cũng được kể
là đã du học. Hoặc chúng ta cũng được nghe về các vị đi ra nước ngoài, bon chen
ghi danh học một chương trình nào đó, về nước vênh vang bịp người khác cái mác
tiến sĩ, xem ra thì chỉ là cái giấy chứng nhận có dự khóa vậy thôi.
Cái
đáng sợ là những tệ hại kiểu như thế không dừng lại ở bất cứ lãnh vực nào của
xã hội chúng ta, nó len lỏi cả vào trong Giáo Hội!
Ông Đinh La Thăng, Bí Thư Thành Ủy thành phố, vừa có
những phát biểu gây sóng gió trên các phương tiện truyền thông. Ông nói về
“khát vọng đưa thành phố này trở lại vị trí số một” ( trang 1 và trang 2 báo
Tuổi Trẻ ra ngày thứ tư 30 tháng 3 ), có nghĩa là thành phố này phải tiến lên
dành lại danh hiệu “Sàigòn, Hòn ngọc viễn đông” của hơn 40 năm trước. Trước đó,
ông có đề cập đến việc phải chấm dứt nạn cướp giật và lang thang ở thành phố
này.
Báo
Tuổi Trẻ ngay lập tức mở diễn đàn hiến kế để thực hiện ý muốn của vị Bí Thư.
Sau khi suy nghĩ rất nhiều, tôi quyết định không hiến kế, vì nghĩ rằng kế của
mình có hiến người ta cũng không dám thực hiện. Kế của tôi liên quan đến 3 mảng
quan trọng của đời sống: Xã hội – Giáo dục – Y tế:
-
Giao cho các tôn giáo quyền tự do làm công tác xã hội từ thiện, chắc chắn sẽ
giảm bớt nạn cướp giật, móc túi, và chấm dứt cảnh sống lang thang cơ nhỡ…
-
Trả lại hệ thống giáo dục cho các tôn giáo được tham gia, trở về với cách thức
miền Nam đã thực hiện trước năm 75, cộng thêm phần canh tân theo khuynh hướng
hiện đại của các nước đang phát triển trong khu vực…
-
Mời gọi các tôn giáo mở lại các cơ sở y tế từ phòng khám đến nhà thương, để các
y bác sĩ gốc là các nam nữ Tu Sĩ, là Linh Mục có thể tham gia khám, chữa bệnh,
đặc biệt chú ý đến người nghèo…
Tôi
nghĩ họ không dám thực hiện nhiều điều ấy, vì vừa rồi có một vị giảng viên đại
học tâm sự với tôi: “Con mới có like một bài trên facebook nói về việc ‘nuối
tiếc một nền giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa’ thì hôm sau bị gọi lên Phòng Tổ
Chức với lời nhắc nhở: lưu ý vấn đề nhạy cảm!”
Không
dám nhìn sự thật, còn lâu mới đổi mới ! Thật đáng tiếc và đáng giận!
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 7.4.2016
No comments:
Post a Comment